BÀI HỌC CHO VIỆT NAM VỀ VỤ FORMOSA
Nguyễn Đình Cống
19-2-2017
Người dân miền Trung xuống đường phản đối Formosa. Ảnh: internet
Khu công nghiệp thép FORMOSA đang là ung nhọt lớn, đã gây ra và đang chứa chấp nhiều tai họa cho đất nước. Hiện có 2 xu hướng giải quyết: 1-Nhà nước VN và tập đoàn thép cố duy trì, hoàn thiện để đưa vào sản xuất, lý do là đã bỏ ra nhiều tỷ đô la rồi, nay ngừng lại thì lấy tiền đâu để đền bù thiệt hại. Thôi thì “ đâm lao phải theo lao”, mặc cho những tai họa xẩy đến thì dân cố è cổ ra mà chịu. 2-Một số tổ chức dân sự và nhiều cá nhân đòi ngừng lại, tiến tới hủy bỏ vì khu CN đó không những là nguồn hủy hoại môi trường, đẩy hàng triệu người dân vào con đường khốn khổ, mà nó còn là ung nhọt nguy hiểm cho an ninh đất nước.
Để chọn được cách giải quyết hợp lòng dân Chính phủ nên tổ chức trưng cầu dân ý. Tuy vậy việc trưng cầu chỉ có giá trị khi người dân có được sự tự do dân chủ, nắm được đầy đủ thông tin, có được sự minh bạch, tránh mọi sự gian lận và áp đặt. Còn nếu như tổ chức trưng cầu dân ý cũng “tự do dân chủ” như bầu cử Quốc hội thì xin đừng giở trò lừa.
Để góp phần cung cấp thông tin và gợi ý, tôi xin kể về nhà máy Kalkar ở nước Đức.
Từ năm 1973 Đức xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở vùng Kalkar, trên bờ sông Rhein, gần biên giới với Hà Lan. Đó là một nhà máy lớn, hiện đại. Người ta cho rằng khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ là một biểu tượng của tinh hoa công nghệ.Năm 1985 xây dựng xong, chi phí khoảng 7 tỷ Mác. Đang chuẩn bị khánh thành thì phải dừng lại. Đó là do sự phản đối của nhân dân dưới sự cổ vũ của Đảng Xanh, một đảng có nội dung hoạt động bảo vệ môi trường , sinh thái.
Một số đông nhân dân Đức, được đại diện bởi các trí thức, văn nghệ sĩ, các tổ chức xã hội dân sự, và đặc biệt là sự hoạt động của Đảng Xanh đã vạch ra những mặt trái của nhà máy, những thảm họa mà nó có thể mang lại. Cuộc đấu tranh đòi hủy bỏ nhà máy kéo dài trong nhiều năm làm cho Nhà nước Đức phải tìm cách đối phó đủ kiểu. Cuối cùng vấn đề được đặt ra thảo luận ở Quốc hội và nhân dân đã thắng lợi. Năm 1991 Nhà nước quyết định hủy bỏ nhà máy, tháo máy móc đem đi cất nơi khác còn công trình và khu đất đem bán . Một người Hà Lan đã mua toàn bộ với giá 3 triệu Mác và sửa chữa thành khu vui chơi giải trí cùng các khách sạn.
Tôi nghĩ, Kalkar là một bài học lớn cho Việt Nam tham khảo để xử lý khu công nghiệp Formosa. Số tiền dùng để đền bù là lớn trong lúc nợ công đã lên trên trăm tỷ đô la. Tuy vậy nếu không có được trí tuệ sáng suốt và lòng dũng cảm để cắt bỏ ung nhọt thì rồi tai họa do nó sẽ gây ra chưa biết đến bao nhiêu. Ngừng ngay nhà máy và mời tập đoàn Formosa ra khỏi Việt Nam sẽ ngăn chặn được nhiều thảm họa. Tuy vậy phải trả giá, phải dự kiến đầy đủ các hệ lụy mà việc đó có thể mang lại. Theo hợp đồng phải bồi thường bao nhiêu và tìm tiền từ những nguồn nào. Đó là những vấn đề cần suy nghĩ, tôi cũng đã tìm được một số giải pháp. Mong được nhiều người quan tâm để cung cấp thông tin cho nhân dân, góp ý kiến cho Chính phủ và Quốc hội.
Nguồn: Ba Sàm