Ấn Độ vượt Trung Quốc để trở thành siêu cường kinh tế Á châu ?

Cac Bai Khac

No sub-categories

2015 là một cột mốc quan trọng trên con đường phát triển của Ấn Độ : GDP của quốc gia Nam Á này tăng nhanh hơn so với Trung Quốc. Để trở thành một cường quốc kinh tế New Delhi đã chọn một hướng đi khác hẳn so với chiến lược của Bắc Kinh.

Chủ trì một hội nghị quốc tế tại New Delhi cùng với thủ tướng Narendra Modi vào trung tuần tháng 3/2016, tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế bà Christine Lagarde một lần nữa nhấn mạnh đến thành tích rực rỡ của Ấn Độ trong năm 2015 và tuyên bố quốc gia này đang trên đường trở thành « động lực tăng trưởng của thế giới ».

Nhận xét trên không quá đáng khi biết rằng, kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn, tỷ lệ tăng trưởng tại « cơ xưởng sản xuất của thế giới » trong năm 2015 qua rơi xuống mức thấp nhất trong 25 năm trở lại đây, với chưa đầy 7 %. Hậu quả kèm theo là khi nền kinh tế số 2 trên địa cầu sổ mũi thì cả thế giới bị cảm lạnh. Trong nhóm BRICS gồm 5 nền kinh tế đang trỗi dậy là Brazil, Nga, Ấn Độ,Trung Quốc và Nam Phi, đã có đến hai thành viên bị « hỏng đầu máy kinh tế » do giá dầu khí và nguyên liệu giảm mạnh.

Trong khi đó, Ấn Độ ung dung nhờ có được tỷ lệ tăng trưởng 7,4 % và đặc biệt là lạm phát đã được kềm hãm ở mức 5 % cho cả năm. Điều dễ hiểu khi Ấn Độ phải nhập đến 2/3 năng lượng tiêu thụ trên toàn quốc.

Trong dự báo gần đây nhất, New Delhi chờ đợi trong hai tài khóa liên tiếp 2016 và 2017, tổng sản phẩm nội địa vẫn sẽ tăng thêm 7,5 % một năm. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ đã đem lại những thành tích tốt đẹp nói trên cho Ấn Độ. Năm 2015, hoạt động trong lĩnh vực này tăng thêm 9 %, riêng dịch vụ tin học tăng thêm 30 % so với tài khóa 2014.

Bên cạnh đó từ khi lên cầm quyền vào tháng 5/2014, nội các của thủ tướng Modi đã nỗ lực thúc đẩy đầu tư cho sản xuất và công nghiệp, với chủ đích đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh bần cùng.

Sự điều chỉnh tự nhiên của một nền kinh tế thị trường

Trả lời trên đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia về kinh tế Ấn Độ, cố vấn cho Trung Tâm Nghiên Cứu Về Triển Vọng Thông Tin Quốc Tế CEPII, giáo sư Jean-Joseph Boilot nêu lên một cách cụ thể những yếu tố giải thích vì sao, lần đầu tiên tỷ lệ tăng trưởng của Ấn Độ lại cao hơn so với nhà vô địch Trung Quốc :

« Có ba yếu tố cùng diễn ra một lúc và cả ba tạo điều kiện thuận lợi cho Ấn Độ trong năm vừa qua. Nguyên nhân đầu tiên, về mặt cơ bản, Ấn Độ là một nền kinh tế thị trường với những sức bật dậy tự nhiên của nó. Khi thủ tướng Narendra Modi lên cầm quyền tháng 5/2014, ông đã xua tan được khủng hoảng niềm tin bùng lên từ năm 2013 và nhờ vậy mà tiêu thụ, đầu tư của Ấn Độ tăng nhanh trở lại. 

Để so sánh, tại Ấn Độ tiêu thụ nội địa đem về 2/3 thịnh vượng chung của cả nước. Ở Trung Quốc chỉ số đó chỉ là 1/3. Cũng chính sức mua của hơn 1 tỷ dân Ấn Độ đã tạo đà cho tăng trưởng của quốc gia Nam Á này trong năm vừa qua và đem lại đến 4 điểm cho tăng trưởng toàn quốc. Cùng thời kỳ, chỉ số đó tại Trung Quốc chỉ là 3 điểm.

Yếu tố thứ nhì tạo đà cho Ấn Độ trong năm qua là đầu tư. Như đã biết từ năm 2009 thế giới phải đối mặt với khủng hoảng và Trung Quốc đã tìm ra giải pháp là bơm thêm rất nhiều tiền vào guồng máy sản xuất, để rồi tới nay, rơi vào tình trạng dư thừa các phương tiện sản xuất. 

Ấn Độ chọn cho mình một hướng đi khác hẳn với kịch bản của Trung Quốc. Các doanh nghiệp Ấn Độ từ 2009 tới 2015 đã thận trọng, đầu tư vừa phải và nhất là đã tìm cách trả bớt nợ nần. Nhờ vậy đến năm ngoái, về mặt chi và thu, các công ty của Ấn Độ đã lấy lại cân bằng, để có thể tính tới việc mạnh dạn đầu tư hơn trước. 2015 cũng là lần đầu tiên, chỉ số đầu tư của Ấn Độ đóng góp cho tăng trưởng chung của cả nước nhiều hơn là so với của Trung Quốc.

Cuối cùng yếu tố thứ ba là cộng đồng quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài đã thực sự nhận thấy rằng, Ấn Độ là một quốc gia tuy là còn khép kín, nhưng lại ổn định về mặt chính trị, và với hơn một tỷ dân, quốc gia Nam Á này là một thị trường đầy hứa hẹn. Ấn Độ lại cũng là một nhà vô địch trong rất nhiều lĩnh vực công nghệ cao. Nhờ đó mà mỗi quý, có hơn 10 tỷ đô la đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Ấn Độ, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng mặt trời ».

Trung Quốc đương nhiên phải tăng trưởng chậm lại khi đã bắt kịp các nước công nghệ tiên tiến

Để tiếp tục so sánh Ấn Độ với Trung Quốc, nhà nghiên cứu Françoise Lemoine, cũng thuộc trung tâm CEPII nhấn mạnh đến độ chín muồi của mô hình phát triển Trung Quốc sau ba thập niên « tăng trưởng thần kỳ » :

« Trong 30 năm liên tiếp, Trung Quốc đã tăng trưởng ở tốc độ trên dưới 10 % một năm để trở thành nền kinh tế số 1 thế giới nếu tính theo mức độ tương đương về mua sắm, và thông thường thì ta chấp nhận Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu. Nhưng Trung Quốc không thể tăng trưởng ở nhịp độ trên dưới 10 % hàng năm như vậy mãi được.

Hiện tại tỷ lệ tăng trưởng của nước này ở vào khoảng từ 6 đến 7 %, tạo ra khoảng 1/3 của cải trên thế giới. Sự tăng trưởng chậm lại này so với trước là hiển nhiên, khi mà Trung Quốc đã từng bước thu hẹp khoảng cách với nước công nghiệp tiên tiến.

Ngoài ra dân số tại Trung Quốc cũng đang trên đà lão hóa, lực lượng lao động hùng hậu từng là đòn bẩy tại quốc gia này trước đây, nay không còn đông đảo như 20 hay 25 năm về trước nữa.

Sau cùng, nếu như so sánh với Ấn Độ, thì đúng là năm ngoái, lần đầu tiên tỷ lệ tăng trưởng của Ấn Độ cao hơn so với Trung Quốc nhưng cũng cần nhắc lại là trong 30 năm qua, tổng sản phẩm nội địa của Ấn Độ luôn tăng chậm hơn so với Trung Quốc, thành thử ra, với những yếu tố thuận lợi như giáo sư Boilot vừa trình bày ở trên, năm vừa qua, GDP của Ấn Độ đã tăng mạnh ».

Chậm mà chắc

Hai khác biệt quan trọng khác trong mô hình phát triển giữa Trung Quốc và Ấn Độ : Thứ nhất là trong lúc Bắc Kinh từ những năm dưới thời đại Đặng Tiểu Bình đã lấy sản xuất, xuất khẩu làm bàn đạp, thì ngược lại Ấn Độ lại trông cậy vào mức tiêu thụ nội địa và mức độ hội nhập của nền kinh tế Ấn Độ với thế giới đã bị Trung Quốc bỏ xa lại phía sau. Có điều theo quan điểm của giáo sư Jean-Joseph Boilot, trung tâm CEPII, chính nhờ chậm trễ trên con đường toàn cầu hóa, mà kinh tế Ấn Độ ít bị chao đảo vì cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008 vừa qua, và cũng nhờ ít lệ thuộc vào xuất khẩu, các nhà sản xuất Ấn Độ không bị hụt hẫng khi bị khách hàng bỏ rơi.

Khác biệt quan trọng thứ nhì trong chiến lược phát triển của Ấn Độ và Trung Quốc là trong lúc Bắc Kinh tập trung vào khu vực sản xuất hàng hóa và công nghiệp, thì New Delhi lại hướng tới các dịch vụ và các ngành công nghệ mũi nhọn để trở thành « nhà gia công » cho thế giới trong ngành tin học, về các dịch vụ ngân hàng và trong thời gian gần đây Ấn Độ còn là « viện bào chế » dược phẩm của các nước chậm phát triển, khi dẫn đầu trong ngành sản xuất thuốc gốc.

Không có tăng trưởng thần kỳ

Hai yếu tố trên khiến giáo sư Boilot, trung tâm CEPII tin rằng kinh tế Ấn Độ đang được đặt trên bệ phóng để trở thành một siêu cường khu vực. Theo ông, vì quá cồng kềnh, Ấn Độ đã khởi động chậm hơn so với Trung Quốc, nhưng « chậm mà chắc » :

« Tôi nghĩ là những lợi thế của Ấn Độ sẽ có tác động lâu dài. Kiến tha lâu cũng đầy tổ. New Delhi cần có thời gian để tìm cho mình một hướng đi riêng. Giờ đây quốc gia này đã đạt được mục tiêu đó, cả về mặt kinh tế lẫn chính trị. Thực tình mà nói tôi không thấy có lý do gì để nghi ngờ về tiềm năng tăng trưởng của Ấn Độ trong 30 năm sắp tới.

Dù vậy tôi nghĩ Ấn Độ sẽ không đạt được thành tích như Trung Quốc, nghĩa là kinh tế tăng thêm hơn 10 % một năm. Thành tích tăng trưởng 10 % một năm như vậy cũng có nhiều tác động tiêu cực về mặt xã hội, đối với con người, môi trường. Đó không hẳn là tấm gương sáng tuyệt đối cần để Ấn Độ phải noi theo.

Bên cạnh đó, còn phải kể đến nhiều khác biệt giữa mô hình phát triển của hai nước Á châu này. Trung Quốc thì đã đi theo chủ nghĩa toàn cầu hóa, lấy xuất khẩu làm chủ đạo và do vậy tăng trưởng của ông khổng lồ này tùy thuộc vào sức mua ở ‘bên ngoài’.

Trong khi đó Ấn Độ tới nay vẫn bị chỉ trích là một vùng đất còn quá khép kín, nhưng cũng nhờ vậy mà Ấn Độ ít bị khủng hoảng tài chính thế giới tác động hơn là so với Trung Quốc.

Tôi xin đơn cử hai thí dụ cụ thể để minh họa cho điều này : thứ nhất là trong bối cảnh giá dầu hỏa, nguyên nhiên liệu giảm mạnh như hiện tại, thì cán cân thương mại của Ấn Độ được cải thiện rõ rệt, lạm phát giảm. Trong khi đó Bắc Kinh lo lắng vì các nước xuất khẩu dầu hỏa và nguyên nhiên liệu cũng là những khách hàng quan trọng của Trung Quốc.

Lợi thế thứ nhì mà New Delhi có được là vào lúc Trung Quốc tập trung nỗ lực vào khu vực sản xuất hàng hóa để xuất khẩu cho thế giới, thì Ấn Độ mở rộng mảng dịch vụ, đặc biệt là trong các lĩnh vực tin học, ngân hàng … như chúng ta đã biết. Khi kinh tế toàn cầu chựng lại, người ta giảm nhập hàng hóa của Trung Quốc nhưng vẫn duy trì các hoạt động với các công ty cung cấp dịch vụ của Ấn Độ. Trong những năm gần đây, dù kinh tế thế giới bị khủng hoảng, nhưng Ấn Độ vẫn phải đầu tư thêm để nâng cấp các dịch vụ hòng đáp ứng nhu cầu của các khách hàng nước ngoài ».

Nhiều cơ hội và thử thách

Cơ quan tư vấn tài chính PwC trong nghiên cứu mang tựa đề « Future of India » được công bố vào mùa xuân 2015 ghi nhận : sau nhiều năm bị Trung Quốc phủ bóng, ông khổng lồ Ấn Độ đang vươn vai thức dậy để trở thành một trong những cường quốc kinh tế và công nghiệp của thế giới.

Trong hai thập niên, từ 1994 đến 2014, tổng sản phẩm nội địa của Ấn Độ tăng thêm được 1.000 tỷ đô la, để đạt 1.800 tỷ vào năm 2014. Theo thẩm định của PwC, đến quãng 2034 GDP của Ấn Độ tăng lên thành 10.000 tỷ nhờ có được nhịp độ tăng trưởng trung bình 9% một năm. Vậy làm thế nào để trong thời gian chưa đầy 50 năm, GPD của Ấn Độ có thể nhân lên gấp 10 ?

Vẫn theo nghiên cứu này, New Delhi đang có trong tay nhiều lợi thế. Lá chủ bài đầu tiên có lẽ là khối lượng 1,2 tỷ dân, trong đó có tới 65 % dưới 35 tuổi. Mỗi năm, có thêm từ 10 đến 12 triệu đôi tay tham gia vào thị trường lao động.

Để so sánh, nguồn lực lao động hùng hậu của Trung Quốc từng làm nên phép lạ kinh tế cho công xưởng của thế giới này bắt đầu giảm sụt. Tuy nhiên để nguồn nhân lực dồi dào của Ấn Độ thực sự có hiệu quả, New Delhi cần đẩy mạnh đầu tư về giáo dục.

PwC thẩm định, quê hương của thánh Gandhi cần xây dựng thêm 500.000 trường học, và mới chỉ có 22 % thanh niên học hết phổ thông cấp 3.

Ngoài ra, Ấn Độ trước mắt, vẫn cơ bản là một quốc gia nghèo. Theo Ngân Hàng Thế Giới năm 2013, 37% dân số quốc gia này sống dưới ngưỡng nghèo khó, 1/3 người nghèo trên thế giới sống tại Ấn Độ.

Do vậy theo cơ quan tư vấn về tài chính PwC, yếu tố dân số vừa là đòn bẩy, vừa là thách thức trong chiến lược phát triển của Ấn Độ. Trong khi đó thì Trung Quốc đã tương đối làm chủ được vấn đề này.

Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Françoise Lemoine, Ấn Độ là một trường hợp đầy mâu thuẫn : đây là nơi nạn mù chữ vẫn còn thuộc vào hàng cao nhất nhì thế giới, nhưng điều đó không cấm cản Ấn Độ hàng năm đào tạo được thêm từ 300.000 đến 500.000 kỹ sư tin học, đã có những trung tâm công nghệ tin học « techno pôle » tại Hyderabad hay Bangalore ngang tầm với thung lũng Silicon Valley của Hoa Kỳ.

Trên thị trường phần mềm, Ấn Độ đã thực thụ trở thành một nguồn cạnh tranh đáng ngại của các ông trùm Mỹ.

Trong lĩnh vực công nghệ không gian, tháng 10/2008 New Delhi từng phóng vệ tinh lên mặt trăng. Cho dù có ngân sách chẳng thấm vào đâu với cơ quan NASA của Mỹ, nhưng Ấn Độ không mặc cảm và vẫn đề ra kế hoạch đưa người lên thám hiểm sao Hỏa trong tương lai không xa.

Do vậy, theo nhà nghiên cứu Françoise Lemoine, nếu Ấn Độ khắc phục được những nhược điểm về mặt nhân sự, thì quốc gia Nam Á này sẽ tiến rất xa

« Tại Ấn Độ, lĩnh vực tin học và công nghệ tân tiến đã phát triển rất mạnh. Từ công nghệ phát triển phần mềm, đến các dịch vụ tin học, từ công nghệ sinh học đến dược phẩm y khoa, … Nhưng phải nói đó là những hải đảo trong một đại dương của cảnh bần cùng.

Ấn Độ còn là một quốc gia nghèo, thiếu cơ sở hạ tầng ; còn rất nhiều trẻ em chưa học hết cấp 1, tỷ lệ mù chữ còn cao. Trong hoàn cảnh đó, nếu chỉ có một vài lĩnh vực ‘mũi nhọn’ vươn lên được đã là điều rất đáng mừng, nhưng chưa đủ sức để tạo đà cho toàn bộ cỗ máy kinh tế đồ sộ của Ấn Độ cất cánh.

Chính vì những trở ngại vừa nói mà việc tuyển chọn nhân viên tại Ấn Độ không được như mong muốn, và Ấn Độ tuy có đông dân nhưng vẫn ráo riết đi tìm nhân viên có chuyên môn và kinh nghiệm trong những lĩnh vực công nghiệp tiên tiến, và theo tôi đây là một trở ngại không nhỏ đối với quốc gia Nam Á này ».

Chưa thể nói là Ấn Độ qua mặt Trung Quốc để trở thành một siêu cường kinh tế của châu Á và có lẽ cũng còn quá sớm để cho rằng, thập kỷ tới sẽ là thời đại của Ấn Độ. Nhưng rõ ràng, New Delhi đang thu hẹp khoảng cách với Bắc Kinh để củng cố vị thế kinh tế trong khu vực. Trong cuộc chạy đua này, Ấn Độ có lá bài tốt trong tay.

Thanh Hà

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160315-an-do-vuot-trung-quoc-de-tro-thanh-sieu-cuong-kinh-te-a-chau