Bàn chân của Lạc Sơn Đại Phật chìm trong nước lũ, sẽ có đại sự gì phát sinh?
Vài ngày trước, ở tỉnh Tứ Xuyên có mưa lớn khiến một số nhánh sông ở thượng lưu sông Trường Giang (còn gọi là sông Dương Tử) mực nước không ngừng dâng cao. Vì vậy, bệ ngắm tượng Lạc Sơn Đại Phật, bức tượng Phật tạc bằng đá lớn nhất thế giới, đã bị nhấn chìm bởi lòng nước lũ. Nước sông đã dâng lên đến ngón chân của bức tượng Phật. Nhiều người đã từng nghe những câu chuyện Đại Phật hiển linh trong quá khứ, nay chứng kiến cảnh tượng này không khỏi suy đoán.
Nước sông dâng cao ngập chân tượng Phật
Từ ngày 11/8, tỉnh Tứ Xuyên đã xảy ra những trận mưa xối xả ở nhiều nơi, thượng nguồn sông Mân Giang, sông Đại Độ và sông Thanh Y dâng cao. Mà bức tượng Lạc Sơn Đại Phật lại vừa vặn nằm ở ngoại ô thành phố Lạc Sơn, đúng chỗ giao nhau của ba con sông này.
Trong những ngày qua, đỉnh lũ liên tiếp dồn về, nước sông dâng ngập tượng Lạc Sơn Đại Phật tới 20 cm, du khách cũng bị cấm đến gần. Phòng Kiểm soát lũ lụt Lạc Sơn cho biết trận lũ ở sông Mân Giang lần này là lần đầu tiên xuất hiện trở lại sau 10 năm, và cũng là trận lũ tồi tệ nhất trong vòng 25 năm tại lưu vực sông Mân Giang ở Lạc Sơn.
May mắn là đỉnh lũ đã rút 2 ngày sau đó, tình hình thiên tai được cho là không mấy nghiêm trọng, cũng không có báo cáo về số người tử vong và mất tích. Tuy nhiên, nhiều người trên mạng Internet đã bàn tán về những sự kiện Đại Phật hiển linh trong nhiều năm qua. Nhiều cư dân mạng cho rằng mùa lũ vẫn còn chưa kết thúc, vậy mà ngón chân tượng Lạc Sơn Đại Phật đã sớm bị ngập trong nước lũ, điều này có thể là điềm báo sẽ có đại sự phát sinh. Vì vậy, cư dân mạng đều nhắc nhở nhau rằng cần phải sẵn sàng chuẩn bị…
Lạc Sơn Đại Phật mấy lần hiển linh
Lạc Sơn Đại Phật còn gọi là Lăng Vân Đại Phật, là một bức tượng bằng đá chạm khắc hình Phật Di Lặc đang ngồi với cặp mắt hơi mở, từ bi nhìn xuống chỗ hợp lưu của ba con sông là Mân Giang, Đại Độ và Thanh Y ở miền nam tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, cách thành phố Lạc Sơn khoảng 3 km về phía đông.
Theo ghi chép trong cuốn Gia châu lăng vân đại Phật tượng ký của nhà thơ Vi Cao thời Đường và cuốn Trọng tu lăng vân tự ký của Bành Nhữ Thực đời Minh, Lạc Sơn Đại Phật được xây dựng vào năm Khai Nguyên thứ nhất thời đời Hoàng đế Đường Huyền Tông (năm 713), đến năm Trinh Nguyên thứ 19 đời Hoàng đế Đường Đức Tông (năm 803) thì hoàn thành, kéo dài 90 năm.
Theo truyền thuyết, vào đầu thời Đường, trên ngôi chùa Lăng Vân ở núi Lăng Vân có một lão hoà thượng tên là Hải Thông. Ngày ấy dưới núi Lăng Vân, nơi hợp lưu của ba con sông Mân Giang, Thanh Y và Đại Độ, nước sâu và chảy xiết, sóng dâng cao thường nhấn chìm các thuyền bè, nguy hại đến chúng dân.
Một ngày nọ, hòa thượng Hải Thông đứng trên núi, nhìn thế nước của ba con sông, nhiều lần chứng kiến dân lành thay nhau gặp nạn, thì lòng rất đau buồn, cho rằng ắt hẳn có thủy quái ẩn mình. Vị hoà thượng nghĩ rằng, nếu như trên vách núi này khắc tạo một tượng Phật, nhờ pháp lực của Phật, nhất định sẽ hàng phục được thế nước, để thuyền bè qua lại bình an. Vì vậy, ông đã kêu gọi dân chúng hợp sức tạc lên một bức tượng Phật.
Và thật kỳ lạ, từ sau khi có Lạc Sơn Đại Phật, dòng nước trở nên êm đềm, thuyền bè qua lại thuận lợi bình an.
- Từ sau khi có Lạc Sơn Đại Phật, dòng nước trở nên êm đềm, thuyền bè qua lại thuận lợi bình an. (Ảnh: Wikimedia Commons – CC BY-SA 2.5)
Lạc Sơn Đại Phật ngồi ngay ngắn, đối diện với núi Nga Mi, cúi nhìn ba sông, đầu khắc trên núi, chân đạp bờ sông, tạo hình hùng vĩ, tư thế trang nghiêm. Với chiều cao 71 mét, bức tượng mô tả Phật Di Lặc đang ngồi với hai tay đặt trên đầu gối. Thân của tượng Phật cao 59,98 m, đầu cao cao 14,7 m, rộng 10 m, mắt rộng 3,3 m, mũi dài 5,6 m, miệng rộng 3,3 m, tai dài 7 m, cổ cao 3 m, vai rộng 28 m, từ đầu gối đến mu bàn chân dài 28 m, mu bàn chân rộng 8,5 m, có thể ngồi được hơn 100 người. Đỉnh đầu còn có 1.021 búi tóc, và móng tay nhỏ nhất cũng đủ lớn để có thể đủ cho một người ngồi vào. Hai bên tượng Phật có hai hộ pháp, cao khoảng 16 m, rộng khoảng 6 m, thân mặc chiến bào, tay cầm pháp khí. Người dân trong khu vực này nói rằng: “Sơn thị nhất tọa Phật, Phật thị nhất tọa sơn” (Nghĩa là: Núi là Phật và Phật cũng là núi).
Từ khi được xây dựng hoàn thành đến nay, Lạc Sơn Đại Phật đã phải trải qua những thảm họa do chiến tranh gây ra, hơn nữa cũng bị phong hóa ăn mòn. Thông tin công khai cho thấy Đại Phật đã được tu sửa nhiều lần trong lịch sử, lần tu sửa sớm nhất là vào thời nhà Tống. Sau khi ĐCSTQ đoạt chính quyền, tượng Phật cũng đã được tu sửa nhiều lần, trong số đó có mấy lần là liên quan đến những giọt nước mắt bí ẩn của Đại Phật.
Theo các ghi chép liên quan, Lạc Sơn Đại Phật đã nhiều lần hiển linh nhắm mắt rơi lệ, và mỗi lần đều liên quan đến các sự kiện lịch sử quan trọng thời bấy giờ.
- Lạc Sơn Đại Phật đã nhiều lần hiển linh rơi lệ. (Ảnh: Wikimedia Commons – CC BY-SA 3.0)
Lần thứ nhất năm 1962 – Nạn đói lớn dưới thời Mao Trạch Đông
Năm 1962, là năm đỉnh điểm của thời kỳ đói khát, thiếu lương thực trầm trọng – hệ quả của kiếp nạn “Đại nhảy vọt” trong giai đoạn 1959 – 1961, ba năm liền hạn hán tại Trung Quốc do chính sách sai lầm của Mao Trạch Đông. Khắp đường phố, xóm làng đâu đâu cũng thấy người chết, chỉ tính riêng tỉnh Tứ Xuyên ước tính đã có gần 10 triệu người chết. Người dân địa phương nghèo, khi chết người ta lấy chiếu rơm cuộn vứt xuống sông. Mỗi ngày đều có hàng đoàn thi thể người chết trôi ngang qua tượng Phật. Hàng vạn xác chết trôi nổi ở đây, cảnh tượng vô cùng khủng khiếp.
Theo truyền thuyết địa phương, Đại Phật không đành lòng trông thấy nhiều như vậy người chết trước mắt mình mới nhắm mắt. Những người còn sống kể lại, họ đã chứng kiến hai mí mắt bức tượng nghìn năm tuổi bỗng nhiên như khép lại và có vệt đen như vệt nước chảy dài từ đôi mắt. Họ tin rằng Đức Phật hiển linh âm thầm nhỏ lệ bày tỏ sự xót thương người dân lành vô tội.
Về sau, ĐCSTQ cho rằng tượng Phật nhắm mắt là điềm dữ, vậy nên các nhà chức trách Trung Quốc đã cho tu sửa lại mắt của tượng Phật. Những bức ảnh về Đại Phật nhắm mắt năm đó vẫn được lưu giữ trong Nhà triển lãm Lạc Sơn.
Chính quyền Trung Quốc cũng phái một nhóm các nhà khoa học đến điều tra. Nhưng họ đã không thể đưa ra câu trả lời nào và cũng không có một báo cáo nào được đưa ra. Sau đó bức tượng Phật đã được tu sửa lại về trạng thái mở mắt như trước đó.
- Những bức ảnh về Đại Phật nhắm mắt năm đó vẫn được lưu giữ trong Nhà triển lãm Lạc Sơn. (Ảnh qua Nhansinh.org)
Lần thứ hai năm 1963 – Cách mạng Văn hóa
Năm 1963, ngay sau nạn đói lớn, Mao Trạch Đông bắt đầu thiết lập quyền lực và sự phục tùng tuyệt đối bằng cuộc Đại Cách mạng Văn hóa tàn khốc. Lạc Sơn Đại Phật một lần nữa lặng lẽ rơi lệ. Có thông tin cho rằng, những bức ảnh Đại Phật đẫm nước mắt đã khiến chính quyền phát hoảng, đã bỏ ra 40 triệu nhân dân tệ để làm sạch tượng Phật, nhưng vẫn không thể xóa được những giọt nước mắt trên khóe mắt của bức Đại Phật.
Lần thứ 3 năm 1976 – Động đất tại Đường Sơn, Tứ Xuyên
Trận động đất mạnh 7,8 độ Richter ở Đường Sơn vào tháng 7 năm 1976 đã khiến toàn bộ thành phố Đường Sơn bị san bằng, hàng trăm nghìn người tử vong. Nguyên nhân được cho là chính phủ đã che giấu, không kịp thời cảnh báo và từ chối viện trợ của quốc tế. Sau trận động đất, người dân địa phương ở Tứ Xuyên phát hiện Lạc Sơn Đại Phật lộ vẻ sắc mặt giận dữ, một lần nữa nhắm mắt rơi lệ.
Cho đến nay, mặc dù chính quyền Trung Quốc đã phái nhiều nhà khoa học, bỏ ra nhiều thời gian tìm hiểu và nghiên cứu nhưng vẫn không thể lý giải được những hiện tượng bí ẩn xung quanh Lạc Sơn Đại Phật.
Cổ nhân tin rằng: “Trời đất có đức hiếu sinh”, khi kiếp nạn tới thì sẽ có thiên tượng cảnh báo cho nhân loại, khi nhân loại trong cảnh hiểm nghèo thì lại hiển lộ thiên cơ.
Lần này, dòng sông dưới chân Lạc Sơn Đại Phật vốn quanh năm êm đềm bình yên, nay lũ cuồn cuộn trào về, mực nước dâng cao ngập đến ngón chân của bức tượng Phật. Đây là chuyện xưa nay hiếm thấy.
Một số dân chúng đã từng nghe những câu chuyện Đại Phật hiển linh trong quá khứ, vậy nên đã lo lắng suy đoán rằng: Phải chăng sắp tới Trung Quốc sẽ có chuyện lớn phát sinh?
Theo secretchina.com – 20/8/20