Bài Học Giữ Nước Giữ Đất Của Người Pháp: Verdun – Phan Văn Song
Đôi lời kính thưa quý bà con:
Tối thứ sáu 19 tháng 02 qua, Hội Sư tử-Lions Club của thành phố bạn Loudun, một thành phố nhỏ, cùng tỉnh Vienne của chúng tôi, chỉ cách nhà khoảng 130 cây số, mời chúng tôi Phan Văn Song, dự buổi tiệc gây quỹ xã hôi truyền thống hằng năm của Hội bạn, la Soirée Tête de Veau-Tiệc Thủ Bê (một món ăn rất bình dân Pháp – đầu con bê luộc với sốt chua-sauce gribiche một loại sốt có vị chua, nhậu rất bắt rượu! Cựu Thổng Thống Chirac rất mê món ăn bình dân nầy ! Hôm nay, vì tiệc gây quỹ, nên giá tuy khá mắc – 30€, nhưng chỉ độc nhứt một món nầy với rượu đỏ thôi – ai ăn không được đành chỉ bít-tếch khoai chiên thay thế). Phan Văn Song, chúng tôi được mời nói chuyện để đóng góp cho thêm phần xôm tụ. May quá, đầu đề tự do : Chúng tôi bèn xin phép cử tọa nói chuyện thời sự. Thời sự nóng là di dân tỵ nạn, chúng tôi bèn giới thiệu gốc gác tỵ nạn của gia đình chúng tôi nói riêng và của người Việt Nam nói chung. Thời sự nóng là khủng bố, chúng tôi bèn kể chuyện dân Miền Nam Việt Nam đấu tranh chống khủng bố cộng sản (mà giới truyền thông Âu-Mỹ đã và vẫn tiếp tục tước đoạt xuyên tạc mạ lỵ dưới tên Chiến tranh Việt Nam). Chúng tôi kể ngắn gọn qua những trận điển hình giữ nước của Mùa Hè Đỏ Lửa : từ An Lộc đến Quảng Trị. Lại càng thời sự hơn cũng là cùng dịp với ngày kỷ niệm 100 năm của Trận Verdun hào hùng của quân dân Pháp-ngày 21 tháng 02. Cơ hội để, mình so sánh Verdun Pháp, với cuộc chiến của quân dân cán chánh Việt Nam Cộng Hòa để giữ đất nước miền Nam Việt Nam. Mình nói chuyện không giấy và chỉ có 15 phút thôi. Sau đây mình xin kể với quý bà con chuyện Verdun. Riêng Bình Long Anh Dũng, Kontum Oai Hùng, Quảng Trị Vùng Lên mọi chúng ta ai ai cũng biết và trân quý cả rồi ! Xin khoe bà con tấm hình kỷ niệm với Bà Hội Trưởng dưới đây:
Trận Verdun: 303 Ngày Giữ Từng Tấc Đất.
21 tháng 02 – 19 tháng 12 năm 1916: 303 ngày.
2 triệu 300 ngàn quân nhơn tham gia: 2,2 triệu quân Đức, 1,1 triệu quân Pháp.
Tổn thất hai bên: 700 ngàn thương vong và mất tích. 306 ngàn tử vong: 163 ngàn quân Pháp, 143 ngàn quân Đức.
53 triệu quả pháo, 30 triệu pháo Đức, 23 triệu pháo Pháp trên một chiến tuyến rộng chỉ vài chục cây số vuông.
Kết cuộc: trở về vị trí chiến tuyến cũ trước trận đánh.
21 tháng 02, 1916: 7 giờ 30, Đức mở đầu, bất ngờ, tấn công, mưa pháo liên tục: 1 triệu quả. 17 giờ 30: tắt pháo, bộ binh Đức xung phong tiến công. Tàn quân tiền phương Pháp sống sót của Đại Tá Driant cầm cự tử thủ. Đoàn xung phong Đức dậm chơn tại chổ.
25 tháng 02: Chiến lủy Douaumont thất thủ. Pháp lui mất 7 cây số và cũng cố thế thủ.
24 tháng 10: Quân Pháp phản công, tái chiếm lại chiến lủy Douaumont. Sau 8 tháng đánh nhau hằng ngày: Pháp chết trên 100 ngàn quân. Nhưng đã chuyển từ thế thủ qua thế công.
19 tháng 12, 1916: quân Đức hoàn toàn bị đẩy lui về vị trí chiến tuyến của 10 tháng trước. Tổng Tư lệnh Quân Đội Đức Von Falkenhayn bị bãi nhiệm từ tháng 8.
Đôi Lời Cám Ơn Hai Tác Giả Hai Bài Viết:
Sáng Chúa Nhựt 21 tháng 2 năm 2016 : hai bài viết trên mạng đầu ngày đã thôi thúc chúng tôi tham gia kêu gọi thức tỉnh đồng bào Việt Nam cảnh giác nguy hiểm do ngoại xâm.
Một bài của anh nhà báo Bùi Bảo Trúc tựa đề là «Cám ơn ông giáo Nguyễn Duy Khánh» và một bài của chị nhà báo Lê Phan tựa đề là «Thừa nước đục thả câu».
Chúng tôi xin phép, với bài tường thuật trận đánh Verdun của Pháp trong Đệ nhứt Thế chiến, được cùng góp một ý kiến, kêu gọi và cảnh giác mọi người Việt chúng ta phải tỏ thái độ đối với ngoại xâm Tàu. Sau đây, xin phép nhị vị nhà báo được trích những giòng đã gây sự chú ý cho chúng tôi:
Với bài «Cám ơn nhà giáo Nguyễn Duy Khánh», anh Bùi Bảo Trúc kể cho chúng ta biết:
« …Hôm 17 tháng 2 vừa qua, trước khi giảng bài thường lệ, ông hỏi các học sinh trong lớp rằng trong tháng 2, có một ngày quan trọng nào trong lịch sử Việt Nam đáng ghi nhớ không, thì tất cả các học sinh của ông đều trả lời là không biết…
Nhưng ông thấy rất đau khi tất cả các học sinh của ông đều không biết ngày 17 tháng 2 năm 1979 là ngày đã diễn ra một cuộc chiến ngắn ngủi nhưng vô cùng tàn khốc ở vùng địa đầu của Việt Nam, nơi tiếp giáp với Trung Quốc. Trong ngày 17 tháng 2 năm 1979 đó, đã bùng nổ một loạt những trận đánh khốc liệt của quân đội Trung Quốc nhắm vào, không phải một, mà là nhiều thành phố của Việt Nam. Những loạt tấn công này kéo dài trong một thời gian tương đối ngắn, khoảng một tháng, nhưng sau đó vẫn còn những trận giao tranh lẻ tẻ giữa hai bên trong suốt 10 năm kế tiếp. Con số thương vong lên đến hai ba chục ngàn người… Nhà cầm quyền Việt Nam đã ém nhẹm mọi chuyện, không hề nhắc tới cuộc chiến này trong rất nhiều năm. Bằng cớ là các học sinh trong lớp của ông giáo Nguyễn Duy Khánh, những em ở những lớp tương đối là khá lớn (lớp 9 và lớp 10) đều chưa một lần nghe nói về cuộc chiến ấy…
Các binh sĩ Trung Quốc, mà theo chính những tài liệu của họ, được lệnh là giết hết những người Việt Nam mà họ gặp trên lãnh thổ Việt Nam. Và các binh sĩ này đã làm đúng các chỉ thị đó. Mục tiêu tàn sát ấy không phải chỉ là các binh sĩ Việt Nam, mà còn là những thường dân tại các khu vực Trung Quốc tấn công. Giải phóng quân Trung Quốc không chỉ bắn giết những người lính và các thường dân Việt Nam các vùng này, mà bọn chúng còn thực hiện những hành vi vô cùng thâm độc khác. Chúng hãm hiếp tất cả các phụ nữ mà chúng gặp. Hãm hiếp xong, lính Trung quốc còn đâm chém giết các phụ nữ Việt, cắt vú, mổ bụng, phanh thây các nạn nhân rồi quăng xuống những giếng nước trước khi đổ thuốc độc xuống các nguồn nước này và rút đi… Những cảnh thương tâm và dã man ấy đã được nhà cầm quyền Việt Nam tìm đủ mọi cách để lấp liếm che dấu, xóa hết khiến cho hơn một thế hệ người Việt không hề biết tới những hành vi bạo ngược của bọn xâm lăng Trung Quốc…. »
Và nhà báo kết luận:
«Ông giáo Khánh là một người can đảm. Một người yêu nước can đảm. Ở Việt Nam ngày nay yêu nước cũng phải can đảm. Phải can đảm mới dám yêu nước. Ông đã phải ngó trước, ngó sau mới dám kể cho các học sinh của ông về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Ngay việc tưởng niệm những người đã khuất đó cũng bị ngăn cấm, cũng bị phá hoại thì việc làm của ông giáo Khánh cần phải được ghi nhớ và cảm tạ….»
Với bài viết « Thừa nước đục thả câu », Chị nhà báo Lê Phan báo cho chúng ta rõ rằng:
«Bộ Quốc Phòng Đài Loan tuyên bố hôm Thứ Tư là Trung Cộng đã cho đặt hai giàn hỏa tiễn địa không trên đảo Phú Lâm (Woody Island), vốn hiện nay dưới quyền kiểm soát của Trung Cộng nhưng đã được cả Đài Loan lẫn Việt Nam dành chủ quyền…
Hai giàn hỏa tiễn HQ-9 này được biết có khả năng tấn công cách bờ khoảng 125 km và có thể phá hủy phi cơ, hỏa tiễn tuần du, và hỏa tiễn đạn đạo…
Mục tiêu của Bắc Kinh là để xóa bỏ những dành chủ quyền ở nhiều quốc gia kể cả Việt Nam, Philippines, Indonesia và Malaysia. Và một phần trong cố gắng này của họ, họ đã biến ngay cả những bãi cạn mà bình thường không đáng kể thành những hòn đảo nhân tạo, đủ lớn để có một căn cứ quân sự trong khi dành chủ quyền trên các vùng biển quanh đó….»
Và Chị Lê Phan rút kết luận:
«Đặt các giàn hỏa tiễn trên đảo Phú Lâm rõ ràng là làm gia tăng quan ngại. Những căn cứ mới này đã giúp Bắc Kinh thành lập một hệ thống vùng bảo vệ phòng không Adiz trên quần đảo Hoàng Sa….».
Cùng ngày 21 tháng 02 năm 2016 nầy, cũng là ngày nước Pháp, quốc gia cư ngụ của chúng tôi làm lễ kỷ niệm 100 năm ngày khởi đầu trận đánh Verdun, trận đánh khốc liệt, đẩm máu nhứt của Đệ Nhứt Thế Chiến.
Quý vị cùng thế hệ chúng tôi, sanh và lớn ở Sàigòn của chúng ta, khoảng những năm 1950, đều biết Công trường Chiến sĩ Trận vong Pháp của Đệ Nhứt Thế chiến. Với hình ảnh hai anh lính Pháp thời chiến ấy, tên Pháp gọi là Poilus (Dân râu xồm) nằm đầu đường Blansubé. Sau nầy, thời Cộng Hòa chúng ta, Công trường Chiến Sĩ Pháp bị đập bỏ thay bằng Công trường Con Rùa, đường Blansubé thành đường Duy Tân – cây dài bóng mát – với Đại học Luật Khoa, ngây ngất chờ em. Riêng phần gia đình chúng tôi, phía bên ngoại bầy con chúng tôi, dân bản địa Pháp, có lịch sử gia đình gắn bó với đệ nhứt thế chiến. Ông ngoại bà xã chúng tôi trong thế chiến 1 là một tuyên úy Tin lành có mặt tại nhiều mặt trận. Năm 1916, ông bị thương ngay trong tuần đầu tiên của trận Verdun. Suốt thời gian tham chiến, ông viết nhựt ký. Ngày nay, bà xã tôi, nhơn dịp 100 năm tưởng niệm cuộc thế chiến 1 đã sao chép vào blog kỷ niệm, mỗi ngày đúng trăm năm trước, những trang nhựt ký mô tả diễn biến cùng tâm trạng của ông cụ. Vì lẽ đó, chúng tôi xin được viết về trận Verdun. Một trận đánh quyết liệt, tàn khốc, phung phí, hao tốn tài lực và nhơn sự, nhưng rút cuộc không làm thay đổi bộ mặt của cuộc chiến. Có chăng, và đó là bài học, là tấm gương, của tinh thần yêu nước của hai dân tộc Đức và Pháp. Và cái quan trọng là, với một giá rất đắt, dân quân Pháp đã một lòng yêu nước hy sanh, dám chết, đã bám đất giữ nước, không để mất một tấc đất.
Viết cho Verdun gương sáng của quân dân Pháp một lòng giữ đất giữ nước, để trân quý tưởng nhớ gương sáng An Lộc, Quảng Trị của quân dân Việt Nam Cộng Hòa muôn thuở!
Đệ nhứt Thế chiến:
Bắt đầu ngày 28 tháng 06 năm 1914, tại Sarajevo, ngày nay là thủ phủ của quốc gia Bosnie-Herzégovine, thuở xưa ấy, nằm trong đất của Đế quốc Áo Hung, Đại công tước François-Ferdinand, Thái tử Habsbourg trị vì Đế quốc Áo Hung, bị một kháng chiến quân người serbe ám sát. Thế chiến 1 bắt đầu do Liên Minh ba Đế quốc : Đức, Áo Hung, và Ottoman-Thổ khai chiến chống Liên Minh Nga, Anh, Pháp, Ý và Serbie.
Suốt những năm 1914/1915, cuộc chiến cù cưa. Những trận chiến hoặc bằng những tấn công, khi tiến lúc thối, di chuyển đều thất bại. Nay, chuyển qua cuộc chiến giành đất chiếm chổ. Năm 1915, trên mặt trận miền Tây (biên giới Đức/ Pháp Bỉ, còn miền Đông, biên giới Đức Áo/Nga), các trận do quân Anh Pháp tạo ra như những trận ở Champagne, ở Artois vào tháng 5 tháng 6 hay trận đánh vào mùa thu cũng ở Champagne cũng chỉ giành tới giành lui vài trăm thước đất, có khi còn ít hơn nữa mà rất hao hụt binh sĩ, nướng quân, giết tướng.
Verdun: về mặt chiến lược, thành phố Verdun một công sự chiến đấu khá vững chắc, với hai chiến lủy kiên cố, Douaumont và Vaux tiền phương trấn mặt, cùng với những đồi cao chiến lược ngự thành một chiến tuyến. Tuy kiên cố với thành trì xây chắc, nhưng lại để trống ba mặt dễ bị tấn công, nhưng cũng dễ phòng vệ. Về mặt tiếp vận, Verdun rất yếu, một thiết lộ dễ dàng bị cắt đứt, một con đường huyết mạch – về sau nầy được Tướng Pétain biến thành là con đường Thánh Lộ-La Voie Sacrée, liên tục tiếp liệu mặt trận, thoạt đầu chỉ là một con đường liên tỉnh chật hẹp.
Tướng Von Falkenhayn, Tổng Tư lệnh Liên quân Đức Áo của mặt trận miền Tây, là một Tướng pháo binh, nghĩ rằng pháo kích sẽ làm hao binh tổn lính của Pháp, về cả tinh thần lẫn nhơn sự và sẽ phá vỡ sức kiên cố của Verdun, mở cửa ngõ để vào Paris. Cả Tướng Joffre, Tổng Tư Lệnh Quân đội Pháp cũng lơ là Verdun, nghĩ rằng Verdun với những thành trì đồi núi kiên cố tự nhiên sẽ là những cản trở cho sức tiến công của địch. Và nghĩ rằng nếu Đức tấn công, thì sẽ xua qua sông ở phía bắc chiến tuyến, vượt sông Somme, thẳng đồng bằng đi Paris. Do đó, Joffres dồn binh và gom quân họp lực cùng lực lượng của hoàng gia Anh bên tả ngạn sông Somme, bỏ ngõ Verdun, cho rằng Verdun với những đồn lủy Douaumont, Vaux và những đồi núi sẽ đủ sức cản mủi bộ binh Đức. Quên rằng Đức cay cú, muốn chiếm lại Verdun, vì trong cuộc chiến Đức Pháp năm 1870, Đức đã sở hữu Verdun rồi, nhưng phải trao lại cho Pháp năm 1973 theo hoà ước 1870. (Pháp thua chiến 1870, và Đức được chiếm trọn hai vùng Alsace và Lorraine của Pháp, nhưng phải trả những chổ chiếm khác).
Trận Verdun: Von Falkenhayn hứa với Hoàng đế Đức, Guillaume II chỉ sử dụng rất ít bộ binh, chỉ dùng pháo thôi ! Đối với Von Falkenhayn, pháo kích sẽ nãn lòng quân dân Pháp, sẽ phá nát thành Verdun, đường đến Paris sẽ rộng mở sau một tuần pháo kích. Cuộc tấn công được Thái tử Đức Kronpritz lãnh đạo. (An Lộc cũng vậy! Pháo sẽ mở đường Việt Cộng vào Sàigòn!).
7 giờ 30 ngày 21 tháng 02, 1916 đột kích bất ngờ bằng mưa pháo ! 1 triệu quả liên tục trong 10 tiếng ! 17 giờ 30, tắt pháo, bộ binh xung phong tiến công với súng phun lửa.
Vì bất ngờ, trong vài ngày, quân Pháp thiệt hại nặng nề, mất 25 ngàn quân, lui quân 7 cây số. Nhưng với lòng quyết tử, với lòng yêu nước, cùng sức đề kháng chiến đấu của quân Râu xồm – les Poilus (tên thân mật của binh sĩ Pháp) như ngay ngày đầu, nhóm quân tiền phương của Đại tá Driant, tuy bị bất ngờ, tuy bị tiêu hao nặng sau trận mưa pháo, vẫn suốt tối 21, và nguyên ngày hôm sau, ngày 22, trên ngọn đồi của rừng Caures, nhóm sống sót nầy, đã quần thảo, đánh du kích, làm chậm lại cuộc tiến công của quân Đức. Sức cản trở, làm dặm chưn tại chổ của quân Đức, giúp cho phòng tuyến Verdun có thời gian tổ chức tử thủ. Ngày 25, tuy chiến lủy Douaumont mất, nhưng sức tiến của quân Đức cũng khựng hẳn lại. Pháp phải mất 9 ngày để tái phối trí. Nhưng nhờ sức đế kháng của nhóm cảm tử tiền quân, quân Pháp đã cho 9 ngày quý giá ấy để Verdun đủ thời gian tổ chức phòng thủ.
Ngày 25, Tướng Pétain được Tướng Joffres bồ nhiệm làm Tư lệnh mặt trận. Tướng Pétain, là Bộ binh, nên đám Bộ binh Pháp lên tinh thần. Pétain cho cũng cố những thành trì, công sự còn lại và cho xây con lộ huyết mạch tiếp vận. Con đường Thánh Lộ-La Voie Sacrée, con đường tiếp tế dài 56 cây số, được Pétain ra lệnh bằng mọi giá, phải mở rộng, sửa sang, làm sao cho 3 ngàn chiếc vận tải (1 chiếc mỗi 15 giây) liên tục ngày đêm tiếp tế đạn dược (50 ngàn tấn một tuần), lương thực, thuốc men, tải thương và quân viện (90 ngàn quân một tuần). Văn hào Maurice Barrès đặt tên con đường huyết mạch tiếp vận nầy là Thánh Lộ-La Voie Sacrée.
Ngày 6 tháng 03, Von Falkenhayn tung một cuộc tấn công quy mô thứ hai, vào phía trái chiến tuyến. Quân Pháp, thiệt hại nặng, nhưng co cụm, giữ được độ cao 304 và đồi Mort Homme.
Ngày 10 tháng 04, quân Đức tung tất cả lực lượng đánh cả hai mặt chiến tuyến. Pétain vẫn giữ thế thủ. Joffres không hiểu ý Pétain – hay ganh tỵ ? Vì Pétain rất được quân dân mến chuộng, Joffres bèn tước quyền Pétain, thay bằng Tướng Nivelle, thăng chức Pétain thêm một sao và phong lênTư Lệnh Quân đội Miền Trung. Được lệnh Joffres tấn công, Nivelle ra lệnh cho Phó Tướng là Tướng Mangin tái chiếm Douaumont : 3 ngày : 22 đến 24 tháng 05, thất bại. Và mất luôn chiến lủy Vaux. Sau 5 ngày tử chiến, từ 2 đến 7 tháng sáu. Quân phòng thủ, do Thiếu tá Raynal cầm đầu, hết đạn, hết lương, buông súng. Quân Đức thắng trận, quân tử, bái phục, lập giàn chào quân Pháp đầu hàng. Ngày hôm sau, ngày 8, Tướng Nivelle tổ chức tái chiếm Vaux, Vẫn thất bại ! (Chiến lủy Vaux được tái chiếm đêm 2 rạng 3 tháng 11, không một phát súng. Đức bỏ ngõ, vì giữ Vaux vô ích !)
Nhưng trái lại từ ngày 23 tháng 06 đến ngày 11 tháng 07, Đức tung toàn hết lực lượng quyết chiếm Verdun. Chiến lủy Souville, sức cản cuối cùng của Verdun cầm cự, tử thủ, quân Đức bị chận đứng hẳn ngày 12.
Lý do là quân Anh Pháp đã mở mặt trận thứ hai ngày 01 tháng 07 ở phía Bắc chiến tuyến, tràn qua sông Somme tấn công cánh mặt quân Đức Áo. Và từ đó Pháp Anh lấy lại chủ động và phản công. Von Falkenhayn, thất bại, chủ quan, bị cách chức vào tháng 08.
Douaumont được tái chiếm ngày 24 tháng 10. Mất ngày 25 tháng 02. Tái chiếm ngày 24 tháng 10. Tám tháng ròng rã chiến đấu, trên 100 ngàn quân thiệt mạng, quân Pháp lấy lại gần hết những phần đất đã mất. Ngày 19 tháng 12, quân Pháp tái chiếm toàn bộ chiến tuyến đầu năm 1916, trận Verdun chấm dứt.
Và Việt Nam?
Chừng nào Việt Nam mới dám làm lễ tưởng niệm và truy điệu, ghi ơn các tất cả các chiến sĩ và người dân đã bỏ mình chống Tàu, giữ đất, giữ biển, giữ đảo chống ngoại xâm phương Bắc?
Hãy tưởng nhớ, trân quý, tri ơn:
Các anh hùng Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa tử tiết với Hoàng Sa tháng Giêng 1974? Các anh hùng tử sĩ Dân quân và Quân đội Nhân Dân Việt Nam đến nợ nước để giữ đất biên giới Hoa Việt từ 1979 đến 1989? Các anh hùng Hải Quân Nhân Dân Việt Nam bị bức tử để giữ Trường Sa năm 1988? Các ngư phủ tiếp tục bị tàu lạ, đâm chìm, bỏ mình để giữ biển giữ đảo choViệt Nam?
Chừng nào?
Hãy nhớ, nên nhớ, để toàn dân sẳn sàng giữ đất giữ biển, lấy lại Hoàng Sa và Trường Sa và Biển Đông đã mất!
Hồi Nhơn Sơn, ngày 21 tháng 02 năm 2016,
Ngày tưởng niệm 100 năm ngày khai chiến Trận Verdun
Phan Văn Song