Bản tin ngày 13/8/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bản tin ngày 13/8/2017

Tiếng Dân

Tin trong nước

Tin Biển Đông – Ngư dân VN
Bài trên báo Người Việt: USS John S. McCain dạo Vành Khăn sáu tiếng, dù Trung Quốc nhắc 10 lần. Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói, khi Hải Quân TQ phát hiện tàu USS John S. McCain tiến vào khu vực 12 hải lý của đá Vành Khăn, “Hải Quân Trung Quốc đã lập tức điều động các chiến hạm nhỏ nhận diện, cảnh báo và áp giải USS John S. McCain ra khỏi ‘vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc’!
Nhưng dường như không có chuyện các chiến hạm Trung Quốc “áp giải” tàu Mỹ khi phát hiện, vì tàu Mỹ dạo quanh khu vực này tới… 6 tiếng!
Dịch giả Song Phan có bài dịch từ báo National Interest: Tất cả các cách khủng khiếp mà Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể đi tới chiến tranh ở Biển Đông. Trung Quốc đang chơi trò tấn công ở biển Đông, bằng cách tạo ra các sự cố trên biển, trên không, làm cho những hoạt động bình thường của Mỹ giống như hành động can thiệp, gây mất ổn định trong khu vực và có thể dẫn đến chiến tranh ở Biển Đông.
Tàu ta đâm tàu mình: Tàu cá Bình Định lại bị đâm chìm, 8 ngư dân bị nạn. Báo Tiền Phong đưa tin, tàu cá BĐ 95948 TS, do ông Trương Xuôi làm chủ, ông Trương Đình Hiền làm thuyền trưởng, cùng 7 thuyền viên ra khơi, đã bị tàu hàng Vinh Phú 26 (Hải Phòng) đâm rồi bỏ chạy. Tàu BĐ 95948 TS bị chìm, 8 ngư dân đã ôm được áo phao, lênh đênh trên biển. Rất may, tàu cá BĐ 40086 TS cứu vớt 8 ngư dân này và đưa về Trạm Mũi Tấn BĐBP Bình Định.
Tám ngư dân được tàu cá BĐ 40086 TS cứu vớt và đưa về Trạm Mũi Tấn BĐBP Bình Định. Ảnh: Công Cường/ báo BĐ.
Cũng chuyện ngư dân, báo Tuổi Trẻ đưa tin: Mua máy tàu, nhận máy… phát điện? Ông Bùi Tín ở Quảng Ngãi mua 2 máy cho tàu cá QNg 92198 và QNg 92233, nhưng khi lắp vào để chạy, máy liên tục bị hỏng. “Và trong lần đưa tàu đi sửa chữa mới đây, ông Tín đã ‘tá hỏa’ khi được thợ máy cho biết đây là máy phát điện S6R2 Mitsubishi, không phải máy chuyên dụng cho tàu thủy“.
Diễn tập bắn đạn thật, phòng thủ đường biển
Theo tin từ báo Tiền Phong, sáng 11/8 tại khu vực phòng thủ tỉnh Nghệ An, Sư đoàn 324 diễn tập thực binh bắn đạn thật. Nội dung của buổi diễn tập bắn đạn thật theo đề mục: “Tiểu đoàn bộ binh được tăng cường binh khí kỹ thuật, tiến công địch đổ bộ đường biển”.
Trận địa hoả lực cửa Sư đoàn 324 đang quan sát, tiêu diệt mục tiểu trong diễn tập. Ảnh: báo TP
Kết quả buổi diễn tập, như mọi khi, rất tốt: “Khi bắn chiến đấu 100% mục tiêu hoả lực bị tiêu diệt, các khung tập đạt giỏi về kỹ thuật, khá về chiến thuật, an toàn tuyệt đối. Lực lượng phục vụ bảo đảm thực hiện đúng ý định của Ban chỉ đạo, góp phần thành công cuộc diễn tập“.
Quốc thể Việt Nam sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
Facebooker Hùng Hà có bài dịch từ báo Suddeutsche Zeitung, nói về chuyện các dân biểu Quốc hội Liên bang Đức ủng hộ thêm biện pháp trừng phạt Việt Nam. Dẫn nguồn từ báo Spiegel, ông Burkhard Lischka, phát ngôn viên đảng SPD, phát biểu: “Theo quan điểm của tôi, cần thiết phải trục xuất thêm những nhân viên mật vụ Việt Nam được biết đến và đóng băng những khoản tiền của từng dự án trong khuôn khổ của việc hợp tác phát triển”.
Mặc dù muốn trừng phạt VN, nhưng tính nhân bản của người Đức thể hiện rõ khi ông Jürgen Hardt, phát ngôn viên ngoại giao của cánh Liên minh (Union), nói rằng: “Nhưng những việc trừng phạt không được phép đụng đến người dân Việt Nam“.
Nhà báo Phạm Đoan Trang nhận định: “Nhà nước công an trị Việt Nam, một mặt, vẫn ra sức củng cố cái giai thoại ‘Trịnh Xuân Thanh đầu thú’, một mặt, sẽ cố sống cố chết ngăn cản, không để người dân biết đến những đòn trừng phạt của nước Đức đối với chính quyền Hà Nội. Chúng sợ, rất sợ dân biết chuyện ấy“.
Tác giả Thập Toàn có bài: Những nghịch lý tư duy Việt qua vụ Trịnh Xuân Thanh. Tác giả đặt câu hỏi: “Thử hỏi danh dự quốc gia có còn không mà mọi người lo mất? Nếu có mất, đó là sự thiệt thòi của từng cá nhân người Việt còn phải mang cái hộ chiếu Việt Nam, khi quyển hộ chiếu đó đã bị thế giới nhìn thấy con dấu chìm ‘TXT, tên ăn cắp‘ và ‘Nguyễn Đức Thoa, tên mật vụ côn đồ‘.”
VOA có bài: Người Việt biểu tình ở Đức, nhắc tên Trịnh Xuân Thanh. Nhiều người Việt ở Đức xuống đường biểu tình ở Berlin hôm 12/8, phản đối chính quyền CSVN ngang nhiên bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, đe dọa an ninh của cộng đồng và vi phạm luật pháp Đức, cũng như đòi “nhân quyền cho Việt Nam”.
Video biểu tình ở Berlin đã được Facebooker Nguyễn Thái đưa trực tiếp lên mạng:
Trên báo nhà nước VOV, “thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa vẫn tin rằng ông Trịnh Xuân Thanh về nước đầu thú, qua bài: Trịnh Xuân Thanh đang đứng trước lựa chọn sinh tử. Theo ông Khoa, để tự cứu mình, ông Thanh phải khai hết những ai dính tới đường dây tham nhũng, khai ra những ai đã giúp ông ta trốn ra nước ngoài, để “xử lý thật nghiêm để lấy lại niềm tin của dân đối với Đảng, với thể chế này“.
Mời độc giả xem bức tranh “tự thú” của họa sĩ Hố ở San Francisco:
Họa sĩ Hố từ San Francisco mến tặng bạn đọc Thoi Báo. Ảnh: FB Lê Trung Khoa
Vụ ông Trịnh Vĩnh Bình kiện nhà nước CSVN
Vụ ông “vua chả giò” Trịnh Vĩnh Bình kiện Chính quyền CSVN lần 2, phiên xử sẽ diễn ra ngày 21/8, tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế ở Paris, Pháp. Số tiền mà ông Trịnh Vĩnh Bình đòi bồi thường thiệt hại lên tới 1,25 tỷ đôla, tương đương 25% chi tiêu quốc phòng của Việt Nam trong năm 2016.
VOA viết: “Một số giới chức Việt Nam am tường sự việc đánh giá đây là một vụ ‘đại án’ kéo dài nhiều thập niên, không những gây thiệt hại về vật chất cho Việt Nam, mà còn làm tổn hại đến mối quan hệ song phương Việt Nam-Hà Lan, và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế“.
Hồi tháng trước, thông tin doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình tái khởi kiện nhà nước Việt Nam được loan báo, đã gây xôn xao dư luận. Mời đọc lại bài về vụ kiện trước đây: Vụ kiện chính phủ Việt Nam 150 triệu đôla của ông Trịnh Vĩnh Bình.
Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không?
Theo tin từ BBC, có 13 người Thượng đã bị Campuchia bác đơn xin tỵ nạn và trục xuất về Việt Nam. Được biết, những người này thuộc nhóm người thiểu số theo Kitô giáo, cáo buộc rằng “họ bị đàn áp tôn giáo và chính trị ở quê nhà“.
Những năm gần đây, người Thượng Tây Nguyên bỏ xứ, băng rừng sang Campuchia để tìm cách xin tị nạn vì lý do bị đàn áp chính trị và tôn giáo đang ngày càng gia tăng. Lo sợ bị bắt, trục xuất về nước, họ thường lẩn trốn trong các khu rừng, chờ Liên Hiệp quốc can thiệp, cứu giúp.
Không chỉ những người thuộc tầng lớp khốn cùng bỏ nước ra đi, mà cả những người có tiền của, có cuộc sống giàu có ở trong nước, cũng bỏ ra nước ngoài lập nghiệp ngày càng nhiều. Lý do chủ yếu là họ muốn có được sự an toàn cho bản thân và gia đình, muốn được pháp luật bảo vệ tài sản, và nhất là con cái của họ được hưởng một nền giáo dục nhân bản. Mời xem video clip nói về sự việc này:
Giáo dục xuống cấp: chuyện dài nhiều tập
Liên quan đến việc Bộ trưởng BGD Phùng Xuân Nhạ nói rằng, ngành sư phạm phải học tập kinh nghiệm từ công an, quân đội, GS Nguyễn Tiến Dũng có bài: Ngành sư phạm có thể học tập công an, quân đội những điểm gì?
Ông Dũng đưa ra giả định, nhưng không nhất thiết không đúng với thực tế, như: “Được phép bắt lỗi, phạt tiền học sinh và phụ huynh học sinh thật nặng. Kiểu như đi muộn 5 phút là phạt 500K, làm sai 1 bài là phat 300K, v.v. Một nửa tiền phạt được đút túi, một nửa nộp cấp trên“. Hoặc “phong sư phạm hàm cho giáo viên, như kiểu hiệu trưởng mầm non thành đại tá sư phạm. Lương bổng cứ thế mà tính“…
Trước vô vàn những bất cập của ngành sư phạm cần phải giải quyết, nhưng ông Nhạ vẫn bảo là: Chúng ta phải hết sức bình tĩnh. PGS Văn Như Cương trả lời ông Nhạ: ‘Giáo dục xuống cấp như thế sao lại kêu gọi bình tĩnh?‘ Ông Cương ví tình trạng giáo dục thảm hại hiện nay giống như lửa cháy, “đã cháy mấy năm, người trong cuộc phải mất bình tĩnh”. Ông nói: “Bình tĩnh làm gì? Giáo dục xuống cấp như thế sao lại kêu gọi bình tĩnh?”
Vừa mới sinh ra, đã phải cõng trên lưng một gánh nợ!
Theo báo Tuổi Trẻ, chính phủ mỗi tháng chi gần 9.000 tỉ đồng trả lãi nợ vay. Chia đều cho đầu người Việt Nam, với dân làm tròn là 100 triệu người, thì mỗi người phải trả lãi nợ vay của chính phủ là 90 ngàn đồng/ tháng.
Việt Nam hiện đang đối mặt với gánh nợ công ngày càng lớn. Tính đến đầu năm 2017, mỗi người dân Việt Nam, bất kể già, trẻ, bé, lớn, cho dù đứa trẻ sinh ra, mỗi người đang gánh khoản nợ công khoảng 23 triệu đồng.
Nợ công trên đầu mỗi người dân Việt Nam hiện nay, bất kể già trẻ, bé lớn. Ảnh: internet
Cục trưởng cục… bao che tham nhũng?
Sau phát biểu gây phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng và bị ví như “cục trưởng cục… giải cứu tham nhũng“, hôm 12/8, ông Phạm Trọng Đạt phân bua: Tôi chưa hề nói gì liên quan đến kết luận thanh tra tài sản gia đình ông Quý.
Ông Đạt giải thích, “lúc đó là đang tranh luận về mặt nghiệp vụ, pháp luật. Cụ thể là thế nào là kê khai tài sản trung thực, thế nào là không trung thực, chưa đầy đủ và trong luật đã quy định cụ thể rồi, phải xử lý theo hành vi“.
Thế ông có thể giải thích cho dân biết, tại sao Công đoàn ngành thanh tra lại chọn Yên Bái để tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2017 không? Trong lúc thanh tra mấy quan tham ở Yên Bái, vì sao các ông lại tổ chức hội nghị ở đây?
Bí thư phường điều hành đường dây đề
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Nữ bí thư phường điều hành đường dây lô đề hơn 4 tỉ. Bài báo cho biết, bà Nguyễn Thị Thuận, Bí thư đảng ủy phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cùng chồng là ông Nguyễn Văn Tiện điều hành đường dây đề, đã bị công an phát hiện.
Bà Nguyễn Thị Thuận (áo dài hồng) khi còn đương chức. Ảnh: Nam Anh/ Soha
Nhà của con quan
Về chuyện căn nhà của con ông quan Nguyễn Văn Đấu, phó Ban tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai, xây trái phép trên đất nông nghiệp, chỉ nộp phạt xử lý vi phạm hành chính, không bị yêu cầu tháo dỡ, báo Lao Động có bài: Cho tồn tại biệt phủ phó ban tổ chức tỉnh ủy Đồng Nai.
Bãi bỏ giấy phép con: thấy mới tin!
Theo tin từ Website Chính phủ, thì tới đây Chính phủ áp chuẩn OECD để bãi bỏ giấy phép con. Bài báo dẫn nguồn từ VCCI cho thấy, “trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện có tổng số 5.719 điều kiện kinh doanh (thường được gọi là giấy phép con). Trong đó, nhiều nhất là Bộ Công Thương có 27 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý với 1.220 điều kiện kinh doanh“.
Trong khi đó, tại TP. HCM: Người dân không cần phải xin GPXD khi xây nhà ở riêng lẻ. Bài viết cho biết: “Nếu như trước đây muốn xây nhà ở người dân buộc phải xin Giấy phép xây dựng (GPXD) và thời gian chờ đợi kết quả phải mất từ 1 tháng đến 2 tháng, thậm chí phải chi ra khoản phí trên 10 triệu đồng để chi cho bản vẽ thiết kế thì nay thủ tục này đã được loại bỏ“.
Cải cách thụt lùi
RFA có bài: Khi “lạm phát” lãnh đạo trong bộ máy nhà nước. Bài báo dẫn nguồn từ Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội cho thấy, “nếu năm 2011 tại các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ số công chức giữ vị trí quản lý từ cấp phòng trở lên là hơn 12.200 người, tỷ lệ lãnh đạo trên công chức là 1/6 thì đến năm 2016 tăng lên hơn 13.500 người, tỷ lệ là 1/5 tức là cứ 5 công chức lại có một lãnh đạo“.
Còn tại các vụ, cục, cơ quan thuộc Chính phủ tăng từ “hơn 3.800 lên hơn 4.600, tỷ lệ là 1/2 và 4/7 (tức cứ 7 công chức bình thường lại có 4 người lãnh đạo)“. Đúng là chuyện ở Việt Nam: Giảm đâu thì giảm, đừng giảm chỗ tôi.
Bao giờ chấm dứt chủ nghĩa lý lịch?
Liên quan đến việc ngay giữa Hà Nội, lãnh đạo xã phê bình cả nhà khi xác nhận lý lịch nhập học, hôm 12/8, ông Nguyễn Đăng Huấn – Chủ tịch xã Duyên Hà cho biết trên VTC: đó là “sự sai lầm rất đáng tiếc“. Ông Huấn bảo, do “sơ xuất” nên dẫn đến sai lầm đáng tiếc này và xã đã mời gia đình cháu V.A. lên để “xin lỗi và xác nhận lại vào hồ sơ lý lịch mới cho cháu”, đồng thời “rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc“.
Rất nhiều vấn đề liên quan đến công tác cán bộ ở cấp xã lâu nay, chứ không phải đến giờ mới trở thành mối lo cán bộ xã. Xin mời đọc lại bài viết của nhà báo độc lập JB Nguyễn Hữu Vinh: Chủ nghĩa lý lịch và hậu quả quái đản.
Thảm họa Formosa
Báo Đất Việt có bài: Formosa lấn biển làm bãi xỉ thải: Mập mờ báo cáo ĐTM. Báo dẫn lời TS Nguyễn Thành Sơn, cựu Giám đốc BQL các dự án than đồng bằng sông Hồng cho biết, có hai điểm quan trọng chưa được đề cập đến trong ĐTM.
Thứ nhất: “Formosa đã ‘tách’ dự án rất to thành các dự án nhỏ thành phần, sau đó đưa ra đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của một giai đoạn của dự án thành phần, chỉ nhằm mục đích ‘đầu xuôi, đuôi lọt’ là không toàn diện, không đúng“.
Thứ hai: “Formosa đã cố tình không xử lý chất thải từ lò luyện coke, lò cao trước khi thải ra biển cùng với chất thải của lò hơi (nhà máy điện) thì sẽ rất nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm“.
Trên RFA có bài phỏng vấn GM Nguyễn Thái Hợp cho rằng, Công ty Formosa là một một tổ chức ma mãnh. Theo GM Nguyễn Thái Hợp, cho dù công ty Formosa là “một ty ma mãnh, nhiều tiền nhiều thế lực” nhưng “không thể khoanh tay trước những thiệt thòi của người dân ở đấy. Chính vì vậy chúng tôi lên đường nói lên tiếng nói, làm được cái gì“.
Phải dừng mỏ sắt Thạch Khê
Báo Tiền Phong có bài: Khai thác mỏ sắt Thạch Khê: Tiền thuế không đủ bù đắp môi trường? GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài, nói rằng: “Về mặt kinh tế, môi trường, thuế tài nguyên vào đây có xứng đáng để bù đắp với thiệt hại về môi tường, thiệt hại của dân cư, cộng đồng người dân Hà Tĩnh nói riêng và lợi ích nhà nước, dân tộc nói chung hay không? Đây là câu chuyện không ai giải đáp được”.
Do vậy các chuyên gia đề nghị “Phương án tốt nhất là Hà Tĩnh chọn hướng đi không cần khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Hướng đi ấy hoàn toàn khả thi“.
Bất cập trạm thu phí BOT
Facebooker Mai Quốc Ấn có bài tổng hợp về việc này, có tựa đề Hút máu nhân dân. Tác giả dẫn chứng trạm BOT Tào Xuyên – Thanh Hóa, như sau: “Trạm thu phí Tào Xuyên có số vốn đầu tư 786 tỷ đồng với thời gian dự kiến hoàn vốn và có lãi là 27 năm 8 tháng. Thế mà mới hơn 7 năm chủ đầu tư đã hoàn vốn và có lãi, đó quả là điều không tưởng so với thời gian dự kiến được đưa ra khi chúng chênh nhau đến hơn 20 năm“.
Còn đối với trạm BOT Cai Lậy thì kinh khủng hơn nhiều: “Cao tốc Trung Lương 62km, có 6 làn, nếu quy ra một làn dài 372km, thu 40.000 đồng tương đương lái xe phải trả là 107 đồng/km. Còn đường Cai Lậy dài 12km, 2 làn, quy ra một làn dài 24km, thu 35.000 đồng, như vậy mỗi km người dân phải trả 1.458 đồng, cao gấp 14 lần cao tốc Trung Lương. Ăn như vầy là ăn trên đầu trên cổ!
Chuyện tài xế trả tiền lẻ có vi phạm pháp luật hay không, theo LS Nguyễn Sơn Lâm, đoàn luật sư TP HCM cho biết: “Hoàn toàn không có vi phạm pháp luật“. Trừ việc làm nhàu nát hay có hành vi cố tình phá hoại tiền Việt Nam.
Trong khi đó theo báo Đất Việt, mặc dù tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương này vừa có văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị giảm phí tại trạm BOT Cai Lậy. Nhưng Bộ GTVT khẳng định không giảm phí cũng không di dời trạm.

Tin quốc tế

Khủng hoảng Bắc Hàn
RFI có bài: Chuyên gia Mỹ cảnh báo: Bình Nhưỡng sắp bắn tên lửa từ tàu ngầm. Bài viết dẫn nguồn từ website 38 Vĩ Độ Bắc (38° North), chuyên gia Bắc Hàn, ông Joseph Bermudez đưa ra các hình ảnh vệ tinh, cho thấy có lẽ Bắc Hàn “đang chuẩn bị phóng tên lửa hải đối địa từ tàu ngầm sâu dưới mặt biển“.
Đây là hình ảnh mới nhất từ Bình Nhưỡng. Mời bấm vào 38° North để xem thêm một số hình ảnh mới:
Hình ảnh vệ tinh ngày 7/8/2017. Nguồn: 38° North.
Báo Người Việt: Bắc Kinh cảnh cáo Bình Nhưỡng: Tự lo thân nếu tấn công Mỹ trước. “Trung Quốc sẽ không bảo vệ Bắc Hàn nếu quốc gia này bắn hỏa tiễn đe dọa Mỹ và bị trả đũa, theo một tờ báo nhà nước Trung Quốc hôm Thứ Sáu, tuy nhiên cũng nói rằng sẽ can thiệp nếu Washington tấn công trước“.
VOA đưa tin: Điện đàm với Trump, Tập Cận Bình hối thúc kiềm chế về Bắc Triều Tiên. Trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi tất cả các bên “tránh những lời lẽ hoặc hành động làm gia tăng căng thẳng“. RFI: Bắc Triều Tiên: Tập Cận Bình kêu gọi Trump dịu giọng. BBC: Bắc Hàn: TQ kêu gọi Trump không làm trầm trọng tình hình.
Venezuela
Sau khi TT Mỹ Donald Trump dọa đánh Venezuela hôm 11/8, thì hôm nay, các nước Mỹ Latin tính lên án Tổng thống Trump. Các nước châu Mỹ Latin, với sự dẫn dắt của Peru, đang thương thảo một tuyên bố lên án ông Trump sau khi ông ta tuyên bố rằng, Mỹ đang cân nhắc “một giải pháp quân sự” đối với Venezuela.
Mặc dù Peru phản đối TT Venezuela lập quốc hội lập hiến để củng cố quyền cai trị độc tài của TT Maduro, bằng cách trục xuất đại sứ Diego Molero của Venezuela, nhưng Peru xem việc đe dọa can thiệp quân sự của Trump ở Venezuela là “điên rồ”.
Biểu tình bạo động ở Charlottesville, Virginia, Mỹ
Báo NYT đưa tin: Xe hơi đâm vào đám đông sau khi những kẻ thượng tôn sắc tộc da trắng biểu tình, kết thúc trong bạo loạn. Tin cho biết, hàng trăm người thượng tôn sắc tộc da trắng (white nationalist), Tân Phát-xít, mang bảng hiệu ủng hộ TT Mỹ Donald Trump, xuống đường biểu tình ở Charlottesvill, Virginia, chống một lại một quyết định của thành phố.
Nhóm người này đụng độ với các nhóm chống lại họ, dẫn đến bạo động. Sau đó, một chiếc xe hơi lao vào đám đông, giết chết 1 người, làm nhiều người khác bị thương, theo tin từ cảnh sát liên bang. Thống đốc bang Virginia, ông McAuliffe, bang bố tình trạng khẩn cấp.
Mời đọc thêm: Bạo động tại Virginia, xe hơi đâm vào đám đông, 1 chết, 34 bị thương. “Đài truyền hình CNN cho biết, có một người chết và 34 người bị thương, 19 người tại chỗ chiếc xe đâm vào, và 15 người tại chỗ tuần hành. Thị Trưởng Mike Signer viết trên Twitter: ‘Tôi rất đau lòng là có một người chết. Tôi kêu gọi tất cả mọi người nên tử tế, đi về nhà’.”
Mời xem clip chiếc xe lao vào đám đông ở Charlottesville, Virginia:
Campuchia – Lào
BBC đưa tin: Lào tuyên bố rút quân khi Hun Sen thăm. Căng thẳng diễn ra giữa hai nước anh em tại biên giới thuộc tỉnh Stung Treng của Campuchia, khi phía Lào cáo buộc, quân đội Campuchia thi công con đường được cho là xâm phạm lãnh thổ Lào.
Hôm 11/8, hai nước cùng đưa quân tới biên giới nghênh chiến, nhưng hôm 12/8, hai nước đã đạt được thỏa thuận rút quân, sau khi thủ tướng Hun Sen đến Vientiane để họp khẩn với ông Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Lào. RFI: Lào và Cam Bốt hứa rút quân khỏi vùng biên giới. VOA: Lào rút quân sau chuyến thăm của ông Hun Sen.
Miến Điện
RFI có bài: Miến Điện điều thêm quân đội đến bang Rakhine, LHQ lo ngại. Về người Hồi giáo Rohingya bị cáo buộc nổi dậy tấn công vào các đồn biên phòng ở Rakhine, “một số quan chức chính phủ Miến Điện, xin giấu tên, đã xác nhận việc thiết lập giới nghiêm và triển khai thêm quân tới bang Rakhine. Lời xác nhận được đưa ra trong bối cảnh đại diện Liên Hiệp Quốc tỏ ý quan ngại trước các thông tin về việc Quân Đội Miến Điện được tăng cường đến khu vực này”.
Cũng tin Miến Điện: Ấn Độ đàm phán kế hoạch trục xuất người Rohingya. “Ấn Độ đang đàm phán với Bangladesh và Myanmar về kế hoạch trục xuất khoảng 40.000 người Hồi giáo Rohingya sống bất hợp pháp ở Xứ Ấn. Một phát ngôn viên của chính phủ New Dehli cho hãng tin Reuters biết hôm thứ Sáu, 11 tháng 8“.