Tin khắp nơi – 12/072019
Là cường quốc Hải Quân,
liệu Mỹ còn có thể làm chủ đại dương ?
Hoa Kỳ, siêu cường quân sự hàng đầu thế giới, có mặt gần như khắp nơi trên địa cầu. Từ châu Á cho đến Nam Mỹ, đi qua cả châu Âu và châu Phi. Tầu chiến Mỹ thống lĩnh nhiều vùng biển lớn. Nhất là vào ngày 01/06/2019, « chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương » của Hoa Kỳ được công bố với câu mở đầu : « Ấn Độ – Thái Bình Dương là mặt trận ưu tiên của bộ Quốc Phòng ». Đối với Mỹ, vùng biển này được cho là tâm điểm địa chính trị và phải được bảo đảm an ninh, phát triển thịnh vượng, tự do lưu thông và mở rộng.
Đương nhiên, quân đội Mỹ được triển khai ở những nơi nào có các lợi ích của Mỹ, trên khắp năm châu và nhất là tại vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Vậy đâu là những vùng lợi ích của Mỹ ? Là quốc gia có hạm đội tầu chiến và hàng không mẫu hạm hùng hậu nhất hành tinh, liệu Hoa Kỳ có còn khả năng làm chủ biển cả nữa hay không ? Những thắc mắc này được ông Paul Tourret, giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế hàng hải giải thích trên tạp chí Đối Ngoại (Diplomatie). RFI Tiếng Việt xin giới thiệu tóm tắt.
Hoa Kỳ có vùng biển rộng lớn nhất thế giới với tổng diện tích là 11,35 triệu km2. Vậy đó là những vùng nào ?
Nét đặc thù của Mỹ là có được 3 bờ biển dài. Đó là các vùng duyên hải Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và vịnh Mêhicô. Hoa kỳ còn sở hữu một vùng lãnh thổ hải ngoại to lớn, bắt đầu từ Alaska và quần đảo Aleut, được mua lại từ Nga năm 1867, cho phép Hoa Kỳ mở rộng cánh cửa ra Thái Bình Dương và Bắc Băng Dương.
Năm 1898, Washington còn thu được đảo Guam và Porto – Rico sau cuộc chiến với Tây Ban Nha. Cùng năm, Mỹ cho sáp nhập quần đảo Hawai, rồi năm kế tiếp quần đảo Samoa. Tại Thái Bình Dương, Hoa Kỳ còn có được quần đảo Bắc Mariana sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, cũng như là một số lượng đảo nhỏ khác. Đây là những tiểu đảo nằm cách xa Hoa Kỳ – mà nước này chiếm được trong giai đoạn 1859 – 1899 rồi cho sáp nhập vào Mỹ bằng đạo luật có tên gọi là Đảo Phân Chim với mục đích là để khai thác phân chim (được cho là một nguồn phân bón tốt cho nông nghiệp vào thời kỳ đó).
Cuối cùng là tại vùng biển Caribe, ngoài Porto – Rico, Hoa Kỳ còn mua thêm các đảo hoang từ Đan Mạch năm 1917. Ngoài ra, một số vùng hải ngoại của Mỹ có quy chế đặc thù, như hai bang của Mỹ (Hawai và Alaska), bốn vùng lãnh thổ chưa hợp nhất và được tổ chức – áp dụng Hiến Pháp Hoa Kỳ – (Guam, quần đảo Bắc Mariana, Porto – Rico và quần đảo Virgin), phần còn lại vẫn là những vùng lãnh thổ chưa hợp nhất và chưa được tổ chức (không áp dụng Hiến Pháp).
Làm thế nào Hoa Kỳ bảo đảm chủ quyền lãnh thổ trên một diện tích lãnh hải rộng đến như thế ?
Việc kiểm soát chủ quyền khá thuận lợi bởi nét đặc thù của những vùng lãnh thổ mà Hoa Kỳ kiểm soát : Hawai nằm trơ trọi giữa Thái Bình Dương, Alaska ít dân cư ở miền nam và hầu như hoang vắng ở phía bắc… Hoa Kỳ gần giống như Pháp, có nhiều lãnh thổ nhưng giá trị kinh tế chủ yếu dựa vào lợi ích các vùng ngư trường – cho dù đó chưa phải là những ngư trường hấp dẫn nhất – và các mỏ dầu khí, đặc biệt là ở Alaska.
Hạm đội Mỹ vẫn là cường quốc hải quân hàng đầu thế giới, cả về mặt số lượng lẫn chất lượng. Liệu rằng Hải Quân Mỹ có thật sự làm chủ được các vùng đại dương, một dạng « cảnh sát biển » ?
Kể từ cuối Đệ Nhị Thế Chiến, quả thật Hoa Kỳ đóng một vai trò cân bằng quyền lực, nhất là với Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã, thế giới dường như khởi đầu giai đoạn hòa hoãn. Ngày nay, tình hình lại trở nên phức tạp nhưng không còn khía cạnh « hai cực » nữa. Do vị thế của Mỹ trên thế giới, nước này lại phải trở về nắm giữ một vai trò đối với toàn bộ các vùng biển trên toàn cầu. Nhưng nhằm mục đích đóng vai trò cảnh sát biển hay là chỉ để có một vị thế đối với nước này và nước khác ?
Hiện giờ hải quân Mỹ phải đối mặt cùng lúc với nhiều tình huống phức tạp khác nhau. Tại Địa Trung Hải, tình hình còn tệ hơn trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh với sự hiện diện của Nga tại Syria, ở đây, Nga có một căn cứ hải quân. Ở Trung Đông, tình thế còn rối rắm hơn nữa với cuộc xung đột ở Yemen và tình hình ở Qatar hiện đang có những căng thẳng với các nước láng giềng cũng không mấy gì được yên ổn. Bởi vì, Qatar là quốc gia láng giềng của Bahrein, nơi neo đậu hạm đội V của Mỹ.
Tại Biển Đông, khu vực đang diễn ra cuộc chạy đua trang bị vũ khí hải quân giữa nhiều tác nhân, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và Bắc Kinh ngày càng tỏ ra khó chịu đối với sự hiện diện của hải quân Mỹ trong khu vực. Ở Đông Á, các hành động gây rối của Bắc Triều Tiên buộc Hoa Kỳ phải gởi một hàng không mẫu hạm đến bán đảo Triều Tiên. Và cuối cùng, ở vùng bắc Đại Tây Dương, Hoa Kỳ thông báo cho điều trở lại hạm đội II trước mối đe dọa tầu ngầm Nga.
Hoa Kỳ giờ đây vừa phải đóng vai trò « sen đầm » của thế giới tự do vừa ở trong hoàn cảnh chiến tranh lạnh với Nga, thậm chí với Trung Quốc. Vấn đề an ninh hàng hải liên quan đến Mỹ ngày nay đã trở nên phức tạp và cấp thiết. Điều này đòi hỏi Hoa Kỳ phải có một nỗ lực hải quân mà mục tiêu đặt ra là gia tăng số lượng đội tầu chiến từ 280 lên 350 chiếc.
Tháng 7/2017, Donald Trump cho khánh thành chiếc USS Gerald Ford, một chiếc hàng không mẫu hạm đời mới tổng trị giá 12,9 tỷ đô la. Trong suốt chiến dịch tranh cử, tổng thống Mỹ hiện nay từng hứa phát triển mạnh hải quân như ông vừa nói, với mục tiêu là 350 tầu chiến và tầu ngầm trong những năm sắp tới. Vậy những mục tiêu này có thể đạt được hay không ?
Công nghệ mới và cách tân hàng hải cần thiết cho việc phát triển các đội tầu chiến mới sẽ cực kỳ tốn kém mà trường hợp của chiếc hàng không mẫu hạm là một ví dụ điển hình. Về chủ đề này, các cơ quan thuộc Quốc Hội Mỹ chuyên trách giám sát các khoản bội chi ngân sách đã bày tỏ quan ngại. Bởi vì nếu như Hoa Kỳ phải có mặt cùng lúc nhiều nơi trên toàn cầu, ngân sách sẽ bị bội chi quá mức và việc đặt câu hỏi làm thế nào tài trợ cho các chiến dịch này là điều cần thiết.
Để so sánh, chi phí để chế tạo và lắp ráp chiếc hàng không mẫu hạm USS Gerald Ford bằng với chi phí đóng 13 chiếc tàu du lịch cực lớn (đơn giá là một tỷ euro/chiếc). Để tìm ra nguồn tài chính, người ta có lẽ nên tìm câu trả lời ở học thuyết Donald Trump. Hiện đang trong cuộc chiến chống thâm hụt mậu dịch và kích thích tăng trưởng kinh tế Mỹ, ông Donald Trump có thể khai thông dễ dàng một nguồn ngân sách cho những khoản chi tốn kém như vậy. Nhưng liệu rằng điều này có sẽ đủ để tài trợ cho một đội tầu chiến 350 chiếc hay không – giả như chính sách của Donald Trump thực hiện được ?
Hơn nữa, Washington sẽ phải có một nỗ lực hải quân to lớn mà thật sự không thể trông cậy vào các đồng minh – vốn không mấy gì đông lắm – hiện cũng đang phải đối phó với những khó khăn kinh tế, chính trị hay an ninh. Có thể nói là Hoa Kỳ hiện chưa thích ứng với tình huống thế giới đa cực mới trên phương diện địa chính trị và địa kinh tế, một thế giới hoàn toàn khác xa với thế giới lưỡng cực và dường như ít có khả năng là Hoa Kỳ có năng lực đối phó với diện mạo mới này của thế giới.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190712-cuong-quoc-hai-quan-hoa-ky-lam-chu-dai-duong
Mỹ thúc đẩy kế hoạch
dùng Hải Quân hộ tống tàu buôn ở vùng Vịnh
Hôm qua, 11/07/2019, Lầu Năm Góc Mỹ xác nhận có kế hoạch dùng lực lượng hải quân để hộ tống các tàu buôn ở vùng Vịnh sau việc Luân Đôn tiết lộ Hải Quân Iran đã cản đường một tàu chở dầu Anh Quốc ở eo biển Ormuz hôm 10/07.
Trong buổi điều trần trước Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện Mỹ, tướng Mark Milley, người được đề cử để giữ chức tổng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ trong thời gian tới đây, cho biết là Washington đang tìm cách thành lập một liên minh quốc tế, nhằm cung cấp tàu hộ tống quân sự cho các thương thuyền đi qua vùng Vịnh.
Theo tướng Milley, chiến dịch quốc tế có thể đi vào hoạt động trong một vài tuần lễ tới đây. Với Hạm Đội 5 của Mỹ đặt bản doanh tại Bahrein, Washington sẽ đóng vai trò chủ yếu trong việc bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực chiến lược này.
Hôm thứ Ba, 09/07, tướng Dunford, người mà ông Milley sẽ thay thế, có giải thích là « trong 2 hay 3 tuần tới đây », sẽ biết rõ những quốc gia nào ủng hộ sáng kiến thành lập liên minh của Mỹ. Địa bàn hoạt động trải rộng trên hai vùng : Eo biển Ormuz ở phía đông và eo biển Bab al–Mendeb, ở phía tây bán đảo Ả Rập.
Ngoại trưởng Iran không nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ
Reuters trích dẫn các nguồn thạo tin hôm qua 10/07 cho biết trước mắt Hoa Kỳ quyết định không đưa tên ngoại trưởng Iran Mohamed Javad Zarif vào danh sách trừng phạt.
Đây là một sự điều chỉnh so với thông báo hôm 24 tháng 6 của bộ trưởng Tài Chính Mỹ, Steven Mnuchin, theo đó ngoại trưởng Iran nằm trong danh sách đen và hàng tỷ đô la của Iran sẽ bị phong tỏa.
Quyết định không trừng phạt ngoại trưởng Iran được xem như là dấu hiệu cho thấy Washington có thể mở đường cho một giải pháp ngoại giao. Việc đặt nhà thương thuyết hàng đầu của Iran trong danh sách trừng phạt sẽ phá vỡ nỗ lực của Mỹ khi muốn sử dụng con đường ngoại giao để giải quyết tranh chấp với Iran.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190712-my-ke-hoach-hai-quan-ho-tong-tau-buon-vung-vinh
Mỹ đề xuất giảm trừng phạt
nếu Bình Nhưỡng đóng Yongbyon
và ngừng chương trình hạt nhân
Nếu Bắc Triều Tiên chấp nhận dỡ bỏ nhà máy hạt nhân Yongbyon và ngừng toàn bộ chương trình nguyên tử, Hoa Kỳ có thể đình chỉ một số biện pháp trừng phạt nhắm vào Bắc Triều Tiên trong vòng từ 12 đến 18 tháng.
Ngày 11/07/2019, một nguồn tin thân cận với Nhà Trắng đã tiết lộ thông tin này cho hãng tin Yonhap và hai cơ quan truyền thông khác trước khi phái đoàn Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ nối lại đàm phán trong thời gian tới, dù ngày giờ và địa điểm chưa được tiết lộ.
Theo nguồn tin trên, « Nhà Trắng muốn xác định rõ những điều kiện để từ đó có thể bắt đầu tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên khi các cuộc đàm phán giữa các nhóm làm việc hai bên tái khởi động ». Các trừng phạt nhắm vào Bắc Triều Tiên có thể được đình chỉ và triển hạn nếu quá trình phi hạt nhân hóa « tiến triển không gặp trở ngại », nhưng cũng có thể bị hủy nếu Bình Nhưỡng không thật tâm.
Với đề xuất của Mỹ, có thể Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cho phép Bắc Triều Tiên tái xuất khẩu than và hàng may vải sợi, hai nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Bình Nhưỡng.
Bước đầu của quá trình này có thể được áp dụng với khu phức hợp hạt nhân Yongbyon và nếu thành công, có thể dần được áp dụng cho đến khi chấm dứt toàn bộ chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, nguồn tin trên cũng thừa nhận rằng việc thanh tra và kiểm chứng quá trình tháo dỡ khu phức hợp Yongbyon và đình chỉ hoạt động các cơ sở hạt nhân là rất phức tạp.
Trước đó, tại thượng đỉnh G20 tại Osaka vào tháng Sáu, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề nghị tổng thống Donald Trump giảm nhẹ trừng phạt chế độ Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, theo Reuters, thông tin này mới được bộ Ngoại Giao Trung Quốc công bố ngày 12/07.
Thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên tại Hà Nội thất bại cũng vì bất đồng trong việc tháo dỡ khu phức hợp Yongbyon để Bình Nhưỡng được dỡ bỏ một số cấm vận. Lúc đó, tổng thống Mỹ cho rằng chỉ đóng cửa mỗi Yongbyon là chưa đủ vì Bắc Triều Tiên còn nhiều khu sản xuất hạt nhân khác.
Nguồn tin của Yonhap cho biết « đề xuất mới sẽ không giảm bớt trừng phạt mà Bắc Triều Tiên mong muốn mà yêu cầu nước này phải nhân nhượng hơn nữa ».
Nếu diễn ra thượng đỉnh lần thứ 3, tổng thống Mỹ sẽ gặp « chủ tịch nước » Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Theo Yonhap, cương vị mới của ông Kim Jong Un được ghi rõ trong bản Hiến Pháp sửa đổi vào tháng 04/2019 và toàn bộ nội dung vừa được cơ quan tuyên truyền Naenara của Bắc Triều Tiên công bố trên website.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190712-binh-nhuong-yongbyon-my-trung-phat
Dùng quá khứ rọi tương lai:
Câu trả lời của ông Trump cách đây 30 năm
sẽ hé lộ “đòn cuối” của Mỹ với TQ
Hơn 10 ngày trôi qua kể từ cuộc gặp gần nhất, ê kíp đàm phán hai nước Mỹ – Trung vẫn chưa thể ngồi lại với nhau dù đã đạt được thỏa thuận tạm dừng leo thang biện pháp thuế quan.
Quá khứ phản chiếu
Sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung lần 2 tại Hội nghị G20 ở Osaka (Nhật Bản) vào ngày 29/6 vừa qua, về danh nghĩa, hai nước đã tái khởi động đàm phán thương mại. Nhưng hơn 10 ngày trôi qua, người ta chỉ biết ê kíp đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã điện đàm với nhau vào tối 9/7 (theo giờ Mỹ) còn ngày gặp gỡ trực tiếp vẫn chưa thể định rõ.
Muốn đánh giá về khả năng Mỹ-Trung cuối cùng có đạt được thỏa thuận thương mại hay không, điều then chốt là phải hiểu được người tuyên chiến.
Nếu cho rằng bên nào áp dụng biện pháp thuế quan trước, bên đó đóng vai tuyên chiến, Mỹ, đứng đầu là Tổng thống Donald Trump chính là người tuyên chiến trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Để hiểu được ông chủ Nhà Trắng rốt cuộc muốn gì, clip phỏng vấn 31 năm trước có thể hé lộ phần nào câu trả lời.
Năm 1988, ông Trump mới 42 tuổi, xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, biểu thị thái độ vô cùng bất mãn trước việc Mỹ bị thâm hụt thương mại lớn trong quan hệ với Nhật Bản.
Ông Trump cho rằng trong quan hệ thương mại Mỹ-Nhật, Washington đã trao toàn bộ quyền lợi cho người Nhật Bản, mở cửa hoàn toàn thị trường Mỹ cho Nhật Bản, để người Nhật Bản bán phá giá hàng hóa của mình ở Mỹ.
Nhưng người Nhật Bản lại không đối xử bình đẳng với người Mỹ, tuy không đề ra quy định pháp luật rõ ràng để hạn chế hàng hóa Mỹ thâm nhập thị trường Nhật Bản, nhưng trên thực tế Tokyo khiến doanh nghiệp Mỹ không thể bán được sản phẩm của mình ở Nhật Bản. Theo ông Trump, đó không phải là thương mại tự do.
Lần giở lại lịch sử, khi ấy, ông Trump là đảng viên đảng Dân chủ. Lúc được người dẫn chương trình hỏi có ý định tham gia tranh cử tổng thống Mỹ hay không, ông Trump nói hiện tại chưa có dự định đó, bản thân thích tiếp tục con đường kinh doanh, nhưng không loại trừ khả năng sau này sẽ tham gia tranh cử bởi vì bản thân cảm thấy có một số điểm thực sự không thể chấp nhận được đối với hiện trạng của nước Mỹ.
Sau đó, ông Trump nói đầy tự tin: “Nếu làm tổng thống, tôi sẽ đòi lại rất nhiều, rất nhiều tiền từ những người đã lợi dụng chúng ta 25 năm qua. Tình hình sẽ thay đổi, tin tôi đi”.
So sánh ông Trump lúc trung tuổi và khi về già có thể thấy đối tượng bị chỉ trích đã thay đổi, từ Nhật Bản chuyển thành Trung Quốc. Tuy nhiên, sau 30 năm, cách nhìn nhận của ông Trump về vấn đề thương mại của nước Mỹ kỳ thực không có nhiều thay đổi.
Nếu nước Mỹ rơi vào tình trạng thâm hụt thương mại lớn với nước nào thì lỗi thuộc về nước đó và nước đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, bao gồm việc phải giảm mất cân bằng thương mại đối với Mỹ.
Theo một số nhà quan sát, đây có thể là nguyên nhân đằng sau việc Mỹ không ngừng gây sức ép với Trung Quốc, thậm chí yêu cầu Trung Quốc sửa đổi luật pháp, thay đổi kết cấu kinh tế để giải quyết tranh chấp thương mại song phương.
Bốn trở ngại lớn
Để hiện thực hóa cam kết giữa nguyên thủ hai nước, ê kíp đàm phán thương mại Mỹ-Trung rồi sẽ điện đàm, gặp gỡ trực tiếp nhau. Vấn đề ở chỗ nút thắt tranh chấp cũ chưa được cởi bỏ, vấn đề mới đã xuất hiện.
Do đó, kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung tại Osaka chỉ là liều “vắc xin tâm lý” và vòng đàm phán mới e rằng sẽ rất khấp khểnh, bập bềnh, chủ yếu do các trở ngại lớn sau:
Thứ nhất, Mỹ có thực sự “phóng sinh” tập đoàn Huawei của Trung Quốc hay không? Đây là yêu cầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Trump đã đáp ứng ngay tại cuộc gặp thượng đỉnh hôm 29/6.
Nhưng sau đó Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Rossi đều chỉ rõ việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt chỉ giới hạn ở phạm vi các sản phẩm bán dẫn hàm lượng công nghệ thấp, không ảnh hưởng tới an ninh quốc gia và hạn mức mỗi năm là dưới 1 tỷ USD.
Ngoài ra, theo hãng tin Reuters, các nhân viên thực thi nhiệm vụ giám sát quản lý xuất khẩu của Bộ Thương mại Mỹ được lệnh phải tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh quốc gia nghiêm ngặt nhất khi đánh giá các sản phẩm được xem xét cấp phép xuất khẩu cho Huawei bởi Huawei vẫn nằm trong “danh sách đen”.
Thứ hai, phía Mỹ có dỡ bỏ biện pháp thuế quan hay không? Tại cuộc họp báo hôm 4/7, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho rằng việc Mỹ đơn phương áp đặt thuế trừng phạt lên hàng hóa Trung Quốc là khởi điểm của va chạm kinh tế thương mại song phương.
Vì vậy, hai bên muốn đạt được thỏa thuận thương mại, biện pháp trừng phạt thuế quan phải được bãi bỏ hoàn toàn. Điều này cho thấy Bắc Kinh rất lưu ý tới ảnh hưởng của biện pháp thuế quan. Nhưng tới nay, ông Trump vẫn kiên định quan điểm “biện pháp thuế quan có lợi cho nước Mỹ” và điều kiện mà phía Trung Quốc nêu ra ở trên rất có thể sẽ khích lệ ông Trump tiếp tục sử dụng biện pháp thuế quan để gây sức ép buộc Trung Quốc phải nhượng bộ.
Thứ ba, Trung Quốc có tăng cường mua sắm hàng hóa Mỹ hay không? Sau cuộc gặp thượng đỉnh với ông Tập hôm 29/6, ông Trump cho biết Trung Quốc sẽ mua một lượng lớn thực phẩm và nông sản Mỹ.
Phía Mỹ sẽ đưa cho phía Trung Quốc một bản danh sách hàng hóa Mỹ cần được mua. Tuy nhiên, theo 3 nguồn thạo tin của Reuters, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra cam kết chắc chắn về việc mua nông sản Mỹ để giảm mất thăng bằng thương mại với Mỹ.
Tới nay, ngoài một doanh nghiệp tư nhân mua một lượng nhỏ gạo Mỹ, chưa có bất cứ thỏa thuận mua hàng hóa Mỹ nào được thực hiện. Trong đó, 1 nguồn tin tiết lộ khi gặp ông Tập, ông Trump hai lần nêu vấn đề mua nông sản Mỹ, nhưng ông Tập chỉ đồng ý xem xét vấn đề này khi hai bên đạt được thỏa thuận toàn diện cuối cùng.
Nói cách khác, việc mua bao nhiêu nông sản Mỹ trở thành cái “thóp” của ông Trump bị Bắc Kinh nắm lấy để gia tăng sức nặng trong đàm phán. Nguyên nhân là do trong cuộc bầu cử
tổng thống năm 2016, ông Trump giành chiến thắng ở 8 bang dao động then chốt phần lớn nhờ vào sự ủng hộ của những người nông dân tại đây.
Chiến tranh thương mại kéo dài, theo tờ Tin tức Thế giới, nhiều nông dân trồng đậu tương ở những bang này đang phải đối mặt với tình trạng lỗ vốn, thậm chí là phá sản, công khai hối hận vì đã ủng hộ ông Trump, trong tương lai, có thể ảnh hưởng tới khả năng liên nhiệm của ông Trump.
Thứ tư, Mỹ-Trung đồng ý sử dụng văn bản nào để đàm phán. Theo Reuters, tới nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy hai bên sẽ sử dụng văn bản trước khi đàm phán thương mại song phương đổ vỡ vào đầu tháng 5/2019 để làm cơ sở tiếp tục đàm phán.
Trong khi đó, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, người được ông Trump xác định sẽ tiếp tục tham gia đàm phán với phía Trung Quốc, vẫn kiên trì quan điểm phía Trung Quốc phải sửa đổi pháp luật, đảm bảo tuân thủ cam kết. Nếu phía Trung Quốc không chấp nhận, e rằng đàm phán thương mại Mỹ-Trung khó có thành quả.
Hồi tiếp của thương chiến
Từ những gì nêu trên có thể dự đoán hiện nay còn quá sớm kỳ vọng vào một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung toàn diện.
Nguy hiểm ở chỗ, ngay cả khi ông Trump thực sự “phóng sinh” Huawei thì đó chưa phải lời kết cho chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung.
Bởi việc Quốc hội Mỹ trừng phạt một số doanh nghiệp công nghệ khác của Trung Quốc, trong đó có Hikvision giờ đây đã như “tên ở trên cung”. Ngoài ra, phong tỏa Huawei chỉ là một phần nhỏ trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc về công nghệ.
Chiến lược này còn bao gồm việc điều tra các hoạt động gián điệp thương mại và chương trình đào tạo 1.000 chuyên gia của Trung Quốc, hạn chế du học sinh Trung Quốc theo học các lĩnh vực nhạy cảm ở Mỹ…
Để đáp trả, các “ông lớn” của Mỹ như Boeing, Intel, Qualcomm hay Apple có thể sẽ trở thành đối tượng để Trung Quốc nhằm vào, nhưng điều đó cũng chỉ làm tăng nhiệt căng thẳng song phương.
Một vấn đề khác cũng rất quan trọng, ấy là nguy cơ thương chiến mở rộng sang lĩnh vực tài chính tiền tệ. Mỹ tạm thời chưa áp thuế trừng phạt đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại, nghĩa là “lưỡi dao thuế quan” vẫn còn treo ở đó.
Một khi nó hạ xuống, để tiêu giảm một phần tác động, Trung Quốc có thể phải phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ, mang tới cái cớ cho Mỹ quy kết Trung Quốc thao túng tiền tệ.
Bên cạnh đó, trong trường hợp căng thẳng leo thang, Washington có thể sẽ tăng cường sử dụng các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Trung Quốc.
Khả năng này phần nào thấy được từ việc mới đây, theo tờ Washington Post, một thẩm phán cho rằng 3 ngân hàng Trung Quốc, gồm Ngân hàng Viễn thông, Ngân hàng Thương mại Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải, đã không thực hiện lệnh của tòa án liên quan đến cuộc điều tra về vi phạm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.
Cho nên, có chuyên gia cho rằng cùng với khả năng chiến tranh thương mại leo thang, cần phải chuẩn bị cho nguy cơ diễn biến thành chiến tranh tiền tệ và khả năng các tổ chức tài chính Trung Quốc bị đưa vào “danh sách đen”, cấm sử dụng một số dịch vụ quốc tế như mã nhận dạng ngân hàng (Swift) hay thanh toán bù trừ liên ngân hàng (Chips)…
Điều không may mắn là khác với chiến tranh thương mại, chiến tranh tài chính tiền tệ rất khó kiểm soát và cơ hội giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực này cũng khá mong manh.
Năm điều tranh cãi với đại sứ Anh
cho thấy về Trump
Anthony ZurcherPhóng viên BBC, Bắc Mỹ
Với việc Ngài Kim Darroch, đại sứ Anh, xin từ chức, phản ứng bên phía Hoa Kỳ về những emails bị rò rỉ đã khép lại.
Trong khi đó chính phủ Anh sẽ tiếp tục đối phó với những hệ quả chính trị của sự kiện này trong nhiều tuần, nếu không phải vài tháng nữa.
Tuy nhiên, sẽ không quá sớm để đưa ra đánh giá từ bên bờ phía Mỹ của Đại Tây Dương.
Dưới đây là năm điều chúng ta thấy.
‘Phá vỡ quy tắc’ đã vượt đại dương
Như Forrest Gump có thể nói, muốn quyền lực thì nắm lấy nó. Donald Trump với tư cách là tổng thống đã tạo thói quen tước bỏ các quy tắc và truyền thống – Lớp vecni che giấu việc thực thi quyền lực chính trị – và vận hành theo các quy tắc riêng của ông.
Đã có nhiều tiếng phản đối từ các đối thủ chính trị của tổng thống và thỉnh thoảng có sự can thiệp từ các thành viên trong chính đảng của ông, nhưng ông Trump đã hoạt động một cách hầu như không bị kiểm soát.
Rò rỉ điện tín của đại sứ Anh về Trump
Đại sứ Anh tại Mỹ ‘có sự ủng hộ tuyệt đối’ của bà May
Đại sứ Anh tại Hoa Kỳ từ chức sau bất hòa ngoại giao
Bây giờ việc phá vỡ quy tắc của tổng thống đã vượt Đại Tây Dương. Sau khi hỗ trợ Ngài Kim trong khoảng 48 giờ, chính phủ Anh đã bằng lòng chấp nhận quyết định tự mình ngã xuống thanh kiếm của mình của vị đại sứ – và ứng cử viên thủ tướng hàng đầu, người có triển vọng trở thành thủ tướng Anh kế tiếp thì đã giữ im lặng trong suốt thời gian qua.
Đại sứ đến và đi. Đôi khi họ được tiễn ra khỏi nhiệm sở của mình vì tranh chấp với nước chủ nhà. Tuy nhiên, ngoại trừ vì chiến tranh hoặc gián điệp được chứng minh cụ thể, những xích mích thường không được để lọt vào tầm nhìn của công chúng.
Chào mừng bạn đến với thời đại của nền ngoại giao không lịch thiệp – và nhận ra rằng “mối quan hệ đặc biệt” giữa Mỹ và Anh không nhất thiết phải đặc biệt cho lắm.
Những email bị rò rỉ làm tổn thương Trump
“Nước Mỹ một lần nữa được tôn trọng”. Đó là điệp khúc phổ biến của tổng thống trong các bài phát biểu, tweet và nhận xét ngoài lề.
Ông Trump nhấn mạnh trong chiến dịch tranh cử năm 2016 rằng Tổng thống Barack Obama đã làm suy thoái vị thế của người Mỹ trên thế giới, và gần như kể từ khi nhậm chức, khoe rằng ông đã khôi phục danh tiếng mờ nhạt của quốc gia.
Tổng thống thường thích kể lại cách các nhà lãnh đạo thế giới khác (tư nhân) ca ngợi ông về công việc ông đang làm và bày tỏ sự ghen tị với sức mạnh và sự thịnh vượng của nước Mỹ.
Gọi đó là lời hứa “Làm nước Mỹ mạnh trở lại”, được trình chiếu trên sân khấu thế giới.
Vấn đề cho tổng thống là sự đánh giá thẳng thừng của Ngài Kim về rối loạn chức năng, sự hỗn loạn và bất tài của Nhà Trắng làm lu mờ đáng kể bức tranh màu hồng rực rỡ này. Đây là đại diện của một đồng minh thân cận trong các bản ghi nhớ bí mật cho các nhà lãnh đạo Anh, về cơ bản nói rằng ”hoàng đế không mặc quần áo.”
Không cần nhiều trí tưởng tượng để hình dung là đối thủ Dân chủ của ông Trump sẽ ném những lời của Ngài Kim vào mặt tổng thống trong chiến dịch tranh cử năm 2020, trong các quảng cáo hoặc trên sân khấu tranh luận.
Và vì vậy, đại sứ phải được phế đi, và danh tiếng của ngài bị xé nát, nhanh chóng và tích cực nhất có thể.
Truyền thông Mỹ nhún vai
Ở Anh, cuộc tấn công một chiều giữa ông Trump và ông Kim là những tin tức hấp dẫn cả ngày. Nó làm náo loạn chính phủ Anh, tràn vào cuộc tranh cử lãnh đạo đảng Bảo thủ và là chủ đề của mọi cuộc trò chuyện chính trị.
Mặt khác, ở Mỹ, đó chỉ là một đốm sáng trên radar – chỉ là ví dụ mới nhất về lời qua tiếng lại của tổng thống với người phê bình ông, cho dù đó là người nổi tiếng, đối thủ chính trị hay thậm chí là thành viên ngay trong chính quyền của ông. Tổng thống gửi đi 21 tweet trong khoảng thời gian hai ngày của cuộc xung đột với đại sứ Kim Darroch – ông đã đụng đến Ấn Độ, cơ quan tư pháp liên bang, đảng Dân chủ và “phe cực đoan”. Ông khoe khoang về nền kinh tế và chia sẻ nhưng khúc phim từ Fox News.
Một loạt các tweet tấn công ban đầu nhắm vào Theresa May và Ngài Kim được truyền thông Hoa Kỳ đưa tin một chút, nhưng vòng tấn công kế tiếp vào ngày thứ hai chỉ thỉnh thoảng được đề cập trong tin tức Hoa Kỳ ,và không hề được nhắc đến trên trang chính của New York Times.
Việc từ chức của Ngài Kim đã thu hút sự quan tâm, nhưng chỉ như một đoạn kết về cuộc tranh cãi – một kết cục không thể tránh khỏi trước khi sự sự chú ý của nước Mỹ chuyển qua đề tài khác.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một trong những người ủng hộ trung thành nhất của tổng thống tại Quốc hội, đã than thở về sự ra đi của đại sứ Anh, tweet rằng ông “không được báo chí quan tâm đủ”.
Đến chiều, sự chú ý của dân Mỹ đã chuyển sang lôi kéo Bộ trưởng Lao động Alex Acosta và sự liên quan của ông trong vụ bê bối buôn bán tình dục Jeffrey Epstein.
Nhịp đời vẫn quay đều.
Đây là cách Trump “đuổi” người
Chính phủ Anh vừa nếm mùi kỹ năng quản lý nhân sự của ông Trump. Mặc dù tạo dựng tên tuổi trên chương trình truyền hình thực tế với tư cách là một chủ nhân ông chuyên đuổi người, nhưng đó không phải là phong cách của Trump – và đó không phải là cách đuổi người trong phần lớn trong sự nghiệp chuyên nghiệp của ông Trump.
Ông Trump không sa thải nhân viên. Ông chỉ đơn giản làm cho cuộc sống của họ trở nên quá khó chịu đến nỗi cuối cùng họ phải tự ý bỏ đi.
Nếu ông Trump muốn loại Ngài Kim, ông có thể ra lệnh cho ông Kim bị chỉ định là “nhân vật không được hoan nghênh” (persona non grata) theo Điều 9 của Công ước Vienna về Quan hệ ngoại giao. Vương quốc Anh sẽ có nghĩa vụ pháp lý phải nhanh chóng loại bỏ Ngài Kim ra khỏi tòa đại sứ.
Ông Trump đã không làm điều đó.Thay vào đó, tổng thống tung ra một loạt các tweet chế nhạo, hủy lời mời đại sứ đến tham dự các sự kiện của Nhà Trắng và – dù ra chỉ thị hay ngụ ý – cắt đứt sự tương tác của nhân viên với ông đại sứ.
Mặc dù chúng ta chưa thấy loại quy trình này diễn ra trên chính trường quốc tế, nhưng đây là một đặc điểm của nhiệm kỳ tổng thống của Trump.
Ông Trump từng công khai tấn công và coi thường các thành viên trong chính quyền của mình, bao gồm cả Ngoại trưởng Rex Tillerson và đáng chú ý nhất là Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions. Ông cũng từng đối xử lạnh lùng với cựu giám đốc của nhân viên Reince Priebus và John Kelly.
Cuối cùng tất cả đã từ chức. Sự từ chức của Ngài Kim đơn giản chỉ là đột ngột hơn.
Rạn nứt giữa Trump và Bộ Ngoại giao vẫn tiếp tục
Quan hệ băng giá giữa Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao kể từ những ngày đầu của chính quyền Trump chẳng là bí mật với ai. Tổng thống có thể xem bộ mà đối thủ tranh cử tổng thống của ông, Hillary Clinton đứng đầu từ năm 2009 đến 2013, có đầy rẫy những người chỉ trích và những người chống đối ý thức hệ của mình – và ông có thể không hoàn toàn sai.
Phong cách và chính sách đối ngoại của tổng thống chắc chắn là một tương phản chói tai với cách thức ngoại giao đã được tiến hành theo truyền thống bấy lâu của Mỹ.
Sự tương phản đó đã được thấy rõ hôm thứ ba, khi phát ngôn viên bộ Ngoại giao Morgan Ortagus tổ chức một cuộc họp báo công khai – buổi họp báo đầu tiên của bà trong hơn ba tuần.
Trước những câu hỏi lập đi lập lại của các phóng viên, bà Ortagus khẳng định rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Anh “lớn hơn bất kỳ cá nhân nào, lớn hơn bất kỳ chính phủ nào”.
Bà nói rằng không thể nói thay cho tổng thống hoặc giải thích những tweet của ông, tuy nhiên. Và những câu hỏi đó sẽ phải đưa đến cho Nhà Trắng.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục giao tiếp với tất cả các cá nhân được công nhận cho đến khi chúng tôi nhận được bất kỳ hướng dẫn nào từ Nhà Trắng hoặc tổng thống, tất nhiên, chúng tôi sẽ tuân theo chỉ đạo của tổng thống,” bà nói thêm.
Tweet của tổng thống, dường như, không đủ hướng dẫn để thay đổi cách làm việc của bộ ngoại giao – và hơn thế nữa, không có hướng dẫn cụ thể nào.
Làm việc với một tổng thống không có văn bản, đưa ra thông báo mà không hỏi ý kiến hoặc thậm chí không báo cho nhân viên biết là một thách thức đối với nhiều thành viên của chính quyền, trong Bộ Ngoại giao và các nơi khác.
Họ thường tự hỏi liệu tổng thống, trong các bình luận hay tweet, đã chính thức thay đổi chính sách hay chỉ đơn giản là đang xả những cơn tức giận. Điều đó thường dẫn đến những phản ứng lẫn lộn hoặc không nhất quán về các chủ đề như thực thi luật nhập cư, lệnh cấm chuyển giới trong quân đội, chiến lược pháp lý và triển khai quân đội Hoa Kỳ.
Có một từ dành cho điều đó. “Rối loạn chức năng”, có lẽ?
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48932810
Tuần duyên Hoa Kỳ truy đuổi
tàu buôn lậu ma túy từ Trung-Nam Mỹ
Theo tin từ ABC News, trong một đoạn phim đầy kịch tính, một quân nhân Tuần duyên Hoa Kỳ đã đuổi theo một chiếc tàu bán chìm (semi-submersible) buôn lậu ma túy giữa vùng biển quốc tế ở phía đông Thái Bình Dương.
Đoạn phim được quay vào ngày 18 tháng 6, cho thấy một thành viên Tuần duyên Hoa Kỳ đã liên tục yêu cầu con tàu dừng lại bằng tiếng Tây Ban Nha. Quân nhân này còn nói đây sẽ là cuộc rượt đuổi khó khăn. Trong đoạn phim, một trong hai chiếc tàu của Tuần duyên Hoa Kỳ đã ép bên sườn con tàu buôn lậu, và hai thành viên thủy thủ đoàn bước qua con tàu. Một người đã đập vào cửa hầm của con tàu, cho đến khi một người bên trong mở cửa.
Phát ngôn viên Tuần duyên Hoa Kỳ, Trung úy Stephen Brickey nói với ABC News rằng phi cơ tuần tra trên biển lần đầu tiên phát hiện con tàu bán chìm và cung cấp vị trí con tàu cho các quân nhân. Sau đó họ điều động trực thăng bay vượt ra khỏi tầm nhìn của con tàu, và hai chiếc thuyền nhỏ hơn hướng đến vị trí của con tàu. Ông Brickey cho biết con tàu dài 45 foot di chuyển với tốc độ 10 dặm/giờ và cách cách biên giới giữa Ecuador và Colombia hàng trăm dặm. Lực lượng tuần duyên đổ bộ lên con tàu được cung cấp thiết bị quan sát ban đêm để nhìn vào căn hầm tối của con tàu. Có năm người ở trên tàu, Tuần duyên Hoa Kỳ đã thu giữ khoảng 17,000 pound cocaine trị giá ước tính 232 triệu Mỹ kim.
Tuần duyên Hoa Kỳ cho hay việc sử dụng tàu bán chìm để buôn lậu ma túy là rất hiếm, vì chi phí đóng tàu rất tốn kém. Từ tháng 5 đến tháng 7, ước tính lực lượng tuần tra trên biển đã thu giữ hơn 39,000 pound cocaine và 933 pound cần sa trong 14 vụ buôn bán ma túy riêng biệt ngoài khơi bờ biển Mexico, Trung Mỹ và Nam Mỹ. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tuan-duyen-hoa-ky-truy-duoi-tau-buon-lau-ma-tuy-tu-trung-nam-my/
Kế hoạch của tổng thống Trump biến Guatemala
thành nơi nhận người tầm trú gặp phản đối ở Guatamela
Tin từ GUATEMALA CITY, Guatemala — Vào đầu tuần tới, tổng thống Guatemala Jimmy Morales sẽ tới Washington để thảo luận về vấn đề di dân. Năm cựu viên chức cao cấp Guatamela đã làm đơn phản đối để chặn một thỏa thuận mà ông Morales có thể ký, để tuyên bố quốc gia Trung Mỹ này là điểm đến an toàn cho những người tầm trú.
Đơn phản đối gửi lên Tòa án Hiến pháp Guatemala đã được ký bởi bốn cựu bộ trưởng ngoại giao Guatemala và một nhà ngoại giao cao cấp. Họ hy vọng rằng đơn phản đối này sẽ khiến tòa bác bỏ mọi thỏa thuận với Hoa Kỳ về việc tuyên bố Guatemala là một “quốc gia an toàn thứ ba” cho những người tầm trú. Lập luận pháp lý này cho rằng một thỏa thuận như vậy sẽ là một hành động “rất nghiêm trọng”, và rõ ràng là “có thể gây hại” cho Guatemala và người dân ở đó. Họ cho rằng kinh nghiệm đối ngoại và ngoại giao của những người làm đơn có độ tin cậy cao cho phân tích của họ. Phía tòa án có thể sẽ mất vài tuần để đưa ra quyết định về vấn đề này.
Trong một tuyên bố trên Twitter vào hôm thứ Năm (11/7), chính phủ Guatemala cho biết Ông Morales sẽ đến thăm Tổng thống Trump tại Tòa Bạch Ốc vào hôm thứ Hai 15/07, và sẽ “gặp gỡ các viên chức Chính phủ Hoa Kỳ để bàn về các vấn đề an ninh, di dân và kinh tế”. Một nguồn tin của chính phủ Hoa Kỳ được thông báo về vấn đề này và một nguồn tin ẩn danh của tổng thống Guatemala cho biết ông Morales có thể sẽ ký một “thỏa thuận quốc gia an toàn thứ ba” với tổng thống Donald Trump. Một số chi tiết vẫn đang được hoàn thiện, sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng. (Mộc Miên)
Mỹ-Trung đàm phán sụp đổ vì không hiểu nhau?
Dù phía Mỹ có gây sức ép thế nào cũng không thể buộc Trung Quốc thay đổi mô hình phát triển kinh tế vì giới lãnh đạo và người dân Trung Quốc tin vào ‘tính ưu việt’ của con đường riêng của họ, hai học giả nhận định trong một bài báo.
Trong bài viết có tựa đề ‘Hiểu về sự chia rẽ Mỹ-Trung trong thương mại’ đăng trên tạp chí chuyên ngành về quan hệ quốc tế Diplomat, Giáo sư Lưu Bảo Thành tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế ở Bắc Kinh và Giáo sư Hilton L. Root thuộc Đại học George Mason, Hoa Kỳ, nhận định rằng Mỹ-Trung chỉ có thể đạt được thỏa thuận thương mại nếu như Mỹ yêu sách những điều ‘khả thi’ đối với Trung Quốc.
Bài phân tích nêu rằng khi cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra, trong tuần đầu tiên của tháng Năm, các nhà đàm phán Hoa Kỳ đã báo cáo tiến triển về các vấn đề an ninh quốc gia quan trọng và luật thương mại để giảm trộm cắp tài sản trí tuệ. Lúc đó, Trung Quốc dường như sẵn sàng tăng đáng kể nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ, thu hẹp sự mất cân bằng thương mại, mở cửa thị trường cho các dịch vụ tài chính của Hoa Kỳ và giảm việc bán phá giá hàng hóa – tức là những hàng hóa được trợ cấp nên có giá rẻ nhân tạo.
Ở Trung Quốc cũng vậy, kỳ vọng dâng cao. Đầu tháng 4, Tân Hoa Xã đưa tin rằng vòng đàm phán thứ tám đã đạt được tiến bộ mới trong các vấn đề liên quan đến chuyển giao công nghệ, nông nghiệp và thực thi.
Tuy nhiên, chưa đầy một tháng sau, các cuộc đàm phán đã trở nên hụt hơi và sau đó bị đình trệ hoàn toàn. Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thêm thuế vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc còn Trung Quốc cũng trả đũa bằng thuế quan của riêng mình và áp lực từ cả hai phía leo thang.
Bây giờ Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý mở lại các cuộc đàm phán thương mại. Để tránh một thất bại khác, hai giáo sư đã chỉ ra trong bài báo những điều gì hai bên cần hiểu về sự sụp đổ của vòng đàm phán cuối cùng.
Theo họ, nếu một thỏa thuận đạt được thì cần phải có sự hiểu biết nhiều hơn về những điều khoản nào mà các thành phần chủ chốt ở Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận, và vấn đề nào mà lãnh đạo Trung Quốc xem là là nền tảng cho các triết lý kinh tế cốt lõi của họ mà họ không sẵn sàng từ bỏ.
Một số nhà phân tích Mỹ cho rằng nguyên nhân khiến cuộc đàm phán sụp đổ là do thành phần cứng rắn tại Mỹ vốn lo lắng về tham vọng bá quyền của Trung Quốc hơn là thương mại; những người khác thì đổ cho ‘Trung Quốc tham lam’, mà họ cho là rút lại những cam kết mà đã đồng ý trước đó. Về phía Trung Quốc, có những cáo buộc cho rằng các tuyên bố của chính quyền Trump là không trung thực và cố tình gây nhầm lẫn và rằng Hoa Kỳ tiếp tục đưa ra thêm các yêu sách mới, bao gồm cả việc thực thi các cải cách thị trường ngay lập tức.
Quá tự tin?
“Điều rõ ràng là cả hai bên đều quá tự tin. Cả hai đều hiểu hành vi và thông điệp của đối phương thông qua lăng kính của nền văn hóa chính trị của chính họ. Điều này khiến mỗi bên đánh giá quá cao đòn bẩy của mình và cuối cùng, cáo buộc đối phương trở cờ,” bài phân tích viết.
Người Trung Quốc có một câu ngạn ngữ rằng ‘không có gì là nhỏ nhặt trong ngoại giao’. Bất kỳ vấn đề nào, dù nhỏ đến đâu, đều rất quan trọng nếu nó liên quan đến chính phủ nước ngoài. Theo hai tác giả bài viết trên Diplomat, ngay cả khi có một nhà lãnh đạo mạnh mẽ như ông Tập Cận Bình đang cầm cương thì Bộ Chính trị và Quốc vụ viện, cùng với Ủy ban Trung ương của Đảng Cộng sản phải phê chuẩn bất kỳ bản thỏa thuận nào, nếu không nó sẽ không có giá trị.
Nhìn vào thành phần phái đoàn đàm phán Trung Quốc, rõ ràng nước này đã sẵn sàng giải quyết các vấn đề ở cấp độ kỹ thuật như thương mại, tài chính, tiếp cận thị trường và bảo vệ sở hữu trí tuệ, nhưng không sẵn sàng đi sâu vào các cải cách mang tính hệ thống hoặc các cơ chế thực thi, bài báo nói.
Nhà đàm phán chính của Trung Quốc, phó Thủ tướng Lưu Hạc là tâm điểm chú ý của truyền thông, nhưng trách nhiệm của ông chỉ giới hạn ở thương mại, tài chính và công nghệ. Người không có mặt là phó Thủ tướng Hàn Chính, người giám sát Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), vốn chịu trách nhiệm về những vấn đề cấu trúc như trợ cấp hay quy hoạch công nghiệp. Ủy ban giám sát và quản lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước của Quốc vụ viện (SASAC) phải báo cáo với Ủy viên Quốc vụ viện Vương Dũng, người bảo vệ mạnh mẽ hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Các cơ quan này không có mặt trong các cuộc đàm phán.
Sự chia rẽ về cải cách hệ thống nằm ở đằng sau các chi tiết kỹ thuật về thuế quan và hạn ngạch. Nó nằm ngay giữa quyết tâm của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng con đường phát triển và hệ thống kinh tế của Trung Quốc phát triển và cùng nhau bắt rễ; rằng mỗi bên đóng góp vào sự thành công của nhau. Hơn nữa, thông qua mô hình kinh tế của mình, Trung Quốc tìm cách đưa ra các giải pháp phát triển cho các nền kinh tế mới nổi khác và một ‘định mệnh chung’ cho thế giới. Như thế, Trung Quốc đã cho thấy họ sẵn sàng mất tiền cho các khoản đầu tư ở nước ngoài khi họ xây dựng các liên minh và các mối quan hệ đối tác thương mại trên toàn thế giới và tự coi mình là đối thủ của hệ thống trật tự quốc tế tự do của Mỹ, bài báo nhận định.
Mô hình vượt trội?
Do đó, nếu một thỏa thuận đạt được, theo ý kiến của hai học giả vừa kể, điều quan trọng là đừng coi nhẹ chuyện nhiều học giả Trung Quốc, chẳng hạn như kinh tế gia nổi tiếng Hồ An Cương thuộc Đại học Thanh Hoa, tin rằng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của họ sẽ vượt trội hơn bất kỳ nền kinh tế thị trường tự do nào chỉ dựa trên chủ nghĩa cá nhân.
Chế độ kinh tế của Hoa Kỳ, họ lập luận, khuyến khích các cá nhân hành động theo các khía cạnh thấp nhất của bản chất con người. Họ cũng không tin rằng nó hoạt động tốt trong giai đoạn đầu phát triển. Các cá nhân vì lợi ích của mình có thể làm tốt hơn những người quên mình vì một nhóm gắn kết, nhưng về lâu dài, khi có xung đột giữa các nhóm, những người có tinh thần tập thể sẽ đánh bại những cá nhân ích kỷ. Mô hình xã hội chủ nghĩa, họ lập luận, đưa ra một con đường thay thế khả thi với hiệu quả xóa đói giảm nghèo vượt trội ở giai đoạn đầu của tăng trưởng kinh tế.
Họ cũng tin rằng nỗ lực của ông Trump để kiềm chế các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc sẽ bóp nghẹt những phẩm chất vốn làm cho nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa thống nhất lại và thuận lợi cho tương lai. Tân Hoa Xã đã đi xa hơn, nói rằng các yêu sách của Mỹ đối với các tập đoàn nhà nước của Trung Quốc là ‘vi phạm chủ quyền và tương đương với cuộc xâm lược’.
“Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản có sự gắn liền mạnh mẽ nhất với công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc, mô tả mối quan hệ với Mỹ là không đi đến chỗ tốt hay xấu, không có tuần trăng mật hay thù nghịch. Sẽ có những cuộc chạm trán không vui, ông cảnh báo, nhưng ly hôn là không thể. Thông điệp kiềm chế của Đặng có nghĩa là một thỏa thuận vẫn có khả năng nhưng chỉ khi Mỹ tránh chơi quá tay và không tính toán sai cách ra quyết định ở Trung Quốc,” bài báo viết.
Trung Quốc đã sửa đổi luật đầu tư nước ngoài, mở thêm nhiều lĩnh vực cho phép đầu tư trực tiếp nước ngoài, cho phép các dịch vụ tài chính nước ngoài hoạt động tự do hơn và thiết lập một tòa án sở hữu trí tuệ chuyên biệt. Họ cũng bày tỏ sẵn sàng mua thêm hàng hóa của Mỹ, như nông sản và khí đốt tự nhiên. Nhưng Trung Quốc sẽ không ngừng nỗ lực thúc đẩy phát triển các công nghệ cốt lõi thông qua các khoản trợ cấp và chính sách hỗ trợ. Điều này là điểm mà họ không thể đàm phán, tờ Diplomat phân tích.
Thiếu tôn trọng Trung Quốc?
Ông Lưu Hạc cho rằng sự thiếu tôn trọng lẫn nhau là lý do chính cho sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán. Nếu ông ấy mang về một thỏa thuận do Mỹ áp đặt thì ông ấy sẽ bị lên án là người bán rẻ đất nước, giống như trường hợp của Lý Hồng Chương của triều đình Mãn Thanh vào năm 1901. Sau thất bại của phong trào khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn của các nông dân chống phương Tây và sau khi liên quân tám nước tiến vào Bắc Kinh, ông Lý đã ký với phương Tây một hiệp ước được cho là ‘bất bình đẳng’. Hiệp ước này được cho là đầu hàng các nước phương Tây và là hiện thân của ‘bách niên quốc sỹ’ – tức thời kỳ nỗi nhục trăm năm của Trung Quốc.
Về pháp trị và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cả hai bên đều đồng ý về nguyên tắc rằng việc ra luật về điều này là cần thiết, nhưng Trung Quốc thiếu năng lực thể chế pháp lý và tư pháp cần thiết. Đây là lý do tại sao Trung Quốc tiếp tục yêu cầu cả hai bên nhận ra ‘khác biệt trong phát triển quốc gia và trong giai đoạn phát triển’. Vì vậy, một thỏa thuận bảo vệ quyền trí tuệ phải bao gồm các chương trình đào tạo chung nhằm thúc đẩy sự hiểu biết chung hơn giữa các chuyên gia pháp lý hai nước. Nhưng một lần nữa, Trung Quốc không thể chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào không công nhận mong muốn của họ muốn ngang hàng với Mỹ về kinh tế thông qua bất kỳ cơ chế nào họ muốn, kể cả các doanh nghiệp nhà nước.
“Hoa Kỳ phải tự tìm hiểu về lý do tại sao, về mặt lịch sử, nhà nước Trung Quốc đã lãnh đạo nền kinh tế của họ và tại sao Trung Quốc hướng đến điều mà ông Tập gọi là ‘Vạn Lý Trường Chinh mới’, hướng tới sự tự lực để củng cố lòng trung thành của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền. Đối với người Trung Quốc, điều này có nghĩa là niềm tự hào về truyền thống Nho giáo của họ và sự hài hòa của nó với các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội. Tinh thần chấp nhận khó khăn và sẵn sàng tuân theo chính quyền của người dân Trung Quốc vượt xa trí tưởng tượng của hầu hết người Mỹ,” hai giáo sư phân tích trên tờ Diplomat.
Vẫn theo hai ông, người dân Trung Quốc, bằng sự đồng thuận vững chắc, đồng ý rằng cấu trúc kinh tế hiện tại của họ có thể đưa họ đến tầm vóc kinh tế lớn hơn ở quy mô toàn cầu, và các doanh nghiệp nhà nước của họ sẽ góp phần tạo ra một nền kinh tế cạnh tranh. Những rủi ro của một cuộc chiến công nghệ chỉ càng củng cố quyết tâm của họ. Trung Quốc sẽ không thay đổi con đường phát triển cơ bản của mình cho đến khi có bằng chứng kinh tế thuyết phục để chứng minh rằng mô hình của họ chắc chắn sẽ thất bại. Trong khi đó, họ coi những lời chỉ trích của Hoa Kỳ là giáo điều và không có cơ sở. Một cuộc khủng hoảng tài chính hoặc sự đại thất bại của một số sáng kiến sẽ có hiệu quả hơn nhiều trong việc mang lại sự thay đổi, cũng theo hai giáo sư này.
Chỉ với thời gian và bằng chứng, không phải là đơn thuốc mà nước ngoài kê cho, sẽ cho biết mô hình kinh tế nào phù hợp nhất với lợi ích của Trung Quốc. Hiện tại, Hoa Kỳ phải hiểu rằng họ chỉ có hai lựa chọn. Vì cả hai bên đều có những thế mạnh mà bên kia không có – Trung Quốc có năng lực sản xuất và lượng người dùng và khách hàng lớn; Hoa Kỳ dẫn đầu về sáng tạo và nghiên cứu – không bên nào có thể giành chiến thắng dứt khoát từ cuộc chiến tranh kinh tế không hồi kết, hai học giả chỉ ra trong bài viết.
“Kết quả tốt nhất cho cả hai bên là theo đuổi một thỏa thuận trong lĩnh vực khả thi và biến những lời hứa mơ hồ thành những thỏa thuận có thể kiểm chứng bằng ngôn ngữ và cơ chế thực thi,” tác giả bài nhận định trên Diplomat nói.
Ứng cử viên Mỹ: Không cho phỏng vấn
trừ khi có nam giới đi kèm
Một ứng cử viên ghế thống đốc tiểu bang Mississippi, thuộc đảng Cộng hòa từ chối phỏng vấn với một nữ phóng viên trừ khi cô mang một đồng nghiệp nam đi cùng.
Nữ phóng viên Larrison Campbell, 40 tuổi, cho biết cô yêu cầu đi theo ông Robert Foster trong chuyến xe đi tranh cử dài 15 giờ, nhưng bị từ chối vì giới tính của mình.
Ông Foster nói rằng ông phải cẩn thận đề phòng vì không muốn để cho có bất kỳ nghi ngờ nào về cuộc hôn nhân.
“Đây là xe tải của tôi và trong xe tôi, chúng ta theo quy tắc của tôi”, ông nói trên CNN.
Trong cuộc phỏng vấn của CNN với nữ phóng viên Campbell và ông Foster hôm thứ Năm, ứng cử viên thống đốc 36 tuổi viện dẫn tôn giáo và đức tin của mình, cho rằng ông đã thề với vợ sẽ không ở một mình bên cạnh người khác giới.
Ông trích dẫn nhà truyền giáo Kitô giáo quá cố Billy Graham, người nói rằng sẽ không dành thời gian một mình với bất kỳ người phụ nữ nào không phải là vợ ông, cũng như Phó Tổng thống Mike Pence, người sẽ không ăn một bữa ăn nào một mình với người phụ nữ không phải là vợ.
“Tôi không tin tưởng vào nhận thức thế giới đặt lên con người khi họ nhìn thấy có vấn đề mà không đặt câu hỏi, không tìm hiểu để tìm ra sự thật”, ông nói.
“Nhận thức là một thực tế trong thế giới này và tôi không muốn cho bất kỳ ai có ý nghĩ là tôi đang làm điều gì đó không nên làm.”
Bạn có đang vô tình phân biệt giới tính?
Phụ nữ cần nghề phụ hơn đàn ông?
Ông Foster nói rằng sau phong trào #MeToo, “đàn ông luôn bị tấn công”.
“Tôi sẽ không cho phép bản thân mình rơi vào tình huống với bất kỳ người phụ nữ nào có thể buộc tội tôi” mà không có người khác tham dự, ông nói.
Khi được hỏi liệu ông có cho phép cuộc phỏng vấn kéo dài 15 giờ với một phóng viên đàn ông hay không, ông Foster cho biết có, và nói thêm: “Tôi giữ vững lập trường của mình”.
Campbell, người đã phỏng vấn ông Foster nhiều lần, gọi quyết định này là một hành vi phân biệt giới tính.
Cô lập luận rằng nếu bắt cô phải làm theo quy tắc của ông trong xe ông, thì ông nên cung cấp một người nam đi kèm.
Ông Foster nói rằng nhân viên trong chiến dịch tranh cử của ông quá ít vào thời điểm đó để có thể cho người đi theo.
“Những gì bạn đang nói ở đây là một người phụ nữ đầu tiên là một đối tượng tình dục rồi sau đó mới là một phóng viên,” Campbell nói với ông Foster hôm thứ Năm.
Cô hỏi ông Foster rằng làm thế nào ông có thể nói với cử tri rằng ông sẽ trở thành một thống đốc giỏi, nếu ông không thể ở một mình trong phòng với một phụ nữ, trích dẫn rằng văn phòng thống đốc hiện tại có nhiều nhân viên nữ.
Ông Foster nói rằng ông có thể đạt được điều đó bằng cách để cửa mở hoặc có người ở phòng bên cạnh, nhưng việc đi xe trong 15 giờ đồng hồ là một tình huống khác.
Cuộc tranh luận về ông Foster và Campbell đã thu hút sự chú ý mới về ý kiến rằng đàn ông không thoải mái khi ở một mình với phụ nữ.
Hai năm trước, Phó Tổng thống Mike Pence đã gây chú ý sau những bình luận năm 2002 rằng ông “không bao giờ ăn uống một mình với người phụ nữ nào khác ngoài vợ, và sẽ không tham dự các sự kiện có rượu mà không có bà vợ bên cạnh”. Câu chuyện này giờ đây được nhắc lại.
Một số người cho rằng lối ứng xử này là sự chuyên nghiệp tại nơi làm việc trong khi các nhà phê bình chê bai nó là hành động phân biệt giới tính và không công bằng với phụ nữ trong môi trường chuyên nghiệp.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48960196
Tổng thống Trump chỉ trích
đồng tiền kỹ thuật số Libra của Facebook
Tin từ Washington, DC – Theo tin từ Reuters, trong bài tweet đăng tải hôm thứ Năm (11 tháng 7), Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích Bitcoin, đồng tiền kỹ thuật số Libra của Facebook và các loại tiền ảo khác, đồng thời yêu cầu các công ty này muốn thành lập ngân hàng (banking charter), thì phải tuân thủ luật Hoa Kỳ cũng như luật quốc tế.
Vào tháng 6, Facebook thông báo sắp ra mắt đồng tiền kỹ thuật số vào năm 2020. Facebook và 28 đối tác, bao gồm PayPal, và Uber, sẽ thành lập Hiệp hội Libra để điều phối đồng tiền mới. Hiện vẫn chưa có bất kỳ ngân hàng nào gia nhập nhóm này. Bên cạnh đó, JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ tính theo số tài sản, cũng có kế hoạch ra mắt đồng tiền kỹ thuật số riêng.
Tổng thống Trump đưa ra quan điểm trên chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Cơ quan Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell nói với các nhà lập pháp rằng kế hoạch thành lập loại tiền kỹ thuật số Libra không thể khả thi, trừ khi loại tiền này có thể giải quyết các mối lo ngại về quyền riêng tư, rửa tiền, bảo vệ người tiêu dùng và ổn định tài chính. Ông Powell cho biết Fed đã thành lập một nhóm để theo dõi dự án, đồng thời phối hợp với các quốc gia, ngân hàng trung ương, trong đó có một số ngân hàng cũng bày tỏ lo lắng về dự án tiền ảo của Facebook.
Theo Reuters, Hội đồng giám sát ổn định tài chính Hoa Kỳ cũng dự kiến sẽ tiến hành đánh giá về tiền ảo.
Bitcoin là đồng tiền kỹ thuật số nổi tiếng nhất, được tạo ra vào năm 2008. Đây được xem như một sự thay thế cho các loại tiền tệ được kiểm soát bởi chính phủ và ngân hàng. Nhưng giao dịch tiền điện tử và tiền ảo vẫn không được giám sát. Thị trường này cũng phải đối mặt với các cáo buộc rửa tiền và tài trợ khủng bố. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-chi-trich-dong-tien-ky-thuat-so-libra-cua-facebook/
Trump: Truyền thông xã hội
kiểm duyệt ý kiến bảo thủ
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/7 nói rằng ông bị đối xử bất công bởi các công ty công nghệ khổng lồ mà ông cho là trấn áp những tiếng nói bảo thủ.
Phát biểu tại cuộc hội thảo ở Tòa Bạch Ốc trước các nhân vật truyền thông xã hội bảo thủ được nhiều người biết tiếng, ông Trump tuyên bố “Chúng ta sẽ không câm lặng.” “Các công ty công nghệ khổng lồ không được kiểm duyệt các tiếng nói.”
Những người tham gia sự kiện tại Tòa Bạch Ốc đã thảo luận về điều mà họ gọi là sự kiểm duyệt trên các diễn đàn mạng xã hội.
Ông Trump, người thường dùng Twitter để cổ súy thông điệp của mình, cho biết ông định sẽ mời các công ty truyền thông xã hội chủ chốt tới Nhà Trắng trong vài tuần tới và cũng sẽ mời một số người sử dụng truyền thông xã hội bảo thủ tham gia các cuộc gặp đó.
Tổng thống Trump cũng loan báo đã chỉ thị cho chính quyền tìm mọi giải pháp pháp lý và luật lệ để bảo vệ quyền tự do ngôn luận cho mọi người dân Mỹ.
Trước đó, trong ngày 11/7, ông Trump lên Twitter chỉ trích một số công ty truyền thông xã hội và các hãng tin truyền thống, nói rằng “Tin vịt không quan trọng và không quyền năng bằng mạng xã hội.’
Hiệp hội Internet, nhóm đại diện cho các hãng lớn như Facebook, Twitter và Google, khẳng định “các công ty internet không thiên vị chống lại bất cứ lý tưởng chính trị nào, và đặc biệt là các tiếng nói bảo thủ đã dùng truyền thông xã hội với hiệu ứng cao.”
ICE ‘chắc chắn’ sẽ bố ráp di dân bất hợp pháp
Quyền giám đốc cơ quan Nhập tịch và Di trú Mỹ Ken Cuccinelli hôm 10/7 cho biết rằng cơ quan Thực thu Di trú và Hải quan “chắc chắn sẽ tiến hành” bố ráp di dân bất hợp pháp sau khi kế hoạch này bị Tổng thống trì hoãn để chờ xem liệu Quốc hội có đưa ra một giải pháp lập pháp nào về di trú hay không, theo CNN.
“Chúng tôi sẽ không cho biết khi nào sẽ tiến hành bố ráp,” ông Cuccinelli nói với các phóng viên tại Nhà Trắng.
Theo CNN, quan chức hàng đầu về di trú này khẳng định rằng “(các cuộc bố ráp) chắc chắc sẽ diễn ra. Có khoảng 1 triệu người ở đất nước này đã có lệnh trục xuất. Và tất nhiên đó không phải là cái mà ICE (cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan) sẽ theo đuổi trong (những vụ bố ráp này), nhưng đó là nhóm người đã đến lúc phải bị xử lý.”
Tờ New York Times hôm 11/7 trích nguồn tin của một cựu quan chức và hai quan chức đương nhiệm của bộ an ninh nội địa cho biết ICE sẽ tiến hành bắt giữ “hàng nghìn người không có giấy tờ cư trú” trên toàn nước Mỹ từ ngày 14/7.
Cuối tháng 6 vừa qua, ICE đã có kế hoạch bắt giữ và trục xuất các di dân đã có lệnh trục xuất của tòa án tại 10 thành phố, theo một quan chức cấp cao về di trú. Vào ngày trước khi các cuộc bố ráp dự kiến bắt đầu, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh hoãn lại trong vòng 2 tuần “để xem liệu các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa ở Quốc hội có đưa ra một giải pháp nào cho các vấn đề Tị nạn và Lỗ hổng ở Biên giới phía Nam hay không.”
Một tuần sau đó tại hội nghị thượng đỉnh G20, ông Trump nói rằng chính quyền của ông vẫn giữ kế hoạch tiến hành một loạt các cuộc bố ráp của ICE vào một lúc nào đó sau 2 tuần trì hoãn, tức là sau tuần nghỉ lễ Độc lập 4/7.
Một nguồn tin thông thạo về vấn đề này nói với CNN rằng chiến dịch của ICE vẫn được lên kế hoạch, và dự kiến sẽ tập trung hơn nhưng có thể vẫn sẽ diễn ra trên toàn quốc.
New York Times trích nguồn tin của các quan chức không nêu danh tính nói rằng các cuộc bố ráp mà ICE tiến hành trong nhiều ngày tới sẽ bao gồm việc bắt giữ và trục xuất các di dân bất hợp pháp tình cờ có mặt tại hiện trường, cho dù họ không phải là mục tiêu của các cuộc bố ráp.
Khi có thể, những người trong cùng gia đình bị bắt cùng nhau sẽ được giam chung tại các trung tâm giam giữ dành cho gia đình ở Texas và Pennsylvania. Nhưng do các trại tạm giam bị quá tải, một số di dân có thể bị tạm giữ ở các khách sạn cho đến khi các thủ tục giấy tờ của họ được chuẩn bị xong. Mục tiêu của ICE là trục xuất các gia đình di dân bất hợp pháp này càng nhanh càng tốt, theo New York Times.
Các nguồn tin cho New York Times biết rằng các đơn vị của ICE đang nhắm tới ít nhất 2.000 di dân đã nhận lệnh trục xuất – một số do không đến tòa trình diện, nhưng vẫn tiếp tục ở lại Mỹ một cách bất hợp pháp.
https://www.voatiengviet.com/a/ice-chac-chan-se-bo-rap-di-dan-bat-hop-phap/4996375.html
Venezuela : Chính phủ và đối lập
đồng ý lập cơ chế đối thoại thường trực
Sau cuộc họp tại đảo Barbados, chính phủ Venezuela và phe đối lập đã đồng thuận lập một cơ chế đối thoại thường trực. Thông tin được Na Uy, nước trung gian chủ trì cuộc họp của hai phe, thông báo ngày 11/07/2019.
Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Na Uy, được chính quyền Caracas công bố, « một cơ chế đã được thành lập và sẽ làm việc liên tục, nhanh chóng tìm ra một giải pháp qua trao đổi đàm phán và nằm trong khuôn khổ các khả năng được nêu trong Hiến Pháp » Venezuela.
Sau cuộc họp tại Barbados, « hai bên tiến hành tham vấn để có thể thúc đẩy đàm phán », nhưng bộ Ngoại Giao Na Uy không cho biết thời điểm tổ chức các cuộc họp sắp tới.
AFP nhắc lại cuộc họp tại đảo Barbados, từ 08 đến 10/07, là vòng đàm phán thứ ba kể từ tháng 05/2019 giữa chính phủ Caracas và phe đối lập Venezuela. Hai cuộc họp ở Oslo, thủ đô của Na Uy, đã không mang lại kết quả cụ thể.
Trên phương diện kinh tế và xã hội, Venezuela đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử nước này dù là quốc gia có trữ lượng dầu lửa lớn nhất thế giới. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế thẩm định tình trạng siêu lạm phát ở Venezuela sẽ đạt mức 10.000.000% trong năm 2019. Còn theo Liên Hiệp Quốc, một phần tư người dân cần cứu trợ nhân đạo khẩn cấp và tình trạng thiếu thuốc men, xăng dầu ngày thêm trầm trọng.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190712-venezuela-chinh-phu-doi-lap-thong-nhat-co-che-doi-thoai
Cuộc chiến chống ma túy Philippines:
LHQ ra nghị quyết điều tra giết người
Hội đồng Nhân quyền LHQ đã bỏ phiếu mở cuộc điều tra về tội ác được cho là xảy ra trong cuộc chiến chống ma túy của chính phủ Philippines.
Nghị quyết, được thông qua với số phiếu sát nút, yêu cầu có báo cáo bằng văn bản toàn diện về tình hình nhân quyền tại nước này.
Phúc trình này sẽ tập trung vào tin đưa về các vụ giết người phi pháp, bắt giữ tùy tiện và các vụ người mất tích sau khi bị bắt.
Tổng thống Rodrigo Duterte đã phát động chiến dịch chống ma tuý vào năm 2016, để đối phó với vấn đề ma túy ở diện rộng.
Kể từ đó, ít nhất 6600 người buôn bán hoặc sử dụng mà túy bị giết, theo cảnh sát. Nhưng các nhà hoạt động nói rằng con số thực cao hơn nhiều và ở mức hơn 27000.
Tuần trước, một bé gái ba tuổi là một trong những nạn nhân nhỏ tuổi nhất của cuộc đàn áp sau khi bé bị bắn chết trong một cuộc đột kích ma túy. Cảnh sát cho biết cháu bé đã được cha mình dùng làm lá chắn sống nhưng gia đình không cho là vậy.
Ông Duterte và chiến dịch chống ma tuý của ông được người dân Philippines ủng hộ nhiều. Một cuộc thăm dò ý kiến đầu năm nay cho thấy ông đạt tỷ lệ tín nhiệm là 79%.
Philippines ‘ngưng cuộc chiến chống ma túy’
Ông Duterte: Tôi ném nghi phạm ra khỏi trực thăng
Philippines: thêm một thị trưởng bị bắn chết
Nghị quyết mới nhất của Liên Hợp Quốc được thông qua với sự ủng hộ của 18 quốc gia trong hội đồng 47 thành viên, trong khi 14 quốc gia phản đối và 15 quốc gia từ chối tham gia biểu quyết.
“Chúng tôi đã đưa ra một văn bản cân bằng với một yêu cầu rất khiêm tốn – chỉ cần yêu cầu Cao ủy chuẩn bị báo cáo nhằm để thảo luận vào tháng Sáu năm sau”, đại sứ Iceland, người bảo trợ cho nghị quyết, cho biết hôm thứ Năm.
Đại sứ Philippines tại Liên Hợp Quốc đã phản ứng lại nghị quyết ngay sau khi bỏ phiếu.
“Chúng tôi sẽ không chấp nhận một nghị quyết thiên vị về chính trị và bị một chiều,” ông đọc một tuyên bố thay mặt cho Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teddy Locsin Jr.
“Nghị quyết này không đại diện cho một chiến thắng về nhân quyền mà là một trò hề,” ông nói thêm. “Rồi sẽ có hậu quả.”
Hội đồng đã không đi tới việc thiết lập một ủy ban điều tra đầy đủ, nhưng cam kết của họ tiến tới việc đưa ra một báo cáo chi tiết đã được các nhóm nhân quyền hoan nghênh.
“Lá phiếu này mang lại hy vọng cho hàng ngàn gia đình mất người thân ở Philippines”, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết trong một tuyên bố. “Đó là một bước quan trọng đi tới công lý và trách nhiệm.”
Phó giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền văn phòng Geneva (HRW), Leila Matar, cho biết đây là một bước “khiêm tốn nhưng hết sức quan trọng”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48954754
Phóng phi thuyền phải đuổi tà
Giới khoa học không gian tin dị đoan còn hơn tài xế xe đò. Le Monde phân tích nghiêm túc.
Không phải vô cớ mà nhật báo độc lập của Pháp khẳng định trong tiểu tựa : Công nghệ không gian rất tin dị đoan. Từ Hoa Kỳ cho đến Nga, từ Châu Âu cho đến Ấn Độ, mỗi cơ quan có một thói quen hay bùa chú để tranh vận xui.
Thật vậy, một phóng viên của Le Monde có mặt tại trung tâm không gian châu Âu Kourou hai lần thì cả hai lần phi thuyền đưa vệ tinh lên quỹ đạo đều có vấn đề : Vệ tinh đi trật quỹ đạo dự kiến.
Từ đó, nhà báo này, bị gọi là « mèo đen » không được trung tâm không gian châu Âu cho phép tới thăm. Jean Jacques Dordain, một cựu tổng giám đốc cơ quan ESA giải thích : dàn phóng là một cỗ máy do con người chế tạo nhưng từ thành công đến thất bại, khoảng cách rất nhỏ.
Để tránh xui xẻo, ngày phóng phi thuyền, một kỹ sư Pháp luôn mặc lại chiếc áo thun cũ. Một người khác mặc lại chiếc quần Jean rách nát.
Một công ty khách hàng Mỹ, một ngày trước khi phóng phi thuyền ở Kourou, yêu cầu chôn một con dao rừng dùng chẻ dừa khô, dưới bãi cát.
Ở Nga, không bao giờ phóng phi thuyền vào ngày 24/10, ngày này từng xảy ra hai vụ nổ khủng khiếp ở Baikonour… Ấn Độ thì né số 13. Còn NASA của Mỹ cũng không thích số 13 nhưng theo thống kê, tất cả các vụ phóng có số 13 đều thành công. Vụ phi tuyền Apolo-13 bị nạn, tuy xui, nhưng cuối cùng, phi hành đoàn vẫn về an toàn.
Le Monde kết luận một cách trả thù : Hôm qua, phi thuyền Vaga 15 bị trục trặc ở Guyane đó là do đâu ? Phóng viên « mèo đen » của Le Monde đâu có mặt.
http://vi.rfi.fr/phap/20190712-phong-phi-thuyen-phai-duoi-ta
Thuế GAFA :
Pháp đơn thân độc mã chống lại Trump ?
Thượng Viện Pháp ngày 11/07/2019 thông qua dự luật đánh thuế đối với các dịch vụ kỹ thuật số của các đại tập đoàn công nghệ quốc tế tại Pháp, gọi nôm na là luật thuế GAFA, từ ghép lấy tên của bộ tứ tập đoàn thống trị thế giới công nghệ hiện nay là Google, Apple, Facebook và Amazon.
Sắc thuế này không chỉ nhắm vào Hoa Kỳ, nhưng do việc đại đa số các tập đoàn bị thuế lại là tập đoàn Mỹ, cho nên Washington đã lập tức phản đối với đe dọa áp thuế trả đũa trên các sản phẩm Pháp. Câu hỏi đặt ra là liệu Paris có dám tiếp tục đơn thân độc mã lao vào cuộc đọ sức này với chính quyền Donald Trump hay không ?
Phải nói là luật về thuế GAFA của Pháp đã vấp phải sự chống đối của hầu như toàn bộ dư luận Mỹ, từ phía các tập đoàn bị đánh thuế đã đành, mà cả từ chính giới Mỹ trong cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa.
Trong bối cảnh đó, ngay từ hôm 10/07, khi Thượng Viện Pháp chuẩn bị xem xét dự luật, đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer đã tố cáo một sắc thuế nhằm « trừng phạt các công ty Mỹ một cách bất công ».
Ông còn cho biết là đã được tổng thống Mỹ Donald Trump khẩn cấp yêu cầu mở cuộc điều tra về hành vi kỳ thị đối xử của Pháp nhắm vào các doanh nghiệp Mỹ. Tương tự như đối với trường hợp của Trung Quốc, nếu luật GAFA của Pháp bị xét là phương hại đến quyền lợi của Mỹ, tổng thống Hoa Kỳ có thể áp đặt thuế quan đối với hàng hóa Pháp để trả đũa.
« Giải quyết bất đồng bằng cách khác hơn là đe dọa »
Trước sức ép của Mỹ, Pháp vẫn khẳng định quyền đánh thuế trong tư cách một nước có chủ quyền. Hôm qua, 11/07, trước lúc Thượng Viện bỏ phiếu, bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire đã không ngần ngại nhấn mạnh : « Pháp là một nước có chủ quyền, và có toàn quyền đề ra các biện pháp thuế của riêng mình ».
Không nêu đích danh nước Mỹ, nhưng ông Le Maire cho rằng : « Giữa các đồng minh, chúng ta cần nên giải quyết các bất đồng bằng cách khác hơn là đe dọa ».
Nhưng quyết định đánh thuế nhắm vào các đại gia công nghệ thế giới của chính phủ Pháp không được tất cả mọi người tại Pháp tán đồng. Theo ông Giuseppe de Martino, chủ tịch của hội ASIC, nhóm vận động hành lang ủng hộ các đại tập đoàn công nghệ đã khuyến cáo chính phủ Pháp là nên chôn vùi luật GAFA đi.
Theo nhân vật này thì « khi đơn phương đánh thuế thêm nhắm vào các tác nhân Mỹ, ông Bruno Le Maire đã khai mào một cuộc chiến thương mại và sẽ tác hại đến nhiều lĩnh vực ».
Giới quan sát đã tìm hiểu xem mặt hàng nào Pháp có nguy cơ bị chính quyền Trump áp thuế quan nhập khẩu để trả đũa. Một số nguồn tin đã nói đến áp thuế rượu vang hay ô tô. Có điều là khả năng đánh thuế rượu vang không có gì là mới lạ, từng được phía Mỹ dự trù khi bùng lên tranh chấp với châu Âu về nhôm và thép. Còn ô tô thì không có gì đáng ngại vì Pháp hầu như không xuất xe hơi qua Mỹ. Lãnh vực đáng ngại còn lại là khả năng tăng gấp đôi thuế đánh vào doanh nghiệp và cư dân Pháp tại Hoa Kỳ.
Liên kết được cả châu Âu ?
Tuy đã trở thành nước đi đầu và duy nhất áp dụng thuế GAFA, Pháp vẫn thận trọng tìm cách lôi kéo cả châu Âu cùng tham gia.
Theo giới phân tích, việc Pháp kiên quyết thông qua luật này diễn ra sau khi các nước Liên Hiệp Châu Âu hồi đầu năm, đã không nhất trí được đề án thuế GAFA chung cho toàn Liên Âu, do không được 4 thành viên Ireland, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan đồng ý.
Tuy vậy Pháp vẫn hy vọng không đơn độc. Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế OCDE, tập hợp 37 quốc gia, đang nghiên cứu hồ sơ và vào tháng Giêng vừa qua đã khẳng định rằng đã được 127 nước trên thế giới đồng ý trên nguyên tắc về việc cải tiến chế độ thuế, và một thỏa thuận quốc tế có thể đạt được vào năm 2020.
Trong khi chờ đợi, Pháp có lẽ sẽ phải gồng mình chịu đựng các đòn trả đũa từ Donald Trump. Nhưng dẫu sao thì Paris cũng đã dành cho mình một lối thoát. Luật GAFA chỉ mang tính chất tạm thời, và hết hiệu lực vào năm 2021.
http://vi.rfi.fr/phap/20190712-thue-gafa-phap-don-than-doc-ma-chong-lai-trump
Đảng Liên Đoàn cầm quyền Ý
bị nghi nhận tài trợ của Nga
Viện Công Tố Ý, vào hôm qua, 11/07/2019, thông báo đã mở điều tra sau khi báo chí tiết lộ việc đảng Liên Đoàn của phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Nội Vụ Matteo Salvini đã yêu cầu một khoản tài trợ bí mật của Nga, khoảng 60 triệu euro, bên lề một hợp đồng về năng lượng với tập đoàn dầu hỏa Ý, ENI.
Theo thông tín viên RFI Anne Le Nir tại Rôma, người bị nhắm là một nhân vật thân cận của ông Salvini, và bằng chứng báo chí nắm được là một đoạn thu âm mà trang mạng Mỹ Buzz Feed thực hiện ở Matxcơva.
« Đoạn thu âm được ghi ngày 18 tháng 10 năm 2018. Người ta nghe thấy cộng tác viên rất thân cận của lãnh đạo Liên Đoàn, Gianluca Savoini, trao đổi với 2 người Ý khác và 3 sứ giả người Nga, trong một phòng khách tại khách sạn Metropole ở Matxcơva. Ông không ngừng ca ngợi tài năng của ông Salvini mà ông gọi là ‘Trump của châu Âu’, muốn thay đổi hẳn châu Âu để đưa châu Âu xích lại gần với Nga.
Cuộc trao đổi sau đó tập trung trên một đề án cung cấp dầu hỏa cho tập đoàn Ý ENI, và khả năng rút ra một cách kín đáo hơn 60 triệu euro để tài trợ cho đảng Liên Đoàn trong cuộc vận động tranh cử Nghị Viện Châu Âu.
Sau khi đoạn thu âm được tiết lộ, tập đoàn ENI đã phủ nhận, cho là họ không hề ký hợp đồng gì. Còn ông Matteo Salvini thì khẳng định « không hề nhận một đồng rúp nào của Nga».
Phe đối lập Ý đòi ông Salvini phải giải thích vụ việc trước Quốc Hội. Và nhất là Viện Công Tố Milano thông báo là đã cho mở điều tra nhắm vào Gianluca Savoini với tội danh tham ô quốc tế ».
Các đảng cực hữu châu Âu đều thân cận với Nga
Không chỉ đảng Liên Đoàn (hậu thân của đảng Liên Đoàn Phương Bắc) của ông Salvini, mà hầu hết các đảng cực hữu châu Âu đều có liên hệ với Nga, từ đảng FPÖ của Áo, AfD ở Đức cho đến đảng Tập Hợp Quốc gia RN (hóa thân của Mặt Trận Quốc gia FN) của Pháp. Những đảng này luôn đòi châu Âu bãi bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga, được ban hành từ sau vụ Nga chiếm đóng Crimée.
Trên phương diện tài chính, cũng đã có nhiều vụ tai tiếng. Lãnh đạo đảng cực hữu Áo, Heinz-Christian Strache, đã bị quay phim khi trao đổi với một phụ nữ Nga, được cho là con gái của một viên chức Nga cao cấp, đề nghị phía Nga hỗ trợ tài chính và chính trị, đánh đổi lấy việc trúng thầu công trình công cộng. Sự vụ xẩy ra vào tháng 5 ở Ibiza, và Tư Pháp Áo cũng đang mở điều tra.
Đảng FN trước đây của Pháp, vào năm 2014 cũng đã vay mượn ở một ngân hàng Nga để tài trợ cho cuộc vận động tranh cử.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190712-dang-lien-doan-cam-quyen-tai-tro-nga
Putin và Zelensky điện đàm
về những bất đồng Nga – Ukraina
Lần đầu tiên, sau ba tháng trở thành tổng thống Ukraina, ông Volodymyr Zelensky đã điện đàm ngày 11/07/2019 với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin. Trong số những hồ sơ được đề cập có cuộc xung đột miền đông Ukraina, mở rộng « Công thức Normandie » và hồi hương công dân hai nước bị cầm tù.
Thông tín viên RFI tại Matxcơva, Daniel Vallot, cho biết thêm :
« Phải mất đến gần ba tháng để cuối cùng hai nguyên thủ nói chuyện với nhau. Điện Kremlin cho biết phía Ukraina khởi xướng cuộc điện đàm này. Nội dung buổi trao đổi tập trung vào cuộc xung đột ở vùng Donbass, cũng như vấn đề khó khăn là trao đổi tù binh, dù hiện không có thông tin chính thức, nhưng có lẽ liên quan đến việc Nga trả tự do cho 24 thủy thủ Ukraina bị bắt từ tháng 11/2018 ở ngoài khơi Crimée.
Cuộc điện đàm lần này diễn ra chỉ vài ngày sau khi tổng thống Ukraina đưa ra một đề xuất đàm phán mới và dường như đề xuất mở rộng « Công thức Normandie » với Hoa Kỳ và Anh Quốc.
Hôm trước (10/07), tổng thống Vladimir Putin tuyên bố là ông chưa bao giờ bác ý định mở rộng « Công thức Normandie », hiện gồm bốn nước Nga, Ukraina, Đức và Pháp. Tuy nhiên, ông Putin nói thêm là dù sao phải chờ kết quả cuộc bầu cử Quốc Hội ở Ukraina, sẽ diễn ra ngày 21/07 tới.
Hiện tại, đối thoại đã được tái lập, chắc chắn đây là điều cốt yếu để căng thẳng giữa hai nước có thể giảm bớt một chút. Dẫu sao cũng qua rồi những lời châm chọc chua cay giữa hai chính trị gia thông qua các phương tiện truyền thông trong giai đoạn bầu cử tổng thống ở Ukraina ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190712-putin-va-zelensky-dien-dam-ve-nhung-bat-dong-nga-ukraina-0
Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ Nga,
bất chấp phản đối của Mỹ
Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được các phần đầu tiên của hệ thống phòng thủ tên lửa Nga, S-400, bất chấp sự phản đối từ phía Hoa Kỳ.
Lô hàng đã tới căn cứ quân sự tại thủ đô Ankara hôm thứ Sáu, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nói.
Bước đi này sẽ khiến cho Hoa Kỳ giận dữ.
Thổ Nhĩ Kỳ ‘sẽ cùng Nga sản xuất S-500’
Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu TQ đóng cửa các trại giam
Chiến đấu cơ F-35 lần đầu tham chiến
Washington đã cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ không thể có cả hệ thống phòng thủ đối không S-400 lẫn các chiến đấu cơ F-35 của Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ là các đồng minh của Nato, nhưng Ankara cũng đang thiết lập những mối liên hệ gần gũi hơn với Nga.
Tranh luận về vấn đề gì?
Thổ Nhĩ Kỳ đã ký mua 100 chiếc chiến đấu cơ F-35 và đã đầu tư mạnh vào chương trình F-35. Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất 937 thiết bị khác nhau dùng trong loại máy bay này.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng theo đuổi chính sách quốc phòng ngày càng độc lập, giữa lúc quan hệ với Mỹ và châu Âu có những căng thẳng.
Nước này đã mua của Nga hệ thống phòng không S-400 tân tiến với hợp đồng 2,5 tỷ đô la, và đã gửi người của quân đội tới Nga dự huấn luyện.
Các quan chức bộ quốc phòng Mỹ nói rằng S-400 không tương thích với hệ thống phòng không của Nato trong khu vực.
Các viên chức nói họ không muốn các chiến đấu cơ F-35 bay gần các hệ thống S-400, bởi họ sợ rằng các kỹ thuật viên của Nga có thể tiếp cận được tới các nhược điểm của F-35.
Hoa Kỳ cảnh báo rằng họ có thể loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 nếu như Ankara triển khai thỏa thuận S-400, và cảnh báo rằng Mỹ có thể áp các lệnh trừng phạt kinh tế.
Thổ Nhĩ Kỳ lập luận rằng hai hệ thống này sẽ được nằm ở các vị trí khác nhau, và rằng Mỹ quá chậm trong việc chào mời Ankara một lá chắn phòng thủ tên lửa thay thế.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói rằng sau cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump, ông tin rằng Mỹ sẽ không áp lệnh trừng phạt.
Phân tích của Jonathan Marcus, phóng viên BBC chuyên về quốc phòng
Việc này dường như sẽ dẫn tới sự rạn nứt nghiêm trọng giữa Washington và một trong các đồng minh then chốt trong Nato của mình.
Chuyện một thành viên trong khối đi mua kiểu thiết bị này từ Nga là điều hầu như chưa từng xảy ra.
Mỹ đã ngưng việc giao máy bay cho Ankara và dừng việc đào tạo phi công Thổ Nhĩ Kỳ.
Các kế hoạch cũng đang diễn ra nhằm loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình này. Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất phụ tùng, thiết bị cho F-35, và đang chuẩn bị trở thành một trung tâm bảo dưỡng máy bay này trong vùng.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có vẻ như tin rằng bất kể Ngũ Giác Đài nói gì thì bản thân ông Donald Trump cũng sẽ ít có thái độ thù nghịch hơn đối với việc Thổ mua tên lửa của Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ quan trọng như thế nào?
Thổ Nhĩ Kỳ là nước có quân đội lớn thứ nhì trong Nato, một liên minh quân sự gồm 29 thành viên.
Nước này là một trong các đồng minh then chốt của Mỹ, và nằm ở vị trí chiến lược, có chung đường biên giới với Syria, Iraq và Iran.
Nước này cũng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc xung đột Syria, cung cấp vũ khí và ủng hộ quân sự cho một số nhóm phiến quân.
Tuy nhiên, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với một số thành viên Nato và EU đã xấu đi. Các nước này cáo buộc ông Erdoga là áp dụng chính sách ngày càng độc tài sau vụ đảo chính bất thành hồi 2016.
Hệ thống S-400 làm việc thế nào?
Hệ thống theo dõi radar tầm xa (long-range surveillance radar) phát hiện các đối tượng và gửi thông tin tới xe chỉ huy (command vehicle). Xe này sẽ phân tích, đánh giá mục tiêu rơi vào tầm quét
Mục tiêu được xác định và xe chỉ huy ra lệnh phóng tên lửa
Dữ liệu phóng tên lửa được gửi tới xe chở bệ phóng (launch vehicle) thích hợp nhất, và xe này sẽ phóng đi tên lửa đất đối không
Hệ thống radar phối hợp (engagement radar) sẽ dẫn đường để tên lửa nhắm trúng mục tiêu
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48962708
Iran kêu gọi Anh thả ngay tàu chở dầu bị tạm giữ
Iran hôm thứ Sáu 12/7 kêu gọi Anh thả ngay một tàu chở dầu mà Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh bắt giữ hồi tuần trước vì nghi ngờ tàu này vi phạm các lệnh trừng phạt của châu Âu khi chuyển dầu tới Syria, một phát ngôn viên của bộ ngoại giao Iran nói với thông tấn xã nhà nước IRNA.
“Đây là một trò nguy hiểm và có những hậu quả … cái cớ pháp lý của việc bắt giữ là không có giá trị … việc thả con tàu chở dầu là vì lợi ích của tất cả các quốc gia”, phát ngôn viên Abbas Mousavi nói.
Iran cảnh báo về các biện pháp có qua có lại nếu tàu chở dầu không được thả.
Anh cho biết hôm 11/7 rằng 3 tàu Iran đã cố chặn một tàu chở dầu thuộc sở hữu của Anh đi qua eo biển Hormuz, nơi kiểm soát dòng dầu Trung Đông chảy ra thế giới, nhưng các tàu đó đã quay lui khi đối đầu với 1 tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh.
Iran phủ nhận việc các tàu của họ đã làm như vậy.
Căng thẳng giữa Iran và phương Tây đã tăng lên ở thời điểm một tuần sau khi Anh bắt giữ tàu chở dầu và London nói tàu British Heritage, do công ty dầu khí BP vận hành, đã bị tiếp cận ở eo biển giữa Iran và bán đảo Ả Rập.
Ông Mousavi cáo buộc là Anh bắt giữ tàu chở dầu dưới áp lực của Hoa Kỳ. “Những biện pháp bất hợp pháp như vậy có thể làm gia tăng căng thẳng ở Vịnh Ba Tư”, ông nói với IRNA.
Anh thuộc số các bên châu Âu tham gia thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Iran với sáu cường quốc, là thỏa thuận mà Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi vào năm ngoái, và tái áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.
Washington siết chặt các lệnh trừng phạt từ đầu tháng 5, yêu cầu tất cả các quốc gia và công ty tạm dừng nhập khẩu dầu của Iran, nếu không sẽ bị trục xuất khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
https://www.voatiengviet.com/a/iran-keu-goi-anh-tha-ngay-tau-cho-dau/4997613.html
Bắc Hàn đổi hiến pháp
để tôn vinh Kim Jong-un là nguyên thủ quốc gia
Truyền thông nhà nước Bắc Hàn vừa công bố tân hiến pháp theo đó ông Kim Jong-un chính thức trở thành nguyên thủ quốc gia và là tổng tư lệnh quân đội.
Hiến pháp mới nói rằng Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên (State Affairs Commission – SAC) – vị trí mà ông Kim đang nắm giữ – là “đại diện tối cao của toàn thể nhân dân Triều Tiên”.
SAC mới chỉ được thành lập từ năm 2016.
Kim Jong-un chỉ trích màn trình diễn tập thể của Bắc Hàn
Người phương Tây sống, làm việc tại Bắc Hàn
Người ‘bị thanh trừng’ xuất hiện cạnh Kim Jong-un
Theo hiến pháp cũ, ông Kim được gọi đơn giản là “lãnh tụ tối cao”, và là người chỉ huy “các lực lượng quân đội nói chung”.
Các nhà quan sát cho rằng việc này có thể nhằm hướng tới sự chuẩn bị để có một hiệp định hòa bình với Hoa Kỳ, Reuters tường thuật.
Ông Kim, giống như ông nội và cha mình trước đây, đã nắm quyền lực tuyệt đối tại Bắc Hàn, nhưng cho đến nay nguyên thủ quốc gia trên danh nghĩa vẫn là chủ tịch quốc hội.
Đã có nhiều đồn đoán tại Nam Hàn về việc ông Kim sẽ nắm giữ toàn bộ quyền lực, và về việc hiến pháp mới sẽ xóa bỏ chính sách Tiên Quân (Songun – quân sự trên hết) mà cha ông, Kim Chính Nhất, cổ súy.
Bắc Hàn từ lâu nay đã kêu gọi có thỏa thuận hòa bình với Hoa Kỳ nhằm bình thường hóa quan hệ song phương, và chấm dứt tình trạng chiến tranh.
Về mặt lý thuyết, hai miền Triều Tiên vẫn đang có chiến tranh, bởi Cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953 chỉ chấm dứt bằng một lệnh đình chiến thay vì một hiệp định hòa bình.
Năm ngoái, ông Kim đã chuyển mục tiêu sang phát triển kinh tế, có các đàm phán hạt nhân với Mỹ và cải thiện hình ảnh bản thân trở thành một nhà lãnh đạo thế giới thông qua việc có các hội nghị thượng đỉnh với Nam Hàn, Trung Quốc và Nga.
Bản tân hiến pháp tiếp tục nói Bắc Hàn là một quốc gia có vũ khí hạt nhân.
Trong thực tế, ông Kim, thế hệ thứ ba trong gia đình họ Kim nắm quyền lãnh đạo Bắc Hàn, đã dẫn dắt đất nước bằng bàn tay sắt. Việc thay đổi danh hiệu chức vụ sẽ không tạo ra mấy thay đổi trong cách thức điều hành của ông.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48962707
Tổng thống Đài Loan ghé Mỹ,
bất chấp sự phản đối của TQ
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đặt chân tới Mỹ hôm 11/7 trong chuyến đi chắc chắn gây phẫn nộ Bắc Kinh, với lời phát biểu rằng nền dân chủ phải được bảo vệ và rằng Đài Loan đang đối mặt với các đe dọa từ ‘lực lượng bên ngoài,’ ngụ ý ám chỉ Trung Quốc.
Bắc Kinh xem lãnh thổ tự trị và dân chủ Đài Loan thuộc về Trung Quốc và kêu gọi Mỹ chớ cho Tổng thống Đài Loan quá cảnh trong chuyến công du của bà.
Bà Thái sẽ lưu lại Mỹ 4 đêm, 2 đêm khi tới và 2 đêm trên đường về từ chuyến công du 4 nước đồng minh ở Ca-ri-bê.
Bà bắt đầu chuyến đi ở New York và dự kiến sẽ dừng chân tại Denver trên chặng đường về.
Lần trước bà ghé Mỹ hồi tháng Ba, nhưng các chặng dừng chân quá cảnh lần này dài hơn thông lệ một đêm quá cảnh.
Các nhà phân tích cho rằng chuyến quá cảnh kéo dài lần này của bà Thái cho thấy sự ủng hộ của chính quyền Trump đối với bà vào thời điểm bà đang chịu nhiều áp lực từ Bắc Kinh.
Phát biểu trước khi khởi hành từ Đài Loan, bà Thái nói bà sẽ chia sẻ giá trị của tự do và minh bạch với các đồng minh và tìm kiếm nhiều không gian quốc tế hơn cho Đài Loan.
“Nền dân chủ của chúng tôi không dễ mà có được và hiện nay đang đối mặt với các mối đe dọa cũng như xâm nhập của các lực lượng nước ngoài,” bà Thái nói.
“Các thách thức này là những thử thách thường gặp của các nền dân chủ trên toàn thế giới.” “Chúng tôi sẽ làm việc với các nước có cùng quan điểm hầu đảm bảo ổn định cho hệ thống dân chủ.”
Đài Loan đang cố gắng huy động đồng minh ngoại giao giữa áp lực từ Trung Quốc. Hiện họ chỉ có 17 nước đồng minh ngoại giao, đa số là các quốc gia nhỏ ở Trung Mỹ, vùng Ca-ri-bê, hay Thái Bình Dương.
Tại chặng quá cảnh ở New York, bà sẽ gặp gỡ cộng đồng Đài Loan tại Mỹ và đại sứ của các nước đồng minh tại Liên hiệp quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói chuyến đi của bà Thái mang tính cách ‘cá nhân và không chính thức’.
Dân Hong Kong đạt được gì sau một tháng biểu tình?
Đã một tháng từ ngày hàng triệu người Hong Kong xuống đường biểu tình.
Sự việc bắt đầu vì dự luật dẫn độ gây rất nhiều tranh cãi, do người dân nghĩ chính quyền Bắc Kinh có thể dùng nó làm công cụ đàn áp chính trị.
Đã có người ra đi, hàng chục người bị thương, bị bắt…
Đặc khu trưởng Carrie Lam đã phần nào nhượng bộ, nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn, vì nỗi lo của người dân giờ đã lớn hơn nhiều, nó bao gồm quyền bầu cử, nền dân chủ của Hong Kong.
Vì sao người Hong Kong xuống đường biểu tình?
Cô gái ngồi thiền: Biểu tượng biểu tình ở Hong Kong
Hong Kong: Dân biểu tình trụ lại Viện Lập pháp
Ngày 9/6, cuộc biểu tình hơn một triệu người đã đạt được sự phủ sóng rộng rãi trên phương tiện truyền thông đại chúng.
Ngày 12/6, khi cuộc biểu tình leo thang, cảnh sát sử dụng hơi cay, đạn cao su đàn áp để chặn họ tràn vào các tòa nhà chính phủ.
Ngày 15/06, Trưởng đặc khu Carrie Lam thông báo hoãn vô thời hạn dự luật dẫn độ.
Ngày 16/06, gần 2 triệu người đã tuần hành yêu cầu bà Carrie Lam từ chức.
Ngày 17/06, Joshua Wong, người từng lãnh đạo phong trào ‘dù vàng’, được thả tự do.
Việt Nam có thể có một Joshua Wong hay không?
Joshua Wong: Nghị viện ‘chưa bao giờ đại diện cho dân’
Ngày 18/06, Bà Carrie Lam tổ chức họp báo ‘xin lỗi về dự luật dẫn độ’.
Không chỉ dân đấu tranh, giới trí thức cũng tham gia bằng cách vận động quốc tế song song với việc làm cho người dân hiểu rõ nguy cơ của luật dẫn độ.
Trong hai tuần lễ tiếp theo, các cuộc biểu tình nhỏ lẻ tiếp tục diễn ra.
Người dân Hong Kong, vốn đã quá quen với các cuộc biểu tình giờ đã có những sáng kiến mới để vận hành cuộc biểu tình ‘không lãnh đạo’ của họ.
Họ tạo các nhóm chat kín trong ứng dụng nhắn tin, để cập nhật, trao đổi tình hình cuộc biểu tình.
Họ mở các cuộc bỏ phiếu để mọi người cùng quyết định bước đi tiếp theo.
Họ nghĩ ra những một loạt ngôn ngữ ký hiệu mới để có thể trao đổi với nhau các thông điệp ngắn, và cần truyền đi tức thì.
Hong Kong: Dân biểu tình trụ lại Viện Lập pháp
Biểu tình Hong Kong: Công nghệ hỗ trợ biểu tình như thế nào?
Biểu tình Hong Kong và một góc nhìn từ Việt Nam
Đến ngày 01/7, ngày kỷ niệm 22 năm Anh quốc chuyển giao Hong Kong cho Trung Quốc, là ngày cuộc biểu tình bùng lên mạnh mẽ trở lại, cảnh sát Hong Kong đã phải dùng hơi cay và dùi cui để kiềm chế làn sóng người.
Tối cùng ngày, sự việc lên đến đỉnh điểm khi người biểu tình tràn vào, chiếm giữ Viện Lập pháp, sau một quyết định chớp nhoáng được một nhóm người riêng lẻ đưa ra.
Carrie Lam lên án biểu tình ‘phá hoại cực đoan’
Truyền thông Trung Quốc đưa tin biểu tình Hong Kong ‘là do tư tưởng phương Tây’, đổ lỗi cho phương Tây can thiệp vào tình trạng bất ổn ở Hong Kong.
Ngày 17/6, China Daily đưa tin: “Phụ huynh Hong Kong biểu tình phản đối sự can thiệp của Mỹ” về việc sửa đổi dự luật dẫn độ và yêu cầu không can thiệp và nội bộ của đặc khu.
Bắc Kinh lo sợ phong trào bất tuân dân sự thế này lan rộng.
Họ luôn nói về Đài Loan hay Hong Kong như là các vấn đề nội bộ. Nhưng những gì họ thật sự sợ ở đây là ‘sự lây lan’.
Họ sợ người ở đại lục cảm nhận được câu chuyện ở Hong Kong những tuần qua, và sẽ nghĩ đến chuyện dùng các áp lực tương tự để đòi hỏi cải cách ở đại lục.
Ngày 07/07, hàng ngàn người biểu tình đã tuần hành tới các vị trí ưa thích của du khách từ Trung Quốc, để giải thích cho người đại lục hiểu về làn sóng phản đối dự luật dẫn độ.
Carrie Lam: Dự luật dẫn độ ‘đã chết’
Hong Kong: Biểu tình 7/7 để giải thích cho người từ đại lục
Sáng 9/7, bà Carrie Lam tuyên bố rằng dự luật dẫn độ gây tranh cãi “đã chết”.
Nhưng bà không nói rằng dự luật này đã bị rút hoàn toàn theo yêu cầu của người biểu tình.
Và dường như việc ”khai tử” dự luật của Carrie Lam vẫn chưa làm cho dân Hong Kong yên lòng vị họ vẫn chưa tin vào những lời bà nói.
Cho nên chưa ai biết cuộc biểu tình Hong Kong rồi sẽ đi về đâu.
https://www.bbc.com/vietnamese/media-48933047
Hong Kong: Vì sao luật dẫn độ ‘chết’
ảnh hưởng xấu tới kinh doanh?
Karishma VaswaniPhóng viên Kinh doanh khu vực châu Á
Nhiều đại gia tại Hong Kong đã yêu cầu chuyển tài khoản sang Singapore và nhiều công ty xem xét chuyển trụ sở sang nước khác.
Lãnh đạo Hong Kong, bà Carrie Lam, cho biết trong tuần này rằng dự luật dẫn độ gây tranh cãi đã “chết”.
Lời bình luận này khiến các doanh nhân, vốn lo ngại hậu quả gây ra do luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đại lục, thở phào.
Việt Nam có thể có một Joshua Wong hay không?
Carrie Lam: Dự luật dẫn độ ‘đã chết’
Ẩu đả tại những bức ‘tường Lennon’ khắp Hong Kong
Họ lo ngại rằng những thay đổi mà luật dẫn độ mang lại sẽ làm tổn thương quyền tự chủ vốn giúp Hong Kong trở thành một trong những trung tâm tài chính quan trọng nhất châu Á.
Nhưng những người biểu tình vẫn không được thuyết phục và họ muốn dự luật dẫn độ phải chính thức bị bãi bỏ.
Do đó, thế giằng co giữa chính phủ và người biểu tình có thể sẽ tiếp tục, gây ra rủi ro mới cho danh tiếng quốc tế của Hong Kong như một nơi hấp dẫn kinh doanh.
“Có một cảm giác kỳ lạ rằng có một khoảng cách lớn giữa chính phủ và người biểu tình,” Tara Joseph, chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hong Kong, nói với tôi.
“Nền kinh tế địa phương bị giáng một cú mạnh trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung – các cuộc biểu tình lại bồi thêm nhát nữa. Điều vô cùng quan trọng là có một số kết luận về điều này.”
Thật vậy, đã có những dấu hiệu cho thấy mọi người đang ngày càng lo lắng ở trung tâm tài chính lâu đời nhất châu Á này.
Cuộc di cư của người và tiền?
Có những bằng chứng mắt thấy tai nghe về việc những người giàu có ở Hong Kong đang phải xem xét các lựa chọn của họ.
David Lesperance, một luật sư di trú, nói:
“Tôi chắc chắn đã thấy có sự tăng đột biến về các yêu cầu thêm thông tin từ các đại gia Hong Kong đang tìm cách bảo đảm quyền cư trú hoặc quyền công dân ở những nơi khác trên thế giới”.
Ông Lesperance nói nhiều đại gia ở Hong Kong đã lo lắng một thời gian rồi.
Nhưng những tranh cãi gần đây xung quanh dự luật dẫn độ, các cuộc biểu tình và sự kiện người biểu tình tràn vào hội đồng lập pháp, đã thực sự thúc đẩy họ hành động, ông nói.
“Mọi người sẽ tăng cường các kế hoạch dự phòng bằng việc mua lại quyền công dân, thông qua đầu tư hoặc nhập tịch,” ông Lesperance nói.
“Tôi có thể xác nhận điều này chắc chắn đang xảy ra.”
Các khách hàng của các ngân hàng tư nhân cũng đang thực hiện các yêu cầu chuyển tài khoản sang Singapore và một số ngân hàng tư nhân nói với tôi rằng một con số kỷ lục khách hàng đã làm vậy.
Tuy nhiên, các ngân khác nói rằng chỉ có một tỷ lệ nhỏ khách hàng của họ lo lắng.
Một số người trong cộng đồng doanh nghiệp cho biết phí bảo hiểm rủi ro khi hoạt động tại Hong Kong cũng đã tăng lên.
Một số công ty được cho là đang tích cực tìm hiểu việc chuyển trụ sở đi nơi khác, họ nói, mặc dù chưa có bằng chứng chính thức nào về điều đó.
Luật dẫn độ
Dựa trên việc dự luật dẫn độ chỉ bị bảo là “chết” chứ chưa chính thức được bãi bỏ, các chuyên gia cho rằng các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục.
Các cuộc tuần hành đã được lên kế hoạch cho những tuần tới và người biểu tình nói rằng sẽ không dừng lại cho đến khi mọi yêu cầu của họ được đáp ứng.
Nhưng các luật sư chắc chắn rằng dự luật dẫn độ gây tranh cãi sẽ không bao giờ được thực thi.
Đàm phán mật về Hong Kong: 5 điều cần biết
TQ đổ tội cho phương Tây về biểu tình Hong Kong
Biểu tình chống TQ: Giới trí thức Hong Kong nghĩ gì, làm gì?
Antony Dapiran, một luật sư và tác giả cuốn Thành phố của biểu tình, nói: “Có vẻ như đây là việc giữ thể diện cho Carrie Lam và tránh bị nhìn nhận như là họ phải nhượng bộ trước những yêu cầu của người biểu tình. Đó là lý do tại sao bà ấy không sử dụng từ ‘bãi bỏ’.
“Không có kế hoạch bí mật nào để lại bàn thảo về dự luật. Không chỉ bởi vì các đảng chính trị ủng hộ Bắc Kinh, những người về lý thuyết cần thông qua dự luật này trong quốc hội, vô cùng khó chịu vì những gì đã xảy ra. Không có ý chí chính trị nào để thông qua luật này.”
Không tốt cho kinh doanh
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình trên đường phố dự kiến sẽ tiếp tục và những điều này đã có tác động đến việc kinh doanh tại Hong Kong.
“Du lịch đã giảm 5-10% cho đến nay [kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu],” Allan Zeman, một doanh nhân Hong Kong và người sáng lập quận thương mại đêm nổi tiếng của Hong Kong Lan Kwai Fong, nói với tôi.
“Kinh doanh bán lẻ đi xuống, nhiều cửa hàng bán lẻ nơi người biểu tình từng tới đã đóng cửa. Kinh doanh bị mất ổn định.”
Nhưng tình hình này có thể bị giới hạn.
Trước đây, các cuộc biểu tình lớn tương tự không có tác động lớn đến nền kinh tế, ông Zeman nói.
“Phong trào Dù Vàng từng biểu tình trong 79 ngày tại Hong Kong và thành phố này đã hồi phục và hoạt động trở lại,” ông Lan Kwai Fong nói với tôi.
“Vấn đề ở đây là các nhức nhối xã hội – nhà ở và làm thế nào để giảm giá. Nếu cuộc sống của bạn tốt, thì bạn sẽ yêu chính phủ và Trung Quốc. Nếu tiền thuê nhà của bạn cao, bạn sẽ đi biểu tình.”
Mối đe dọa 2047
Sự sống còn về kinh tế của Hong Kong phụ thuộc vào việc họ tự trị và độc lập với Trung Quốc – một tình huống khó khăn mà ông Zeman nói rằng Trung Quốc nhận thức rõ và sẽ không sẵn sàng mạo hiểm.
Nhưng nhiều người trong cộng đồng doanh nhân nói với tôi rằng sự liên quan và tương lai kinh tế của Hong Kong cũng xoay quanh việc nó là cửa ngõ vào đại lục – một sự cân bằng khó khăn để tấn công đặc biệt đối với những người dân ngày càng quan tâm đến tự do.
“Tôi phải già đi ở đây, nuôi con ở đây. Ảnh hưởng của Trung Quốc đang trở nên mạnh mẽ hơn hết”, Naomi Ho, một nhà hoạt động 25 tuổi, nói. “Năm 2047 đang đến rất gần. Nếu chúng tôi không làm gì bây giờ, Hong Kong có thể trở thành một thành phố khác của Trung Quốc.”
2047 là năm mà Luật cơ bản của Hong Kong kết thúc, và những gì sẽ xảy ra với quyền tự trị của Hong Kong theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” vẫn còn mù mờ.
Theo Luật cơ bản, có từ khi Vương quốc Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997, người Hong Kong được đảm bảo một mức độ tự chủ và tự do mà Trung Quốc đại lục không có. Chẳng hạn, Hong Kong có một cơ quan tư pháp độc lập và có quyền biểu tình.
Cộng đồng quốc tế cũng đang dõi theo Hong Kong.
Trong một báo cáo năm 2018, Ủy ban Châu Âu cho biết nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” của Hong Kong là nền tảng cho thành công về kinh tế của lãnh thổ này, và rằng châu Âu có “mối lo ngại chính đáng về việc quyền tự trị của Hong Kong và sức hấp dẫn của nó như một trung tâm tài chính quốc tế có dược duy trì lâu dài hay không”.
Một trong những thực tế rõ ràng mà sự bế tắc chính trị hiện nay mang lại là thời điểm năm 2047 đang đến rất gần.
Đối với nhiều người trẻ tuổi biểu tình trên đường phố mà tôi gặp ở Hong Kong, mối đe dọa về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc là một rủi ro quá lớn để bỏ qua.
Và đó là câu hỏi hóc búa cho Hong Kong.
Hong Kong cần phải cân bằng sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc với nhu cầu và mong muốn của giới trẻ – những người không thấy tương lai kinh tế trong việc chấp nhận rằng Bắc Kinh sẽ kiểm soát nhiều hơn.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48960105
Biểu tình Hong Kong:
Ẩu đả tại những bức ‘tường Lennon’
Những vụ ẩu đả đã xảy ra bên các “Tường Lennon” ở Hong Kong, khi những người ủng hộ dự luật dẫn độ đang gây tranh cãi đụng độ với người chống lại nó.
Một người đàn ông bị bắt sau khi bị quay phim đấm một người khác trước Bức tường Lennon vào tối thứ Tư.
Tại một bức tường Lennon khác, ba người bị bắt sau trận ẩu đả giữa những người chống và ủng hộ dự luật.
Tường Lennon – những bức tường dán đầy những ghi chú đầy màu sắc về các cuộc biểu tình – xuất hiện khắp Hồng Kông trong những tuần gần đây.
Sự xuất hiện của các bức tường theo sau nhiều tuần lễ biểu tình ở Hồng Kông để chống một dự luật cho phép nghi phạm tại thành phố này bị dẫn độ về Trung Quốc đại lục.
Dự luật hiện đã bị đình chỉ và tuyên bố là “đã chết” nhưng những người biểu tình nói rằng họ sẽ không dừng lại cho đến khi nó được rút lại hoàn toàn.
Dự luật hiện đã bị đình chỉ và bị tuyên bố là “đã chết” nhưng người biểu tình nói rằng họ sẽ không dừng lại cho đến khi dự luật này được rút lại hoàn toàn.
Trong khi các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục, nhiều người đã dán lên thông điệp ủng hộ phong trào xuống đường và bày tỏ sự tức giận chính phủ trên các bức tường Lennon để bày tỏ quan điểm.
Giấy ghi chú đầy màu sắc chiếm thành phố
Vào tối thứ Tư, một người đàn ông 46 tuổi đã được quay phim liên tục đấm một người thanh niên trẻ bên bức tường Lennon ở Kowloon.
Theo tường trình của truyền thông địa phương, người đàn ông này đã xé bỏ những tờ giấy ghi chú dán trên tường – không rõ người thanh niên trẻ hơn đã có tìm cách ngăn chặn ông ta hay không. Người đàn ông 46 tuổi này sau đó đã bị bắt giữ.
Video về vụ tấn công được lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội ở Hong Kong, với nhiều người hoan nghênh chàng trai trẻ không đánh trả hay tự vệ.
Xung đột cũng nổ ra bên một bức tường Lennon khác gần ga tàu điện ngầm Yau Tong của Hong Kong trong cùng một đêm.
Theo South China Morning Post, các nhà vận động chống dự luật đang dọn dẹp cho gọn lại các mảnh giấy ghi chú dán trên tường khi hàng chục người ủng hộ dự luật xuất hiện.
Những người này tìm cách gỡ bỏ những mẩu tin nhắn và ngăn cản không cho giới biểu tình dán thêm bất kỳ tin nhắn nào.
Nhiều người từ cả hai phía đã sớm đến tham gia tranh chấp, và những vụ ẩu đả nhanh chóng nổ ra.
Cảnh sát sau đó xuất hiện và ba người đàn ông, được cho là đã đẩy một thanh niên 18 tuổi xuống đất, sau đó đã bị bắt giữ.
Biểu tình chống TQ: Giới trí thức Hong Kong nghĩ gì, làm gì?
Biểu tình Hong Kong: Giới vận động VN nghĩ gì?
Hong Kong: Biểu tình 7/7 để giải thích cho người từ đại lục
Một sự kiện riêng biệt khác xảy ra vào đầu tuần này trong đó hàng chục cảnh sát đã gỡ khỏi bức tường Lennon nhiều mẩu tin nhắn, sau khi họ nhận ra một số tin nhắn chứa thông tin cá nhân của một sĩ quan cảnh sát.
Tường Lennon – được đặt tên từ một bức tường ở Prague chứa đầy những nét vẽ nguệch ngoạc lấy cảm hứng từ John Lennon – đã xuất hiên ở nhiều khu vực khắp Hong Kong.
Bức tường Lennon lần đầu tiên xuất hiện ở Hồng Kông vào năm 2014 trong cuộc biểu tình của phong trào Dù Vàng khi hàng ngàn người trên đường phố phản đối quyết định của Bắc Kinh, nhằm hủy bỏ các cuộc bầu cử dân chủ thực sự ở Hong Kong.
Là một thuộc địa cũ của Anh, Hong Kong là một phần của Trung Quốc nhưng được điều hành theo chính sách “một quốc gia, hai hệ thống” đảm bảo quyền tự chủ cao cho dân Hong Kong, ngoại trừ trong các vấn đề đối ngoại và quốc phòng.
Hong Kong có nền tư pháp riêng và một hệ thống pháp lý riêng biệt với Trung Quốc đại lục – nhưng các nhà phê bình lo ngại dự luật sẽ làm xói mòn nền độc lập này.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48960195
Thương chiến gay cấn, TQ xoay vần chiến lược:
Diều hâu Mỹ liên tiếp chạm trán
các đối thủ sừng sỏ Bắc Kinh
Trung Quốc đang bổ sung nhiều nhân vật có kinh nghiệm đàm phán và lập trường vô cùng cứng rắn, được cho sẽ là những đối thủ sừng sỏ trên bàn đàm phán thương mại với Mỹ.
Vào ngày 9/7, Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc về đối thoại kinh tế toàn diện Trung-Mỹ Lưu Hạc đã điện đàm với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin để trao đổi quan điểm về việc thực hiện sự đồng thuận của hai nguyên thủ quốc gia đã đạt được tại Osaka.
Truyền thông Trung Quốc tuy không tiết lộ nội dung chi tiết cuộc điện đàm nhưng lại đưa ra một thông tin vô cùng thú vị đối với dư luận.
Cụ thể, hãng thông tấn trung ương Trung Quốc Tân Hoa Xã ngày 10/7 thông báo: “Tối 9/7, Ủy viên Bộ chính trị trung ương ĐCSTQ, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc về đối thoại kinh tế toàn diện Trung-Mỹ Lưu Hạc nhận điện đàm từ Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin để trao đổi quan điểm về việc thực hiện sự đồng thuận của hai nguyên thủ quốc gia đã đạt được tại Osaka. Bộ trưởng Bộ thương mại Trung Quốc Chung Sơn cùng tham gia điện đàm”.
Như vậy, trong cuộc điện đàm mới nhất giữa hai phái đoàn thương mại Trung-Mỹ, Trung Quốc đã cử hai đại diện tham dự: Lưu Hạc – Chung Sơn.
Trước đây, các cuộc gọi tương tự đều được tiến thành theo mô hình 1-2, tức phía Trung Quốc là ông Lưu Hạc, trong khi phía Mỹ là hai ông Robert Lighthizer và Steven Mnuchin.
Việc ông Chung Sơn tham gia cuộc gọi gần đây nhất dường như cho thấy rằng, mô hình này đang thay đổi và đằng sau có thể là sự thay đổi của cả đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc.
Nâng cao vai trò trong đàm phán
Trước đây, những quan chức tham gia cuộc điện đàm cấp cao giữa hai phái đoàn đàm phán kinh tế thương mại Trung-Mỹ luôn là các ông Lưu Hạc, Robert Lighthizer và Steven Mnuchin.
Mặc dù, ông Chung Sơn đã tham gia vào phái đoàn đàm phán song phương từ tháng 2 năm nay nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc chưa bao giờ đề cập đến việc ông tham gia vào các cuộc điện đàm. Do đó, với việc được đề cập cụ thể trong thông báo lần này cho thấy, ông Chung Sơn – vốn là quan chức có kinh nghiệm dày dặn trong các cuộc đàm phán thương mại quốc tế – được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong các cuộc đàm phán tiếp theo.
Ông Chung Sơn hiện là Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc. Trước khi được điều chuyển về Bắc Kinh và trở thành thành viên của Bộ Thương mạị, ông từng có thời gian dài công tác tại Chiết Giang – một trong những địa phương phát triển về thương mại đối ngoại của Trung Quốc.
Tại đây, ông đảm nhận nhiều vị trí quan trọng như người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước tham gia vào thương mại xuất khẩu, Giám đốc Sở hợp tác kinh tế thương mại đối ngoại Chiết Giang, Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách đối ngoại, có kinh nghiệm thực tế phong phú trong lĩnh vực thương mại quốc tế.
Điều này được cho là nền tảng vững chắc giúp ông được bổ nhiệm vào vị trí Thứ trưởng Bộ thương mại vào năm 2008 và sau đó trở thành Phó đại diện và Đại diện chính thức về đàm phán thương mại quốc tế Trung Quốc.
Kể từ tháng 2/2017, ông này trở thành Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc. Vào tháng 2 năm nay, ông đã tham dự lễ khai mạc hội thảo cấp cao kinh tế thương mại Trung-Mỹ với các quan chức như Phó Chủ nhiệm Ủy ban cải cách phát triển quốc gia Trung Quốc Ninh Cát Ninh Triết, Thứ trưởng Tài chính Liêu Mân, Thống đốc ngân hàng trung ương Dịch Cương.
Ngoài ông Chung Sơn, thành viên nhóm đàm phán quốc tế còn có Thứ trưởng Vương Thụ Văn – phụ trách các vấn đề Bắc Mỹ.
Nhiều ý kiến cho rằng, sự thiếu kiến thức chuyên về các vấn đề thương mại lớn của đoàn đàm phán Trung Quốc được cho có liên quan đến sự đổ vỡ của đàm phán thương mại Trung-Mỹ thời gian trước.
Giới quan sát nhận định, về mặt kỹ thuật của các cuộc đàm phán tương lai, các chuyên gia có kinh nghiệm trong các cuộc đàm phán thương mại quốc tế sẽ có tiếng nói và quyền chủ động hơn. Sự tham gia của ông Chung Sơn vào cuộc điện đàm giữa Phó Thủ tướng Lưu Hạc và hai đại diện Mỹ mới đây có thể chứng minh xu hướng này.
TQ tăng cường sự chuyên nghiệp và cứng rắn
Gần đây, thái độ của Bắc Kinh đối với hiệp định thương mại Trung-Mỹ đã cứng rắn hơn rất nhiều so với trước đây. Ví dụ, vào ngày 4/7, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố rằng nếu Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận, thuế quan của Mỹ áp đặt lên Trung Quốc phải được hủy bỏ. Đây là tuyên bố vô cùng cứng rắn.
Điều này xuất phát từ thực tế là, từ khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ gặp bế tắc vào tháng 5 năm nay, Bắc Kinh đã đưa ra một loạt các hành động, giúp họ có thêm nhiều lựa chọn hơn, bao gồm danh sách thực thể không đáng tin cậy được mô phỏng theo danh sách các thực thể của Mỹ; thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đất hiếm, tăng 25% thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Điều này có nghĩa là nếu các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ được khởi động lại, các hạng mục cụ thể như danh sách các thực thể, ngừng cung cấp công nghệ, hủy bỏ thuế quan và quyền sở hữu trí tuệ sẽ là mối quan tâm chính của hai nước.
Các chuyên gia cho rằng, xét từ phương diện kỹ thuật, ngoài nhu cầu tăng cường tính chuyên nghiệp của nhóm đàm phán cho các cuộc đàm phán tiếp theo, Bắc Kinh cần tăng cường các thành viên có lập trường và thái độ cứng rắn hơn.
Trước đó, truyền thông từng đưa tin, Bắc Kinh đang dần triển khai “bậc thầy đàm phán” từ Bộ Thương mại vào đoàn đàm phán thương mại Trung-Mỹ. Theo tờ The New York Times, ông này là nhà đàm phán Du Kiến Hoa, người có kinh nghiệm 28 năm đàm phán thương mại với các quan chức Mỹ và Tổ chức Thương mại Thế giới.
Ông hiện là Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Thương mại Trung Quốc. Vào giữa tháng 4 vừa qua, trước khi các cuộc đàm phán Trung-Mỹ rơi vào bế tắc, ông đã trở về Bắc Kinh sau khi rời khỏi vị trí Đại sứ Trung Quốc tại Văn phòng Liên Hợp Quốc ở Geneva.
Nhà đàm phán được mô tả là người “đáng sợ nhất”. Theo James Green, cựu quan chức thương mại hàng đầu của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, ông Du Kiến Hoa là “một trong những quan chức thương mại Trung Quốc thông thái nhất mà Mỹ đã từng đối mặt”.
Theo đánh giá, các cuộc đàm phán tiếp theo giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ thực sự bước vào giai đoạn khó khăn. Đối với lần chạy nước rút này, trước khi đạt được thỏa thuận, hai bên sẽ cố gắng tối đa hóa lợi ích của mình trên bàn đàm phán. Điều này đòi hỏi các kỹ năng chuyên môn đàm phán lớn mạnh nhất cũng như việc xác định lập trường cứng rắn về giới hạn đàm phán và tính linh hoạt trong các tình huống tham vấn.
Sự tăng cường của nhiều nhà đàm phán chuyên nghiệp Trung Quốc như Bộ trưởng Chung Sơn được cho sẽ tạo ra nhiều tia sáng trong các cuộc tham vấn kinh tế thương mại tiếp theo giữa Trung Quốc và Mỹ. Những nhân vật thuộc phái diều hâu Mỹ như hai ông Robert Lighthizer và Steven Mnuchin sẽ đối mặt với những đối thủ Trung Quốc cứng rắn và giàu kinh nghiệm hơn.
Nhìn lại cách Trung Quốc lừa gạt
về vụ tàu cá TQ đâm chìm tàu Việt Nam
Sau khi tàu công vụ Trung Quốc cố tình đâm chìm tàu cá Việt Nam, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại ngang nhiên ngụy biện và tìm cách dối gạt cộng đồng quốc tế về vụ việc.
Tàu Trung Quốc thường xuyên đâm chìm tàu cá Việt Nam
Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, khoảng 10h10 ngày 6/3, trong khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc (BKS 44101) đâm chìm. Khi bị đâm chìm, tàu cá Quảng Ngãi chỉ nổi phần mũi, năm ngư dân trên tàu phải bám vào phần nổi này. Sau đó, Văn phòng Uỷ ban đã yêu cầu Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam phối hợp với phía Trung Quốc cứu nạn các ngư dân. Đến trưa cùng ngày, năm ngư dân đã được một tàu cá khác của Việt Nam cứu vớt an toàn, rời khu vực bị nạn để tiếp tục đánh bắt hải sản.
Trong những năm qua, đã xảy ra rất nhiều vụ việc tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm tàu cá Việt Nam khi đang đánh bắt trong ngư trường truyền thống, hợp pháp của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Hầu hết các vụ việc đều có bằng chứng cụ thể để chứng minh tàu Trung Quốc đâm chìm tàu Việt Nam, trong đó có một số vụ việc nổi bật sau: (1) Ngày 16/6/2016, tàu cá QNg 95821 TS của ông Nguyễn Tuấn đang lặn bắt khu vực đảo Đá Ngầm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì thì tàu Trung Quốc mang số hiệu 31102 sơn màu trắng lượn nhiều vòng cố ép tàu cá đưa về hướng đảo Phú Lâm bất thành, tàu sắt màu trắng xám húc thẳng vào ngang hông khiến tàu cá chao đảo, mạn phải bị hỏng nặng, kính cabin rơi xuống sàn tàu vỡ nát. Sau cú tông mạnh, tàu sắt này còn vờn uy hiếp thêm 15 phút nữa thì bỏ đi. (2) Vào lúc 11h ngày 9/7/2016, hai tàu cá của ông Huỳnh Văn Khanh và Võ Văn Lựu (ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đang hoạt động đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, cách đảo Bông Bay 30 hải lý về phía Đông. Bất ngờ, 2 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị 2 tàu của Trung Quốc rượt đuổi. Sau khi khống chế được tàu của ông Lựu, một số người trên tàu của Trung Quốc thả xuồng cao su, lên tàu và đánh ông Lựu, dồn 5 thuyền viên về trước mũi tàu. Những người này tiếp tục lấy tàu của ông Võ Văn Lựu rượt đuổi tàu của ông Huỳnh Văn Khanh. Đến 14h cùng ngày, phía Trung Quốc làm chìm tàu của ông Lựu. Các thuyền viên phải bám vào mũi tàu vẫn còn nổi, để giữ mạng sống. Những người trên tàu Trung Quốc không những không cứu ngư dân Việt Nam, mà còn ngăn cản các tàu khác đến cứu ngư dân gặp nạn. (3) Khoảng 10h ngày 22/3/2018, tàu cá QNg 90045 do ngư dân Đặng Tằm làm chủ tàu kiêm thuyền tưởng và tàu cá QNg 90440 do ông Đặng Bi làm chủ tàu (cùng trú xã Bình Châu, huyện
Bình Sơn, Quảng Ngãi) đang trú gió ở Đá Lồi thì bất ngờ bị hai tàu Trung Quốc màu trắng, số hiệu 46106 và 45103, áp sát. Tàu cá QNg 90440 bị đâm mạnh, bị vỡ dọc mạn phải từ đầu đến đuôi tàu, nặng nhất là phía sau tàu. (4) Khoảng 8 giờ ngày 20/4/2018, ở vùng biển cách đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 7 hải lý về phía Đông Đông Nam, hai tàu cá của Trung Quốc mang số hiệu 45103 và 46001 đâm chìm tàu cá QNg 90332 TS (công suất 340 CV, do ngư dân Nguyễn Tấn Ngọt, 50 tuổi, xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận, xã Bình Châu) làm chủ. (5) Vào lúc 12 giờ 30 ngày 25/5/2018, tàu cá số hiệu QNg-96798TS do ông Lê Hơn (ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) làm chủ cùng 6 ngư dân đang hành nghề khai thác rong câu trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bất ngờ bị tàu của Trung Quốc mang số hiệu 31102 rượt đuổi và đâm chìm. Các thuyền viên Quảng Ngãi vật lộn, lênh đênh trên biển sau đó được tàu Trung Quốc vớt lên và giam giữ trong 2 ngày. Quá trình bị giam giữ, các ngư dân liên tục bị tra hỏi, không cho thay quần áo ướt, không được tắm giặt, ăn không no…
Không chỉ bị đâm chìm, tàu cá Việt Nam còn thường xuyên bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp sạch tài sản trên tàu (xăng, dầu, ngư cụ, hải sản , tiền…). Trong đó, tháng 3/2018, trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã xảy ra 1 vụ tàu cá tỉnh Quảng Nam bị tàu Trung Quốc dùng súng tấn công, cướp đi ngư cụ… Cũng theo trình báo của ngư dân, sau cú đâm, phía tàu Trung Quốc thả một canô chở theo 8 người mặc quân phục và mang theo súng, dùi cui áp sát leo lên hai tàu cá. Họ cướp lái, ép ngư dân về phía mũi tàu, bắt ngư dân đưa hai tay lên đầu cúi đầu xuống đất, chỉ cần ngước lên là bị đánh. Sau đó, những người Trung Quốc có vũ trang tiếp tục lục cabin lấy đi điện thoại, máy móc, phá lưới và ngư cụ, đồng thời ép ngư dân chuyển toàn bộ hải sản đánh bắt được lên tàu Trung Quốc. Tương tự, tàu QNg 90045 của ngư dân Đặng Tằm cũng bị cướp phá, chặt dây hơi, phá máy dò cá, bộ đàm. Không chỉ cướp phá, người trên tàu Trung Quốc còn đổ một gói bột màu trắng bao bì ghi chữ Trung Quốc vào nước uống của ngư dân, khiến ngư dân không thể uống. Các ngư dân cho rằng đây là hành động triệt luôn đường sống, không cho ngư dân tiếp tục bám trụ ở Hoàng Sa.
Ngụy biện phách lối của Trung Quốc
Hoàn Cầu Thời Báo (7/3) dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng xuyên tạc rằng tàu Ngư chính của Trung Quốc liên lạc với Trung tâm Tìm kiếm và Cứu hộ Trên biển của Trung Quốc và “cứu” các ngư dân trong buổi chiều, cho rằng khi tàu Trung Quốc tiếp cận tới tàu cá Việt Nam, thì tàu này đã chìm.
Hoàn Cầu Thời Báo cũng trích lời Trần Tương Miểu (Chen Xiangmiao), nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc gia về Nam Hải, đóng tại đảo Hải Nam, theo đó nói Việt Nam thường cho tàu cá tới vùng biển thuộc Quần đảo Hoàng Sa. Ông Chen nói trong số này có nhiều tàu làm gián điệp. Tuy nhiên, Hoàn Cầu Thời Báo dẫn nguồn Bộ Ngoại giao nói phía Trung Quốc luôn thiện chí cứu các tàu cá Việt Nam dẫu cho phía Việt Nam “nhầm lẫn nói rằng tàu Trung Quốc đâm vào họ”.
Trước đó, ông Lục Khảng (3/1/2019) ngang nhiên cho rằng việc tàu cảnh sát biển Trung Quốc đâm va tàu của ngư dân Việt Nam hoạt động đánh cá ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hiện Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép là “hành động chấp pháp bình thường”. Theo đó, phía Trung Quốc xuyên tạc rằng: “Căn cứ tình hình mà chúng tôi nắm được, tàu công vụ Trung Quốc luôn chỉ tuần tra chấp pháp bình thường trên vùng biển mà Trung Quốc quản hạt. Một số biện pháp đã được áp dụng cho tàu cá nước ngoài xâm nhập đánh bắt là điều bình thường, cũng là phương thức chấp pháp ở mức thấp nhất. Mà theo tôi tìm hiểu thì những việc mà bạn hỏi chỉ là tình hình cá biệt. Việc một số quốc gia láng giềng trên thế giới thỉnh thoảng xảy ra tranh chấp nghề cá cũng là rất bình thường”.
Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối Trung Quốc về hành vi phạm pháp trên
Hội nghề cá Việt Nam cực lực lên án và phản đối hành động vô nhân đạo nói trên của tàu Trung Quốc. Hành động này đe dọa trực tiếp đến tính mạng, gây thiệt hại lớn đến tài sản của ngư dân đang khai thác thủy hản sản trên biển. Hội nghề cá Việt Nam cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam cần có viện pháp phản đối mạnh mẽ hành động của tàu Trung Quốc. Các cơ quan này cần yêu cầu bồi thường thiệt hai cho ngư dân, tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho ngư dân trong các hoạt động trên biển; kiên quyết, kịp thời phối hợp ngăn chặn và xử lý những hành động tương tự để ngư
dân yên tâm ra khơi, bám biển sản xuất. Hội nghề cá Việt Nam cũng đã gửi văn bản đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương về việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần phản đối các hành động vô nhân đạo, phi pháp của Trung Quốc. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã nhiều lần gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động nói trên của các tàu Trung Quốc; đồng thời nhấn mạnh hành động của các tàu Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam. Hành động này cũng đi ngược lại Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp thêm tình hình trên biển. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc xử lý nghiêm khắc các hành vi của các tàu nói trên, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam, và không để tái diễn các vụ việc tương tự.
Cộng đồng quốc tế cũng đặc biệt quan ngại trước những hành vi phi pháp của Trung Quốc
Liên quan việc một tàu cá của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Biển Đông, phía Mỹ khẳng định chỉ có Trung Quốc là bên khiêu khích trong căng thẳng hiện nay ở Biển Đông. Bộ ngoại giao Mỹ cho biết tiếp tục quan ngại về cách hành xử của tàu thuyền của Trung Quốc hoạt động trong khu vực và kêu gọi các bên cùng kiềm chế, giảm căng thẳng, giải quyết vấn đề một cách an toàn và có trách nhiệm.
Chính phủ Nhật Bản đã hối thúc Trung Quốc kiềm chế trước tình hình căng thẳng trên Biển Đông, sau khi có thông tin cho biết một tàu cá của Việt Nam đã bị một tàu cá Trung Quốc đâm chìm trên Biển Đông. Phát biểu họp báo tại thủ đô Tokyo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh: “Đó là hành động vô cùng nguy hiểm có thể đe dọa mạng sống của người dân”.
Trong khi đó, giới bình luận quốc tế khẳng định, hành động đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông là một bước đi sai lầm, làm tổn hại uy tín của nước này trên trường quốc tế. Ông Greg Poling, một nhà nghiên cứu thuộc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ( CSIS ) nhận định, các nước láng giềng Trung Quốc đã trở nên giống như bị tê liệt trước những hành động bạo lực và hù dọa liên tục với cường độ thấp đến mức rất ít khi được nói đến trên báo chí của khu vực. Nhà bình luận Brad Glosserman cho rằng, uy tín của Trung Quốc đã sụt giảm nghiêm trọng khi bị coi là nhân tố gây bất ổn khu vực.
Giới truyền thông quốc tế cũng lên tiếng chỉ trích những hành động xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản ngư dân Việt Nam của lực lượng chức năng Trung Quốc, đặc biệt là các vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam. Các kênh truyền hình lớn như Bloomberg của Mỹ, ABC của Australia, hãng tin Reuters của Anh… cũng đưa tin chỉ trích tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam.
Nhìn chung, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Khu vực quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển phụ cận là một phần lãnh thổ, lãnh hải hợp pháp của Việt Nam, đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Hành động sử dụng vũ lực để xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là phi pháp, vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc. Việc tàu Trung Quốc (phải có sự hậu thuẫn đằng sau) đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam là không thể chấp nhận được. Nó vừa đi ngược lại các quy định quốc tế, Thỏa thuận đa phương, song phương mà Bắc Kinh là một bên tham gia ký kết, nó còn đi ngược lại đạo lý làm người. Việc làm của Trung Quốc cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định trong khu vực, không có lợi trong việc xây dựng lòng tin giữa các nước; không tạo điều kiện thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tập Cận Bình kêu gọi
Trump nới lỏng trừng phạt Triều Tiên
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên trong cuộc gặp giữa hai ông ở Nhật Bản hồi tháng trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm thứ Sáu 12/7.
Trung Quốc đã tham gia các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của Mỹ sau các vụ thử tên lửa và hạt nhân liên tiếp của Triều Tiên nhưng cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt nên được nới lỏng để khích lệ Triều Tiên vì đã cư xử tốt.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói với các phóng viên rằng ông Tập đã thông báo cho ông Trump về lập trường của Trung Quốc về Triều Tiên khi họ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka.
“Trong cuộc gặp với Tổng thống Trump ở Osaka, Chủ tịch Tập đã thông báo cho ông về quan điểm có tính nguyên tắc của Trung Quốc về vấn đề bán đảo Triều Tiên, và thúc đẩy phía Hoa Kỳ thể hiện sự linh hoạt và có lý có tình với Triều Tiên, bao gồm cả việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt khi thấy phù hợp”, ông Cảnh nói.
Cả ông Tập lẫn ông Trump đều vừa hội đàm với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un trong thời gian gần đây – ông Tập gặp trước hội nghị thượng đỉnh G20 trong chuyến đi tới Bình Nhưỡng, còn ông Trump gặp ông Kim sau hội nghị thượng đỉnh tại Khu phi quân sự dọc biên giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Hoa Kỳ hy vọng thấy Triều Tiên dừng triệt để chương trình hạt nhân của họ như là sự khởi đầu của quá trình phi hạt nhân hóa, Bộ Ngoại giao Mỹ nói hôm thứ 9/7, trước cuộc đàm phán mới với Bình Nhưỡng dự kiến sẽ diễn ra trong tháng này.
Philippines muốn mua máy bay tuần tra
hàng hải tầm xa P-3 của Mỹ để đề phòng
các hoạt động phi pháp của TQ trên Biển Đông
Quân đội Philippines đang đề xuất Mỹ cung cấp máy bay tuần tra săn ngầm P-3C cho nước này sử dụng tại biển Đông. Giới quan sát nhận định, có trong tay loại vũ khí này, sức mạnh của hải quân Philippines sẽ được nâng lên đáng kể.
Theo thông tin trên, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana sẽ sớm đưa ra yêu cầu chính thức để mua thêm các máy bay tuần tra hàng hải tầm xa P-3 của Mỹ. Theo lời ông Lorenzana, máy bay tuần tra của Mỹ sẽ giúp tăng cường khả năng của Philippines trong việc giám sát khu vực. Những chiếc máy bay tuần tra Orion sẽ “rất quan trọng bởi nó giúp tăng cường nhận thức khu vực trên biển”.
Hiện Hải quân Phillipines chỉ có năm máy bay tuần tra TC-90 với phạm vi hoạt động khoảng 2.000km được Nhật Bản viện trợ vào năm 2017 và 2018. So sánh với phạm vi hoạt động lên đến gần 4.00km của máy bay P-3C, rõ ràng tàu tuần tra của Mỹ sẽ là một nâng cấp đáng kể cho Philippines.
Trong khi đó, P-3 Orion được liệt vào danh sách các “sát thủ săn tàu ngầm”. P-3 Orion do Tập đoàn Lockheed của Mỹ nghiên cứu phát triển. Nó được thiết kế để dùng cho nhiệm vụ tuần tra biển, trinh sát, tác chiến chống tàu mặt nước và tác chiến chống ngầm. P-3 lắp 4 động cơ tuốc bin cánh quạt Allison T56-A-14 (công suất 4.600 mã lực/chiếc) cho phép đạt tốc độ tối đa 750km/h, bán kính chiến đấu 2.490km, trần bay 10.400m, hoạt động liên tục trên không 16 tiếng. Máy bay được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến và những “bộ máy” giúp P-3 săn lùng tàu ngầm. Về hệ thống vũ khí săn tàu ngầm, P-3 Orion thiết kế với khoang chứa trong thân và 10 giá treo trên cánh mang được 9,1 tấn vũ khí gồm: tên lửa không đối hạm tầm ngắn AGM-84, bom thông thường, bom hạt nhân, ngư lôi chống ngầm. Với số lượng vũ khí khổng lồ này, nó hoàn toàn có thể đánh chìm không chỉ một tàu ngầm mà nhiều chiếc, hơn nữa nó có khả năng đánh chìm chiến hạm mặt nước.
Được biết, quân đội Philippines không có xe tăng, máy bay chiến đấu chuyên dụng, dàn xe bọc thép chủ yếu là sản phẩm chế tạo trong thập niên 60-70 của thế kỷ trước. Theo Global Fire Power quân đội Philippines có tổng quân số thường trực khoảng 220.000 người, lực lượng dự bị khoảng 430.000 người. Trang bị vũ khí quân đội Philippines chủ yếu có nguồn gốc từ phương Tây như súng trường tấn công M16, M4 của Mỹ, HK-416 của Đức và nhiều chủng loại vũ khí cá nhân khác. Tuy trang bị khí tài khiêm tốn nhưng chỉ số sức mạnh tổng thể của Philippines được xếp hạng cao hơn cả Singapore, quốc gia có trang bị vũ khí hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Philippines được xếp hạng 49/126, trong khi Singapore xếp hạng 65/126. Quân đội Philippines không có xe tăng, phương tiện chiến đấu bọc thép mạnh nhất là xe trinh sát FV101 Scorpion (ảnh) của Anh trang bị pháo 76 mm. Khoảng 45 xe được chuyển giao những năm 1970, hiện chỉ còn khoảng 25 xe hoạt động. Phương tiện chiến đấu bọc thép hiện đại nhất là xe thiết giáp đa năng ACV-15 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Xe được trang bị pháo chính 25 mm, súng máy 7,62 mm cùng khả năng chống đạn khá tốt. Tuy nhiên chỉ có 6 chiếc đang hoạt động. Trong khi đó, chiến đấu cơ hiện đại nhất của Philippines là FA-50, máy bay huấn luyện phản lực kiêm chiến đấu hạng nhẹ mua từ Hàn Quốc. Không quân nước này không có máy bay chiến đấu chuyên dụng từ khi những chiếc F-5 ngưng hoạt động vào năm 2005. Ngoài ra, hiện Không quân Philippines phải sử dụng những chiếc máy bay OV-10 vốn dùng cho trinh sát trong cuộc chiến chống nổi dậy. Nước này nhiều lần lên kế hoạch mua chiến đấu cơ hiện đại như F-16 của Mỹ, Su-27, MiG-29 của Nga nhưng đều không thực hiện được. Lực lượng trực thăng của Philippines chủ yếu là UH-1 và MD-500 (ảnh). Những chiếc trực thăng này đang được vũ trang để chống phe nổi dậy và quân khủng bố.
Thông tin về việc Philippines có ý định mua các máy bay tuần tra P-3 Orion rất mạnh của Mỹ chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc khó chịu và bất an. Bắc Kinh cũng không tránh khỏi cảm giác ngỡ ngàng trước động thái mới của Manila khi mà họ đang rất yên tâm trước lập trường dịu nhẹ của chính quyền Tổng thống Duterte. Thông tin trên được đưa ra sau khi xảy ra vụ việc tàu cá của Trung Quốc hồi tháng Sáu đã đâm vào một tàu của Philippines ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông rồi sau đó bỏ mặc tàu của Philippines cùng các ngư dân. Rất may, các ngư dân của tàu bị đâm đã được tàu của Việt Nam cứu giúp. Vụ đâm tàu của Trung Quốc đã gây ra sự phẫn nộ rất lớn ở đất nước Philippines.
Giới quan sát cho rằng Mỹ có thể cung cấp sát thủ săn ngầm P-3C này cho Philippines để thắt chặt mối quan hệ trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước có nhiều bất đồng trong thời gian vừa qua. Cùng với việc tuần tra tại biển Đông, Mỹ cũng đang đẩy mạnh việc cung cấp thêm khí tài cho các nước đồng minh, đặc biệt là các quốc gia xung quanh vùng biển này. Philippines từng có truyền thống sử dụng vũ khí từ Mỹ, việc đề nghị Mỹ tiếp tục cung cấp máy bay tuần tra săn ngầm P-3C sẽ giúp nước này hiện đại hóa quân đội đặc biệt là hải quân. P-3C là máy bay tuần tra, giám sát hàng hải và săn ngầm sử dụng 4 động cơ cánh quạt, đây là biến thể mới nhất được phát triển từ P-3.
Tuy nhiên, Brian Harding, chuyên gia nghiên cứu an ninh châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược (CSIS) tại Washington nhận việc Philippines mua các máy bay dư thừa của Mỹ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Năm 1997, Manila từng đặt mua 35 chiến đấu cơ F-8 Crusader cũ của Hải quân Mỹ nhưng lại không sử dụng được do bảo dưỡng không tốt. Một yếu tố khác có thể khiến Philippines có thể gặp trở ngại trong quá trình đặt mua máy bay tuần tra P-3 Orion của Mỹ chính là Trung Quốc. Theo ông Brian Harding, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ lo ngại việc Philippines có thể sử dụng máy bay tầm xa này để giám sát hoạt động xây dựng và bồi đắp công trình quân sự và đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. Mặc dù vậy, Brian Harding vẫn không cho rằng đây có thể là vấn đề lớn làm cản trở Philippines sở hữu máy bay tuần tra săn ngầm P-3C.
Nối tiếp Nhật Bản, Singapore quyết mua F-35
để đề phòng TQ
Hãng tin CNN cho biết, Singapore đã công khai kế hoạch mua 12 tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ. Theo đó, Singapore sẽ trở thành quốc gia thứ 4 sở hữu F-35 ở gần khu vực Biển Đông.
F-35 là máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Mỹ
F-35 Lightning II là tên gọi chung cho 3 biến thể máy bay khác nhau dựa trên thiết kế cơ sở X-35 của dự án phát triển máy bay tiêm kích bom phối hợp (JSF) một chỗ ngồi, có khả năng tàng hình, có thể thực hiện đa nhiệm vụ như: yểm trợ cận chiến (CAS), ném bom chiến thuật, và chiến đấu không đối không. Dự án JSF là dự án nghiên cứu và chế tạo vũ khí lớn nhất cho Mỹ và các nước đồng minh kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thể hiện qua số lượng máy bay dự tính chế tạo trong khoảng thời gian tới năm 2035 lên tới hàng nghìn chiếc, trung bình dự kiến chế tạo hơn 100 chiếc mỗi năm. Việc phát triển F-35 đã được đưa vào kế hoạch tài chính của Mỹ, Vương quốc Anh và các chính phủ liên minh khác. Nó được thiết kế và chế tạo bởi tập đoàn Lockheed Martin và các nhà thầu quốc phòng chủ chốt khác là Pratt & Whitney, BAE Systems và Northrop Grumman. Tổng kinh phí ước tính phục vụ nghiên cứu phát triển, thử nghiệm và chế tạo số lượng máy bay 2,456 chiếc (trong đó có 14 chiếc dùng để thử nghiệm) của cả ba biến thể lên tới 406.1 tỷ đô la Mỹ.
Singapore sẽ sỡ hữu F-35 trong tương lai gần
Phát biểu trước Quốc hội tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đã công bố kế hoạch mua 12 máy bay chiến đấu F-35 từ Mỹ. Nếu thỏa thuận này được thực thi, Singapore sẽ trở thành đồng minh thứ 4 của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương sở hữu máy bay F-35. Tuy nhiên, thương vụ này cần được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, song ông Eng Hen nói rằng cả chính quyền Tổng thống Donald Trump và Bộ Quốc phòng Mỹ đều ủng hộ. Trong bài phát biểu trước các nghị sỹ, Bộ trưởng Ng Eng Hen khẳng định: “Các lực lượng vũ trang thế hệ tiếp theo của Singapore sẽ trở nên lợi hại hơn trên mọi phương diện”. Bản thuyết trình cũng đưa ra hàng chục khí tài quân sự mà Singgapore có kế hoạch mua sắm trước năm 2030, trong bối cảnh quốc gia này tăng cường năng lực quốc phòng. Máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ đứng đầu trong danh sách. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, F-35 được tích hợp những vũ khí, động cơ và hệ thống điện tử hiện đại nhất thế giới, là “dòng máy bay bền bỉ, hỗ trợ nhiều nhất, lợi hại nhất và giá cả hợp lý nhất từng được sử dụng”.
Hiện Singapore đang vận hành khoảng 60 chiếc F-16 Block 52. Biến thể này sau khi được nâng cấp đã mang đến cho chúng các tính năng cao cấp hơn như radar AESA. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Singapore (MINDEF) dự tính rằng những chiếc máy bay này sẽ lỗi thời vào năm 2030. Theo hoạt động của lực lượng Singapore, F-16 được sử dụng đa chức năng. Tuy nhiên, bản nâng cấp gần đây nhất dường như đã ưu tiên vai trò như một chiếc máy bay tấn công hơn là chiến đấu không đối không. Trong khi các tên lửa không đối không nằm trong diện phụ tải của chiếc máy bay này, chúng chủ yếu là tên lửa tầm ngắn AIM-9X. Phần lớn các trang thiết bị đi kèm là dành cho nhiệm vụ tấn công, từ bộ dụng cụ dẫn đường bằng laser cho các loại bom đến tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick. Đối với một nhiệm vụ không đối không thuần túy, Singapore có thể chủ yếu dựa vào F-15SG – loại máy bay được tối ưu hóa cho vai trò này với các hệ thống bổ sung như tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST).
Mục đích của Singapore khi tìm cách sở hữu F-35
Các nhà phân tích cho rằng, với vị trí nằm ở phía Tây Biển Đông, việc Singapore quyết định mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35 cho thấy mối quan ngại ngày càng gia tăng của nước này về tình hình an ninh tại châu Á. Ông Carl Schuster, cựu chỉ huy Trung tâm Thông tin tình báo liên hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nhận xét: “Singapore có lẽ không tin tưởng sự đảm bảo của Trung Quốc rằng các yêu sách của nước này trên Biển Đông là “lành tính” và không có ý đồ quân sự cũng như không dẫn đến việc Trung Quốc kiểm soát các hoạt động thương mại hàng không và hàng hải trên vùng biển này”.
Sau khi mua báy bay chiến đấu F-35, Singapore sẽ gia nhập nhóm đồng minh của Mỹ gồm Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc vận hành loại máy bay này tại Thái Bình Dương. Mỹ đã triển khai máy bay F-35 tại Nhật Bản và chúng có thể hoạt động phối hợp với các tàu của hải quân Mỹ. Hồi đầu năm 2019, Anh cũng cho biết nước này sẽ điều một tàu sân bay mang theo máy bay F-35 đến khu vực vào năm 2020.
Tuy quyết tâm đầu tư quốc phòng, song Singapore vẫn giữ quan điểm trong vấn đề Biển Đông
Trong vấn đề Biển Đông, mặc dù Singapore là nước không có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc và các nước, song nước này nhận thức rõ việc duy trì hòa bình, an ninh ổn định ở Biển Đông và hợp tác trong khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Singapore. Vì vậy, Singapore đã tích cực ủng hộ giải quyết vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn khu vực, quốc tế, trong đó đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp trong vấn đề này; đồng thời góp phần lên tiếng phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Có thể khái quát về sự tham gia của Singapore trong vấn đề Biển Đông như sau:
Thứ nhất, trong các tuyên bố, phát biểu của lãnh đạo cao của Singapore (Thủ tướng Lý Hiển Long, Ngoại trưởng Shanmugam, Ngoại trưởng Vivian BalaKrishnan…) đều thể hiện lập trường trung lập, không đứng về phía bên nào trong tranh chấp chủ quyền, song khẳng định Singapore có lợi ích và mong muốn các vụ tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Singapore cũng cho rằng ASEAN sẽ không phân định và giải quyết vấn đề cụ thể giữa các quốc gia yêu sách chủ quyền. Thay vào đó, ASEAN có thể thiết lập một khuôn khổ mang lại các điều kiện cần thiết để các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông thương lượng một giải pháp hòa bình. Tờ The Straits Times dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Singapore Shanmugam khẳng định tự do hàng hải là vấn đề quan trọng đối với sự tồn tại của Singapore với tư cách một quốc gia có chủ quyền. Trước đó (5/2014), khi phát biểu bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM) tại Myanmar, Ngoại trưởng Shanmugam cũng cho rằng, leo thang căng thẳng ở Biển Đông là vấn đề “gây quan ngại nghiêm trọng” cho ASEAN và cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Thứ hai, tại các diễn đàn song phương và đa phương, Singapore tiếp tục cho rằng ASEAN cần thể hiện tiếng nói thống nhất và trách nhiệm trước các vấn đề quan trọng ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông và cần sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Singapore bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình phức tạp hiện nay ở Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và DOC mà ASEAN và Trung Quốc cùng ký kết, trong đó có các nguyên tắc về thực hiện kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, nỗ lực để sớm đạt được COC. Phát biểu với báo chí bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar (5/2014), Ngoại trưởng Singapore Shanmugam chobiết: “Vì lợi ích của toàn khu vực, chúng ta cần có hòa bình chứ không phải biến cố. Những gì đang xảy ra tạo nên yêu cầu khẩn cấp hơn về việc phải có một bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông” giữa ASEAN và Trung Quốc. Singapore và ASEAN thể hiện “sự quan ngại nghiêm trọng” của các quốc gia thành viên ASEAN trước những diễn biến trên Biển Đông. Những diễn biến này “làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”; kêu gọi tôn trọng, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC mà Trung Quốc đã ký kết với Việt Nam năm 2002. Ngoại trưởng Singapore cũng nhấn mạnh rằng những gì đã xảy ra càng cho thấy tính cấp thiết của việc đưa ra COC. Tại phiên Tham khảo Chính trị lần thứ 9 và giao lưu hai Bộ Ngoại giao lần thứ 5 giữa Việt Nam – Singapore (8/2015), Singapore khẳng định, trong vai trò Điều phối viên (2015 – 2018), sẽ nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc. Trong chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng quốc phòng Singapore Ng Eng Hen (12/2015), Singapore đồng ý cho Mỹ triển khai máy bay P-8 Poseidon tới Singapore, theo MOU 1990 và SFA 2005. Hai bên lưu ý rằng việc triển khai máy bay này sẽ thúc đẩy sự phối hợp hoạt động giữa quân đội các nước trong khu vực thông qua tham gia một loạt cuộc diễn tập song phương và đa phương, đồng thời hỗ trợ kịp thời các nỗ lực cứu trợ nhân đạo và thảm họa (HADR) và an ninh biển trong khu vực.
Thứ ba, Singapore phản đối các hành động quân sự hóa và đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp Biển Đông. Phát biểu trước Quốc hội Singapore (4/2016), Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan kêu gọi tất cả các bên cam kết phi quân sự, tự kiềm chế và không sử dụng vũ lực; thực hiện nghiêm túc và đầy đủ DOC cũng như COC. Theo ông Balakrishnan, Singapore cũng ủng hộ đề xuất “không sử dụng vũ lực” trong giải quyết vấn đề Biển Đông của Việt Nam và các nước đưa ra. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng cho rằng những tranh chấp hàng hải ở Biển Đông hoàn toàn có thể xử lý và kiềm chế được và kết quả tốt nhất là các bên tuân thủ luật pháp quốc tế. Báo chí, truyền thông và giới nghiên cứu tại Singapore cũng đóng góp tiếng nói tích cực,thường xuyên trong việc lên án những hành động quân sự hóa, mở rộng và bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, ủng hộ những nỗ lực của các nước trong giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Thứ tư, Singapore đã tích cực đưa ra các sáng kiến, ủng hộ các nỗ lực giải quyết các tranh chấp của các nước. Trong chuyến thăm Trung Quốc (3/2016), với vai trò là Điều phối viên quan hệ ASEAN – Trung Quốc, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho biết Singapore đã đề xuất một khái niệm mới được gọi là Bộ quy tắc cho các vụ va chạm ngoài ý muốn trên biển mở rộng (CUES) với các bên liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông nhằm tránh xảy ra những tính toán sai có thể dẫn đến xung đột trên biển. Singapore sẽ đóng vai trò trung lập để tạo thuận lợi cho đối thoại mang tính xây dựng giữa các bên liên quan. Tại buổi thuyết trình do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Anh) tổ chức ở Singapore (6/2014), Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nêu rõ Singapore mong muốn tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết theo cách không để các tàu đối đầu nhau và không để xảy ra nổ súng; khẳng định Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông là giải pháp tốt nhất mà Singapore hy vọng. Theo ông, bộ quy tắc này sẽ không bao giờ đạt được nếu các bên tranh chấp còn cáo buộc lẫn nhau về vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông bởi các bên tranh chấp cứ nghĩ rằng tại sao phải nhất trí thỏa thuận mới khi thỏa thuận cũ đã bị vi phạm.
Thứ năm, Singapore là nước ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (7/2016). Sau khi Tòa ra phán quyết bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc đối với Biển Đông, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã gọi bản án là “một tuyên bố mạnh mẽ” về luật pháp quốc tế trong tranh chấp hàng hải và khuyến các bên ủng hộ và thực thi. Đại sứ Singapore tại Bắc Kinh (9/2016) đã phản đối việc Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho rằng chính phủ Singapore đã lên tiếng ủng hộ phán quyết mà Tòa và cho rằng Trung Quốc không có chủ quyền pháp lý lẫn chủ quyền lịch sử ở Trường Sa.
Trung Quốc sẽ có phản ứng cứng rắn
Giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc chắc chắn sẽ “không vui vẻ gì” với quyết định trên của Singapore và Bắc Kinh sẽ có những phản ứng tiêu cực đối với nước này. Ông Timothy Health, chuyên gia quốc phòng tại tổ chức tư vấn chính sách toàn cầu RAND của Mỹ cho biết, mạng lưới không quân sử dụng F-35 mở rộng khả năng các lực lượng quân đội có thể phối hợp với nhau theo hình thức liên minh nếu cần thiết. Diễn biến này có thể gửi thông điệp răn đe cứng rắn với Trung Quốc liên quan đến các hành vi của nước này tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Bộ phận tác chiến điện tử hiện đại của F-35 có thể cho phép sự phối hợp không giới hạn giữa các phi công thuộc phe đồng minh và điều này sẽ khiến Bắc Kinh lo ngại. Ông Peter Layton, nhà phân tích quốc phòng tại Viện Châu Á Griffith ở Australia cho biết, khả năng tác chiến điện tử và năng lực tàng hình của F-35 giúp chiến đấu cơ này trở thành loại vũ khí ưu việt trên chiến trường. F-35 có thể vượt qua các hệ thống phòng không và gửi thông tin chi tiết về mục tiêu cho các máy bay phía sau mang theo tên lửa tầm xa hay tới các hệ thống tên lửa chống hạm dưới đất.
“Quyết định của Singapore sẽ khiến Trung Quốc nghĩ cách cải thiện mạng lưới phòng không của nước này tại Biển Đông để phát hiện và tấn công những loại máy bay tàng hình, chẳng hạn như F-35”, ông Layton nói. Các thương vụ mua F-35 từ đồng minh của Mỹ đã được nhắc đến nhiều trên truyền thông của Trung Quốc. Một bài báo đăng tải trên thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc vào tháng 1/2019 đã bác bỏ bất cứ mối đe dọa nào từ “liên minh những người bạn mua F-35” của Mỹ tạo ra tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó các nhà phân tích Trung Quốc khẳng định F-35 không thể sách kịp với J-20, máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 của nước này.
Theo giới phân tích, với quyết định mua F-35, Singapore đang gửi thông điệp tới Trung Quốc, nhưng theo một cách thận trọng. Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen không nhắc đến Trung Quốc khi tiết lộ kế hoạch mua vũ khí vào tuần trước. Bài thuyết trình của ông chỉ nói rằng loại chiến đấu cơ này “sẽ đóng góp đáng kể cho năng lực của lực lượng không quân, nhằm bảo vệ an ninh và chủ quyền của Singapore”. Ông cũng cho biết, Singapore đang xem xét cách thức mua máy bay chiến đấu của Mỹ, theo đó sẽ mua gói đầu tiên gồm 4 chiếc và sau đó có thể nâng số lượng lên 8 chiếc nếu loạt đầu phù hợp với yêu cầu đặt ra. Theo ông Ng Eng Hen, F-35 thậm chí sẽ hoạt động phối hợp với phi đội máy bay F-15 của Singapore do Mỹ sản xuất khi chúng thay thế những chiếc F-16, vốn sẽ trở nên lỗi thời trong 1 thập kỷ.
http://biendong.net/bien-dong/29266-noi-tiep-nhat-ban-singapore-quyet-mua-f-35-de-de-phong-tq.html