Bản tin Biển Đông ngày 25/08
Ngày đăng 25-08-2017.
BĐN
Indonesia kêu gọi các bên không phô trương sức mạnh ở Biển Đông
Ngày 24/8, trang Tempo của Indonesia đưa tin, ngày 24/8, phát biểu khai mạc Hội nghị chuyên đề về An ninh Quốc tế tại Nusa Dua, Bali, ông Wiranto, Bộ trưởng Điều phối về Chính trị, Pháp luật và An ninh Indonesia tuyên bố Indonesia ủng hộ việc giải quyết xung đột ở Biển Đông, hoan nghênh những nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong việc thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử về giải quyết hoà bình tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên không có hoạt động nhằm phô trương sức mạnh ở Biển Đông. Ông Wiranto giải thích rằng việc phô trương sức mạnh giữa các nước có liên quan đến tranh chấp Biển Đông có thể khiến tranh chấp trở nên tồi tệ hơn. Bên cạnh đó, ông Wiranto bày tỏ hy vọng rằng Hội nghị có thể đóng góp cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Đô đốc Hải quân Indonesia Supandi khẳng định Hội nghị lần này là nhằm thảo luận các vấn đề khu vực và các quan hệ đối tác.
Những động thái mới nhất của Trung Quốc đang làm dấy lên những lo ngại về ý đồ độc chiếm thêm cấu trúc ở Biển Đông
Ngày 25/8, trang Quartz đăng bài viết “Những động thái mới nhất của Trung Quốc đang làm dấy lên những lo ngại về âm mưu độc chiếm thêm cấu trúc ở Biển Đông” của nhà báo Steve Mollman. Bài viết nhắc lại phát biểu của ông Euan Graham, một nhà phân tích an ninh của Viện Chính sách Quốc tế Lowy, Sydney rằng “hoạt động hàng hải của Trung Quốc đang triển khai ở Đá Thị Tứ là rất đáng lo ngại vì nếu mục tiêu của hoạt động này là chiếm Sandy Cay, thì đây chính là sự leo thang đáng kể đối với căng thẳng ở Biển Đông”. Trong khi đó, Chính phủ của cả hai nước Trung Quốc và Philippines vẫn giữ im lặng về sự việc còn chưa rõ ràng này. Tuy nhiên, ông Mollman cho rằng vụ việc này đã gợi nhắc lại cho nhiều người Philippines về “những ký ức không tốt đẹp lắm” về sự kiện Trung Quốc chiếm đoạt bãi cạn Scarborough và ngăn cản các tàu Philippines tiếp cận bãi cạn này. Quy chế pháp lý của Sandy Cay và mối liên hệ với Đá Subi cũng là vấn đề đáng lo ngại. Trong Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông, Tòa án đã không xác định quy chế pháp lý của Sandy Cay nhưng mới đây, ngày 19/8, ông Antonio Carpio, Thẩm phán Toà án tối cao Philippines khẳng định “nếu Trung Quốc giành được chủ quyền đối với Sandy Cay, thì nước này có thể yêu sách Đá Subi là một phần lãnh hải của Sandy Cay, qua đó hợp pháp hóa yêu sách của Trung Quốc đối với Đá Subi”. Theo Conor Cronin, nghiên cứu viên thuộc Nhóm Sáng kiến minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), nếu Sandy Cay được xem là “đá” và Trung Quốc thiết lập được chủ quyền đối với cấu trúc này, lãnh hải của Trung Quốc sẽ được mở rộng “bằng Đá Subi”. Ông Mollman cho hay đó là điều Đá Subi hiện nay không có được và vì lý do đó Mỹ đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải gần đây nhằm thách thức yêu sách của Trung Quốc vào năm 2015. Ông khẳng định, việc Trung Quốc chiếm Sandy Cay hiện có thể chưa làm nảy sinh nhiều vấn đề nhưng một ngày nào đó có thể thực sự trở thành một điều đáng lo ngại. Theo Julian Ku, Giáo sư Đại học Hofstra, New York, Mỹ, việc Trung Quốc tìm cách chiếm đoạt Sandy Cay hay ít nhất là điều một đội tàu tới khu vực là cách để Trung Quốc thử phản ứng của Philippines và cho rằng “về mặt pháp lý, Philippines cũng yêu sách Sandy Cay, nếu Philippines để Trung Quốc chiếm được Sandy Cay thì đây sẽ là dấu hiệu cho thấy Philippines không có hành động nhằm ngăn cản Trung Quốc thay đổi nguyên trạng. Tuy nhiên, ông Mollman cũng đưa ra một giả thuyết khác, đó là có thể Trung Quốc đang tìm cách đe doạ Philippines nhằm ngăn cản nước này tiến hành xây dựng tại Sandy Cay hoặc cản trở sự hiện diện của Philippines trên Đá Thị Tứ