‘Bạch chỉ’ ở Trung Quốc, ‘trắng’ ở Việt Nam
03/12/2022 – Thiên Hạ Luận – Dân chúng nhiều nơi ở Trung Quốc đổ ra đường phản đối chính sách “Zero COVID” đã giam cầm cả tỉ người suốt ba năm qua.
Tuần này, “Bạch chỉ cách mạng” – “Cách mạng giấy trắng” ở Trung Quốc là một trong những chủ đề nóng nhất trên mạng xã hội Việt ngữ… “Bạch chỉ cách mạng” bùng phát sau khi có tới mười người thiệt mạng (3/10 là trẻ con) trong một vụ hỏa hoạn ở Urumqi (thủ phủ khu vực Tân Cương, Trung Quốc) chỉ vì các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt để ngăn chặn COVID lây lan khiến việc cứu nạn chậm trễ, thiếu hiệu quả…
Sự kiện đau lòng ấy giống như giọt cuối làm tràn ly uất hận. Dân chúng nhiều nơi ở Trung Quốc đổ ra đường phản đối chính sách “Zero COVID” đã giam cầm cả tỉ người suốt ba năm qua. Tham gia vào đợt phản kháng trên diện rộng có sinh viên của hàng trăm đại học – những người đầu tiên giương cao các tờ “giấy trắng” thay cho biểu ngữ. Đó là lý do cả dân trung Quốc lẫn thiên hạ gọi đợt phản kháng là “Bạch chỉ cách mạng”…
Nếu theo dõi phản ứng của người Việt trên mạng xã hội về “bạch chỉ cách mạng” ắt sẽ thấy, lý do chính khiến “Cách mạng giấy trắng” ở Trung Quốc thu hút sự chú ý của người Việt vì có sự đồng cảm do đồng cảnh. Rất nhiều người Việt tán thưởng “Bạch chỉ cách mạng” giống như Ho Duc Tham bởi đó là sự kiện… Chưa từng có! Người Trung Quốc công khai “Đả đảo cộng sản” và đòi “Tập Cận bình từ chức” (1).
Có rất nhiều cá nhân, nhiều nhóm theo dõi sát diễn biến “Bạch chỉ cách mạng” để cập nhật thông tin cho người Việt. Chẳng hạn DBS News. Ngoài việc tổng hợp thông tin để giúp giải đáp một số thắc mắc như: Tại sao cùng là cảnh sát nhưng cảnh sát ở Bắc Kinh lại ứng xử khác với cảnh sát ở Thượng Hải?. Nhóm này còn liên tục giới thiệu những sự kiện mới: Chuyện dân chúng Thành Đô vừa dọn sạch bệnh viện dã chiến có sức chứa 10.000 người chỉ trong một đêm… Chuyện nhân viên y tế của Bệnh viện 6905 của quân đội Trung Quốc cũng đã đứng dậy đòi quyền lợi… Chuyên Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc yêu cầu chính quyền Trung Quốc không bắt giữ tùy tiện… Chuyện chính quyền Trung Quốc thoái bộ, nới lỏng việc thực thi chính sách “Zero COVID” ở một số đô thị… Dự đoán của một số chuyên gia về việc nhiệm kỳ của Tập Cận Bình sẽ rất ngắn (2)!..
Ngoài những người, những nhóm tham gia cập nhật thông tin, sự kiện liên quan đến “Bạch chỉ cách mạng”, còn có không ít người như Duan Dang nêu hàng loạt nhận xét về nhiều yếu tố khác xoay quanh “Bạch chỉ cách mạng” đang diễn ra tại Trung Quốc: Sở dĩ là “giấy trắng” vì có nhiều điều muốn nói nhưng người ta không thể và không được phép nói. Giương “giấy trắng” chính là một cách chống kiểm duyệt và đòi tự do ngôn luận. Ngoài “giấy trắng”, sinh viên Trung Quốc còn giương cao những tờ giấy viết phương trình Friedmann vì âm tiết giống như “Free Man”! Giờ thì việc buôn bán giấy A4 đã trở thành “hành vi gây nguy hại cho an ninh quốc gia”. Nhiều nơi ở Trung Quốc thông báo ngưng bán giấy A4. Trung Quốc suốt ngày lo đối phó cách mạng màu, đâu ngờ lại có “cách mạng giấy trắng” (3).
Cũng đã có không ít người đối chiếu giảng viên, sinh viên Trung Quốc với những giới tương đồng tại Việt Nam như Bình Nguyên: Nhìn cảnh hai thầy cô ở Trung Quốc đối đầu với cảnh sát để ngăn cản việc bắt sinh viên, bảo vệ sinh viên của họ mà cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ đến thầy cô ở xứ này vì miếng cơm manh áo, vì danh lợi mà đành khom lưng, cúi đầu, im lặng để bưng bô quyền lực (4)…
***
Trong khi thông tin, hình ảnh, video clip, nhận định về “Bạch chỉ cách mạng” dày đặc trên hệ thống truyền thông quốc tế và mạng xã hội Việt ngữ thì hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam lại “trắng”… nhách. Khoảng… “trắng” này bất thường tới mức Chí Thảo thách: Tờ báo nào đưa tin biểu tình ở Trung Quốc tui sẽ bao cả Tòa soạn một chầu nhậu (5), khiến Vinh Râu – một nhà báo đã nghỉ hưu – bình: Cha nội này khôn, biết mình thắng chắc nên mới cá độ (6)…
Đó cũng là lý do Mạnh Kim “gọi sếp tòa soạn một tờ báo lớn” để hỏi: Có lệnh cấm đăng vụ biểu tình Trung Quốc? Biết rồi còn hỏi! Cụ thể lệnh của ai? Từ cấp cao nhất… Mạnh Kim đã… “dò nhanh năm trong số những tờ báo lớn nhất Việt Nam (Tuổi Trẻ, VnExpress, Zing, Thanh Niên, VietnamNet) và đây là kết quả: Tính đến 7 giờ sáng ngày 29/11/2022, không có bất kỳ tin tức nào về vụ biểu tình ở ít nhất 16 thành phố lớn khắp Trung Quốc. Bài viết trên Tuổi Trẻ “gần” với đề tài nhất là bài “Trung Quốc nhấn mạnh coi trọng sinh mạng người dân trong chống COVID-19”, đăng lúc 13:15 ngày thứ hai 28/11/2022. Toàn bộ bài (hơn 800 từ) không có chi tiết nào liên quan đến đợt biểu tình ở Trung Quốc đang gây sốc thế giới, dù làn sóng phản đối chính quyền của dân Trung Quốc bắt đầu từ thứ sáu 25/11/2022 rồi bùng nổ dữ dội vào hai ngày 26 và 27 [7].
Nhận xét của Mạnh Kim: “Điểm giống nhau giữa Trung Quốc và Việt Nam là báo chí tuyệt đối không đề cập những vụ việc như vậy” – vốn cũng là nhận định của nhiều người Việt nhưng vì sao lại thế? Vì sao “Bạch chỉ cách mạng” ở Trung Quốc lại dẫn tới hiện tượng như Chu Vĩnh Hải kể về Việt Nam trong những ngày này: BBC – hãng truyền thông uy tín nhất thế giới liên tục đưa tin về biểu tình ở Trung Quốc phản đối chính sách “Zero COVID” khắc nghiệt, phản đối Tập và Đảng cộng sản Trung Quốc… nhưng không hiểu tại sao cứ đến các tin này thì truyền hình cáp ở Việt Nam lại ngưng và hiển thị dòng chữ – Do tín hiệu vệ tinh không ổn định mong các bạn thông cảm. Hehehe(8)! Vì sao chính quyền Việt Nam dị ứng với điều mà Lê Nguyễn Duy Hậu phân tích, khái quát: Dân Trung Quốc đã vượt qua được sự sợ hãi và thói quen phục tùng (9)…
Nguyễn Trường Sơn – đang làm việc tại một đại học Đài Loan – kể rằng, khi nhìn thấy sinh viên Đài Loan dán mấy tờ giấy A4 lên tường nhằm ủng hộ phong trào biểu tình ở Trung Quốc, facebooker này nhớ đến quãng thời gian là sinh viên ở Hà Nội, lúc đang diễn ra phong trào biểu tình chống Trung Quốc chiếm đóng phi pháp các đảo, bãi đá trên biển Đông. Sơn cho biết đã nhiều lần tham gia những cuộc biểu tình này và giống như nhiều sinh viên khác, Sơn bị trường tìm đủ cách ngăn cản. Một số trường còn dọa sẽ đuổi học nếu sinh viên không chấm dứt việc đi biểu tình với lời khuyên kinh điển: “Lo mà học, đừng quan tâm đến chính trị”. Theo Sơn: “Có lẽ đến bây giờ sinh viên ở nước ta vẫn nhận được lời khuyên này. Đó là sự khác biệt giữa môi trường học thuật ở Việt Nam với các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và bây giờ là cả Trung Quốc”.
Theo Sơn: Trước nay nhiều người vẫn cho rằng Trung Quốc tương tự như Việt Nam – nghĩa là cũng có nền giáo dục chú trọng vào việc “tẩy não” thay vì khai phóng – gò ép sinh viên vào một khuôn khổ nhất định thay vì khuyến khích tư duy – nên sinh viên cả hai nước này đều xa lánh chính trị. Tuy nhiên những gì đang diễn ra ở Trung Quốc lại cho thấy định kiến đó không hoàn toàn chính xác. Trên thực tế, sinh viên Trung Quốc đang tham gia tích cực vào phong trào biểu tình đòi thay đổi chính sách và yêu cầu tự do. Họ tổ chức biểu tình ở ngay ngôi trường mình theo học hoặc xuống đường, không biểu tình tập thể thì cũng một mình bày tỏ chính kiến. Đây là điều chưa từng xảy ra ở Việt Nam kể từ năm 1975.
Có nhiều nguyên do dẫn đến việc sinh viên Việt Nam không mặn mà với chính trị. Từ chính sách giáo dục, các vấn đề kinh tế – xã hội – văn hoá và cả môi trường chính trị. Hồi tôi còn là sinh viên, điều khiến sinh viên xa lánh chính trị nhất vẫn là những câu hỏi… “Để làm gì? Có giải quyết được gì không?”… Các cuộc tranh luận chỉ dồn vào khía cạnh đó, tất cả sẽ không đi đến đâu vì rõ ràng, muốn chứng minh lợi ích ngay trước mắt của việc tham gia bàn luận chính trị hay biểu tình, là bất khả thi. Trong nhiều video ghi lại các cuộc biểu tình ở Trung Quốc có một đoạn video ngắn khiến tôi chú ý. Hai sinh viên trẻ – một nam, một nữ – tham gia biểu tình và được hỏi vì sao họ có mặt ở đó. Cả hai đáp: “Vì đây là nghĩa vụ của tôi”… Đến đây, tôi nhận ra giới trẻ Trung Quốc đã đi trước các bạn cùng thế hệ ở Việt Nam rất nhiều. Thậm chí nội dung các cuộc biểu tình cũng cho thấy sự trưởng thành về mặt chính trị của thế hệ trẻ Trung Quốc. Họ nhắm đích danh Tập Cận Bình và đảng cộng sản Trung Quốc. Quy trách nhiệm cho người đứng đầu đất nước và đảng cầm quyền khi chính sách mà họ ban hành tạo ra đau khổ cho nhân dân chính là sự trưởng thành trong chính trị, chứ không phải bài ca “bản chất của đảng là tốt, chỉ có một vài con sâu làm rầu nồi canh” – vốn vẫn được ca đi ca lại ở Việt Nam.
Sơn kể thêm: Năm 2017 tôi gặp một nhóm luật sư Trung Quốc để trình bày về phong trào dân chủ ở Việt Nam. Đến giờ tôi vẫn nhớ như in vẻ mặt u sầu của họ sau khi nghe tôi vì họ cho rằng Trung Quốc sẽ có dân chủ sau Việt Nam. Họ cho đó là một sự hổ thẹn. Bây giờ, dù lý trí mách bảo khả năng để phong trào biểu tình này tạo ra một cuộc cải tổ chính trị ở Trung Quốc là rất thấp nhưng tôi không khỏi cảm thấy đượm buồn. Đến lượt tôi cảm thấy hổ thẹn vì giờ đây có vẻ như người Trung Quốc đã vượt lên(10).
Trân Văn
Chú thích
(2) https://www.facebook.com/DBCNews.us/videos/1552945841809078