Ai khiến doanh nghiệp Việt Nam mất cơ hội hưởng lợi từ EVFTA?
Theo Calitoday
Giữa năm 2016, ngay sau khi Tổng thống Obama rời Hà Nội, nữ thủ lĩnh dân oan Cấn Thị Thêu đã bị công an bắt giam và lôi ra tòa xử tù. Ảnh: BBC.com |
Thậm chí hoàn toàn trái ngược với rất nhiều “dự báo” của giới tuyên giáo và báo đảng Việt Nam rằng EVFTA sẽ được Liên minh châu Âu (EU) thông qua và đi vào hoạt động từ năm 2016 hoặc năm 2017, cho đến nay triển vọng ấy vẫn hoàn toàn mờ mịt hoặc tệ hơn nữa là đen tối.
Câu trả lời cho câu hỏi trên lại liên quan mật thiết đến một câu hỏi khác: Vì sao thái độ của EU lại từ chỗ còn giữ đôi chút ấm nồng với EVFTA và với giới quan chức Việt Nam trước và tại thời điểm cuối năm 2015, đã chuyển sang lạnh nhạt và đầy nghi ngờ đặc biệt trong thời gian hơn một năm gần đây?
Vài đoạn trong bài dịch đăng ngày 23/2/2018 của trang Việt Nam Thời Báo (Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, người dịch Phương Thảo) dẫn nguồn từ trang Borderlex chính là câu trả lời cho cả hai câu hỏi trên: “Việc EU khăng khăng yêu cầu Việt Nam phê chuẩn ba hiệp ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, và việc bãi bỏ lao động cưỡng bức dường như đã mang lại kết quả”, và “Phía sau việc trì hoãn này còn có một số lý do chính trị như: ưu tiên đưa ra thỏa thuận của EU với Nhật Bản, cuộc đụng độ ngoại giao giữa Berlin và Hà Nội, và Liên minh châu Âu nhấn mạnh rằng Việt Nam cần tôn trọng hơn nhân quyền và quyền lao động”.
Không thể rõ hơn, chính công an Việt Nam và “giới lãnh đạo tinh hoa” của chế độ độc tài này đã khiến những quan chức và nghị sĩ ôn hòa và dễ tha thứ của EU – vốn trước đây chẳng mấy quan tâm đến nhân quyền Việt Nam và điều kiện nhân quyền cho Việt Nam trong EVFTA, đến gần đây đã xem nhân quyền không chỉ là tiêu chí quan trọng mà còn là tiêu chí quan trọng nhất mà chính thể Việt Nam phải cải thiện được nếu muốn tham gia vào EVFTA.
Trong thực tế, chính thể Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội bằng vàng vào năm 2016 – ít lâu sau khi EVFTA kết thúc đàm phán. Khi đó, hiệu lực của triển vọng Hiệp định TPP vẫn còn, Tổng thống Mỹ Obama có một chuyến thăm Hà Nội vào tháng 5/2016 và còn tặng cho Việt Nam món quà lớn là Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Cũng khi đó và nếu có được một chút thành tâm chứ không phải chỉ là giả dối về “Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền làm người”, giới chóp bu Việt Nam đã có thể thúc đẩy sớm hơn tiến trình EU phê chuẩn EVFTA vào cuối năm 2016, thay vì chờ đợi một tương lai khá vô vọng như hiện thời.
Thế nhưng, công an Việt Nam vẫn không ngừng đàn áp người hoạt động nhân quyền và giới bất đồng chính kiến. Ngay sau khi Obama rời Hà Nội, một chiến dịch bắt nhân quyền đã nổ ra, với vụ đầu tiên là bắt nữ thủ lĩnh dân oan Cấn Thị Thêu. Sau đó, hàng loạt cái tên nhà hoạt động nhân quyền khác bị “nhập hộ khẩu” cho đầy thêm các trại giam của Bộ Công an, trong đó có cả Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – một blogger được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh “Người phụ nữ can đảm quốc tế”.
Cuối năm 2016, sòng trùng đà đàn áp nhân quyền tăng vọt của công an Việt Nam, bầu không khí “chuẩn bị thông qua EVFTA” của giới tuyên giáo đảng cũng xẹp hẳn. Các nhà khách của “đảng và chính phủ ta” hầu như vắng bóng những quan chức của Phái đoàn EU tại Việt Nam và từ châu Âu sang.
Có một sự thật là nhờ châu Âu, các doanh nghiệp Việt Nam đã duy trì được giá trị xuất siêu đến 25 tỷ USD hàng năm vào thị trường lục địa này, mang lại lời lãi lớn cho chính thể Việt Nam, giúp bù đắp nhiều khoản thâm hụt nghiêm trọng trong cái túi ngân sách quốc gia chỉ chực chờ thủng đáy, đồng thời cung cấp tiền bạc lương thưởng cho đội ngũ gần nửa triệu công an luôn khoe khoang thành tích “trấn áp phản động” ở Việt Nam.
Thành tích đó đã trở nên “vĩ đại” đến nỗi chỉ trong năm 2017, công an Việt Nam đã tống giam đến gần 30 người bất đồng, còn ngành tư pháp Việt Nam đã xử án quá nặng nề hơn 20 người bất đồng.
Nhân nào quả đó, 2017 cũng là năm chẳng còn nghe nói đến EVFTA nữa, cho dù Nguyễn Phú Trọng – người được ví là “đảng trưởng” – đã liên tục phái đi châu Âu các đoàn “vận động EVFTA”, do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Trưởng ban đối ngoại trung ương đảng Hoàng Bình Quân làm “thuyết khách”.
Nhưng EVFTA lại khó hơn hẳn TPP, vì nếu TPP chỉ cần 12 nước đồng thuận, thì EVFTA cần đến cánh tay “nhất trí” của 27 quốc hội ở 27 nước châu Âu, mà nếu chỉ một nước không đồng ý thì Hà Nội coi như trắng tay.
Đức – đầu tàu kinh tế và nhiều ảnh hưởng chính trị ở châu Âu – lại bị Hà Nội đẩy vào thế buộc phải bỏ phiếu chống đối với EVFTA.
Tháng Tám năm 2017, Nhà nước Đức chính thức ra tuyên bố cáo buộc mật vụ Việt Nam đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào tháng 7/2017. Cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức – Việt nổ ra. Sau đó, Đức đã tạm ngừng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam…
Vậy làm sao để thuyết phục Đức thông qua EVFTA bằng “thành tích vang dội” của công an Việt Nam?
Và làm sao thuyết phục được EU “linh hoạt thông qua EVFTA và công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam”, khi công an Việt Nam đã thẳng tay vỗ mặt EU bằng hành động bắt cóc và câu lưu gần hết những nhà hoạt động nhân quyền được Phái đoàn EU tại Việt Nam mời gặp mặt và ngay trước cuộc đối thoại nhân quyền EU – Việt Nam vào đầu tháng 12/2017?