Báo chí quốc tế nói về vụ dời giàn khoan

Cac Bai Khac

No sub-categories

Báo chí quốc tế nói về vụ dời giàn khoan

Trung Cộng nói việc di chuyển giàn khoan là quyết định ‘mang tính thương mại’

Theo BBC – 14:59 GMT – thứ  Năm, 17 tháng 7, 2014

Tin về việc Trung Cộng di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển tranh chấp với Việt Nam đã đăng tải rộng rãi trên truyền thông quốc tế và thu hút nhiều ý kiến bình luận từ giới quan sát.

Tạp chí The Diplomat ngày 17/7 đăng bài của cây bút Shannon Tiezzi trong đó cho rằng nguyên nhân chính của quyết định này là do Bắc Kinh nhận thấy “không có nhiều lợi ích trong việc giữ giàn khoan ở vị trí hiện tại”.

“Từ một góc nhìn chiến lược, giàn khoan đã đạt được mục đích của mình,” theo tác giả.

“Trung Quốc đã chứng minh rằng nước này có khả năng đưa giàn khoan vào hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa dưới sự yểm trợ của lực lượng hải quân để bảo vệ giàn khoan trước các tàu Việt Nam.”

“Bắc Kinh cũng đã chứng minh rằng mình có khả năng kháng cự lại sự chỉ trích từ bên ngoài, đồng thời phớt lờ và phản công khi Việt Nam, Hoa Kỳ và các nước trong khu vực cáo buộc Trung Quốc gây hấn”.

‘Đặt tiền lệ mới’

“Chính quyền Bắc Kinh sẽ coi như là họ đã thành công trong việc đặt một tiền lệ mới, trong đó nước này có thể áp đặt cách diễn giải của mình về những ranh giới trong khu vực mà không gặp phải bất lợi đáng kể nào” – Tạp chí The Diplomat

Bài viết cho rằng việc Bắc Kinh tuyên bố đã tìm thấy dầu khí trong khu vực sẽ tạo điều kiện cho họ đưa giàn khoan trở lại vào bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, việc dịch chuyển giàn khoan, theo tác giả, cũng là cơ hội để Bắc Kinh cải thiện quan hệ với Hà Nội và “bắt đầu thảo luận về việc hợp tác trên những lĩnh vực khác”.

Một bài khác của tác giả Clint Richards, cũng trên The Diplomat, thì cho rằng “mặc dù Trung Quốc đã tạm rút lui vào lúc này, nhiều khả năng nước này đang có một cuộc chơi dài hạn”.

Trung Quốc đã “chứng minh rằng nước này có thể hoàn thành mục tiêu của mình,  bất chấp sự phản đối từ khu vực và những cuộc đụng độ xảy ra gần như mỗi ngày”,  bài viết có đoạn.

Tác giả cho rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ coi như là họ đã thành công trong việc “đặt một tiền lệ mới, trong đó nước này có thể áp đặt cách diễn giải của mình về những ranh giới trong khu vực mà không gặp phải bất lợi đáng kể nào”.

Cũng theo ông Richards, “lãnh đạo Trung Quốc giờ đây cảm thấy họ có thể lặp lại những vấn đề này vào bất cứ thời gian và địa điểm nào họ muốn trong tương lai, và cán cân an ninh khu vực sẽ không bị mất thăng bằng quá nghiêm trọng hoặc chuyển hẳn sang hướng bất lợi cho họ”.

‘Mối tình sóng gió’

Quốc hội Việt Nam đã không ra nghị quyết riêng về Biển Đông trong kỳ họp kết thúc hồi cuối tháng 6

The Economist trong khi đó so sánh mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc như một “mối tình sóng gió”.

Tạp chí này dẫn lời của tiến sỹ Jonathan London, một nhà nghiên cứu về Việt Nam, cho rằng quyết định di chuyển giàn khoan của Trung Quốc có thể là do muốn “làm giảm đi phần nào sự khó xử của Hà Nội” trong cách ứng xử với Bắc Kinh.

“Hai quốc gia cộng sản này có một lịch sử phức tạp, hình thành từ thù hằn,  nghi ngờ và cả những sự hợp tác miễn cưỡng,” bài viết có đoạn.

“Cả hai không thể nào không tranh cãi và rồi lại làm lành”.

“Trung Quốc là một đồng minh ý thức hệ, một đối tác thương mại quan trọng, và là một cường quốc quân sự đang trỗi dậy”.

“Ngay cả bên trong Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có một bộ phận đông đảo thân Trung Quốc” và “đề cao mối quan hệ với Bắc Kinh hơn việc thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ”.

Tuy nhiên, bài viết cũng cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang đứng trước áp lực ngày càng lớn trong việc bảo vệ chủ quyền và xem xét lại sự lệ thuộc Trung Quốc về kinh tế.

“Họ nghĩ rằng nếu thất bại trong việc đáp ứng những yêu cầu này, tính chính danh của Đảng sẽ bị làm cho sứt mẻ”, theo tác giả.

“Dù sao đi nữa, đó cũng là một đảng được hình thành từ công cuộc chống ngoại xâm”.

Dân mạng Trung Quốc giận dữ

“Ngay cả bên trong Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có một bộ phận đông đảo thân Trung Quốc ” – Tạp chí The Economist

Quyết định di chuyển giàn khoan của Bắc Kinh đã khiến cư dân mạng Trung Quốc phản ứng giận dữ và cho rằng điều này là do áp lực từ Hoa Kỳ, tờ Washington Post  trong bài ngày 16/7 cho biết.

Một người được Washington Post dẫn lời nói quyết định này là “đáng xấu hổ”,  trong khi một người khác nói Bộ Ngoại giao Trung Quốc yếu ớt như loài ‘sứa biển’.

“Hay là chuyển văn phòng của Obama sang Trung Quốc?”, một người khác đặt câu hỏi.

“Có khi như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc chấp nhận đề nghị của ông ta”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định rằng quyết định di chuyển giàn khoan hoàn toàn là “mang tính thương mại” chứ không phải do áp lực từ bên ngoài.

Tân Hoa Xã hôm 16/7 dẫn thông cáo từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) cho biết nguyên nhân di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 là do mùa bão sắp bắt đầu.

Quyết định này được Bắc Kinh đưa ra chỉ chưa đầy một tuần sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Bắc Kinh dự Đối thoại Chiến lược và Kinh tế (S&ED),  nơi mà căng thẳng trên Biển Đông được cho là đã nằm cao trong nghị trình.

Tuy nhiên, trong bài viết trên The Diplotmat, tác giả Shannon Tiezzi cho rằng “sau hàng tháng trời bị chỉ trích, bao gồm cả những bài phát biểu nóng bỏng ở  Đối thoại Shangri-La, Bắc Kinh vẫn không có chút dao động nào trong sự tính toán của mình, vì vậy khó có khả năng S&ED đã trở thành nơi quay đầu của họ”.