Bản tin ngày 15-12-2017
Tin Biển Đông
Báo The Times có bài: Bắc Kinh gửi cảnh báo tới Mỹ về việc triển khai hàng không mẫu hạm mới để tuần tra Biển Đông. Theo tác giả, “Bắc Kinh cảnh báo rằng tàu sân bay mới của họ sẽ ‘chặn đứng’ mọi nỗ lực của các nước khác hòng thâu tóm các vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông”. Đây chính là chiếc tàu sân bay Trung Quốc vừa hạ thủy hồi cuối tháng 4 năm nay.
Tác giả bài viết cũng dẫn thông tin từ Nhân dân Nhật báo, tờ báo đảng của Trung Quốc: “Tàu sân bay nội địa vừa hoàn thành và chưa được đặt tên của Trung Quốc sẽ sớm đi vào thử nghiệm. Tờ báo này tuyên bố rằng chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai này của Hải quân Trung Quốc ‘là một biểu tượng của quyền lực quốc gia’ và sẽ ‘chặn đứng ngay cả những nỗ lực ngăn chặn và phong tỏa của một số siêu cường’.”
Như vậy, với 2 hàng không mẫu hạm trong biên chế hải quân, Trung Quốc cũng có sự tự tin của họ để đối đầu với Hải quân Mỹ, hiện đang có ít nhất 12 hàng không mẫu hạm đang hoạt động.
Trang RFA đưa tin: Việt Nam cam kết bảo vệ quyền lợi cho các ngư dân bị Indonesia bắt. Trả lời báo giới ngày 14/12/2017, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, tòa án Indonesia đã tuyên phạt hai thuyền trưởng Cao Văn Hoàng và Hứa Minh Trung 500 triệu Rupiah (khoảng 1 tỷ đồng) hoặc 5 tháng tù giam. “Hiện các ngư dân này đã kháng cáo lên tòa án cấp cao hơn và Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia sẽ cử người đại diện đến dự các phiên tòa sắp tới”.
Tác giả dẫn đưa tin: “Trong hai ngày 12 và 13 tháng 12 vừa qua, Indonesia đã tuyên phạt 5 tháng tù giam cho 3 thuyền trưởng người Việt Nam và 4 tháng tù cho 2 thuyền trưởng khác. Những người này bị bắt hồi tháng 4 vừa qua với cáo buộc đánh bắt cá trên vùng biển của Indonesia. Ngay sau khi bị kết án, họ đã tuyên bố tuyệt thực để phản đối các cáo buộc từ phía Indonesia vì cho rằng họ không xâm phạm vùng nước của Indonesia”.
Báo Tuổi Trẻ có bài phỏng vấn các thuyền trưởng vừa bị tuyên án: “Nếu không được minh oan, chúng tôi quyết chết ở Indonesia”. Thuyền trưởng Lưu Văn Lý, đại diện nhóm 4 thuyền trưởng bị bắt ở Indonesia, cho biết họ đã tuyệt thực được đến ngày thứ 2, để phản đối quyết định của Tòa án Ranai. Các thuyền trưởng khẳng định sẽ tiếp tục tuyệt thực nếu không được thả tàu và người, cũng như không được đại diện đại sứ quán Việt Nam đến hỗ trợ.
Tác giả dẫn lời thuyền trưởng Lý: “Nếu bị buộc và lôi lên tòa, chúng tôi sẽ không phát biểu, thậm chí bước ra khỏi tòa để phản đối. Chúng tôi quyết phản đối tới cùng, đến khi chính quyền Indonesia có thay đổi phán quyết về tương lai của chúng tôi“. Các thuyền trưởng tuyên bố nếu không được minh oan thì thà chết ở Indonesia, chứ quyết không về Việt Nam.
Mời đọc thêm: Động thái cực kỳ nguy hiểm của Hải quân Trung Quốc (ĐV). – Đưa kinh tế “biển xanh” thành bước đột phá trong chiến lược biển (Petro Times). – Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão gần biển Đông (VTV). – Indonesia có sai khi kết án tù ngư dân Việt Nam? (RFA). – Cứu 13 ngư dân bị chìm tàu trên biển(SGGP).
Quan hệ Việt – Trung
Biển Đông có “dậy sóng” hay “tăng nhiệt” thế nào, thì việc của quan chức trên bờ vẫn là kiên định với “16 chữ vàng”. Vậy nên mới có chuyện: Việt-Trung đàm phán vòng 10 về các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển. Tác giả bài viết ghi nhận: “Không khí thẳng thắn, hữu nghị, hai bên đã kiểm điểm tình hình và bày tỏ hài lòng đối với kết quả thực hiện trong năm 2017” trong quá trình đàm phán kéo dài từ ngày 11 đến 14/12/2017.
Đối với những mục tiêu trong năm 2018, các “đồng chí tốt” của hai phía cùng thống nhất các dự án: “Hợp tác nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocene khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang; Hợp tác trao đổi, nghiên cứu về quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ và Triển khai hợp tác thả giống và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ”.
Có lẽ không khí thân ái, tinh thần hữu nghị của quá trình đàm phán đã khiến quan chức phía Việt Nam quên mất Hải quân Trung Quốc đã tiến hành tập trận bắn đạn thật ở sát cửa Vịnh Bắc Bộ chỉ mới ba tháng trước.
Báo Giao Thông đưa tin: Bộ GTVT và Đường sắt Trung Quốc ký Nghị định thư đường sắt. Tác giả ghi nhận: “Chiều nay, 14/12, Hội nghị Đường sắt biên giới Việt – Trung lần thứ 41 tại Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đã kết thúc tốt đẹp sau hai ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc”.
Về phía Trung Quốc, ông Chu Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty hữu hạn tập đoàn Cục Côn Minh, đại diện Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc, có lời chúc: “Mong rằng hai bên duy trì tốt đà phát triển, không ngừng đẩy nhanh liên vận quốc tế đường sắt Việt Nam – Trung Quốc”. Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, đại diện Bộ GTVT, cũng không quên đáp lễ: “Phát triển liên vận quốc tế đường sắt giữa hai nước không chỉ đem lại lợi ích cao nhất cho đường sắt mỗi nước mà còn góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc”. Như vậy, tinh thần “16 chữ vàng” của hai phía vẫn vững vàng.
Mời đọc lại: Nên hiểu ‘Mật ước Thành Đô’ như thế nào? (VOA)
Đảng và nỗi ám ảnh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
Báo Pháp Luật TP đưa tin: Tổng Bí thư sẽ dự họp Chính phủ tháng 12. Tác giả nhấn mạnh: “Theo thông tin chúng tôi nắm được, cuộc họp trực tuyến của tập thể Chính phủ với các tỉnh, thành cuối tháng 12 này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ dự, phát biểu chỉ đạo. Có thể nói đây là việc chưa có tiền lệ trước nay”. Theo tác giả, diễn biến như vậy chưa từng có tiền lệ, bởi trước giờ Tổng Bí thư chỉ xuất hiện trong các kỳ họp của Quốc hội, để “thể hiện trách nhiệm và sự quan tâm của người đứng đầu Đảng với hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”, còn hoạt động của Chính phủ và Tòa án Nhân dân tối cao sẽ do các lãnh đạo đứng đầu hai cơ quan này điều hành.
Tác giả thuật lại lời của ông Nguyễn Văn Nên, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng: “Đây là thời điểm tròn hai năm sau Đại hội XII của Đảng, cũng là bắt đầu năm bản lề quan trọng của nhiệm kỳ năm năm. Vậy nên Tổng Bí thư thấy cần có thông điệp gửi tới Chính phủ cũng như lãnh đạo các địa phương”. Phát biểu cho đúng “tông”, đúng bài bản là chuyện của các quan chức, còn người dân thì vẫn có quyền nghi ngờ về cách bác Tổng thường xuyên can thiệp vào chuyện của các cơ quan ngoài Đảng.
Về diễn biến này, Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà nhận định: “Ông Trọng hiện nay vừa là Tổng bí thư – lãnh đạo toàn Đảng, Bí thư quân ủy Trung ương – kiểm soát Quân đội và tham gia vào ban thường vụ Đảng ủy Công an – chỉ đạo BCA, nay tiếp tục chỉ đạo chính phủ. Vấn đề đặt ra, nếu chỉ đạo mà trái hiến pháp và luật thì sẽ thế nào!? Đó là chưa nói đến nghị quyết HNTW5, việc thiết chế kiểm soát quyền lực nội bộ sẽ thế nào. Như vậy quyền của TBT là quá lớn, liệu có sai tinh thần nghị quyết!?”
Không biết có phải vì nỗi lo nội bộ Đảng “tự chuyển hóa”, mà cũng trong ngày 14/12/2017, bác Tổng khẳng định: Nếu để suy thoái mà mất Đảng, mất chế độ là mất tất cả. Đấy là ý chính trong bài phát biểu của bác Tổng khi tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ 6, nhiệm kỳ 2017-2022, tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội, cùng 3 người còn lại trong “tứ trụ”.
“Tổng Bí thư nhấn mạnh Hội Cựu chiến binh phải là nòng cốt, là chỗ dựa chắc chắn của Đảng và Nhà nước về bảo vệ chính trị, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng và bảo vệ thành quả cách mạng. Theo Tổng Bí thư, nếu để suy thoái, hư hỏng mà mất Đảng, mất chế độ là mất tất cả, bao nhiêu thành quả cách mạng sẽ đổ xuống sông, xuống bể”. Có lẽ do quá bận hun củi đốt lò, bác Tổng đã quên rằng, đất nước có trước mọi đảng phái và chế độ, chỉ có mất nước mới mất tất cả.
Trang VOA cũng đưa tin: TBT Trọng: Thanh niên bị các thế lực xấu, thù địch tác động. Tác giả bài viết ghi nhận: “Ông Trọng kêu gọi tổ chức cao nhất của thanh niên Việt Nam cần tìm cách ‘tăng sức đề kháng cho thanh niên trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội‘.”
Mời đọc thêm: Tổng Bí thư: “Tránh tình trạng nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” (VOV). – Những quy định mới về kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng(VNE). Bài này tổng kết những nỗ lực ngăn chặn “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng từ tháng 5 đến nay.
Khi lò “đói” củi
Báo Đất Việt có bài: 11 địa phương bổ nhiệm người nhà: Ai chưa lộ? Tác giả dẫn lời Thiếu tướng Lê Văn Cương, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an): “11 địa phương lộ diện ra tình trạng bổ nhiệm người nhà là do dư luận tại địa phương đó xì xào, lên án, truyền thông rồi cơ quan chức năng vào cuộc. Nhưng ngoài 11 địa phương vẫn còn vì việc đưa người nhà, người thân không xứng đáng vào bộ máy công quyền, chỉ có điều việc đó ở những địa phương khác chưa diễn ra lồ lộ, được che đậy bằng những vỏ bọc rất đẹp”.
Thiếu tướng Cương cũng có chỗ công tâm, là chỉ ra những thiếu sót ngay trong “luật pháp Việt Nam, kể cả Hiến pháp đến luật công chức, các luật tổ chức chính phủ, chính quyền địa phương”. Tuy nhiên, giải pháp của ông lại là: “Nếu Việt Nam muốn giải quyết tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân làm quan thì phải bắt đầu từ việc pháp luật phải quy định chặt chẽ trách nhiệm cá nhân, văn minh của hệ thống hành chính là trách nhiệm cá nhân, không phải trách nhiệm tập thể”. Nếu cứ thế là xong thì các nền dân chủ lâu đời sao phải mất công nghĩ ra các cơ chế tản quyền và kiểm tra chéo quyền lực, các cơ chế để tập thể giám sát tập thể?
Tổng kết tình hình “củi và lò” năm qua, blog RFA có bài của tác giả Song Chi: Năm 2017: nhiều quan tham xộ khám và nhiều tù nhân lương tâm hơn. Tác giả ghi nhận, trong năm vừa rồi, hệ thống nhà tù Việt Nam đón nhận khá nhiều tù nhân “dạng đặc biệt”. Nhóm tù nhân “đặc biệt” thứ nhất là tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, bản án dành cho nhóm này càng lúc càng khắc nghiệt, nhưng không thể đàn áp được tinh thần của họ. Nhóm “đặc biệt” thứ hai là các quan tham lỡ bước, trở thành “củi” trong lò chống tham nhũng của bác Tổng.
Theo tác giả, bản chất của “cuộc chiến nhân danh chống tham nhũng” chỉ là cuộc “đấu đá, tiêu diệt các phe cánh khác, tập trung quyền lực vào tay mình của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.
Mời đọc thêm: Nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật trong năm 2017 – Không có “vùng cấm”! (VOV). – Vụ ông Đinh La Thăng: TBT Trọng tung ‘cú đấm thép’ (VOA). – Vụ Đinh La Thăng: Luật sư được ‘tạo điều kiện’ bào chữa sớm (VOA). – Khởi tố nguyên GĐ Sở Y tế Long An (DV). – Chủ tịch UBND huyện ký nhiều quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm sai quy định (TT). – ‘Luật sư có tiếng’ bào chữa cho ông Đinh La Thăng (BBC).
Hồ sơ Đồng Tâm
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn có bài viết: Khi lương tâm đứng trên nghị quyết để cảm thán về trường hợp của cô Nguyễn Thị Lan, Bí thư xã Đồng Tâm. Tác giả ghi nhận: “ ‘Nếu tôi chết chỉ xin bà con một nén nhang’. Đây là lời của cô Lan, bí thư xã Đồng Tâm vừa mới bị khai trừ và mất chức, nói trước hàng trăm dân làng ngay tại nhà văn hóa thôn Hoành trong những ngày sôi bỏng. Không rõ 38 cán bộ, công an bị giữ ngay lúc đó nghĩ gì về hai tiếng ‘lòng dân’ giữa tràng pháo tay vang dội của dân làng, chỉ biết sẽ còn rất lâu nữa dân Đồng Tâm mới quên được hình ảnh người cán bộ sẵn sàng sống vì họ, và chẳng ngại chết vì họ”.
“Cô vẫn tin đất đồng Sênh là của làng, dù các cấp chính quyền từ Trung ương đến huyện, trong thẩm quyền của họ, đã tung hàng loạt văn bản khẳng định đó là đất quốc phòng”. Theo tác giả, qua việc đứng về phía người dân Đồng Tâm, cô Lan đã đứng về phía đối nghịch với ý thức hệ quan chức, vốn tin rằng đất đai thuộc quyền sở hữu của nhà nước.
Cựu đại tá Nguyễn Đăng Quang có bài: Hậu thanh tra đất Đồng Tâm: Đôi điều nhắn gửi ông Nguyễn Đức Chung (bài 2). Ông Quang so sánh sự giống nhau giữa “Dự án A1” của Tập đoàn Viettel ở Đồng Tâm với “BOT Cai Lậy”. “Người ta lấy lý do ‘quốc phòng’ để hòng nuốt gọn 59ha đất nông nghiệp của dân Đồng Tâm cũng chẳng khác nào Trạm BOT Cai Lậy lợi dụng chiêu trò móc ngoặc để được đặc quyền ‘vận hành’ BOT ngay trên Quốc lộ 1 là huyết mạch giao thông quốc gia để ngang nhiên móc túi, thu tiền bất chính dân lành…”
Nhân quyền ở Việt Nam
Trang RFA đưa tin: Quốc hội châu Âu đòi Việt Nam trả tự do cho các nhà báo công dân. Tác giả ghi nhận: “Quốc hội Liên minh Châu Âu hôm 13 tháng 12 đã thông qua một nghị quyết khẩn cấp lên án chính phủ Việt Nam về các hành động đàn áp tư do thông tin, và yêu cầu Việt Nam phải trả tự do cho toàn bộ các nhà báo công dân”.
“Nghị quyết của Quốc hội Liên minh Châu Âu bày tỏ quan ngại về sự gia tăng những vụ bắt bớ và kết án những nhà báo công dân thời gian qua ở Việt Nam. Nghị quyết cho rằng những hành động xách nhiễu về thể xác và tâm lý cũng như các biện pháp giám sát ngang nhiên và xách nhiễu các luật sư, người thân và người chủ công ty của các bloggers đã vẽ lên một bức tranh đáng lên án ở Việt Nam”.
Ngày 14/12/2017, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) đã ra thông cáo ca ngợi nghị quyết này của Quốc hội châu Âu, cũng như hối thúc EU ra điều kiện về nhân quyền với Việt Nam trước khi thông qua Hiệp định Tự do Thương mại.
LS Lê Văn Luân có bài: Thanh niên thời nay học hỏi được gì? Tác giả khẳng định, thực trạng buồn của bức tranh nhân quyền Việt Nam: “Chúng ta hiện nay không được biểu tình, dù có điều 25 Hiến pháp 2013 quy định, nhưng ai thực hiện nó được coi là thành phần phản động, chống đối chính quyền. Không có tự do báo chí khi báo chí hoàn toàn thuộc về nhà nước mà đại diện là Ban tuyên giáo kiểm soát chặt chẽ”.
“Chúng ta không được tự do hội họp và đang bị cấm nói về thể chế xã hội dân sự, đa nguyên tư tưởng và đa nguyên chính trị. Nhiều người đã vào tù vì lên tiếng phản ánh, chống tiêu cực, bất công xã hội với điều 88 và 258 như một chiếc thòng lọng siết chặt quyền tự do ngôn luận của người dân”.
Mời đọc thêm: EU kêu gọi Việt Nam phóng thích blogger Nguyễn Văn Hóa (VOA). – ‘Hội Nhà Văn HN không bảo vệ quyền tự do sáng tác’ (BBC).
Kinh tế, nợ công và những gánh nặng “trăm tỷ”, “nghìn tỷ”
Blogger Phương Thơ có bài phân tích: Đồng tiền VND sẽ bị sụt giá trong năm 2018. Tác giả đánh giá: “Nhiều nước đang thu hồi bớt tiền về nhà thì vế bên kia là VN đang bơm tiền ra để cố tài trợ ngoại thương, hoặc bơm bóng cổ phiếu và thị trường bất động sản. Họ hình như không chú ý rằng lãi suất trên bình diện toàn cầu đang nhúc nhích tăng lên khi lạm phát cũng tăng dần do giá hàng hóa đang nóng lên, dù chưa phải tăng mạnh”.
“Triệu chứng đồng tiền VND của VN có thể rơi vào vòng xoáy giảm giá bởi các áp lực ngoại thương quốc tế khi quốc gia này có nguy cơ bị các biện pháp áp thuế thương mại từ Mỹ, EU vào năm tới, và có thể kéo dài khi lợi ích của VN đang giảm dần niềm tin của thị trường Âu châu, Mỹ”.
Tác giả lý giải rằng, “Mỹ bị thâm hụt thương mại bằng đó khi nhập khẩu hàng hóa của VN quá nhiều”, vậy nên chính phủ “nước Mỹ trên hết” của ông Trump không thể không có biện pháp điều chỉnh. Còn phía châu Âu thì vẫn đang căng thẳng với Việt Nam về vụ án Trịnh Xuân Thanh, nên trước mắt sẽ không sớm chấp nhận Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU. Tất cả những yếu tố này đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của đồng tiền, cũng như nền kinh tế Việt Nam.
Trang VnEconomy đưa tin: Nợ vay ODA lên tới 600 nghìn tỷ: Sẽ giải trình với Quốc hội. Tác giả dẫn thông tin từ Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai về Luật quản lý nợ công mới: “Việc phân định quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nợ công theo nguyên tắc nhà nước thống nhất quản lý về nợ công. Nhà nước giao một cơ quan là Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chính trong quản lý nợ công thống nhất”.
“Đây cũng là lần đầu luật quy định về chỉ tiêu an toàn nợ công, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ công 3 năm và kế hoạch vay, trả nợ hàng năm với những nội dung, trình tự cụ thể việc lập, quyết định và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đối với các chỉ tiêu đề ra”. Cách chuẩn đoán bệnh này không sai, nhưng trễ gần một năm kể từ lúc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố nguy cơ “sụp đổ tài khóa quốc gia”.
Trang Thời Báo Tài Chính có bài: Đổi mới quản lý nợ công nhằm đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Tựa bài cũng là tên hội thảo khoa học do Viện Chiến lược và chính sách tài chính, phối hợp với Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, thuộc Bộ Tài chính, tổ chức ngày 14/12/2017 tại Hà Nội.
Tác giả bài viết ghi nhận rằng, Luật quản lý nợ công mới “được ban hành, thay thế Luật Quản lý nợ công năm 2009 nhằm thể chế chủ trương quan điểm của Đảng, nhà nước về quản lý nợ công an toàn, bền vững, hiệu quả, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước thời kỳ mới”. Chưa biết hiệu quả thực sự thế nào, nhưng ít ra những người có trách nhiệm đã hiểu rằng đến lúc bắt buộc phải thay đổi cách quản lý nợ.
Điểm đáng chú ý trong Luật quản lý nợ công mới này là việc nợ công có thêm “ngưỡng” cảnh báo trước khi chạm trần. Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại của Bộ Tài chính giải thích: “Về mặt bản chất, ngưỡng là để đưa ra các biện pháp để kiểm soát. Khi nợ đến ngưỡng, chúng ta phải kiểm soát các nhu cầu về vay nợ, đồng nghĩa kiểm soát bội chi, cho vay lại, hạn mức về bảo lãnh, để đảm bảo nợ công không tiến sát đến trần”.
Dạo trước, khi các báo cáo về nợ công có chiều hướng xấu, những người cầm trịch quyết định nâng trần nợ công. Giờ thì không thể lặp lại chuyện đó nữa, họ nghĩ đến cách xác lập “ngưỡng” cảnh báo.
Mời đọc thêm: 40.500 tỷ đồng vừa được NHNN bơm vào thị trường (VietTimes). – Đề nghị Bộ Công an điều tra dự án gang thép nghìn tỷ bị đắp chiếu (VnExpress). –Bản tin Đô thị ngày 14/12: Dự án trăm tỷ ‘treo’ lơ lửng trên đầu dân (MT&ĐT).
Nguy cơ ở Đồng bằng sông Cửu Long
TTX Việt Nam có bài: Thách thức an ninh nguồn nước và năng lượng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tác giả dẫn lời ông Phạm Văn Tân, Phó chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam: “Việc xây dựng đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong đã làm thay đổi dòng chảy, xâm nhập mặn lấn vào nội đồng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long”.
“Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia tới năm 2030 dự kiến xây dựng 14 nhà máy nhiệt điện than ở các vùng ven sông và ven biển ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến vấn đề biến đổi khí hậu tại vùng này theo chiều hướng tiêu cực nếu không có các giải pháp hữu hiệu”.
Trang VnMedia đưa tin: Chuyên gia cảnh báo: Sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long nguy hiểm hơn nước biển dâng. Tác giả thuật lại lời bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID): “Hiện Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững… Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thuỷ sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội của vùng”.
Mời đọc thêm: Đồng bằng Cửu Long trước những tác động của con người (RFI). – Hội thảo “Phát triển bền vững nguồn nước và năng lượng ở ĐBSCL’’ (VOV). – Tăng cường an ninh nguồn nước ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐT). – Phát triển bền vững nguồn nước và năng lượng ở Đồng bằng sông Cửu Long (QĐND).
Nỗi buồn của nông dân Việt Nam
Vụ hai nông dân Nguyễn Thanh Tuấn và Nguyễn Thành Nam ở Bình Thuận bị xử tổng cộng 15 năm tù về tội “nhận hối lộ” của 12 hộ dân, báo Pháp Luật TP có bài: ‘Xử 2 nông dân 15 năm tù về tội nhận hối lộ là sai’.
Bao nhiêu quan tham ở Bình Thuận cấu kết với Bộ Tài nguyên Môi trường, để cho Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xả thải xuống biển, tàn phá môi trường, thế nhưng không thấy ai bị truy tố về tội tham nhũng hay hối lộ, trong khi hai người nông dân này được 12 hộ dân góp tiền tổng cộng 13,6 triệu, phụ chi phí và công sức mà họ bỏ ra để giúp người dân, thì lại bị án tù về tội nhận hối lộ!
Xin tặng các nông dân VN hai câu thơ: Kiếp sau xin được làm quan/ Dẫu ăn ngập mặt, chẳng mang tội gì!
Trang Kinh tế Nông thôn có bài: Nhiều loại trái cây sản xuất được nhưng vẫn phải nhập khẩu. Tác giả dẫn thông tin từ Bộ NN&PTNT: “Năm nay, giá trị nhập khẩu rau quả của cả nước vượt mốc 1 tỷ USD. Đáng chú ý, tại vùng ĐBSCL có nhiều loại trái cây có thể sản xuất được quanh năm nhưng lại phải nhập khẩu như sầu riêng, măng cụt, bòn bon, cam, quýt, táo”. Vậy nên mới có chuyện hoa quả, rau trái của người nông dân Việt Nam thua thị phần ngay trên chính lãnh thổ Việt Nam.
Mời đọc thêm: Người dân mất ruộng đất vì “cát tặc”: Chính quyền bất lực không ngăn chặn nổi? (Infonet). – Khi nông dân Đồng Tháp bỏ nghề nuôi vịt chạy đồng: Kỳ 1: Nuôi vịt rọ – Lời giải cho bài toán khó ngành hàng vịt (ĐT). – Thái Lan trả tiền để nông dân ngưng trồng lúa (TN).
Tin quốc tế
Vụ Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ
VOA có bài: Quan chức cao cấp Bộ Tư pháp Mỹ bênh vực cuộc điều tra của Mueller. Ông Peter Strzok, một viên chức FBI từng nằm trong nhóm điều tra của công tố viên Robert Mueller, điều tra vụ TT Trump thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử tổng thống 2016. Tháng 7/2017, ông Mueller đã sa thải ông Strzok ra khỏi nhóm điều tra sau khi phát hiện những tin nhắn trao đổi giữa Strzok với bà Lisa Page về ông Trump. Trong các tin nhắn đó, hai nhân vật này cũng không ủng hộ ứng viên Hillary Clinton.
Mới đây, các tin nhắn đó đã được công bố. Các dân biểu đảng Cộng Hòa cho rằng cuộc điều tra này thiên vị, chống Trump. Nhưng ông Rod Rosenstein, Phó Bộ trưởng Tư pháp Mỹ hôm qua đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc này và ông ủng hộ cuộc điều tra của ông Mueller, nhất là hành động của ông Mueller loại bỏ ông Peter Strzok ra khỏi nhóm điều tra mà ông Rosenstein cho rằng, cách hành xử của ông Mueller là thỏa đáng. Ông Rosenstein “tin tưởng ông Mueller không để cho thiên kiến chính trị ảnh hưởng tới cuộc điều tra“.
Ông Rod Rosenstein là phó Bộ trưởng Tư pháp, là một bộ trong chính quyền ông Trump. Mặc dù ông Rosenstein là người được TT Trump bổ nhiệm vào giữ chức vụ này trong Bộ Tư pháp, nhưng ông không đứng về phe ông Trump. Ông Rosenstein là người bổ nhiệm công tố viên độc lập Robert Mueller để điều tra vụ bê bối Trump – Nga.
VOA đưa tin: Ông Putin bác bỏ Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Bác bỏ là chuyện của Putin, nhưng những bằng chứng mà cơ quan FBI tìm thấy, sẽ giúp mọi người tin ai. “Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã kết luận rằng ông Putin hạ lệnh mở chiến dịch tác động tới bầu cử Mỹ để giúp ông Trump giành thắng lợi trước đối thủ là cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton“.
Mời đọc thêm: Nga: Cuộc họp báo rất được chờ đợi của Putin (RFI).
Chính trường Mỹ
VOA đưa tin: Dân biểu Mỹ tự vẫn sau cáo buộc tấn công tình dục. Dân biểu tiểu bang Kentucky, ông Dan Johnson, thuộc đảng Cộng hòa, đã tự tử chết tối 13/12, khi ông lái xe tới một cây cầu, bước ra khỏi xe và dùng súng bắn vào đầu. Sự việc xảy ra sau khi ông Johnson phủ nhận tố cáo nói, ông đã tấn công tình dục một thiếu nữ 17 tuổi, tại tầng hầm nhà thờ nơi ông làm mục sư.
CNN trích báo cáo điều tra của bang Kentucky cho biết, người tố cáo ông Johnson là cô Maranda Richmond, nói rằng vụ tấn công tình dục xảy ra vào đầu năm mới 2013 khi cô mới 17 tuổi, khi cô ở trong nhà thờ Heart of Fire ở Louisville, nơi ông Johnson làm mục sư. Ông Johnson đã hôn cô trong lúc say và vuốt ve cô bên dưới lớp quần áo.
RFI có bài: Hoa Kỳ: Đảng Cộng Hòa bị chia rẽ sau thất bại tại bang Alabama. “Lá phiếu cử tri cộng đồng người Mỹ gốc Phi đã mang đến thắng lợi cho ứng viên đảng Dân chủ Doug Jones. Kết quả bầu cử này đang bắt đầu chia rẽ nội bộ đảng Cộng Hòa. Nhiều nghị sĩ bắt đầu lên tiếng chỉ trích Steve Bannon, cựu cố vấn cho tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Steve Bannon dường như đã thúc đẩy tổng thống ủng hộ Roy Moore bất chấp tai tiếng tình dục“.
Nhà báo Bùi Tín có bài: Ông Donald Trump: một thất bại mang điềm gở. Việc thất bại của đảng Cộng Hòa ở bang Alabama hôm 12/12 vừa qua cho thấy, thành trì của đảng Cộng Hòa đã bị phá vỡ, bởi vài thập niên qua, đảng Dân Chủ khó lòng thắng ở tiểu bang này. Hơn một năm trước, ông Trump đã thắng bà Clinton với tỷ lệ áp đảo, nhưng bây giờ tình thế đã đảo ngược. Đảng Dân Chủ thắng ở Alabama làm cho nhiều người nhận định rằng Dân Chủ có thể thắng hầu hết các tiểu bang khác.
VOA có bài: Tòa Bạch Ốc nhắm xóa sổ diện bảo lãnh thân nhân. Cùng VOA có clip phỏng vấn LS di trú Khanh Phạm: Trump muốn cắt diện bảo lãnh ba mẹ, anh chị em.
Mời đọc thêm: Mỹ bãi bỏ quy định về internet ban hành dưới thời Obama (VOA).
Quan hệ Trung Quốc và các nước
RFI đưa tin: Luật tài trợ chính đảng Úc: Bắc Kinh triệu mời đại sứ Úc để phản đối. Bắc Kinh thường sử dụng quyền lực mềm để mua chuộc lãnh đạo các nước, lần này họ dùng đồng tiền tài trợ cho các đảng chính trị ở Úc, để thao túng đời sống chính trị Úc. Khi bị cáo buộc, TQ triệu mời đại sứ Úc tại Bắc Kinh lên Bộ Ngoại Giao để chất vấn.
Ông Lục Khảng, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc xác nhận, chính quyền Trung Quốc đã triệu mời đại sứ Úc tại Bắc Kinh đến bộ Ngoại Giao để chất vấn, nhưng ông Lục Khảng không cho biết sự việc diễn ra vào lúc nào.
Tác giả nhận định, việc triệu mời đại sứ này là “một bước leo thang mới của Trung Quốc trong vụ Bắc Kinh bị cáo buộc tìm cách tác động đến đời sống chính trị Úc. Vào tuần trước, Bắc Kinh đã chính thức gởi công hàm phản đối Canberra sau khi Nghị Viện Úc nêu đích danh Trung Quốc là đầu mối gây quan ngại, khiến Úc phải đề xuất thêm luật lệ chống hành động nước ngoài xen vào nội tình nước Úc“.