Bản tin ngày 10/8/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bản tin ngày 10/8/2017

Tiếng Dân

 

Tin trong nước

Chủ quyền đất nước – Biển Đông
Một số nhận định của nhà báo của Bill Hayton về vụ Repsol trên Twitter, đã được Facebooker Ann Đỗ dịch. “1. Việt Nam đã cố gắng khẳng định quyền của mình theo UNCLOS để phát triển 1 mỏ khí trong khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình. 2. Trung Quốc đã đe dọa tấn công các căn cứ quốc phòng của VN trừ khi VN ngừng khoan dầu khí. 3. VN đã đồng ý KHÔNG BAO GIỜ khoan 1 lô lớn ở biển nữa“. Mời đọc thêm các tweet của ông Hayton về Biển Đông.
Còn đây là nội dung cuộc gặp giữa Bộ trưởng QP Mỹ, ông James Mattis và Bộ trưởng QP Việt Nam, ông Ngô Xuân Lịch, đăng trên website Bộ Quốc phòng Mỹ:
“Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Jim Mattis đã gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch để thảo luận mối quan hệ quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ngày càng gia tăng và thách thức an ninh khu vực.
Hai Bộ trưởng đã đồng ý về các hành động tăng cường hợp tác quốc phòng, trong đó có chuyến thăm đầu tiên của một tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam trong năm tới, mở rộng hợp tác hải quân và tăng cường chia sẻ thông tin. Bộ trưởng [Quốc phòng Mattis] nhấn mạnh gia tăng mức độ duy trì hòa bình, hỗ trợ nhân đạo và hợp tác Cảnh Sát biển, gồm việc chuyển giao gần đây một tàu tuần duyên Mỹ, để nâng cao năng lực thực thi luật pháp trên biển của Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo đồng ý rằng, mối quan hệ quốc phòng Mỹ – Việt vững chắc sẽ thúc đẩy an ninh khu vực và toàn cầu. Mối quan hệ này dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và các lợi ích chung, gồm cả quyền tự do đi lại trên Biển Đông và trên toàn cầu; tôn trọng luật pháp quốc tế; và công nhận chủ quyền quốc gia. Bộ trưởng [Quốc phòng Mỹ] hoan nghênh sự tham gia của Việt Nam và tăng cường vai trò lãnh đạo trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Hai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – Việt ở Mỹ. Nguồn: BQP Mỹ.
Bài viết của nhạc sĩ Tuấn Khanh, dẫn lời của một ông thầy dạy môn chính trị, là bí thư đảng ủy, nói: “Đánh Mỹ chạy đi, giờ lại trải thảm đỏ đón Mỹ về”. Tác giả viết: “Lịch sử đang đổi thay. Con người cũng đang đổi thay. Thậm chí con cái các quan chức cấp cao đã rùng rùng chọn học, sống và mua nhà ở Mỹ cũng như ở các nước phương Tây ‘thù địch’. Nhiều gia đình quan chức chỉ quyết chọn đến định cư ở những nước mà lý tưởng cộng sản được sách giáo khoa nơi đó dạy rằng, là tội ác của nhân loại“.
Tác giả Trung Nguyễn có bài: Hãy chọn đồng bào thay vì đồng chí! Tác giả nhận định: “Chúng ta cũng thấy là trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam vẫn có những người muốn chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Phong trào dân chủ Việt Nam có thành công được hay không chính là có mời gọi được thành phần những người cộng sản tốt tham gia hay không“.
VOA có bài: Trung Quốc xác nhận đã hủy cuộc gặp với Việt Nam. “Các giới chức đại sứ quán Trung Quốc cho Reuters biết cuộc gặp đã được ấn định giữa 2 bộ trưởng ngoại giao Trung-Việt bị hủy bỏ bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN, giữa lúc căng thẳng đang tăng cao về vấn đề biển Đông“.
Vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh
BBC đưa tin: Đức ‘cân nhắc hành động’ do VN ‘phớt lờ’ vụ Trịnh Xuân Thanh. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức nói: “Chúng tôi đã hy vọng là sẽ có khả năng nhằm… sửa chữa sau lỗi vi phạm nghiêm trọng luật Đức và luật pháp quốc tế. Thật không may là điều đó đã không xảy ra, cho nên chúng tôi đang cân nhắc xem cần làm gì để đối tác Việt Nam của chúng tôi hiểu rõ rằng chúng tôi không thể chấp nhận chuyện đó“.
VOA có bài phỏng vấn GS Lê Đình Thông, luật sư và là giáo sư môn Quan hệ Quốc tế, tại Trường Đại học Paris-Nanterre: Vụ Trịnh Xuân Thanh: Khía cạnh pháp lý & Hệ lụy.
GS Thông cho biết, khi một quốc gia, “dùng các biện pháp cưỡng chế, bắt người hoặc thủ tiêu người tại nước ngoài, gây mê để dễ dàng đưa người này lên máy bay cứu thương bay về Hà Nội, tội danh này được quy định trong Công ước quốc tế do Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 20/12/2006 và được coi là tội phạm chống nhân loại trong trường hợp thủ tiêu đối thủ chính trị“.
VOA có bài: Chuyên gia: ‘Đức không thật sự cần Trịnh Xuân Thanh’. Ông Lê Ngọc Sơn, một chuyên gia quản lý khủng hoảng ở Đức, nhận định: “Về mặt lý thuyết của nước Đức, họ muốn phục hồi tình trạng trước khi sự việc xảy ra, trước khi sự cố ngoại giao xảy ra. Họ có những bộ phận để điều tra tư cách một người có được lợi ích về mặt tị nạn hay không. Với những gì đang diễn ra, với sự thật về Trịnh Xuân Thanh, thì nước Đức họ sẽ không chấp nhận [cho tị nạn]. Tôi không nghĩ họ thực sự cần Trịnh Xuân Thanh”.
Liên quan tới cách hành xử của chính quyền Việt Nam, nhà báo độc lập JB Nguyễn Hữu Vinh có bài đăng ở blog RFA: Qua vụ Trịnh Xuân Thanh: Nghĩ về một thói quen hành xử. Ông Vinh viết: “ở đây là thói quen côn đồ đã ngấm vào não trạng và biến thành hành động của nhà nước Cộng sản Việt Nam. Với họ, việc bắt cóc, bất chấp luật pháp quy định là chuyện hết sức thường ngày. Đơn giản chỉ vì họ là cộng sản, họ là công an, là người nhà nước Việt Nam“.
Nhà báo Bùi Tín nêu nghi vấn: Vụ Trịnh Xuân Thanh: Một nghi vấn cần làm rõ. Ông viết: “Tôi nghi rằng Thanh đã bị đầu độc, làm cho mê muội, ngây ngất, không thể chống cự, la hét như ý muốn, do đó bị bắt đi, và sau đó phải bất động nằm trên cáng đưa lên máy bay“.
Báo Người Đưa Tin có bài phỏng vấn ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng: Cần đưa những người “chống lưng” cho Trịnh Xuân Thanh ra ánh sáng. Ông Hòa nói, “người dân mong muốn ngọn lửa chống tham nhũng sẽ cháy mãi, thiêu rụi những ‘con sâu làm rầu nồi canh’ để bộ máy của Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh“.
Chuyện “nhóm lò” của ông Trọng
Bài viết của ông ông Nhị Lê – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, đăng trên TuanVietNam: “Lò đã nóng” và quyết tâm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. “Thông điệp của Tổng Bí thư đã gửi: ‘Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy…Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được…’ là sự kết tinh, thể hiện tầm nhìn, sự kiên định và cả tâm huyết của ông. Cái Ngọn lửa Dân chủ, Đức trị và Pháp trị phải cháy lên trong cái lò ấy!
Hầu như chẳng ai tin công việc “nhóm lò” của ông Trọng là để thổi lên ngọn lửa “Dân chủ, Đức trị và Pháp trị” trong cái lò đó. Người dân tin chắc rằng, chuyện nhóm lò để đốt củi khô, củi tươi của ông Trọng hiện nay là chuyện đấu đá nội bộ, mục đích là để thanh trừng các lãnh đạo đảng, thu tóm quyền lực, bởi nếu mang pháp trị ra chống tham nhũng, thì cái lò của ông sẽ đốt sạch, đốt luôn cả những cây tươi, và rồi sẽ chẳng còn ai lãnh đạo đất nước này, nếu chỉ có duy nhất “đảng lãnh đạo”!
VOA có bài: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ lưu lại hết nhiệm kỳ? GS Carl Thayer cho biết: “Tôi dám cá dựa trên những gì mà tôi biết là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ở lại cho đến hết nhiệm kỳ và khi đó ông sẽ có được sự đồng thuận để ủng hộ bất cứ ai ông chọn lên thay thế”.
Khúc “củi” Trần Bắc Hà sắp bị cho vào “lò”?
Sau khi Nhà báo Huy Đức nhận xét về ông Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch Ngân hàng BIDV trong một bức ảnh đăng trên Facebook của mình: “Đây là giai đoạn mà ở quốc gia này, Bắc Hà chỉ ‘dưới Ba Dũng’ và hách dịch với phần còn lại, vậy nhưng khi đối diện với thần linh nhìn ông ta vô cùng sợ hãi“, thì sau đó trên Zing, ông Hà cho biết: ‘Tôi bình thường mà’.
Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào chùa Bodhgaya Ấn Độ “làm người tử tế”. Người đánh dấu vòng đỏ là ông Trần Bắc Hà. Ảnh chụp năm 2014. Nguồn: MEA
Trao đổi qua điện thoại với báo Pháp luật TP.HCM, Tổng cục Cảnh sát khẳng định: Không có việc đã bắt ông Trần Bắc Hà. Nhưng báo Người Lao Động đặt nghi vấn: Ông Trần Bắc Hà đang ở Lào? Bởi vì: “Liên hệ qua số điện thoại di động mà ông Trần Bắc Hà thường dùng, chúng tôi nhận được thông báo ‘thuê bao quý khách hiện đang tắt máy hoặc ngoài vùng phủ sóng’ bằng tiếng Lào và tiếng Anh“.
Bê bối trong ngành ngân hàng
Về vụ bê bối ngành ngân hành, BBC có bài: ‘Không thể dựa vào liên kết quyền lực mà vi phạm pháp luật’. TS Lê Đăng Doanh nói về sự kiện các cựu lãnh đạo ngân hàng đã liên kết với các lãnh đạo cao cấp trong bộ máy quyền lực để làm ăn lương lẹo, kết quả là những người này đang phải đối mặt với án tù, như Phạm Công Danh, ông Trầm Bê, Hà Văn Thắm…
Ông Doanh nói: “Họ nghĩ là với những liên kết như vậy, họ có thể bước lên trên các quy định pháp luật để phục vụ lợi ích nhóm. Điều đó có thể thực hiện được khi nhân vật đó còn nắm quyền lực trong tay. Nhưng khi người đó không còn ở vị trí quyền lực nữa thì những sếp ngân hàng đấy, dù còn làm việc hay nghỉ hưu, có thể phải đối mặt với những cáo trạng về pháp luật“.
Vẫn bài trên BBC: Việt Nam: ‘Lãnh đạo ngân hàng dễ bị khép tội’. Trả lời BBC, LS Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, cho biết: “Các sếp ngân hàng dễ bị khép tội. Dễ bị khép tội ở đây không đồng nghĩa với việc nhà nước buộc tội họ một cách vô tội vạ mà là vì quá nhiều quy định khắt khe trong lĩnh vực ngân hàng cần phải được tuân thủ… lãnh đạo ngân hàng thường là giới đại gia và có quan hệ thân hữu với lãnh đạo cấp cao trong chính phủCó thể vì vậy mà họ có khuynh hướng xem nhẹ việc tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của ngành ngân hàng hơn“.
Nhân quyền Việt Nam: quá tệ!
Theo Facebooker Phạm Quang Tuấn, lược dịch bài của Reuters, thì “một trong những lý do chính quyền CSVN tăng gia bắt bớ, bỏ tù những người bất đồng chính kiến trong mấy tháng gần đây là do chính phủ Trump rút khỏi TPP và không còn lưu tâm tới nhân quyền“.
Còn ngoại trưởng Tillerson cũng đã tuyên bố là sẽ “bớt nhấn mạnh về vấn đề nhân quyền ở nước khác và đặt quyền lợi của Mỹ trên hết (America first), theo đúng chủ trương của Trump“.
Trước bối cảnh đối thoại Nhân quyền Việt – Australia lần thứ 14 sẽ diễn ra hôm nay, ngày 8/8, Tổ chức Theo dõi nhân quyền – Human Rights Watch (HRW) đã có lời kêu gọi Australia gây áp lực với chính quyền Việt Nam để cải thiện quyền con người.
HRW đã đưa ra một loạt đề nghị với Australia, yêu cầu chính quyền Hà Nội ngưng bắt bớ và câu lưu các nhà hoạt động chính trị, dừng sách nhiễu và ngưng hành động bạo lực đối với các bloggers và những người bất đồng chính kiến, tôn trọng quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo.
Tư thế của người chiến thắng
Liên quan đến sự việc nhà hoạt động Đặng Bích Phượng kiện Phó công an quân Hoàn Kiếm, Facebooker Nguyễn Thúy Hạnh cho biết: mặc dù ngay từ đầu, bà Phượng biết đơn kiện của mình có thể bị bác, nhưng bà “kiên quyết không lùi bước“. Không đi taxi để tiết kiệm, không đủ tiền để thuê luật sư, nhưng trong tòa “chị đối đáp rành mạch đến không ngờ“.
Kết thúc phiên toà, không nằm ngoài dự đoán của mọi người, đơn kiện của bà bị bác. “Nhưng chị Phượng bước ra khỏi toà với tư thế của người chiến thắng, chiến thắng cái sức ỳ mang tên ‘con kiến kiện củ khoai’. Nếu ai cũng nghĩ ‘đằng nào cũng thua’, và im lặng thì rồi sẽ có ngày công an vào tận nhà giết dân mà vẫn là đúng luật“.
Tại cửa toà, bà Phượng đã nói với Phó Công an quận bị kiện: “Để xem còn ngồi xổm lên pháp luật được bao lâu!“. Và bà tuyên bố: “Sẽ kháng án“. Trên trang Facebook của mình, bà Phượng cho biết: Tôi đã vượt qua được chính mình, còn ông ấy thì không!
Biến cố Đồng Tâm
Cựu đại tá công an Nguyễn Đăng Quang có bài: Công an Hà Nội muốn khơi lại biến cố Đồng Tâm để làm gì? Ông Quang cho biết, Công an Mỹ Đức và CA Hà Nội đã đưa giấy triệu tập cho ông Lê Đình Công (con cụ Lê Đình Kình), trưởng thôn Hoành xã Đồng Tâm, yêu cầu ông có mặt tại số 7, phố Thiền Quang để làm việc về ‘hành vi gây rối trật tự công cộng’ xảy ra ở xã Đồng Tâm.
Tác giả kêu gọi chính quyền: “Hãy hành xử đúng theo nguyên lý Nhà nước pháp quyền, và Nhà nước của Dân, do Dân và vì Dân. Đừng tìm cách làm người dân sợ hãi đến mức cạn kiệt lòng tin, vì mất lòng tin là mất tất cả… Vụ việc Đồng Tâm, nếu tiếp tục như thế này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Đừng đẩy tình hình đi quá xa, quá mức đến chỗ không cứu vãn nổi!
Facebooker Công Lê cũng có đưa tin này: Công an Hà Nội bắt đầu ra tay đánh tỉa dân Đồng Tâm chúng tôi. Ông Lê Công cho rằng, “Công An Hà Nội cố dựa vào một sự việc chưa được làm rõ, để hãm hại lẻ dân Đồng Tâm. Trong khi đã 2 tháng, thủ phạm đạp gãy xương đùi cụ Kình khi lừa ra đồng xác định mốc đất của cán bộ nhà nước thì vẫn chưa bị khởi tố“.
Báo Pháp Luật TP có bài viết về phiên tòa xử 14 cán bộ Đồng Tâm bước sang ngày thứ hai, HĐXX tuyên án với mức án cao nhất 6,5 năm tù đối với ông Nguyễn Xuân Trường, cựu cán bộ địa chính xã Đồng Tâm. Được biết, ông Trường có vai trò chủ mưu trong vụ án. Ông là người đã tham mưu cho xã: “mỗi năm giao đất 1 vài trường hợp”.
Nhiệt điện Vĩnh Tân
Theo tin từ Pháp luật TP, Bộ TN-MT thống nhất phương án mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã đề xuất: Không nhận chìm 1 triệu m3 bùn cát xuống biển! Bài báo cho biết, toàn bộ khối lượng bùn thải khoảng 1 triệu khối của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 “sẽ được đổ vào khu vực Cảng tổng hợp Vĩnh Tân“.
Khu vực đổ thải này “là nơi san lấp cho khu neo trú tàu thuyền và phần diện tích này trước đó Công ty Cổ phần cảng tổng hợp Vĩnh Tân đã thỏa thuận, đồng ý cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đổ khối lượng bùn cát nạo vét“.
RFA có bài: Tác động của truyền thông xã hội trong việc bảo vệ môi trường. Bài viết nói rằng, nhờ có cộng đồng mạng lên tiếng, nên lãnh đạo Bộ TNMT đã quyết định không nhấn chìm gần 1 triệu mét khối chất thải của Vĩnh Tân 1 xuống biển Bình Thuận.
Ô nhiễm khắp nơi
RFA có bài: Biển miền Trung tiếp tục hứng chất thải. Bài viết cho biết, vùng biển miền Trung bị ô nhiễm khắp nơi, từ Bình Thuận đến Hà Tĩnh, nơi nào cũng bị ô nhiễm và tình trạng biển cả ngày càng bị bức hại nặng nề hơn.
Ông Trần Quốc Viên, thuộc đội thể thao biển Dana Beach Đà Nẵng, cho biết: “Giờ họ ủi đất vào bịt cống, nhưng chưa bịt hẳn, sau đó họ lấy cái ống thẳng ra biển cho chảy cả ngày cả đêm, hôi thối không chịu được. Chính cán bộ cơ quan xử lý môi trường cũng thừa nhận với tụi tôi là nước thải này không qua xử lý mà! Nói chung với tình hình này thì biển dơ dáy là cái chắc rồi. Hôm qua có một đôi khách Nhật tới đây, họ chịu không nổi, phải bụm mũi”.
Báo Người Việt đưa tin: Ðà Nẵng ô nhiễm khắp nơi, biển chết dần vì nước thải“. Bài viết cho biết, Thành phố Ðà Nẵng đang bị ô nhiễm môi trường nặng nề, “với tình trạng mùi hôi thối nồng nặc luôn bốc ra từ các địa điểm như âu thuyền Thọ Quang, 9 cống nước thải đổ ra bãi biển, bãi rác Khánh Sơn, sông Phú Lộc…“.
Sở Tài Nguyên-Môi Trường Ðà Nẵng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm tại âu thuyền Thọ Quang là “do hoạt động xả thải chưa qua xử lý của các tàu thuyền neo đậu, nước thải từ các doanh nghiệp hoạt động chế biến thủy sản trong khu công nghiệp và nước thải từ chợ cá qua trạm xử lý nước thải Sơn Trà…
Còn trang Facebook ‘Hải Lăng – Đất mẹ ngọt ngào’, thì tại Quảng Trị, Công văn UBND tỉnh cho phép xả thải về hồ Khe Chè và xã Hải Thọ. Theo đó, mặc dù Công ty dệt Vinatex Toms “chưa có hệ thống xử lý nước thải nhưng đã đi vào hoạt động, và đã xả trộm trong thời gian hơn nửa năm nay“. Thế nhưng, khi bị phát hiện, UBND tỉnh đã “không cho tạm ngưng hoạt động để xử lý mà vẫn đồng ý ‘CẤP PHÉP CHO XẢ THẢI’ với 2 địa điểm đó là Hồ Khe Chè và đồng tiêu Hải Thọ“.
Mời đọc thêm tin về ô nhiễm: Biểu tình chống ô nhiễm ở Khánh Hòa (RFA).
Thiên tai hay nhân tai?
Báo Thanh Niên đưa tin, hiện vẫn còn 8 người còn mất tích sau lũ quét ở Mù Cang Chải. Được biết, các lực lượng cứu hộ đang tập trung tìm kiếm tại khu vực xảy ra lũ quét dọc suối Nậm Kim và khu vực lòng hồ thủy điện Khao Mang Chải. Trong đợt lũ vừa qua, riêng tại tỉnh Yên Bái có 6 người chết, 9 người bị thương và còn 8 người mất tích.
Đài VTC đã nêu đích danh thủ phạm gây nên những cơn lũ kinh hoàng vừa qua ở các tỉnh miền núi phía Bắc chính là những kẻ “ngày đêm ‘xẻ thịt’ các cánh rừng không thương tiếc“. Và cuối cùng thì chính con người phải lãnh chịu hậu quả thảm khốc khi bị lũ tấn công “do rừng đầu nguồn bị tàn phá“.
Mời xem video clip:
Trong khi đó, báo Người lao Động đưa tin, tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, do ảnh hưởng của bão, gây mưa lớn và nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về làm lũ lên quá nhanh, lúa mất trắng.
Dự án lấp sông Đồng Nai
Theo báo Thanh Niên, Bộ NN-PTNT yêu cầu làm rõ trách nhiệm và “xử lý nghiêm các hành vi thực hiện lấn lòng sông“, vi phạm luật Đê điều và luật Phòng, chống thiên tai.
TS Lê Xuân Thuyên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), là người đã nhiều lần đi khảo sát địa hình dòng sông Đồng Nai, nhận xét, “các ĐTM (Báo cáo đánh giá tác động môi trường) của dự án, kể cả ĐTM mới nhất được làm năm 2016, vẫn không đạt yêu cầu chất lượng về mặt khoa học“.
Quốc hội hay băng đảng?
Theo tin từ báo Giao Thông, thay vì mở rộng thông tin với báo chí như lâu nay vẫn làm, Văn phòng Quốc hội cho biết, trong các phiên họp Thường vụ Quốc hội sắp tới, sẽ lựa chọn báo để mời dự đưa tin họp Thường vụ Quốc hội. Có lẽ Quốc hội nên chọn các báo có nhiều tính đảng như Nhân Dân, QĐND, ANTĐ, SGGP, VTV, TTXVN… còn những tờ báo khác chắc chẳng có cửa vào dự mấy buổi họp này rồi.
Không chỉ các cựu lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, thiết nghĩ đa số những người dân đóng thuế nuôi các vị, đều cho rằng việc này không hợp lý, bởi “nếu chỉ phát cho báo chí một bản thông cáo báo chí thì không đảm bảo tính phản biện thông tin, không đảm bảo tính thời sự và người đọc, cử tri cũng không biết được người đại diện cho mình phát biểu những gì“.
Nhà báo Bạch Hoàn nhận xét: “Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất. Quốc hội không phải phường chèo. Nhưng để những người ngồi trong hội trường quyền lực ấy không diễn tuồng thì nhất thiết phải có sự giám sát của người dân thông qua thông tin đa chiều trên báo chí“.
Tàu đường sắt có an toàn?
Báo Tiền Phong có bài: Đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, tàu vẫn trật bánh. Còn nguyên nhân thì ông Nguyễn Quốc Vượng, GĐ Cty Đường sắt Hà Hải, cho hay: “Với tình hình đó, để đánh giá ngay nguyên nhân rất khó“. Trong khi đó, vào năm 2015 Bộ GTVT vừa hoàn thành nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai với tổng kinh phí 166,46 triệu USD tương đương 3.434 tỷ đồng.
Bao giờ Việt Nam mới có hệ thống tàu như của Nhật, mà sau 53 năm hoạt động, chưa có hành khách nào thiệt mạng, còn thời gian đến muộn so với lịch, chỉ trung bình có 36 giây? Xin mời độc giả xem clip:
Nghịch lý giáo dục Việt Nam
Theo thông tin từ báo Dân Trí, kỳ thi xét tuyển đại học năm nay ở khối trường cao đẳng sư phạm địa phương, nhiều trường có mức trúng tuyển là 9-10 điểm, bao gồm cả điểm ưu tiên. Gọi là Thảm hại điểm chuẩn sư phạm quả không sai, bởi mỗi môn chỉ đạt hơn 3 điểm là có thể làm thầy thiên hạ được rồi!
Báo Giáo Dục đã phải thốt lên: “Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu”. Giờ đây “nhân tài đất Việt đã cơ bản quay lưng với ‘nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý’, đã ‘bỏ của chạy lấy người’ sang hết Công an, Quân đội, Y khoa …rồi!“.
Trong khi đó, trên báo Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử, Đại học Kanazawa (Nhật Bản) cho rằng, việc nhiều thí sinh đạt 29, 30 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1, cho thấy sự bất ổn của kì thi “2 trong 1”.
Ông Vương lý giải: “Hiểu đơn giản là kiểu lấy đủ thí sinh cần thiết theo thứ tự điểm số từ cao đến thấp. Nếu xét theo ‘luật chơi’ này thì một khi thí sinh tập trung nguyện vọng vào một số trường nào đó thì chuyện điểm cao vẫn bị trượt là đương nhiên. Ở góc độ này nó là cuộc chơi có tính công bằng. Nhưng nó cũng thể hiện sự bất thường vì điểm chuẩn quá cao“.
Còn báo Dân Việt cho biết, ở Phú Yên: 51 giáo viên bị cắt hợp đồng trước năm học mới’. Hầu hết các giáo viên này có thời gian hợp đồng làm việc từ năm 2011.
Câu chuyện giáo dục sẽ còn tốn nhiều thời gian của người dân, xin mời độc giả giải trí với bức tranh trên trang Facebook Thăng Fly Comics:
Bộ trưởng GD Phùng Xuân Nhạ. Ảnh Internet
Bê bối ở Trường Chính trị Phú Yên
Theo báo Tin Tức, ngày 22/8, TAND tỉnh Phú Yên sẽ xử sơ thẩm vụ tráo ‘tiền âm phủ’ liên quan đến 1.323 người ở Trường Chính trị tỉnh này. Bài báo cho biết, nhiều cán bộ lãnh đạo Trường Chính trị Phú Yên liên quan vụ án tham ô được cơ quan điều tra đánh giá là “đặc biệt nghiêm trọng“.
Cáo trạng của VKSND tỉnh xác định các bị cáo đã cùng nhau “lập khống 116 bộ chứng từ thanh toán tiền ăn do nhà nước chi cho học viên 19 lớp trung cấp lý luận chính trị- hành chính học tại Trường Chính trị Phú Yên“. Và tòa đã cho triệu tập đến 1.323 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Vụ chạy thận gây chết người ở Hòa Bình
Báo Giao Thông đưa tin, chiều 9/8, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình quyết định thi hành kỷ luật, cách chức 1 năm đối với ông Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện ĐK tỉnh Hòa Bình. Theo Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho biết, ông Dương bị cách chức là vì “không hoàn thành nhiệm vụ quản lý điều hành để xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng” trong sự cố y khoa làm 8 bệnh nhân chạy thận tử vong tại BVDK tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017.
Bất cập trạm thu phí BOT
Theo tin từ báo Người Lao Động, chiều tối 9/8, các bác tài vẫn sử dụng tiền lẻ để trả phí, làm rối loạn ở trạm thu phí Cai Lậy. Bài báo cho biết, vụ kẹt bắt đầu từ 17h cho đến 19h30′, kéo dài hơn 5km mỗi hướng. Dù CSGT đã điều hơn 20 người đến hiện trường, nhưng vẫn không ổn định được tình hình, khi người dân địa phương đổ ra ra xem mỗi lúc một đông.
Điều làm mọi người bức xúc là “dù kẹt xe kéo dài nhưng chủ đầu tư vẫn không xả trạm” để giải tỏa ùn tắc. Báo NLĐ còn cho biết, trong lúc tác nghiệp quay hình hàng trăm xe ô tô qua trạm thu phí Cai Lậy bị tắc nghẽn thì phóng viên báo Thanh Niên bị chọi đá ở trạm thu phí Cai Lậy.
Người Mỹ gốc Việt
Bài trên VOA: Thành công của người Việt ở Mỹ và ý nghĩa đối với người tị nạn. Hội thảo và triển lãm di sản của người Mỹ gốc Việt, diễn ra trong bối cảnh chính quyền TT Trump thắt chặt vấn đề di dân, được tổ chức ngày 3/8 tại Rayburn Office Building, Quốc hội Hoa Kỳ. Hội thảo nói về những di dân Việt Nam đến Mỹ tị nạn, đã phải nỗ lực phấn đấu không ngừng và đã thành công, có chỗ đứng trong XH Mỹ.
VOA có clip: Huy chương quả cảm cho ‘Người hùng’ gốc Việt. Clip nói về ông David Phùng, vừa được lực lượng tuần duyên Mỹ tặng huy chương vì đã cứu sống một người phụ nữ bị kẹt trong xe và cứu luôn cả con chó của bà:
Video Player

00:00
00:51

Tin quốc tế

Khủng hoảng Bắc Hàn
Reuters đưa tin: Bộ trưởng QP Mỹ, ông Mattis cảnh báo Bắc Hàn, hãy ngưng những hành động “dẫn đến kết thúc chế độ”. Ông Mattis nói trong một tuyên bố: “Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên phải chọn ngưng chuyện tự cô lập chính mình và rút lui khỏi việc theo đuổi vũ khí hạt nhân. Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên nên ngừng bất kỳ việc cân nhắc các hành động nào dẫn đến sự chấm dứt chế độ và hủy hoạt người dân của họ“.
VOA có bài tóm lược từ Reuters: Khẩu chiến Mỹ-Triều: Trung Quốc kêu gọi bình tĩnh. Sau khi Trump – Jong-un dọa chơi tay đôi, thì “Trung Quốc thúc giục các bên tránh lời lẽ hay hành động có thể làm tình hình thêm căng thẳng và gây khó khăn hơn cho các nỗ lực giải quyết vấn đề thông qua đàm phán“. Bài trên RFI: Donald Trump dọa đánh, Bình Nhưỡng dọa tấn công đảo Guam.
Dân tị nạn rời bỏ Mỹ, chạy sang Canada
VOA có bài: Làn sóng tị nạn ồ ạt, Canada dựng trại tạm trú ở biên giới. “Canada điều động binh sĩ tới dựng lều trại gần biên giới Mỹ để tạm thời làm nơi cư trú cho hàng trăm người tị nạn tới đây qua ngả tiểu bang New York (Mỹ). Các giới chức Canada ngày 9/8 cho biết làn sóng người tị nạn này đa phần là người Haiti lo sợ bị chính quyền Trump trục xuất. Mỗi ngày, có khoảng 250 người tìm đường tị nạn tới Montreal, thành phố lớn nhất của tỉnh Quebec, Canada“.
Tin Trung Quốc
RFI có bài điểm báo: “Trung Quốc muốn thành siêu cường số một vào năm 2049”. Ông Michael Pillsbury, giám đốc Trung Tâm về Chiến Lược Trung Quốc, Viện Hudson của Mỹ, cho biết:
Qua nghiên cứu, tôi được biết là từ thời Mao đến nay, giới diều hâu Trung Quốc là nước họ sẽ thay thế Mỹ ở vị trí lãnh đạo chính trị, kinh tế và quân sự của thế giới vào năm 2049, tức lúc kỷ niệm 100 năm ngày Mao lên nắm quyền. Kế hoạch này được biết dưới tên ‘Cuộc chạy marathon 100 năm’, nhưng không ai nói đến để không làm cho Mỹ e ngại. Tuy nhiên, bây giờ thì giới diều hầu bắt đầu đề cập đến một cách công khai“.
Cũng tin Trung Quốc, nước này vừa trải qua một trận động đất lớn hôm 8/8. VOA đưa tin: Động đất Tứ Xuyên, 19 chết, gần 300 bị thương.
Một trận động đất xảy ra hôm 8/8, ở tỉnh Tứ Xuyên, mạnh 7 độ Richter, đã giết chết 19 người, làm bị thuơng gần 300 người. “Chính quyền địa phương cho biết 247 người khác bị thương trong trận động đất, tâm chấn là quận Ngawa, quê hương của những người du mục Tây Tạng và Cửu Trại Câu… Hơn 100.000 căn nhà bị hư hại, toàn khu vực bị mất điện“.