Ba ngày sau khi kết thúc UPR
2014-02-08
Việt Nam đã chuẩn bị rất kỹ bài vở để đọc trước Ủy ban Nhân quyền Liên hiệp quốc đặc biệt trong lần điều trần này Việt Nam đã là một thành viên của Ủy ban Nhân quyền sau khi vận động hết sức để được cái ghế đầy khó khăn ấy.
Rất nhiều nước dè dặt ủng hộ và chúc mừng Việt Nam điều mà họ cho là Việt Nam đã có các tiến bộ trong việc thực hiện nhân quyền như Trung Quốc, Cuba, Campuchia cùng vài nước Phi Châu và Nam Mỹ. Tuy nhiên hầu như các nước Âu Châu và Hoa kỳ đã có những đề nghị gay gắt buộc Việt Nam phải có những hành động cụ thể hơn nữa trước bản thuyết trình, đặc biệt là phải thả các tù nhân lương tâm như Trần Huỳnh Duy Thức, Điếu cày Nguyễn Văn Hải, Luật sư Lê Quốc Quân và Cù Huy Hà Vũ những tù nhân mà cả thế giới biết là họ bị bắt, bị kết án chỉ vì bất đồng chính kiến và thực hiện việc phát biểu công khai các suy nghĩ của họ.
Người dân tộc H’Mong
Ba ngày sau khi UPR diễn ra, một vài sự kiện có thể được xem là thước đo những báo cáo đầy phấn khởi của Việt Nam. Việc thứ nhất thuộc lĩnh vực tự do tôn giáo và chăm sóc người có nhu cầu chữa bệnh thuộc sắc dân thiểu số. Trước UPR người đại diện cho sắc tộc thiểu số đã phát biểu:
-Hệ thống bệnh viện tỉnh huyện và trạm y tế xã đã được quan tâm dầu tư. Hơn 99% xã có trạm y tế, người dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh miễn phí và các chính sách an sinh xã hội.
Trong khi đó, bệnh nhân Dương Văn Mình người dân tộc H’mong đã không được các bệnh viện Việt Nam chạy chữa theo yêu cầu. Cháu của ông là Lý Văn Dũng nói với chúng tôi vào trưa ngày hôm nay 8 tháng 2 năm 2014:
-Vâng em tên là Lý Văn Dũng em là người dân tộc H’mong và Dương Văn Mình là chú ruột của em. Chú em đang chữa bệnh tại bệnh viện 198 nhưng mà không biết lý do gì họ không tiếp tục điều trị mà tới bây giờ bọn em đi tìm khắp nơi mà không có bệnh viện nào nhận hết chú ơi. Bọn em đi đến đâu thì bọn họ đều bám theo và si nhan (signal) các bệnh viện không nhận chữa cho chú em. Đầu tiên thì điều trị ở bệnh viện Khánh Dương rồi công an tới áp giải đưa về bệnh viện 198 điều trị từ ngày mùng 7 tháng 6 năm 2013.
Ông Dương Văn Mình không phải bị từ chối chữa trị vì bệnh viện thiếu điều kiện nhưng bởi công an đã tới các bệnh viện răn đe họ không cho ông nhập viện do ông đang bị công an giám sát một cách đặc biệt vì đã vận động đồng bào H’mong thờ phụng thượng đế theo cách mà người văn minh đang làm, đó là bỏ những hủ tục tang ma mất vệ sinh cũng như mang hình ảnh cây thánh giá vào đời sống tín ngưỡng của họ.
Việc làm của ông Dương Văn Mình đã cuốn hút mãnh liệt đồng bào H’mong và chính quyền đã mạnh tay đàn áp, đập bỏ nhà nguyện của họ khiến hàng trăm người về Hà Nội hôm trước tết để biểu tình và bị đàn áp mạnh mẽ.
Tuy vậy phát biểu trước Liên Hiệp Quốc, người đại diện cho ban tôn giáo chính phủ vẫn khẳng định:
-Đối với tín đồ là người dân tộc thiểu số nhà nước đã cho nhập và in sách bằng chữ dân tộc hoặc bàng chữ song ngữ, chữ Việt và chữ dân tộc như chữ Khmer chữ Bana chữ Eđê chữ J’rai chữ H’mong.
Blogger Điếu Cày, bị giam giữ bằng luật pháp tùy tiện
Về quyền tự do phát biểu của người dân, đặc biệt trên mạng Internet, người đại diện cho thông tin và truyền thông của Việt Nam nói:
– Chúng tôi xin cảm ơn đại biểu của các nước Na Uy, Ba Lan, Hungary, Slovakia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh và Hoa Kỳ đã có những bình luận và phát biểu quan tâm đến vấn đề tự do bày tỏ biểu đạt tại Việt Nam. Về những vấn đề này tôi xin trình bày và cung cấp thêm thông tin như sau:
Quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin ở Việt Nam trong thời gian qua đã có bước cải thiện nhờ sự phát triển nhanh của các phương tiện thông tin đại chúng và mạng Internet. Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam ghi rõ công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin. Ở Việt Nam hiện nay không có kiểm duyệt báo chí xuất bản, không có kiểm duyệt thông tin trên mạng Internet. Trong một năm qua việc thực hiện tự do ngôn luận của người dân Việt Nam đã có bước tiến bộ. Các cuộc tranh luận, chất vấn, phản biện chủ trương chính sách của nhà nước đã diễn ra sôi nổi và thực chất tại Quốc hội cũng như tại các diễn đàn khác.
Để trả lời cho lời lẽ chắc nịch này, hai ngày sau khi UPR bế mạc tờ USA Today loan danh sách 10 nước có nền kiểm duyệt tồi tệ nhất hành tinh cho thấy Việt Nam không hề chịu thua trong thành tích này, Hà Nội xếp thứ 9. Tệ hơn nữa USA Today còn nêu lên bằng chứng rằng Việt Nam đã yêu cầu Yahoo, Google cùng Microsoft phải cung cấp mọi thông tin cá nhân của những bloggers sử dụng dịch vụ của họ. Việt Nam đã khóa các trang blog nào chỉ trích chính phủ cũng như hô hào, vận động cho dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo trên trang blog của họ.
Người đại diện Bộ công an sau khi cho UPR biết những điều tốt đẹp đã nói thêm về chế độ trại giam của Việt Nam như sau:
-Việt Nam có luật quy định về hoạt động giám sát thực hiện chế độ trại giam để đảm bảo thực hiện quyền con người của những người bị giam giữ, các cơ quan có quyền giám sát bao gồm quốc hội, đại biểu quốc hội, hội đồng nhân dân Mặt trận tổ quốc vá các thành viên liên quan. Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm sức khỏe danh dự nhân phẩm của người bị giam giữ và họ được hưởng thụ đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của nhà nước và chính phủ Việt Nam.
Ba ngày, sau lời khẳng định của đại diện Bộ công an, em trai của luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân là Lê Quốc Quyết kể lại câu chuyện của người tù nhân này, ông Quân đang tuyệt thực phản đối bản án dành cho ông và đòi nhà tù có thái độ đối xử tử tế đúng với luật pháp quốc tế đối với ông và những tù nhân khác:
LS Lê Quốc Quân, mới tuyệt thực trong trại giam
-Hôm qua nhận được cái điện người bạn trong tù họ gọi ra thông báo rằng anh Quân tuyệt thực họ không nói ngày nào nhưng hôm qua gia đình vào thì họ trả lời là anh Quân bị kỷ luật không được thăm nuôi. Nhưng mà đêm hôm qua họ lại gọi điện họ bảo sáng nay gặp anh Quân. Gia đình vào gặp thì anh ấy báo là đã tuyệt thực từ ngày mùng 2. Nếu họ không đáp ứng các yêu sách của ảnh thì anh ấy sẽ tuyệt thực cho đến phiên xử phúc thẩm sắp tới và nếu phiên phúc thẩm vẫn chỉ là kịch bản để hợp thức hóa bản án sai phạm ở phiên sơ thẩm thì anh ấy lại tiếp tục tuyệt thực nữa.
Người dân Việt Nam hôm nay hình như đã chú ý nhiều hơn tới những gì diễn ra tại Geneve. Qua Internet, hình ảnh và những phát ngôn của phái đoàn Việt Nam đã thể hiện đầy đủ vì vậy khi tờ báo VietnamNet cho đăng bài tường trình UPR và cho phép độc giả tỏ thái độ qua nút nhấn thích hay không thích, chỉ sau 30 tiếng đồng hồ số người thích là 212 và số không thích 6.942.
Con số này nói lên mặt trái của buổi thuyết trình, nó cũng là con dấu do nhân dân đóng trên hồ sơ Nhân Quyền của Việt Nam sau khi UPR kết thúc.