Báo cáo Bộ An ninh Nội địa Mỹ tiết lộ 9 mối đe dọa lớn từ ĐCSTQ
Mục lục bài viết
- Đe dọa an ninh mạng
- Phát tán tuyên truyền sai lệch về virus viêm phổi Vũ Hán
- Can thiệp vào bầu cử Mỹ
- Can thiệp vào chính quyền địa phương và các tiểu bang Mỹ
- Đe dọa an ninh kinh tế Mỹ
- Đe dọa các tổ chức học thuật và nghiên cứu của Mỹ
- Đe dọa đầu tư nước ngoài vào Mỹ
- Đe dọa tính toàn vẹn của chuỗi cung ứng Mỹ
- Vi phạm luật và chính sách thương mại của Hoa Kỳ
Mối đe dọa từ ĐCSTQ một lần nữa trở thành trọng tâm của chính phủ Mỹ.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ (Department of Homeland Security) đã công bố báo cáo “Đánh giá mối đe dọa lãnh thổ quốc gia” đầu tiên trong tháng này. Đây là một báo cáo toàn diện được thiết kế để giáo dục công chúng về những mối đe dọa lớn nhất mà Hoa Kỳ đang phải đối mặt. Mối đe dọa từ ĐCSTQ một lần nữa trở thành trọng tâm của chính phủ Mỹ. Ngoài ra, báo cáo cũng đề cập đến các mối đe dọa từ các nước như Nga và Iran.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài CBS, quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa, Chad Wolf cho biết báo cáo này “bao phủ tất cả các mối đe dọa chính mà tôi chú ý đến hàng ngày”.
Ông Wolff cho rằng, “mối đe dọa chiến lược lâu dài nhất đối với người Mỹ, đối với lãnh thổ nước Mỹ, thậm chí cả lối sống của chúng tôi chính là mối đe dọa từ ĐCSTQ”.
“Nó bao gồm nhiều mối đe dọa khác nhau. Từ các mối đe dọa mạng Internet mà chúng tôi thấy, tác động của nước ngoài, an ninh chuỗi cung ứng, đến việc lợi dụng hệ thống học tập và thị thực của chúng tôi, đầu tư nước ngoài vào Hoa Kỳ, vi phạm chính sách thương mại …”, ông Wolff nói. “Trong làn sóng đe dọa này, chúng tôi đã thấy ĐCSTQ đóng một vai trò rất quan trọng và không ngừng gia tăng, cố gắng thực sự gây ra một số tổn thất lâu dài cho Hoa Kỳ”.
Báo cáo của Bộ An ninh Nội địa cho biết, an ninh thương mại và kinh tế chính là thuộc phạm trù an ninh nội địa. Trong thời đại cạnh tranh giữa các cường quốc, Bộ an ninh nội địa ngày càng lo ngại nhiều hơn đến các mối đe dọa từ các tác nhân chính phủ nước ngoài, đặc biệt là các mối đe dọa trực tiếp và gián tiếp từ ĐCSTQ đối với nước Mỹ. Những mối đe dọa này bao gồm sự tàn phá đối nền kinh tế Mỹ thông qua đánh cắp tài sản trí tuệ, sản xuất và bán hàng giả, cũng như các hành vi thương mại không công bằng khác.
“Nhiệm vụ của Bộ An ninh Nội địa là giảm thiểu những mối đe dọa này. Chúng tôi sẽ duy trì một quan điểm rõ ràng về việc coi ĐCSTQ như một đối thủ cạnh tranh chiến lược lâu dài của Mỹ”, báo cáo nhấn mạnh.
Dưới đây là tóm tắt 9 mối đe dọa chính của ĐCSTQ đối với Mỹ từ báo cáo của Bộ an ninh nội địa.
Đe dọa an ninh mạng
Báo cáo cảnh báo, ĐCSTQ đã tạo thành “mối đe dọa gián điệp mạng cao độ” đối với nước Mỹ, và năng lực tấn công mạng của Bắc Kinh vẫn đang gia tăng.
Báo cáo cho hay, gần như chắc chắn rằng những đối tượng thực hiện các hành vi tấn công mạng ở Trung Quốc sẽ tiếp tục tham gia vào các hoạt động gián điệp mạng ở quy mô rộng lớn, đánh cắp tài sản trí tuệ và thông tin nhận dạng cá nhân từ các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ Mỹ nhằm thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp quân sự và dân sự, đạt được lợi thế kinh tế và hỗ trợ các hoạt động tình báo của nó. ĐCSTQ ngày càng có khả năng đe dọa và nguy cơ phá hủy tiềm ẩn đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ.
Báo cáo đề cập rằng, các cuộc tấn công mạng của ĐCSTQ tập trung nhắm vào các công ty trong các ngành sản xuất, cơ sở công nghiệp quốc phòng, năng lượng, y tế và giao thông then chốt.
Mục tiêu của Bắc Kinh là các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông nước ngoài, mà các sản phẩm và dịch vụ của các công ty này đi vào mạng lưới các chính phủ và khu vực tư nhân trên toàn cầu. Đồng thời, Bắc Kinh cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển toàn cầu của các công ty công nghệ thông tin Trung Quốc, bởi vì những công ty này có thể đóng vai trò là nền tảng gián điệp của ĐCSTQ ở hải ngoại.
Nỗ lực thống trị trong lĩnh vực 5G của ĐCSTQ đã mang đến những thách thức cho Hoa Kỳ trong nỗ lực tăng cường an ninh quốc gia, bảo mật dữ liệu cá nhân, việc chống lại những tác động xấu và nhân quyền.
Phát tán tuyên truyền sai lệch về virus viêm phổi Vũ Hán
Báo cáo cho biết, ĐCSTQ đã sử dụng các thủ đoạn công khai và bí mật, bao gồm cả “đội ngũ mao – 50 xu” trên mạng xã hội, để thực hiện các hoạt động tuyên truyền sai lệch nhằm chuyển hướng trách nhiệm đối với dịch bệnh cho các quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ. ĐCSTQ có thể tăng cường các hoạt động gây ảnh hưởng tại Mỹ để đáp lại việc chính phủ Mỹ lên án vai trò của Bắc Kinh trong việc xử lý đại dịch virus viêm phổi Vũ Hán khiến virus phát tán ra toàn cầu.
Báo cáo cho biết, kể từ tháng 8/2019, hơn 10.000 tài khoản Twitter bị nghi vấn giả mạo đã phối hợp trong hoạt động phát tán các ngôn luận chính diện cho chính quyền ĐCSTQ, bao gồm cả các tài khoản bị hack từ khắp nơi trên thế giới.
Các tài khoản này lan truyền các thông tin sai lệch về đại dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19) và các chủ đề khác mà ĐCSTQ quan tâm. Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các phương tiện truyền thông nhà nước và các tài khoản Twitter chính thức đã phát tán tin đồn rằng Covid-19 có thể bắt nguồn từ Mỹ, đồng thời chỉ trích phản ứng của Mỹ đối với đại dịch.
Can thiệp vào bầu cử Mỹ
Báo cáo cũng đề cập đến việc Trung Quốc, Nga và Iran cố gắng sử dụng các hoạt động gây ảnh hưởng công khai và bí mật để can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.
Báo cáo chỉ ra rằng, ĐCSTQ có thể tiếp tục sử dụng các hành động công khai và bí mật để bôi nhọ các chính sách của chính quyền Trump trước cuộc bầu cử, đồng thời định hình một hoàn cảnh thông tin trong nước có lợi cho ĐCSTQ.
ĐCSTQ sẽ tiếp tục lợi dụng hộp công cụ gây ảnh hưởng “sức mạnh mềm” truyền thống của mình, nghĩa là, ĐCSTQ sử dụng biện pháp kinh tế cởi mở và vận động hành lang, để thúc đẩy các chính sách của Mỹ tương thích với lợi ích của ĐCSTQ.
Can thiệp vào chính quyền địa phương và các tiểu bang Mỹ
Báo cáo cho biết, các chính phủ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, đã tìm cách trực tiếp hoặc gián tiếp gây ảnh hưởng lên các nhà lãnh đạo địa phương và các bang của Hoa Kỳ. Họ thường sử dụng các biện pháp “vừa đấm vừa xoa”, chẳng hạn như tìm kiếm các thỏa thuận không chính thức để thúc đẩy quan hệ văn hóa và thương mại. Các quan chức ĐCSTQ cho rằng, các quan chức địa phương và các bang của Hoa Kỳ được hưởng một mức độ độc lập ngoại giao nhất định với Washington và có thể lợi dụng các mối quan hệ này để thúc đẩy các chính sách có lợi cho Trung Quốc khi quan hệ Mỹ-Trung đang rất căng thẳng.
“ĐCSTQ sẽ coi các thách thức kinh tế ở địa phương hoặc các tiểu bang của Mỹ, bao gồm các thách thức y tế do đại dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19) gây ra như cơ hội then chốt để thiết lập mối quan hệ phụ thuộc và tiến tới đạt được việc gây ảnh hưởng lên các địa phương hoặc tiểu bang tại Mỹ. Bắc Kinh sử dụng các viện chiến lược của Trung Quốc để nghiên cứu xem các bang và quận nào ở Hoa Kỳ có thể dễ dàng tiếp nhận đề xuất của họ”, báo cáo cho biết.
Vào thời điểm bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19), Bắc Kinh đã sử dụng mối quan hệ “thành phố kết nghĩa” với một số thành phố ở Mỹ để thâu gom các nguồn lực y tế công cộng của Hoa Kỳ.
Tính riêng trong tháng 2 năm nay, thành phố Pittsburgh ở bang Pennsylvania đã vận chuyển 450.000 khẩu trang phẫu thuật và 1.350 bộ quần áo bảo hộ đến “thành phố kết nghĩa” Vũ Hán. Ngoài ra, thành phố Pittsburgh cũng đã thiết lập một tài khoản trên trang web gọi vốn GoFundMe và quyên góp được hơn 58.000 USD để mua các dụng cụ y tế cung cấp cho Vũ Hán.
Tại Chicago, các quan chức ĐCSTQ đã sử dụng mối quan hệ của họ với các quan chức địa phương và tiểu bang để thúc đẩy các ngôn luận ủng hộ Trung Quốc.
Ngoài ra, một quan chức Trung Quốc đã gửi email đến một nghị sĩ ở Trung tây Hoa Kỳ, yêu cầu cơ quan lập pháp của nghị sĩ này thông qua một nghị quyết thừa nhận các nghĩa cử chống dịch anh hùng của Bắc Kinh.
“Chính phủ Trung Quốc đã mời các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đến thăm Trung Quốc trong các chuyến đi được lên kế hoạch cẩn thận, hứa hẹn với họ những dự án đầu tư sinh lời và giao dịch thương mại hấp dẫn. Mặc dù các chuyến thăm năm nay đã bị hoãn lại do dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19), nhưng chính phủ Trung Quốc có thể tiếp tục vun đắp mối quan hệ giữa Bắc Kinh với lãnh đạo các bang và địa phương của Mỹ thông qua các hội thảo trực tuyến và cung cấp “mồi nhử” lợi ích. Những “mồi nhử” này có thể bao gồm việc cứu trợ các công ty Hoa Kỳ [đang gặp khó khăn do đại dịch], đầu tư vào bất động sản ở các khu vực kinh tế bị ảnh hưởng và bán các thiết bị và vật tư y tế với giá thấp”, báo cáo cho biết.
Đe dọa an ninh kinh tế Mỹ
Báo cáo cũng cho biết, Trung Quốc là nguồn cung vật tư y tế giả “đặc biệt bền vững” trong thời gian đại dịch. Bộ An ninh Nội địa tuyên bố đã thu giữ hơn 1 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19 bị Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấm và 75.000 khẩu trang giả từ các nhà sản xuất bất hợp pháp của Trung Quốc. Báo cáo cảnh báo rằng, Bắc Kinh đang giám sát tình trạng thiếu hụt trong chuỗi cung ứng y tế của Mỹ và cho biết ĐCSTQ có thể lợi dụng những sự thiếu hụt này để buộc chính phủ Mỹ áp dụng các chính sách thân Trung Quốc hơn.
“ĐCSTQ đang thu thập thông tin về sự thiếu hụt trong chuỗi cung ứng của Mỹ và lợi dụng cuộc khủng hoảng viêm phổi Vũ Hán (Covid-19) để tăng sức ảnh hưởng ở Hoa Kỳ. Bởi vì Bắc Kinh kiểm soát nhiều nguồn cung hàng hóa quan trọng, nên ĐCSTQ có thể mượn việc thiếu hụt nguồn cung chính trong tương lai của Mỹ để đề xuất rằng điều kiện tiên quyết để Trung Quốc cung cấp những nguồn cung này cho Mỹ là Mỹ sẽ phải ngầm chấp thuận các dự án khác nhau của Bắc Kinh”, báo cáo cho hay.
Đe dọa các tổ chức học thuật và nghiên cứu của Mỹ
Báo cáo cho biết, ĐCSTQ sẽ tiếp tục tìm kiếm các nghiên cứu và chuyên gia của Mỹ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và quân sự của họ thông qua nhiều tổ chức và nền tảng chính phủ, phi chính phủ và tư nhân. ĐCSTQ đã huy động các nguồn lực đáng kể để hỗ trợ các mục tiêu phát triển công nghiệp và quốc phòng, đồng thời sẽ tiếp tục lợi dụng các tổ chức học thuật và chế độ thị thực của Mỹ để có được các nghiên cứu và quyền sở hữu tài sản trí tuệ. ĐCSTQ cho rằng, các nghiên cứu và quyền sở hữu trí tuệ này sẽ mang lại lợi thế về quân sự hoặc kinh tế cho Trung Quốc. Vì vậy, Bắc Kinh đã lợi dụng một số giáo sư thỉnh giảng, học giả và sinh viên Trung Quốc ở Hoa Kỳ làm người thu nhập công nghệ phi truyền thống.
Khi những nhà thu thập phi truyền thống này rời Mỹ và trở về Trung Quốc, họ đã lấy đi các nghiên cứu và dữ liệu mà không có sự đồng ý từ các tổ chức học thuật Mx, họ thường cố tình giấu giếm dữ liệu trước khi rời đi để tránh bị phát hiện. Báo cáo cũng liệt kê một số trường hợp liên quan.
Ngoài ra, báo cáo cũng tiết lộ rằng, ĐCSTQ đã sử dụng chương trình tuyển dụng “Nghìn nhân tài” để có được công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ.
Báo cáo cho rằng, chiến lược của Bắc Kinh có thể sẽ thay đổi sau khi chính phủ Mỹ nhận thức được mối đe dọa của ĐCSTQ đối với các tổ chức học thuật và nghiên cứu của Hoa Kỳ. Trong khi chính phủ Mỹ cấm một số sinh viên Trung Quốc nhập cảnh vì có liên quan đến chiến lược dung hợp quân sự-dân sự của ĐCSTQ, giới công nghiệp, giới học thuật và chính phủ địa phương của Mỹ đã nâng cao hơn nhận thức của họ về các thủ đoạn mà ĐCSTQ dùng để có được công nghệ và sở hữu trí tuệ của Mỹ. “Chúng tôi hy vọng rằng, các nhà thu thập phi truyền thống sẽ điều chỉnh phương pháp của họ, bao gồm cả việc lựa chọn các cách thức khác nhau để đến Hoa Kỳ hoặc chuyển hướng nghiên cứu của họ ra nước ngoài, trong khi vẫn hướng tới mục tiêu thu thập thông tin nhạy cảm và quyền sở hữu trí tuệ ở Hoa Kỳ”.
Đe dọa đầu tư nước ngoài vào Mỹ
Báo cáo cho biết, mặc dù đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Hoa Kỳ đã giảm trong hai năm qua so với mức cao kỷ lục trong lịch sử, nhưng phía Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm kiếm đầu tư có chọn lọc vào Hoa Kỳ để có được các công nghệ mới mà trong nước họ chưa có, đồng thời phát triển cơ sở công nghiệp của riêng mình và đảm bảo tiếp cận các chuỗi cung ứng quan trọng. Những công ty nước ngoài tìm cách đầu tư vào các công ty Mỹ có thể tăng cường nỗ lực để che đậy mối liên hệ của họ với các cơ quan tình báo hoặc dịch vụ an ninh của ĐCSTQ.
Đe dọa tính toàn vẹn của chuỗi cung ứng Mỹ
Báo cáo nêu rõ trong thời gian bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19), các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc được chính quyền Trung Quốc khuyến khích chuyển đổi sản xuất khi không có khả năng sản xuất vật tư và thiết bị y tế hoặc kiểm soát chất lượng.
Ngoài vấn đề kiểm soát chất lượng, các nhà cung cấp Trung Quốc còn xuất khẩu sản phẩm dưới danh nghĩa của một công ty được cấp phép, nhưng sản phẩm của họ đến từ nhà sản xuất thứ hai, thứ ba hoặc thứ tư nên hầu như không có khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng.
Vào tháng 3 năm nay, một nhà sản xuất khẩu trang Canada có nhà máy ở Trung Quốc đã báo cáo rằng, chính phủ Trung Quốc đã trưng dụng toàn bộ sản phẩm của họ và không cho phép xuất khẩu bất kỳ sản phẩm nào. ĐCSTQ bắt đầu tích trữ các nguồn cung y tế quan trọng thay vì vận chuyển chúng cho người tiêu dùng ở các nước khác, điều này cho thấy ĐCSTQ đã biết rõ về dịch bệnh và đang nỗ lực tích trữ các nguồn cung y tế chính.
Vi phạm luật và chính sách thương mại của Hoa Kỳ
Báo cáo cho hay, ĐCSTQ vẫn là khởi nguồn chính các vi phạm chính sách thương mại của Mỹ.
Mặc dù các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nhằm giải quyết vấn đề này đã đạt được tiến triển, nhưng trong năm tới, hành động của các tổ chức tội phạm của ĐCSTQ sẽ tiếp tục đặt ra thách thức lớn đối với việc Hoa Kỳ thực thi các luật và chính sách thương mại.
Các thực thể Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các thực thể Hoa Kỳ, gây thiệt hại lên tới 600 tỷ đô la Mỹ cho nền kinh tế Hoa Kỳ mỗi năm, đồng thời gây ảnh hưởng xấu đến các ngành công nghiệp và khả năng cạnh tranh của Mỹ.
Trong năm tài chính 2019, Bộ An ninh Nội địa đã bắt giữ nhiều hàng giả có xuất xứ từ Trung Quốc hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Do chất lượng của hầu hết các sản phẩm giả đều không đạt tiêu chuẩn, nên các sản phẩm giả từ Trung Quốc và Hồng Kông là thách thức lớn nhất đối với cơ quan thực thi pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ, cũng như gây rủi ro về sức khỏe và an toàn cho cộng đồng.
Tâm Thanh