Bản tin ngày 21/10/201
Báo Tiếng Dân
Tin trong nước
Tin Biển Đông
Infonet có bài: Tin Biển Đông: Mỹ lại lên tiếng ‘mắng mỏ” Trung Quốc về vấn đề Biển Đông? Dẫn nguồn từ AP, cho biết, phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), Ngoại trưởng Mỹ Tillerson chỉ trích Trung Quốc rằng, “những hành động khiêu khích” của Trung Quốc ở Biển Đông đã thách thức các quy tắc quốc tế mà Mỹ và Ấn Độ ủng hộ.
Đáp lại gợi ý hợp tác toàn diện giữa Mỹ và Ấn Độ, Ấn Độ hoan nghênh Tillerson nói về đối trọng với TQ. VOA đưa tin, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố, rằng Ấn Độ hoan nghênh những phát biểu của ngoại trưởng Tillerson và nói rằng những lời đó “nêu bật cam kết chung của chúng ta đối với một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ“. RFA: Ấn Độ sẵn sàng tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ.
RFA có bài: Chiến hạm Nga thăm Philippines. Bài báo cho biết: “Ba chiến hạm Nga gồm hai tàu chống tàu ngầm đến tại cảng Manila, Philippines vào ngày 20/10 để chuyển các vũ khí và xe quân dụng bao gồm 5.000 súng trường, khoảng 1 triệu băng đạn và 20 xe tải quân đội”.
Mời đọc thêm: Mỹ hết kiên nhẫn với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên và Biển Đông? (DT). – Quân chủng Hải quân và Tỉnh ủy An Giang ký kết tuyên truyền biển, đảo (SGGP). – Bảo hiểm tàu cá tại Khánh Hòa – Bài 1: Mua bảo hiểm nhưng không được bồi thường — Vụ khiếu nại bảo hiểm tàu cá tại Khánh Hoà – Bài 2: Bất thường trong hợp đồng bảo hiểm (ĐĐK). – Vụ ngư dân tố Bảo Minh Khánh Hòa từ bối thường: Luật sư nói gì? (NNVN).
Tin APEC 2017
RFA đưa tin: Việt Nam gặp gỡ Hoa Kỳ và OECD trước khi diễn ra APEC 2017. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, đón tiếp ông David Malpass, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ và các thành viên tại Palm Garden Resort, Đà Nẵng. Ông Dũng “đề xuất một số nội dung với phía Hoa Kỳ như đẩy nhanh việc phê chuẩn Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần Việt Nam – Hoa Kỳ; đề nghị chính phủ Hoa Kỳ đẩy nhanh tiến trình đàm phán và ký kết Hiệp định cấp chính phủ về hợp tác và hỗ trợ giữa cơ quan hải quan, ODA, kỹ thuật…”
VOA đưa tin: TT Trump có thể dự lễ hoàn thành dự án dioxin Đà Nẵng. Trong cuộc đối thoại quốc phòng Mỹ – Việt, tại trụ sở Bộ Quốc Phòng Mỹ 17/10, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam, cho biết: “Liên quan trực tiếp tới chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump, tôi hy vọng chúng ta sẽ tổ chức được buổi lễ công bố hoàn thành dự án tẩy độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng, với sự có mặt của quan chức cấp cao hai nước”.
Lũ lụt chết người: Thiên tai hay nhân tai?
Báo PLTP có bài: Yêu cầu thủy điện hú còi trước khi xả lũ. Một việc làm rất đơn giản như vậy mà bao năm qua, mấy ông quan thủy điện không làm được, phải đợi tỉnh Bình Thuận có công văn “hỏa tốc” nhắc nhở chính quyền địa phương và các nhà máy thủy điện như Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi? Mà thực ra họ đã nói xả đập “đúng quy trình” rồi, chỉ vì người dân chậm chạp nên chết ráng chịu!
VTC có clip: Sơn La thủy điện thượng nguồn xả lũ- thủy điện hạ nguồn có nguy cơ chết yểu. “Trận mưa lũ lịch sử gần 1 tuần qua đã khiến các thủy điện phải ồ ạt xả lũ. Tại Sơn La cũng không phải ngoại lệ. Và từ đây, hậu quả xả lũ không được kiểm soát từ thủy điện thượng nguồn đã khiến 1 trong những thủy điện tư nhân ở hạ nguồn từng được xem là lớn nhất cả nước có nguy cơ chết yếu“:
Mời đọc thêm: Cảnh báo ngập lụt khi hồ thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi xả lũ (VOV).- Nghệ An: Mỗi năm thu 380 tỷ đồng từ các dự án thuỷ điện (NA).
Ngày Phụ nữ Việt Nam: Phụ nữ được quan tâm như thế nào?
Nhà báo Trương Anh Ngọc viết: Xã hội này giỏi hô khẩu hiệu. Tác giả viết về một poster “tôn vinh phụ nữ” nhưng nó chứa đựng những áp lực đè nặng lên đôi vai người phụ nữ, thể hiện sự bất bình đẳng, trọng nam khinh nữ… vẫn còn ăn sâu vào não trạng xã hội Việt Nam: “Vừa bắt họ giỏi việc nước, lại đảm việc nhà, không quên bắt họ ‘chủ động tránh thai’ để ‘tròn vai thiên chức’.”
Tác giả kêu gọi: “Các bà, các cô, các em thân mến, hãy hy sinh ít thôi, hãy sống cho bản thân mình nhiều hơn. Hãy mạnh mẽ, cứng rắn hơn và gia tăng khả năng tự do trong lựa chọn cuộc sống của mình, để làm chủ nó và hãy tìm đường ra thế giới, chứ đừng trao nó cho những người không xứng đáng...”
Facebooker Nguyễn Sơn viết: “Thay vì hô hào hình thức chuyện bình quyền thì Hội phụ nữ nên xuất hiện và lên tiếng kịp thời khi có những vụ hiếp dâm, tấn công tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái, những vụ bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ, trẻ em v.v… Hay chí ít là dùng nguồn tiền ngân sách cấp cho Hội hàng năm mà đem đi giúp đỡ chị em phụ nữ nhiều hơn trong cả 365 ngày chứ đừng hô hào suông trong mỗi ngày này“.
Tác giả Thảo Dân có bài: Ngày vượt lên chính mình. Tác giả viết: “Xin nhắc lại, trong mọi chuỗi đoạn lịch sử, từ khi có ngày 20.10, phụ nữ đều phải vị nghĩa vong thân. Đừng để chết chìm trong khẩu hiệu. Đừng làm Ngô Thị Tuyển vác hòm đạn gấp đôi trọng lượng bản thân. Chỉ có con kiến mới làm được điều đó. Còn chúng tôi là phái yếu, phái đẹp! Tại sao đòi hỏi ở chúng tôi nhiều thế?
Ngược lại, cái Hội PNVN, Hội bảo trợ của những người phụ nữ, thì họ làm được gì cho chúng ta? Bạo lực gia đình, phụ nữ bị hãm hiếp, bị bán sức lao động, bán nhân phẩm để kiếm tiền, trẻ em gái bị xâm hại, phụ nữ về hưu bị giảm lương… cái Hội này ở đâu? Không thấy họ ở đâu hết! Đưa những vụ việc đau lòng ra ánh sáng, là do một số nhà báo và sức ép của cư dân mạng”.
Về chuyện phụ nữ bị hiếp dâm, Hội Phụ nữ VN ở đâu, nhạc sĩ Tuấn Khanh có bài phỏng vấn nạn nhân Phạm Trần Thanh Long, người phụ nữ này cho biết: “Họ từng hăm dọa là tiêu diệt tôi”! Chị Long nói rằng, chị đã từng tố cáo trên Facebook những sự việc khuất tất xảy ra ở địa phương và đã bị an ninh của huyện bảo chị phải gỡ xuống. Chị nói:
“Đó là thông tin về chuyện con ông cháu cha chỗ của em được sắp đặt để ngồi vị trí cao, nhiều tiền của. An ninh buộc em phải giải trình là chi tiết em nói đến cụ thể là ai. Khi em kể ra từng tên và sự kiện thì họ đành phải xác nhận rằng chuyện đó là có thật, nhưng truy em rằng còn ai khác ngoài em biết những chuyện này hay không? Thế nhưng đó là chuyện ai cũng biết mà không dám nói vì lo sợ thôi“.
BBC có bài: VN: Phụ nữ ‘đành chịu’ khi bị bạo lực tình dục? Bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, phát biểu: “Việt Nam, thứ nhất là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, phải có mức chi tiết, phân hoá cụ thể về hành vi, mức độ phạm tội. Thứ hai là chính quyền là phải xây dựng pháp luật và phải nâng cao nhận thức của người dân vì họ có công cụ trong tay. Từ công cụ thực thi pháp luật đến việc tuyên truyền với báo chí, và cải cách các tổ chức dân sự độc lập”.
RFA đưa tin: Phụ nữ Việt thắng giải Khoa học ASEAN-Hoa Kỳ. Người thắng giải nhất vừa nêu là Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp, giảng viên và chuyên viên nghiên cứu tại bộ môn Kỹ thuật Y Sinh ở trường Đại học Quốc tế, thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp cho biết, “nghiên cứu của cô tập trung vào các vật liệu sinh học như keo sinh học và các dụng cụ khâu vết thương không dùng kim được sử dụng dễ dàng trong việc sơ cứu được hiệu quả hơn”.
Mời đọc thêm: Giảm lương hưu của lao động nữ: Quá bất công! (NLĐ). – Hoa hồng nào cho phụ nữ Việt Nam ngày 20 tháng 10? (RFA). – Bình đẳng cho một nửa thế giới (KTĐT). – Phụ nữ đừng quá lo! (NLĐ). – Sao cứ phải 20/10, 8/3, phụ nữ mới được tôn vinh? (NĐT). – Với phụ nữ chúng ta, một ngày chẳng bao giờ là đủ…(DT).
Nhân quyền ở Việt Nam
VOA có bài: Một Việt Kiều Mỹ bị cấm nhập cảnh VN: ‘Hà Nội sợ gây rắc rối cho APEC’. Ông Dominic Phạm, một người Mỹ gốc Việt, sống ở thành phố Westminster, bang California, hôm 18/10 đã bị an ninh cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài “mời làm việc” và sau đó thông báo miệng: “từ chối nhập cảnh”.
Ông Dominic cho biết: “Không có bất cứ một văn bản nào. Tôi được chỉ vào trong phòng đó, họ hỏi qua hỏi lại, chờ cho đến giờ lên máy bay quay về Mỹ. Họ chờ cho đến khi hành khách lên máy bay xong cả thì họ dẫn mình ra trở lại máy bay”. Về lý do, ông nói: “Cũng có thể vì do đợt này Tổng thống Donald Trump về Đà Nẵng cho nên chế độ họ sợ tất cả những người chống Cộng mà về Việt Nam trong đợt này có thể gây rắc rối, lên tiếng này họ”.
Báo Người Việt đưa tin: Vận động tự do tôn giáo trước khi tổng thống Mỹ thăm Việt Nam. Một trong những người sẽ tham gia vận động là Mục Sư Nguyễn Công Chính, cho biết: “Vợ chồng tôi sẽ dự nhiều buổi họp với thành viên Quốc Hội, các giới chức Bộ Ngoại Giao, Tòa Bạch Ốc, và Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ. Tôi sẽ tường trình trong tư cách nạn nhân và nhân chứng về tự do tôn giáo ở Việt Nam”.
RFA có bài: Nhà hoạt động bị chất vấn về Hội Anh Em Dân Chủ. Nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn nói rằng, hôm qua, ông đã phải làm việc với Công an TP Đà Nẵng: “Cả một ngày làm việc họ hỏi facebook như thế nào, quan hệ các một số bài báo viết trên mạng và phỏng vấn đài RFA, trong cam kết họ nói em là không được tiết lộ những vấn đề liên quan đến an ninh vụ án đang điều tra, và em ngầm hiểu là của hội anh em dân chủ, liên quan đến vụ án luật sư Nguyễn Văn Đài”.
Phiên tòa phúc thẩm vụ VN Pharma
TTXVN có bài: Vụ công ty VN Pharma: Viện Kiểm sát đề nghị hủy án sơ thẩm. Ngày thứ hai xét xử phúc thẩm vụ VN Pharma, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM đề nghị “hủy án sơ thẩm, điều tra làm rõ lại tội danh của Nguyễn Minh Hùng” là “buôn lậu” hay tội “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”; làm rõ hành vi “thiếu trách nhiệm” của Cục Quản lý dược – Bộ Y tế, làm rõ tiền chi “hoa hồng” các bác sĩ tại bệnh viện; có dấu hiệu bỏ lọt tội làm giả giấy tờ, tài liệu của Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường…
Ngoài ra, Viện Kiểm sát kháng nghị cần thiết phải trưng cầu giám định lại lô thuốc H-Capita. Còn việc đại diện Bộ Y tế và Bộ Công thương được triệu tập đến nhưng chỉ là để “nghe ngóng” mà không có bất cứ câu trả lời nào.
VTC có video clip: Thuốc ung thư H-CAPITA không được chính phủ Canada chấp thuận.
Mời đọc thêm: Có dấu hiệu bỏ lọt tội 1 lãnh đạo VN Pharma (PLTP). – Vụ VN Pharma: Tại sao VKS kháng nghị hủy toàn bộ án sơ thẩm? (TN). – Vụ VN Pharma: “Đâu có ai ngu ăn hoa hồng mà ký nhận tiền!” — Vụ VN Pharma: Cán bộ hải quan vô can? (NLĐ).
Vụ Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bị “bôi nhọ”
Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Công văn yêu cầu xử lý bác sĩ ‘nói xấu’ bộ trưởng ‘có vấn đề’? Ông Phạm Công Hùng, cựu thẩm phán TAND tối cao, cho rằng cả công văn của Bộ Y tế lẫn quyết định kỷ luật của Trung tâm y tế huyện Phong Điền đều “có vấn đề”. Ông Hùng nói rằng, “cần phải rút quyết định kỷ luật bác sĩ Truyện vì hành vi của ông Truyện không thuộc trường hợp bị kỷ luật“.
Ông Hùng cho rằng, “cán bộ công chức, dù bất kể vị trí nào cũng phải đưa yêu cầu phục vụ nhân dân lên hàng đầu. Muốn làm việc tốt thì phải lắng nghe tất cả các ý kiến, trong đó có cả ý kiến khen chê để kiểm soát lại việc làm của mình xem đúng sai ra sao. Nhưng ý kiến khen thì mình thích, còn ý kiến chê thì mình đòi xử lý kỷ luật là việc không nên“. Và rằng, “quyết định xử lý kỷ luật sai này, người ban hành quyết định cần phải thu hồi lại quyết định. Bộ Y tế cũng nên xem xét thu hồi lại công văn yêu cầu Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế xử lý đối với ông Hoàng Công Truyện“.
Cùng quan điểm với ông Phạm Công Hùng, nhà báo Hoàng Linh có bài: Cần thu hồi quyết định xử lý bác sĩ Truyện. Tác giả đặt câu hỏi: “Trên mạng xã hội có rất nhiều ý kiến về Bộ trưởng Bộ Y tế nhưng sao chỉ có một người trong ngành mà Bộ Y tế quản lý mới bị xử phạt? Nếu lấy căn cứ xử phạt như vị bác sĩ nêu trên thì bộ Y Tế phải có hàng chục ngàn lá đơn khởi kiện thì mới là sòng phẳng, nhưng kết quả ra sao thì chưa biết?”
Báo Lao Động có bài: Vụ bác sĩ bị phạt vì nói xấu Bộ trưởng Bộ Y tế: Sở Thông tin Truyền thông TT- Huế nói gì? Ông Nguyễn Huy Hiển, Phó Giám đốc Sở 4T tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho rằng, việc xử phạt bác sĩ Truyện như vậy là “hợp tình hợp lý, vì bản thân bác sĩ này chỉ mới vi phạm lần đầu, nhân thân gia đình tốt có đóng góp cho cách mạng“. Ông này cũng nói thêm: “Qua trường hợp này, tôi cũng mong mọi người cần cẩn thận trong việc chia sẻ, bình luận, thể hiện quan điểm… trên mạng xã hội”.
Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu viết: “Điều này cho thấy Bộ Y tế mà cụ thể là Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã sử dụng quyền lực hành chính một cách bừa bãi, không có thái độ cầu thị, lắng nghe ý kiến đóng góp… Những cá nhân như vậy, hoàn toàn không xứng đáng góp mặt trong nội các Chính phủ hoặc là người đứng đầu bất cứ Bộ, ngành nào“.
LS Nguyễn Duy Bình kêu gọi: “Toàn dân hãy lên án việc xử phạt vô pháp này. Thật nực cười! Một cán bộ, công chức phê bình lãnh đạo đó là một chuyện bình thường, nhỏ như con thỏ ở nhà nước dân chủ, hà cớ gì phải “chụp mũ” cho rằng bôi nhọ lãnh đạo, bôi nhọ bà này, bà khác và xử phạt người ta. Chừng nào vị bác sĩ này chê bà đĩ điếm, hủ hóa, ăn bẩn… thì mới gọi là bôi nhọ nồi vào mặt. Nếu cứ đà này ai đụng đến một cọng lông của chị, của lãnh đạo sẽ bị xử tất và hơn 90 triệu dân Việt có nguy cơ bán nhà nộp phạt không đủ”.
LS Trần Vũ Hải viết: “Tổng thống Mỹ Donald Trump mà học theo Việt nam, chắc giúp ngân sách Mỹ thu hàng chục tỷ Đô la, còn nếu ông kiện chắc cũng lấy riêng cho ông được hàng tỷ USD, không đến nỗi mất mấy trăm triệu USD và tụt hạng tỷ phú sau 1 năm cầm quyền, vì có hàng trăm triệu người Mỹ chê bai, chửi bới ông trên mạng xã hội, kể cả các thượng nghị sỹ cùng đảng Cộng Hoà! Mấy tuần tới, ông Trump sẽ sang Việt nam nhân hội nghị thượng đỉnh APEC, chắc ông sẽ gặp lại chị Tiến để học hỏi nhỉ?“
Rõ ràng công văn trên của Bộ Y tế “yêu cầu” Sở Y tế Thừa Thiên – Huế phối hợp với Công an có biện pháp “kiểm điểm và xử lý”, thế nhưng ngày 20/10, Bộ này lại bảo rằng không đề nghị xử phạt bác sĩ “bôi nhọ” Bộ trưởng. Hay biết nhọ quá rồi, nên thôi?
Mời đọc thêm: ‘Chê’ Bộ trưởng Bộ Y tế trên facebook, bị phạt 5 triệu (PLTP). – Phạt 5 triệu vì ‘bôi nhọ’ Bộ trưởng Kim Tiến (BBC). – Phạt 5 triệu vì ‘nói xấu’ Bộ trưởng Y tế sai về pháp lý? (VOA). – Đại biểu QH Dương Trung Quốc: Phạt 5 triệu vì “nói xấu” Bộ trưởng Bộ Y tế thì khác gì “chặn họng” — Bác sĩ bị phạt vì “nói xấu” Bộ trưởng Bộ Y tế: Tôi trình bày với cơ quan chức năng hết rồi (LĐ).
Võ Đình Thường: Bình thường hay bất thường?
Nhà báo Mai Quốc Ấn có bài: Đường thăng tiến bất thường của phó phòng CSGT Đồng Nai. Một Võ Đình Thường là đại úy, trạm trưởng trạm CSGT Dầu Giây, vào năm 2003 đã từng nói: “Làm lâu năm trong nghề phải biết kinh nghiệm. Làm sao phải nhanh tay lẹ mắt, phải gọn gàng. Chứ làm mà ai liếc vô cũng biết thì yếu quá. Làm thế báo nó chụp vô là thấy liền… Làm mà để nó chụp hình lên báo là toi“. Ông Võ Đình Thường này đã bị kỷ luật, bị cách chức trạm trưởng, bị đuổi khỏi lực lượng CSGT hồi tháng 10/2003.
Đến tháng 4/2010, có một Võ Đình Thường khác, là trung tá, phó phòng Cảnh sát Môi trường. Gia đình ông này có cửa hàng cung cấp rượu cho quán Bar, “được bảo kê bởi một trùm giang hồ“. Rồi mới đây lại xuất hiện một Võ Đình Thường nữa, lúc này đã mang hàm thượng tá, phó phòng CSGT Đồng Nai.
Nhà báo Trương Hữu Danh Châu cho biết: “Chỉ có một Võ Đình Thường” và “Chỉ có một thôi nhé“. Tác giả cho biết thêm: “Năm 2003, đại uý Võ Đình Thường bị cách chức, cho ra khỏi lực lượng (CSGT), chuyển sang cảnh sát quản lý hành chính. Nôm na là vàng qua xanh. Nhiều bạn nghĩ, “cho ra khỏi lực lượng” có nghĩa là lột áo về quê chăn gà. Rồi đại uý Thường phấn đấu từ xanh qua vàng, lên chức phó phòng”.
Facebooker Trương Quang Thi viết: “Còn gì tệ hơn khi mà luật pháp lại trở thành công cụ cho một nhóm người sử dụng nó để trục lợi trên mồ hôi của nhân dân. Tệ hơn nữa họ là những kẻ từng vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Đất nước này, dân tộc này rồi sẽ về đâu?”
Trước thông tin đang lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, ông Trần Văn Tư – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai cho VTC biết: “đã nhận được thông tin liên quan đến Thượng tá Võ Đình Thường đang lan truyền trên mạng xã hội. Tỉnh uỷ Đồng Nai đang khẩn trương tìm hiểu, xác minh thông tin và sẽ thông tin cho báo chí khi có kết luận chính xác”.
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn có bài: Võ Đình Thường – Tấm gương tự gột rửa. Tác giả viết: “ông Thường điển hình cho một cán bộ ‘trót nhúng chàm’, và rồi không biết đã ‘tự gột rửa’ như thế nào mà chiếm lại được lòng tin của Đảng Cộng sản để tiếp tục được trọng dụng và thăng tiến như vậy. Nếu ông Thường đã, đang và sẽ thăng tiến như thế này thì dư luận có thể hiểu lời chỉ đạo của Tổng Bí thư là, dù ‘nhúng chàm’ nặng tới mức ăn hối lộ của dân đi chăng nữa, nhưng nếu biết ‘tự gột rửa’ đúng cách thì cán bộ vẫn yên tâm được thăng chức như thường”.
Tổng Thanh tra Chính phủ: từ chức hay bị mất chức?
Báo Dân Trí có bài: Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu có đơn xin thôi chức. Theo thông báo trước đó, đáng lẽ Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu sẽ bị miễn nhiệm vào ngày 25/10. Tuy nhiên, viện lý do sức khỏe, ông Sáu đã có đơn “thôi chức” để chuyển sang “thực hiện nhiệm vụ khác“.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết thêm: “Một cán bộ đang công tác ở địa phương được điều chuyển lên Trung ương có thể hồ hởi, phấn khởi. Tuy nhiên sau thời gian công tác, có thể do sức khỏe, do vấn đề gia đình nên họ không đảm bảo được việc thực hiện nhiệm vụ và có đơn xin thôi thì nên ủng hộ”.
Trong một bài viết trên Tiếng Dân, ngày 18/10/2017, tác giả Công Lý cho biết lý do Bộ Chính trị phải thay thế Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu: “Ông Phan Văn Sáu có gốc Đồng Tháp, nghe nói khá thân thiết với Nguyễn Tấn Dũng. Ông này tính tròn, không ưa gai góc và ngại va chạm. Lại xuất thân là dân quản lý kinh tế (Giám đốc Sở Thương mại An Giang) rồi đi lên theo ngạch đảng nên ông Sáu không có chút kinh nghiệm nào về công tác thanh tra. Do vậy, từ khi được điều từ Ban Kinh tế Trung ương về làm Tổng Thanh tra Chính phủ vào tháng 4/2016 đến nay, ông Sáu đã rất chật vật trong việc kiềm chế các bậc lão làng ngồi ở ghế Phó Tổng thanh tra Chính phủ như Ngô Văn Khánh, Đặng Công Huẩn…”
Mời đọc thêm: Tổng Thanh tra Chính phủ xin thôi nhiệm vụ vì lý do cá nhân (Zing). – Phê chuẩn Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng GTVT mới vào ngày 27/10(TP). – Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu vừa từ chức là ai? (ĐSVN).
Về ĐBQH Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Báo Dân Trí có bài: Xem xét tư cách ĐBQH Phan Thị Mỹ Thanh: Các cơ quan đang tiến hành. Liên quan tới vụ các cử tri tỉnh Đồng Nai yêu cầu bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội của bà Phan Thị Mỹ Thanh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh này, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, “các cơ quan chức năng đang tiến hành các việc cần thiết, xong quy trình sẽ báo cáo Quốc hội sau”.
Ông Phúc cho biết thêm, việc bãi miễn tư cách ĐBQH của bà Mỹ Thanh không thể làm ngay theo yêu cầu của cử tri Đồng Nai, mà phải thông qua UBMTTQ tỉnh này.
Mời đọc thêm: Tổng Thư ký Quốc hội nói về đề nghị bãi miễn tư cách ĐBQH của Phó Bí thư tỉnh Đồng Nai (SH).
Nhà máy giấy Lee & Man: Bộ trưởng “tàn phá” TNMT?
Báo Một Thế Giới có bài: Bộ trưởng Trần Hồng Hà bật đèn xanh cho Lee & Man hoạt động chính thức. Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng TN-MT vừa giao cho Tổng cục Môi trường trong thời gian khoảng một tuần, phải “xem xét theo những qui định hiện hành cấp giấy chứng nhận cho Nhà máy Lee & Man hoạt động chính thức“.
Mặc dù bật đèn xanh cho Lee & Man hoạt động, nhưng chính ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà vẫn chưa nắm vững năm yếu tố căn bản về nhà máy, đã nêu trong bài báo nói trên. Thay vì chỉ trích những vi phạm của nhà máy Lee & Man, ông Hà lại “chúc mừng” một nhà đã can tâm xả thả, hủy hoại môi trường sống của người dân.
Về nạn ô nhiễm trên thế giới, RFI có bài: Ô nhiễm gây chết người nhiều hơn các thảm họa khác. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet, nêu rõ, “cứ một trong sáu trường hợp tử vong sớm trên khắp thế giới vào năm 2015, với tổng cộng chừng 9 triệu trường hợp như thế, có thể là vì nguyên nhân phơi nhiễm chất độc. Số chết vì ô nhiễm cao hơn tổng số do các bệnh AIDS, lao phổi và sốt rét gộp lại”. RFI: Ô nhiễm: Sát thủ vô hình ác hơn cả chiến tranh, thiên tai hay dịch họa.
Hiệu trưởng thời nay
Báo Thanh Niên có bài: Ăn chặn tiền suất ăn của học sinh tiểu học. Đó là ông Nguyễn Văn Thiện, cựu hiệu trưởng Trường tiểu học Long Tân, xã Long Tân, Dầu Tiếng, Bình Dương, bị tố cáo ăn chặn mỗi suất ăn 1.000 đồng suốt từ năm 2011 đến nay. Tuy nhiên, đoàn thanh tra của Phòng GD-ĐT huyện Dầu Tiếng chỉ kết luận, “việc bớt xén tiền ăn của học sinh trong năm học 2016 – 2017 với số tiền trên 32 triệu đồng”.
Không chấp nhận việc này, ông Nguyễn Minh Long, 44 tuổi, giáo viên Trường tiểu học Long Tân có đơn thư tố cáo ông Nguyễn Văn Thiện. Được biết, ông Thiện không bay chức, mà đã được chuyển tới làm hiệu trưởng của một trường học khác, cũng ở huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.
Báo VTC có bài: Học sinh bị cổng trường đè gãy chân, hiệu trưởng vô cảm mặc cả: ‘Thầy cô giáo ốm, phụ huynh có quan tâm không?’ Một học sinh trường Tiểu học Tam Quan 1, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc bị cửa sắt nhà trường đổ xuống và đè lên người làm gãy xương quai xanh.
Khi được phụ huynh lên gặp, thì ông Trần Xuân Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ xưa đến nay, chúng tôi ốm đau cũng chỉ các thầy cô giáo đến thăm nhau thôi chứ phụ huynh có bao giờ đến đâu. Những là một đứa cháu học sinh nhỏ thì đến trường học, không may gặp tai nạn không ai mong muốn. Đó là cái may hay không may thôi. Nhà trường không có trách nhiệm đến thăm hỏi cháu… Việc của cháu, cô giáo quan tâm đến thôi chứ còn nhà trường không có động thái quan tâm đến gì cả, tôi nói rõ như thế…”.
Facebooker Chu Mộng Long viết: “Tôi gọi Hiệu trưởng Trần Xuân Ngọc là quỷ đội lốt Hiệu trưởng. Ông có kết tội tôi bôi nhọ thì tôi sẽ huy động tiền nộp phạt… cho ông thỏa mãn. Tai nạn của học sinh xảy ra tại trường, do cổng trường đổ sập, tức nguyên nhân là do nhà trường, Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm chứ không thể phủi tay“.
Tin quốc tế
Chính trường Mỹ
Về thay đổi luật thuế: Phe Cộng Hòa tại Thượng viện thông qua dự luật ngân sách. VOA cho biết, các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà ở Thượng viện vừa thông qua một ngân sách mà theo lời Tổng thống Trump sẽ “cắt giảm và cải cách thuế trên diện rộng”.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân Chủ, nhận xét: “Thưa Tổng thống, đây không phải là một dự luật ngân sách tồi, mà là một dự luật ngân sách khủng khiếp, cực kỳ ác độc, một ngân sách bất công nhất từng được đề xuất trong lịch sử cận đại của đất nước chúng ta. Ngân sách này sẽ cắt giảm Medicaid, chương trình liên bang trả chi phí y tế cho người nghèo và người tàn tật, tới 1 nghìn tỉ đôla, và khiến 15 triệu người Mỹ mất bảo hiểm y tế”.
RFI có bài: Barack Obama «tái xuất», chỉ trích chính sách gây chia rẽ nước Mỹ. Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, hôm qua 19/10/2017 đã xuất hiện trước công chúng để ủng hộ hai ứng cử viên đảng Dân Chủ đang tranh chức thống đốc ở tiểu bang New Jersey và Virginia. Trong một bài phát biểu, ông Obama nói: “Một số chính khách có vẻ như đã ngủ quên. Tôi muốn nói rằng những người này đưa chúng ta thụt lùi lại 50 năm về trước. Chúng ta đang ở vào thế kỷ 21 chứ không phải thế kỷ 19!”
Cũng tin nước Mỹ, VOA có bài tổng kết thiệt hại từ vụ cháy rừng California: Gần 7 ngàn nhà cửa bị thiêu rụi. Hôm ngày 19/10, các giới chức cho biết, “số nhà cửa và các cơ sở khác bị hủy hoại tăng gần 7 ngàn. Tử vong hiện được báo cáo là 42 người”.
Do khả năng dễ gây cháy, Mỹ đề nghị cấm mang laptop trong hành lý ký gửi, VOA đưa tin.
Tin Trung Quốc
VOA có bài: TQ chào mừng Tập, lãnh tụ ‘vĩ đại, sáng suốt’. Các nhà phân tích cho biết, đây là những từ “đầy kính trọng chỉ dành cho hai người khác, ông Mao và người kế nhiệm trong thời gian ngắn là ông Hoa Quốc Phong. Đây là dấu hiệu nữa cho thấy ông Tập đã tích lũy nhiều quyền lực hơn những người tiền nhiệm ngay trước ông, và có thể khôi phục chức chủ tịch đảng làm tiền đề để vẫn nắm một số chức năng sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ hai vào năm 2022”.
BBC đưa tin: TQ: ‘Đảng đã phá tan âm mưu soán đoạt’. Trong phần phát biểu về chống tham nhũng, Tập Cận Bình “chỉ nêu ra các vụ việc của Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Lệnh Kế Hoạch và Tôn Chính Tài”. Sau đó, trên báo Trung Quốc, ông Lưu Sĩ Dư, quan chức phụ trách chứng khoán, được trích lời cho rằng đã có một “âm mưu soán Đảng đoạt quyền”.
Quan sát thái độ của Giang Trạch Dân khi nghe bài diễn văn dài 3 tiếng của tập Cận Bình, BBC đặt câu hỏi: Trung Quốc Mộng làm Giang Trạch Dân ngủ gật? Hôm khai mạc ĐH ĐCS Trung Quốc, khi Tập Cận Bình đ5c bài diễn văn dài 3 tiếng rưỡi, cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân đã ngáp và xem đồng hồ nhiều lần liên tục rồi thiu thiu ngủ.
Ông Neil Connor, một nhà báo nước ngoài, tự hỏi: “Không rõ cái ngáp và chuyện xem đồng hồ của ông Giang Trạch Dân là sự vô ý vì tuổi cao, ngồi lâu thấy mệt, hay là cách ông gửi ra tín hiệu gì khác”.
Tin về loại cúm gia cầm ở TQ có khả năng gây đại dịch cho người: Virus cúm gia cầm H7N9 ở Trung Quốc có khả năng gây đại dịch. VOA đưa tin: “Các cuộc thử nghiệm trong phòng lab về chủng virus cúm gia cầm H7N9 mới đang bùng phát tại Trung Quốc cho thấy virus này có thể lây truyền dễ dàng từ động vật này sang động vật khác và có thể gây ra bệnh dịch gây tử vong”.
BBC có bài: Vì sao ít đảng viên nữ tại Trung Quốc? Giáo sư Lynette H. Ong, Đại học Toronto, giải thích: “Quan điểm lâu đời rằng chỗ của phụ nữ là ở nhà, trong bếp khiến họ không được khuyến khích có tham vọng”.
Thêm tin TQ: Trung Quốc: Chiếm Đài Loan vào giữa thập niên 2020? Không dễ!(RFI).
Khủng hoảng Bắc Hàn
VOA đưa tin từ CIA: Triều Tiên sắp đủ khả năng tấn công Mỹ. Giám đốc CIA, ông Mike Pompeo nói về sự tiến bộ công nghệ hạt nhân của Bắc Hàn: “Họ đã tiến quá xa trong việc này và giờ là lúc phải suy nghĩ cách làm sao chặn đứng bước cuối cùng”. BBC: Giám đốc CIA: Bắc Hàn ‘ở ngưỡng’ năng lực hạt nhân.
Australia xác nhận Triều Tiên ‘mời’ Úc thôi liên minh với Mỹ. VOA đưa tin: “Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop cho hay thư đã được đại sứ quán Triều Tiên ở Jakarta, Indonesia gửi tới đại sứ quán Australia ở nước này”.
RFA có bài: Úc lên tiếng về thư Bắc Hàn gửi các nước “kêu ca” về Hoa Kỳ. Theo bản tin, “Thủ tướng Malcolm Turnbull nói bức thư thực chất không nói gì nhiều về Australia mà chỉ là những lời khoa trương nói xấu Tổng thống Mỹ”.
Châu Á
RFI có bài: UNICEF báo động về số phận trẻ em Rohingya. Tin cho biết: “Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố hôm nay 20/10/2017 báo động, đã có gần 340.000 trẻ em người Rohingya tị nạn tại Bangladesh từ cuối tháng Tám, hiện đang thiếu thốn thực phẩm, nước uống và thuốc men. Và mỗi tuần lại có thêm 12.000 em gia nhập các trại tị nạn”.
VOA đưa tin: Ung thư gan ở Châu Á có liên hệ tới thảo dược. Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện nhiều bằng chứng cho thấy “có mối liên hệ giữa các thảo dược cổ truyền của Trung Quốc với ung thư gan trên khắp khu vực Châu Á”. Kết quả dựa trên cuộc “thí nghiệm 98 khối u gan tại các bệnh viện ở Đài Loan và phát hiện 78% chứa các mẫu biến đổi cho thấy ung thư có rất nhiều khả năng do có tiếp xúc với các hóa chất này”.
Châu Âu
Mong muốn thế giới ủng hộ giải pháp Nga-Trung, Ngoại trưởng Nga nói về các vấn đề hạt nhân. VOA cho biết, tại hội nghị về không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Moscow, ông Lavrov nói rằng “thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran bị phá vỡ sẽ gửi một thông điệp đáng lo ngại về các cơ chế an ninh quốc tế và có thể ảnh hưởng đến tình hình trên bán đảo Triều Tiên”.
Đàm phán Brexit: EU-Anh ‘dọn đường đàm phán thương mại’. BBC cho biết: “Chính phủ ở London đã đề nghị có thêm ít nhất là hai năm quá độ, trong thời gian đó, Anh không còn là nước thành viên nhưng các cam kết tài chính và những quy định pháp lý như thành viên vẫn tạm giữ nguyên”.
Putin dạy đời EU: Catalunya: Tổng thống Nga chỉ trích thái độ « lá mặt lá trái » của châu Âu. RFI dẫn lời Putin nói: “Trong trường hợp Catalunya, Liên Hiệp Châu Âu và một số nước khác đã lên án không khoan nhượng những người ủng hộ độc lập. Tuy nhiên, với trường hợp Kosovo, những quốc gia này lại quyết định ủng hộ vô điều kiện cho vùng này được độc lập, nhằm làm vừa lòng người anh cả Hoa Kỳ của họ”.
Trung Đông
Báo Người Việt đưa tin: Phi cơ không người lái Mỹ giết tư lệnh Taliban ở Pakistan. Phát ngôn viên của nhóm ly khai khỏi thành phần Taliban ở Pakistan, cho hay, “ngoài thủ lãnh Umar Khalid Khorasani còn có chín tay súng thân cận với Khorasani cũng thiệt mạng”. RFI có bài: Syria: Liên quân Ả Rập Kurdistan thảo luận về số phận quân thánh chiến nước ngoài.