Anh rể của Tập dùng thiên đường thuế – Cộng sự của Putin chuyển 2 tỉ đô qua tài khoản nước ngoài – Rò rỉ tài liệu trốn thuế lớn chưa từng có

Cac Bai Khac

No sub-categories

Anh rể của Tập dùng thiên đường thuế – Cộng sự của Putin chuyển 2 tỉ đô qua tài khoản nước ngoài – Rò rỉ tài liệu trốn thuế lớn chưa từng có

Hồ sơ Panama tiết lộ rằng những gia đình giàu có của một số lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Hoa, trong đó bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình, đã sử dụng những thiên đường thuế ở nước ngoài để che giấu tài sản khổng lồ của mình.

Danh sách này bao gồm ít nhất tám thành viên đương chức hoặc đã bãi nhiệm của Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Trung Ương Đảng Cộng sản Trung Hoa.

Tám người này nằm trong số 140 chính trị gia trên thế giới bị cáo buộc có liên quan đến các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài.

Một trong số đó được tiết lộ là tài khoản của anh rể Tập là Đặng Gia Qúy.

Đặng thành lập hai công ty tại Quần đảo Virgin thuộc Anh vào năm 2009.

Tại thời điểm đó Tập Cận Bình chưa lên làm Chủ tịch nước, mới là thành viên Ban thường vụ Bộ Chính trị.

Báo chí nước ngoài cho rằng Tập có nhiều tài sản gia đình ở nước ngoài.

Trong hồ sơ Panama cũng có tên người gửi tiền là Lý Tiểu Lâm, con gái cựu Thủ tướng Lý Bằng và bà Jasmine Li, cháu gái của Giả Khánh Lâm, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Hoa.

Công ty của Lý Tiểu Lâm, tên là Cofic Investments Ltd, có địa chỉ tại British Virgin Islands, còn bà Jasmine Li thì nhận được một công ty ở hải ngoại khi còn ở tuổi thiếu niên.

Những cáo buộc này bị báo chí chính thống tại TC phớt lờ và những ấn phẩm trên mạng bị kiểm duyệt.

Bộ trưởng Ấn Độ cảnh báo

Bộ trưởng tài chính Ấn Độ ông Arun Jaitley cho rằng đây là “sự phiêu lưu đắt đỏ” cho những người không tranh thủ đợt ân xá năm ngoái để khai báo tài sản bất hợp pháp của mình ở nước ngoài.

Ông nói thêm về việc sẽ thi hành sáng kiến toàn cầu chống lại việc che giấu tài khoản ở nước ngoài vào năm tới.

Một báo cáo cho biết hơn 500 người Ấn Độ có liên quan đến những thiên đường trốn thuế ở nước ngoài, theo tài liệu bị tiết lộ của công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở ở Panama. – Theo BBC

***
Một nhóm những nhà báo quốc tế, làm việc với những tài liệu rò rỉ từ một công ty luật ở Panama, kết luận rằng những cộng sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chuyển tới 2 tỉ đôla qua những tài khoản ngân hàng ở nước ngoài trong khoảng thời gian gần 40 năm.

Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế, liên minh với tờ báo Sueddeutsche Zeitung của Đức và hơn 100 hãng tin khác, cho biết trong một báo cáo hôm Chủ nhật rằng 11,5 triệu tài liệu từ công ty luật Mossack Fonseca của Panama cho thấy hàng chục giao dịch “dính dáng tới những người hoặc những công ty liên kết với Putin” từ năm 1977 đến cuối năm 2015.

Gửi tiền trong những tài khoản ở nước ngoài không nhất thiết là bất hợp pháp, và có thể được sử dụng để thiết lập nơi tránh thuế hợp pháp hoặc làm cho những thỏa thuận kinh doanh quốc tế trở nên dễ dàng. Nhưng báo cáo cho biết “những tài liệu cho thấy những ngân hàng, những công ty luật và những tác nhân nước ngoài khác thường không tuân thủ những quy định pháp lý buộc họ phải đoan chắc rằng khách hàng của họ không dính dáng đến những tổ chức tội phạm, trốn thuế hoặc tham nhũng chính trị.”

Điện Kremlin tuần trước không trả lời câu hỏi của phóng viên về những giao dịch này, và đã công khai cáo buộc nhóm nhà báo là chuẩn bị một “cuộc tấn công thông tin” sai lệch nhắm vào nhà lãnh đạo Nga và những người thân cận với ông ta.

Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) là một tổ chức phi lợi nhuận đặt ở thủ đô Washington của Mỹ.

Sueddeutsche Zeitung, đặt tại thành phố Munich, hôm Chủ nhật cho biết họ đã nhận được dữ liệu từ một nguồn ẩn danh từ hơn một năm trước. Báo này nói số lượng dữ liệu mà họ nhận được còn lớn hơn so với những điện tín ngoại giao của Mỹ bị WikiLeaks công bố vào năm 2010, và những tài liệu tình báo bí mật được Edward Snowden trao cho những nhà báo vào năm 2013.

Ngoài những liên kết với Putin, ICIJ cho biết những tài liệu này:

– Tiết lộ tài sản ở nước ngoài của 140 chính trị gia và quan chức công cử khắp thế giới, bao gồm 12 nhà lãnh đạo thế giới hiện tại và trước đây. Trong số đó có thủ tướng của Iceland và Pakistan, tổng thống của Ukraine và Argentina, và quốc vương Ả-rập Saudi.

– Bao gồm tên của ít nhất 33 người và công ty bị chính phủ Mỹ liệt vào danh sách đen vì những bằng chứng cho thấy họ dính líu vào những hành vi sai trái, chẳng hạn như làm ăn với những trùm ma túy Mexico, những tổ chức khủng bố như Hezbollah hay những nước bất hảo như Bắc Triều Tiên và Iran.

– Cho thấy cách thức mà những ngân hàng lớn đã thúc đẩy việc tạo ra những công ty khó lần ra dấu vết ở những nơi tránh thuế ở nước ngoài. Hơn 500 ngân hàng, những công ty con và những chi nhánh của họ đã tạo ra hơn 15.000 công ty ở nước ngoài cho khách hàng của mình thông qua công ty luật Mossack Fonseca.

Công ty Panama này nói với báo The Washington Post rằng họ tuân theo “cả ngôn từ và tinh thần” của pháp luật tài chính, vốn khác nhau ở khắp thế giới. Công ty nói rằng trong gần 40 năm hoạt động họ chưa bao giờ bị cáo buộc có hành vi phạm tội nào cả.

Báo cáo cho biết Quần đảo Virgin thuộc Anh là nơi tránh thuế ở nước ngoài phổ biến nhất, với một trong số hai công ty trong những hồ sơ của Mossack Fonseca đang được lập ra một cách hợp pháp ở đó. Panama, Bahamas và Seychelles là những địa điểm tiếp theo trong danh sách.

Báo cáo của ICIJ cũng làm sáng tỏ một vụ cướp vàng vào năm 1983 ở Anh được mệnh danh “Tội ác của Thế kỷ.”

Những kẻ cướp lấy trộm gần 7.000 thỏi vàng từ kho Brink’s-Mat tại sân bay Heathrow ở London, cùng với tiền mặt và kim cương. Nhưng vàng được nấu chảy và đem bán, và phần lớn số tiền không bao giờ lấy lại được.

Báo cáo cho biết một tài liệu của Mossack Fonseca cho thấy một quan chức tại một công ty mà công ty luật này tạo ra 16 tháng sau vụ trộm “dường như có dính dáng đến việc quản tiền từ vụ trộm nổi tiếng từ Brink’s-Mat ở London. Bản thân công ty không được sử dụng một cách phi pháp, nhưng có thể là công ty đầu tư tiền thông qua những tài khoản ngân hàng và tài sản có nguồn gốc bất chính.”

Công ty luật này phủ nhận họ giúp che giấu số tiền lấy được từ vụ trộm ở London. – VOA

***
Một vụ rò rỉ tài liệu mật vừa tiết lộ những người giàu và quyền lực sử dụng các thiên đường trốn thuế để che giấu tài sản ra sao.

11 triệu tài liệu từ một trong những công ty bí ẩn nhất thế giới, công ty luật Mossack Fonseca ở Panama, bị tung ra.

Các tài liệu này cho thấy Mossack Fonseca đã giúp các khách hàng rửa tiền, tránh lệnh trừng phạt và trốn thuế ra sao.

Công ty này cho biết họ đã hoạt động không thể chê vào đâu được trong suốt 40 năm và chưa bao giờ bị cáo buộc phạm tội.

Tài liệu cho thấy các đầu mối có liên hệ đến 72 cựu lãnh đạo và lãnh đạo đương nhiệm, bao gồm cả các nhà độc tài bị cáo buộc tham nhũng từ chính quốc gia của mình.

Gerard Ryle, Giám đốc của Nghiệp đoàn quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ), cho biết tài liệu bị tung ra cho thấy hoạt động hàng ngày của công ty Mossack Fonseca trong suốt 40 năm qua.

“Tôi nghĩ vụ tiết lộ sẽ là đòn mạnh nhất đánh vào vào các thiên đường thuế vì phạm vi của các tài liệu này” – ông cho biết

Panama Papers – Thiên đường trốn thuế của người giàu và giới quyền lực bị phơi bày

11 triệu tài liệu của Công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở ở Panama được trao cho tờ báo Đức Suddeutsche Zeitung. Tờ này sau đó đã chia sẻ tài liệu này cho Nghiệp đoàn Quốc tế các nhà báo điều tra.

BBC Panorama là một trong số 107 tổ chức báo chí, cùng với tờ Guardian của Anh – nằm trong số 78 quốc gia đang tham gia phân tích tài liệu này. BBC không được biết nguồn cung cấp tài liệu.

Tài liệu cho thấy công ty này đã giúp khách hàng rửa tiền, tránh lệnh trừng phạt và trốn thuế.

Mossack Fonseca cho biết họ đã hoạt động hoàn hảo trong 40 năm và chưa bao giờ bị cáo buộc hay truy tố về bất cứ tội gì.

Dữ liệu bao gồm bí mật của các công ty bình phong (offshore company – đặt ở nước ngoài, thường liên quan đến các thiên đường trốn thuế).

Các công ty này liên đới đến các gia đình và tổ chức của cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarack, cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi và Tổng thống Syria Basha al-Assad.

Liên quan đến Nga

Tài liệu này tiết lộ một tỷ đô-la nghi ngờ từ mạng lưới rửa tiền do một ngân hàng Nga điều hành và có liên hệ với tổng thống Nga Putin.

Ngân hàng Rossiya điều hành việc rửa tiền, nhắm đến lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và Châu Âu, sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea.

Lần đầu tiên, tài liệu tiết lộ cách thức ngân hàng này hoạt động.

Tiền được đưa qua các công ty đặt trụ sở ở nước ngoài, hai trong số các công ty này chính thức do một người bạn thân của tổng thống Putin sở hữu.

Nghệ sĩ đàn cello Sergei Roldugin quen Tổng thống Putin từ thời thiếu niên và là cha đỡ đầu cho con gái tên Maria của tổng thống.

Trên giấy tờ, cá nhân ông Roldugin đã thu lợi hàng trăm triệu đô-la từ những hợp đồng đáng ngờ.

Nhưng tài liệu từ công ty của ông Roldugin cho biết: “Công ty là một cổng sàng lọc được thành lập với mục đích bảo vệ danh tính và sự bảo mật của người sở hữu lợi nhuận duy nhất của công ty.”

Liên quan đến Iceland

Dữ liệu của công ty Mossack Fonseca cho thấy thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson có hưởng lợi nhuận không công bố từ các ngân hàng được giải cứu ở quốc gia này.

ông Gunnlaugsson bị cáo buộc che giấu hàng triệu đô-la đầu tư vào các ngân hàng trong nước nhờ vào một công ty bình phong có trụ sở ở nước ngoài.

Các tài liệu được tung ra cũng cho thấy ông Sigmundur Gunnlaugsson và vợ đã mua công ty Wintris vào năm 2007.

Ông không công khai lợi nhuận từ công ty này khi bước vào quốc hội năm 2009. Ông bán 50% công ty Wintris cho vợ với giá 1 đô-la tám tháng sau đó.

Ông Gunnlaugsson giờ phải đối mặt với lời kêu gọi từ chức. Ông nói mình không phạm luật và vợ ông không hưởng lợi gì từ quyết định của ông.

Công ty bình phong này được sử dụng để đầu tư hàng triệu đô-la từ tiền thừa kế, theo một tài liệu do vợ ông Gunnlaugsson, bà Anna Sigurlaug Pálsdóttir ký vào năm 2015.

“Hoàn hảo”

Thêm vào đó, Mossack Fonseca cung cấp một người đại diện giả vờ sở hữu 1,8 tỷ đô la, để người sở hữu thực sự có thể rút tiền mặt từ ngân hàng mà không bị lộ danh tính.

Mossack Fonseca cho biết họ luôn tuân thủ các quy tắc quốc tế, đảm bảo các công ty mà họ hợp nhất không sử dụng dịch vụ vào việc việc trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố hay các mục đích trái phép.

Công ty này cho biết họ thẩm định kỹ lưỡng và lấy làm tiếc vì sự lạm dụng với dịch vụ của họ.

“Trong 40 năm, Mossack Fonseca đã hoạt động hoàn hảo ở đất nước chúng tôi và các khu vực pháp lý nơi chúng tôi hoạt động. Công ty luật của chúng tôi chưa bao giờ bị cáo buộc hay bị truy tố vì liên quan đến tội phạm.”

“Nếu chúng tôi thấy các hoạt động đáng ngờ hoặc làm sai, chúng tôi nhanh chóng trình báo cho nhà chức trách. Tương tự, khi các cơ quan chức năng tiếp cận chúng tôi với bằng chứng cho thấy có thể xảy ra hoạt động sai trái, chúng tôi luôn hợp tác đầy đủ với họ.”

Mossack Fonseca nói các công ty bình phong có ở khắp thế giới và được sử dụng với nhiều mục đích hợp pháp. – BBC