Theo tờ Đại Công Báo (Ta Kung Pao), bà Julie Eadeh, phụ trách chính trị của tổng lãnh sự Mỹ tại Hồng Kông đã có cuộc tiếp xúc với các thành viên của đảng Demosisto, trong đó có lãnh tụ sinh viên Hoàng Chi Phong (Joshua Wong).
Trước đó, trong cuộc họp ở Thâm Quyến hôm qua, giám đốc Văn phòng Các vấn đề về Hồng Kông và Macao, ông Trương Hiểu Minh (Zhang Xiaoming) đã công khai cáo buộc các cuộc biểu tình tại đặc khu từ hai tháng qua là « cách mạng màu », cho thấy Bắc Kinh coi đây là mối đe dọa thực sự.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :
« Cáo buộc thật nặng nề, và lần này đến từ một quan chức cao cấp của chế độ Bắc Kinh, phụ trách quan hệ với Hồng Kông. Đối với ông Trương Hiểu Minh, phong trào chống chính quyền tại đặc khu mang « những tính chất rõ ràng của một cuộc cách mạng màu ». Đây là cụm từ dùng để chỉ các cuộc nổi dậy trong những năm 2000 tại châu Âu, ở Trung Á và Trung Đông (như Gruzia, Ukraina, Belarus, Kyrgyzstan, Liban…), được phương Tây phần nào ủng hộ.
Theo ủy viên trung ương đảng Trương Hiểu Minh, thì « nhiệm vụ khẩn cấp nhất hiện nay là chấm dứt tình hình lộn xộn, ngăn chận việc Hồng Kông lao vào vực thẳm ». Sự chọn lựa từ ngữ đều có dụng ý.
Nhà Trung Quốc học Lâm Hòa Lập (Willy Lam) nhận định, việc đánh giá là « cách mạng màu » đã được chính quyền trung ương ở Bắc Kinh quyết định từ tháng Sáu, từ khi khởi đầu các cuộc xuống đường. Do vậy mà chính quyền Hồng Kông đã từ chối nhượng bộ tất cả những yêu sách. Dự luật dẫn độ, nguyên nhân ban đầu của phong trào phản kháng, đã bị ngưng lại, nhưng không bị hủy bỏ như đòi hỏi của người biểu tình.
Giai đoạn tối hậu – và hiện vẫn chưa đến mức này – trước khi Bắc Kinh quyết định can thiệp quân sự hoặc đưa công an từ Hoa lục sang trấn áp, là khi tình hình Hồng Kông được cho là « động loạn », tức « hỗn loạn ». « Động loạn » là từ đã chiếm trang nhất của Nhân dân Nhật báo, vài tuần trước khi diễn ra vụ thảm sát Thiên An Môn. »
Hoa Kỳ khuyến cáo công dân Mỹ thận trọng khi đến Hồng Kông
Hoa Kỳ hôm nay 08/08/2019 khuyến cáo các công dân Mỹ nên « cảnh giác cao » khi đến Hồng Kông, vào lúc những người phản kháng thông báo biểu tình ba ngày tại sân bay, từ thứ Sáu 9/8 đến Chủ nhật 11/8. Trước đó mức cảnh báo chỉ là « thận trọng ».
Nhiều nước khác như Anh, Úc, Nhật Bản cũng đã khuyến cáo công dân nước mình nên cẩn trọng khi đến Hồng Kông, trong bối cảnh người biểu tình không hề có ý định thối lui trước sự đàn áp.