Bài học bầu cử Israel

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bài học bầu cử Israel

Theo nguoi-viet – Ngô Nhân Dụng

Hồi 1975 mới sang Canada tị nạn, tôi có một anh bạn là công dân Israel sang Montréal học. Một bữa tôi tỏ ý khâm phục người Do Thái ở Israel biết đoàn kết với nhau, Luz bật cười: Cậu có biết câu tục ngữ này không? Cứ hai “thằng Do Thái” gặp nhau là có ba chính đảng hay không? Mỗi thằng lập một đảng, chống nhau, rồi hai thằng lập một liên minh chống những thằng khác! Bốn mươi năm sau, tôi vẫn nghiệm thấy lời Luz nói là đúng.
Theo tỷ lệ dân số, có lẽ Israel là quốc gia có nhiều đảng chính trị nhất thế giới (35 đảng với dân số dưới 6 triệu người). Câu chuyện chính trị xứ này đáng theo dõi, vì cho chúng ta thấy và hiểu được rất nhiều lắt léo trong “cuộc đấu dân chủ.” Ðiều đáng học ở các chính trị gia và người dân Israel là họ tôn trọng “luật chơi” và “giao đấu tận tình,” không ai nể nang ai hay sợ điều cấm kỵ nào cả! Sân khấu chính trị ở nước Israel phức tạp vì quá nhiều đảng giành nhau lá phiếu, mà thủ tục bầu cử theo lối tỷ lệ cho phép nhiều đảng cùng tồn tại. Vì các chính phủ đều chỉ thành hình nếu liên kết được nhiều đảng, những đảng nhỏ cũng có khả năng ép đảng lớn chiều theo mình. Bà Golda Meir, cựu thủ tướng Israel, có lần nói với cựu Tổng Thống Mỹ Richard Nixon rằng: “Ông làm tổng thống của 150 triệu người, còn tôi là thủ tướng của một nước với sáu triệu vị thủ tướng!” Quốc Hội Israel (Knesset), được bầu trên toàn quốc, không chia ra bầu từng đơn vị như ở Mỹ. Trong Quốc Hội mãn nhiệm có 9 đảng chính trị chưa kể 25 đảng khác lần trước không đủ số phiếu để vào Quốc Hội, họ vẫn tiếp tục hoạt động tranh cử lần này. Dân không bầu cho từng cá nhân, mỗi đảng đưa ra một “danh sách ứng cử viên.” Tùy theo tỷ số phiếu bầu cho danh sách, một số người sẽ đắc cử, được chọn theo thứ tự trong danh sách. Ðể “hạn chế” số đảng quá nhỏ, luật bầu cử ấn định nếu chưa đủ 3.25% dân tín nhiệm thì không ai trong danh sách đắc cử, do đó mỗi đảng phải có tối thiểu bốn đại biểu. Trong cuộc bỏ phiếu hôm qua, 1,280 ứng cử viên nằm trong 25 “danh sách” tranh cử, trong đó có 6 danh sách tập họp từ hai đảng trở lên. Ngày hôm qua dân Israel bỏ phiếu. Trước đó, dư luận cho thấy phe ông Netanyahu thua phe Herzog khoảng 4 ghế. Cho tới giờ chót, người ta biết “liên danh” Likud của ông Thủ Tướng Netanyahu và “liên danh” Lao Ðộng của ông Herzog sẽ chiếm số ghế ngang ngửa (27-27), hoặc chênh lệch nhau một ghế. Ðiều này cho thấy ông Netanyahu đã thành công trong chiến dịch đe dọa dân Israel về mối lo bom nguyên tử của Iran. Ông đã sang tận Quốc Hội Mỹ để nói về vấn đề này. Tuy ông Herzog cũng tuyên bố cùng một lập trường về Iran, nhưng ông Netanyahu được dân chú ý hơn, nhờ lá bài tranh cử ngay tại Quốc Hội Mỹ của ông ta. Trước ngày bỏ phiếu, ông Netanyahu lại tuyên bố sẽ không chấp nhận một nước Palestine độc lập, khác hẳn lập trường ôn hòa của ông Herzog, để hô hào những người thuộc cánh hữu đi bỏ phiếu cho đông. Tại Israel, “cánh tả” và “cánh hữu” được phân biệt trên nhiều yếu tố kinh tế xã hội, nhưng yếu tố quan trọng nhất là thái độ đối với người Palestine. Mâu thuẫn lớn nhất là thái độ đối với các vùng đất mà Israel đã chiếm của các nước Á Rập sau cuộc chiến tranh năm 1967. Phe tả chấp nhận trả lại phần lớn vùng đất này cho một nước Palestine ra đời (đổi đất lấy hòa bình). Phe hữu chống lại, họ chủ trương đưa thêm người Israel gốc Do Thái tới định cư ở các vùng đất đang chiếm đóng, để lập một hàng rào an toàn. Có người còn coi đó là một bổn phận tôn giáo, vì Thượng Ðế đã trao cả vùng “Ðất hứa” này cho dân tộc Israel. Các chính phủ trước đây ở Israel đã đồng ý với giải pháp có hai quốc gia độc lập, Israel và Palestine sống chung trên mảnh đất chật hẹp này, điều mà các nước khác, từ Mỹ đến Châu Âu đều coi như con đường duy nhất để bảo đảm hòa bình ở Trung Ðông. Năm nay, Netanyahu đã chống lại giải pháp hai quốc gia, dù năm 2009 chính ông đã ủng hộ. Ðây có thể là lá bài chót của ông để đắc cử lần nữa, và sẽ thành vị thủ tướng cầm quyền lâu nhất trong gần 70 năm từ khi Israel lập quốc. Cả Quốc Hội có 120 ghế, người nào được các đảng khác ủng hộ để đạt ít nhất 61 đại biểu mới thành thủ tướng, cho nên đảng chiếm nhiều ghế nhất trong Quốc Hội cũng không chắc sẽ lập chính phủ. Trước ngày bỏ phiếu, nhiều người tiên đoán dù liên danh của ông Netanyahu và đảng Likud thua phiếu, ông ta vẫn hy vọng ngồi ghế thủ tướng vì có thể liên minh với nhiều đảng nhỏ khác để gom số đại biểu nhiều hơn ôn Herzog. Trong Quốc Hội sắp tới sẽ có đại biểu thuộc 11 đảng, hơn Quốc Hội trước 2 đảng, khiến cho việc tập hợp các đảng thành một liên minh rắc rối hơn. Một lý do khiến dân Israel chia ra nhiều đảng chính trị là họ trở về miền đất này từ khắp thế giới, họ đã sống dưới ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa và chế độ chính trị rất khác nhau. Những người từ Châu Âu trở về lập quốc có lối suy nghĩ khác những người từ các nước Bắc Phi. Di dân Do Thái từ Nga về Israel sống lối khác người Do Thái gốc Châu Âu, lại càng khác những người Do Thái đã sống nhiều thế hệ trong các nước Á Rập. Ngay việc hành trì tôn giáo của người Do Thái cũng khác nhau vì họ sống hàng ngàn năm ở các xứ khác nhau, người rất bảo thủ, người muốn cải tiến. Số người không muốn tôn giáo can thiệp vào chính trị đông hơn, những họ lại khác nhau về tư tưởng chính trị! Ðó là chưa kể còn lý do chủng tộc, 20% các cử tri không thuộc gốc Do Thái. Trong nước Israel với hơn 6 triệu dân có 1.6 triệu người Á Rập. Khi nước Israel thành lập năm 1947, hàng triệu người Á Rập đã sống ở đó hàng ngàn năm phải chạy đi nơi khác tị nạn. Những người Á Rập không bỏ chạy và con cháu họ trở thành công dân Israel. Hiện nay trong số 5,9 cử tri đi bầu có gần một triệu gốc Á Rập, chiếm 15%. Trước đây, các công dân Israel gốc Á Rập đã từng tranh cử nhưng không chiếm được nhiều ghế đại biểu, vì họ chia rẽ về tư tưởng và ý thức hệ. Có những người theo chủ nghĩa xã hội, cộng sản, cho tới những người theo chủ trương Hồi Giáo cực đoan. Họ không thể lập ra những đảng và danh sách tranh cử đủ thu hút được nhiều phiếu, cho nên số đại biểu gốc Á Rập quá nhỏ so với tỷ số 15% trong dân số. Giới hạn phải đạt 3.25% số phiếu mới có đại biểu trong Knesset cũng là một thủ đoạn của phe cực hữu để ngăn cản bớt số đại biểu gốc Á Rập. Khi các ứng cử viên gốc Á Rập nhiều tham vọng, tin rằng mình sẽ đắc cử nếu lập đảng riêng, không chịu đứng chung một danh sách vì không muốn xếp hàng sau người khác, thì họ chia số phiếu của cử tri. Nếu không hội đủ 3.25% số phiếu thì cả danh sách đều thất cử, khiến số đại biểu gốc Á Rập rất thấp! Năm nay, các công dân Israel gốc Á Rập cũng thay đổi. Họ biết muốn bảo vệ quyền lợi chung của mình thì phải đoàn kết lại, không tranh giành phiếu với nhau nữa. Người đã thành công trong chiến dịch thúc đẩy dân Á Rập đoàn kết là Ayman Odeh, một luật sư 41 tuổi có tài hùng biện. Ðây là lần đầu tiên các ứng cử viên gốc Á Rập đứng chung trong một “Danh sách tập hợp” cùng tranh cử, người nọ phải chấp nhận đứng sau hay đứng trước người kia. Cho nên năm nay hy vọng sẽ có 13 đến 15 đại biểu Knesset gốc Á Rập. Họ có thể trở thành khối đại biểu đông thứ ba sau hai phe Herzog và Natanyahu. Trước ngày bỏ phiếu ông Netanyahu dùng mối lo lắng này để kêu gọi các cử tri khuynh hữu đi bầu cho đông, lấy lý do là trong kỳ bầu cử này dân Á Rập ở Israel sẽ đi bỏ phiếu nhiều hơn trước. Ông Ayman Odeh đã tuyên bố trước sẽ không tham gia bất cứ chính phủ của phe nào; nhưng lời hứa này có thể thay đổi nếu ông thấy ủng hộ cho ông Herzog có thể giúp ông ta đủ 61 ghế đại biểu để lên làm thủ tướng! Ðảng Likud của ông Netanyahu được coi là “trung-hữu” còn Liên minh Zionist của ông Herzog được coi là “trung-tả.” Có nhiều đảng nhỏ thuộc cánh hữu hơn cánh tả; nếu tập hợp lại Netanyahu có thể đạt được 42 đại biểu, còn ông Herzog chỉ hy vọng gom lại những đảng “cánh tả” cho được 30 ghế. Những đảng thuộc “cánh trung” có thể ngà bên này hay bên kia. Ðảng Kulanu vốn từ đảng Likud tách ra có thể thắng 8, 9 ghế, dễ họp lại với Natanyahu, đưa con số lên 51 ghế. Ðảng Yesh Atid có thể thắng 12, 13 ghế, nghiêng về phía ông Herzog, tăng số ghế lên 43. Như vậy chưa ông nào có thể làm thủ tướng. Các đảng có khuynh hướng đề cao tôn giáo (đạo Do Thái), đã từng đóng vai trò “đứng giữa thủ lợi” khi nghiêng về một phe nào để cán cân thay đổi, giúp một đảng lên lập chính phủ với điều kiện chính phủ mới phải bảo đảm các quyền lợi tôn giáo, như việc trợ cấp cho các trường của giáo hội, và bảo vệ các luật lệ về hôn nhân, về gia đình cho phù hợp với Do Thái giáo; họ cũng có thể đòi được dành một số ghế bộ trưởng. Các ứng cử viên muốn làm thủ tướng có thể chấp nhận dễ dàng các điều kiện đó. Hai đảng dựa trên tôn giáo có hy vọng chiếm được 13, 14 ghế đại biểu trong cuộc bàu cử này. Nếu họ ngả sang ông Natanyahu thì ông sẽ đạt được trên 61 đại biểu, còn ngả sang ông Herzog thì cũng chỉ tăng số đại biểu ủng hộ vẫn chỉ lên tới 56 thôi. Chỉ trong trường hợp một trong hai đảng tôn giáo lại cùng với khối đại biểu Á Rập ủng hộ ông Herzog, ông ta có thể đạt được con số trên 60; nếu không thì ông Natanyahu nhiều hy vọng sẽ tiếp tục làm thủ tướng Israel! Nhiều người sẽ hỏi: Một quốc gia chia rẽ về chính trị như vậy làm sao sống được? Nhưng trong gần 70 năm qua, nước Israel vẫn đương đầu được với hơn 200 người Á Rập thù địch ở chung quanh; nay lại đang lo nước Iran bành trướng thế lực khắp trong vùng, với những nhóm nổi dậy cùng theo phái Shi A trong Hồi Giáo. Israel vẫn sống, vẫn ngày càng mạnh hơn. Vì dù chia rẽ, đối nghịch nhau về chính trị, họ vẫn đoàn kết khi cần đối phó với ngoại bang, không đoàn kết những trước những nước thù địch mà cả khi đối diện với một nước đồng minh, như nước Mỹ. Quan trọng nhất, họ đoàn kết với nhau trong “luật chơi dân chủ.” Chế độ Dân Chủ chỉ là tập hợp của những “luật giao đấu chính trị.” Những người tham dự phải tôn trọng luật chơi. Xong trận đấu bàu cử, những người thua chấp nhận “thua keo này,” rồi chờ ngày “bày keo khác.” Vì thế họ vẫn giao đấu tận tình, mà vẫn đoàn kết với nhau bảo vệ quyền lợi quốc gia. Những nước theo chế độ độc đảng, độc tài lại dễ gây chia rẽ, làm suy yếu dân tộc. Nhất là khi đảng nắm độc quyền cai trị chịu lệ thuộc ngoại bang. Ðây là một điều người Việt Nam nên học người Do Thái ở Israel.