Bản tin sáng 4-4-2018
Tin Việt Nam
Tin Biển Đông
Trang VietNamNet đặt câu hỏi: Tàu sân bay Mỹ, Trung Quốc lần đầu tiên đụng đầu trên Biển Đông? Ngày 26/3/2018, “ít nhất 43 tàu chiến Trung Quốc trong đó bao gồm biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đã xuống Biển Đông” để tập trận từ ngày 5/4/2018 nên “hai lực lượng tàu chiến, tàu sân bay hùng hậu” là đội tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và đội tàu sân bay Liêu Ninh “cùng lúc có mặt tại Biển Đông”.
Ngày 30/3/2018, “Cục Hải sự Trung Quốc đã ra thông báo phong tỏa một khu vực trên Biển Đông, cấm tàu thuyền qua lại để tiến hành huấn luyện quân sự từ ngày 5 đến 11/4/2018”. Phía Trung Quốc có thể cấm các nước trong khu vực đến gần khi họ tập trận, nhưng họ có thể cấm một hạm đội tàu sân bay của người Mỹ.
Mời đọc thêm: Trung Quốc “diễu võ” chưa từng có, cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông (Viet Times). – “Giải mã” chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Tổng thống Trump (DT). – Châu Á: Mỹ làm rõ chiến lược mới với Ấn Độ có vai trò quan trọng (RFI). – ‘Căng thẳng biển Đông ảnh hưởng hoạt động của PVN’ (BBC).
Tái cơ cấu Bộ Công an
Báo Tuổi Trẻ bàn về lộ trình tái cơ cấu Bộ Công an: Cần ‘bàn tay sạch. Thiếu tướng Lê Văn Cương, cựu Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an nhận định: “Cuộc cách mạng này đụng chạm đến lợi ích của mấy trăm cán bộ cao cấp, tướng tá thì những người quyết định như ông Tô Lâm và Đảng ủy Công an trung ương, nếu không có bàn tay sạch và tâm sáng thì không thể làm được… Trong trường hợp này, Tổng bí thư cũng có vai trò quyết định”.
Ngày 3/4/2018, Bộ Công an xác nhận: Bộ Chính trị đồng ý tinh giản bộ máy công an, theo Zing. Một điểm quan trọng trong Nghị quyết tái cấu trúc bộ máy công an là: “Không tổ chức cấp trung gian; sắp xếp, thu gọn các đơn vị sự nghiệp công lập, giáo dục, báo chí, y tế trong Công an nhân dân”.
Nhà báo Đào Tuấn viết: Bộ công an đề nghị xử lý ít nhất 4 tờ báo. Đó là các báo VTC News, Pháp Luật TPHCM, VnExpress, Tiền Phong. Bộ Công an cho rằng 4 báo này cùng với “một số báo điện tử khác” đã “đưa tin không chính xác về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của lực lượng Công an nhân dân”.
Ông Tuấn khẳng định, đây là “tin chính thức từ Bộ Công an”. Phải chăng lãnh đạo Bộ Công an hiểu rằng, đợt tinh giản này rất nhạy cảm và tiềm ẩn nhiều rủi ro chính trị, nên họ phải răn đe báo chí từ trước?
RFA đặt câu hỏi: Phải chăng Bộ Công an đã hết thời hoàng kim? Về khả năng đợt tái cơ cấu ngành công an có thể chạm đến cả Bộ trưởng Công an Tô Lâm, nhà nghiên cứu chính sách ẩn danh ở Hà Nội nói với RFA: “Có lẽ ông Tô Lâm sẽ không bị đụng đến, vì hình phạt mà Bộ Chính trị giáng xuống là bỏ tất cả các tổng cục của bộ này đã là một hình phạt nặng nề”.
Mời đọc thêm: Bộ Công an chính thức lên tiếng về việc tinh gọn bộ máy (VNN). – Tái cơ cấu Bộ Công an: Cuộc cách mạng cần thiết, đúng lúc (TT). – Bộ Công an giải thể Tổng cục: Mạnh dạn cắt bỏ tầng nấc trung gian (Soha). – Thực hư tin Bộ Công an sẽ không còn cấp Tổng cục (ĐV). – Bộ Công an muốn bỏ cấp tổng cục, giảm mạnh các cục (VnEconomy).
Dừng cấp xe công vì ngân sách cạn kiệt?
Bộ Tài chính vừa yêu cầu tạm dừng cấp xe công cho cơ quan Nhà nước, theo báo Người Đưa Tin. Theo đó, “trong thời gian một số văn bản quy định chi tiết thi hành luật Quản lý, sử dụng tài sản công chuẩn bị được ban hành”, bộ Tài chính đề nghị các cơ quan nhà nước “tạm dừng xem xét, giao điều chuyển, bán xe ô tô công cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, ban quản lý dự án”.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính còn “yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tạm dừng xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018”.
Lâu nay, vấn đề xe công vốn đã được xem là gánh nặng của ngân sách. Ngày 26/10/2017, báo Lao Động có bài: Xe công, biên chế và gánh nặng ngân sách. Về đề xuất hạn chế mua xe công của ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, bài viết nhận định: “Chỉ cần cắt không mua xe công như đề xuất trên thì tiết kiệm một khoản tiền lớn”. Bây giờ các quan chức không yêu cầu hạn chế nữa, mà muốn dừng luôn chuyện mua xe công.
Mời đọc thêm: Tạm dừng cấp xe ô tô cho các đơn vị nhà nước (TP). Mời đọc lại: Chi phí xe công không được thành gánh nặng ngân sách (VNE).
Bất ổn ở các ngân hàng Việt Nam
Báo Dân Trí đưa tin: Tiền gửi bốc hơi, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo nên thường xuyên kiểm tra tài khoản. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN khẳng định: “Quyền lợi người gửi tiền luôn được đảm bảo”, nhưng bà Hồng vẫn cảnh báo: “Khách hàng gửi tiền nên đến tận nơi thực hiện giao dịch tại trụ sở các TCTD, nên thường xuyên kiểm tra, tra soát số dư tiền gửi”.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị truy tố nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình, theo báo Tuổi Trẻ. Từ cuối năm 2016, ông Trần Phương Bình đã bị bắt và bị khởi tố, giờ cơ quan điều tra hoàn tất kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao để tiến hành truy tố ông Bình và các đồng phạm vì đã khiến Ngân hàng Đông Á “lỗ lũy kế đến 31.000 tỉ đồng và âm vốn chủ sở hữu hơn 25.000 tỉ đồng vào thời điểm cuối năm 2015”.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Ngân hàng Nhà nước lên tiếng vụ “vàng được xem là ngoại tệ”. Ngày 3/4/2018, NHNN khẳng định rằng “thông tư 22 chỉ hướng dẫn về hạch toán kế toán đối với các tổ chức tín dụng, không điều chỉnh về hoạt động kinh doanh vàng nói chung”. Trước đó, thông tin “từ ngày 14 vàng được xem là một ngoại tệ” đã khiến nhiều người hoang mang vì “không biết việc mua bán vàng ngoài những nơi quy định có vi phạm pháp luật hay không”.
Mời đọc thêm: NHNN lên tiếng trước thông tin vàng được hạch toán tương tự như đối với hạch toán ngoại tệ (KTĐT). – Đề nghị truy tố nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình (Soha). – Đề nghị truy tố ông Trần Phương Bình (PLTP). – Gửi tiền ngân hàng cần kiểm tra thường xuyên: Người dân “tá hỏa” với lời khuyên của Ngân hàng nhà nước (BizLive).
Vụ cây khủng của tướng công an
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn nhận định vụ chở cây ‘khủng’ trên quốc lộ: Xử nghiêm nếu có kiểm lâm tiếp tay, theo báo Tiền Phong. Ông Tuấn nói: “Cây to vận chuyển cả hàng trăm km trên quốc lộ như thế, rõ ràng là việc không bình thường”, “nếu phát hiện cá nhân nào thuộc lực lượng kiểm lâm sai phạm, tiếp tay cho vụ việc này, thì phải xử lý ngay”.
Chuyện quan trọng nhất là danh tánh của người chủ mưu, mà nhiều thông tin cho là thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, đã bỏ tiền mua và tác động để 3 cây “khủng” trở nên vô hình trong mắt rất nhiều CSGT dọc theo quốc lộ 1, thì các quan chức không để ý, lại tìm cách bắt tội những người thừa hành.
Trang VietNamNet dẫn lời chủ cây ‘quái thú’ ở Đắk Lắk: Người ta đưa tôi xấp giấy bảo ký. Ông Nguyễn Ngọc Chung, ở xã Tam Giang, huyện Krông Năng, Đắk Lắk, kể rằng, “cách đây khoảng một tháng, có người đến gặp ông hỏi mua cây này để tặng cho chùa. Theo ông Chung, do thấy cây đa lớn, che kín một góc rẫy, ảnh hưởng đến cây trồng và cũng muốn chuyển đổi cây trồng nên ông đồng ý bán”.
Mời đọc thêm: Đại diện chủ cây ‘quái thú’ đã đến làm việc với kiểm lâm (MTG). – Bí ẩn nhóm người lạ đến nhận là chủ 3 cây cổ thụ “khủng” (KT). – PV Tuổi Trẻ lần tìm cây đa sộp ‘siêu khủng’ (TT). – Đường ra Bắc của cây “siêu khủng” (TP). – Sự “không bình thường” trong lộ trình hàng trăm kilômét của ba cây cổ thụ khủng (LĐ).