Bắc Kinh mỗi lúc tự tin thách thức áp lực từ Washington?
26/07/2021 – Ngày 26/07/2021, cuộc họp cấp cao Mỹ – Trung lần thứ hai dưới thời chính quyền Biden, giữa thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Wendy Sherman và đồng nhiệm Trung Quốc Tạ Phong diễn ra tại Thiên Tân, Trung Quốc. Thế nhưng, vài ngày trước khi diễn ra cuộc họp, Bắc Kinh thông báo trừng phạt 7 công dân Mỹ. Theo Financial Times, đòn «ăn miếng trả miếng» này còn là cách mà Trung Quốc khẳng định thế mạnh cường quốc ngang hàng với Mỹ.
Phải chăng gió đang đổi chiều? Giọng điệu cứng rắn của Mỹ trong những tháng qua dường như không làm Trung Quốc nao núng. Vài ngày trước khi bà Wendy Sherman đến Trung Quốc, ông Vương Nghị, ủy viên Quốc vụ, kiêm ngoại trưởng Trung Quốc, khẳng định: «Nếu như Hoa Kỳ vẫn chưa học được cách hiểu những nước khác trên cơ sở bình đẳng, Trung Quốc cùng với cộng đồng quốc tế có trách nhiệm mang lại cho Hoa Kỳ một sự hướng dẫn đúng đắn về vấn đề này».
Theo giới quan sát, phát biểu này của lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc cho thấy rõ Bắc Kinh chưa sẵn sàng trải thảm đỏ để đón phái đoàn ngoại giao đến từ Washington. Thế mạnh này đã từng được Dương Khiết Trì, ủy viên Bộ Chính Trị, trong cuộc họp cấp cao «nảy lửa» lần đầu ở Alaska nhấn mạnh đến, khi cho rằng Mỹ chưa thể nói chuyện với Trung Quốc trong «một thế mạnh».
Nói một cách khác, theo như giải thích của thông tín viên Stephane Lagarde, Bắc Kinh không muốn nghe «giáo huấn» về các vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, Hồng Kông hay Tây Tạng, cũng như các vấn đề Đài Loan, Biển Đông, Biển Hoa Đông, những hồ sơ mà Trung Quốc coi là «chuyện nội bộ».
Đây cũng chính là những hồ sơ mà tổng thống Mỹ Joe Biden, từ sáu tháng qua kể từ khi lên cầm quyền, đã có những lời lẽ cứng rắn nhất. Trong cuộc đọ sức mà nguyên thủ Mỹ coi là cuộc chiến sinh tử giữa các nền dân chủ và chuyên chế, chủ nhân Nhà Trắng hy vọng tập hợp được một liên minh để giành chiến thắng.
Nếu như ông Biden phần nào thành công cho Trung Quốc thấy rõ sự bất mãn của Mỹ không chỉ giới hạn ở chính quyền tiền nhiệm, thì những nỗ lực trên của Nhà Trắng không cho thấy có dấu hiệu nào là đã thuyết phục được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Và rủi thay, theo nhận định của bà Oriana Skylar Mastro, một chuyên gia về Trung Quốc tại đại học Stanford, với Financial Times, «Trung Quốc còn gia tăng tất cả các hành vi có vấn đề của họ. Bắc Kinh đã không soi gương theo cách mà phương Tây muốn».
Kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng, ông Joe Biden không ngừng gia tăng nỗ lực kềm hãm đà tiến của Trung Quốc, từ việc phối hợp với Liên Hiệp Châu Âu, Anh, Canada để trừng phạt Bắc Kinh trong vấn đề nhân quyền, cho đến củng cố sáng kiến « Bộ Tứ» với Nhật Bản, Úc và Ấn Độ để bảo vệ vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Những nỗ lực này của ông Biden, tuy « thật sự thu hút sự chú ý của Bắc Kinh và trong một số trường hợp », nhưng trong «một chừng mực nào đấy, những biện pháp đó sẽ dẫn Trung Quốc đi đến sự thay đổi» theo như lưu ý của bà Bonny Lin, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế trên tờ Financial Times.
Bởi vì, Trung Quốc cũng đang ra sức đẩy lùi các sức ép từ Mỹ bằng cách thông qua luật chống trừng phạt cho phép áp đặt các hình phạt đối với bất kỳ nước nào giúp các quốc gia khác chống lại Trung Quốc bằng các biện pháp trừng phạt.
Mặt khác, đối với ông Biden, việc thực hiện cùng lúc ba mặt trận – kích hoạt «Bộ Tứ», thắt chặt quan hệ với Đài Loan và có một cách tiếp cận đa phương về nhân quyền – cũng sẽ là một «nhiệm vụ khó khăn». Làm thế nào chuyển đổi những lĩnh vực mà các đối tác châu Á và châu Âu đang quan tâm thành một hành động chung? Đây sẽ là một bài toán hóc búa cho ông Biden, theo như nhận xét của ông Eric Sayers, chuyên gia về an ninh tại châu Á, Viện Doanh Nghiệp Mỹ.
Chỉ có điều, tuy tỏ vẻ cứng rắn, ngày càng tỏ thái độ thách thức, hình ảnh mà Trung Quốc đưa ra lại không tạo dựng được niềm tin. Và do vậy chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng muốn có một cuộc gặp thượng đỉnh với Joe Biden tại G20 ở Ý – một trong những nội dung mà bà Sherman thảo luận với ngoại trưởng Vương Nghị tại Thiên Tân. Một cuộc họp thượng đỉnh như vậy sẽ giúp cho Trung Quốc xóa tan những chỉ trích về những chính sách của Bắc Kinh trong vấn đề nhân quyền và nền ngoại giao «chiến lang». Và việc gìn giữ hình ảnh một Trung Quốc hùng mạnh và đáng nể trên thế giới còn là công cụ để Tập Cận Bình duy trì quyền lực trong nước.
Minh Anh