ASEAN: Bị thách thức vì chủ trương theo TC của Duterte – Đang ngả dần về TC?
Chính sách ngoại giao mới được tuyên bố của tổng thống Philippines Duterte là xa rời đồng minh truyền thống Mỹ để liên kết với TC và Nga, tiếp tục gây chấn động dư luận: Báo giới các nước láng giềng không ngừng phân tích lợi hại trong chủ trương xoay trục của Duterte. Nhà phân tích Tang Siew Mun, trên tờ Straits Times số ra ngày 28/10/2016 đã nhìn thấy là ASEAN đang bị thách thức ngay trong bản sắc của mình, đúng vào lúc Philippines sắp ngồi vào ghế chủ tịch luân phiên Hiệp Hội Đông Nam Á vào năm tới 2017.
Tác giả bài phân tích nhắc lại rằng sau tuyên bố “chia tay với Mỹ” của ông tại diễn đàn doanh nhân ở Bắc Kinh ngày 20/10 đã gây một làn sóng chấn động, tổng thống Philippines đã cố giải thích lại, cho rằng Philippines chỉ muốn có một chính sách ngoại giao độc lập và không cần nhất thiết “theo đuôi” nền ngoại giao Mỹ.
Thế nhưng những giải thích đó không đủ để xóa tan nỗi lo ngại về nguy cơ gẫy đổ trong quan hệ Philippines-Mỹ cũng như tạo nên sự tin tưởng rằng Philippines vẫn còn có thể là một đồng minh chiến lược đáng tin cậy trong mắt người Mỹ.
Trong thực tế, Duterte có thể là đã nhận thấy rằng cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Mỹ không đơn giản, hơn nũa uy tín của Mỹ ở Philippines vẫn rất lớn. Một cuộc thăm dò dư luận trong tháng qua của tổ chức Social Weather Stations cho thấy tỷ lệ dân chúng tin tưởng vào Hoa Kỳ là 66%. Dĩ nhiên cũng không nên đánh giá thấp khả năng của Duterte ảnh hưởng đến phần còn lại của số dân có tâm lý bài Mỹ.
Ông Tang Siew Mun cũng nhìn nhận là ‘ công bằng mà nói, Philippines một đất có chủ quyền, có toàn quyền thay đổi liên minh chiến lược. Với việc Manila xích lại gần Bắc Kinh, chuyến viếng thăm 4 ngày của Duterte đã gặt hái được 15 tỷ đô la đầu tư và thêm 9 tỷ đô la tín dụng. Quả là món lợi to lớn, hơn rất xa số 5,7 tỷ đầu tư trực tiếp đổ vào Philippines vào năm ngoai’.
ASEAN bị tác đông
Theo chuyên gia Singapore, sự kiện Duterte đi theo TC có thể mang lại thu hoạch tốt đẹp về mặt kinh tế, nhưng cái giá chính trị phải trả có thể rất đắt, không chỉ cho Philippines mà cho cả khối ASEAN.
Thông báo rõ ràng và rất công khai của Philippines là sẽ ngả theo TC và có thể liên kết với cả Nga, đã đi ngược lại với nguyên tắc chủ đạo của ASEAN là “không đứng về phe nào” trong số các cường quốc lớn trên thế giới. “Không đứng về phe nào” không có nghĩa là trung lập hay nhắm mắt làm ngơ trước các vấn đề khu vực và thế giới, mà trái lại nguyên tắc độc lập trên mặt ngoại giao đó đã cho phép các thành viên ASEAN có một tiếng nói đáng tin cậy trong cộng đồng quốc tế.
Nguyên tắc cơ bản đó trong ASEAN cũng đã cho phép 10 thành viên của Hiệp Hội có được những quan hệ tốt, hai bên cùng có lợi với các cường quốc, mà không vướng vào các ganh đua giữa họ với nhau.
Chính vì đã đứng được bên trên các tranh chấp và ganh đua chính trị giữa các nước lớn mà ASEAN đã có thể giữ được sự tự trị của mình, không bị lôi cuốn vào những vùng ảnh hưởng ngột ngạt của Mỹ, TC hay Nhật Bản. Chiến lược sống còn này đã giúp ASEAN đứng vững từ khi mới thành lập năm 1967, nhưng giờ đây đang bị đe dọa.
Ý nghĩ về khả năng ASEAN bị chia thành hai phe “thân Trung Quốc” và “thân Mỹ” có thể là đã được nghe như rất kỳ lạ vào đầu thiên niên kỷ này, nhưng việc TC phủ bóng trên nền kinh tế của Cam Bốt và Lào, và sự kiện Duterte vừa tỏ thái độ tâm đầu ý hợp với Bắc Kinh đã làm cho ý tưởng đáng buồn đó có thêm thực chất. Đối với rất nhiều người trong vùng, việc Duterte ve vãn TC và Nga, đồng thời lại xua tay đuổi Mỹ, đã làm nhớ lại thời kỳ chiến tranh lạnh.
Một ASEAN bị rạn nứt sẽ gây nên một vết chia cắt kiểu chiến tranh lạnh không có lợi cho cả Bắc Kinh lẫn Washington, và gây ra những tổn hại không thể cứu vãn được cho Hiệp Hội Đông Nam Á. Chẳng phải là mục tiêu chiến lược rộng lớn của ASEAN sẽ dễ đạt được hơn khi làm việc cùng với các cường quốc thay vì giúp họ chuyển chiến tuyến vào bên trong khu vực hay sao?
Theo Tang Siew Mun, các hành động của Duterte có hậu quả vượt ra bên ngoài đất nước của ông, nhất là khi Philippines giữ vai trò chủ tịch ASEAN năm tới đây. Một chủ tịch thiên vị đối tác này hơn các đối tác khác chỉ gây nên sự mất tin tưởng, tác hại đến vai trò trung tâm của ASEAN.
ASEAN chỉ có thể làm tốt vai trò tế nhị là cân bằng quan hệ với các cường quốc, khi giữ được tính chất không thiên vị của mình và duy trì được tính chất mở cửa và hòa đồng của khu vực. Việc Philippines đứng hẳn về phía TC có tác dụng lật đổ vai trò trung tâm của ASEAN.
Nhưng bên cạnh đó, theo nhà phân tích Singapore, thì sự kiện Philippines xích gần lại TC cũng là một diễn biến tích cực đối với Manila và khu vực. Việc khởi động các cuộc thảo luận trực tiếp về tranh chấp ở Biển Đông có thể làm giảm căng thẳng, giảm mức độ leo thang tranh chấp. Tuy nhiên, dù nôn nóng muốn đạt được thỏa thuận với TC, chủ tịch sắp tới của ASEAN không nên quên những cam kết của vùng, phải ghi nhớ rằng mối quan tâm hàng đầu của ASEAN là bảo tồn và nêu cao tính bất khả xâm phạm của luật pháp quốc tế trong tư cách là nguyên tắc chi phối các vấn đề quốc tế.
Và điều quan trọng hơn cả là Duterte phải ý thức rằng trong vòng hai tháng nữa, ông sẽ phải gánh vác hai nhiệm vụ quan trọng. Nhiệm vụ trước tiên và hàng đầu của ông dĩ nhiên là phải lo cho dân chúng Philippines. Tuy nhiên cùng lúc ông cũng phải nghĩ đến nhiệm vụ thứ hai là quan tâm đến nguyên vọng của 635 triệu người dân Đông Nam Á, sẽ trong chờ nơi sự lãnh đạo và cảm hứng của ông để đưa ASEAN đi tới, đi xa hơn lễ sinh nhật vàng 50 năm này.
Nhưng câu hỏi là liệu Duterte có thể dung hòa được quyền lợi của riêng Philippines với những yêu cầu và trách nhiệm của một thành viên Asean hay không?
Trong năm đánh dấu 50 năm thành lập này, kỳ vọng trong khu vực là Philippines có thể phất cao ngọn cờ ASEAN, phất rất cao, nhất là khi Manila còn là một trong 5 thành viên sáng lập hiệp hội. Vào lúc mà ASEAN có vẻ như không có phương hướng và thiếu sự lãnh đạo rõ ràng, nhất là trên các vấn đề an ninh, mọi con mắt sẽ nhìn sang Manila. Mọi người hết sức chờ đợi là Philippines, với tư cách là thành viên sáng lập, sẽ đề cao các nguyên tắc, chuẩn mực của ASEAN.
Có điều là còn phải chờ xem ASEAN có phải là một ưu tiên đối với chính quyền Duterte hay không? – Theo RFI
***
Thủ tướng Malaysia Najib Razak hôm nay, 31/10, tới TC, bắt đầu chuyến thăm kéo dài tới ngày 6/11, ít lâu sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte rời Bắc Kinh.
Người đứng đầu chính phủ Malaysia, một nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), công du nước đông dân nhất thế giới cùng với hàng chục quan chức chính phủ và doanh nhân.
Trong một thông cáo ra ngày 26/10, ông Najib được Reuters dẫn lời nói rằng Malaysia cam kết củng cố quan hệ hữu nghị với TC và sẽ thúc đẩy mối bang giao lên “các tầm cao mới”.
Thủ tướng Malaysia nói: “Chúng tôi sẽ ký nhiều thỏa thuận mới cũng như các biên bản ghi nhớ sẽ nâng quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới hơn nữa”.
Chuyến thăm của ông Najib diễn ra vài ngày sau khi Tổng thống Duterte tuyên bố tại Bắc Kinh rằng ông “ly khai” với đồng minh lâu năm Hoa Kỳ và đã “chỉnh đốn lại” quan hệ với TC.
Cả Philippines và Malaysia đều có tranh chấp chủ quyền với TC ở Biển Đông, nhưng ông Duterte thời gian qua đã mềm mỏng hơn với Bắc Kinh nhằm tăng cường quan hệ cũng như thu hút đầu tư từ TC.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời một nhà phân tích nói rằng chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng có thể tìm cách giảm nhẹ cuộc tranh chấp với Malaysia bằng cách đưa ra các đề nghị về kinh tế.
Hãng tin của Anh cho rằng chuyến công du của ông Najib một lần nữa lại có thể gây trở ngại cho chính sách của Mỹ về Đông Nam Á.
Trong một bài phân tích hôm 31/10, Hoàn cầu Thời báo của TC dẫn lời các chuyên gia nói rằng việc các quốc gia Đông Nam Á xích lại gần hơn với TC không những làm giảm căng thẳng tranh chấp ở biển Đông mà còn gia tăng sự cạnh tranh [về ảnh hưởng] giữa liên minh Mỹ – Nhật và TC.
Trong một động thái không rõ có liên quan với các chuyến công du của các quan chức ASEAN tới TC hay không, người được cho nhiều khả năng lên kế nhiệm Nguyễn Phú Trọng tới thăm Hoa Kỳ tuần trước, sau khi hội kiến Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh.
Tin cho hay, chuyện Biển Đông và TPP nằm cao trong nghị trình cuộc gặp giữa Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. – Theo VOA