An Nam chí dị: Chuyện lạ về «Chàng Thơ»
Đâu năm Mới, mời quí bạn thưởng thức một “Chuyện lạ nước Nam” trong thi ca
Năm 1976, một chuyện An Nam chí dị (Chuyện lạ nước Nam) sảy ra trong cuộc gặp gỡ giữa “nàng thơ” của Vũ Hoàng Chương và “chàng thơ” của Tố Hữu. Tại sao nảy sinh ra “chàng thơ” trong thi ca?
Trong văn hóa XHCN, nhà thơ“có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến” nên trong thơ cũng phải có hương vị kháng chiến, có “chàng thơ (thép)” chứ không thể có “nàng thơ”
ủy mị, trữ tình. Giới văn nghệ sĩ phải nghe lời chỉ đạo sáng tác của Hồ
Chí Minh và Trường Chinh qua hai bài thơ mẫu dưới đây.
Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp,
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông;
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
(Hồ Chí Minh)
(Là thi sĩ)
Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ
Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền.
(Trường Chinh)
Hai thi nhân Vũ Hoàng Chương và Tố Hữu được “bia miệng dân gian”
nói đến nhiều là nhờ mỗi người có 2 câu thơ để đời về nàng thơ và
chàng thơ nên được vinh danh là hai đệ nhất thi nhân của hai miền Nam
Bắc.
Nàng thơ của Vũ Hoàng Chương.
“…Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai”
Chàng thơ Stalin của Tố Hữu.
«Thương cha thương mẹ, thương chồng,
Thương mình thương một, thương ông (Stalin) thương mười»
Tố Hữu của miền Bắc XHCN đươc tôn vinh là “nhà
thơ của cách mạng”, “nhà thơ của nhân dân”, “ngọn cờ chiến đấu của thơ
ca cách mạng Việt Nam”, “người có công đầu xây dựng nền thơ ca cách mạng
Việt Nam”, “nhà thơ của chủ nghĩa nhân văn cách mạng”. Ông từng là Ủy viên trung ương đảng lao động Việt Nam, Phó thủ tướng và giữ vai trò người “đầu tầu” xây dựng văn hóa XHCN, cụ thể là Ông phụ trách về công tác văn hóa văn nghệ, tuyên truyền được coi là người kiên quyết đàn áp văn nghệ tự do của nhóm Nhân văn – Giai Phẩm.
Vũ Hoàng Chương của Việt Nam Cộng Hòa, được vinh danh là “Thi bá”, “Đệ nhất thi sĩ miền Nam tự do”. Năm 1959 ông đoạt Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc của Việt Nam Cộng hòa với tập thơ Hoa đăng. Thời gian 1969-1973 Vũ Hoàng Chương là Chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam. Năm 1972 ông đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc lần thứ hai.
Sau ngày 30/4/1975, những người văn nghệ sĩ Sài Gòn bị gọi đến Toà Đại Sứ Đại Hàn (đường Nguyễn Du)
đăng ký tên tuổi, địa chỉ. Với danh sách đầy đủ của văn nghệ sĩ thì
chiến dịch bắt bớ văn nghệ sĩ khởi sự từ đêm 2-4-1976 đến đêm 8-4-1976.
Rồi ngừng lại. Mãi đến 28-4 mới bắt thêm một số nữa đi tù dưới hình thức đi cải tạo[1]. Trong số các văn nghệ sĩ bị bắt giam thì có câu chuyện “chí dị” nổi bật nhất liên quan đến sự đối diện giữa “Đệ nhất thi sĩ miền Nam” Vũ Hoàng Chương và “Đệ nhất thi sĩ cách mạng của miền Bắc” Tố Hữu.
Khoảng đầu tháng 4 năm 1976, Thanh Nghị tổ chức ” Đêm Họp Mặt Văn Nghệ
” với sự tham dự của nhiều nhà thơ miền Bắc như Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ
Đình Liên, Hoài Thanh… Phía Sài Gòn có Vũ Hoàng Chương… được mời. Đề
tài thảo luận là 2 câu thơ để đời của Tố Hữu :
« Thương cha thương mẹ, thương chồng,
Thương mình thương một, thương ông thương mười »
Trong bài thơ «Khóc Stalin» chết năm 1953 dưới đây[2] :
Áo Ông trắng giữa mây hồng
Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười
Bợ bợ có suy nghĩ của đầu óc
Stalin! Stalin!
Yêu biết mấy, nghe con tập nói,
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin.
Ông Stalin ơi, ông Stalin ơi.
Hỡi ơi ông mất đất trời có không?
« Thương cha thương mẹ, thương chồng,
Thương mình thương một, thương ông thương mười »
Các nhà thơ miền Bắc như Thanh Nghị, Huy Cận, Vũ Đình Liên…lên phát biểu, xưng tụng thơ của“nhà thơ của cách mạng” Tố Hữu. Để có tiếng nói của các nhà thơ miền Nam, Hoài Thanh đã tha thiết mời « Thi Bá » Vũ Hoàng Chương góp ý. Mặc dù từ chối nhiều lần, sau cùng với tư cách đại diện cho giới thi sĩ miền Nam Ông đã phát biểu để tỏ chí khí của thi sĩ miền Nam tự do : « Uy vũ bất năng khuất ».
Dưới đây là lời phát biểu của Vũ Hoàng Chương (Theo tác giả Sông Lô):
“Thi nhân từ cảm xúc mỗi lúc tác động vào tâm cảnh của mình, để hồn trí phản ứng theo thất tình con người mà vận dụng thi tứ phổ diễn nên lời một tình tự nào đó, rồi đãi lọc thành thơ. Sự vận dụng càng xuất thần, việc phổ diễn càng khẩu chiếm, thơ càng có giá trị cao.
Cảm xúc trước cái chết của một thần tượng được ‘đóng khung’ tự bao giờ trong tâm cảnh mình, Tố-Hữu đã xuất thần vận dụng nỗi u hoài, phổ diễn nên những lời thơ thật khẩu chiếm, rồi dùng những từ thật tầm thường, ít thi tính, đãi lọc nỗi u hoài của mình thành một tiếng nấc rất tự nhiên, đạt đến một mức độ điêu luyện cao. Lời thẩm định của Thanh-Nghị thật xác đáng, tôi chịu. Nhưng thơ không phải chỉ có thế. Xuất thần khẩu chiếm thuộc phạm vi kỹ thuật, dù đã có thi hứng phần nào, và nếu chỉ có thế thì thơ chỉ có khéo mà thôi, chưa gọi là đạt; tức chưa phải là hay. Thơ hay cần phải khéo như thế vừa phải đạt thật sự. Thi hứng nằm trong sự thực của tình tự phổ diễn nên lời. Tình tự mà không thực, lời thơ thành gượng ép. Vấn đề của thơ, nói cho đến nơi, là ở đây, có nghiã là thơ phải thực.
Tố-Hữu đặt tiếng khóc của chính mình vào miệng một bà mẹ Việtnam, muốn bà dùng mối u hoài của một nhà thơ để dạy con trẻ Việtnam yêu cụ Stalin thay cho mình. Cũng chẳng sao vì đó cũng là một kỹ thuật của thi ca; nhưng trước hết phải biết bà mẹ Việtnam có cùng tâm cảnh với mình không, có chung một mối cảm xúc hay không?
Tôi biết chắc là không. Bởi trong đoạn trên của hai câu lục bát này trong bài ‘Đời đời nhớ Ông’ Tố-Hữu đã đặt vào lời bà mẹ hai câu:
“Yêu biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin “
Chắc chắn là không có một bà mẹ Việtnam nào, kể cả Bà Tố-Hữu, mà thốt được những lời như vậy một cách chân thành. Cái không thực của hai câu này dẫn tới cái không thực hai câu sau ta đang mổ xẻ.
Một tình tự không chân thực, dù đươc luồn vào những lời thơ xuất thần, khẩu chiếm đến đâu cũng không phải là thơ đẹp, thơ hay, mà chỉ là thơ khéo làm; đó chỉ là thơ thợ chứ không phải là thơ tiên. Loại thơ khéo này người thợ thơ nào lành nghề cũng quen làm, chẳng phải công phu lắm. Nhất là nếu có đòi hỏi một tuyên truyền nào đó. Tố-Hữu nếu khóc lấy, có lẽ là khóc thực, khóc một mình. Nhưng bà mẹ Việtnam trong bài đã khóc tiếng khóc tuyên truyền, không mấy truyền cảm“.
Cũng theo tác giả Sông Lô, qua sự phân tích và lý giải của Vũ Hoàng Chương, khán thính gỉa miền Bắc bàn luận rất sôi nổi. Có người muốn phản bác lập luận của Ông, nhưng thấy không có chỗ hở, họ bèn đề nghị Vũ Hoàng Chương nói về “Thi ca” mong có kẽ hở để phê phán bắt bẻ. Ông đã diễn đạt như sau:
“Thơ vốn là mộng, là tưởng tượng, là tách rời thực tế, nhưng mộng trên những tình tự thực. Không chấp nhận loại thơ tình tự hoang. Có khoa học giả tưởng, không có thơ giả tưởng. Nói thơ là nói đến thế giới huyễn tưởng, huyễn tưởng trên sự thực để thăng hoa sự thực, chứ không bất chấp, không chối bỏ sự thực. Nhà thơ không được láo; nhà thơ phải thực nhưng thoát sáo sự thực thành mộng để đưa hồn tính người yêu thơ vươn lên sự thực muôn đời đạt đến chân lý cuộc sống. Thiên chức thi ca là ở chỗ đấy.”
[“Tôi xin nhắc ; sự thực muôn đời là cơ sở duy nhất của thi ca; vì có sự thực cho riêng một người, có sự thực cho riêng một thời, nhưng vẫn có sự thực cho muôn đời, sự thực bao quát không gian, thời gian, chân lý cuộc sống.”] (hết trích
Mấy ngày sau ” Đêm Họp Mặt Văn Nghệ “, nàng thơ miền Nam tự do của Vũ Hoàng Chương bị chàng thơ của Tố Hữu miền Bắc XHCN đưa vào tù khám lớn Chí Hoà vì nàng thơ đã sống lầm vào thời buổi này.
Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ,
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ,
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị,
Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang sơ.
Ông đã biết trước trong tình thế đương thời sống chung với gà lợn rất dễ bị tai hoạ vì thơ như Ông đã vịnh bức tranh gà lợn.
“Sáng chưa sáng hẳn, tối không đành
Gà lợn, om sòm rối bức tranh
Rằng vách có tai, thơ có hoạ
Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
Lòng lợn âm dương một tấc thành
Cục tác nữa chi, ngừng ủn ỉn
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh“
Nhưng « đã là thi sĩ », Ông không lo và, không thèm tránh do tâm Liêm sỉ và tính Khí phách của một « Thi bá » đại diên cho giới thi sĩ miền Nam tự do của Ông « Uy vũ bất năngkhuất ».
Ngày 13 tháng 4 năm 1976, bị Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam bắt giam Ông tại khám Chí Hòa. Bệnh nặng, đưa về nhà được 5 ngày thì “nàng thơ” mất ngày 6 tháng 9 năm 1976 tại Sài Gòn. Còn Tố Hữu mất ngày 9 tháng 12 năm 2002, và để lại “Chant du cygne” phê phán sự tráo trở, phản bội lý tưởng với những lời lên án gay gắt, xót xa sau khi nhìn thấy tượng “Chàng thơ Stalin” bị kéo sập đổ khắp Đông Âu.
Cả đàn sói chồm lên,
cắn vào lịch sử
Cào chiến công,
xé cả xác anh hùng
Ôi! Nỗi đau này là nỗi đau chung
Lương tâm hỡi, lẽ nào ta tự sát”.
Lạp Chúc Nguyễn Huy
[1] Chết
trong tù như thi sĩ Vũ Hoàng Chương, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn; bị tù như
nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, văn sĩ Dương Nghiễm Mậu, Duyên Anh…
[2] Đời đời nhớ Ông:
Bữa trước mẹ cho con xem ảnh/Ông Stalin bên cạnh nhi đồng/Áo Ông trắng
giữa mây hồng/Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười/Stalin! Stalin!/Yêu
biết mấy, nghe con tập nói/Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!/Hôm
qua loa gọi ngoài đồng/Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao/Làng trên xóm
dưới xôn xao/Làm sao, Ông đã…làm sao, mất rồi!/Ông Stalin ơi, Ông
Stalin ơi!/Hỡi ơi, Ông mất! Đất trời còn không?/Thương cha, thương mẹ,
thương chồng/Thương mình thương một, thương Ông thương mười!