Bản tin ngày 10-9-2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bản tin ngày 10-9-2018

Nhân quyền ở Việt Nam

Hãng AP đưa tin: Việt Nam câu lưu một viên chức cao cấp của nhóm nhân quyền toàn cầu. Bà Debbie Stothard, Tổng Thư ký Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền, bị an ninh Việt Nam câu lưu tại sân bay Nội Bài khi bà trên đường tới Hà Nội để tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Chiều hôm qua, bà Stothard viết trên Twitter rằng bà bị giữ ở sân bay Hà Nội, tại ‘Phòng Từ chối Nhập cư’ trong 13 giờ tới. Bà đi dự hội nghị nhưng Việt Nam đưa vào danh sách đen”.

Trong tweet khác, bà Stothard viết: “Những bất tiện mà tôi đang trải qua, chẳng là gì so với các cuộc tấn công vào truyền thông và các nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam. Tôi hy vọng rằng việc câu lưu người của tổ chức WEF có uy tín, sẽ giúp họ nhận ra rằng đa nguyên, nhân quyền và tự do thì cần thiết đối với sự phát triển kinh tế“.
Tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức tiếp tục tuyệt thực sang ngày thứ 27. Lo lắng cho tính mạng của con trai, ông Trần Văn Huỳnh, cha ông Thức đã viết thư kêu gọi các tổ chức xã hội dân sự và nhân dân Việt Nam. Trong thư, gia đình ông Thức bày tỏ quan ngại về sức khỏe của ông và cho rằng: “Điều này là quá sức chịu đựng của một cơ thể thông thường. Và như vậy tính mạng con trai tôi có thể bị cướp đi bất cứ lúc nào”.
Ông Trần Văn Huỳnh (giữa) và người thân của ông Thức bên bức chân dung của ông Thức. Nguồn: THDT
Về thông tin kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh ở Bến Tre bị bắt hôm 1/9/2018, LS Đặng Đình Mạnh cho biết, mặc dù tháng 10/2017 ông Ánh đến văn phòng luật sư ký hợp đồng tư vấn pháp luật, nhưng sau khi bị bắt vài ngày, ông Ánh đã “rút đề nghị yêu cầu luật sư”, với lý do ông Ánh “có thể tự học để tự bào chữa cho mình” và kinh tế gia đình ông gặp khó khăn.
Vụ công dân Võ Tấn Minh bị đánh chết ngày 8/9/2017, trong thời gian tạm giữ tại đồn công an Phan Rang, Ninh Thuận, LS Võ An Đôn cho biết, phiên tòa dự kiến xét xử năm công an tỉnh này vào ngày 13/9/2018, tại Tòa án tỉnh Ninh Thuận. LS Đôn kể lại diễn tiến sự việc như sau: “Khi vừa bước vào buồng giam Võ Tấn Minh bị 3 người trong buồng đánh, bị trưởng nhà tạm giữ phát hiện giao cho cán bộ nhà tạm giữ xử lý. Khi làm việc tại phòng hỏi cung, Võ Tấn Minh bị 5 công an nhà tạm giữ thay nhau đánh đến chết.
Nghi phạm bị còng treo hai tay và còng một chân vào ghế. Nguồn: Võ An Đôn
Công an nhà tạm giữ đánh Võ Tấn Minh bằng cách: còng hai tay ra sau; dùng tay tát vào mặt và đấm vào ngực; dùng chân đi giày đá nhiều cái vào bụng, sườn, ngực, mặt; dùng khúc gỗ bọc ống nhựa dẽo bên ngoài đánh khắp cơ thể. Sau đó, còng 2 tay treo lơ lửng trên cửa sổ sắt và còng 2 chân dính vào bàn hỏi cung đánh đến khi chết thì thôi“.
Quan nào vào lò sau kết luận Thủ Thiêm?
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Sai phạm tại Thủ Thiêm, những ai liên quan? Nhân vật đầu tiên được nhắc đến là cựu kiến trúc trưởng Lê Văn Năm, ông bị quy làm sai khi ký phê duyệt quy hoạch trái thẩm quyền. Ông Năm cho biết:Tôi trình quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm và lãnh đạo TP giao lại cho tôi ký. Các văn bản về Thủ Thiêm có nhiều ban ngành cùng xem xét, chứ không phải riêng mình tôi”.
Ông Lê Văn Năm. Ảnh: NLĐ
Trong khi đó, báo VietNamNet dẫn lời cựu Chủ tịch TP.HCM Võ Viết Thanh phân bua rằng, “muốn làm rõ trách nhiệm thuộc về ai cần phải xem kỹ hồ sơ chứ thời gian lâu rồi ông cũng không thể nhớ”. Ông Thanh cũng đùn đẩy trách nhiệm cho thuộc cấp và đưa nhiều lý do để rũ bỏ trách nhiệm trong sai phạm ở Thủ Thiêm.
Về phía người dân, sau cuộc thanh tra, dân Thủ Thiêm nói gì? Là người có đất bị thu hồi không nằm trong khu 4,3 hecta, bà Lê Thị The nói:Tui đọc kết luận mà buồn thêm chớ không mừng chút nào. Đất mình nằm ngoài ranh nhưng tại sao kết luận chỉ đề cập đến khu 4,3 ha”. Ông Hồng Minh Hải, đại tá quân đội, nói rằng: Kết luận vẫn còn chung chung, chưa rõ ràng. Mừng thì có mừng nhưng tôi vẫn lo, vì thực sự vẫn chưa biết điều này là thật hay ảo. Tôi chỉ hy vọng niềm tin của mình được đáp lại”.
Đề xuất xẻ đất Sơn Trà, lắp biển làm sân bay Đà Nẵng
Sau hàng loạt sai phạm của các quan chức Đà Nẵng trong việc chống lưng cho doanh nghiệp “xẻ thịt” bán đảo Sơn Trà  xây dựng khu nghỉ dưỡng, đến nay việc công bố kết luận thanh tra về đất đai ở Sơn Trà vẫn còn bỏ ngỏ. Mới đây, đề xuất di dời sân bay Đà Nẵng đang gặp rất nhiều phản ứng, ông TS-KTS Trương Văn Quảng đưa ra kiến nghị lấy một phần đất ở Sơn Trà để làm sân bay Đà Nẵng mới, báo Thanh niên đưa tin.
Tại Hội thảo khoa học “Định hướng quy hoạch phát triển trung tâm khu vực đô thị Tp. Đà Nẵng”, các chuyên gia còn đưa ra đề xuất điên rồ là: lấp biển làm sân bay mới, trả đất sân bay hiện nay làm đô thị, VietTimes đưa tin. Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN nói rằng: “Có thể xem xét giải quyết được vấn đề di dời sân bay Đà Nẵng bằng cách làm sân bay trên biển. Và diện tích sân bay hiện tại sẽ quy hoạch khu đô thị trung tâm mới”.
Chủ tịch xã xin nghỉ việc sau đánh ghen
Sau vụ việc xông vào đầm tôm đánh ghen người cháu rể vì nghi có quan hệ tình cảm với vợ mình, ông Phan Khánh, chủ tịch xã Phong Hải, huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế đã đệ đơn xin từ chức với lý do, bản thân không đủ năng lực đảm nhiệm chức vụ, gây ra nhiều sai phạm khi đương chức.
Báo Tiền Phong đưa tin, ông Khánh “để xảy ra một số vi phạm trong bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển Formosa rồi tiếp đến là vụ xô xát với dân gây dư luận không tốt tại địa phương...” Ông Khánh từng bị Huyện ủy Phong Điền kỷ luật về mặt Đảng với hình thức cảnh cáo.
GS Đại: Phản đối của người dân là “vớ vẩn”, không chấp
Báo Thanh Niên dẫn lời Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Khi người ta không biết gì mà cứ nói thì đừng chấp. Về cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục, GS Đại cho biết ông không để ý tới cơn bão mạng, và rằng đó là những chuyện vớ vẩn và ông không chấp. Ông Đại khẳng định: “Công nghệ Giáo dục sẽ tồn tại Vĩnh Viễn”.
Trước những phản ứng gay gắt của cộng đồng mạng về những bất cập trong quyển sách cải cách của GS Hồ Ngọc Đại, Bộ GD&ĐT chính thức lên tiếng về bộ tài liệu này. Bộ đồng ý đưa quyển sách TV1 – CNGD vào giảng dạy, “phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường” trong hai năm học sắp tới, ở những nơi đang dạy, nhưng không mở rộng, “để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới“.
***