Át chủ bài của hải quân Mỹ ở Biển Đông

Cac Bai Khac

No sub-categories

Át chủ bài của hải quân Mỹ ở Biển Đông
Tàu tuần duyên USS Fort Worth của Mỹ tại Singapore. – Reuters
Theo RFI 08-06-2015

Tính cho đến hôm nay thì Hải quân Hoa Kỳ đã chính thức tung át chủ bài vào khu vực Biển Đông, đó là chiếc tuần duyên hạm USS Fort Worth mà nếu không có gì thay đổi sẽ là chiến hạm hoạt động lâu nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, với hai năm liên tiếp trên biển, cứ bốn tháng lại thay toàn bộ thủy thủ đoàn một lần, gối đầu nhau. Lê Hải đã theo sát lịch trình của con tàu này từ đầu năm đến nay và cung cấp thêm chi tiết tổng hợp từ các tài liệu của quốc hội và giới chuyên gia quân sự Hoa Kỳ.

Lê Hải: Tháng 11 năm ngoái tuần duyên hạm USS Fort Worth chính thức được đưa sang căn cứ quân sự của hải quân Mỹ ở Singapore với 54 thuyền viên và 24 binh sĩ thuộc lực lượng tác chiến trên không để triển khai trực thăng MH 60R Seahawk và trực thăng không người lái MQ-8B. Đúng như tên gọi, chiến hạm này được thiết kế để hoạt động ở khu vực thềm lục địa, thân nhỏ hẹp dễ dàng chui lọt giữa các luồng lạch nhỏ, tốc độ nhanh, và được thiết kế để nằm ngoài tầm theo dõi của rada.

Đây là một bước tiến rất xa về kỹ thuật hàng hải và quốc phòng, vì với loại tàu có lượng giãn nước cỡ 3000 tấn thì hiện nay Việt Nam chỉ có chủ yếu là tàu vận tải như chiếc HQ 571 của hải quân, và ngay cả tàu CSB 8001 hiện đại nhất của cảnh sát biển thì cũng chỉ có thể làm nhiệm vụ tuần tra là chủ yếu, hơn là khả năng tác chiến với hỏa lực mạnh.

Vài tuần trước USS Fort Worth đã thử chạm mặt với tàu chiến TC và kết quả theo như phóng sự của CNN thì chiến hạm Yancheng bị tụt lại đằng sau rất xa. Theo kế hoạch thì bốn chiếc tuần duyên hạm của Mỹ sẽ làm chủ mọi hoạt động trên các tuyến đường biển ở biển đông, thay thế tư duy trước đây thường sử dụng tàu to để án ngữ địa hình nhưng lại xoay chuyển chậm chạp và ca nô nhỏ kèm theo thì không đủ hỏa lực và vũ khí để khống chế đối phương trong trường hợp cần ngăn chặn hay kiểm soát tàu bè.

Đây không chỉ là chuyện thay đổi trang bị hay cách sử dụng một chiếc tàu chiến, mà đây là kết quả của một chương trình đầu tư chiến lược mà hải quân Mỹ đã liên tục đấu tranh với quốc hội để đòi duyệt chi khoản ngân sách không lồ trong suốt nhiều năm qua. Ban đầu chương trình yêu cầu Hoa Kỳ phải có 52 chiếc tuần duyên hạm để hiện đại hóa hải quân cho phù hợp với tình hình như dự án đã trình từ cách đây 15 năm, nhưng nay quốc hội rút xuống chỉ còn đươc 20 chiếc mà thôi, theo như báo cáo mới nhất của Quốc hội Mỹ hồi tháng Ba vừa qua.

Mỗi chiếc tuần duyên hạm mang số hiệu LCS, tức là viết tắt của chữ tàu chiến gần bờ Littoral Combat Ship, tốn khoảng 479 triệu USD để chế tạo. Con tàu LCS-3, tức là USS Fort Worth sau một năm rưỡi hoạt động trên biển sẽ trở về Mỹ để bảo trì cũng phải tốn đến 10 triệu USD từ ngân sách.

RFI: Dư luận Việt Nam hay bàn đến chuyện mời Hoa Kỳ sử dụng quân cảng Cam Ranh, nếu điều đó xảy ra thì chiếc tàu đặc biệt này của Mỹ sẽ khiến Trung Quốc sẽ ngại chuyện đưa dàn khoan 571 vào sát khu vực chỉ còn cách bờ biển Việt Nam 40 hải lý như mấy ngày qua, chưa kể đến nguồn thu nhập cho việc sửa chữa hay hậu cần và dịch vụ kèm theo?

Lê Hải: Có lẽ điều đó sẽ khó xảy ra vì ngay cả như căn cứ hải quân ở Phillipines cũng chỉ là điểm dừng chân cho USS Fort Worth mà thôi. Hai cảng chính cho loại tàu này nằm ở Singapore và Nhật Bản, vốn không chỉ là đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ mà còn có điều kiện kỹ thuật cao để tiếp nhận.

Cách sắp xếp như vậy cũng thể hiện rõ cách nhìn của Hoa Kỳ về Biển Đông, không phải là họ thực sự muốn bênh vực các nước nhỏ như Việt Nam hay Philiipines, hay muốn có hành động chọc tức Trung Quốc, mà muốn thể hiện khả năng làm chủ tuyến đường hàng hải trong khu vực có tranh chấp, trải dài từ Singapore sang tới Nhật Bản.

Tuần duyên hạm vốn được thiết kế để hoạt động ven bờ, tức là chủ yếu là bảo vệ bờ biển nước Mỹ, nhưng được điều sang nằm ở Singapore, và với tốc độ cao thỉnh thoảng lại chạy qua chạy lại trong khu vực, chỉ mất vài ngày so với trình độ hải quân của tất cả các nước ở Biển Đông phải mất vài tuần cho đến cả tháng mới thực hiện nổi. Khi gặp tàu Trung Quốc, hải quân Mỹ không ngại tiếp cận nhưng không giao chiến mà đưa ra bộ qui tắc về luật lệ quốc tế trên biển để buộc Trung Quốc phải tuân thủ. Và thực sự thì Trung Quốc cũng không có cách nào dùng vũ lực để thực hiện các luật lệ mà tự họ đặt ra.

Một cách dễ hiểu, tuần duyên hạm của Mỹ ở Biển Đông giống như là một đơn vị cảnh sát quốc tế vừa đi lại để nhận diện những ai vi phạm luật lệ do Mỹ và thế giới định ra, nhưng chưa có hành động bắt giữ hay là trấn áp bằng vũ lực, chỉ là nhắc nhở và ghi nhận. Và ngược lại, khả năng quân sự và kỹ thuật của đơn vị này quá mạnh và quá cao đến nỗi kể cả ai đó muốn thử sức cũng không kịp có cơ hội.

Nói một cách ví von, nếu Trung Quốc muốn làm trùm xã hội đen trong xóm thì cũng phải kiêng dè đơn vị cảnh sát này và chỉ dám xuất hiện khi tàu chiến của Hoa Kỳ vắng mặt. Theo cách nhìn đó chuyên gia quốc phòng Mark Thompson trên tờ Time cho rằng sẽ khó xảy ra đụng độ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, mà Việt Nam và Phillipines mới là các nước dễ thiếu kiềm chế.

RFI: Tuần duyên hạm dù được trang bị hỏa lực nhưng không phải là loại tàu chiến để tấn công và cũng khó tự vệ một mình, như vậy thực sự là Hoa Kỳ sắp tới sẽ đưa quân đội vào khu vực Biển Đông, hay chỉ làm cảnh sát chạy qua lại và nhắc nhở các bên về luật lệ mà thôi?

Lê Hải: Chiếc tuần duyên hạm đầu tiên được xuất xưởng là USS Freedom, chính thức được hải quân Mỹ tiếp nhận vào năm 2008. Còn USS Fort Worth trước khi được đưa sang Singapore đã được gia cố thêm để tăng tốc đô và khả năng hoạt động lâu ngày trên biển. Điều đó thể hiện rõ ý định của Hoa Kỳ hiện tại có lẽ chỉ muốn làm cảnh sát biển quốc tế ở khu vực Biển Đông mà thôi.

Các ý kiến từ giới chuyên gia của hải quân Hoa Kỳ về Trung Quốc cũng đề nghị nên đưa hoạt động của bốn chiếc tuần duyên hạm ở Biển Đông vào cơ cấu giống như là Lực lượng phòng vệ bờ biển của Mỹ, đặt nặng việc thực thi công pháp quốc tế và biện pháp ngoại giao, còn vũ khí hạng nặng của hải quân thì nên được bố trí sẵn sàng để trừng phạt khi cần thiết. Tuy nhiên, từ một góc độ khác, hải quân Mỹ hiện đang bắt đầu dùng chữ frigate (tàu chiến) thay cho chữ ship (tàu) trong các báo cáo về tuần duyên hạm, cho nên có thể thấy rằng hiện nay các chiếc tàu này đang được tăng dần khả năng tấn công.

Ngoài ra, cũng cần chú ý thêm rằng cùng là tuần duyên hạm, nhưng chỉ có hai chiếc thuộc hạng freedom do Lockheed Martin chế tạo, còn hai chiếc kia thuộc hạng independence do General Dynamics sản xuất, được thiết kế theo kiểu tàu chiến, với chi phí cao hơn, gần gấp rưỡi, chừng 700 triệu USD, như chiếc LCS-2 USS Independence, cũng được hải quân Mỹ tiếp nhận vào năm 2008. Khi phối hợp với nhau các chiếc tàu này sẽ tạo ra một sức mạnh khó lường, đặc biệt là nếu có máy bay từ đằng xa tới hỗ trợ. Hiện nay người ta vẫn còn đang giữ bí mật về chi tiết và trang bị của những chiếc tàu sắp được triển khai, cho nên là sắp tới sẽ còn rất nhiều màn ngoạn mục đang chờ hải quân Hoa Kỳ biểu diễn ở Biển Đông.

RFI: Xin cám ơn Lê Hải

Lê Hải