Bài Tiễn Biệt Ba Dương Hiếu Nghĩa

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bài Tiễn Biệt Ba Dương Hiếu Nghĩa
image.png
Ba thương, con biết là linh hồn Ba còn ở đâu đây. Nên con xin thong thả trò chuyện với Ba một chút nhen, trước khi Ba bay lên Nước Trời. Con nói chuyện với Ba, mà có Mẹ, các anh chị em và con cháu nghe chung nhen.

Trước hết con mừng cho Ba thoát cái cảnh tuổi già sức yếu, 94 tuổi ở nhà già, “bốn bức tường vuông một chiếc giường”. Ba đã xuất gia, mà cuối đời được sống gần gũi các con các cháu, có thêm chị Hai Cao túc trực chăm sóc. Ba thật là có phước! Con cầu xin cho Ba lên Nước Trời thật là bình an. Gặp lại ông nội bà nội, anh chị em, và bạn bè thân thương của Ba.
Ba thương,
Có một đêm, con trằn trọc tới sáng, không ngủ được. Bỗng nhiên 5 giờ sáng, Ba phone con, giọng nói thiệt là vui: “Trời ơi sướng quá! Ba mới đi bộ lang thang chơi ở ngoài đường nè! Trời lạnh quá, mà thích quá! What an adventure!”. What an adventure! Quả thật, cuộc đời của Ba phiêu lưu ly kỳ! Rày đây mai đó, ngang dọc núi sông, với tinh thần lạc quan, “tri túc thường túc”. Thấy đủ là đủ.
Có happy thoughts thì tinh thần mới sảng khoái, phải không Ba! Ba là một ông già có nhiều chuyện kể và lạc quan. Ba thích kể chuyện về đời binh nghiệp, về thời trai trẻ đi học quân sự ở Pháp ở Mỹ. Huấn luyện binh sĩ. Kể về đức tả quân Lê Văn Duyệt. Kể chuyện 13 năm tù, với tinh thần thư dãn, không hận thù.
Ba rất thích kể chuyện và đọc sách. Cho nên con hay đọc sách cho Ba nghe qua đường dây telephone. Mình nối đường dây 3-chiều, đọc sách chung với các bạn đồng chí, chiến hữu, đạo hữu, thiền sinh, các ông già cao niên ở Spokane. Mình thư dãn nói chuyện mưa nắng hay thời sự. Đọc sách, kể chuyện, nghe nhạc tiền chiến, nói về các nhạc sĩ và những bài hát. Đủ thứ đề tài, như ăn uống đổi món.
Thích nhất là đọc sách với Mỹ Ngọc, chị Bạch Yến, chị Ngọc Nữ, Hồn Nhiên, anh Lâm Frank, bác Bành Thông, anh Minh Đức, anh Thanh Giàu, anh Vũ Quý Kỳ…. Nhất là Cậu Tám, em của Đức Giám Mục Nguyễn Kim Điền đó, Ba nhớ không. 2 ông già nam kỳ, rất hạp khẩu, hay cười ha hả rất vui. Đề tài gì bàn tán cũng râm ran vui vẻ. Một ông theo đạo Công Giáo, một ông Phật Giáo.
Những lúc đó vui quá. Cái “Book Club” của mình đọc đủ thứ về chính trị, kiếm hiệp, thiền học, hay Phật học. Có một số bài viết favorite, mình đọc hoài. Có khi mình đọc Kinh Kim Cang với anh Lâm đạo sĩ, cháu bác Huệ Hòa. Sách về nam kỳ lục tỉnh, đời sống dân quê miệt vườn, câu cá, bắt cá, chài lưới trên sông Cửu Long. Sách “Cái Cười của Thánh Nhân”. Sách Thiền của thầy Thông Triệt. Đường Hy Vọng của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận viết ở trong nhà tù. Hành Trình Vào Đời của Linh mục Trần Quý Thiện, bạn tù của Ba. Các bài viết của anh Trần Phong Vũ, của Lm Nguyễn Tầm Thường. Các bài viết vui vẻ của ông Trà Lũ.
Lẽ Sống của Radio Chân Lý Á Châu. Giai Thoại Làng Nho của Lãng Nhân. Các bài viết của anh Mai Thanh Truyết — người đã lái xe đường tuyết đi thăm Ba dịp Tết. Sách về đạo Phật của bác Kim Khánh, bạn Ba. Thác Lũ Mưa Nguồn của chú Nguyễn Lý Tưởng. Tình Yêu Ngục Tù và Vượt Biển của Dương Phục Thanh Thủy. Lá Rừng của anh Minh Đức. Các giai phẩm Phù Sa Sông Cửu. 5 cuốn sách Ba dịch về 30 tháng 4, như Quê Mẹ Oan Khiên của Pierre D’Arcourt,Vietnam Qu’as Tu Fait de Tes FilsNước Việt Nam Bị Bức Tử. Sách của tướng Vanuxem…
Tụi con thích khều khều Ba kể chuyện giang hồ. Những chuyện thời kháng chiến cùng các bạn đồng chí chống Pháp, chống Nhật, chống Việt Cộng. Thời Ba còn là chàng thanh niên Thần Long lãng mạn thổi sáo vi vu bên sông ở Cù Lao An Thành….”Đêm Đông, ôi ta nhớ nhung đường về xa xăm… Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình yêu thương”…Một chàng tráng sĩ xa nhà, nhớ thương gia đình.
Ba khoái nhất là kể chuyện về tỉnh Vĩnh Long, những công trình bình định xây dựng trong đó có Bảo Tháp Xá Lợi Miền Tây còn dang dở. Ba rất khoái nghe con đọc bài viết của chú Nguyễn Sanh Tiền. Ba cười ha hả, kể rằng ông đại tá Tỉnh Trưởng phải mặc quần tắm cụt ngủn, ở trần, nhảy plongeon xuống hồ, để chính thức khai trương một hồ tắm piscine lớn ở Vĩnh Long, đúng tiêu chuẩn quốc tế.
Ba ưa kể chuyện chi tiết. Thí dụ, hồi nhỏ Ba giúp bà Nội nấu xôi làm sao. Buổi sáng Ba dậy sớm, chụm cũi cho mẹ, đừng cho lửa tắt. Ngâm đậu xanh, đãi vỏ. Xôi lá dứa với nước dừa. Học trò Dương Hiếu Nghĩa bị ông nội bắt thức khuya dậy sớm học bài và trả bài cho ông nghe, dù ông không mấy hiểu tiếng Pháp.
Ba là con nhà nghèo, nên thương dân nghèo. Tâm niệm của Ba là “vì dân vì nước”. Ba nói “dân như cha mẹ mình” (dân chi phụ mẫu). Tâm niệm của Ba là sống trong sạch, thanh liêm. Không ham tiền. Coi “tiền tài như phấn thổ, nhân nghĩa tựa thiên kim”. Tiền bạc như bụi bặm, tình nghĩa mới là ngàn vàng.
Ba ghiền cái “cục nhạc” 70 năm âm nhạc Việt Nam do Radio Úc Châu thực hiện. Có lần Ba nghe bài hát “Saigon bây giờ trời mưa hay nắng?”, cảm động quá, Ba bèn phone ngay cho con hỏi “làm gì đó bạn?” Rồi 2 cha con lại tâm sự đủ thứ chuyện. Con nhớ điệu cười ha hả của Ba. Có khi Ba than thở “buồn quá con ơi“, “già rồi sao mà sống hoài”, rồi chẳng bao lâu sau đó Ba lại hết buồn, lại cười ha hả. Có nhiều khi, cho đỡ buồn“, Ba đòi nghe con Yến thông ngôn trên phone, theo dõi những câu chuyện ở văn phòng bác sĩ, tòa án, hay sở di trú, ở Mỹ hay ở Anh.
Tụi con rất thích nghe Ba kể chuyện. Trong hơn 20 năm qua, Ba có viết nhật ký, và có thâu băng một số bài viết để dành cho con cháu. Ba thông minh và siêng năng. Qua Mỹ là học computer liền, viết dồi dào, và dịch 5 cuốn sách Pháp. Khi ở nhà già, Ba cũng đòi phiên dịch những bài viết về y tế, bằng tiếng Pháp như: uống nước, tập thể dục, ăn uống lành mạnh… Già yếu rồi mà Ba còn đòi mua một bàn bureau nhỏ để “làm việc”. Cái bàn nhỏ này đang nằm buồn hiu trong nhà con.
Nhiều khi con chảy nước mắt thương Ông Già. Con thấy các ông bà già ở Hội Cao Niên Spokane thương Ba — nhất là anh Lâm anh Ty chị Châu. Các Sư, các cô bác ở Thiền Viện Tánh Không và ở 2 ngôi Chùa Pasco này thương Ba. Các chú bác đồng chí Đảng Đại Việt thương Ba. Các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa thương Ba. Các ông bà ở Hội Ái Hữu Vĩnh Long Sa Đéc thương Ba. Có người đã thuộc lòng 2 câu đối đáp của Ba và Bác Tâm hồi cuối thập niên 60, sau Tết Mậu Thân:
Nghĩ lành làm lành, vạn sự an lành
Gieo phúc gặt phúc, ngàn đời hạnh phúc

Đài tưởng niệm chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa ở thành phố Auburn Washington hiện nay có khắc tên Ba và câu: “Gieo phúc gặt phúc, ngàn đời hạnh phúc”.
Cám ơn Ba đã hy sinh đời mình cho con cái. Cám ơn Ba giúp tụi con được học trường Tây. Cám ơn Ba giúp cả nhà mình di tản hồi năm 1975, giúp cho hơn 6500 đồng bào thoát khỏi phi trường Tân Sơn Nhất hồi 30-4, khỏi đau khổ vì cộng sản. Cám ơn Ba về những kiến thức và kinh nghiệm, tinh thần phục vụ tha nhân, lòng Yêu Nước, đạo đức, cách ứng xử ở đời, sự trung thành, tinh thần tận tụy gắng sức.
Ba thương,
image.png
Ba đã ra đi bình an ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày Chúa Nhật Lễ Lá ngày 14/4/2019. Tối hôm đó, đi lễ nhà thờ Công Giáo, Palm Sunday, mùa Chúa Giê-Su chịu nạn, con buồn quá, nước mắt cứ chảy ra. Con cứ nghĩ tới 4 chữ “ngàn đời hạnh phúc” và “vui sống muôn đời”. Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô có câu “chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời“.
Mùa Phục Sinh, ngày Lễ Lá, giữa những bài thánh ca êm ái và những lời cầu nguyện chung của cộng đoàn, tụi con đã quỳ gối cầu nguyện cho Ba ở nhà thờ đại học Gonzaga. Con đã cầu nguyện lập đi lập lại: “xin cho Ba VUI SỐNG MUÔN ĐỜI”. Xin cho Ba vui sống muôn đời, ở trên Nước Trời, ở cõi cao, ở cõi vĩnh hằng. Xin cho Ba NGÀN ĐỜI HẠNH PHÚC ở miền cực lạc.
Thôi, Ba đi lên Nước Trời bình an nhen Ba!  Ba đã phiêu lưu 94 năm ở thế gian, sống một cuộc đời giúp ích, hy sinh, đầy ý nghĩa. Ba ra đi bình an nhen! Xin Ba nhớ lâu lâu quay trở lại trần gian, nâng đỡ, phù hộ cho Mẹ và các con các cháu của Ba nhen! Xin Ba giúp sức cách riêng cho gia đình tụi con nữa nhen!
Và xin Ba giúp sức cho người dân Việt Nam, giúp sức cho Việt Nam được “THANH BÌNH KHÔNG CỘNG SẢN”(*) nhen. Dạ con xin chào tiễn biệt Ba.
Ngọc Yến
Spokane 14/4/2019