Ai sẽ giúp Việt Nam nếu bị Trung Quốc uy hiếp trực tiếp trên Biển Đông?
Ai sẽ giúp nếu Việt Nam bị Trung Quốc tấn công?
Quí Bạn thân mến,
Giới quan sát khu vực đang tập chú vào các căng thẳng ngày càng tăng giữa Phi – Trung Quốc và Mỹ ở biển Ðông mà hệ quả có thể đưa đến chạm trán quân sự Mỹ – Trung qua vụ “test the water của TC với Mỹ” khi các tàu Cảnh sát biển TC phun vòi rồng vào các tàu Philippines chở hàng tiếp tế cho toán thủy quân lục chiến đồn trú trên tàu chiến rỉ sét Sierra Madre mắc cạn tại Bãi cạn Thomas trên đảo Bãi Cỏ Mây mà Phi coi là thuộc chủ quyền của mình, ngược lại TC thì tuyên bố Bãi Cỏ Mây thuộc chủ quyền của TQ và Phi đã thất hứa không chịu kéo Tàu Sierra Madre mắc cạn ra khỏi Bãi Thomas
Phía Mỹ, qua tuyên bố vào ngày 5 tháng 8 năm 2023, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tái khẳng định “một cuộc tấn công vũ trang nhắm vào các tàu công vụ, máy bay và lực lượng vũ trang của Philippines, sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung theo điều IV Hiệp ước phòng thủ chung của Mỹ và Philippines năm 1951”.
Ở Philippines, dư luận thường là Vua, Tổng thống Marcos hiện đang chịu áp lực mạnh từ Dân chúng cũng như không muốn mất điểm trước đối lập. Nếu căng thẳng leo thang, ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường hợp tác quân sự hơn nữa Mỹ để bảo vệ đất nước ở Biển Đông và cuối cùng Tổng thống Phi có thể buộc phải ra tay
Còn ở Việt Nam, chính Ðảng csVN đã tự tạo ra tiền lệ “không muốn và không cần ai giúp” khi có đụng độ quân sự với TQ vì :
1/- Công hàm ngày 14 tháng 9 năm 1958 của Phạm Văn Đồng thông báo cho Thủ tướng Chu Ân Lai của Trung Quốc biết Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa “tán thành và tôn trọng” Bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận 12 hải lý “, dựa trên thông báo đó của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước đây mà nay là CHXHCNVN, Bắc kinh luôn luôn cho rằng chính quyền Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nên đã tạo ra một tiền lệ pháp lý bất lợi cho VN trong việc đạt được một Phán quyết của Tòa Án Quốc Tế về chủ quyền của VN ở biển Ðông – như Phi đã có – làm cơ sở kêu gọi giúp đở khi đối đầu quân sự với TQ từ các cường quốc quân sự như Mỹ – Nhựt – Úc – Ấn … nhưng nếu có sự trợ giúp thì hầu như có phần chắc là giúp tiếng [ngoại giao, tuyên bố] thì có nhưng miếng [quân sự] thì không !
2/- đảng csVN coi chuyện mất đất, mất biển không quan trọng bằng mất đảng,
3/- Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 đã nêu rõ, csVN
– không tham gia liên minh quân sự
– không liên kết với nước này để chống nước kia
– không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác
– không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
4/- Trước tiềm năng của một cuộc đụng đầu quân sự trực tiếp với Mỹ ở Á châu nơi TC đang dốc toàn lực để nắm ưu thế và muốn đuổi Mỹ ra khỏi khu vực như tại vùng biển Hoa Ðông với Nhựt, biển Ðông đang tranh chấp với Phi là điều khó xảy ra vì cả hai Phi và Nhựt đều có Hiệp Ước phòng thủ chung với Hoa Kỳ, còn đối đầu với Mỹ tại Ðài Loan cũng khó khăn vì Đạo luật Quan hệ Hoa Kỳ – Đài Loan [United States – Taiwan Relations Act H.R.2479, 10/04/1979] giúp duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Tây Thái Bình Dương và thúc đẩy mối quan hệ sâu rộng, gần gũi và hữu nghị giữa người dân Hoa Kỳ và Đài Loan. Nay Taiwan đang nắm chốt trong việc cung cấp các Chip vi mạch chủ cho hầu hết các thiết bị điện tử quan trọng mà nhiều QG công nghệ hàng đầu trên thế giới đang cần như Mỹ và cả TC nên việc bảo vệ Đài Loan lại càng cần thiết hơn.
5/- Còn cuộc chiến giữa VN và TC có thể nổ ra có khả năng cao hơn vì :
+ VN không có bất kỳ Hiệp Ước phòng thủ chung nào với các đối thủ của TC
+ VN tự trói chân mình bằng chính sách quân sự 4 Không
+ VN không có nền tảng pháp lý quốc tế trước các tranh chấp chủ quyền biển Ðông với Bắc Kinh cho nên khó vận động Quốc tế về pháp lý nhứt là một nghị quyết của LHQ coi TC là nước ngoại xâm làm tiền đề cho các chế tài quốc tế hoặc kêu gọi quốc tế hỗ trợ và can thiệp quân sự như tại Ukraina
+ Lào nằm trong sự khống chế của Bắc kinh, Miên lệ thuộc về mọi mặt với TC nếu tấn công để khống chế được VN thì TC hoàn toàn làm chủ bán đảo Ðông Dương giúp củng cố địa chính trị TQ trong vùng ÐNÁ, là trọng tâm kinh tế vừa là đòn bẩy trong chiến lược Ấn Ðộ – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
+ VN có đường biên giới chung trên bộ lẫn biển với TQ nên dễ tạo tình huống để đưa đến đụng độ
Ðến nay, Việt Nam có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với 4 nước là : Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016) và Hàn Quốc (2022) nhưng chưa có với Mỹ – Nhựt – Úc. Đối tác chiến lược toàn diện hay còn gọi là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, tức là hai hay nhiều bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng có lợi, đồng thời hai bên còn xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược. [theo Wikipedia tiếng Việt]
Ðiều đặc biệt hơn nữa VN và TC đều là hai nước XHCN anh em, do hai đảng cs lãnh đạo cho nên hai nước anh em có nổ ra chiến tranh với nhau (như trận chiến biên giới 1978-79) hầu như hiếm thấy và được coi như chuyện nội bộ nên khó cho quốc tế can thiệp.
Những trận mưa như trút vào cuối tháng 5 năm 2023 ở miền bắc Trung Quốc gây nên trận lụt lịch sử và mới đây Bão Doksuri đang tàn phá hàng ngàn hecta lúa mì làm dấy lên mối lo ngại trong nước và quốc tế về nguồn cung lúa mì của Trung Quốc và vào hè năm 2022 rồi, miền nam Trung Quốc phải hứng chịu mùa hè khô hạn và nóng nhất của đất nước trong sáu thập kỷ. Đợt nắng nóng gay gắt dẫn đến hạn hán lớn, ảnh hưởng đến khoảng 2,2 triệu ha đất nông nghiệp. Các quan chức Trung Quốc hiện đang lo ngại rằng hạn hán có thể tấn công lưu vực sông Dương Tử, vùng trồng lúa chính của Trung Quốc gây nên mối lo về an ninh lương thực mà nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình coi là nền tảng của an ninh quốc gia.
Ðảng cs tại VN không chấp nhận đa đảng, đối lập chính trị như Phi, nền kinh tế xã hội VN ngày càng suy sụp, đời sống càng khó khăn, lòng Dân căm phẫn vì tham nhũng tràn lan, gian tham mọi cấp, nhưng nếu ai dám “phản biện” đều bị coi là “phản động” và bị đàn áp nặng nề cho nên một khi có căng thẳng hoặc bị TQ tấn công, đảng csVN sẽ đối diện với nhiều bất định không những từ quốc tế – nhứt là Mỹ – Nhựt – Úc mà còn ngay cả từ chính Dân mình.
Ban Biên Tập
Ai sẽ giúp Việt Nam nếu bị Trung Quốc uy hiếp trực tiếp trên Biển Đông?
Diễm Thi, RFA
2023.08.10
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc bám theo gần giàn khoan dầu của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông hôm 14/5/2024
Hôm 5 tháng 8 năm 2023, tàu hải cảnh Trung Quốc đã phun vòi rồng vào các tàu Philippines chở hàng tiếp tế cho toán thủy quân lục chiến đồn trú trên chiếc tàu mắc cạn trên Bãi Cỏ Mây. Phía Philippines tố hành động của Trung Quốc là nguy hiểm và phi pháp. Phía Trung Quốc tố ngược lại là Philippines đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, đã không thực hiện lời hứa trục kéo chiếc tàu mắc cạn ra khỏi bãi ngầm.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines lên án mạnh mẽ các hành động nguy hiểm của Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc và nhận được sự ủng hộ từ Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Đức và Canada. Trong một tuyên bố vào ngày 5 tháng 8 năm 2023, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khẳng định nước này sát cánh cùng đồng minh Philippines và khẳng định “một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào các tàu công vụ, máy bay và lực lượng vũ trang của Philippines, sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung theo điều IV Hiệp ước phòng thủ chung của Mỹ và Philippines năm 1951”.
Hồi tháng 5 vừa qua, Hoa Kỳ đưa ra bản “Hướng dẫn phòng thủ song phương” với Philippines, trong đó ghi cụ thể rằng các cam kết theo hiệp ước song phương sẽ được kích hoạt nếu một trong hai bên bị tấn công ở trong chính Biển Đông và kể cả khi các tàu tuần duyên bị nhắm mục tiêu.
Vụ việc vừa xảy ra tại bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu tiếp tế Philippines làm dấy lên câu hỏi, nếu Việt Nam bị Trung Quốc ức hiếp với hành động tương tự thì quốc gia nào sẽ đứng về phía Việt Nam, ủng hộ Việt Nam chống lại Trung Quốc?
Nếu Việt Nam có quan hệ đồng minh với một nước nào đó thì chắc chắn lúc đó họ mới giúp Việt Nam bằng cách can thiệp trực tiếp bằng quân sự. Hiện Việt Nam không có quan hệ đồng minh với ai cả. – Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, nêu nhận định của ông với RFA:
“Nếu xảy ra với Việt Nam thì Liên Hiệp Quốc và một số nước bạn bè như Nhật Bản hay Liên Minh Châu Âu sẽ can thiệp bằng cách lên tiếng. Trong ASEAN thì có thể có Philippines, Indonesia, nhiều lắm là có thêm Malaysia. Còn những nước khác trong ASEAN sẽ không lên tiếng, ví dụ như Campuchia, Lào hay Singapore. Mỹ cũng sẽ lên tiếng nhưng Việt Nam và Mỹ chưa phải là đồng minh cho nên phản ứng của Mỹ chỉ trong giới hạn nào đó hết mức của pháp lý quốc tế cho phép mà thôi.
Nếu Việt Nam có quan hệ đồng minh với một nước nào đó thì chắc chắn lúc đó họ mới giúp Việt Nam bằng cách can thiệp trực tiếp bằng quân sự. Hiện Việt Nam không có quan hệ đồng minh với ai cả.
Nếu Trung Quốc xâm lược Việt Nam chắc chắn sẽ có những nước gần đấy ủng hộ Việt Nam. Thậm chí họ sẽ có những sự giúp sức trực tiếp bằng quân sự. Nước đó có thể là Nhật Bản. Mà khi Nhật Bản giúp Việt Nam đánh kẻ xâm lược, mà kẻ xâm lược đó đánh Nhật Bản thì họ lọt bẫy đồng minh giữa Nhật và Mỹ.”
Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nêu quan điểm của ông:
“Có một điều đặc biệt là Mỹ lên tiếng rất mạnh mẽ, các nước Phương Tây cũng ủng hộ Philippines nhưng ASEAN chưa lên tiếng chính thức về hành động của Trung Quốc. Điều đó gây ngạc nhiên cho giới quan sát trên thế giới. Nếu như Việt Nam bị Trung Quốc có hành động giống như với Philippines vừa qua thì liệu có ai lên tiếng ủng hộ Việt Nam hay không?
Nên nhớ rằng, Việt Nam nhiều lần tố cáo Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông thì Mỹ và các nước phương Tây đều kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, nhưng không ai lên tiếng bảo vệ hay ủng hộ chủ quyền của Việt Nam. Họ quan niệm rằng, vấn đề chủ quyền của Việt Nam với Trung Quốc hay với các nước khác cần đem ra tòa án quốc tế để giải quyết.”
Bãi Cỏ Mây cách đảo Palawan của Philippines 105 hải lý, nằm ở quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đòi chủ quyền toàn bộ. Philippines tuyên bố bãi Cỏ Mây nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này. Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền trái phép hầu hết Biển Đông thông qua yêu sách đường chín đoạn và nói bãi Cỏ Mây là một phần lãnh thổ Trung Quốc.
Trong năm 2020, ngoài một vài quốc gia ASEAN gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phản đối chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, một số các quốc gia Phương Tây cũng có những động thái tương tự.
Đầu tháng 6 năm 2020, Hoa Kỳ gửi một công hàm lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông với lý do yêu sách của Bắc Kinh không phù hợp với luật pháp quốc tế được phản ánh trong Công ước về Luật Biển năm 1982. Úc hôm 23 tháng 7 năm 2020 cũng gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ bất kỳ yêu sách nào của Trung Quốc trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 và thể hiện lập trường ủng hộ Mỹ.
Giữa tháng 9 năm 2020, Pháp, Đức và Anh đệ trình lên Liên Hiệp Quốc một công hàm chung bác bỏ “các quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông, lập luận rằng những quyền này không phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Đây là một cơ hội thuận tiện, bây giờ hoặc không bao giờ, Việt Nam phải nâng cấp quan hệ với Mỹ để tìm chỗ đứng bảo vệ an ninh cho mình. Tôi thấy rằng, không phải Nhà nước Việt Nam chủ trương theo Mỹ, dựa vào Mỹ hay liên kết với Mỹ để chống lại Trung Quốc, hay chống lại bất cứ nước nào trên thế giới. Mà Việt Nam đang thấy quyền lợi song trùng giữa Mỹ và Việt Nam. – Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc
Về việc nâng cấp mối quan hệ với Hoa Kỳ, hôm 29 tháng 7 năm 2023, Reuters đã dẫn nguyên văn lời Tổng thống Biden rằng: “Tôi nhận được cuộc gọi từ người đứng đầu Việt Nam, hết sức mong muốn gặp tôi khi tôi đến dự hội nghị thượng đỉnh G20. Vị này muốn nâng quan hệ với chúng tôi lên làm một đối tác quan trọng, cùng với Nga và Trung Quốc”.
Hội nghị thượng đỉnh khối các nước G20 sẽ diễn ra vào tháng 9 năm 2023 tại Ấn Độ.
Mới đây hôm 9 tháng 8 năm 2023, tại một buổi gây quỹ cho Đảng Dân Chủ ở tiểu bang New Mexico, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết ông sẽ sớm đến thăm Việt Nam vì Việt Nam muốn nâng tầm quan hệ và trở thành một đối tác lớn với Hoa Kỳ.
Nhận định về việc này, Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nói với RFA:
“Đây là một cơ hội thuận tiện, bây giờ hoặc không bao giờ, Việt Nam phải nâng cấp quan hệ với Mỹ để tìm chỗ đứng bảo vệ an ninh cho mình. Tôi thấy rằng, không phải Nhà nước Việt Nam chủ trương theo Mỹ, dựa vào Mỹ hay liên kết với Mỹ để chống lại Trung Quốc, hay chống lại bất cứ nước nào trên thế giới. Mà Việt Nam đang thấy quyền lợi song trùng giữa Mỹ và Việt Nam.
Mỹ có quyền lợi ở vùng Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương để triển khai Ấn Độ Dương Thái Bình Dương rộng mở. Việt Nam thì có nhu cầu bảo vệ an ninh của mình trước sức ép của Trung Quốc.
Tôi thấy rằng, cái mà Việt Nam cần làm là cái quan hệ với Mỹ trong tháng 9 này như thông tin Tổng Thống Mỹ Biden tuyên bố. Và đó cũng là mong muốn của bao người dân Việt Nam.”
Hồi tháng 4 năm 2023, tại một cuộc gặp ở Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã bày tỏ mong muốn thắt chặt quan hệ để cùng các đối tác của Hoa Kỳ ở Châu Á đoàn kết chống lại một Trung Quốc ngày càng quyết đoán ở Biển Đông.
Mong muốn cam kết và một hiệp ước phòng thủ chung như của Philippines và Hoa Kỳ là một cách biệt khá lớn.