Tin Biển Đông – 11/07/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

TQ gia tăng quân sự hóa Biển Đông

Sau khi chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, rồi lần lượt chiếm một số đảo nổi, đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa cũng của Việt Nam, Trung Quốc bắt đầu từng bước quân sự hóa khu vực Biển Đông.

Quần đảo Hoàng Sa thuộc Biển Đông nhưng lại án ngữ con đường tử biển Hoa Đông xuống phía nam, trong nhiều năm qua Trung Quốc thực hiện song song hai việc: Vừa xây dựng kinh tế biển, cả khai thác hải sản, cả du lịch, đồng thời xây dựng các căn cứ quân sự với nhiều loại vũ khí để khống chế cả trên không và trên biển ở khu vực Biển Đông. Trắng trợn hơn họ còn ngang nhiên xây dựng đơn vị hành chính, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và Thế giới.

Quần đảo Trường Sa từ lâu đã thuộc chủ quyền của Việt Nam, được cả Thế giới công nhận, nhưng Trung Quốc ngang nhiên bằng vũ lực đánh chiếm một số đảo có vị trí trọng yếu trong quần đảo Trường Sa. Đồng thời với sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự, Trung Quốc bất chấp luật pháp Quốc tế tiến hành bồi đắp các đảo, xây dựng đường băng đủ cho các loại máy bay hạ cánh, xây dựng các công trình quân sự kiên cố, bí mật đưa các loại vũ khí, kể cả tên lửa ra các đảo này. Họ ngang nhiên dự kiến sẽ tuyên bố vùng nhận dạng bay buộc các nước khi có máy bay qua đây phải xin phép Trung Quốc.

Họ đưa các thiết bị nhằm can nhiễu điện tử không phận, gây nguy hiểm cho các máy bay bay qua khu vực này. Ngang ngược hơn, Trung Quốc đơn phương tổ chức cấm biển để diễn tập quân sự trên Biển Đông, buộc tàu đánh cá của ngư dân các nước trong khu vực không được ra khơi.

Đặc biệt ngày 3/7/2019, CNN dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Dave Eastburn cho biết: “Trung Quốc bắn thử tên lửa từ một thực thể nhân tạo ở Biển Đông, gần quần đảo Trường Sa” và cho đây là một hành động gây rối. Nhiều nguồn tin khác cho rằng đây là tên lửa bán đạn đạo có tầm bắn khoảng 290km, hoặc tên lửa HQ-9, vốn được gọi là “S-300 phiên bản Trung Quốc”.

Thực tế từ ngày 29/6/2019 đến ngày 3/7/2019, Trung Quốc đã tổ chức tập trận trên Biển Đông. Trước những thông tin nêu trên nhưng Trung Quốc không có bất cứ phản hồi nào.

Trong lúc những căng thẳng về vấn đề hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên, giữa Mỹ và Iran, Trung Quốc không hề góp phần làm dịu tình hình mà còn lợi dụng thời điểm này để gia tăng các hoạt động quân sự trên Biển Đông. Con đường quân sự hóa và độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là không thay đổi và sẽ làm cho hòa bình của khu vực và Thế giới càng thêm căng thẳng. Thế giới cần tỉnh táo và có hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn hành động nguy hiểm của Trung Quốc.

http://biendong.net/dam-luan/29255-tq-gia-tang-quan-su-hoa-bien-dong.html

 

Để bảo vệ đồng minh,

Mỹ sẽ triển khai pháo tầm xa trên Biển Đông

Mỹ và Philippines được cho là đang bàn bạc về khả năng triển khai hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) tại khu vực Biển Đông nhằm bảo vệ Philippines và ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực.

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (1/4) trong cuộc gặp quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan ở Washington hôm 1/4 bày tỏ sự phản đối việc Trung Quốc đưa hàng trăm tàu thuyền đến gần đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Lãnh đạo bộ quốc phòng hai nước tái khẳng định quan hệ “đồng minh bền vững” và nhất trí tăng cường sự ủng hộ của Mỹ với quá trình hiện đại hóa quân đội Philippines. Trước đó, Phó tham mưu trưởng lục quân Mỹ James McConville (3/2019) cho biết Lầu Năm Góc chưa bố trí HIMARS tại khu vực, nhưng các nước đối tác của Washington tại Thái Bình Dương “đang thảo luận cởi mở” về vấn đề này. Trong khi đó, Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS) kêu gọi Lầu Năm Góc triển khai HIMARS tới các nước Đông Nam Á, nhằm thể hiện sự linh hoạt và đa dạng trong hoạt động hiện diện quân sự luân phiên của Mỹ tại khu vực. Trong khi đó, Người phát ngôn quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương Derrick Cheng từ chối bình luận chi tiết về bất cứ “hoạt động hoặc chiến dịch nào liên quan tới triển khai binh lính và thiết bị của quân đội Mỹ trong tương lai”.

Được biết, HIMARS do hãng Lockheed Martin sản xuất, được thử nghiệm lần đầu tiên tại cuộc tập trận quân sự thường niên Balikatan giữa Mỹ và Philippines vào năm 2016. Mỗi hệ thống HIMARS được biên chế kíp vận hành ba người, có thể mang 6 quả đạn rocket M31 cỡ nòng 227 mm với tầm bắn 70 km hoặc một tên lửa chiến thuật MGM-140 ATACMS có khả năng đánh trúng mục tiêu cách 300 km. Hệ thống này được cho là có tính cơ động cao nhờ được đặt trên các xe tải do BAE Systems sản xuất. Tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin đã giành được hợp đồng trị giá 289 triệu USD để chế tạo 24 hệ thống HIMARS và các thiết bị đi kèm cho quân đội Mỹ, đồng nghĩa với việc mỗi hệ thống này sẽ có giá khoảng 12 triệu USD.

Tiến sĩ Patrick Cronin, cựu Cố vấn cao cấp – Giám đốc Chương trình An ninh châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm an ninh Mỹ Mới (CNAS) cho rằng HIMARS và các hệ thống tên lửa khác không chỉ được xem xét tham gia các cuộc tập trận trong khu vực mà còn có thể được triển khai để cải thiện khả năng răn đe cho đối tác của Mỹ. Theo ông Cronin, quân đội Mỹ và Philippines chắc chắn có quan tâm đến việc tăng cường khả năng răn đe quân sự trong bối cảnh Biển Đông đang bị quân sự hóa; đồng thời nhận định HIMARS sẽ hoạt động hiệu quả nếu tấn công các mục tiêu cố định như đảo nhân tạo.

Tuy vậy, tiến sĩ Koh Swee Lean Collin (chuyên gia quân sự của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) cho rằng Mỹ có thể cân nhắc triển khai HIMARS và coi việc này thể hiện sự liên quan của Washington đến chiến lược và hoạt động tại Thái Bình Dương. Theo ông Collin, Philippines có thể triển khai HIMARS ở 2 địa điểm tiềm năng là tại tỉnh Palawan hoặc trên đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nếu được bố trí ở tỉnh Palawan của Philippines, tổ hợp HIMARS có thể bao trùm khu vực rộng lớn ở Biển Đông, kể cả các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa trái phép ở Trường Sa. Trong khi đó, tên lửa phóng đi từ đảo Thị Tứ có thể gây thiệt hại cho các cơ sở của Trung Quốc tại đá Subi.

Phản ứng trước thông tin này, giới chuyên gia quân sự Trung Quốc đưa ra nhiều đánh giá trái chiều. Một số bác bỏ khả năng Mỹ triển khai HIMARS ở Philippines trong tương lai gần, trong khi không ít người coi đây là thông điệp “đáng báo động” từ Washington mà Bắc Kinh cần lưu tâm. Nhà bình luận quân sự Tống Trung Bình tại Hồng Công cho rằng rất khó cho các nước như Philippines có thể triển khai HIMARS trong tương lai gần vì với ngân sách quốc phòng hạn chế, khiến Manila khó có thể mua nổi hệ thống này. Các nước Đông Nam Á thường cẩn trọng trong việc triển khai các hỏa lực như vậy. Họ quan tâm hơn tới hỗ trợ về mua bán vũ khí từ Mỹ.

Trung Quốc được cho đã hoàn thành lắp đặt tên lửa chống hạm và tên lửa phòng không tại 3 thực thể gồm đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn do nước này chiếm đóng trái phép

tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Phía Việt Nam đã nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và căn cứ pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng phi pháp các đảo, đá, bãi cạn của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế và cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn không được luật pháp cũng như cộng đồng quốc tế thừa nhận. Mọi việc làm của nước ngoài tại khu vực hai quần đảo mà không có sự cho phép của Việt Nam là hoàn toàn bất hợp pháp và không thể thay đổi thực tế là Việt Nam có chủ quyền hợp pháp với hai quần đảo này. Là một quốc gia lớn ở khu vực và thế giới, Việt Nam cho rằng Trung Quốc có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

http://biendong.net/bien-dong/29250-de-bao-ve-dong-minh-my-se-trien-khai-phao-tam-xa-tren-bien-dong.html

 

Biển Đông: Manila càng chập chờn,

Bắc Kinh càng lấn lướt

Mai Vân

Gần một tháng sau khi vụ việc xẩy ra, tuần duyên và cơ quan hàng hải Philippines mới đưa ra kết luận về vụ tàu cá Philippines ngày 09/06/2019 bị tàu Trung Quốc đâm chìm tại khu vực Bãi Cỏ Rong gần Trường Sa trên Biển Đông rồi bỏ đi, để mặc cho 22 ngư dân Philippines trong vòng nguy hiểm mà không hề cứu vớt.

Theo nội dung báo cáo đã được báo chí Philippines tiết lộ ngày 06/07 vừa qua, đây là một sự cố trên biển nghiêm trọng, tàu Trung Quốc có lỗi chính trong tai nạn, không chủ động thực hiện các biện pháp tránh va chạm với tàu cá Philippines và không giúp đỡ các ngư dân Philippines bị nạn. Báo cáo của các cơ quan chức năng đã gián tiếp bác bỏ lập luận của chính tổng thống Philippines Duterte về sự cố, cho đấy chỉ là một « tai nạn nhỏ », bất chấp những thông tin ban đầu cho thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc.

Theo giới quan sát, phản ứng của các giới chức chính quyền Philippines liên quan đến vụ Bãi Cỏ Rong trong một tháng qua thiếu nhất quán, từ thái độ cứng rắn ban đầu đã mau chóng giảm nhẹ cường độ sau đánh giá của tổng thống Philippines.

Trong một bài phân tích trên nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 07/07 vừa qua, chuyên gia Collin Koh thuộc Viện Nghiên Cứu Quốc Phòng và Chiến Lược, Đại Học Công Nghệ Nanyang (Singapore) đã đặt ra câu hỏi « Liệu thái độ chập chờn của Manila trên sự cố Bãi Cỏ Rong có làm Bắc Kinh hung hăng hơn hay không ? »

Đối với chuyên gia này thì cách một quốc gia phản ứng với chiến thuật tấn công theo kiểu « vùng xám » của những kẻ xâm lược nước ngoài có thể tác động đáng kể đến cách đối phó trong tương lai của nước này.

Duterte không cho phản ứng mạnh

Nhà nghiên cứu đã nêu bật sự cố Bãi Cỏ Rong trên Biển Đông, xảy ra ngày 09/06/2019, trong đó Philippines là nước bị tấn công bằng chiến thuật « vùng xám », còn nước xâm lược là Trung Quốc.

Đã gần một tháng kể từ khi xẩy ra vụ một chiếc tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu đánh cá Philippines ngoài khơi Bãi Cỏ Rong, cuộc tranh chấp ở Philippines vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Nhưng vào lúc Bắc Kinh và Manila tìm cách xác định những gì đã thực sự xảy ra, đã xuất hiện những tuyên bố mâu thuẫn nhau và đôi khi gây tranh cãi từ phía các quan chức Philippines, trong đó có cả tổng thống Rodrigo Duterte.

Nhà lãnh đạo tính khí thất thường, nổi tiếng với cách ăn nói sỗ sàng, lại không phải là người đầu tiên lên tiếng khi có tin tức về vụ việc.

Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana ban đầu đã phản ứng giận dữ, gọi đó là một hành vi cố ý của phía Trung Quốc. Nhưng khi ông Duterte phá vỡ sự im lặng và nói rằng đó chỉ là một sự cố nhỏ trên biển, thì ông Lorenzana đã nép về phía sau.

Trong một bước ngoặt khác, thuyền trưởng tàu cá Philippines đã cải chính và rút lại những cáo buộc ban đầu theo đó tàu Trung Quốc đã cố tình đâm tàu Philippines.

Trong khi chờ kết quả điều tra chính thức, người ta có thể quan sát các phản ứng tương phản của Trung Quốc và Philippines.

So với lập trường chập chờn của Manila, quan điểm của Bắc Kinh đã được tính toán kỹ và nhất quán, ngay cả khi người ta có thể hoài nghi về tính xác thực trong cách giải thích của đại sứ quán Trung Quốc tại Manila, theo đó tàu Trung Quốc đã không thể giải cứu 22 ngư dân Philippines bị rơi xuống biển vì lúc đó tàu Trung Quốc đang bị tàu thuyền Philippines « bao vây ».

Sự cố Bãi Cỏ Rong : Kinh nghiệm về chiến lược vùng xám

Đã có rất nhiều suy đoán cho rằng chiếc tàu Trung Quốc thuộc lực lượng dân quân biển. Nếu đúng là như vậy, sự cố Bãi Cỏ Rong có thể là một bài học quan trọng về cách quản lý khủng hoảng, mang lại cho các chính phủ kinh nghiệm đối phó với các kịch bản « vùng xám » trong tương lai.

Nói một cách đơn giản, chiến lược « vùng xám » là việc sử dụng các biện pháp cưỡng chế quân sự và phi quân sự nhằm đạt được các mục tiêu trong chính sách đối ngoại, mà không cần dùng đến các phương tiện chiến tranh đúng nghĩa. Chiến lược này bao gồm cả việc sử dụng các tác nhân trên danh nghĩa không phải là của Nhà nước, như trong trường hợp « những người áo xanh lá cây nhỏ bé – little green men » (nói về lính Nga trá hình, không đeo phù hiệu, quân hiệu) đã nắm quyền kiểm soát Crimée vào năm 2014.

Tương đương với đạo quân đó ở trên biển chính là đạo quân của « những người áo xanh lam nhỏ bé – little blue men » như cách gọi của giáo sư Andrew Erickson trong bài nghiên cứu về lực lượng dân quân biển vốn rất khó nhận dạng của Trung Quốc đang hoạt động ở Biển Đông. Lực lượng được cho là ngư dân đó có thể thực hiện một số nhiệm vụ được gọi là yêu nước để giúp Bắc Kinh khẳng định quyền hạn và lợi ích hàng hải ở vùng biển có tranh chấp.

Chiến lược « vùng xám » có thể có nhiều cơ hội thành công hơn nếu phía nạn nhân không phản ứng hiệu quả được vì bị các rào cản quan liêu. Thái độ thiếu dứt khoát và mâu thuẫn nội bộ có thể làm cho phía bị tấn công mất đi cơ hội có phản ứng quyết định để ngăn chặn hoặc lật ngược lại tình trạng đã rồi mà kẻ xâm lược áp đặt.

Dưới thời Duterte, Manila không còn cứng rắn với Bắc Kinh

Đối với chuyên gia Collin Koh, thái độ chập chờn của Manila sau sự cố Bãi Cỏ Rong không phải là điều mới xẩy ra lần đầu. Từ cuối năm 2016, phản ứng của Philippines trước các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa phải nói là rất lung tung.

Đáng chú ý nhất là vào tháng 5 năm ngoái, phản ứng đầu tiên của Manila trước việc Trung Quốc triển khai tên lửa đến Trường Sa là chờ « xác minh » sự việc. Đó có vẻ là một phản ứng thận trọng, nhưng điều đáng nói là chính quyền Philippines đã phải mất gần năm ngày để thừa nhận rằng họ không thể xác minh điều được cho là vi phạm đó.

Ông Harry Roque, lúc đó là phát ngôn viên của tổng thống Philippines, đã tuyên bố : « Để có thể làm công việc xác minh, chúng tôi cần đến một loại công nghệ mà chúng tôi chưa có, nên chúng tôi vẫn không thể tự mình xác minh được ». Nhân vật này còn cho biết thêm là vấn đề xác minh thậm chí còn không được nêu lên trong một cuộc họp nội các do tổng thống Duterte triệu tập

Malaysia chập chờn nhưng không buông bỏ như Philippines

Nhưng vấn đề không chỉ xảy ra riêng cho Philippines. Vào tháng 3 năm 2016, sau các báo cáo theo đó một hạm đội gồm hơn 100 tàu đánh cá Trung Quốc đã tiến vào vùng biển Malaysia ngoài khơi Sarawak, chính quyền Kuala Lumpur cũng đã có phản ứng chập chờn.

Trong lúc Cơ Quan Hàng Hải Malaysia (Malaysian Maritime Enforcement Agency), tên gọi lực lượng tuần duyên của nước này, khẳng định rằng cuộc thâm nhập đã thực sự diễn ra, thì phía Hải Quân lại cho là không. Vụ tàu cá Trung Quốc tràn ngập vùng biển của Malaysia nói trên xẩy ra đúng vài tháng sau khi người ta biết được sự kiện lực lượng tuần duyên Trung Quốc đã duy trì từ 2013 một sự hiện diện ở khu vực bãi cạn South Luconia Shoal, ngoài khơi Sarawak.

Kuala Lumpur sau đó đã gởi công hàm phản đối, nhưng việc Malaysia không có phản ứng đáp trả rõ ràng đã càng khiến Trung Quốc bạo dạn hơn và tiếp tục duy trì lực lượng tuần duyên ở vùng biển này.

Theo chuyên gia Collin Koh, dù hùng hậu hơn Philippines, nhưng Hải Quân Malaysia vẫn thua xa lực lượng Trung Quốc. Thế nhưng Hải Quân Malaysia vẫn duy trì sự hiện diện, dù không liên tục, ở vùng South Luconia Shoal để cho Trung Quốc thấy là họ không được phép hoàn toàn kiểm soát khu vực.

Còn Philippines thì ngược lại. Sau sự cố ở Bãi Cỏ Rong, tổng thống Duterte đã cảnh cáo Hải Quân Philippines là hãy « đứng ngoài vòng rắc rối », trong lúc bộ trưởng Quốc Phòng Lorenzana thì cho rằng chính Cục Ngư Nghiệp và Hải Sản, chứ không phải là Hải Quân, mới có trách nhiệm bảo vệ hoạt động đánh cá ở Biển Đông, một điều mà hiển nhiên cơ quan này không thể làm được vì thiếu phương tiên.

Việt Nam và Indonesia đáp trả cương quyết hơn

Nhưng các quốc gia Đông Nam Á không phải lúc nào cũng thua trong các tình huống ở vùng xám.

Chuyên gia Collin Koh nêu bật ví dụ của Việt Nam, vào năm 2014, đã đương đầu với Trung Quốc trong vụ dàn khoan di động Hải Dương 981 ở Biển Đông. Cho dù hai bên đều tuyên bố chiến thắng trong cuộc đọ sức, nhưng Hà Nội rõ ràng là đã không khuất phục trước đe dọa quân sự lớn hơn của Trung Quốc.

Cũng tương tự như vậy, vào tháng 3 năm 2016, Jakarta cũng có hành động đáp trả dứt khoát sau khi tàu tuần duyên Trung Quốc can thiệp, ngăn không cho Indonesia thực thi luật đánh cá của mình tại vùng biển Natuna.

Indonesia đã phản đối mạnh mẽ và tăng cường lực lượng Hải Quân trong vùng. Ba tháng sau vụ việc, một tàu chiến Indonesia đã không ngần ngại bắn cảnh cáo một tàu cá Trung Quốc vi phạm luật.

Điều được chuyên gia Singapore nêu bật là sau đó, không thấy có thêm thông tin nào về những vụ việc tương tự, trong lúc quan hệ thương mại của Indonesia với Trung Quốc không hề bị ảnh hưởng.

Đối với ông Collin Koh, trường hợp của Philippines là một ví dụ điển hình cho thấy là một cách đáp trả sai có thể khiến cho một kẻ tấn công bằng chiến lược « vùng xám » bạo gạn hơn, dù đó là Trung Quốc hay bất kỳ ai khác.

Người ta có thể cho là kẻ xâm lấn thành công nhờ sự tinh tế chiến lược, nhưng cách phản ứng của nạn nhân cững có vai trò đáng kể trong kết cục.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190711-bie%CC%89n-dong-manila-ca%CC%80ng-cha%CC%A3p-cho%CC%80n-ba%CC%81c-kinh-ca%CC%80ng-la%CC%81n-luo%CC%81t

 

Gạc Ma: Bia chủ quyền bằng máu

 của Việt Nam trên Biển Đông

Ngày 14/3/1988, Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm và tàn sát cán bộ, binh lính Việt Nam trên đá Gạc Ma. Trước khi ngã xuống, những người lính Việt Nam đã lập thành vòng tròn – vòng tròn bất tử bằng máu, để bảo vệ lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc cắm trên đá Gạc Ma, trước họng súng của quân xâm lược.

Bia chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông

Thông thường, bia chủ quyền được xây bằng gạch, vôi vữa nhìn chung có hình dáng và kích thước giống nhau; trên bia được ghi rõ địa danh, tọa độ nới đặt bia, nước nào có chủ quyền đối với vùng đất, vùng biển nới đó và chủ quyền đó được xác lập từ khi nào.

Đối với Việt Nam, nước duy nhất có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền hợp pháp đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, đã xác lập rất nhiều bia chủ quyền trên cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo các tư liệu lịch sử, các vua chúa nhà Nguyễn đã liên tục thực thi chủ quyền ở hai quần đảo này. Thời kỳ Pháp thuộc, nhân danh Việt Nam, người Pháp tiếp tục có những hành động thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa. Trong hồ sơ công nhận hai di tích Bia chủ quyền trên đảo Nam Yết và Song Tử Tây là di tích lịch sử cấp quốc gia cũng chỉ rõ: Năm 1956, sau khi ký kết hiệp định Geneve, Pháp chuyển giao lãnh thổ miền Nam Việt Nam cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Sau đó, Việt Nam Cộng hòa đã cho quân ra tiếp quản, tổ

chức hai quần đảo về mặt hành chính (lập ở mỗi quần đảo một xã thuộc một huyện ở đất liền), xây các bia chủ quyền, duy trì các trạm khí tượng. Theo một số tài liệu ghi chép lại, sau lần xây dựng năm 1956, năm 1963, Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã cho xây dựng lại bia chủ quyền Việt Nam tại một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa… Năm 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam giải phóng quần đảo Trường Sa, góp phần vào thắng lợi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Từ đó đến nay, Việt Nam tiếp tục thực thi chủ quyền ở quần đảo này. Trải qua thời gian và biến động lịch sử, đến nay chỉ còn lại hai bia chủ quyền xây dựng năm 1956 ở đảo Song Tử Tây và Nam Yết. Cả hai bia đều được Hải quân (thuộc chế độ Việt Nam Cộng hòa cũ) xây dựng năm 1956. Các chữ trên bia đều được khắc chìm vào trong với nội dung: “Quần đảo Hoàng Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Phái bộ quân sự thị sát nghiên cứu đến viếng quần đảo này vào ngày 22-8-1956 dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam”. Ẩn hiện trong không gian rợp một màu xanh của những cây phong ba, bàng vuông cổ thụ, bia chủ quyền trên đảo Song Tử Tây là một trong những vị trí trọng yếu, được coi là linh hồn của đảo. Hiện bia nằm trong khuôn viên của Trạm khí tượng Thủy văn. Bia có 2 phần, gồm phần thân và phần chóp với tổng chiều cao là 3m36. Năm 2011, khu trùng tu bia, khuôn viên di tích đã được xây hệ thống hàng rào bằng gạch, vôi vữa cao 80cm bao quanh bia với diện tích 16m2. Trong khi đó, bia chủ quyền đảo Nam Yết được xây trong khuôn viên nhỏ cũng với diện tích xấp xỉ 16m2. Hàng rào được xây bằng gạch, vôi vữa. Thân bia chỉ còn chiều cao 1m32. Bia chủ quyền Nam Yết không có chóp bia như Song Tử Tây. Năm 2011, sau khi UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định xếp hạng là di tích cấp tỉnh, cả hai bia chủ quyền do Việt Nam Cộng hòa xây dựng ở đảo Song Tử Tây và Nam Yết đều được trùng tu, tôn tạo.

Ngoài hai bia chủ quyền trên đảo Song Tử tây và Nam Yết, Việt Nam còn rất nhiều những cột mốc chủ quyền trên biển. Theo đó, 15 nhà giàn DK1 vững vàng trên thềm lục địa Tổ quốc giữa ngàn khơi trong suốt 25 năm qua, không chỉ khẳng định sự kiên cường bám trụ của các chiến sĩ quyết tâm giữ vững chủ quyền vùng biển của Tổ quốc, mà còn khẳng định đó là chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam. Trong 25 năm thăng trầm và đầy hi sinh ấy, thế hệ cán bộ chiến sĩ DK1 đã hoàn thành sứ mệnh của người lính hải quân canh biển. Với tư cách là cột mốc chủ quyền, những nhà giàn DK1 không chỉ là những pháo đài canh biển, mà còn là điểm tựa vững chắc cho bà con ngư dân ra khai thác đánh bắt hải sản trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Chủ nhân trên những “pháo đài canh biển ấy”, là cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1 Vùng 2 hải quân- những người được coi là bia chủ quyền sống, sinh tử với biển, có sức bám trụ kiên cường và tinh thần thép. Những cột mốc này được xây dựng không phải đường biên, mà dựa trên “tiêu chí” luật biển Quốc tế qui định. Việc xây dựng các Nhà giàn DK1 với mục đích chính là: Bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển, đồng thời công bố với thế giới, đây là chủ quyền thềm lục địa của Việt Nam. Nhà giàn DK1 được xây dựng và tồn tại không chỉ là một tất yếu của một đất nước có chủ quyền, mà còn là tầm nhìn chiến lược quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

“Vòng trong bất tử máu” trên đá Gạc Ma – bia chủ quyền bằng máu của Việt Nam trên Biển Đông

Đầu tháng 3/1988, Hải quân Trung Quốc huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động ở đây thường xuyên có từ 9 đến 12 tàu chiến, gồm: tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu pháo, 2 tàu đổ bộ; tàu hỗ trợ gồm 3 tàu vận tải LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và một pông-tông lớn. Trước sự bành trướng ngang ngược của quân Trung Quốc, Quân chủng Hải quân Việt Nam xác định, Gạc Ma giữ vị trí quan trọng, nếu để Trung Quốc chiếm giữ sẽ khống chế đường tiếp tế của ta cho các căn cứ tại quần đảo Trường Sa. Vì vậy, Thường vụ Đảng uỷ Quân chủng Hải quân Việt Nam hạ quyết tâm đóng giữ Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Quân chủng Hải quân Việt Nam điều 3 tàu vận tải mang khí tài, vật liệu xây dựng đóng giữ các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.

Ngày 12/3/1988, tàu HQ 605 (thuộc Lữ đoàn 125), do ông Lê Lệnh Sơn làm thuyền trưởng, xuất phát từ Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao. Sau 29 giờ vượt sóng to, gió lớn, Tàu HQ 605 đến Len Đao và cắm cờ Tổ quốc lên đảo (lúc 5h ngày 14/3/1988), khẳng định chủ quyền và quyết tâm bảo vệ đảo của ta. Tiếp đó, 9h ngày 13/3/1988, tàu HQ 604 do ông Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng và tàu HQ 505 do ông Vũ Huy Lễ làm thuyền trưởng, xuất phát từ đảo Đá Lớn tiến về Gạc Ma, Cô Lin. Phối hợp với hai tàu HQ 604 và HQ 505 có hai phân đội công

binh (70 người) thuộc Trung đoàn 83, 4 tổ chiến đấu (22 người) thuộc Lữ đoàn 146, do ông Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng chỉ huy và 4 chiến sĩ đo đạc của Đoàn đo đạc và biên vẽ bản đồ (Bộ Tổng Tham mưu).

Tại Gạc Ma, vào ngày 14/3/1988, một phân đội của Trung đoàn Công binh 83 và bộ phận của Lữ đoàn 146 đã đổ bộ lên đảo cắm cờ Việt Nam, đồng thời, đang vận chuyển vật liệu dựng nhà C3. Sáng hôm đó, Trung Quốc cho lính lên tranh chấp với ta. Khi giật cờ không được, chỉ huy quân Trung Quốc đã dùng súng ngắn bắn thẳng vào đầu Thiếu úy Trần Văn Phương, sỹ quan chỉ huy của Lữ đoàn 146. Đồng chí Nguyễn Văn Lanh, chiến sỹ của Trung đoàn Công binh 83 đã quyết tâm giữ lá cờ Tổ quốc. Khi không giật được, lính Trung Quốc đã dùng lưỡi lê đâm vào vai anh Lanh đến khi gục xuống.

Trước khi ngã xuống, các chiến sỹ Việt Nam đã hành động rất anh dũng. Thiếu úy Trần Văn Phương trước khi bị bắn đã hô: “Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”. Các chiến sỹ của ta lúc đó đã nắm tay nhau đứng vòng quanh quyết bảo vệ lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, dùng xà beng dụng cụ lao động chống trả lại những hành động hung hãn của Trung Quốc. Không thể phá vỡ được “vòng tròn bất tử” của các chiến sỹ Hải quân Việt Nam, Trung Quốc rút quân lên tàu rồi hạ pháo 100 ly, 37 ly 2 nòng xả đạn dã man sát hại gần hết số cán bộ chiến sỹ của Trung đoàn 83 lắp dựng nhà và cán bộ chiến sỹ của Lữ đoàn 146 ra giữ đảo. Trong trận chiến đơn phương do Trung Quốc gây ra đã có tổng số 64 cán bộ chiến sỹ đã hy sinh ở cả 3 đảo trong đó, có 26 chiến sỹ của Trung đoàn Công binh 83.

Từ đó, “Vòng tròn bất tử bằng máu” của các chiến sĩ quân đội Việt Nam trên đá Gạc Ma đã trở thành bia chủ quyền bằng máu – một trong những bia chủ quyền thiêng liêng nhất của Việt Nam chứng minh Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với đá Gạc Ma nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung. Bia chủ quyền trên cũng là bằng chứng sống minh chứng cho hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc để đánh chiếm đảo, đá của Việt Nam trên Biển Đông. Máu của các chiến sĩ quân đội Việt Nam đã chảy, nhưng chủ quyền của Việt Nam đối với đá Gạc Ma sẽ luôn được giữ vững, được cộng đồng quốc tế cũng như sử sách ghi nhận.

Trung Quốc chiếm đóng phi pháp đá Gạc Ma cũng chỉ là hành động xâm lược vũ trang, hành động này sẽ luôn bị luật pháp quốc tế phản đối và không thừa nhận. Kể từ vụ thảm sát Gạc Ma, Trung Quốc ngày càng tăng cường sự bành trướng ở Biển Đông. Chiến lược của của họ là sử dụng sự đe dọa đến từ sức mạnh quân sự, vốn không bị thách thức bởi bất kỳ nước láng giềng khu vực nào, làm nền tảng cho việc tuyên bố chủ quyền – những tuyên bố trái với luật pháp quốc tế. Trung Quốc tiếp tục tuyên bố chủ quyền các khu vực khác nhau trên Biển Đông một cách bất hợp pháp để xây dựng các đảo nhân tạo, không hề đếm xỉa đến những tuyên bố chủ quyền của các quốc gia khác.

Trung Quốc đang làm gì trên đá Gạc Ma của Việt Nam

Đá Gạc Ma là rạn san hô nằm ở đầu phía Tây Nam của cụm Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa, thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Nằm cách rạn gần nhất là đá Cô Lin hơn 3km về phía Đông Nam và được bao quanh bởi vành đai san hô trắng, phần lớn bãi đá này chìm dưới mặt nước. Sau khi sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép bãi đá từ năm 1988, Trung Quốc đã từng bước cải tạo, xây dựng trên bãi đá này những cấu trúc vững chắc và biến nơi này thành một trong những tiền đồn quân sự phi pháp của họ trên Biển Đông.

Hiện tại, phía Trung Quốc đã tôn tạo, xây dựng trên diện tích 13,2 ha ở bãi đá Gạc Ma. Bên cạnh đó, họ còn nạo vét luồng theo hướng Bắc – Nam với chiều dài 900 – 1.000 m, rộng khoảng 250 – 400 m thuận tiện cho các tàu trọng tải 4.000 tấn ra vào âu tàu phía trong bãi và cập cảng phía Bắc. Các công trình của Trung Quốc được xây dựng cấp tập từ giữa năm 2013, đến nay đã hoàn tất và đưa vào sử dụng, gồm: Tòa nhà kiên cố cao 26 – 27m gồm 8 tầng, tại 4 góc nhà đều bố trí các lỗ châu mai – lỗ bắn. Trên nóc nhà bố trí 2 ra đa hàng hải, 2 ăng ten parabol và 1 thiết bị đảm bảo bay có quả cầu che, cùng một số thiết bị thông tin liên lạc khác.

Trên tầng 6 của tòa nhà, phía Trung Quốc lắp ra đa điều khiển hỏa lực, hệ thống kính ngắm quang học hiện đại. Tầng 5 của tòa nhà được lắp 2 bệ pháo 30 mm (7 nòng) và tầng 1 lắp 2 bệ pháo 76 mm. Ngoài hệ thống súng pháo trên nhà 8 tầng, còn có 1 vị trí hỏa lực lắp đặt

pháo 76 mm, pháo 30 mm quay hướng Đông Bắc luôn có quân nhân trực canh 24/24 trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và họ chỉ chui ra khỏi bệ pháo khi đổi ca trực.

Trung Quốc còn xây dựng trái phép 2 tháp ra đa đối không – đảm bảo bay cho máy bay, 1 tháp viễn thông thu phát sóng 4G cao khoảng 50 m, 2 cột điện gió cùng hệ thống pin năng lượng mặt trời, 1 ngọn hải đăng cao 50m, bán kính chiếu xa khoảng 40 km… Hiện, họ đã hoàn tất và đưa vào sử dụng trái phép 1 bãi đáp trực thăng ở phía Đông Nam với diện tích 33 x 33 m, 1 cầu cảng ở phía tây bắc của bãi với chiều dài khoảng 100 m và đặc biệt là xây dựng 1 bến nghiêng rộng 20 – 30m, các loại xe vận tải, xe bánh xích, xe bánh lốp dễ dàng cơ động lên đảo từ những tàu vận tải đổ bộ, chở quân…

Kết luận:

Trong tiến trình lịch sử của nhân loại, có rất nhiều hình thức khẳng định chủ quyền của một quốc gia, tuy nhiên, sẽ chẳng có đất nước nào lại có bia chủ quyền bằng máu – “vòng tròn bất tử máu” trên đá Gạc Ma như Việt Nam. Nó không chỉ là dấu ấn minh chứng chủ quyền và quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của của Việt Nam đối với Biển Đông, mà còn là chứng cứ sống về việc Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm đảo và tàn sát binh lính Việt Nam trên Biển Đông.

http://biendong.net/bien-dong/29253-gac-ma-bia-chu-quyen-bang-mau-cua-viet-nam-tren-bien-dong.html