Bản tin sáng 2-3-2018
Tin Việt Nam
Tin Biển Đông
Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc đưa tin: Hội nghị lần thứ nhất trong năm 2018 của Nhóm công tác liên hợp thực hiện “Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Nam Hải” sẽ diễn ra tại Việt Nam.
Ông Lục Khảng, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, “Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ tổ chức hội nghị Nhóm công tác liên hợp thực hiện ‘Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Nam Hải’ lần thứ 23 tại Nha Trang, Việt Nam từ ngày 1-2/3“. Như vậy là hội nghị đã và đang diễn ra ở Việt Nam hôm qua và hôm nay, nhưng không thấy báo nào trong nước đưa tin.
RFI có bài: Biển Đông: Nguy cơ xung đột bùng nổ do Bắc Kinh gia tăng bành trướng. Dẫn nguồn từ bài phân tích trên báo Le Figaro của Pháp, viết về nguy cơ Bắc Kinh mở rộng bành trướng lãnh thổ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sau sự kiện “đảng Cộng Sản Trung Quốc sửa đối Hiến pháp, cho phép ông Tập Cận Bình lãnh đạo trọn đời”.
Theo chuyên gia Bonnie Glaser, chính quyền Tập Cận Bình sẽ tiếp tục thực hiện các tham vọng tại vùng tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Còn ông Mathieu Duchâtel cho rằng, mục tiêu của Bắc Kinh “thay đổi tương quan lực lượng về quân sự” với liên minh Mỹ – Nhật, để có thể giải quyết các xung đột về chủ quyền lãnh hải “trên thế thượng phong”.
RFA đưa tin: Tàu tuần tra Trung Quốc bị phát hiện gần đảo Thị Tứ. Theo tin từ báo Philippines Stars, ngày 25/2/2018 một tàu tuần duyên có vũ trang của Trung Quốc đã bị phát hiện gần Đá Hoài Ân, cách đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa, chừng 6,5 kilomet về phía tây.
Mời đọc thêm: Trung Quốc và ASEAN bắt đầu tham vấn về COC (RFI). – TQ và ASEAN sẽ họp chung tại Việt Nam về DOC — Philippines tuyên bố hợp tác khai thác biển với công ty Trung Quốc (RFA). – Thăm Việt Nam, tàu sân bay Mỹ ‘duy trì hòa bình khu vực’ (VOA). – VN xác nhận tàu USS Carl Vinson tới Đà Nẵng (BBC).
Quan hệ Việt – Trung
RFA đưa tin: Ngành điện tử ở VN tạo điều kiện cho TQ xuất khẩu công nghệ. Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam xác nhận: Chỉ tính riêng tháng 1/2018, Việt Nam đã xuất khẩu lượng điện thoại, linh kiện trị giá 895 triệu USD sang Trung Quốc. Còn theo tin từ Hoàn Cầu Thời Báo, “phần lớn các phụ kiện chính của thiết bị cầm tay được sản xuất tại Việt Nam lại được nhập khẩu từ Trung Quốc”.
Một nữ hướng dẫn viên “chui” người Trung Quốc thuyết minh xuyên tạc lịch sử Việt Nam tại bảo tàng Đà Nẵng, theo VnExpress. Chiều qua, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng nói rằng, bảo tàng này không cho phép hướng dẫn viên người nước ngoài đến làm việc. Tuy nhiên, vẫn có nữ hướng dẫn viên “chui” người Trung Quốc đến xuyên tạc rằng, Việt Nam từng là một khu vực nhỏ thuộc Trung Quốc.
Trước đó, trang Cộng đồng HDV Hoa ngữ chia sẻ video clip thể hiện cảnh người phụ nữ này đứng thuyết minh ở Bảo tàng Đà Nẵng, gần nơi “mà khi xưa Nguyễn Tri Phương căng mình ra chiến đấu giữ đất, giữ nước, giữ nhà”:
Mời đọc thêm: Truy tìm hướng dẫn viên “chui” người Trung Quốc xuyên tạc lịch sử Việt Nam (NLĐ). – Đang làm rõ clip một phụ nữ Trung Quốc thuyết minh sai lịch sử Việt Nam (DT). – Biên phòng Việt Nam – Trung Quốc tuần tra liên hợp thi hành pháp luật trên toàn tuyến biên giới Lào Cai (QĐND). – Hơn 30% khách quốc tế đến Việt Nam là người Trung Quốc (BizLive).
Nhân quyền cho Việt Nam
Facebooker Amy Trúc Trần đưa tin: 1/3/2018: Người dân La Thành, Hà Nội mang băng rôn phản đối nhà cầm quyền thu hồi đất của dân. Hôm qua, 139 hộ dân ở đường La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội đã biểu tình phản đối vụ thu hồi đất để triển khai dự án đường vành đai 1. Các hộ dân này đã phản đối từ tháng 8/2017.
Trang Nhân Dân La Thành 139 nóc nhà có video clip ghi lại cảnh các hộ dân ở đường La Thành tuần hành phản đối dự án đường vành đài 1:
Trang Phủ Khai Phong chia sẻ video clip ghi lại cảnh lực lượng trật tự đô thị phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên “đi dẹp buôn bán hàng bắt luôn cả người lên xe đòi đưa về phường xử lý”, bị người dân bao vây phản đối:
RFA có bài: Tình cảnh nữ tù nhân lương tâm trong trại giam. Theo bài viết, nhà hoạt động Trần Thị Nga chỉ có thể gặp người nhà qua lớp cửa nhựa mica. Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh kể với mẹ là bà Tuyết Lan rằng cuộc sống trong tù rất thiếu thốn, cô rất lạnh và cần đồ ấm, thuốc men. Nữ tù nhân Nguyễn Đặng Minh Mẫn từng phải tuyệt thực để phản đối các biện pháp hành hạ trong tù. Bà Mai Thị Tịnh kể chuyện xin đi khám bệnh nhưng không được phép…
Facebooker Hoàng Đức Nguyên chia sẻ thông tin về tù nhân lương tâm Nguyễn Nam Phong. Theo lời kể của cô Yến, vợ ông Phong, sau chuyến thăm gặp hôm qua, ông Phong sắp bị chuyển trại nhưng không biết là trại nào. Về tình hình tù nhân lương tâm Hoàng Đức Bình, ông Nguyên và gia đình vẫn chưa thể thăm gặp sau khi ông Bình viết đơn kháng cáo.
Mời đọc thêm: Hình ảnh phụ nữ trong các cuộc đấu tranh đòi dân sinh (RFA).
Chính trường Việt Nam
RFA bàn về cuộc chiến chống tham nhũng và tương lai Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau một loạt phiên tòa của “chiến dịch” đốt lò cuối năm 2017, đầu năm 2018, chính trường Việt Nam tạm yên ả trong hai tuần đầu năm mới Mậu Tuất. Tuy nhiên, năm 2018 vẫn là năm mà phe đốt lò khẳng định, sẽ đưa khoảng 21 vụ “đại án” ra xét xử, không ít vụ liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến “đồng chí X”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang lưu ý: Nhờ có chiến dịch “đốt lò”, TBT Nguyễn Phú Trọng đã trở thành “nhân vật chính trị nhiều quyền lực nhất trong lịch sử chính trị Việt Nam đương đại, nắm việc kiểm soát cả ba bộ phận có thực quyền nhất đất nước là Đảng Cộng sản, công an, và quân đội”.
VOA có bài: Tứ trụ Việt Nam được thăm khám sức khỏe hàng ngày. Theo quy định mới của Ban Bí thư về chuyện chăm sóc sức khoẻ cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, các thành viên tứ trụ lãnh đạo được kiểm tra sức khỏe hàng ngày, “còn các ủy viên Bộ Chính trị được thăm khám sức khỏe ít nhất 2 lần/ tuần”.
Mời đọc thêm: Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước để hoạt động hiệu quả (TTTXVN). – Hiệu trưởng Trường Chính trị “làm xiếc” trong công tác cán bộ(BNA). – Đà Nẵng: Một quận có 18 người bị xóa tên khỏi Đảng (VNN). – Cà Mau: “Cấm” cán bộ đi nước ngoài bằng tiền doanh nghiệp (DT).
Vụ án tham nhũng ở PVP Land
Gần 1 tháng sau khi TAND TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm, Trịnh Xuân Thanh kháng cáo vụ án PVP Land, quyết không nhận tội tham ô, theo báo Kiến Thức. Ông Thanh đề nghị tòa phúc thẩm xem lại toàn bộ kết luận trong bản án sơ thẩm. Các bị cáo khác chỉ xin giảm nhẹ hình phạt chứ không kêu oan, họ đều cho rằng mức án sơ thẩm quá nặng. Chỉ có bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh và bị cáo Lê Hòa Bình chưa kháng án.
Mời đọc thêm: Trịnh Xuân Thanh kháng cáo kêu oan trong vụ tham ô tại PVP Land(KTĐT). – Bị cáoTrịnh Xuân Thanh lại kháng cáo kêu oan (ĐS&PL).
Thông điệp của Thủ tướng
Toàn văn “thông điệp” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững. Bài viết dài 5.478 từ, được nhà báo Đào Tuấn tóm tắt thông điệp của Thủ tướng Phúc.
Theo nhà báo Tuấn, bài viết của Thủ tướng Phúc chủ yếu có các nội dung: Khoe số liệu do ban cố vấn của ông Phúc “vẽ” ra, thông báo các chính sách kinh tế và tuyên bố quyết tâm chính trị trong chuyện quản lý kinh tế. Thành tựu trước mắt là: Ô tô muốn nhập vào Việt Nam phải có đủ 7 loại giấy tờ, “một quy định khiến suốt 2 tháng qua không một chiếc xe nào dám nhập về VN”. Bộ Tài chính thì vẫn muốn tiếp tục tăng thuế, phí.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam
TAND TP Hà Nội sẽ đưa đại án ‘hơn 20 tỷ đội nón ra đi’ ra xét xử vào tháng 3, VietNamNet đưa tin. Nhóm bị cáo gồm ông Bùi Văn Khen, cựu Giám đốc công ty BLC Hà Nội, thuộc sở hữu của ngân hàng BIDV, ông Nguyễn Việt Hưng, cựu Trưởng phòng khách hàng cá nhân của ngân hàng BIDV CN Chương Dương, đều bị xử về tội “cố ý làm trái…”.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói về vụ khách tố mất 245 tỷ tại Eximbank, theo VnEconomy. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước và Eximbank là ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Tuy nhiên, bước đầu tiên trong chuyện bảo vệ quyền của người gửi tiền là bồi thường đầy đủ số tiền làm mất của khách hàng thì họ vẫn chưa làm được.
Mời đọc thêm: Tiền trong ngân hàng “bỗng dưng biến mất”: Biết đòi ai?(VTC/Infonet). – Phó thống đốc nói về vụ EximBank: Quyền lợi của người gửi tiền là ưu tiên hàng đầu! (TN&MT). – Hôm nay Eximbank có thoả thuận được với khách hàng mất 301 tỷ? (GT). – Vụ 245 tỷ ở Eximbank: Cả ngân hàng và khách cần kiên nhẫn (Zing). – ‘Ngân hàng Nhà nước không chỉ đạo phân biệt khách VIP và thường’ (TTXVN).
Văn hóa tâm linh và cướp giật
Khi con người bất lực trước hiện tại, không nhìn thấy tương lai, người ta đặt niềm tin vào thần thánh ở cõi xa xăm nào đó. Lãnh đạo giải quyết bế tắc bằng cách dẫn người dân vào con đường tâm linh, để họ quên đi thực trạng đang diễn ra trên đất nước. Hơn 8.000 lễ hội diễn ra hàng năm ở Việt Nam, trung bình có 22 lễ hội mỗi ngày, đó là một trong những lý do khiến đất nước tụt hậu.
Quan chức triển khai an ninh đến lễ khai ấn đền Trần, thực chất là ngầm hợp thức hóa và ủng hộ một trong các dịp lễ lớn nhất đang nuôi sống cơn khát “thần linh” của người Việt. Trang VnExpress đưa tin: Đền Trần dựng rào sắt, lắp camera trước giờ khai ấn. Báo Zing thống kê: 2.000 cán bộ, chiến sĩ lập 5 vòng an ninh bảo vệ lễ khai ấn đền Trần.
Ít khi có cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược nào có khả năng quy tụ được vài ngàn người tham gia, nhưng hàng vạn người dân sẵn sàng tụ tập chờ “thần linh” ban ơn, theo bài báo: Nam Định: Tấp nập chen chân cầu lộc cầu tài trước giờ Khai ấn Đền Trần, trên báo Dân Trí.
Báo Zing có bài: Chen lấn, cướp lộc, sờ đồ vật đêm khai ấn đền Trần. Bài báo lưu ý tình tiết: Các thanh niên thường cướp “lộc” là các bông hoa trên ban thờ vì quan niệm xưa cho rằng đó là vận may. May mắn đâu chưa thấy, chỉ thấy tư duy cướp bóc, chụp giật đã manh nha từ những hủ tục.
Đến cả quan chức cũng xin “ơn thần linh”: Lãnh đạo Hải Phòng tham gia lễ cấp ấn tại đền thờ Đức thánh Trần. Trong đoàn lãnh đạo cấp cao TP Hải Phòng đến thắp hương ở đền thờ Đức thánh Trần chiều qua có ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Chẳng lẽ các lãnh đạo “tự diễn biến” và nhận ra rằng “ơn đảng”, “ơn bác” không đủ cho họ, nhờ thần linh ban ơn?
Báo Dân Việt đặt câu hỏi: Đi đền, chùa, xin ấn làm gì? Từ cảnh tượng “hàng triệu người kéo đến chùa Hương, Yên Tử, mấy triệu người đến núi Sam”, tác giả đặt câu hỏi: “Điều đau đầu nhất, là tôi không thể lý giải nổi người ta xin xỏ gì ở đền, chùa, miếu, mạo?” Bài viết lưu ý: Lúc xin “lộc” đầu năm, người ta đến rất đông, nhưng đến lúc trả lễ cuối năm thì lại chẳng có nhiều người như vậy đến đền ơn thần linh.
Báo Người Đưa Tin có bài: Còn cá thần, rắn thánh: Đừng mơ cách mạng 4.0! Theo bài viết, vẫn còn không ít người sẵn sàng chi cả chục triệu để đốt tiền vàng mã mỗi dịp Tết. Tuy nhiên, “quan trọng là lòng thành, đừng nghĩ cứ cúng nhiều sẽ được hưởng lộc nhiều. Làm giàu, là phải nhờ chính bản thân mình, như vậy mới bền được!”
Mời đọc thêm: Lễ hội đầu năm, tín ngưỡng hay mê tín (RFA). – Những lễ hội cướp giật (Đỗ Duy Ngọc/ TD). – Lý do bất ngờ khiến hàng nghìn trai tráng đổ máu để cướp “lộc thánh” (DV). – Tiền lẻ găm đầy tượng Bà Chúa Kho: Thánh thần mà có quyền năng… (LĐ). – Kỳ lạ cả dãy phố lớn bày lễ ra đường để rước Thánh giữa trung tâm Hà Nội (GĐ). – “Của quý” – tàng thinh tại lễ hội táo bạo nhất VN năm nay có gì đặc biệt? (DV).
Về hủ tục đốt vàng mã: Nhà văn Trang Hạ: ‘Sao dùng vàng mã để giao tiếp với cả Phật và người âm?’ (VNN). – Bộ VHTT&DL sẽ tham mưu Chính phủ hạn chế đốt vàng mã tại lễ hội, di tích (TN&MT). – Bộ Văn hóa nói gì về chuyện thu phí ở Yên Tử và đốt vàng mã tại lễ hội? (ĐS&PL).
Tiếp tục chuyện học hàm, học vị
Nhà báo Huy Đức viết về chuyện bằng cấp của ông Nhạ, bà Tiến. Chuyện mê học hàm, học vị, để rồi phải có các chức danh giáo sư, tiến sĩ bằng mọi giá, bất kể không đủ khả năng, ở Việt Nam không chỉ có mình ông Nhạ, bà Tiến. Tuy nhiên, “một nền giáo dục không thể coi ‘đạo văn’ và ‘nguỵ khoa học’ là bình thường”.
Tác giả viết: “Đạo văn, nguỵ khoa học là cỗ máy nhân bản sự giả dối. Không thể ngăn chặn nó khi ngành giáo dục vẫn được đặt trong tay một người phạm cả ‘nguỵ khoa học’ và ‘đạo văn’. Xử lý bà Tiến cũng cần nhưng xử lý ông Nhạ càng cần hơn vì thông điệp mà dân chúng nhận được là chính phủ không có ý định cứu một ông Bộ trưởng không đủ tiêu chuẩn làm thầy mà muốn cứu một nền giáo dục”.
Facebooker Kieu Dung cho rằng, ông Nhạ không mắc lỗi đạo văn, ông chỉ “phạm lỗi không biết cách trích dẫn” và rằng ông Nhạ quên, không cho đoạn trích dẫn vào ngoặc kép. Bà Kieu Dung còn cho rằng, trong vụ này GS Nguyễn Tiến Dũng “cố tình lập lờ, cắt xén thông tin đăng trên Facebook để lừa đảo hàng vạn độc giả không hiểu biết về nghiên cứu” và “cần phải xem lại nhân cách và đạo đức nhà khoa học của ông Zũng“.
Lập luận như bà Kieu Dung thì, một người đi vào cửa hàng mua đồ, lấy hàng rồi không trả tiền, bị cảnh sát bắt, người đó cũng nói với cảnh sát rằng, ông/ bà ta chỉ “quên” trả tiền thôi, không phải phạm tội ăn cắp, liệu cảnh sát sẽ tha cho người này?
Facebook của GS Nguyễn Tiến Dũng, là người lên tiếng tố cáo chuyện đạo văn của Bộ trưởng Bộ GD Phùng Xuân Nhạ, lại bị biến mất. Đây là bài viết mới nhất của ông mà Tiếng Dân đã đăng lại: Thư ngỏ, về hiện tượng giả khoa học Phùng Xuân Nhạ.
BBC viết tiếp về vụ Bộ trưởng Nhạ bị tố cáo ‘đạo văn’. Từ chuyện ông Nhạ, GS Nguyễn Tiến Dũng bên Pháp đặt câu hỏi về khả năng Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đang bị thao túng. GS Dũng nói với BBC rằng nếu HĐCDGSNN không có câu trả lời thỏa đáng, ông sẽ đưa vụ việc lên TBT Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trang VietNamNet có bài: Liêm sỉ và Quốc sỉ! Bài viết lưu ý: Người xưa đã đề cao chuyện liêm sỉ, là tư tưởng thanh sạch, liêm khiết, không làm chuyện dối trá, không ăn cướp của người khác. Liêm sỉ gắn liền với quốc sỉ, làm nên sức mạnh và địa vị của một quốc gia. Người Việt thời nay đang dần quên nguyên tắc của cha ông, nên sẵn sàng dùng tiền bạc, thủ đoạn để mua học hàm, chức tước.
Báo Tổ Quốc có bài: Rà soát chức danh GS, PGS: Thủ tướng biết hết! Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định Thủ tướng Phúc đang được cập nhật đầy đủ tình hình chuyện rà soát chất lượng các tân GS, PGS. Tuy nhiên, ông Phúc “biết hết” nhưng vẫn chưa xử lý được 2 “GS” đang rất có vấn đề là ông Nhạ, bà Tiến.
Mời đọc thêm: Bộ trưởng Bộ Y tế bị khiếu nại vì được đề nghị phong giáo sư(Infonet). – Kính thưa giáo sư (FB Nguyễn Tiến Tường/ TD) – Công bố nội dung thư yêu cầu làm rõ về ông Phùng Xuân Nhạ, vì một nền giáo dục và khoa học lành mạnh (FB Trần Vũ Hải/ TD). – Thứ trưởng Bộ GĐ ĐT: Có ứng viên GS, PGS nói tốt 2-3 ngoại ngữ (DV). – Bộ Giáo dục lên tiếng việc ứng viên giáo sư, phó giáo sư tăng đột biến (TTXVN). – 94 ứng viên GS, PGS có phản ánh về hồ sơ (VNN).
***
Thêm một số tin Việt Nam: Việt Nam đình chỉ hoạt động hai nhà máy thép gây ô nhiễm (RFI). – Miền Nam Việt Nam và những Cơ hội bỏ lỡ: The Road Not Taken(VOA). – Doanh nghiệp Việt trước nguy cơ ‘cuộc chiến thép’ của Mỹ (DNVN). – Hàng trăm tỷ đồng tại Công ty cao su Đắk Lắk “bốc hơi” như thế nào? (DV) – Những đoạn đường ‘đắt nhất hành tinh’: 3.500 tỉ đồng/km đường là quá khủng khiếp (TN). – Vì sao mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc? (VNN) – Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất: “Chính phủ đang lắng nghe các bên liên quan” (DT). – Tìm thấy mảnh vỡ nghi của máy bay Mig21-U gặp nạn 47 năm trước (TN).
Tin thế giới
Chính trường Mỹ
VOA dẫn nguồn từ báo Washington Post, cho biết: Công tố viên độc lập Robert Mueller điều tra việc Trump đả kích bộ trưởng tư pháp. Trong khi đang điều tra vụ bê bối Nga thao túng bầu cử Mỹ, ông Mueller cũng điều tra xem có phải ông Trump đã thúc ép Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions từ chức hồi mùa hè năm ngoái, nhằm cản trở công lý hay không.
Ông Jeff Sessions đã bị ông Trump tấn công nhiều lần vì ông rút lui khỏi cuộc điều tra vụ bê bối Trump – Nga. Hơn một năm qua, ông Sessions đã phải cố gắng nhịn nhục mỗi lần bị Trump lôi ra tấn công. Cho đến hôm qua, khi bị Trump lôi lên Twitter đả kích, lần đầu tiên Sessions phản kháng lại.
Ông Sessions nói: “Khi tôi vẫn còn là Bộ trưởng Bộ Tư pháp, tôi sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của tôi với sự toàn vẹn và danh dự, và bộ này sẽ tiếp tục thực hiện công việc của mình một cách công bằng và vô tư theo luật pháp và Hiến pháp“.
Về tình trạng di dân gốc Việt ở Mỹ, hãng AP đưa tin, những người nhập cư Việt Nam kiện các viên chức Mỹ vì bị giam giữ. Những người nhập cư Việt Nam nộp đơn kiện, cáo buộc nhà chức trách Mỹ đã bắt giữ họ để trục xuất, mặc dù chính quyền Việt Nam không đồng ý nhận họ trở lại, do những người này đến Mỹ trước năm 1995, không nằm trong diện trục xuất mà hai nước đã ký hồi năm 2008.
Có khoảng 10.000 người Việt được lệnh trục xuất, nhiều người trong số đó đã bị tịch thu thẻ xanh sau khi bị án hình sự. Không rõ bao nhiêu người trong số đó đã đến Mỹ trước năm 1995. Các luật sư của nguyên đơn cho biết, có khoảng 45 người không thuộc diện bị trục xuất đã bị giam giữ hàng tháng trời.
VOA có clip: Nước Mỹ qua những bức chân dung.
Mời đọc thêm: Người Việt không giấy tờ kiện chính quyền Mỹ vì bị giam chờ trục xuất (RFI). – TT Trump chưa cho lệnh ‘phản công’ Nga xen vào bầu cử (NV). – Dân biểu Mỹ chất vấn liên kết giữa tập đoàn Trump với dự án rửa tiền Panama(VOV). – Khoản vay “khủng” của công ty Kushner bị điều tra (GT). – Thẩm Phán Curiel: ‘TT Trump có quyền xây tường biên giới’ — Thầy giáo ở Georgia nổ súng, gây tranh luận về võ trang giáo viên (NV).
Quan hệ Mỹ – Trung: Mỹ tăng cường quan hệ với Đài Loan, TQ phản pháo (PLTP). – Thượng viện Mỹ thông qua dự luật gia tăng du hành Mỹ-Ðài Loan (VOA). – Những siêu vũ khí hiện đại của TQ khiến Nga, Mỹ “hoảng hốt” (DV).
Bầu cử ở Nga
Trong cuộc tranh luận giữa 7 ứng viên tổng thống, chiếu trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia Nga, ứng viên Vladimir Zhirinovsky, là người đứng đầu đảng Dân chủ Tự do Nga, nhiều lần gọi nữ ứng viên Ksenia Sobchak ngu ngốc.
Bà Sobchak đã giúp ông Zhirinovsky hạ nhiệt bằng cách hất cốc nước vào mặt ông ta, nhưng có vẻ ông này vẫn chưa bớt nóng, khi tiếp tục gọi bà Sobchak là cô gái điếm, con chó cái (f*cking wh*re, crazy b*tch)…, bất chấp cuộc tranh luận đang được truyền hình trực tiếp, người dân Nga và cả thế giới đang xem.
Mời xem clip bà Sobchak hất cốc nước vào mặt ông Zhirinovsky:
Mời đọc thêm: Ứng cử viên tổng thống Nga tạt nước, cãi nhau khi tranh luận trên truyền hình (DT). – Nga: Putin tranh cử muộn vì nắm chắc phần thắng trong tay(RFI). – Thông điệp trước bầu cử của ông Putin (NLĐ). – Nga: Putin công bố vũ khí hạt nhân ‘bất khả chiến bại’ (BBC). – TT Putin: Tấn công hạt nhân đồng minh của Nga là tấn công chính nước Nga (VOA).
Thủ tướng Campuchia gọi người biểu tình là chó
Báo Phnom Penh Post đưa tin, Thủ tướng Hun Sen đe dọa đánh người biểu tình và gọi họ là chó. Trong bài phát biểu hồi tuần trước, Thủ tướng Hun Sen đe dọa sẽ đánh người biểu tình ở Úc, nếu họ đốt hình của ông khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Úc – ASEAN diễn ra ngày 17/3.
Lời đe dọa của ông Hun Sen chẳng những không làm những người biểu tình sợ hãi, mà còn khiêu khích họ đốt hình nộm của ông cuối tuần qua, rồi tung lên mạng. Đáp trả, ông Hun Sen gọi những người này là những con chó.
Ông nói: “Nếu con chó cắn chân chúng ta, thật khó để chúng ta cắn chân chó. Nếu con chó sủa chúng ta, thật khó để sủa lại chúng… Tôi muốn báo cho những người đốt hình của Hun Sen rằng, điều đó không đúng. Điều đó là sai nếu các người muốn đốt hình của Hun Sen để làm cho Hun Sen chết. Hun Sen sinh năm Rồng, vì thế, hãy đốt tất cả những con rồng trong chùa, thì Hun Sen mới chết“.
VOA có clip: Thủ tướng Campuchia gọi người biểu tình là ‘chó’.
Trung Quốc
VOA đưa tin: Báo Đảng TQ: Cải cách không có nghĩa là làm Chủ tịch vĩnh viễn. Về lo ngại cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ nắm quyền vĩnh viễn, Nhân Dân Nhật Báo Trung Quốc cho biết, “cải cách hiến pháp Trung Quốc để bỏ giới hạn về nhiệm kỳ đối với chức vụ Chủ tịch không có nghĩa là sẽ giữ nhiệm kỳ suốt đời“.
Mời đọc thêm: Vị tướng có thể thành Bộ trưởng Quốc phòng TQ (VNN). – Trung Quốc tung video phô diễn sức mạnh tên lửa hành trình DF-10 (ANTĐ). – Sẵn sàng chiến tranh thương mại với TQ, Trump tăng thuế nhôm thép (Zing).
***
Trung Đông: Syria: Liên Hiệp Quốc bất lực trước tình trạng vi phạm lệnh hưu chiến nhân đạo (RFI). – Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt 2.200 tay súng kể từ khi phát động “Nhành Ôliu” (TTXVN). – Mỹ mất đồng minh chiến lược trên chiến trường Afrin(GT). – Nga tố Mỹ có 20 căn cứ quân sự tại lãnh thổ của người Kurd ở Syria(ANTĐ).
***
Thêm tin thế giới: EU cảnh báo nguy cơ “một mối quan hệ phức tạp” với Anh hậu Brexit (VOV). – Chính phủ Đức bị tấn công mạng để tìm ‘dữ liệu nhạy cảm’ (VOA). – Slovakia : Ba bộ trưởng từ chức sau vụ ám sát một nhà báo điều tra mafia Ý(RFI). – TT Hàn Quốc không chịu gác lại tội ác chiến tranh của Nhật Bản (RFA). – Quyền thừa kế Johnny Hallyday: Luật Mỹ hay luật Pháp sẽ thắng thế ? (RFI). – Tìm được ‘xăm mình cổ nhất’ trên xác ướp Ai Cập 5.000 tuổi (BBC).