Ba Lan: 30 năm thay đổi dân chủ và thị trường, vượt xa Việt Nam

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ba Lan: 30 năm thay đổi dân chủ và thị trường, vượt xa Việt Nam

20/1/22 – Trần Quốc Quân – Gửi bài từ Warsaw, CH Ba Lan

Tôi có duyên, cũng có thể nói là may mắn được làm nhân chứng, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử nước nhà và thế giới, trong đó có sự sụp đổ của hệ thống XHCN Đông Âu và Liên Xô, bắt đầu từ Ba Lan.

Thủ đô Warsaw
Chụp lại hình ảnh, Thủ đô Warsaw

Ngày
21/9/1988, tôi đặt chân sang Ba Lan làm nghiên cứu sinh. Toàn cảnh Ba
Lan XHCN trong cơn hấp hối khiến tôi thất vọng tột độ. Lúc đó đường phố
thủ đô Warszawa toàn các tòa nhà xám xịt đã lâu không quét lại vôi, các
cửa hàng bách hóa và thực phẩm gần như trống rỗng, những dòng người với
gương mặt căng thẳng đầy lo âu bước vội trên vỉa hè hoặc chen chân chật
cứng trên các phương tiện giao thông công cộng.

Khi
cầm trên tay tờ phiếu thịt 2,5kg/tháng và đường 1,5kg/tháng được phát
theo tiêu chuẩn, tôi càng thất vọng hơn nữa. Ba Lan “đã xây dựng xong
CNXH, đang xây dựng CNXH phát triển để tiến lên xây dựng CNCS” như tuyên
truyền đây ư?

Vốn
chỉ quen ăn gạo và mì sợi, nhưng thời mới sang Ba Lan, hai loại lương
thực “xa xỉ” này không thể mua được ở đâu bởi không còn ngoại tệ để nhập
khẩu, nên suốt nửa đầu năm 1989, tôi phải ăn bánh mì và khoai tây suốt.

Ba
Lan khi đó như thùng thuốc súng, lúc nào cũng chực nổ tung. Đâu đâu
cũng thấy bãi công, biểu tình, với khẩu hiệu, biểu ngữ chăng đầy.

Tháng
4/1989 diễn ra Hội nghị Bàn tròn, hiệp thương giữa chính quyền cộng sản
với đối lập mà nòng cốt là Công đoàn Đoàn kết để đưa Ba Lan ra khỏi
cuộc khủng hoảng toàn diện.

Cảnh sát chống biểu tình thời Xã hội chủ nghĩa ở Ba Lan - ảnh tư liệu
Chụp lại hình ảnh, Cảnh sát chống biểu tình thời Xã hội chủ nghĩa ở Ba Lan – ảnh tư liệu

Tháng
6/1989, trong cuộc bầu cử Quốc hội, đối lập thắng tuyệt đối với 100%
ghế thượng nghị viện và 40% ghế hạ nghị viện. Chính quyền cộng sản chỉ
còn giữ được 60% ghế hạ nghị viện và ghế tổng thống không bầu lại theo
thỏa thuận của Hội nghị Bàn tròn.

Trong
cuộc bầu cử tự do sau đó một năm, ghế tổng thống của Đại tướng
Jaruzenski – Bộ trưởng Quốc phòng cũng mất nốt vào tay Lech Wałęsa lãnh
tụ Công đoàn Đoàn kết.

Nhà nước Ba Lan XHCN sụp đổ từ đó. Nhà nước Ba Lan cộng hòa dân chủ bừng dậy đầy sức sống mới cũng từ đó.

Sức sống mới thời hậu cộng sản

Nền
kinh tế thị trường thay thế hoàn toàn nền kinh tế kế hoạch hóa quan
liêu bao cấp. Chỉ mấy tháng sau khi chuyển đổi chế độ, bức tranh toàn
cảnh Ba Lan là “trên trời, dưới hàng”.

GDP/người
từ gần 2.000 USD năm 1990 lên 17.318 USD năm 2020, tính theo sức mua
PPP là 37.323 USD. Mức sống của người dân Ba Lan đã vượt qua Bồ Đào Nha
và Hy Lạp, đang đe dọa vượt qua cả Tây Ban Nha và rút gần khoảng cách
với Italia. Trong hơn 20 năm qua, nền kinh tế Ba Lan tăng trưởng liên
tục với tốc độ cao nhất Cộng đồng châu Âu (EU).

Hiện
nay, Ba Lan là cường quốc khu vực Trung Âu, có nền kinh tế lớn thứ sáu
EU và là một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới.
Đất nước này được xếp hạng rất cao về an sinh xã hội và chỉ số phát
triển con người. Nền giáo dục Ba Lan rất phát triển. Trong khu vực nhà
nước, giáo dục tiểu học và trung học được miễn học phí hoàn toàn.

Năm
1996, Ba Lan được kết nạp vào OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh
tế) gồm 30 nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Năm 1999, Ba Lan gia
nhập NATO. Năm 2004, Ba Lan được kết nạp làm thành viên EU. Năm 2007 Ba
Lan gia nhập khối Schengen, xóa bỏ đường biên giới với 25 quốc gia châu
Âu khác.

Quán ở bờ biển Kolobrzeg: cuộc sống của người Ba Lan ngày càng được cải thiện sau thay đổi thể chế
Chụp lại hình ảnh, Quán ở bờ biển Kolobrzeg: cuộc sống của người Ba Lan ngày càng được cải thiện sau thay đổi thể chế

Nền tảng không thể thiếu

Ba Lan đạt được những thành quả phi thường đó do nhiều nguyên nhân.

Trong
lịch sử, Ba Lan từng là một trong những nước lớn nhất, giàu nhất và
mạnh nhất châu Âu. Ngay từ năm 1791 Ba Lan đã có bản hiến pháp hiện đại
đầu tiên ở châu Âu, thứ hai trên thế giới, sau Mỹ.

Tinh
thần dân chủ của Ba Lan có bề dày từ lâu đời. Trước khi chuyển đổi chế
độ, Ba Lan là nước tự do nhất, dân chủ nhất trong khối các nước XHCN.
Suốt thời kỳ Ba Lan xây dựng CNXH, chỉ có 13% đất canh tác bị quốc hữu
hóa và hợp tác hóa.

Ba
Lan rất thuần khiết về dân tộc và tôn giáo. Trên lãnh thổ Ba Lan có 96%
người gốc Ba Lan sinh sống và cũng có 96% người Ba Lan theo Công giáo
La Mã. Tuy là một quốc gia thế quyền (secular – swiecki), nhưng đức tin
tôn giáo của người Ba Lan cao thuộc nhóm hàng đầu thế giới.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II (Pope John Paul II) người Ba Lan có ảnh hưởng rất lớn đối với cộng đồng người Ba Lan.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II
Chụp lại hình ảnh, Đức
Giáo hoàng Gioan Phaolô II vẫy tay chào tín đồ tại Quảng trường St
Peter ở Vatican nhân dịp lễ Phục Sinh (Easter), ngày 27/3/1997

Nhưng để Ba Lan đạt được những thành tựu đáng khâm phục đó, trước hết là do các nguyên nhân chính trị nội tại.

Cuộc
cách mạng chuyển đổi chế độ của Ba Lan từ toàn trị XHCN sang dân chủ,
tự do TBCN được tiến hành triệt để, đồng bộ và toàn diện.

Cánh
hữu Ba Lan vừa là lực lượng đối lập mạnh nhất, vừa trực tiếp lãnh đạo
đất nước, xuất thân chủ yếu từ Công đoàn Đoàn kết, một tổ chức chính trị
chặt chẽ, tập hợp những người có lý tưởng sống cao cả, mà các nhà lãnh
đạo hầu hết từng dấn thân, bị tù đày trong chế độ cộng sản.

Dưới
sự lãnh đạo của các chính phủ dân chủ, minh bạch, và thượng tôn pháp
luật, Ba Lan dần trở thành nước ít tham nhũng nhất thế giới.

Sống là phải tiếp tục đấu tranh

Tuy
nhiên, nền dân chủ Ba Lan hậu cộng sản không phải lúc nào cũng thuận
buồm, mát mái. Hơn 30 năm nay Ba Lan phải trải qua nhiều thử thách đầy
rẫy khó khăn.

Năm
năm sau khi chế độ XHCN sụp đổ, trong cuộc bầu cử quốc hội năm 1995,
chính phủ dân chủ Ba Lan đầu tiên, liên minh giữa Công đoàn Đoàn kết và
Đảng Nông dân đã mất quyền lãnh đạo đất nước.

Mười
năm (từ 1995 – 2005) Đảng Dân chủ Cánh tả (SLD) gốc cộng sản quay lại
nắm quyền điều hành chính phủ, Ba Lan đắm chìm trong nạn tham nhũng
triền miên. Nhưng từ sau cuộc bầu cử năm 2005 đến nay, Đảng SLD đã bị
loại ra khỏi quốc hội.

17
năm qua, phe hữu Ba Lan từng cùng chí hướng trong phong trào Công đoàn
Đoàn kết trước đây, không còn đoàn kết nữa, mà quay ra chỉ trích nhau
không khoan nhượng về quan điểm và quyền lợi. Trong đó sâu sắc nhất và
có ảnh hưởng nhất là cuộc đối đầu giữa Đảng Pháp luật và Công lý (PiS)
với Đảng Diễn đàn Công dân (PO).

Biểu tượng Công đoàn Đoàn kết và đoàn biểu tình bị một nhóm cảnh sát Ba Lan thời cộng sản vây lại - ảnh tư liệu
Chụp lại hình ảnh, Biểu tượng Công đoàn Đoàn kết và đoàn biểu tình bị một nhóm cảnh sát Ba Lan thời cộng sản vây lại – ảnh tư liệu

Đảng Diễn đàn Công dân (PO) có quan điểm ôn hòa hơn. Lãnh tụ đảng này là Donand Tusk, từng làm chủ tịch EU hai khóa liền.

Đảng
Pháp luật và Công lý (PiS) có quan điểm khá cực đoan. Lãnh tụ đảng này
là Jacek Kaczyński có thiên hướng dân tộc chủ nghĩa và gần gũi Giáo hội.
Ông chống chế độ toàn trị quyết liệt, từng là tù nhân thời Ba Lan cộng
sản, nhưng bản tính ông lại nhang nhác nhuốm màu độc tài. Mặc dù chống
cộng sản và ghét cánh tả, nhưng ông lại thích sử dụng các chiêu trò dân
túy của cánh tả để lôi kéo dân chúng ủng hộ đảng mình.

Quan hệ Ba Lan – Việt Nam luôn tốt

Ba
Lan và Việt Nam có sự tương đồng về quan hệ với cường quốc láng giềng,
từng phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống xâm lược để bảo vệ tổ
quốc: Ba Lan với Nga, và Việt Nam với Trung Quốc.

Trong
khi Việt Nam luôn mềm dẻo, không tham gia liên minh quân sự nào, thực
hiện chính sách đu dây với Trung Quốc, thì Ba Lan lại cứng rắn với Nga
trong các chính sách đối nội và đối ngoại. Đó là do Ba Lan hậu cộng sản
tỏ rõ lập trường thoát Nga, ngả hẳn về phương Tây, gia nhập khối quân sự
NATO và phát triển mạnh mẽ nền kinh tế. Hiện nay GDP của “siêu cường”
Nga chỉ hơn Ba Lan 2,6 lần (1.710 tỷ USD so với 655 tỷ USD).

Ba
Lan đã 2 lần tham gia Ủy ban Quốc tế giám sát và kiểm soát thi hành
Hiệp định hòa bình Geneva năm 1954 và Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973
tại Việt Nam.

Tất
cả các chính phủ Ba Lan hậu cộng sản tuy không đồng quan điểm với Việt
Nam về nhiều vấn đề nhưng luôn duy trì tình cảm hữu nghị thân thiết với
Việt Nam.

Ba
Lan là quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã
chọn Việt Nam để viện trợ kinh tế, và chọn Việt Nam làm bàn đạp tiến vào
thị trường châu Á.

Hơn
30 năm qua, hầu hết các tổng thống và thủ tướng Ba Lan hậu cộng sản dù
là cánh tả hay cánh hữu đã từng thăm chính thức Việt Nam, kể cả tổng
thống đương nhiệm.

Riêng
thủ tướng hiện thời của Ba Lan dù chưa đến Việt Nam nhưng bù đắp lại
bằng cách tặng nước ta 1.388.700 liều vaccine ngừa Covid-19, đứng thứ 7
thế giới.

Hơn
30 năm qua, Ba Lan trở thành mảnh đất thu hút và đón nhận nhiều người
Việt Nam đến sinh sống, làm việc và học tập. Năm 1990, ở Ba Lan chỉ có
khoảng 500 sinh viên, nghiên cứu sinh và người Việt kết hôn với người Ba
Lan. Hiện nay, ở Ba Lan có trên 30 nghìn người Việt Nam, hoặc có quốc
tịch Ba Lan, hoặc có thẻ cư trú, theo các số liệu của chính phủ Ba Lan.

Nhiều người Việt Nam làm nghề buôn bán quần áo tại Ba Lan
Chụp lại hình ảnh, Nhiều người Việt Nam làm nghề buôn bán quần áo tại Ba Lan

Ba Lan và Việt Nam tiến hành cải cách gần như đồng thời

Nhờ
cải cách sâu rộng và triệt để cả về chính trị, kinh tế, xã hội mà Ba
Lan trở thành quốc gia tự do, dân chủ, pháp quyền và minh bạch, tiếp tục
là điểm đến của người VN.

Muốn
trở thành quốc gia giàu mạnh, hạnh phúc, dân chủ và phồn vinh, tôi nghĩ
Việt Nam phải cải cách đồng bộ cả về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã
hội như Ba Lan thay vì chỉ xóa bỏ nền kinh tế tập trung quan liêu bao
cấp để chuyển sang nền kinh tế thị trường.

Đã sau 30 năm, bao giờ Việt Nam mới thay đổi triệt để như Ba Lan, loại bỏ được nguy cơ xung đột giữa nền chính trị bảo thủ với nền kinh tế cởi mở, mở đường cho đất nước phát triển toàn diện trong tương lai?

Trần Quốc Quân

*Bài thể hiện quan điểm riêng của nhà văn, doanh nhân Trần Quốc Quân, hiện sống tại Warsaw, Ba Lan. Cuốn tiểu thuyết ‘Tuyết hoang’ của ông, viết về cuộc sống và các quan hệ xã hội, kinh doanh của người Việt tại Ba Lan và Đông Âu trong quá trình chuyển đổi thể chế bắt đầu 30 năm trước đã ra mắt ở Việt Nam (NXB Trẻ 2014).

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-60052824