Bắc Kinh: Muốn cấm tới đảo nhân tạo, Mỹ phải phát động chiến tranh
14/01/2017
Muốn ngăn cấm Trung Quốc vào các đảo nhân tạo ở Trường Sa là “ngu xuẩn” và nếu muốn vậy, Mỹ phải tiến hành chiến tranh mà Bắc Kinh sẽ không ngán sợ.
Ngoại Trưởng đề cử Rex Tillerson: Trung Quốc phải dừng ngay việc bồi đắp đảo nhân tạo tại Biển Đông. (Hình: AP Photo/Steve Helber) |
Như thường lệ, Bắc Kinh cho tờ Hoàn Cầu Thời Báo hôm Thứ Sáu, 13 Tháng Giêng, 2017 viết bình luận thách đố Mỹ nhân có những lời phát biểu của ngoại trưởng đề cử Rex Tillerson ở Ủy Ban Ngoại Giao Thương Viện Mỹ hôm Thứ Tư vừa qua.
Trong buổi điều trần để được chấp thuận cho làm ngoại trưởng trong chính phủ Donald Trump, ông Rex Tillerson lên án Trung Quốc là “tuyên bố kiểm soát các lãnh thổ không phải họ có quyền hợp pháp” trên Biển Đông. Ông ví các hành động bồi đắp các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên vùng biển Trường Sa như Nga cướp Cremea của Ukraine.
“Chúng ta phải gửi một tín hiệu rõ ràng cho Trung Quốc biết là trước hết phải dừng ngay việc bồi đắp đảo nhân tạo, và thứ hai là việc tiếp cận các đảo đó sẽ không được cho phép,” ông Tillerson nói khi trả lời một câu chất vấn.
Phản ứng lại lời tuyên bố của ông Tillerson, tờ Hoàn Cầu Thời Báo nhanh chóng viết bình luận rằng “Trung Quốc có đủ quyết tâm và sức mạnh để bảo đảm rằng những lời kích động hạ cấp đó không thành công. Trừ phi Hoa Thịnh Đốn có kế hoạch phát động chiến tranh rộng lớn trên Biển Đông, bất cứ cách nào ngăn cản Trung Quốc đến các đảo sẽ là ngu xuẩn.”
Một số nhà phân tích cho rằng ông Tillerson có thể nói không đúng hẳn những gì ông nghĩ. Ngăn cản Trung Quốc tiếp cận các đảo (mà họ cướp của Việt Nam) trên Biển Đông “có thể phát khởi cuộc xung đột võ trang,” theo ý kiến của ông Mark Fitzpatrick, một chuyên viên tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) tại Hoa Thịnh Đốn. Ông cho rằng ông Tillerson thật sự “không muốn diễn tả như vậy.”
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo bình luận rằng Hoa Kỳ “không có sức mạnh ăn trùm tuyệt đối để chế ngự Biển Đông,” cho nên ông Tillerson nên học tập kỹ lưỡng hơn về chiên lược sức mạnh nguyên tử “nếu ông ta muốn ép một cường quốc nguyên tử (TQ) rút khỏi lãnh thổ của họ. Có thể ông ta chỉ có giá dầu và hối suất tiền tệ ở trong đầu vì từng là chủ tịch tổng giám đốc của Exxon-Mobil.”
Báo này nói vì chính quyền Trump chưa nắm quyền nên Bắc Kinh vẫn còn kiềm chế cho dù thành viên của ông Trump có những ý kiến cực đoan. Tuy nhiên “Mỹ không nên bị hiểu lầm là Bắc Kinh sợ bị họ đe dọa.”
“Lời phát biểu của ông Tillerson về các đảo trên Biển Đông còn xa mới có tính chuyên nghiệp,” Hoàn Cầu Thời Báo viết. “Nếu bộ phận ngoại giao của ông Trump lèo lái mối quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai như họ đang làm bây giờ, hai bên nên chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự.”
Hơn một năm qua, Trung Quốc ráo riết bồi đắp xây dựng 6 đảo nhân tạo từ 6 bãi đá ngầm, mà họ cướp của Việt Nam từ năm 1988, thành các căn cứ khổng lồ tại vùng biển Trường Sa. Đồng thời họ cũng mở rộng một số đảo và bồi đắp thêm một số đảo tại quần đảo Hoàng Sa mà họ cướp của Việt Nam từ năm 1974 sau trận hải chiến với VNCH.
Những tin tức gần đây cho thấy họ đã xây dựng các pháo đài và chuẩn bị mang các hệ thống súng cao xạ và hỏa tiễn phòng không đến các đảo nhân tạo. Họ cũng vừa đưa hàng không mẫu hạm Liêu Ninh tới tập trận bắn đạn thật, thử võ khí trên Biển Đông không ngoài việc đe dọa các nước đang tranh chấp chủ quyền biển đảo, đặc biệt là Việt Nam.
Nhận định trên tờ New York Times hôm Thứ Sáu, 13 Tháng Giêng, 2017, ông Anders Corr, giám đốc công ty Corr Analytics, một tổ chức nghiên cứu trụ sở ở New York cho rằng Trung Quốc theo dõi kỹ lưỡng cường độ đe dọa xung đột. “Họ bình luận như thế để dọa các nhân vật chính trị và kinh tế của Mỹ cũng như ảnh hưởng đến các quyết định đến những vấn đề liên quan như Đài Loan và Biển Đông.”
Biển Đông là khu vực có lượng hàng hóa thương mại được vận chuyển ngang qua đến $5,000 tỷ mỗi năm. Nhiều nhà phân tích từng báo động Bắc Kinh xây dựng chuỗi đảo nhân tạo ở Trường Sa thành những căn cứ quân sự quy mô để thực hiện mưu đồ bá quyền muốn chiếm trọn cả khu vực.
(Người Việt)