Bản tin – 18/11/2017
Báo Tiếng Dân
Tin trong nước
Tin Biển Đông
VOA đưa tin: Tuyên bố ASEAN phớt lờ chuyện Trung Quốc xây đảo ở Biển Đông. Tuyên bố của các nước ASEAN hôm 16/1 đã không đề cập tới việc “Trung Quốc xây cất đảo ở Biển Đông cũng như một phán quyết của tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc vô hiệu hóa các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trong vùng biển tranh chấp“.
Infonet có bài: Tin Biển Đông: Dừng “công kích” Trung Quốc ở Biển Đông, Nhật Bản muốn gì? Trong những năm qua, “Thủ tướng Abe đã nhiều lần nhắc tới vấn đề Biển Đông cũng như chỉ trích hành động bành trướng chủ quyền của Bắc Kinh ở vùng biển chiến lược này. Nhưng khác với trước đây, ông Abe lại có sự im lặng bất thường khi tham dự hội nghị ASEAN diễn ra ở Manila“.
Vụ một người phụ nữ Việt, bị Malaysia bắt giữ, BBC đưa tin: Malaysia: Nghi án hối lộ để ‘giải cứu’ nhiều tàu cá VN. Người phụ nữ này bị bắt về tội “hối lộ hàng trăm ngàn đô la Mỹ cho quan chức hàng hải nước này để họ thả chín tàu cá Việt Nam mà phía Malaysia nói là đánh bắt trái phép nên bị bắt giữ“.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Đại sứ Việt Nam ở Indonesia, cho rằng, “thay vì thông báo ngay cho cơ quan chức năng, một số gia đình ‘chạy’ ‘qua các kênh khác nhau’ để ‘tìm cách giảm án’ cho người thân, dẫn đến nguy cơ ‘tiền mất tật mang’.“. Ông Tuấn nói: “Họ chỉ tìm, thông tin đến đại sứ quán khi (các kênh trung gian này) không thể giải quyết được như đã hứa hẹn với khách hàng của mình“. Chắc ông Tuấn cũng hiểu vì sao người dân không còn tin tưởng vào các quan chức chính phủ, mà bỏ tiền ra “chạy” từ cách kênh khác.
Mời đọc thêm: 5 ngư dân Việt Nam bị Indonesia kết án (RFA). – Sẽ bảo vệ quyền lợi của ngư dân kêu oan ở Indonesia (TT). – Quảng Bình: Vững vàng trên những con sóng (Infonet). – Chuyện Biển Chuyện Người: Người đàn bà nơi cửa biển (8h, thứ Bảy, 18/11) — Không tiếp cận được vốn vay, nhiều tàu cá đóng theo Nghị định 67 nằm bờ (VTV). – Cho vay đóng tàu theo Nghị định 67: Nợ xấu có xu hướng gia tăng (ND).
Quan hệ Việt – Mỹ
Về chuyện sắm vũ khí, VOA có bài: Vì sao VN không mặn mà với lời chào mua vũ khí của Trump? Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng của trường đại học George Mason ở Mỹ nhận định: “Khi người ta đã quen với vũ khí nào thì dĩ nhiên người ta thích vũ khí đó. Nhưng tôi nghĩ ẩn ý trong đó là vấn đề tiền bạc. Mua đồ của Nga thì vấn đề tiền bạc dễ hơn. Có thể có tham nhũng trong đó nữa. Còn mua vũ khí Mỹ thì không thể đi lót tay được”.
Liên quan đến di dân, BBC có bài: Người Việt ở Mỹ: Nếu bị trục xuất, Việt Nam có nhận? Theo Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên từ San Jose, California, hiện vẫn chưa rõ sự thay đổi luật di trú sau chuyến đi của Tổng thống Trump sang Việt Nam, nhưng ông cho biết: “Theo tinh thần của Biên bản Ghi nhớ ký giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ngày 22/1/2008 thì những ai đến Mỹ định cư hợp pháp, như qua diện tị nạn hay diện thẻ xanh trước ngày 12/7/1995 thì Việt Nam sẽ không nhận về nếu có bị Mỹ trục xuất”.
RFA có bài: Việt Nam vào danh sách các nước cần chú ý về buôn bán động vật hoang dã. Tin cho biết, “Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa xếp Việt Nam vào danh sách những nước cần chú ý về buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã năm 2017″. Gồm có 26 nước,“là những nước được xác định là nguồn cung cấp chính các sản phẩm từ động vật hoang dã, là điểm chuyển giao chính cho các sản phẩm từ động vật hoang dã, hoặc là nước tiêu thụ chính các sản phẩm từ động vật hoang dã”.
Thiếu ý thức về động vật nguy cấp: TT Trump ăn súp vi cá mập tại Hà Nội bị các nhà môi trường lên án. VOA dẫn nguồn từ AP cho biết, ông Trump đã dùng “món súp hải sản được chế biến từ bóng cá, tôm, sò điệp và vi cá mập” trong quốc yến tại Hà Nội. Sự kiện này gây lên những tiếng chỉ trích mà Quỹ Quốc tế về Phúc lợi Động vật (IFAW) cho rằng, ông Trump không hiểu gì về “tình trạng của các loài nguy cấp trên toàn thế giới”.
Nhân quyền ở Viêt Nam
BBC có bài: Đại diện XHDS nói gì với phái đoàn ngoại giao EU? Blogger Phạm Đoan Trang cho biết, bà nói “về lao động, quyền người lao động, quyền mặc cả thương lượng tập thể, quyền đình công, quyền thành lập công đoàn độc lập ở Việt Nam chưa được đảm bảo”.
Bà Trang cho biết thêm: “Tôi có đề cập đến Hội Anh em Dân chủ, bị dán nhãn là tổ chức phản động dù rất ôn hòa. Bị gán cho cái nhãn như thế thì không hội hiệp nào tồn tại được. Trong khi đó, Hội Cờ đỏ vốn có các hoạt động chia rẽ lương – giáo và Công giáo thì lại được bảo kê“.
TC Luật Khoa có Thông cáo về vụ bắt giữ sáng lập viên và biên tập viên Phạm Đoan Trang. Sau cuộc họp với phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam hôm 16/11, bà Đoan Trang đã bị an ninh Việt Nam câu lưu. Cô cũng bị thu giữ trái phép đồ dùng cá nhân như máy tính, điện thoại và không được liên lạc với người bên ngoài. Đến nửa đêm cùng ngày, cô mới được đưa về nhà nhưng vẫn bị giam lỏng.
Trước tình trạng vi phạm pháp luật nghiêm trọng nêu trên, TC Luật Khoa đưa ra bản Thông cáo, nêu rõ, “cực lực lên án hành vi bắt cóc, cướp tài sản và giam lỏng nói trên. Những hành vi này đi ngược lại mọi quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế, cũng như đặt biên tập viên của chúng tôi vào tình thế nguy hiểm đến thể chất và tinh thần, đặc biệt trong hoàn cảnh biên tập viên Phạm Đoan Trang đang phải điều trị khắc phục một chấn thương đầu gối nghiêm trọng“.
Thông cáo viết tiếp: “Chúng tôi yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ngay lập tức can thiệp để chấm dứt tình trạng giam lỏng, điều tra các hành vi phạm pháp nêu trên và truy cứu trách nhiệm những người có liên quan theo quy định pháp luật hiện hành“.
Facebooker Trương Dũng có bài kể lại chuyện bị an ninh bắt cóc. Một đoạn đối đáp giữa nhà hoạt động Trương Dũng và An ninh:
– Anh có biết quan hệ với HAEDC là phản động không?
– À, hoá ra Nông Đức Mạnh chụp ảnh với Cù Huy Hà Vũ thì cũng là phản động rồi! Tôi đáp.
– Anh còn nhớ thập niên 70 và 80 anh đã vi phạm pháp luật không?
Sau đó ả đọc vanh vánh tất cả các tiền án và tiền sự của tôi. Tôi bảo với ả:
– Việc vi phạm pháp luật của tôi muốn nói gì thì nói tôi cũng chỉ là dân đen. Thằng Trần Đại Quang và Phạm Quí ngọ trộm cắp trong vụ Vinaline sao không xử lý đi?
– Anh không được xúc phạm đến lãnh đạo! Cô ta dằn giọng.
– Tôi nói cho chị biết, tôi cũng là công dân, nó cũng vậy, tất cả đều bình đẳng trước pháp luật!
Hội SVNQVN có bài: Thông tin trước ngày xét xử sơ thẩm sinh viên luật Trần Hoàng Phúc. Thông tin cho biết, gia đình Trần Hoàng Phúc đã mời 3 luật sư, gồm: LS Nguyễn Văn Miểng, LS Lê Văn Luân và LS Đặng Đình Mạnh. Các luật sư này đã nộp đơn yêu cầu cấp giấy chứng nhận bào chữa nhưng chưa được trả lời. Luật sư Lê Văn Luân đã nộp hồ sơ cấp giấy ngày 10/11/2017, theo qui định của pháp luật, chậm nhất 3 ngày phải trả lời nhưng đến ngày 15/11/2017 luật sư Luân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận bào chữa.
Hội SVNQVN dẫn nguồn từ Facebook cá nhân, em gái Nguyễn Viết Dũng cho biết, cha của Dũng có đi thăm Dũng ở trại giam, nhưng “hiện tại gia đình chỉ được gửi đồ, chưa cho thăm gặp”. Em gái Dũng cũng cho biết thêm: “Ngày công an đến nhà khuyên bảo cha nên đi xin, đi mượn giấy tờ có công lao với nhà nước của tất cả các anh em trong họ đến để anh được giảm án. Cha thẳng thừng ‘Con tôi không có tội!’.“
Mời đọc thêm: Gặp EU về nhân quyền, 3 nhà hoạt động ‘bị bắt cóc’ (VOA). – Công an câu lưu 3 nhà hoạt động xã hội vì gặp phái đoàn EU (RFA).
Những kẻ ngoan cố
Đúng là không ngượng mồm và không còn chút liêm sỉ nào khi ông Trương Minh Tuấn bảo là ‘Việt Nam không có chế độ kiểm duyệt báo chí’. Không kiểm duyệt sao lại bị Freedom House liệt vào nhóm nước kiểm duyệt internet nhất thế giới? Ông Tuấn còn trơ trẽn nói rằng: “Việc không cấp phép cho tư nhân ra báo không những không làm hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí mà còn đảm bảo báo chí nước ta không bị lũng đoạn“.
Ha ha, bộ ông Tuấn chỉ thích “nâng bi” hay sao mà tiêu cực vậy: “Cứ mở tờ báo ra đọc là thấy toàn những chuyện xấu xa, tệ hại của xã hội. Đất nước ta thiếu gì chuyện tốt đẹp sao báo chí không viết, lại viết toàn những điều không tốt như vậy?” Hơn nữa, Việt Nam làm gì có sản phẩm nào đủ tầm mà ông bảo cần 5-7 năm để thay thế Facebook, Goolge?
Đúng là gậy ông đập lưng ông. Facebooker Nguyễn Ngọc Chu chỉ ra thiếu sót nghiêm trọng về an ninh mạng mà chính ông phải chịu trách nhiệm đây, thưa ông Tuấn. Đó là: “1. Không có hệ thống bảo mật an toàn thông tin cho người dùng Việt Nam. 2. Không có các sản phẩm phần mềm mạng xã hội của người Việt Nam cho người Việt Nam sử dụng. 3. Không biết cách đánh thuế đối với các nhà cung cấp phần mềm mạng nước ngoài dẫn đến hàng trăm triệu đô la không thu thuế. 4. Không đối phó được nguy cơ phá hoại Việt Nam qua hủy hoại hệ thống thông tin của Việt Nam“.
Nhà báo Huy Đức viết: “Trong phần trả lời chất vấn về mạng xã hội, Trương Minh Tuấn đã chứng minh, ông là một ‘Ja – ve’ thay vì là Bộ trưởng một bộ đang nắm công nghệ thông tin – ‘hạ tầng của các hạ tầng’. Các thế lực thù địch cũng không thể thành công hơn khi mô tả các nỗ lực chống lại quyền tự do ngôn luận ở VN như những gì ông Tuấn nói. Tôi hiểu vì sao Trương Minh Tuấn lại phải ‘bảo hoàng’ hơn cả công an như vậy“.
Báo VnExpress có bài: Cục trưởng An ninh mạng: Yêu cầu Facebook đặt máy chủ ở Việt Nam. Ông Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng An ninh mạng, Bộ Công an cho rằng, “tình trạng phát tán thông tin xuyên tạc, bôi xấu cá nhân, cán bộ trên mạng đang diễn ra rất nghiêm trọng“.
Ông Thuận còn viện dẫn, “hiện nay trên thế giới nhiều quốc gia ban hành chính sách quản lý địa phương hóa dữ liệu. Tức là các doanh nghiệp nước ngoài muốn kinh doanh, khai thác phải đặt máy chủ ở nước sở tại. Đài Loan, Nhật Bản và nhiều nước khác đã thực hiện điều này“, để cho rằng “việc yêu cầu các đơn vị như Facebook và Google đặt máy chủ ở Việt Nam là rất thỏa đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế, tạo cạnh tranh công bằng“.
Mời đọc thêm: Youtube gỡ bỏ gần 5.000 clip xâm hại lợi ích của Đảng, Nhà nước và người dân (NLĐ). – Bộ trưởng TT&TT: Đã tác động để gỡ bỏ 5.000 clip xấu — Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói về quản lý mạng xã hội (PLTP). – Những câu trả lời chất vấn của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn (Zing). – “Không để thông tin trên mạng xã hội dẫn dắt báo chí” (TT). – Mạng xã hội nước ngoài thu về 100 triệu USD nhưng không đóng một đồng thuế cho Việt Nam (LĐ). – Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: ‘Năng lượng xấu, tiêu cực lấn lướt trên mạng xã hội’ (TN). – Khó quản lý trên Facebook, YouTube, Bộ trưởng TT&TT muốn thúc đẩy mạng xã hội của VN — Bộ trưởng Bộ TT&TT ‘xin lỗi’ đại biểu vì phát ngôn ‘không gọi là báo chí chính thống’ (TTVN). – Việt Nam: 27 cuộc tấn công mạng ‘có chủ đích’ nhắm vào APEC(VOA).
Không kiểm duyệt, chỉ đình bản
Liên quan đến việc Tạp chí Nhà Quản Lý bị đình bản ba tháng, nhà báo Mai Quốc Ấn cho biết thêm: “Thông tin mới nhất tôi nhận được là ‘Toàn bộ Ban biên tập, Ban Thư ký tòa soạn và phóng viên tạp chí Nhà Quản Lý đồng loạt làm đơn xin nghỉ việc sáng nay(16/11/2017)’. Ít ra tôi còn thấy họ giữ tự trọng hơn rất nhiều nhà báo khác“.
Nhà báo Hữu Nguyên viết: “Nhiều tổng biên tập chẳng biết nghề, chỉ giỏi kiếm tiền theo kiểu ‘tay không bắt giặc’, hoặc chỉ giỏi hứa hẹn kiếm thật nhiều tiền bằng mồm, và giỏi chạy, giỏi nghe lời, giỏi an phận đếm tiền, nên được xếp ngồi vào ghế. Người làm báo tử tế dám chống lại kế hoạch thu hồi vốn, chủ trương ‘tay không bắt giặc’ của các vị tổng tư lệnh báo vốn quen nghề đầu tư ghế hơn nghề làm báo còn đâu chốn nương thân?”
Về chuyện chuyên trang Phụ nữ và Đời sống (phununews.vn) bị đình bản 3 tháng và bị phạt 140 triệu đồng do bài viết về Triều Tiên, nhà báo Đặng Thị Thanh Hương, là người quản lý trang này, viết trên trang FB của mình:
“Đau quá, suốt cả đời làm báo dù đã gặp khá nhiều thử thách nhưng mình đều bình tĩnh vượt qua. Nhưng chiều qua thì mình đã khóc. Mình khóc vì nhìn các phóng viên của mình ngồi ngây dại bên máy tính khi bài chưa kịp lên trang đã xóa. Mình khóc vì cay đắng với cái nghề nhọc nhã này sao càng ngày càng khó khăn đến thế? Mình khóc vì bao nhiêu công sức và tâm huyết giờ đổ xuống sông… Cay đắng quá mà không biết phải làm gì bây giờ. Thế là thất nghiệp cả một tòa soạn không kém phần chuyên nghiệp. Nhìn các em khóc mình đau lòng quá. Rồi các em ngày mai sẽ sống thế nào?”
Còn về Tạp chí Nhà quản lý trang VN Thời báo cho biết: “Lý do sâu xa của việc đình bản là ở chỗ, trong thời gian qua, tạp chí Nhà quản lý đã cho đăng tải nhiều bài phản biện rất hay, gây chấn động, và chính điều đó đã làm Bộ TT-TT không hài lòng“.
Mời đọc thêm: Cục trưởng Cục báo chí nói về việc xử lý sai phạm các Tạp chí điện tử (TQ). – Điệp khúc đình bản – đình bản (VNTB).
Vì sao vụ bê bối AVG vẫn chưa được đưa ra ánh sáng?
Báo VN Finance có bài: Vụ Mobifone mua AVG: Đang thanh tra nên chưa có cơ sở để báo cáo ĐBQH. Đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn Cà Mau nêu 3 câu hỏi liên quan đến việc công ty Mobifone và AVG, gửi Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: “Từ nhu cầu nào và dựa trên cơ sở nào mà Mobifone đã dùng vốn chủ sở hữu nhà nước để mua AVG? Hai là giá trị đích thực của thương vụ này là bao nhiêu? Ba là Từ khi AVG được Mobifone mua về, hoạt động như của AVG ra sao? Hiệu quả có tương xứng với giá trị đồng vốn bỏ ra hay không?”
Tuy nhiên, thật khó hiểu là, thay vì để ông Tuấn trả lời, bà Ngân, Chủ tịch QH đã chặn lại. Theo bà Ngân, “riêng về câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân, Cà Mau về AVG, vấn đề này đang được thanh tra, chờ khi nào có kết luận của thanh tra thì mới có cơ sở để báo cáo“.
Còn nhớ, hồi tháng 9/2016 đã có quyết định của Tổng Thanh tra Chính phủ, thanh tra toàn diện Dự án MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Tuy nhiên, “cuộc thanh tra 50 ngày của Thanh tra Chính phủ đã kết thúc nhưng sau hơn một năm, kết luận vẫn chưa được công bố“.
Cho dù hồi tháng 7/2017, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã yêu cầu “khẩn trương thanh tra, kết luận vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG“, thế nhưng, có phải do “chính ông Tô Lâm là người ký phê duyệt mức giá mua bán AVG từ phía Bộ Công An trong khi Bộ Công An ký phê duyệt mức giá mua bán trong việc này là không đúng chức năng, còn ông Trương Minh Tuấn là người ký phê duyệt mức giá mua bán AVG từ phía Bộ Thông tin Truyền thông“, mà đến nay những kẻ nhúng chàm vẫn chưa bị lôi ra ánh sáng?
Mời đọc thêm: Đại biểu Lê Thanh Vân chất vấn vụ Mobifone mua AVG (PLTP). – Thương vụ AVG: Chưa trả lời chất vấn do đang thanh tra (VNE). – Bộ trưởng Trương Minh Tuấn mong sớm kết luận vụ Mobifone – AVG (TT). – Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Bộ TT&TT chưa nhận được dự thảo kết luận thanh tra vụ Mobifone mua AVG (TP).
Số phận Phó tư lệnh QK1 Hoàng Công Hàm
Sau khi bị UBKT Trung ương đảng CSVN đưa ra mức kỷ luật cảnh cáo đối với Phó Tư lệnh QK1 Hoàng Công Hàm, báo PLTP đưa tin, Bộ Quốc phòng sẽ xem xét kỷ luật đối với ông này. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) cho biết, các vi phạm của Thiếu tướng Hàm bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật là từ khi còn công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn. Thế nhưng, không hiểu sao ông Hàm vẫn leo được lên chức Phó Tư lệnh QK1?
Cũng theo ông Nghĩa, sau khi UBKT TƯ thi hành “kỷ luật về Đảng” với tướng Hàm và “có thông báo”, thì Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng mới có thể tiếp tục xem xét, xử lý đối với ông này.
Mời đọc thêm: Bộ Quốc phòng cảnh cáo Phó tư lệnh Quân khu 1 (Zing). – Bộ Quốc phòng kỷ luật cảnh cáo Phó Tư lệnh Quân khu 1 (DT). – Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nói về việc Thiếu tướng Hoàng Công Hàm bị kỷ luật (LĐ). – Vụ kỷ luật thiếu tướng Hoàng Công Hàm là từ đề nghị của quân đội (DV). – Kỷ luật tướng Hoàng Công Hàm: Quy trình xử lý tiếp theo (DV).
Vụ án Nguyễn Khắc Thủy xâm hại trẻ em
Facebooker Đặng Như Quỳnh có bài tường thuật phiên xử: Diễn biến xét xử vụ án dâm ô nhiều trẻ em tại Vũng Tàu. Báo Tin tức VN có bài: Cựu giám đốc ngân hàng 77 tuổi dọa tự thiêu nếu bị tuyên án dâm ô trẻ em. Bài báo viết: “Trong phần tranh luận, bị cáo một mức kêu oan cho rằng mình không dâm ô ai và lớn tiếng cho rằng nếu tuyên bị cáo phạm tội thì ngay lập tức sẽ tự thiêu vì suốt 3 năm qua ông quá mệt mỏi và mất hết mọi thứ“.
LS Lê Ngọc Luân cho biết: “VKS đề nghị mức án 3 đến 4 năm tù. Hai Luật sư bào chữa cho Bị cáo yêu cầu tuyên vô tội. Toà tuyên 3 năm tù giam. Tại toà, có người cầm đá đòi ném Bị cáo Thuỷ nhưng Công an ngăn cản kịp“.
Facebooker Đặng Như Quỳnh có clip cho thấy, ông Nguyễn Khắc Thủy tỏ ra hung hăng, “hùng hổ”, không giống như tại phiên tòa xét xử, ông ta kêu mệt, khó thở.
Mời đọc thêm: Đang xử ông Nguyễn Khắc Thủy dâm ô trẻ em ở Vũng Tàu. (PLTP). – Xét xử ông già 77 tuổi xâm hại nhiều trẻ em ở Vũng Tàu (TT). – Xét xử ông già 77 tuổi dâm ô 2 bé gái: Báo chí theo dõi qua màn hình camera (LĐ).
Lại chết dưới tay công an?
Báo NLĐ có bài: Tử vong sau khi bị công an bắt. Hôm qua, ông Nguyễn Ngọc Tân (SN 1951, ngụ xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) cho biết, ông “đã làm đơn cầu cứu đến Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đề nghị làm rõ trường hợp con ông là Nguyễn Ngọc Nhân (SN 1988) đã tử vong sau khi bị công an bắt nhưng trên người có nhiều vết thương“.
Ông Tân cho biết thêm: “Công an nói nó chết là do tai biến. Tôi tưởng con tôi chết là do bệnh lý nên mới nhận xác về chôn cất. Lúc thay đồ tẩm liệm, người nhà thấy trên tay, chân có nhiều vết thương như như còng xiết; nhiều dấu như bị điện chích, bầm tím gần hết cả lưng“. Đặc biệt, gia đình ông còn nhận được một cuộc điện thoại nói rằng “Tôi làm công an. Con ông bị đánh chết chứ không phải bệnh lý”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tảo, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, cho hay: “Chiều 16-11, công an huyện bắt Nhân vì trên người có tàng trữ chất ma túy. Theo kết quả khám nghiệm tử thi, Nhân tử vong do nhồi máu cơ tim. Còn các vết thương có trên người Nhân thì công an tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ để trả lời cho gia đình anh”.
Mời đọc thêm: Con trai tử vong sau khi bị công an bắt, cha gửi đơn đề nghị làm rõ(TN). – Thêm một trường hợp tử vong tại đồn công an (RFA).
Loạn tiến sĩ
Báo Zing có đồ họa: Đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam: Chất lượng thấp, tụt hậu so với thế giới:
Mời đọc thêm: Vì sao Đề án 911 “chết” giữa chừng? (*) Đào tạo tiến sĩ: Giá rẻ mà đòi chất lượng cao (NLĐ). – Đề án đào tạo tiến sĩ: ‘Không tiêu hết tiền thì trả lại Nhà nước’ (VN Mới). – 12.000 tỷ đào tạo 9000 Tiến sĩ: ”Dư luận chưa hiểu hết”(ĐV). – Vài lời bàn về việc tiêu 12 ngàn tỷ đồng để đào tạo 9000 tiến sĩ (GDVN). – Ngẫm về chuyện dùng ngân sách để đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài (Trí thức VN). – Đất lành nào cho tiến sĩ “đậu”? (VNN). – Đề án đào tạo 9000 Tiến sĩ: Liệu có cho ra đời nhiều “lò sản xuất” Tiến sĩ? (VOV). – Chi 12.000 tỷ để đào tạo tiến sĩ- cuộc chạy đua của những con số? (PLXH).
Cách mạng tháng 10 Nga và CNCS
Trang Dân Luận có bài: Những bài học sau 100 năm cách mạng cộng sản. Trong lịch sử, CNCS không chỉ giết hại hàng trăm triệu người, mà còn đầy đọa, áp bức hàng triệu người còn sống, kiểm soát toàn diện hầu như tất cả các mặt của đời sống của con người.
Bài viết cho rằng: “Mặc dù người cộng sản hứa hẹn xây dựng xã hội không tưởng, trong đó giai cấp công nhân sẽ được hưởng sự thịnh vượng chưa từng thấy, nhưng thực tế, họ đã tạo nạn đói nghèo trên diện rộng. Khi nào quốc gia cộng sản và không cộng sản ở gần nhau, thì chính cộng sản phải xây những bức tường và dọa giết để ngăn không cho người dân của mình chạy trốn sang những xã hội có nhiều cơ hội hơn“.
Không những vậy, “hệ thống xã hội chủ nghĩa tạo ra những cơ hội để người cầm quyền phạm những tội ác khủng khiếp, đồng thời nó còn tiêu diệt động cơ sản xuất của những người dân bình thường“. Hậu quả là “những hành động tàn bạo và thất bại của chủ nghĩa cộng sản là kết quả tự nhiên của nỗ lực nhằm thiết lập nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, trong đó toàn bộ hoặc gần như toàn bộ quá trình sản xuất đều nằm trong tay nhà nước“.
Trang VN Thời báo có bài: 73 cái mùa Xuân có thể làm thay đổi một con người? Bài viết đặt câu hỏi: “Đến bao giờ người đốt lò mới chịu từ bỏ sự mơ mộng của kẻ văn chương, sự cứng đầu của một người đứng đầu đảng, sự ngu muội của một đảng viên thấm nhuần lý thuyết kinh kệ cộng sản mà bỏ quên thực tiễn đời sống đang diễn ra? Hay ông đang muốn ghi dấu ấn cho mình, muốn xây mình một tượng đài, một lăng tẩm trong lòng ‘đảng viên’ với nhóm lợi ích là đang duy trì một thực thể sống thực vật, một bầu dinh dưỡng nuôi lợi cho nhóm người? Một thành trì của Stalin – nơi mọi người nhìn vào đều nể sợ?”
Câu hỏi của bài viết cũng chính là câu trả lời: “Còn ông 73 tuổi đời – đến bao giờ mới chịu thức tỉnh? Hay là mãi khi thời thế biến loạn, chức vụ TBT ĐCSVN bị vứt xó vào sọt rác lịch sử thì ông mới ngậm ngùi hối tiếc về quan điểm, tư duy lỗi thời – cứng nhắc của mình? Một tư duy, quan điểm kéo lùi cả sự phát triển của dân tộc? Hay ông Tổng bí thư chỉ thực sự thức tỉnh khi rơi vào trường hợp của Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe – người bị bắt giam vì tham quyền cố vị, kẻ đã gây ra suy thoái kinh tế và xã hội cho đất nước này?”
Vẫn còn sợ VNCH?
Báo Lao Động có bài: Vẫn lúng túng cấp phép ca khúc trước năm 1975. Nghịch lý bao lâu nay vẫn còn “Những ca khúc nhảm nhí, ca từ ngô nghê thì được lưu hành, trong khi các sáng tác quen thuộc, đã đi vào lòng người lại đang phải chịu những rào cản về việc cấp phép“. Còn nếu cấm thì lại sợ “vô tình quảng bá cho những ca khúc cấm này“.
Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam cho rằng, “muốn việc quản lý chất lượng ca khúc được nâng cao, người làm quản lý văn hóa không nên quay lưng với internet và mạng xã hội, mà cần đưa ra những quy định để quản lý nó, góp phần ngăn chặn những ca khúc nhảm nhí phổ biến, tràn lan trong đời sống nghệ thuật“, và rằng, “chẳng cần đến giải pháp cực đoan, bởi âm nhạc chính thống hay giải trí mà không có giá trị đích thực thì sẽ nhanh chóng bị đào thải“.
Cầu Vàm Cống chưa xong đã nứt dầm
Trang Zing có bài: Cầu 5.700 tỷ bắc qua sông Hậu chưa khánh thành đã nứt dầm. Chủ đầu tư dự án cầu Vàm Cống là Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, buộc phải đóng cầu và tạm dừng thi công sau khi một dầm thép tại trụ T29 của công trình cầu Vàm Cống bị nứt rộng hơn 4cm và dài ngang dầm khoảng 2m.
Vụ việc nghiêm trọng đến mức, đích thân tân Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể phải vào kiểm tra nguyên nhân. Có lẽ, nỗi ám ảnh về vụ sập cầu Cần Thơ đúng 10 năm trướcbuộc các đơn vị liên quan phải hết sức thận trọng xem xét và tìm giải pháp giải quyết sự cố.
Báo Thanh Niên cho biết, cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ. Đây là cầu dây văng gồm có 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, có chiều dài gần 3.000m. Dự án được khởi công năm 2013, đầu tư hơn 270 triệu USD (gần 5.700 tỉ đồng) từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Cây cầu này vừa hợp long ngày 29/9 và chuẩn bị thông xe cuối năm nay.
Mời đọc thêm: Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu bị nứt dầm thép (VNE). – Huy động chuyên gia Hàn Quốc tìm nguyên nhân nứt dầm thép cầu Vàm Cống (TT).
Tin quốc tế
Khủng hoảng Bắc Hàn
RFI đưa tin: Vệ tinh Mỹ: Bình Nhưỡng ráo riết phát triển tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu về Bắc Hàn, có tên 38 North, trụ sở tại Washington, “những vật thể được quan sát thấy trông rất giống với các bộ phận của vỏ chịu lực của một loại tầu ngầm mới, có thể thuộc tầu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp SINPO-C (còn gọi là lớp Gorae). Vỏ chịu lực của lớp tầu ngầm loại mới này lớn hơn loại tầu ngầm tấn công lớp ROMEO của Liên Xô trước đây, mà Bắc Triều Tiên thừa kế”.
VOA có bài: Triều Tiên bác bỏ đàm phán hạt nhân với Mỹ. Hãng tin Reuters phỏng vấn Đại sứ Bắc Hàn tại Liên Hiệp quốc, ở Geneva, cho biết, ông Han Tae Song nói: “Chừng nào chính sách thù địch chống lại nước tôi còn tiếp diễn và chừng nào còn có các cuộc tập trận cận kề đất nước của chúng tôi thì sẽ không có chuyện đàm phán”.
VOA đặt câu hỏi: TT Trump sẽ đưa Triều Tiên vào danh sách khủng bố vào tuần tới? Phát ngôn viên tòa Bạch Ốc, Sarah Sanders hôm thứ Năm 16/11 cho biết: “Tôi tin rằng Tổng thống sẽ thông báo vào đầu tuần tới”.
Cũng VOA, có bài: ‘Ngoại giao yểm trợ bằng quân sự cần thiết để đối phó với Triều Tiên’. Đô đốc Harry Harris nói tại Nhật Bản vào đầu cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera: “Rõ ràng, dù ngoại giao phải là nỗ lực chính với Triều Tiên, nó phải là ngoại giao được yểm trợ bởi sức mạnh quân sự đáng tin cậy”.
Mời đọc thêm: Mỹ-Nhật tập trận, tăng áp lực lên Triều Tiên (VOA). – Singapore ngưng quan hệ thương mại với Bắc Hàn — ‘Giun to’ trong bụng lính Bắc Hàn vượt tuyến (BBC).
Các nước châu Á khác
RFA có bài: Phillipines phá âm mưu khủng bố Hội nghị cấp cao ASEAN. Cảnh sát Phillipines cho biết, “đã bắt giữ ba nghi can thuộc nhóm chiến binh Abu Sayyaf bị bắt ngày 10 tháng 11, một ngày trước khi các nhà lãnh đạo các nước đến Manila dự Thượng đỉnh ASEAN. Có súng lục và lựu đạn được tìm thấy từ các nghi phạm”.
Reuters và Star TV có clip người dân Philippines biểu tình và đốt hình nộm của TT Mỹ Donald Trump, nhân dịp ông ta tới thăm Philippines vừa qua:
RFI đưa tin: Ân Xá Quốc Tế tố cáo binh sĩ Philippines “bạo hành” ở Marawi. Tổ chức nhân quyền Ân Xá Quốc Tế – Amnesty International – tố cáo các binh sĩ Philipines “bắt giữ và tra tấn” thường dân, khi quân đội chính phủ tái chiếm Marawi trong tay thánh chiến Hồi Giáo.
RFI đưa tin: LHQ thúc giục Miến Điện ngưng đàn áp người Hồi Giáo Rohingya. Theo Reuters, nghị quyết của LHQ “bảo vệ người Rohingya được 135 phiếu thuận, 10 phiếu chống và 26 nước vắng mặt. Trong số 10 nước chống có Nga, Trung Quốc, Syria và ba nước Đông Nam Á ủng hộ chính quyền Miến Điện là Việt Nam, Cam Bốt và Philippines”.
VOA có bài: Angelina Jolie lên án bạo lực tình dục đối với phụ nữ Rohingya. Dẫn nguồn từ Reuters, Angelina Jolie, trong cương vị là đặc sứ của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), cho biết, cô “có kế hoạch thăm các nạn nhân bạo lực tình dục Rohingya”.
RFI có bài: Châu Âu và Mỹ kêu gọi Cam Bốt hủy quyết định giải tán đảng đối lập. Dẫn nguồn từ AFP, cho biết, Nhà Trắng ra thông cáo kêu gọi “chính phủ hoàng gia Cam Bốt hủy các biện pháp mới đây chống lại đảng Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt, trả tự do cho lãnh đạo của đảng này, ông Kem Sokha, cho phép các đảng phái đối lập, xã hội dân sự và các phương tiện truyền thông tiếp tục hoạt động”.
Mời đọc thêm: Indonesia: Người Orang Rimba phải cải đạo để sinh tồn (BBC). – Trung Quốc đổi vũ khí lấy cao su để thu hút thị trường châu Á — Nhật Bản: Tàu chạy sớm 20 giây, công ty xin lỗi, dân chê cười (RFI). – Ân xá quốc tế kêu gọi điều tra quân đội Philippines (RFA). – Lãnh đạo đối lập kêu gọi quốc tế cắt quan hệ với chính phủ Hun Sen — Ký giả mang drone vào Myanmar bị phạt tù — Thái Lan định hợp tác mở công xưởng vũ khí với Trung Quốc (VOA).
Tin nước Mỹ
Liên quan vấn đề di dân: Mỹ: Kế hoạch dùng công nghệ nhận dạng di dân bị phản đối. VOA cho biết: “Một liên minh các nhóm hoạt động nhân quyền ngày 16/11 phát động thỉnh nguyện thư trên mạng kêu gọi tập đoàn IBM từ chối đề nghị của chính quyền Mỹ muốn IBM dùng công nghệ nhận dạng nhân thân phục vụ cho công tác từ chối visa nhập cảnh Mỹ và trục xuất khỏi Hoa Kỳ”.
VOA có bài: Lạm dụng tình dục ở Mỹ: thêm một nhân vật tiếng tăm bị tố. Thượng Nghị sĩ Al Franken thuộc đảng Dân Chủ, vừa bị tố cáo về tội sách nhiễu tình dục. Phát ngôn viên Leeann Tweeden từ California, tố cáo ông Franken đã “bất ngờ thay đổi kịch bản và dùng sức mạnh ôm hôn cô trong một buổi tập diễn cho một chương trình giải trí để phục vụ binh sĩ Mỹ ở Afghanistan cách đây 11 năm”.
RFI có bài: Mỹ: 700 tỷ đô la cho ngân sách Quốc Phòng 2018. Dẫn nguồn từ AFP, cho biết, trong cuộc biểu quyết ngày 16/11/2017, “toàn thể thượng nghị sĩ Mỹ đã hoàn toàn chấp thuận ngân sách Quốc Phòng năm 2018 là 700 tỷ đôla, cao hơn yêu cầu của hành pháp 26 tỷ”.
VOA đưa tin: Hạ viện Mỹ thông qua dự luật thuế. Chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan nói “đạt được 218 phiếu cần thiết để thông qua bất cứ vấn đề gì là một thành tựu”.
Mời đọc thêm: Mỹ tái xét thủ tục nhận đơn xin gia hạn DACA — Phấn và ung thư: Johnson & Johnson thắng kiện (VOA).
Vụ đảo chính ở Zimbabwe
VOA có bài: TT Mugabe xuất hiện trước công chúng sau mấy ngày bị quân đội quản thúc. Bài viết cho biết, ông Robert Mugabe, tổng thống gần bốn mươi năm qua của Zimbabwe, “đã xuất hiện trước công chúng trong áo mão lễ tốt nghiệp, đến dự lễ tại một đại học ở thủ đô Harare”.
Tiểu sử đệ nhất phu nhân của Zinbabwe: Grace Mugabe: từ cô đánh máy thành Ủy viên Bộ Chính trị. BBC đưa tin, thông điệp “nhắm vào tội phạm chung quanh Tổng thống Mugabe” mà phe quân đội đưa ra, theo các báo Phương Tây và châu Phi, “nay đặt sự chú ý vào đệ nhất phu nhân Grace Mugabe và mô tả sự nghiệp chính trị của bà, từ một cô đánh máy (typist) trong văn phòng Tổng thống, lên đệ nhất phu nhân. Bà bị cho là đã gây ra khủng hoảng chính trị vì sau khi đã loại bỏ một phó tổng thống lại tác động để chồng sa thải tiếp một phó tổng thống nữa”.
BBC có bài: Zimbabwe ‘luôn là bạn của Trung Quốc’. Tổng biên tập ban quốc tế Hoàn Cầu Thời báo, ông Hồ Tích Tiến, nói: “Kể từ khi Zimbabwe độc lập, chưa bao giờ có phe phái nào là chống Trung Quốc bên đó”.
Mời đọc thêm: Zimbabwe: ông Mugabe ‘chống lại những lời kêu gọi từ chức’ (BBC). – Tổng thống Zimbabwe Mugabe: Từ anh hùng dân tộc tới nhà độc tài mơ cầm quyền đến 100 tuổi (Soha). – Hình ảnh đầu tiên về tổng thống Zimbabwe sau khi bị quản thúc (VNE). – Tổng thống Mugabe đã hủy hoại Zimbabwe như thế nào?(TT). – Tương lai nào cho Tổng thống Zimbabwe? (VNN).
Các tin quốc tế khác
VOA có bài: 2016: Số nước bị khủng bố tăng, thương vong giảm. Viện Hòa Bình và Kinh tế Australia vừa công bố báo cáo GTI (Chỉ số Khủng bố Toàn cầu) cho biết, “có 25.673 người chết trong năm ngoái vì các cuộc tấn công khủng bố, giảm 22% so với cao điểm năm 2014”. Báo cáo cũng nói xu hướng lan tràn khủng bố toàn cầu ‘rất đáng ngại’.”
VOA có bài: Các nước gia nhập liên minh toàn cầu dần loại bỏ than đá trước 2030. Bài viết cho biết, liên minh nhắm mục tiêu kết nạp 50 thành viên trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu kế tiếp của Liên Hiệp quốc vào năm 2018, được tổ chức tại thành phố Katowice ở Ba Lan. Tuy nhiên, một số nước sử dụng than đá nhiều nhất thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Đức và Nga vẫn chưa gia nhập.
Vụ gia hạn điều tra quốc tế về các vụ tấn công hóa học ở Syria đã bị bác bỏ: LHQ bất đồng về gia hạn cuộc điều tra vũ khí hóa học ở Syria, RFI đưa tin.
VOA có bài: Trùm Mafia Ý Salvatore ‘Toto’ Riina qua đời. Tin cho biết, “ông trùm mafia Salvatore ‘Toto’ Riina của Italia đã qua đời tại bệnh viện trong tù ở thành phố Parma sau khi bị ung thư, hưởng thọ 87 tuổi. Bố già Riina đang thọ 26 án tù chung thân vì tội chủ mưu ám sát các công tố viên Italia và cơ quan thi hành luật chống lại băng đảng Cosa Nostra khét tiếng”.
Mời đọc thêm: Một tàu ngầm Argentina với 44 thủy thủ mất tích (VOA). – Israel sẵn sàng hợp tác tình báo với Ả Rập Xê Út chống Iran — Cách Mạng Nhung: Cộng Hoà Séc kỷ niệm ngày “Hội Tự Do” — Thượng đỉnh châu Âu: Thành công và khó khăn của mô hình Thụy Điển — Khí hậu: Sau COP23, quốc tế có 1 năm đàm phán để quyết định giải pháp — Luân Đôn chỉ trích trò tung tin giả của Matxcơva(RFI).