ASEAN chia rẽ hay đoàn kết?

Cac Bai Khac

No sub-categories

ASEAN chia rẽ hay đoàn kết?

Các lãnh đạo ASEAN gặp nhau tại Myanmar

Phân tích của Wall Street Journal nói vẫn có chia rẽ trong ASEAN – có nước muốn cứng rắn hơn với Bắc Kinh, nhưng có những nước ngại gây mất lòng đối tác kinh tế. Wall Street Journal nói Việt Nam “đã không có được sự ủng hộ mà nước này hy vọng” từ ASEAN, sau lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Theo BBC – 10:08 GMT – Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Có các nhận định khác nhau quanh thái độ của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean) sau khi Việt Nam cáo buộc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào thềm lục địa Việt Nam 80 hải lý.

Cuộc họp thượng đỉnh của Asean tại Myanmar đã ra các tuyên bố bày tỏ quan ngại và kêu gọi các bên không dùng vũ lực trên Biển Đông.

Tuyên bố chung sau khi bế mạc cuộc gặp kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, không tiến hành các hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông.

Một tuyên bố khác của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao Asean-24 kêu gọi “giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế, và UNCLOS”.

Hôm 10/5, các ngoại trưởng Asean cũng ra tuyên bố tương tự, kêu gọi “giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.

Tất cả các tuyên bố này đều không nêu cụ thể vụ giàn khoan, hay tên nước nào.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên án Trung Quốc “ngang nhiên” đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu đi vào vùng biển Việt Nam.

Ông Dũng “khẩn thiết kêu gọi các nước Asean, các nước trên thế giới, các cá nhân và Tổ chức quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối hành động vi phạm nghiêm trọng nêu trên và ủng hộ yêu cầu hợp pháp, chính đáng của Việt Nam”.

‘Đồng thuận’

Sau khi kết thúc hội nghị Asean, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nói sau 20 năm, đây là lần đầu tiên Asean có một tuyên bố riêng về tình hình Biển Đông.

“Điều này thể hiện sự lo ngại của tất cả các nước ASEAN chứ không chỉ là sự lo ngại của các nước có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, vì nó ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực, đến hòa bình và an ninh, tự do hàng hải,” ông Minh nói.

Ông Minh cho biết tại hội nghị, “tất cả các nước đều phát biểu về tình hình Biển Đông”, cho rằng tuyên bố thể hiện sự “đồng thuận” của mọi nước thành viên.

Phân tích của hãng tin AFP chia sẻ quan điểm này, cho rằng Asean đã lập nên “mặt trận thống nhất hiếm hoi” trước Bắc Kinh.

Bài của phóng viên Martin Abbugao nói Việt Nam và Philippines “đã thúc đẩy thành công để Asean đưa ra sự phê phán ngầm với Trung Quốc”.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi ASEAN ủng hộ Việt Nam

Nói với AFP, giáo sư người Úc Carl Thayer chỉ ra rằng hội nghị tại Myanmar đã có giọng khác với hội nghị 2012 tại Campuchia. Khi đó Phnom Penh khước từ các đề nghị liên quan Biển Đông vì sợ mất lòng Trung Quốc.

Tuyên bố lần này “thể hiện sự cứng rắn hơn một chút trong lập trường của Asean”, theo giáo sư Thayer.

“Tuyên bố đó tế nhị đến mức nó sẽ không làm Bắc Kinh giận dữ, nhưng lãnh đạo Asean bày tỏ rõ là họ chia sẻ quan ngại chung,” cũng theo ông Thayer.

Trong khi đó, tại Manila, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III nói ông hài lòng vì sự “đồng thuận” của các lãnh đạo Asean và bản tuyên bố chung.

Vị tổng thống nói ông đã trình bày các vụ tranh chấp của Philippines với Trung Quốc tại cuộc họp.

Ông nói “không phải dễ” khi có được bản tuyên bố mà mọi thành viên Asean đều chấp thuận.

Còn Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nói với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng Indonesia có thể giúp điều phối liên lạc giữa Hà Nội và Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Indonesia được chỉ thị liên lạc với Trung Quốc để bày tỏ “quan ngại và hy vọng vấn đề có thể được giải quyết tốt, ngăn không cho biến thành khủng hoảng lớn hơn,” theo phía Indonesia.

‘Không có gì mới’

Tuy vậy, cũng có nhà quan sát cho rằng tuyên bố của ASEAN chẳng có gì mới.

Nói với báo Wall Street Journal, ông Ian Storey, nhà nghiên cứu về an ninh Đông Nam Á làm việc ở Singapore, nói tuyên bố của các ngoại trưởng ASEAN “chỉ nhắc lại lập trường của Asean về tranh chấp, và chẳng có gì mới”.

Phân tích của Wall Street Journal nói vẫn có chia rẽ trong ASEAN – có nước muốn cứng rắn hơn với Bắc Kinh, nhưng có những nước ngại gây mất lòng đối tác kinh tế.

Wall Street Journal nói Việt Nam “đã không có được sự ủng hộ mà nước này hy vọng” từ ASEAN, sau lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.