Ai là người Nguyễn Phú Trọng muốn trở thành tân Chủ tịch Nước?
Vũ Đông Hà (Danlambao) – Trần Đại Quang chết, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh trở thành quyền Chủ tịch Nước. Chỉ tuần trước, nếu hỏi người dân, giới hoạt động và ngay cả đảng viên, Đặng Thị Ngọc Thịnh là ai, có thể sẽ có người hỏi lại: “người mẫu chân dài”? Do đó, nghị trình của Ban Chấp hành Trung ương, dự kiến vào khoảng tháng 10/2018 sẽ có mục quyết định tân Chủ tịch Nước. Ai có khả năng ngồi vào ghế TBT? Kẻ nào là chọn lựa của Tổng Bí thư?
Sự chọn lựa cần dựa vào những điều kiện hay yếu tố sau:
1. Được sự phê chuẩn của thiên triều Bắc Kinh
Triều đại thứ II của Nguyễn Phú Trọng có được là hoàn toàn nhờ vào hỗ trợ, chống lưng của vua Tập.
Chỉ 1 tháng trước Đại hội XII, Nguyễn Tấn Dũng là người có phiếu tín nhiệm cao nhất trong đảng, ngất ngưỡng trong hệ thống quyền lực, nhưng đã rớt tỏm xuống làm người tử tế bởi bàn tay khuynh đảo của Dương Khiết Trì.
Ông Tổng bí thư với biệt hiệu Lú không có khả năng làm mưa làm gió, từng bước đút củi vào lò trong một chiến lược quy mô nếu không có sách lược và cố vấn “cải cách ruộng đất” của Tàu, cùng với cây gậy và củ cà rốt đến từ Tử Cấm Thành để đối phó với hạ tầng cơ sở đàn em của Ba Ếch – từ trung ương hàng bộ trưởng, thứ trưởng xuống Bí thư, chủ tịch tỉnh.
Do đó, tân Chủ tịch Nước, 1 trong 4 trụ đồng Mã Viện của thời đại Hồ Quang, phải là người thần phục thiên triều phương Bắc, xem quan hệ đời đời Việt-Tàu là di sản bắt buộc 90 triệu người dân Việt Nam phải đặt lên bàn thờ, và trong vai trò Chủ tịch nước – phải sẵn sàng hân hoan gật đầu, ký và chính thức hóa mọi quyết định của Bắc Kinh, thông qua cái gọi là chủ trương lớn của Bộ Chính trị, sau khi được gật và phê bởi Quốc hội đảng CS.
2. Được sự đồng tình của Nguyễn Phú Trọng
Đồng tình của thiên triều là ưu tiên, điều kiện số một. Số hai thuộc về Tổng thái thú của thiên triều: Nguyễn Phú Trọng.
Ai là người mà Tổng thái thú Nguyễn Phú Trọng muốn trở thành Chủ tịch nước nhất?
Người đó dĩ nhiên phải đáp ứng yêu cầu số 1. Người đó phải là trụ đồng Mã Viện số 1 của thiên triều. Người đó phải là tay sai số 1 của Tập Cận Bình trong tiến trình thực hiện giấc mơ Trung Hoa vĩ đại mà mật ước Thành Đô – một phần của chiến lược ở phía Nam phải được hoàn tất sớm.
Người đáp ứng được mọi yêu cầu trên, được Nguyễn Phú Trọng nhất trí, đồng ý và muốn là người thay thế đồng chí chết vì có “máu ác” + “vi rút lạ” Trần Đại Quang – người đó là… Siêu sao nào ở đâu xa / Chủ tịch mới đó chính là ta đây!
Cái chết theo đúng quy trình của Trần Đại Quang trước cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Vì sao chết? Chết vì máu ác hay vì virus lạ xuất phát từ xứ lạ nào đó? Chết tự nhiên? Chết… đảng nhiên? Chết… tàu nhiên? Những hoang mang và nghi vấn dù không có câu trả lời đích đáng, nhưng đủ để cho những ủy viên khác trong BCHTƯ suy nghĩ… vẩn vơ về số phận của Trần Đại Quang, nhớ lại cuốn phim “tau có chi mô” của Nguyễn Bá Thanh và từ đó tự quyết định thái độ (dẫn đến số phận của mình) trong lần bỏ phiếu sắp tới cho một kết luận đã được soạn sẵn:
“Vì sự nghiệp xây dựng đảng và nhu cầu ổn định hệ thống chính trị, vì tinh thần dấn thân phục vụ nhân dân và đất nước, Ban Chấp Hành Trung ương đã nhất trí đồng ý và yêu cầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục vai trò Tổng Bí thư cho đến hết nhiệm kỳ; đồng thời kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch Nước. Việc nhất thể hoá 2 chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch Nước cũng thể hiện tính nhất thống từ trên xuống dưới của Đảng ta, sau khi khái niệm “nhất thể hoá” đã được đưa ra vào tháng 4 năm 2017 và đã được khởi sự ở một số địa phương cho 2 chức vị bí thư và chủ tịch tỉnh.
Mặc dù tuổi đã cao và mong muốn trao lại chức vụ Tổng Bí thư cho các đồng chí trẻ tuổi hơn, nhưng trước những góp ý, thuyết phục hợp tình hợp lý của toàn thể BCHTƯ, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã khiêm tốn chấp hành quyết định và nhiệm vụ mà Đảng và toàn dân giao phó.”
3. Không đe dọa quyền lực Tổng Bí thư
Nếu vì lý do bất ngờ nào đó, vượt ra ngoài tiên liệu và ý muốn của thiên triều Bắc Kinh và Nguyễn Phú Trọng (dù xác suất rất nhỏ), yếu tố và điều kiện sau đây sẽ được quán triệt và áp dụng:
Tân Chủ tịch nước phải là người đáp ứng tiêu chí “thuần Tàu phục Trọng”; không có quyền lực thật sự, không có ảnh hưởng lớn trong phe nhóm và không có khả năng xây dựng vây cánh; không là người có đủ tầm để tự mình thay đổi cán cân quyền lực phe nhóm trong đảng; sẵn sàng đóng vai bù nhìn; sung sướng và hoàn toàn hài lòng với chức vụ tự nhiên có được; và từ đó hết lòng chấp nhận và thi hành mọi quyết định từ Tổng bí thư.
Nhìn vào danh sách Bộ Chính trị:
Đinh La Thăng đã bị điều động sang công tác tại Bộ Lao tù. Trần Đại Quang vừa nhận nhiệm sở mới ở Bộ Âm phủ. Đinh Thế Huynh đang nằm liệt ở khúc cuối của con đường chết đúng quy trình. Còn lại:
1. Nguyễn Phú Trọng: Tổng Bí thư
2. Nguyễn Xuân Phúc: Thủ tướng
3. Nguyễn Thị Kim Ngân: Chủ tịch quốc hội
4. Phạm Bình Minh: Phó thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao
5. Ngô Xuân Lịch: Bộ trưởng quốc phòng
6. Tô Lâm: Bộ trưởng công an
7. Hoàng Trung Hải: Bí thư Hà Nội
8. Nguyễn Thiện Nhân: Bí thư thành Hồ
9. Phạm Minh Chính: Trưởng ban Tổ chức TƯ
10 Tòng Thị Phóng: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội
11. Vương Đình Huệ: Phó Thủ tướng
12. Trần Quốc Vượng: Thường trực Ban Bí thư
13. Trương Thị Mai: Trưởng ban Dân vận TƯ
14. Trương Hoà Bình: Phó Thủ tướng
15. Nguyễn Văn Bình: Trưởng ban Kinh tế TƯ
16. Võ Văn Thưởng: Trưởng ban Tuyên giáo TƯ.
Nhìn vào danh sách trên, nếu bị lâm vào trường hợp số 3 và nếu dựa vào những yếu tố áp dụng cho trường hợp này thì ứng viên ngồi yên sáng chói chiếc ghế Chủ tịch nước là 1 trong 2 bà: Tòng Thị Phóng và Trương Thị Mai!
Nếu muốn chọn một đồng chí Chủ tịch nước nặng ký ngồi trên đầu 90 triệu dân thì BCHTƯ sẽ chọn Tòng Thị Phóng. Nếu đảng muốn có đồng chí mặc áo dài đẹp, yên vị ở chiếc ghế kiểng nhiều hoa lá như Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì sẽ bưng bà Trương Thị Mai lên ngồi.
24.09.2018