Bác Dương Danh Dy qua đời sao im ắng quá?!
19-9-2018
Bác Dương Danh Dy và tôi
Tin bác Dương Danh Dy qua đời mà im ắng quá. Tôi chỉ biết tin qua FB của anh Đinh Kim Phúc vào sáng nay. Và im ắng đến cả TS. Đinh Hoàng Thắng, Cựu Đại sứ VN tại Hà Lan và Bỉ, là chỗ thân thiết với Bác Dương Danh Dy cũng không biết.
Cho đến 16h chiều nay, khi linh cữu bác đã rời khỏi nhà tang lễ bệnh viện 354 để tiếp tục hành trình về nơi an nghỉ cuối cùng mà không thấy tờ báo nào của VN đưa tin. Sao vậy? Rất dễ hiểu, vì bác là người không ưa gì Trung Quốc, người “anh”, hay là “bố” của Việt Cộng. Lại thêm nữa, có lẽ “trên” đã chỉ đạo gì đó cho người con trai của bác về việc cần và càng im ắng càng tốt. Anh ấy là hiện là một quan chức của ngành ngoại giao.
Bác Dương Danh Dy là người đầu tiên đưa Hồi ký Trần Quang Cơ lên internet. Ông cũng là nhà ngoại giao đầu tiên viết lên báo quốc tế BBC về Hội nghị Thành đô – 1990, nhờ đó mà chúng ta biết được ít nhiều về cái cuộc “đi đêm” giữa Việt Cộng và Trung Cộng, mà cho đến nay cả hai bên đều không hé lộ chút gì mang tính chính thống.
Tôi có vinh hạnh được gặp Bác Dương Danh Dy nhiều lần và được bác rất quý mến. Lần đầu tôi được gặp bác ở Hội nghị về Biển Đông, do Học viện Ngoại giao tổ chức vào ngày 16 tháng 3 năm 2009. TS. Nguyễn Nhã từ Sài Gòn ra dự hội nghị. Sáng sớm, ông mời tôi đi ăn sáng và café ở gần KS DAEWOO và rủ tôi đến Hội nghị. Ngần ngại vì không có giấy mời, nhưng rất muốn đến, đành đi theo TS Nguyễn Nhã. Đến nơi, TS. Nguyễn Nhã chỉ vào tôi và nói: “Đây là tiến sĩ Diện, trợ lý của tôi”. Thế là tôi được vào bên trong. Vào chưa ngồi ấm chỗ, thấy Nhà báo Đoan Trang (lúc ấy ở TuầnVietNam – VNN) gọi điện bảo ra đón cô vào. Tôi ra, bảo với người đón tiếp: Đây là cô Đoan Trang, trợ lý của tôi. Thế là Đoan Trang cũng vào được bên trong.
Bên lề Hội nghị, tôi được gặp Bác Dương Danh Dy. Bác có cảm tình với tôi lắm, vì biết tôi làm việc ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nơi mà ông cũng có nhiều bè bạn. Ông còn đọc cho nghe câu vè: “Ai về đất cũ mà coi/ Nước da anh Duyệt, nụ cười chị Doan. Ai về đất cũ Tràng An/ Đọc văn Mạnh mượt, nghe đàn Mão bông…”. Tôi nghe mấy câu vừa thích, vừa sợ. Tôi tự trấn an bằng cách bảo ông viết vào mảnh giấy nhỏ với nét bút của ông, và ông cũng chịu khó lụi cụi chép cả bài dài vào tờ giấy, với nét chữ nhỏ và vụn của ông.
Thế rồi, vào tháng tư năm ấy (4/2009), tôi được Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm giao cho việc đi gặp và mời Bác Dương Danh Dy đến nói chuyện chuyên đề cho anh em cơ quan. Tôi được xe của Viện chở đến đón Bác Dy tại nhà riêng vào ngày 16 tháng 4 năm 2009. Chủ đề nói chuyện do tôi và Bác Dy thảo luận, xoay quanh vấn đề phân định biên giới 1999.
Buổi nói chuyện của Bác Dy được anh em rất quan tâm, nhất là các câu hỏi đều được bác Dy giải đáp thẳng thắn, không ngại nhạy cảm: Đàm phán biên giới 1999 ta có mất đất vào tay Trung Quốc không? Mất bao nhiêu? Và tại sao lại bị mất như vậy… Bác Dy nói, hiệp định Biên giới 1999 ta mất 15 ngàn km vuông, bằng diện tích tỉnh Thái Bình bây giờ. Và mất toàn những địa danh có tính biểu tượng như: Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, bãi Tục Lãm… Ta mất vì ta bị Trung Quốc gài từ hồi những năm 50, 60 của thế kỷ trước.
Hồi còn duy trì và quản trị blog nguyenxuandien, bác Dy rất hay gửi bài cho tôi. Có nhiều bài viết riêng cho blog nguyenxuandien mà không gửi cho BBC hay BVN… Bẵng đi một thời gian không thấy Bác gửi, nhận được điện thoại Bác mời đến nhà chơi. Bác nói: Giờ tôi không viết cho cậu nữa, và cũng không viết nữa, vì con trai tôi làm bên ngoại giao, cũng không muốn nó vì mình mà bị ảnh hưởng.
Bác Dương Danh Dy đã về với tổ tiên, với các vị tiên liệt khoa bảng họ Dương. Từ nay, mong Bác thôi phải bận tâm về chuyện Trung Cộng. Việc ấy đã có đồng chí D.Trump lo rồi, và sẽ lo rốt ráo. Xin bác yên nghỉ.
Chúng con kính cẩn nghiêng mình trước anh linh một nhà ngoại giao nổi tiếng, người yêu nước chân thành, dũng cảm, với trí tuệ uyên bác và đầy bản lĩnh DƯƠNG DANH DY, và mãi nhớ Bác.