Bài toán khó cho Obama
Khủng hoảng Ukraine đang thách thức quan hệ của Obama và Putin
Mark Mardell – Chủ biên trang Bắc Mỹ, BBC
Tổng thống Obama đã ra lệnh có các biện pháp nhằm trừng phạt kinh tế Nga và cô lập nước này.
Giới chức Mỹ nói Vladimir Putin đã có lựa chọn xấu, sẽ khiến nước ông rơi vào tình thế yếu hơn nhiều.
Nhưng đây cũng là thử thách quan trọng cho sự lãnh đạo của Obama, nó sẽ cho thấy Mỹ có bao nhiêu ảnh hưởng trên thế giới.
Ngoại trưởng John Kerry sẽ bay tới Kiev để gặp các lãnh đạo ở đó, và Mỹ đang cố điều phối phản ứng quốc tế để gây áp lực lên Tổng thống Putin.
Nhưng quan chức cao cấp nói chung loại bỏ khả năng can thiệp quân sự.
Những người chỉ trích Tổng thống Obama cáo buộc ông hành động quá chậm và một lần nữa lại cho đối phương đạp qua “lằn ranh đỏ”.
Chiều thứ Sáu ông cảnh báo sẽ có “giá phải trả” khi Nga can thiệp quân sự vào Ukraine. Vài giờ sau, quân Nga tiến vào. Nay Mỹ nói có hơn 6.000 lính Nga chiếm Crimea.
Người ta nói Obama có vấn đề về uy tín, và điều đó khuyến khích Putin.
Rõ ràng phương Tây không chuẩn bị tốt cho sự leo thang khủng hoảng này, mà lẽ ra họ phải nhìn thấy trước. Rõ ràng Putin sẽ không dễ dàng từ bỏ.
Nhưng bạn cũng có thể phóng đại yếu tố Obama.
Quân Nga đã kiểm soát Crimea
Nên nhớ Putin đã gây chiến ở Georgia khi George W Bush còn trong Phòng Bầu dục, và có ai nói Bush là người yêu hòa bình đâu.
Nhưng Bush rõ ràng nghĩ chẳng nên đánh một nước có sức mạnh hạt nhân vì một nước từng thuộc đế chế Liên Xô.
Giới chức cao cấp của Mỹ giận dữ bác bỏ lời nói rằng hành vi quá khứ của Obama đã khuyến khích Putin.
Họ nói chính sách của nhà lãnh đạo Nga ở Ukraine đã thất bại, ông ta chỉ còn cách dùng sức mạnh cứng. Họ nói thế giới nên trách Putin, chứ không phải là Obama.
Chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều bước đi trong mấy ngày tới.
Điểm áp lực đầu tiên là cuộc họp G8 tại Sochi tháng Sáu. Mỹ, Canada và Anh đã hủy các cuộc họp chuẩn bị cho sự kiện.
Nên nhớ Crimea thuộc Nga từ 1783 và trong những năm đầu của Liên Xô, đây là cộng hòa tự trị thuộc Liên bang Nga. Khrushchev đã tặng nó cho Ukraine năm 1954.
Nay Putin muốn có lại nó. Rút quân sẽ là thất bại và sự sỉ nhục cho ông ta.
Vấn đề cho Obama là sự trừng phạt kinh tế mất thời gian trước khi có hiệu nghiệm. Putin có lẽ chẳng ngại sức ép ngoại giao – ông ta có vẻ thích thú chọc tức các lãnh đạo phương Tây.
Dễ dàng để nhìn thấy tình hình còn có thể tệ hơn nữa, và không rõ Obama sẽ phản ứng ra sao một khi khủng hoảng thêm sâu sắc.
Mark Mardell