‘Báo chí có những hình ảnh có hại cho VNCH’

Cac Bai Khac

No sub-categories

‘Báo chí có những hình ảnh có hại cho VNCH’

Ông Nick Ut nổi tiếng với hình ảnh trong cuộc chiến Việt Nam

Theo BBC – 30 tháng 4 2015 – Phóng viên ảnh Nick Ut của hãng thông tấn AP trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam nhìn nhận truyền thông quốc tế khi đó có lúc đã đăng tải những hình ảnh ‘có hại cho Việt Nam Cộng hòa’.

Một nhà báo khác là cộng tác viên của AP từng tiếp xúc với phía Bắc Việt mô tả bộ đội Bắc Việt chỉ biết ‘nhận lệnh đi đánh’ chứ ‘không biết thông tin gì về thế giới bên ngoài’.

Nick Út và Nguyễn Tú A, hai cựu phóng viên chiến trường ở Việt Nam, đã đưa ra những nhận định trên trong cuộc phỏng vấn với BBC từ miền Nam California, nơi hiện thời hai ông định cư sau khi di tản khỏi miền Nam Việt Nam vào trước ngày 30/4/1975.

Ông Nguyễn Tú A là cộng tác viên còn Nick Út khi đó là phóng viên ảnh cho AP. Ông Nick Út nổi tiếng với bức ảnh chụp ‘Em bé Napalm’ nổi tiếng khắp thế giới.

‘Không vào được phía cộng sản’

Bức ảnh chụp một bé gái trần truồng bị bỏng sau một trận bom napalm của quân đội Việt Nam hồi năm 1972 mà ông chụp đã ‘được cả thế giới đăng, luôn cả báo cộng sản của Nga, của Cuba đều lên trang bìa’, ông nói với BBC.

“Trong vòng hai ngày (sau khi có bức ảnh đó), đã nổ ra những cuộc biểu tình chống chiến tranh trên khắp thế giới,” ông kể.

Khi được hỏi có phải những hình ảnh khốc liệt của truyền thông về cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam đã góp phần làm dư luận thế giới không ủng hộ người Mỹ và Việt Nam Cộng hòa hay không trong khi bộ máy tuyên truyền của Bắc Việt chỉ công bố những hình ảnh có tính chất khích lệ tinh thần bộ đội của họ, nhà báo Nick Út nói ông ‘không vào được phía cộng sản chụp ảnh’.

“Nhiều người hỏi tôi tại sao chụp phía quân đội miền Nam chết mà không chụp phía cộng sản,” ông nói và cho biết nếu ông và các nhà báo nước ngoài khác vào vùng miền Bắc kiểm soát tác nghiệp thì ‘có thể bị bắt’.

Trong khi đó, quân đội Mỹ, quân đội miền Nam khi đó ‘rất cởi mở cho báo chí’, cũng theo lời ông.

“Báo chí muốn đi đâu được tự do đi hết. Muốn chụp xác chết cũng được nữa.”

Ông thừa nhận trong chiến tranh Việt Nam có những hình ảnh ‘không có lợi cho miền Nam, không có lợi cho chính phủ Mỹ’ như tấm ảnh của nhà báo Eddie Adams chụp tướng Nguyễn Ngọc Loan cầm súng bắn thẳng vào đầu một người Việt Cộng.

‘Tủ lạnh đầy đồ ăn’

“Vấn đề tuyên truyền ở miền Bắc hay hơn miền Nam,” ông nhận xét và dẫn chứng vào những ngày cuối tháng Tư năm 1975, ông đã chứng kiến dân chúng ở các tỉnh miền Trung ‘nghe cộng sản tới họ bỏ chạy hết’.

“Tôi thấy ở các tỉnh miền Trung cộng sản không thấy bao nhiêu mà tại sao họ bỏ chạy. Lý do họ (Bắc Việt) tuyên truyền thôi,” ông giải thích.

Nhà báo Tú A, cộng tác viên AP ở Sài Gòn, thuật lại lời của một nhà báo phía Bắc Việt nói với ông rằng: “Có một ông tướng (Bắc Việt) nói lạ lắm: nhiều gia đình ở Sài Gòn bỏ chạy trong khi tủ lạnh nhà họ có đầy đồ ăn.”

“Bộ đội chiến đấu miền Bắc lúc đó chỉ biết được rằng ‘dân miền Nam đói rách’,” ông nói.

Khác với Nick Út, nhà báo Tú A đã ‘từng được vào khu Việt Cộng’ với sự cho phép của an ninh quân đội miền Nam, ông kể với BBC trong cuộc phỏng vấn tại nhà riêng.

“Tôi nói chuyện tay đôi với cộng sản qua hàng rào kẽm gai,” ông nói và cho biết ông nhận ra rằng những cán binh cộng sản đó ‘không biết nhiều về chiến tranh Việt Nam’.

“Họ được lệnh từ địa điểm này kéo đến điểm tập trung mà đánh rồi được cho biết có thể có đầy đủ lương thực ở đó.”

“Đơn vị nào thì chỉ biết chỗ họ đánh. Điều này khác với lính tráng miền Nam, anh sỹ quan còn biết tình hình thế giới,” ông nói thêm.

“Nếu ông ta là chính trị gia thì ông ta không nói những cái mà ông ta nghĩ mà nói những cái mà Nhà nước bảo ông nói.”

Dân chúng bỏ chạy

Cả hai phóng viên của hãng tin Mỹ cũng đã chứng kiến cảnh hỗn loạn trong những ngày cuối cùng ở Sài Gòn trước khi Việt Nam Cộng hòa đầu hàng.

“Tôi ngồi trên chiếc máy bay đáp xuống Đà Nẵng. Máy bay vừa mở cửa thì hàng nghìn đồng bào Việt Nam bắt đầu chạy vào mà phi cơ không còn chỗ nữa. Một số người đeo bánh xe máy bay rớt xuống chết,” Nick Út kể.

“Tôi cũng có mặt trên chiếc trực thăng bay dọc Quốc lộ Tuy Hòa thấy hàng ngàn đồng bào chạy ra biển để đến hạm đội Mỹ. Người chết rất nhiều,” ông nói thêm.

Còn phóng viên Tú A, người đến tận ngày 29/4 mới di tản, mô tả cảnh người dân Sài Gòn ‘đổ xô đến các tòa đại sứ’.

Trên đường ông đến lái chiếc xe gắn máy chở gia đình đến chỗ chiếc trực thăng đón, ông Tú A nói ‘xác đầy đường’ và ‘tôi phải lách qua xác người mà chạy’.

Theo lời ông thì từ lúc các phóng viên AP từ Campuchia chạy về thì hãng tin AP đã căng một băng rôn rất lớn ở văn phòng ghi dòng chữ: “Beware of bloodbath” (Coi chừng tắm máu) để cảnh báo các phóng viên và nhân viên sớm di tản khỏi Việt Nam.

“Tôi đoán trước tình hình đất nước sắp mất,” ông nói, “Đêm 22, 23 gì đó, tôi vào Dinh Độc Lập làm phóng sự thì Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã khóc một cách thành thật và khóc xong còn chửi người Mỹ không còn lời nào.”

‘Không còn đạn dược’

Khi được hỏi về nhận định của miền Bắc rằng miền Nam ‘tháo chạy nhục nhã’, ông nói: “Tôi hay ra chiến trường. Những ngày chót phức tạp lắm. (Quân đội miền Nam) không có đủ bom đạn. Anh phải quen với tùy viên quân sự, phải năn nỉ thì mới có pháo bắn để chặn lúc bị tấn công.”

“Tôi không nghĩ là tháo chạy nhục nhã mà mình bị bỏ rơi, bị bán. Họ đã đánh đâu mà thua nhục nhã?,” ông nói thêm, “Mình chơi với bạn và bị bạn bán thì tôi không nhục nhã mà là kẻ bị lừa.”

Phóng viên Nick Út cũng có cùng chung nhận định với phóng viên Tú A.

“Họ muốn chiến đấu mà không còn đạn dược. Muốn ném bom cũng hết bom. Pháo binh cũng không còn pháo vì sự viện trợ của Mỹ đã hết rồi nên đành buông súng đầu hàng thôi.”

“Quân đội miền Nam đánh rất giỏi, giỏi hơn miền Bắc,” ông nói, “Thật sự đồng minh bỏ đi hết rồi thì họ không còn gì để mà đánh.”

“Miền Bắc được viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc còn miền Nam không còn viện trợ gì hết thì họ cũng bó tay thôi,” ông nói them.