Ấn Độ cố giữ cân bằng trong quan hệ với Trung Cộng và Nhật Bản

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ấn Độ cố giữ cân bằng trong quan hệ với Trung Cộng và Nhật Bản

Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình (P) tiếp Phó Tổng thống Ấn Độ Shri Mohammad Hamid Ansari, Bắc Kinh, 30/06/2014 – REUTERS/ Wang Zhao/ Pool

Theo RFI – Thanh Phương – Thứ Tư 2/7/2014         

Hôm qua, 30/06/2014, chính phủ của tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lần đầu tiên công khai trấn an Bắc Kinh rằng việc New Delhi thắt chặt quan hệ với Tokyo không phải là nhằm «bao vây» Trung Quốc.

Tuyên bố tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, Phó Tổng thống Hamid Ansari nói rằng chính phủ mới của Ấn Độ sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao của Thủ tướng tiền nhiệm Manmohan Singh. Ông Ansari khẳng định: «Xây dựng mối quan hệ hòa bình và hợp tác với các nước láng giềng là yếu tố chủ chốt trong chính sách đối ngoại của chúng tôi».

Phó Tổng thống Ansari là đại diện cao cấp nhất của chính phủ Ấn Độ đến thăm Trung Quốc kể từ khi ông Modi nhậm chức Thủ tướng ngày 26/05. Ông Modi đã nhiều lần tuyên bố rằng ông muốn thắt chặt quan hệ với cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản. Nhưng cân bằng quan hệ với hai cường quốc Châu Á này là thách đố đầu tiên đối với tân Thủ tướng Ấn Độ.

Quyết định của ông Modi đi thăm Nhật Bản vào đầu tháng 7 (nhưng nay chuyến đi được dời cho đến giữa tháng 8) đã gây quan ngại cho Bắc Kinh, mà hiện đang đối đầu với Tokyo trong vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Theo nhật báo The Telegraph của Anh, phía Bắc Kinh đã tỏ ý muốn Thủ tướng Ấn Độ thăm Trung Quốc trước khi đi Tokyo. Nhưng vấn đề là theo thông lệ ngoại giao, Chủ tịch Tập Cận Bình phải đi thăm Ấn Độ trước khi Thủ tướng Modi đến thăm Trung Quốc, bởi lẽ Thủ tướng tiền nhiệm Manmohan Singh đã thăm Bắc Kinh tháng 10 năm ngoái, và từ đó đến nay cả Chủ tịch lẫn Thủ tướng của Trung Quốc đều chưa viếng thăm đáp lễ.

Thành ra, chính phủ New Dehli mới chọn một giải pháp dung hòa để làm hài lòng Bắc Kinh, đó là cử Phó Tổng thống Ansari đi thăm Trung Quốc vào tuần trước, vì đây là nhân vật đứng hàng thứ ba sau Tổng thống và Thủ tướng Ấn Độ. Về mặt chính thức, Phó Tổng thống Ansari đến thăm Trung Quốc nhân kỷ niệm 60 năm hai nước ký kết hiệp định năm 1954 về «Năm nguyên tắc chung sống hòa bình» .

Trong chuyến viếng thăm của ông Ansari ở Bắc Kinh, kéo dài 5 ngày và vừa kết thúc hôm qua, hai nước đã ký một hiệp định về việc thành lập bốn khu công nghiệp của Trung Quốc ở bốn bang của Ấn Độ. Nhưng một ngày sau khi hiệp định được ký kết, để trấn an Tokyo, New Delhi đã vội mời gọi các công ty Nhật Bản đầu tư vào các khu công nghiệp này.

Trong quan hệ Ấn -Trung hiện vẫn còn tồn tại một số bất đồng, trong đó có vấn đề tranh chấp chủ quyền ở vùng biên giới chung. Bản đồ quốc gia mới, mà Bắc Kinh vừa cho phát hành cách đây vài ngày, đã khơi lại tranh chấp này, vì bản đồ này bao gồm luôn cả bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Ngày 28/06/2014, Thủ hiến bang Arunachal Pradesh, Nabam Tuki đã tuyên bố phản bác bản đồ mới của Trung Quốc và cho biết sẽ yêu cầu chính phủ Modi can thiệp trong vụ này. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng đã ra thông cáo khẳng định là bản đồ mới của Trung Quốc không thể làm thay đổi hiện trạng của thực địa: Bang Arunachal Pradesh do Ấn Độ quản lý toàn bộ và chỉ có công dân Ấn Độ sinh sống tại đây.

Thế nhưng, phản ứng của New Dehli không lấy gì là gay gắt lắm và chính Phó Tổng thống Ansari hôm qua tuy nhìn nhận rằng vấn đề biên giới đã tồn tại từ lâu, nhưng ông trấn an rằng chính phủ hai nước đã đạt được những thỏa thuận nhằm tránh cho tình hình biên giới dẫn đến xung đột, đồng thời đã đề ra một cơ chế để giải quyết tranh chấp.

Về phần giới lãnh đạo Bắc Kinh cũng tỏ thái độ thân thiện với chính phủ mới của Ấn Độ, sẵn sàng thiết lập liên hệ cấp độ cá nhân với các lãnh đạo New Delhi. Trước mắt, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tìm cách gặp Thủ tướng Ấn Độ Modi bên lề cuộc họp Thượng đỉnh trong tháng 7 của nhóm các nước đang trỗi dậy BRICS (Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil Nam Phi và Nga).

Tóm lại, trong bàn cờ chiến lược hiện nay ở Châu Á, tuy vẫn thi hành chính sách Hướng Đông, tuy thắt chặt quan hệ với Nhật Bản, nhưng Ấn Độ vẫn có duy trì quan hệ hữu hảo với Trung Quốc, vì dầu sao quyền lợi của hai nước này có nhiều điểm tương hợp.