Bắc Kinh thay đổi chiến lược ở Biển Đông

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bắc Kinh thay đổi chiến lược ở Biển Đông
14/07/2017
Trong một bài viết đăng trên tạp chí Nikkei Asian Review hôm 12/7, ông Bill Hayton nhận định Trung Quốc đã âm thầm đổi chiến lược sau phán quyết hồi năm ngoái của Tòa trọng tài Quốc tế về Biển Đông.
Ông Hayton là nhà nghiên cứu tại Chatham House (Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh), và cũng là tác giả của cuốn “Biển Đông: cuộc đấu giành quyền lực ở châu Á.
 
VOA xin giới thiệu các trích đoạn chính trong bài viết của ông dưới đây.
Hình minh họa
Một năm trước, Trung Quốc vô cùng giận dữ trước thất bại lớn về mặt pháp lý khi tòa án quốc tế ở La Haye phán rằng hầu hết các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh về các quyền hàng hải và tài nguyên ở Biển Đông đều không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ngay sau phán quyết, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã hai lần tuyên bố phán quyết đó ” chỉ là tờ giấy lộn” và “sẽ không một ai thực hiện cả”. Nhưng sau một năm, theo nhiều cách, Trung Quốc đang tuân thủ phán quyết này.
Biển Đông là nơi diễn ra các vụ tranh chấp rắc rồi nhất trong khu vực, với những tuyên bố chủ quyền đối chọi nhau của Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Đài Loan, và các nước khác.
Có bằng chứng cho thấy, bất chấp những tuyên bố to tát, chính quyền Trung Quốc đã thay đổi hành vi. Tháng 10/2016, ba tháng sau khi có phán quyết, Bắc Kinh cho phép các tàu thuyền Philippine và Việt Nam tiếp tục đánh cá tại Bãi Scarborough, phía tây Philippines.
Đáng chú ý hơn, Trung Quốc đã tránh khoan dầu khí ở những vị trí sai so với những ranh giới vô hình quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Mặc dù phán quyết của tòa năm 2016 chỉ có tính ràng buộc đối với Trung Quốc và Philippines, hành vi của Trung Quốc đối với Việt Nam cũng đã thay đổi.
Lần cuối Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào một khu vực mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền là năm 2014. Vụ này đã kết thúc với sự bẽ mặt về chính trị, bạo động chống Trung Quốc đã xảy ra, và là một thất bại lớn đối với Bắc Kinh về ngoại giao khu vực. Kể từ đó, các giàn khoan Trung Quốc vẫn ở ngoài các vị trí gây tranh cãi.
​Các kết luận quan trọng nhất của phán quyết là, thứ nhất, “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không thể đại diện cho một tuyên bố hợp pháp về làm chủ các tài nguyên biển. Thứ hai, phán quyết kết luận rằng không có thực thể nào trong quần đảo Trường Sa, hay Bãi Scarborough, là “đảo đầy đủ”. Phán quyết này đồng nghĩa là Trung Quốc không có quyền tuyên bố làm chủ các tài nguyên hải sản, dầu khí bên ngoài vùng 12 hải lý quanh bất kỳ thực thể nào thuộc quần đảo Trường Sa hoặc Bãi Scarborough.
Sáu nước châu Á có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông
Sáu nước châu Á có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông
Có những dấu hiệu rõ ràng từ cả lời nói lẫn hành động của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đã âm thầm thay đổi lập trường pháp lý tổng thể của họ đối với Biển Đông.
Nhà nghiên cứu Úc Andrew Chubb lưu ý về một bài báo quan trọng ở Trung Quốc vào tháng 7 năm ngoái nêu khái quát về quan điểm mới, do các nhà lý luận pháp lý của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết. Quan điểm mới về tuyên bố của Trung Quốc gồm ba phần: tuyên bố làm chủ tất cả các đảo đá và các bãi cạn bên trong đường lười bò; tuyên bố về “quyền lịch sử” đối với tất cả vùng biển bên trong những đường vẽ quanh các nhóm đảo gần “sát nhau” (nghĩa là các nhóm nhỏ các thực thể bên trong quần đảo Trường Sa); và tuyên bố làm chủ nhưng không độc quyền về đánh bắt cá ở những ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc.
Lập trường mới của Trung Quốc dường như thể hiện một bước đi quan trọng tiến đến tuân thủ UNCLOS, và như vậy cũng tuân thủ phán quyết. Điều có ý nghĩa nhất là nó loại bỏ những cơ sở để Trung Quốc phản đối các nước khác đánh cá và khoan dầu khí ở những vùng rộng lớn của Biển Đông.
Việt Nam đã tận dụng được điều này với việc cho phép hãng Talisman Việt Nam tập trung khoan tìm dầu ở mép cực đông của vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Về tổng thể, bức tranh cho thấy Trung Quốc cố gắng làm cho tầm nhìn của họ về trật tự hợp lý của khu vực (với tư cách là chủ sở hữu hợp pháp của mọi đảo đá và bãi cạn bên trong đường lưỡi bò) phù hợp với các quy định quốc tế được đông đảo các nước thông hiểu.
Không hề coi đó là “tờ giấy bỏ đi”, Trung Quốc nhìn nhận phán quyết của toà rất nghiêm túc. Vẫn còn một khoảng cách giữa quan điểm của Bắc Kinh với việc tuân thủ toàn diện phán quyết của tòa quốc tế, nhưng rõ ràng là họ không trắng trợn và cố tình vi phạm phán quyết.
(Nikkei Asian Review)