Bà quả phụ Hải quân Thiếu tá, Hạm phó HQ10 Nguyễn Thành Trí, qua đời

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bà quả phụ Hải quân Thiếu tá, Hạm phó HQ10 Nguyễn Thành Trí, qua đời

Thành Kính chia buồn cùng tang quyến, nguyện cầu vong linh Cụ Bà tiêu diêu nơi miền Cực Lạc. BBT

 

Người Việt

10/01/2017

 

Bà Ngô Thị Kim Thanh, vợ của cố Hải quân Thiếu tá Nguyễn Thành Trí, Hạm phó Hộ tống hạm Nhựt Tảo, qua đời tại nhà riêng ở quận Bình Tân, Sài Gòn vào lúc 3 giờ 45 sáng ngày Thứ Bảy, 7 Tháng 1, 2017 (giờ Việt Nam), hưởng thọ 72 tuổi. (Hình: FB Huy Đức) 

SÀI GÒN (NV) – Bà Ngô Thị Kim Thanh, vợ cố Hải Quân Thiếu Tá Nguyễn Thành Trí (Hạm Phó Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo (HQ10), người hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 chống Trung Quốc), vừa qua đời tại nhà riêng ở quận Bình Tân, Sài Gòn, lúc 3 giờ 45 sáng Thứ Bảy, 7 Tháng Giêng, 2017 (giờ Việt Nam), hưởng thọ 72 tuổi.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, con gái bà Thanh, xác nhận tin trên qua điện thoại với phóng viên Người Việt.
“Tháng Chạp mãi mãi là tháng buồn đau nhất”
Theo lời chị Thảo, bà Thanh “bị u gan đã lâu, nhưng chỉ mới phát hiện vào tháng qua.”
“Khi mẹ tôi cảm thấy đau quá, đi không nổi, sụm luôn, được đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy ngày 6 Tháng Mười Hai, các bác sĩ làm CT xong lắc đầu bảo trễ quá và đề nghị nên đưa về nhà chuẩn bị,” chị Thảo kể.
Cũng theo lời con gái của cố Thiếu Tá Nguyễn Thành Trí thì “sợ mang về liền mẹ tôi sẽ bị sốc tâm lý, nên tôi xin được để bà ở lại bệnh viện hai ngày, để truyền nước biển. Ngày 8 Tháng Mười Hai tôi đưa mẹ về nhà, nói cho mẹ biết tình trạng của bà. Tuy nhiên, ai cũng hy vọng bà sẽ sống thêm vài tháng nữa, hay ít nhất là qua Tháng Chạp này.”
Chị Thảo nói trong xúc động, “Thật sự Tháng Chạp là tháng mà xưa nay ở nhà tôi ai cũng sợ. Ba tôi mất trong tháng này. Chúng tôi không muốn trong cùng một tháng mà có đến hai cái giỗ của cả ba và mẹ. Mẹ tôi cũng hy vọng sẽ sống lâu hơn, qua thời gian này. Nhưng mà duyên trần của mẹ đã hết rồi, biết làm sao được…”
“Từ đây về sau, Tháng Chạp mãi mãi là tháng buồn đau nhất của chúng tôi,” người con gái nghẹn lời.
Cố Hải Quân Thiếu Tá Nguyễn Thành Trí mất ngày 19 Tháng Giêng, 1974. Vợ ông, bà Ngô Thị Kim Thanh mất ngày 7 Tháng Giêng, 2017.

Lễ truy điệu cố thiếu tá Nguyễn Thành Trí, lúc đó bà Thanh đang mang thai đứa con thứ 2 mới được 2 tháng. (Hình: Gia đình bà Ngô Thị Kim Thanh cung cấp) 

Từ ngày bà Thanh đổ bệnh, chị Thảo đã xin nghỉ việc để ở nhà chăm sóc bà suốt ngày đêm, bên cạnh có sự giúp đỡ của vợ chồng người em trai là Nguyễn Thanh Triết.

“Chiều hôm trước là mẹ tôi bắt đầu yếu rồi. Khi đó chúng tôi đã biết mẹ không thể qua khỏi trong tháng này, nên ai cũng đã chuẩn bị tinh thần. Vì vậy, lúc mẹ tôi đi có đủ hết con cháu bên cạnh,” chị nói thêm.
Về tang lễ của bà Thanh, chị Thảo cho biết: “Mẹ tôi đã được nhập quan lúc 4 giờ chiều ngày 7 Tháng Giêng. 7 giờ sáng ngày Thứ Hai, 9 Tháng Giêng sẽ làm lễ hỏa táng. Hài cốt mẹ tôi sẽ được đưa về an nghỉ ở chùa Hưng Phước, quận 3.”
“Thật ra mẹ tôi cũng không muốn mang cốt về chùa, sợ chật nơi chật chỗ. Nhưng mà phận làm con, chúng tôi không muốn mang tro cốt mẹ rải hết ra biển. Chúng tôi vẫn muốn được nhìn thấy mẹ, dù chỉ qua nắm tro còn lại. Đó là lý do chị em tôi quyết định giữ lại tro cốt của bà mang vào chùa để còn có nơi thăm viếng, thắp hương cho mẹ,” người con gái tâm sự.
Theo lời chị Thảo, “Thông qua nhật báo Người Việt, chúng tôi cũng muốn được chính thức thông báo đến cho các chú, các bác là bạn bè của ba mẹ tôi đang ở nước ngoài về sự ra đi của bà. Trong thời khắc này, tôi không thể ngồi email báo tin cho từng người được.”
“Khi mẹ tôi lâm bệnh, bà không muốn báo tin cho ai biết hết, vì sợ rằng nếu mọi người biết thế nào cũng sẽ gửi tiền về giúp đỡ, mà mẹ tôi nói mình có lòng tự trọng, không muốn ai nghĩ mình ‘xin xỏ,’ tự lo được thì cứ tự lo, khi nào có cần phải mổ xẻ, kham không nổi thì sẽ lên tiếng. Đó cũng là lý do nhiều người đã trách sao không thông báo cho mọi người biết sớm hơn,” chị Thảo chia sẻ.
“Một phụ nữ trí thức, sẵn sàng hy sinh và vô cùng kiêu hãnh”
Tháng Giêng năm 2016, trong lần trả lời phỏng vấn của Nhật báo Người Việt khi gia đình bà Thanh vừa mới dọn vào ngôi nhà mới mua từ tiền dành dụm của gia đình và sự trợ giúp của chương trình “Nhịp cầu Hoàng Sa”, bà đã cho biết sức khỏe “không được tốt” nhưng bà “rất vui vì đã có được một nơi chốn đàng hoàng, để đặt bàn thờ anh Trí một cách trang trọng hơn.”
Khi Hải Quân Thiếu Tá Nguyễn Thành Trí tử trận, bà Thanh chỉ mới 28 tuổi, đang mang thai đứa con thứ hai. Bà đã ở vậy, không tái giá, nuôi hai con, Nguyễn Thị Thanh Thảo (1969) và Nguyễn Thanh Triết (1974), khôn lớn.

Bà Ngô Thị Kim Thanh trong ngày mừng nhà mới vào Tháng Giêng, 2016 tại Sài Gòn. (Hình: FB Huy Đức) 

Năm 2000, bà mua được một căn nhà chung cư rộng 40 m2 từ số tiền do gia đình chồng chia cho. Tháng Bảy, 2014, căn nhà bà vốn chật càng trở nên chật hơn khi người con trai cưới vợ.

Nhà báo Huy Đức, thành viên của chương trình “Nhịp cầu Hoàng Sa” (NCHS) cho biết, “Chúng tôi luôn đặt mục tiêu cải thiện chỗ ở cho gia đình bà Thanh đứng đầu trong thứ tự ưu tiên. Tuy nhiên, ngay từ khi chương trình bắt đầu, chúng tôi nhận được thư của Thanh Thảo, con gái cố Hải quân thiếu tá Nguyễn Thành Trí, đề nghị NCHS quan tâm tới những người khó khăn hơn trước.”
Cũng theo nhà báo Huy Đức, khi nghe tin chương trình “Nhịp cầu Hoàng Sa” công bố sẽ mua bảo hiểm y tế cho các quả phụ Hoàng Sa, “bà Thanh đã đề nghị nhường khoản chi phí ấy cho những người chưa từng được NCHS giúp đỡ và đang sống khó khăn hơn bà.”
Trả lời câu hỏi của Người Việt trong lần phỏng vấn cách đây một năm, “Với tinh thần chiến đấu đầy quả cảm và anh dũng hi sinh của Đại Úy Trí để bảo toàn lãnh thổ Việt Nam, gia đình có mong muốn điều gì từ xã hội ngày nay?”, bà Thanh cho rằng, “Gia đình tôi cũng không mong muốn điều gì cả. Cuộc chiến đã diễn ra 42 năm rồi. Những khó khăn mà gia đình tôi đã gặp phải cũng đã qua rồi. Tôi chỉ hơi buồn là với lý lịch ‘lính ngụy’ nên con cái tôi phải chịu nhiều thiệt thòi từ khi cắp sách đến trường và tìm việc.”
“Phải nói làm người mẹ đơn thân nuôi hai con là quá khó, nhất là trong thời kỳ bao cấp. Thế mà tôi cũng đã vượt qua để nuôi dạy hai con nên người và giữ trọn tình phu thê, không tái giá, là tôi đã mãn nguyện rồi,” bà chia sẻ.
Nhà báo Huy Đức nhận xét, “Bà Ngô Thị Kim Thanh luôn tạo cho chúng tôi ấn tượng về một phụ nữ trí thức, sẵn sàng hy sinh và vô cùng kiêu hãnh.”

———