Anh Hùng Bị Lãng Quên

Cac Bai Khac

No sub-categories

Anh Hùng Bị Lãng Quên
13 tuổi, được huân chương Anh Dũng Bội Tinh VNCH
Anh hùng Tạ Thái Mạnh, mới 13 tuổi, đã nhận được huân chương Anh Dũng Bội Tinh vào năm 1968. Đó cũng là năm của một biến cố quan trọng trong dịp Tết Việt Nam qua cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân của Bắc Cộng và Việt Cộng. Và cũng trong tháng Tư nầy, chính cậu bé anh hùng đó được vinh danh; tuy rằng sau này, rất ít người Việt Nam biết đến câu chuyện, mặc dù một số ít báo chí Tây phương trung thực cũng đã từng đưa tin vào lúc bấy giờ.

Tạ Thái Mạnh là học sinh lớp 7, sinh năm 1955, nhà ở Xóm Mới thuộc khu vực Gia Định của thành phố Sài Gòn, vào lúc biến cố Mậu Thân xảy ra. Vào ngày 31 tháng Giêng, cuộc chiến lan đến vùng Phú Thọ, gần nhà của cậu bé. Trông thấy những người mặc áo bà ba đen, tay cầm súng, mà cậu bé cứ ngỡ đó là lính quốc gia. Sau khi lực lượng Việt Cộng bị đẩy lui bởi sức phản công mãnh liệt của Đại đội 5 Biệt Động Quân, cậu bé lẻn ra ngoài đường, hướng về tiếng súng thì gặp Đại đội 5 đang ghìm súng chờ đợi phục kích ở những căn nhà trong khi một lực lượng bên sườn cố gắng đẩy Việt Cộng ra ngoài. Cậu bé được cho biết là Việt Cộng đang có mặt ở khắp nơi, nên phải cẩn thận việc đi lại. Sau đó, cậu bé lại có ý định tiến gần hơn để xem việc gì đang xảy ra, vị chỉ huy Đại đội nghĩ là cậu bé quá quen thuộc với khu vực cư ngụ, nên để cậu ta đi.

Vào khoảng hơn nửa cây số trên đường phố phía trước mà cậu bé vừa qua khỏi một nghĩa địa, là một quan cảnh của cuộc chiến đấu khốc liệt nhất trong cuộc tấn công trước đó. Cậu ta vừa chui qua một bức tường loang lỗ, thì bị hai tên Việt Cộng len lén đến bắt lấy. Một tay chận lên cổ, và tay khác chận lấy miệng, họ kéo cậu bé trở lại bức tường. Họ mang súng AK-47 và phi pháo B-40 trong bộ áo bà ba đen và y phục thường dân mà cậu bé chưa từng bao giờ thấy người nào trong số họ. Họ đánh cậu bé bằng báng súng trên lưng, và tàn nhẫn đập lên sau gáy đầu để điều tra về vị trí của lực lượng chính phủ Sài Gòn. Sau khi nhiều lần điều tra, chẳng tìm ra được tin tức gì, họ dụ cậu bé theo phe, nếu không sẽ thủ tiêu ngay. Cậu bé giả vờ đồng ý, và phải ở qua đêm với họ. Đến đêm sau, một tên Việt Cộng kéo cậu ta vào một hầm cá nhân và giúi vào tay cậu khẩu súng AK-47 ra lệnh canh gác cho hắn ngủ.

Vào khoảng 8 giờ tối, ánh hỏa châu tỏa sáng trên trời và tiếng súng phản công cách nghĩa trang dưới 300 thước, tên Việt Cộng non trẻ vào khoảng 18 tuổi, bừng tỉnh và nhảy ra khỏi hầm, nhưng cậu bé đã chĩa súng vào hắn. Sau khi đả thương tên đó, và nhìn thấy hai tên Việt Cộng khác đang chạy về phía mình trong bóng mờ của hỏa châu. Họ bắn về phía cậu. Nhanh nhẹn, cậu bé chụp lấy quả lựu đạn Mỹ đang đeo bên người của tên Việt Cộng bị thương –nhờ vào lúc trước, cậu ta hay đến chơi với binh lính đang canh gác gần nhà, nên được hiểu biết về cách sử dụng vũ khí và lựu đạn– và rút chốt ném về phía họ, trước khi phóng xuống hầm.

Kế đó, cậu bé tìm cách trở về đường cũ và gặp lại Đại đội 5, với khẩu súng AK-47 sau khi bị một trận bắn lầm vì tưởng là Việt Cộng –may là có người nhận ra tiếng cậu bé hét to. Cậu ở lại với họ, giúp đỡ những người bị thương và mang nước cho từng người một, đến ngày thứ năm. Là ngày mà lực lượng Dù của Quân đội Việt Nam phá được vòng vây của Việt Cộng. Trận chiến xem như chấm dứt.

Sau khi trở về nhà không lâu, cậu bé tìm cách trở lại gặp gỡ những binh lính mà cậu ta đã từng trải với họ. Những người lính mến thương sự giúp đỡ xưa, nên may cho cậu bộ quân phục Biệt Động. Cậu bé Tạ không có cấp bậc gì cả và không được trả lương –cậu ta không có thể gia nhập lực lượng Biệt Động cho đến khi 17 tuổi. Một sĩ quan Mỹ đã bày tỏ: “Cậu bé sẽ có cả một ngực mề-đay đến lúc đó.”

Và từ đó, cậu bé theo chân những binh lính Biệt Động, giống như một người lính thực sự, sau khi gia đình cậu ta buột phải bằng lòng chiều theo ý cậu. Có lần cậu bé đã tâm sự:

“Ba mẹ muốn em trở lại trường, nhưng trước hết, chúng ta phải hoàn tất loại bỏ hết lực lượng Việt Cộng, kế đó, sẽ có thời gian trở lại trường. Nơi em chọn là ở đây.”

Sau biến động ngày 30 tháng Tư, mỗi người lưu lạc mỗi ngã, không ai biết được hiện tại cậu bé anh hùng Tạ Thái Mạnh ở đâu hay ra sao. Nhưng những hành động anh hùng và mưu trí khôn khéo của một cậu bé 13 tuổi sẽ vẫn mãi còn đó, vì đây là một câu chuyện có thật mà một số quân nhân Biệt Động còn sống sót đều biết đến và ngay cả vài sĩ quan Mỹ. Và cũng có thể, một ngày nào đó, nhân vật Tạ Thái Mạnh huyền thoại sẽ xuất hiện trước mắt chúng ta.
…”

Khi tôi vừa kết thúc câu kết, lại được tán thưởng thêm một tràn pháo tay, mà tôi biết là không phải tài kể chuyện của tôi. Mà chính là sự tán thưởng cho cậu bé họ Tạ đó, vì tôi nghe những tiếng reo lên như “Bravo, Tạ Thái Mạnh,” “Tạ Thái Mạnh, number one” của các em Hướng đạo.
Vừa khi tiếng vỗ tay dần chấm dứt, một bàn tay lại đưa lên. Tôi mời em Hướng sinh đó phát biểu.
“Huynh trưởng. Khi em theo mẹ về Sài Gòn kỳ rồi để thăm ông bà, lúc đi ngang một cái công viên có cái tượng gì lạ quá, nên em hỏi thì được mẹ cho biết đó là tượng anh hùng Lê Văn Tám, nhưng mẹ nói thêm rằng chẳng qua là họ dựng ra câu chuyện không có thật, rồi đưa vào sách vở để ca ngợi chế độ. Huynh trưởng cho em biết ý kiến thêm.”

Tôi cười cười rồi đáp:

“Vâng, mẹ em nói không sai. Câu chuyện Lê Văn Tám, 10 tuổi hay 13 tuổi hay 16 tuổi gì đó, bắt đầu vào năm 1945 hay 1946 gì đó –vì họ đưa ra nhiều thông tin sai biệt, lẫn mâu thuẫn nhau– là hoang tưởng vì do chính vị giáo sư sử học Phan Huy Lê thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội dưới chế độ Cộng sản đưa ra luận cứ từ lời nói của chính người tạo ra câu chuyện đó, là Bộ trưởng tuyên truyền và cổ động của họ, Lê Huy Liệu, và khẳng định rằng đó là một thủ đoạn tuyên truyền bẻ cong lịch sử vì lợi ích cho cách mạng và mãi cho đến nay, họ vẫn cố tình dựng đứng câu chuyện thêm hơn với tượng đài, tên trường học, rạp hát, công viên, tên đường, tổ chức nầy nọ với cái tên đó. Đối với những người Cộng sản, lịch sử chẳng có ý nghĩa gì cả nếu nó không phục vụ cho mục đích lợi ích của đảng. Có nghĩa là tất cả những gì, ngay cả con người từ bất kỳ tầng lớp nào, kể cả trí thức, nếu không tạo ra được lợi ích gì cho đảng, sẽ bị loại bỏ ngay. Từ đó, cho thấy rằng, một câu chuyện Lê Văn Tám cũng là sự đương nhiên phải có của họ, huống chi cả lịch sử Việt Nam từ ngàn xưa cũng dần dần bị thay đổi miễn là có lợi ích cho đảng; mỗi khi họ cần đến phần nào trong lịch sử, thì phần đó được lôi ra chỉnh sửa lại theo ý họ, rồi dạy lại cho đám thế hệ sau.”

Tôi hỏi lại, sau khi trả lời xong: “Em nào có thắc mắc gì nữa không? Cứ nêu lên. Nếu không còn, thì chúng ta… Giờ cũng mệt mỏi rồi, phải không? Cùng hát vài bài trước khi chia tay. Các em đồng ý không?”

Sau đó, trước khi nắm vòng tay hát bài “Tạm Biệt” như là một nghi thức của Hướng đạo, tôi đưa ra lời yêu cầu tất cả sinh hoạt viên dành ra 1 phút mặc niệm cho ngày tưởng nhớ nầy.
Sau đêm sinh hoạt đó, tôi trở lại trụ sở cùng các huynh trưởng khác của Hướng đạo để sinh hoạt “ngủ qua đêm.” Chúng tôi cảm thấy mệt mỏi, nhưng trong lòng như hân hoan hơn khi biết rằng công việc của mình cũng góp một phần dù là nhỏ nhoi, trong việc xây dựng một cộng đồng tốt đẹp mai sau. Chúng tôi là cơn gió nhẹ nhằm xoay hướng từng chút một cho con thuyền thế hệ theo đúng đường của nó. Con đường đến với dân tộc, lòng yêu nước, mà không phải chịu lệ thuộc vào bất kỳ mưu toan của đảng phái nào ngoại trừ chính mình, vì đó mới chính là ý nghĩa của hai chữ Hướng đạo.

Trích: tienggoicongdan