Ai thành lập Ðảng Cộng Sản Việt Nam?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ai thành lập Ðảng Cộng Sản Việt Nam?

(Tại sao Nguyễn Ái Quốc nói là ông đứng ra thành lập đảng cộng sản nhưng Trần Phú lại là Tổng bí thư đầu tiên của đảng cộng sản?)

Thibault, một cán bộ cao cấp của Cộng sản Quốc tế hẹn gặp Trần Phú vào khoảng thời gian từ 1 đến 15 tháng 1 năm 1930 tại Hồng Kông, nếu không được thì sẽ tìm cách gặp lại trong 2 tuần đầu tháng 2. Trần Phú và Ngô Đức Trì cùng về theo ngả Paris. Các ông sẽ nhận tài liệu và tiền bạc tại Berlin. Tài liệu làm kim chỉ nam cho các ông có tựa đề “Những việc cấp thời của Cộng sản Đông Dương” (Hồ Sơ Lưu Trữ tại Mạc Tư Khoa).

Năm 1929, ngày 31-10, trước khi Trần Phú từ Mạc Tư Khoa về Việt Nam. Ban bí thư Cộng sản Quốc tế chỉ thị cho các ban ngành thông qua nghị quyết về việc thành lập đảng Cộng sản tại Đông Dương. Nghị quyết này giúp cho Trần Phú được mọi sự yểm trợ của Cộng sản Quốc tế tại Châu Á . Ngoài ra nghị quyết này cũng được coi như là giấy giới thiệu Trần Phú với 3 đảng Cộng sản tại Việt Nam là Đông Dương Cọng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Nguyên văn chỉ thị ngày 31-10:
“Kính gửi các ủy viên, ủy ban. Nghị quyết kèm theo đây về việc thành lập một đảng Cộng sản tại Đông Dương do Ban Bí thư các nước Phương Đông soạn thảo. Ban Bí thư các nước Phương Đông yêu cầu cần phải nhanh chóng thông qua nghị quyết này, vì phụ thuộc vào một chuyến đi (công tác) của một số đồng chí. Vì vậy tôi đề nghị các đồng chí khẩn trương xem bản nghị quyết này. Những chỗ cần sửa đổi và những chỉ dẫn bổ sung, nếu cần thiết, xin các đồng chí gửi lại cho chúng tôi, trước khi Ban Bí thư Chính trị thông qua bản nghị quyết chính thức”.

Tinh thần của chỉ thị này cho thấy rõ ràng là quyết định thành lập một đảng Cộng sản tại Đông Dương đã được Mạc Tư Khoa giao cho một số người sắp sửa rời khỏi Mạc Tư Khoa để về Việt Nam sau tháng 11 năm 1929, đó là “Chi bộ Việt Nam” gồm có Trần Phú, Ngô Đức Trì, Bùi Công Trừng, Bùi Lâm, Nguyễn Thế Rục.
Thế nhưng sau này các nhà nghiên cứu thuộc cơ quan tuyên huấn Đảng cộng sản Việt Nam cho in chỉ thị này trong “Văn kiện Đảng toàn tập” và ghi chú rằng chỉ thị này được trao cho Nguyễn Tất Thành để ông trưng dẫn trong lần họp thống nhất, thành lập đảng vào ngày 6-1-1930.

Điều này không đúng vì lúc đó Nguyễn Tất Thành đang ở Thái Lan, ông ta đã rời Mạc Tư Khoa hơn 1 năm. Đến khi hồ sơ lưu trữ của QTCS được công bố thì mới biết văn kiện này chuẩn bị cho Trần Phú, sau đó chính Trần Phú sẽ mang nghị quyết thành lập đảng Cộng sản tại Đông Dương về Việt Nam.

Đã có nghị quyết do chính tay Trần Phú mang về thì không lý do gì Cộng sản Quốc tế lại ra một chỉ thị khác cho Nguyễn Tất Thành để tổ chức cuộc họp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 6-1-1930 mà sau này Đảng cộng sản Việt Nam lấy đó làm ngày kỷ niệm thành lập đảng.

Hồi ký của Hoàng Tùng cũng cho biết Lê Văn Lương xác nhận lúc đó Nguyễn Tất Thành không có một giấy tờ nào của QTCS: “Sau Lê Văn Lương nói với tôi là khi Bác về Trịnh Đình Cửu có hỏi Bác giấy ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản đâu Bác nói là Quốc tế cử về. thì Bác trả lời: “Đồng chí thử tưởng tượng xem, nếu tôi mang trong người giấy ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản thì tôi có về được đến đây không?”.

Năm 1930, ngày 8-2, Trần Phú và Ngô Đức Trì từ Paris về tới Sài Gòn, hai ông gặp trục trặc về giấy tờ đi đường. Cuối cùng các ông phải đi chui trong hầm của một tàu buôn Trung Hoa. Trần Phú lại lên đường đi Hồng Kông để tìm gặp Thibault theo như đã hẹn. Còn Ngô Đức Trì gặp Bùi Lâm tại Sài Gòn để bắt liên lạc với An Nam Cộng sản đảng của Dương Hạc Đính và Hà Huy Giáp.

Sau đó Ngô Đức Trì chờ 3 tuần không thấy tin tức Trần Phú bèn đi Hồng Kông. Tại đây ông gặp Trần Phú, Phú cho biết đã có cuộc họp thống nhất hai đảng nhưng ông chưa gặp Lý Thụy và chưa gặp Thibault, ông cũng không thể về Hải Phòng để bắt liên lạc với Đông Dương Cộng sản đảng của Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh theo như kế hoạch vì tại đó đang diễn ra biến động khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân đảng (Hồ sơ lưu trữ Moskva, Báo cáo của Ngô Đức Trì).

Khi vừa về đến Sài Gòn thì Phú và Trì biết tin đã có thành lập đảng Đảng cộng sản Việt Nam tại Hồng Kông. Hai ông qua Tàu để tìm Thibault thì lại gặp Nguyễn Tất Thành. Thành cho biết ông ta đã thành lập Đảng do Cộng sản Quốc tế chỉ thị cho ông trước khi ông về Thái Lan năm 1927 nhưng vì bị bệnh nên mãi đến 1930 ông mới thực hiện được (Hồ sơ lưu trữ quốc gia Pháp, lời khai của Ngô Đức Trì).

Sau đó thì Trần Phú gặp Bí thư Cục Viễn Đông là Noulens. Noulens bảo Phú cứ xúc tiến thành lập đảng vì hiện nay chưa có một đảng Cộng sản cho Việt Nam. Tháng 10 năm 1930 Trần Phú triệu tập đại hội những người cộng sản Việt Nam nhóm họp tại Hồng Kông và chính thức thành lập Đảng. Trong đại hội này không có Nguyễn Tất Thành tham dự mặc dầu lúc đó ông có mặt tại Hồng Kông. Riêng Ngô Đức Trì cũng không tham dự đại hội vì bị đau ruột thừa phải nằm bệnh viện cũng tại Hồng Kông.
Sau này khi tài liệu mật của Cộng sản Quốc tế được giải mật thì các sử gia tại Hà Nội đọc được bức thư nói của ông Nguyễn Tất Thành gửi Cộng sản Quốc tế, cho nên họ đổi ngày thành lập Đảng trở lại thành ngày 6-1-1930 (Văn Kiện Đảng, tập 2, 1999). Tuy nhiên trên nghi thức thì Đảng vẫn tổ chức lễ kỷ niệm vào ngày 3-2.

Vũ Thư Hiên – 16/7/2021

______________________________________________________________
* Những thông tin được dùng trong bài viết này rút từ Kho lưu trữ hồ sơ Pháp quốc hải ngoại Aix-En-Provence; Kho lưu trữ hồ sơ mật thám Pháp; Kho lưu trữ hồ sơ mật thám Anh; Kho lưu trữ hồ sơ Mạc Tư Khoa.

* Mãi đến cuối những năm 80s, sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ, Thư viện lưu trữ quốc gia của điện Kremli mới trao trả cho phía Việt Nam hơn 20.000 đầu tài liệu, hồ sơ, về Việt Nam. Khi các tài liệu của Cộng sản Quốc tế được đưa ra công khai năm 1992 thì các sử gia mới biết nhiều sự thật.

Phía Việt Nam cho biết : Thời điểm hiện nay chưa thích hợp để công bố các thông tin này.
(Tổng hợp tư liệu)