Bản tin sáng 24-1-2018
Tin trong nước
Tin Biển Đông
VOA bình luận: TQ ồn ào phản đối Mỹ tuần tra Biển Đông để biện minh cho sự hiện diện của mình. Bài viết so sánh: “Trong khi Ngũ Giác Đài không gây ồn ào khi tiếp tục tiến hành các cuộc tuần tra để khẳng định tự do hàng hải trên Biển Đông, tiến gần tới các đảo, bãi đá đang do Trung Quốc kiểm soát, thì Bắc Kinh lớn tiếng phản đối để theo các chuyên gia, biện minh cho sự hiện diện ngày càng tăng của TQ trong vùng tranh chấp”.
Về lời tuyên bố của ông Lục Khảng: “Trung Quốc sẽ có các biện pháp cần thiết để quyết tâm bảo vệ chủ quyền của mình trong vùng biển giàu tài nguyên này”, các nhà ngoại giao và các nhà phân tích an ninh cho rằng, “các biện pháp đó bao gồm triển khai thêm lực lượng, đẩy nhanh tiến trình quân sự hóa các cơ sở đã được mở rộng trên khắp quần đảo Trường Sa”.
Trang Viet Times có bài phân tích: “NATO châu Á” trỗi dậy đối phó Trung Quốc. Vai trò của hướng tiếp cận dựa trên khái niệm “Ấn Độ – Châu Á – Thái Bình Dương” và liên minh “NATO châu Á” đối với tình hình Biển Đông “là biện pháp đối trọng với các hoạt động của Trung Quốc ở châu Á, từ mở rộng hiện diện quân sự phi pháp trên Biển Đông đến sự phát triển kinh tế của các căn cứ hậu cần ở Ấn Độ Dương trong khuôn khổ chiến lược ‘Vành đai –Con đường’.”
Một trong những mục tiêu của hoạt động thông tin chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương là, “phải bác bỏ các tuyên bố ngang ngược của Trung Quốc về quyền tài phán hoặc yêu cầu quá mức hoặc về sự kiểm soát chủ quyền một cách phi pháp đối với các vùng biển quốc tế. Điều này nghĩa là phải phản đối mạnh mẽ cái gọi là ‘đường chín đoạn’ của Trung Quốc trên Biển Đông”.
Mời đọc lại: Biển Đông: vì sao Trung Quốc ‘phủ đầu’ ngay đầu năm? (BBC). – Cảnh báo Trung Quốc đổi chiến thuật trên Biển Đông (ĐV). – Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là “thế lực gây rối” tại biển Đông (NLĐ).
Nhân quyền ở Việt Nam
RFA đưa tin: Cựu tù chính trị Vương Văn Thả bị tuyên án tù theo điều 88. Bài viết dẫn lời chia sẻ của Facebooker Công Lý Dân Tộc: “Phiên tòa diễn tiến trong tinh thần phản kháng của anh Thả. Anh Thả phản kháng dữ dội lắm do anh Thả không thấy con của ảnh đâu. Anh Thả cũng hỏi rằng tại sao tòa án nhân dân mà không cho nhân dân vô? Anh Thả kêu gọi phải có luật sư. Luật sư của anh Thả không nhìn thấy ở đâu hết”.
Bài viết cho biết thêm: “Vào tối cùng ngày phiên tòa diễn ra, chúng tôi liên lạc qua điện thoại với gia đình của 4 bị cáo, nhưng không thể gặp được họ. Ông Vương Văn Thả, cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo thuần túy, ngụ tại tỉnh An Giang, là một cựu tù nhân lương tâm”.
Trang Tin Mừng Cho Người Nghèo đưa tin: UBND xã Quỳnh Ngọc, Nghệ An cản trở sinh hoạt tôn giáo. UBND xã Quỳnh Ngọc không muốn “giáo xứ Song Ngọc tổ chức Lễ hiệp thông cầu nguyện tại nhà thờ giáo xứ với số lượng người tham gia đông và nhiều thành phần tham dự”, nên “ngày 23/01/2018, UBND xã Quỳnh Ngọc đã gửi cho Lm JB Nguyễn Đình Thục, Quản xứ Giáo xứ Song Ngọc và Hội Đồng Mục vụ Giáo xứ văn bản số: 08/UBND.VP về việc ‘đăng ký sinh hoạt tôn giáo’.”
Tác giả đặt câu hỏi, “tại văn bản số: 08/UBND.VP, UBND xã Quỳnh Ngọc chỉ ‘qua thông tin nhận được’ đã tùy tiện suy diễn ‘số lượng người tham gia đông và nhiều thành phần tham dự’; Bao nhiêu người thì được gọi là tham gia đông? Nhiều thành phần tham dự là thành phần gì?”
Chiều 23/1/2018, ở Giáo xứ Song Ngọc đã diễn ra thánh lễ đồng tế cầu nguyện cho anh Nam Phong, Hoàng Bình và các tù nhân lương tâm, “đặc biệt cho hai người đã luôn đồng hành cùng các nạn nhân đi tìm công lý và sự thật. Đã bị nhà cầm quyền cộng sản bắt và đem ra xét xử vào ngày 25 tháng 1 sắp tới”. Một thánh lễ thể hiện sự đoàn kết của các Giáo dân đã đủ “chạm nọc” chính quyền địa phương.
Facebooker Nguyễn Phương Đông chia sẻ: “Theo một số thông tin, ông Hoàng Bình bị cáo buộc vì đã có hành vi cùng nhân dân Nghệ An tuần hành đi khiếu kiện Formosa, đồng thời quay clip những cuộc tuần hành đó để đăng trên facebook cá nhân, sự việc này diễn ra trong sự kiện thảm họa môi trường biển Miền Trung làm cá chết hàng loạt mà Formosa là thủ phạm chính”.
Người dân Quảng Bình tiếp tục biểu tình
Facebooker Nam Nguyen Hoang Dao đưa tin: “Chiều hôm nay 23/1/2018 bà con Quảng Bình lại tiếp tục biểu tình tại Cầu Quảng Hải – Thị Xã Ba Đồn – Tĩnh Quảng Bình. Vì đền bù Không thỏa đáng và không đúng quyền lợi cho người dân”. Trong những ngày sắp tới, người dân Quảng Bình sẽ tiếp tục xuống đường biểu tình, “đòi quyền lợi và quyền được sống” của họ.
Facebooker Hùng Nguyễn cho biết: “Theo diễn biến mới cập nhật thì không chỉ riêng hôm nay nhưng ngày mai 24/1/2018 và những ngày tiếp theo họ tiếp tục cùng nhau xuống đường biểu tình đòi quyền lợi và quyền được sống của mỗi người dân… Hy vọng bà con cùng nhau đoàn kết và quyết chí đòi được quyền con người”.
Mời đọc thêm: Người dân Đồng Tâm gửi thư cầu cứu Trung ương! (TD).
Quan hệ Việt – Trung
Báo Quốc Tế có bài: Kỳ vọng mới về hợp tác kinh tế Việt – Trung năm 2018. “Thành tựu” đến từ “dấu tay” của “bạn vàng” trên nền kinh tế Việt Nam: “Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc trong năm 2017 đã tăng 21,79 tỷ USD so với năm 2016 và chiếm đến 22% tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2017”.
Từ quan hệ giữa “2 đảng anh em” đến sự ràng buộc về kinh tế: “Thời gian vừa qua, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc đã có những bước phát triển tích cực, đặc biệt là hợp tác kinh tế. Trung Quốc liên tục 13 năm là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam”.
Trước đó, trong bài viết: Kinh tế Việt Nam 2017: bóng ma Trung Quốc ám ảnh hồi cuối năm 2017, nhà hoạt động Lê Anh Hùng đã lưu ý: “Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột biến (60,7%) khiến tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này tăng từ 12,4% năm 2016 lên 16,5%. Đây cũng không phải hoàn toàn là tín hiệu tốt, bởi hàng hoá xuất sang Trung Quốc chủ yếu là nông sản và khoáng sản, trong khi Trung Quốc là một thị trường ẩn chứa nhiều rủi ro đối với nông dân Việt”.
Mời đọc lại: Thị trường hồ tiêu Việt: Thương lái Trung Quốc lũng đoạn (DT).
Công tác xây dựng đảng
GS Nguyễn Đình Cống có bài: Bàn về then chốt của then chốt. Về “thành tựu” của quá trình thanh lọc cán bộ: “Đảng ra hết nghị quyết hoặc quyết định này đến nghị quyết hoặc quyết định kia, tổ chức hết phong trào hoặc hội nghị này đến phong trào hoặc hội nghị khác, hết học tập đạo đức Hồ Chí Minh lại xiết chặt kỷ luật bằng 19 điều cấm… thế mà chất lượng cán bộ ngày càng giảm sút, then chốt ngày càng mục nát”.
Theo tác giả, “sai cơ bản là Đảng đã đoạt quyền của dân và đặt mình cao hơn Hiến pháp để độc đoán trong việc lựa chọn cán bộ cho các cơ quan dân cử và chính quyền, là mồm thì hô hào dân chủ nhưng thực chất không có dân chủ từ trong đảng”.
Tác giả Phạm Trần viết: Càng xây càng vỡ. Bài viết dẫn lời của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cảnh báo rằng: “Hiện nay số người hưởng lương và mang tính chất lương đã lên tới 11 triệu. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy… Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức”.
Mời đọc thêm: Thanh lọc cán bộ (QĐND). – Thủ tướng yêu cầu tham mưu phải tuyệt đối tránh lợi ích nhóm (VOV). – Phối hợp thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp (NLĐ).
Vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng và đồng phạm
Báo VnExpress đưa tin: Hôm nay ông Trịnh Xuân Thanh hầu toà trong vụ án thứ hai. Theo bài viết, “phiên tòa được mở chỉ sau một ngày ông Thanh bị tuyên phạt 14 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước… và án chung thân về tội Tham ô tài sản”. Phiên tòa xử vụ án thứ 2 dự kiến kéo dài tới ngày 6/2, “16 luật sư sẽ tham gia bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh mời 6 luật sư bào chữa”.
Bài báo dẫn lời VKSND tối cao, cho biết: “Tại cơ quan điều tra, lời khai của các bị cáo, người liên quan phù hợp với nhau về việc nhận, chuyển 14 tỷ đồng. Khi việc bị phát giác, ông Thanh đã trả lại tiền. Tại cơ quan điều tra, ông Thanh dù khai có cầm vali tiền do ông Thắng đưa, nhưng không thừa nhận đó là tiền ‘chênh lệch giá’.”
VOA đặt câu hỏi: Đức ‘tiếc’ điều gì trong vụ xử ông Trịnh Xuân Thanh? Bà Maria Adebahr, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đức, chia sẻ rằng Berlin “cũng lấy làm tiếc rằng báo chí quốc tế không được phép vào đưa tin” và “luật sư người Đức [của ông Thanh] đã không được cho nhập cảnh vào Việt Nam để dự”.
Bà Adebahr cho biết thêm: “Phía Đức sẽ ‘cố gắng để luật sư [Đức] có thể tiếp cận thân chủ của mình’, cũng như để ‘báo chí quốc tế và các quan sát viên từ Liên hiệp châu Âu’ có thể dự phiên xử ông Thanh ngày 24/1”. Bà Petra Isabel Schlagenhauf, luật sư người Đức của ông Thanh, cho rằng, “‘đó là phiên tòa không công bằng’, nhất là khi thân chủ của mình đã ‘bị bắt cóc mang về xử tại Việt Nam’.”
Dịch giả Hùng Hà có bài dịch từ báo Spiegel: Bị bắt cóc ở Bá-linh, tố tụng ở Việt Nam. Nhận định của báo Spiegel về tình hình thể chế toàn trị ở Việt Nam: “Tường thuật về những vụ việc này rất hiếm hoi. Nhà nước Việt Nam, duy nhất dựa trên đảng Cộng sản, kiểm soát không chỉ truyền thông mà cả Tư pháp. Không có đảng phái nào ngoài đảng CS, không có nghiệp đoàn hay các tổ chức Nhân quyền”.
Mời đọc thêm: Trịnh Xuân Thanh và em trai ông Đinh La Thăng hôm nay hầu tòa(VNN). – Ngày mai 24-1, em trai ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh hầu tòa(NLĐ). – Trịnh Xuân Thanh và 7 người tiếp tục ra tòa ngày 24/1 (RFA).
Vây cá mập và chuyện ngoại giao
BBC đưa tin: Nhân viên thương vụ VN ‘mua vây cá mập cho gia đình’. Về chuyện “thông cáo của ngành ngoại giao Việt Nam cho hay số vi cá mập này được mua tại chợ dân sinh”, bài báo cho biết: “Tờ El Mostrador dẫn lời chuyên gia bảo vệ cá mập Max Bello của The Pew Charitable Trust nói: ‘Chile không có trung tâm chế biến nào để lấy vây cá… Có thể quan sát thấy đây là những vết cắt tươi, có thể thấy cả cấu trúc xương’.”
Bài viết trên báo El Mostrador, cho biết: “Ở Chile, việc cắt xén vây cá mập còn sống và sau đó ném thân cá xuống biển từng bị phát hiện và xử phạt. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên những mảnh vi cá mập được phát hiện đang trong quá trình sấy khô”.
Mời đọc thêm: Thương vụ Việt Nam: Vây cá mập mua tại chợ dân sinh địa phương(RFA).
Kiếp làm nông ở Việt Nam
Báo Dân Việt đưa tin: Có một “nghĩa địa” tiêu ở Gia Lai. Theo bài viết, “chỉ trong vòng hơn 3 năm qua, hàng ngàn ha hồ tiêu tại huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, bị chết mà chưa rõ nguyên nhân. Hàng ngàn hộ trồng tiêu rơi thảm cảnh nợ nần chồng chất”. Trong khi người nông dân rơi vào tình cảnh bế tắc, thì những cơ quan hữu trách lại “chậm trễ trong việc tìm giải pháp cứu tiêu, cứu nông dân”.
Anh Đoàn Quốc Huy, một người dân trồng tiêu ở thôn An Hòa, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh chia sẻ: “Chúng tôi rơi vào ngõ cụt rồi! Bao nhiêu vốn liếng, hi vọng đổ vào vườn tiêu nay tiêu tan cả. Vấn đề lớn nhất là số nợ tại ngân hàng. Tháng nào họ cũng thúc. Giờ chỉ còn cách duy nhất là gán đất, nhà cho ngân hàng thôi”.
“Tinh thần trách nhiệm” của chính quyền: “Mặc dù tình trạng cây tiêu chết như ‘ngả rạ’ diễn ra trong suốt 3 năm qua nhưng phải đến tháng 1/2018, Phòng NN-PTNT huyện mới có báo cáo cụ thể về tình hình tiêu chết và đề xuất hướng khắc phục”.
Mời đọc thêm: Nông dân Hà Tĩnh có nguy cơ mất mùa do thiếu giống sản xuất vụ Đông Xuân (VTV).
Bất ổn ở sàn chứng khoán TP HCM
Báo Zing đưa tin: Sàn Chứng khoán TP.HCM tiếp tục ngừng giao dịch ngày 24/1. Bài báo cho biết: “Thông báo được HoSE phát đi tối 23/1, cho hay cơ quan này đã tiến hành kiểm tra và đang xử lý sự cố hệ thống giao dịch ngày 22/1. Được sự đồng ý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, để đảm bảo an toàn và chính xác cho hệ thống giao dịch, HOSE tiếp tục tạm ngừng giao dịch ngày mai (24/1)”.
Trước đó, đã có tin: Hôm nay, sàn chứng khoán lớn Việt Nam ngừng giao dịch trong buổi sáng 23/1/2018. “Vào phiên giao dịch ngày 22/01/2018, lúc 14 giờ 31 phút trong đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa đã xảy ra sự cố kỹ thuật đối với hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh”.
Báo Pháp Luật TP HCM phân tích: Khi sàn chứng khoán TP.HCM tê liệt. Ông Dương Anh Vũ, chuyên gia chứng khoán, bàn về thiệt hại từ sự cố của sàn HOSE: “Với bình quân khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 10.000 tỉ mỗi phiên thì chỉ một phiên ‘bỗng dưng đóng cửa’ như ngày 22-1 khiến các công ty chứng khoán bị thất thu khoảng 15 tỉ đồng từ việc thu phí giao dịch … Nhà nước mất đi khoản thu ngân sách từ tiền thuế”.
Ông Nguyễn Hữu Khánh, một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, cho rằng, “sự cố này đã phản ánh tính chất bị động của HOSE. Bởi thị trường chứng khoán Việt đã phát triển được khoảng 20 năm qua nhưng khi xảy ra sự cố phải mời gọi chuyên gia Thái Lan sang giúp”.
Blogger Phương Thơ viết: Khi sàn HOSE ngừng giao dịch chứng khoán “vì giá tăng”. Sự bất ổn lâu nay của TTCK Việt Nam “đang rất hao tổn tài chính khi đã giá chứng khoán tăng quá cao. Thậm chí là cả cái khối dự trữ ngoại hối mà NHNN VN rêu rao có tới 54,5 tỷ $ thì họ cũng chẳng dám tiêu hay đầu tư đi đâu mà chỉ để dành canh chừng tung ra cấp cứu TTCK bể bóng, vì giá cả tăng quá cao của thị trường cổ phiếu đầy tốn kém này”.
Tác giả giải thích: “Giới lãnh đạo UBCK VN đề xuất nâng các khoản vay ký quỹ là khuyến khích con bạc vay tiền ngân hàng hay vay ký quỹ của các công ty chứng khoán để bơm bóng cổ phiếu, tức là người ta bây giờ hết còn úp mở nửa mà nói toạc ra luôn”.
Mời đọc thêm: ‘Sập sàn’ chưa thể khôi phục: HOSE tiếp tục ngừng giao dịch (VNN). – HOSE tiếp tục ngưng giao dịch vào hôm nay (DT). – Sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh tiếp tục ngừng giao dịch vào ngày 24-1 (HNM).
***
Thêm một số tin trong nước: Việt Nam và Mỹ ký thỏa thuận về xử lý ‘điểm nóng’ dioxin (VOA). – VN và Hoa Kỳ ký bản ghi nhận xử lý dioxin tại Biên Hòa — Việt Nam và Nga lên kế hoạch tập trận chung — TPP không Hoa Kỳ sẽ được ký vào tháng 3 (RFA). – Quá nhiều sai phạm ở một dự án bất động sản — Nỗi niềm dân làng chài Hà Long, đêm đêm mơ tiếng cá lội (NNVN). – Ngăn chặn, loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp (KTĐT). – Người Việt đang vay mượn để tiêu xài quá mức chi trả (NĐ&ĐS). – Đồng Tháp: Thi công đê khiến hàng trăm hộ dân bị mất nước sinh hoạt (VTV). – Vỉa hè mới làm đã hỏng chính là tiền thuế của dân bị “bốc hơi” (LĐ).
Tin quốc tế
Tin nước Mỹ
VOA đưa tin: Ngũ Giác Đài tính mở rộng hợp tác chống khủng bố với Indonesia. Trong chuyến thăm Indonesia mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis cho biết, Mỹ đang cân nhắc tăng cường hợp tác chống khủng bố với Lực lượng tinh nhuệ Kopassus của Indonesia.
Lực lượng Kopassus của Indonesia, vốn bị cáo buộc về các hành vi vi phạm nhân quyền. Lo ngại về hàng trăm người Indonesia được IS huấn luyện trở về Trung Đông, đã khiến Mỹ “bỏ qua” những sai phạm của Kopassus trong quá khứ. Ông Mattis nói: “Chúng tôi sẽ mở rộng theo những cách thức đáp ứng cho bất kỳ đề nghị nào từ Indonesia về chống khủng bố, trong đó bao gồm cả làm việc với các đơn vị đặc biệt“.
Thủ lĩnh cấp cao al-Qaeda ở Yemen, Khalid Batarfi, trong đoạn video dài 18 phút đã đưa ra lời kêu gọi tấn công nước Mỹ. Clip có tên “Nhiệm vụ của chúng ta đối với Jerusalem“, trong đó Batarfi kêu gọi tấn công khủng bố nước Mỹ, nhằm đáp trả việc Washington công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Trước việc Mỹ nâng thuế đối với mặt hàng máy giặt của Hàn Quốc và tấm pin mặt trời của Trung Quốc, hai nước này đã có phản ứng. Theo VOA: Trung, Hàn phản đối thuế Mỹ với máy giặt, pin mặt trời. Mặt hàng máy giặt Hàn Quốc bị Mỹ áp thuế lên đến 50%. Nước sản sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời nhiều nhất thế giới là Trung Quốc cũng sẽ bị đánh thuế lên đến 30%.
Phía Hàn Quốc cho rằng, các mức thuế của Mỹ đưa ra là quá nặng, nên nước này đã lên kế hoạch nộp đơn khởi kiện Mỹ tại WTO. Về phần mình, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, mức thuế mà Mỹ đánh vào pin mặt trời là “phản ứng thái quá, gây tổn hại đến môi trường thương mại toàn cầu“. Bắc Kinh cho biết, “sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình“.
Mời đọc thêm: Mỹ châm ngòi chiến tranh thương mại? – Máy giặt, pin mặt trời thành nạn nhân của “nước Mỹ trên hết” (NLĐ). – Nổ súng trong trường trung học ở Kentucky: 2 chết, 19 bị thương (NV).
Căng thẳng Trung Đông
VOA có bài tổng hợp: Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm theo đuổi các mục tiêu ở Syria. Theo bài viết, cuộc chiến mà Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào người Kurd ở Syria chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, mặc dù Ankara vẫn tránh đụng độ với lực lượng của Nga, Mỹ, Syria. Theo một quan chức cấp cao ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quyết tâm “tiến hành bất kỳ bước nào cần thiết vì an ninh của chính mình“.
Hiện cuộc nội chiến đa bên ở Syria đang rất phức tạp bởi các phe phái bên trong và các nước bên ngoài can thiệp vào. Chiến dịch “Nhành ôliu” mà Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành ở Afrin, Bắc Syria là hướng tới mục tiêu, đè bẹp lực lượng YPG được Mỹ hậu thuẫn. Ankara đã đưa ra điều kiện để chấm dứt chiến dịch quân sự tại Afrin là: Cuộc chiến của nước này tại Syria sẽ kết thúc khi 3,5 triệu người tị nạn Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể hồi hương an toàn.
Mời đọc thêm: Nga thắng thế Syria, Mỹ lập tức châm ngòi cuộc chiến lớn Trung Đông (Viet Times). – Syria : Hội Đồng Bảo An tránh né hồ sơ chiến sự tại Afrin (RFI).
Bá quyền Trung Quốc
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình mới đây, TT Đài Loan, bà Thái Anh Văn cho biết, nước này không loại trừ khả năng bị Trung Quốc tấn công. Theo Reuters, bà Thái nói: “Không ai có thể loại trừ khả năng [bị Trung Quốc tấn công] này. Chúng ta sẽ cần phải xem những nhà hoạch định chính sách của họ có phải là những người hiểu lý lẽ hay không“.
Tổng thống Đài Loan cho biết thêm, Đài Bắc sẽ tìm cách chống lại những đe dọa và áp lực ngày càng tăng từ Bắc Kinh. Căng thẳng 2 bên eo biển Đài Loan đã tăng lên, kể từ khi bà Thái Anh Văn lên làm tổng thống vào năm 2016. Các cuộc tập trận, những hành động gây hấn của Trung Quốc liên tục được tiến hành, nhằm đe dọa quốc đảo này. Tuy nhiên bà Thái nói, quân đội Đài Loan “rất tự tin đối diện với những tình huống này“.
Trang Viet Times có bài: “NATO châu Á” trỗi dậy đối phó Trung Quốc. Theo bài viết, hợp tác quốc phòng 4 bên gồm: Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ, đang đẩy mạnh để có thể tạo ra một liên minh quân sự, như một “NATO châu Á”. Mục tiêu của liên minh đang hình thành này, là để đối phó với tham vọng bành trướng ngày một tăng của Trung Quốc.
Mời đọc thêm: Trung Quốc nói không có tin về người bán sách mất tích (RFA).
***
Tin Triều Tiên: Trung Quốc muốn đảm bảo viện trợ nhân đạo tại Triều Tiên (SGGP). – Phái đoàn Hàn Quốc sang Bắc Hàn chuẩn bị Olympics (RFA). – Cấm vận ảnh hưởng đến kinh tế tại biên giới Trung–Triều — Một ngày trước Olympic Pyeongchang, Bình Nhưỡng kỷ niệm Ngày thành lập Quân Đội (RFI). – Triều Tiên và Mỹ tranh cãi tại hội nghị giải trừ quân bị ở Geneva — Nhật Bản phản đối Hàn Quốc nối lại viện trợ cho Triều Tiên (TTXVN).
***
Tình hình người tỵ nạn Rohingya: Bangladesh trì hoãn việc hồi hương người Rohingya về Myanmar (RFA). – Mỹ nghi ngờ cam kết của Myanmar về người tị nạn Rohingya (TTXVN).
***
Các tin thế giới khác: Venezuela tố cáo châu Âu có những hành động xấu xa khi trừng phạt nước này — Châu Âu đã ngây thơ trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ? (RFI). – Trung Quốc phái cố vấn kinh tế hàng đầu tới Davos (VOA). – WEF Davos 2018 : Cuộc đối mặt giữa chủ nghĩa đa phương và tư tưởng cục bộ (RFI). – Nhật Bản: TPP-11 không có Mỹ sẽ ký vào tháng 3 — Hoạt động địa chấn ở hai đầu “Vành đai lửa Thái Bình Dương” (VOA).