Tin Biển Đông – 05/07/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 05/07/2019

Biển Đông: cần hành động cụ thể

chứ không chỉ “vẫy cờ”

Để biển Đông lặng sóng, Mỹ, các nước phương Tây và Australia cần hành động cụ thể, chứ không chỉ dừng lại ở “vẫy cờ” báo hiệu sự hiện diện quân sự

Tàu chiến Mỹ đi vào biển Đông

Cậy thế sức mạnh quân sự vượt trội, Trung Quốc ngày càng có những hành động ngang ngược trên biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế.

Những năm qua Trung Quốc không ngừng bồi đắp, mở rộng nhiều đảo nhân tạo với diện tích lên tới hàng chục km2; đưa vũ khí tối tân ra các đảo họ chiếm đóng trái phép; gây hấn với tàu cá ngư dân các nước trong khu vực, nhất là Việt Nam và Philippines…Năm 2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và chỉ chịu rút khi vấp phải phản đối quyết liệt của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

Sự ngang ngược của Trung Quốc khiến nhiều quốc gia phẫn nộ. Phản ứng, nhưng trong thế yếu hơn, đề phòng sự trả đũa của Trung Quốc,các nước này kêu gọi giải pháp cho các tranh chấp trên biển là đối thoại, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật biển 1982; đồng thời, muốn các bên liên quan thông qua bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), hy vọng, với những ràng buộc pháp lý cụ thể, bộ quy tắc này sẽ kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc, giữ biển Đông ổn định.

Dĩ nhiên, mong muốn của ASEAN phù hợp với cách ứng xử của một thế giới văn minh.

Chỉ có điều, ASEAN muốn, nhưng Trung Quốc thì không.Vì mong muốn đó, nếu hiện thực hóa, sẽ khiến Trung Quốc khó khăn trong thực hiện âm mưu độc chiếm biển Đông mà họ đã và đang làm.Vì vậy, Trung Quốc, một mặt tiếp tục các hành động côn đồ trên biển Đông, mặt khác, cố tình trì hoãn, gây trở ngại cho đàm phán COC với các nước ASEAN.

May thay, biển Đông hiện là một trong những tuyến hàng hải thương mại nhộn nhịp nhất thế giới với giá trị hàng hóa qua lại lên tới hơn 5000 tỷ USD. Những nền kinh tế quy mô càng lớn, độ mở rộng, tuyến hàng hải trên biển Đông càng có ý nghĩa quan trọng.

Vì thế, biển Đông, xét tổng thể, không chỉ là vấn đề có tính khu vực, mà còn mang tính toàn cầu; diễn biến căng thẳng khu vực này luôn khiến cộng đồng quốc tế, nhất là các nước lớn

quan tâm sâu sắc. Những nước này cho rằng, họ không thể không có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tự do hàng hải cũng như giải quyết các vấn đề biển Đông.

Ausralia, Pháp, Ấn Độ, Singapore, Anh, Mỹ đều đãcó lực lượng hải quân ở khu vực này. Đức, một cường quốc Tây Âu khác, gần đây cũng phát tín hiệu đưa tàu hải quân tới biển Đông.

Trong số các nước nêu trên, Mỹ tỏ ra quyết liệt nhất với những tuyên bố mạnh mẽ cùng sự hiện diện hải quân tần suất cao. ASEAN hy vọng rằng sự mạnh mẽ của Oasinton sẽ kiềm chếmột Bắc Kinh đang ngày càng quá quắt.

Tuy nhiên,gần đây, ASEAN cũng bắt đầu giảm sút niềm tin vào quyết tâm duy trì khu vực tự do thương mại ở khu vưc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Oasinton khi Mỹ đã rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương gần như vào phút chót, bất chấp nỗ lực của các bên tham gia.

Cùng đó, là ứng xử có phần thất thường của người đứng đầu Nhà Trắng – ông Donald Trump – trong các mối quan hệ quốc tế. Đùng đùng bỏ về khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều tổ chức tại Hà Nội không đạt kết quả, nhưng ông Trump luôn miệng nói ông có “quan hệ rất tốt với ông Kim Jong Un”. Giữa lúc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung cao trào, gặp ông Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vừa qua, ông Trump lại hoan hỉ rằng, ông và ông Tập đã trở thành những người bạn, ngược hẳn với các cuộc đấu khẩu căng thẳng vừa qua giữa hai bên.

Ngoại giao có những trường hợp chỉ là xã giao. Nhưng, trong chừng mực nhất định, ứng xử thiếu nhất quán của ông Trump khiến nhiều người đặt câu hỏi: để biển Đông lặng sóng, ASEAN có hoang tưởng không khi gửi niềm tin và hy vọng vào nước Mỹ tận bên kia bán cầu ?Rằng: trong các tình huống cụ thể, người Mỹ vốn thực dụng, cũng như các đồng minh phương Tây khác, có sẵn sàng chấp nhận rủi ro đối đầu với những hành vi côn đồ của Trung Quốc ?

Cả ông Duterte – tổng thống Philippines – cũng nghi ngờ. Ông Duterte cho rằng Mỹ đã không làm gì ngay cả khi họ biết kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Gần đây, ông Duterte còn “khích tướng”, thách Mỹ và các nước châu Âu tham gia cùng Philippines trong việc phản đối các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Phó Đô đốc Hải quân Australia, ông Michael Noonan cũng cho rằng, sự xuất hiện của một vài tàu chiến của nước này (Australia), và của Mỹ, cũng không chắc đã mang lại nhiều niềm tin cho các quốc gia ASEAN khi đặt trong tương quan với Hải quân Trung Quốc.

Ông Michael Noonan nhấn mạnh: nếu Mỹ, các nước phương Tây, Australia muốn xây dựng uy tín thực sự với các quốc gia Đông Nam Á trong nỗ lực cân bằng sức mạnh tập thể với Trung Quốc ở Biển Đông thì cần thể hiện năng lực nhiều hơn là lặp lại những lời hứa mơ hồ.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc Mỹ, các nước phương Tây cũng như Australia đối với việc thể hiện và khẳng định rõ ràng hơnsự sẵn sàng chấp nhận rủi ro chống lại sự hung hăng của Trung Quốc để tạo niềm tin cho các quốc gia ASEAN.

Nói cách khác, để biển Đông lặng sóng, Mỹ, các nước phương Tây và Australia cần hành động cụ thể, chứ không chỉ dừng lại ở “vẫy cờ” báo hiệu sự hiện diện quân sự.

http://biendong.net/dam-luan/29141-bien-dong-can-hanh-dong-cu-the-chu-khong-chi-vay-co.html

 

880 triệu USD/năm và hơn thế:

Biển Đông oằn mình hứng chịu

thiệt hại “khủng khiếp” do các hoạt động của TQ

Chuyên gia Philippines cho biết mức thiệt hại thực sự mà Trung Quốc gây ra đối với hệ sinh thái trên Biển Đông có thể còn “choáng váng” hơn con số 880 triệu USD/năm.

Hoạt động đánh bắt ồ ạt của đội tàu cá Trung Quốc gây thiệt hại tới hệ sinh thái biển. Ảnh minh họa: Reuters.

Đội tàu cá khổng lồ và các hoạt động bồi đắp trái phép trên Biển Đông của Trung Quốc gây thiệt hại ít nhất 880 triệu USD mỗi năm đối với hệ sinh thái tại các rặng san hô ở vùng biển này, Straits Times dẫn lời các chuyên gia Philippines.

“Con số ước tính bao gồm tất cả những giá trị mà rặng san hô đem lại cho chúng ta, như việc điều hòa khí hậu, và những lợi ích mà chúng ta nhận được từ hệ sinh thái”, Tiến sĩ Deo Florence Onda, một nhà khoa học tại Viện Hải dương học, thuộc trường Đại học Philippines, cho hay.

Tiến sĩ Onda còn nói thêm rằng mặc dù con số trên khá “khủng khiếp”, nhưng đó mới chỉ là ước tính có phần “dè dặt” ban đầu. Mức thiệt hại thực sự có thể còn choáng váng hơn thế.

Vị tiến sĩ này cùng 73 nhà sinh vật học – hải dương học và các chuyên gia đã thực hiện chuyến thám hiểm khảo sát dài 2 tuần tại Biển Đông hồi tháng 4 vừa qua nhằm kiểm tra tình trạng hệ sinh thái biển tại khu vực Philippines coi là một phần thuộc “vùng đặc quyền kinh tế” của nước này.

Ông Onda cho biết nhóm nghiên cứu của mình đã dựa trên công thức của một công ty thông tin Hà Lan, và đặt mức tham số cơ bản là 353.429 USD/ha/năm đối với các rặng san hô bị hư hại vì các hoạt động nhân tạo trên biển.

Các hình ảnh từ vệ tinh cho thấy có ít nhất 1.850 ha rặng san hô bị hư hại xung quanh đảo Thị Tứ hiện do Philippines kiểm soát trái phép, và một số nơi khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Chuyên gia về luật hàng hải Jay Batongbacal cho biết, mức thiệt hại vừa được các nhà khoa học Philippines công bố vẫn chưa bao gồm các khu vực nằm ngoài phạm vi của vệ tinh.

Cũng theo lời ông Batongbacal, Trung Quốc là quốc gia gây ra nhiều thiệt hại nhất, do việc khai thác hàng loạt sò tai tượng và san hô, cũng như các hoạt động bồi đắp đảo trái phép trên Biển Đông.

Đến nay, Trung Quốc đã bồi đắp trái phép 7 đảo nhân tạo từ các bãi đá ở quần đảo Trường Sa. Đồng thời, nước này còn xây dựng các đường băng, hệ thống radar, triển khai các loại pháo, tên lửa và vũ khí khác lên các đảo nhân tạo phi pháp này.

Theo lời các chuyên gia, để bồi đắp được 1.300 ha đảo nhân tạo trái phép trên, Trung Quốc đã phải tiến hành nạo cát và đá tại Biển Đông.

“Chúng tôi [Philippines] không hề đùa khi nói rằng nếu như chúng tôi không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc hoạt động trên vùng biển của chúng tôi, thì rất có thể họ sẽ vét cạn nguồn tài nguyên biển của chúng tôi chỉ trong vòng vài năm tới”, Giáo sư Batongbacal nói.

Ông này nói thêm: “Ở khu vực bãi cạn Scarborough, họ thậm chí còn tự tay hủy hoại bãi đá. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, thì chỉ trong vòng 5 năm tới, bãi cạn sẽ bị xóa sổ hoàn toàn”.

Chính sách gây tranh cãi của Philippines

Tổng thống Philippines được cho là có những chính sách gây tranh cãi về vấn đề đánh bắt cá trên Biển Đông, khi ông này có những hành động mềm mỏng với Trung Quốc nhằm nhận được sự ủng hộ của phía Bắc Kinh.

Những tranh cãi về quyền lợi của Philippines trong vùng biển tranh chấp trên Biển Đông ngày càng nóng hơn kể từ sau vụ một tàu đánh cá của nước này bị tàu Trung Quốc đâm chìm và bỏ rơi hồi tháng trước. Việc ông Duterte tuyên bố vụ việc là “tai nạn đơn thuần trên biển” cũng gây tranh cãi trong dư luận nước này.

Trong tuyên bố được đưa ra hôm 3/7 vừa qua, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo, đã tái khẳng định rằng Tổng thống Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có “thỏa thuận miệng”, cho phép tàu cá Trung Quốc được đánh bắt trong vùng biển của Philippines.

Tuy nhiên, cùng ngày hôm đó, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã trực tiếp phản bác phát ngôn của ông Panelo và nói rằng ông không biết đến sự tồn tại của “thỏa thuận miệng” nói trên.

http://biendong.net/bi-n-nong/29156-880-trieu-usd-nam-va-hon-the-bien-dong-oan-minh-hung-chiu-thiet-hai-khung-khiep-do-cac-hoat-dong-cua-tq.html

 

Phóng “sát thủ diệt tàu sân bay” DF-21D

trên Biển Đông, TQ cảnh báo Mỹ điều gì?

Giới phân tích nhận định, vụ phóng thử tên lửa đạn đạo chống hạm mà có thể là DF-21D của Trung Quốc trên Biển Đông cuối tuần qua là hành động phô trương sức mạnh quân sự cũng như tăng ưu thế mặc cả của Bắc Kinh trước các vòng đàm phán sắp tới với Mỹ.

Giới chuyên gia nhận định, khả năng Trung Quốc phóng thử “sát thủ diệt tàu sân bay” DF-21D trên Biển Đông hồi cuối tuần qua.

“Sát thủ diệt tàu sân bay” DF-21D được cho là loại tên lửa mà Trung Quốc phóng thử nghiệm trên Biển Đông hồi tuần qua. Hành động của Trung Quốc được xem là đòn “dằn mặt” Mỹ trước khi hai nước chuẩn bị tiến hành các cuộc đàm phán làm hạ nhiệt tình hình căng thẳng trong thời gian qua.

“Khi bạn chuẩn bị ngồi vào bàn đàm phán, cái bạn cần là có thêm những lá bài trong tay và đây là chiến thuật để giành được điều đó”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời chuyên gia quân sự tại Thượng Hải, ông Ni Lexiong.

Vào ngày 2/7, Lầu Năm Góc cho hay Trung Quốc đã cho phóng loạt tên lửa trên Biển Đông . Hành động của quân đội Trung Quốc đã “làm xáo trộn” tình hình và trái với cam kết của Bắc Kinh về việc không quân sự hóa trong khu vực.

Reuters dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dave Eastburn nhấn mạnh, “Dĩ nhiên, Lầu Năm Góc biết được việc Trung Quốc phóng tên lửa từ đảo nhân tạo ở Biển Đông và gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam)”.

“Tuyên bố của tôi không đại diện cho bất cứ quốc gia nào có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Nhưng chúng tôi chắc chắn một điều là hành động của Trung Quốc đã đi ngược lại với lời cam kết duy trì nền hòa bình trong khu vực và dĩ nhiên hành động này mang tính bắt nạt các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông ”, ông Eastburn nói.

Trước đó, chính phủ Trung Quốc thông báo quân đội nước này đang tiến hành các cuộc tập trận ở khu vực nằm giữa quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Cuộc tập trận kéo dài 5 ngày của quân đội Trung Quốc từ ngày 29/6 – 3/7. Ngoài ra, hoạt động đi lại của các tàu thuyền trong khu vực quân đội Trung Quốc tập trận đều bị phong tỏa. Tuy nhiên, thông báo từ chính phủ Trung Quốc lại không nhắc tới các vụ phóng thử tên lửa trên Biển Đông.

SCMP cho hay, Lầu Năm Góc chưa lên tiếng công bố chính xác loại tên lửa mà Trung Quốc đã phóng thử trên Biển Đông hồi tuần qua.

Song theo giới quan sát, khả năng tên lửa Trung Quốc phóng ở Biển Đông là DF-21D. Đây là tên lửa được mệnh danh là “sát thủ diệt tàu sân bay” với tầm bắn 1.500 km và lần đầu tiên được Trung Quốc công khai vào năm 2015.

Nếu nhận định của giới quan sát đúng sự thật, đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc cho phóng thử tên lửa DF-21D ở Biển Đông, khu vực mà lâu nay Bắc Kinh ngang nhiên tăng cường cải tạo, xây dựng hàng loạt hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Bắc Kinh còn tiến hành quân sự hóa Biển Đông bằng cách triển khai vũ khí ra một số đảo nhân tạo.

Đáp trả, Mỹ tuyên bố tiếp tục điều tàu thuyền tới Biển Đông để tiến hành hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến biển chiến lược bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc.

Theo ông Ni, Trung Quốc đang cảm thấy áp lực từ Mỹ ngày càng lớn không chỉ ở lĩnh vực kinh tế liên quan tới cuộc chiến thương mại và công nghệ mà còn từ sự ủng hộ của Washington đối với vấn đề Đài Loan và Hong Kong.

“Yếu tố hỗ trợ tối đa cho nỗ lực ngoại giao chính là sức mạnh quân sự. Trong trường hợp của Mỹ, họ có tới 11 nhóm tác chiến tàu sân bay. Nhưng tên lửa DF-21D của Trung Quốc lại có thể trở thành mối đe dọa đối với tàu sân bay Mỹ”, ông Ni cho hay.

Điều đáng nói, vụ phóng thử tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc hồi cuối tuần qua trùng với thời điểm diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Osaka của Nhật Bản.

Tại sự kiện này, hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung đã đồng thuận nối lại các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai nước kéo dài suốt một năm qua cũng như dừng tăng thêm thuế đối với các mặt hàng xuất khẩu của nhau.

Chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh Zhou Chenming cho rằng, Trung Quốc luôn tuyên bố các cuộc tập trận đã được lên lịch sẵn và không nhằm vào bất cứ đối thủ cụ thể nào nhưng rõ ràng, tuyên bố từ Lầu Năm Góc lại cho thấy Mỹ cũng đang cảm thấy bị áp lực.

Theo ông Zhou, những bình luận được Mỹ đưa ra sau khi Trung Quốc phóng thử tên lửa đạn đạo chống hạm ở Biển Đông được xem là một phần lý do khiến chính quyền tỉnh Hải Nam cho gỡ bỏ lệnh phong tỏa biển sớm hơn so với kế hoạch.

Cụ thể, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam ban đầu thông báo phong tỏa khu vực quân đội Trung Quốc tiến hành tập trận từ sáng sớm ngày 29/6 tới đêm ngày 3/7, nhưng lệnh cấm này đã được gỡ bỏ vào ngày 2/7.

“Trung Quốc chắc chắn không muốn khiêu khích Mỹ”, ông Zhou kết luận.

Thông tin Trung Quốc tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo chống hạm ở Biển Đông được NBC News đăng tải đầu tiên.

Giới chức Mỹ cũng cho hay các tàu chiến Mỹ có mặt trên Biển Đông không hoạt động gần khu vực Trung Quốc phóng thử tên lửa chống hạm hồi cuối tuần qua, nên không gặp nguy hiểm.

http://biendong.net/bi-n-nong/29155-phong-sat-thu-diet-tau-san-bay-df-21d-tren-bien-dong-tq-canh-bao-my-dieu-gi.html

 

Kẻ thù lớn của Trung Quốc ở Biển Đông:

Rỉ sét và thời tiết khắc nghiệt

Trọng Nghĩa

Trung Quốc đang đau đầu vì các cơ sở và vũ khí mà nước này đang có trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông càng ngày càng bị các điều kiện thời tiết làm hư hại. Để bảo đảm cho các phương tiện đó có thể sử dụng được, Bắc Kinh đã phải cho nghiên cứu để tìm ra các loại chất phủ có khả năng bảo vệ vũ khí và cơ sở hạ tầng mà họ đã xây dựng và triển khai ở trên các thực thể ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Tình trạng trên đây vừa được nhật báo Hồng Kông South China Morning Post (SCMP) tiết lộ trong bài viết ngày 01/07/2019, mang tựa đề « Liệu một lớp phủ bằng chất liệu mới graphene có thể giúp quân đội Trung Quốc khỏi bị rỉ sét dần ở Biển Đông hay không ? Can a new graphene coating save the Chinese military from rusting away in the South China Sea? ».

Theo tờ báo Hồng Kông, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang tìm cách chế tạo ra một chất chống bào mòn mới để bảo vệ vũ khí và công trình xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông đang có tranh chấp. Những điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã khiến cho súng ống và dinh thự bị ăn mòn nhanh hơn dự liệu của giới chuyên gia.

“Một khẩu pháo đã bị rỉ sét chỉ sau ba tháng sử dụng”

Các thông tin trên dĩ nhiên không được chính quyền Trung Quốc loan báo công khai, nhưng hai nhà nghiên cứu tham gia vào dự án đã đồng ý tiết lộ một số khía cạnh cho tờ SCMP nhưng xin được giấu tên do tính chất nhậy cảm của vấn đề.

Một nhà nghiên cứu đã nêu bật tính chất nghiêm trọng của tình hình khi nêu ra một ví dụ cụ thể : “Một khẩu pháo đã bị đưa ra khỏi biên chế chỉ sau vỏn vẹn 3 tháng phục vụ do vấn đề rỉ sét”.

Và không chỉ có vũ khí gặp vấn đề. Các hệ thống radar và phóng tên lửa, tường chắn cho hải cảng, hạ tầng cơ sở và phi đạo cho sân bay, các loại đường ống, thậm chí cả phần nền trên đó các đảo nhân tạo được xây dựng, tất cả đều có nguy cơ bị hủy hoại nhanh chóng.

Để bảo vệ những tài sản giá trị đó, Quân Đội Trung Quốc đã có kế hoạch phủ một lớp bảo vệ bằng chất graphene trên các loại vũ khí và cơ sở hạ tầng. Graphene là vật liệu mới chỉ được các nhà nghiên cứu Đại học Anh Quốc Manchester phát triển từ năm 2004, cực mỏng nhưng lại cứng hơn thép đến 100 lần.

Theo một nhà nghiên cứu thứ hai, một viện nghiên cứu quân sự ở Thượng Hải đang cho thử nghiệm lần cuối cùng lớp phủ graphene này trước khi đưa vào sử dụng.

Nhà nghiên cứu này tỏ ra rất tin tưởng, cho rằng mặc dù chưa được phép dùng trong lãnh vực quân sự, nhưng chất phủ đã được ứng dụng trong các lĩnh vực dân sự và đã tỏ ra “cực kỷ hữu dụng” trong ngành công nghiệp hóa chất, khi được dùng để bảo vệ các ống dẫn dầu khí khỏi bị acid, áp suất hay sức nóng cao bào mòn.

Theo nhà nghiên cứu này thì các thách thức nêu trên còn dữ dội hơn nhiều so với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Biển Đông. Nhân vật này tiết lộ : “Dây chuyền sản xuất của chúng tôi đang hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu… Các phiên bản lớp phủ tương lai sẽ được sử dụng trên chiến đấu cơ và tàu sân bay, và sẽ tăng cường khả năng tàng hình của các phương tiện này”.

“Các cấu trúc bê tông bắt đầu bị rã sau chưa đầy 3 năm”

Trong một bản báo cáo (*) công bố trên tạp chí công nghệ quốc phòng Trung Quốc Defence Technology Review, giáo sư Hồ Kì Cao (Hu Qigao) thuộc Đại Học Công Nghệ Quốc Phòng Trung Quốc ở Hồ Nam, đã nêu bật các vấn đề mà đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông đang gặp phải.

Theo chuyên gia này, vì Trung Quốc quá vội vàng trong việc bồi đắp, xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông (cụ thể là ở Trường Sa) trong giai đoạn 2013-2015, cho nên đầy rẫy vấn đề đã nẩy sinh.

Bản báo cáo ghi rõ: “Vì những lý do lịch sử, nước ta (tức là Trung Quốc) đã không nghiên cứu đầy đủ môi trường tự nhiên ở Biển Đông cũng như tác động của môi trường trên các cấu trúc kỹ thuật được xây dựng. Việc thiết kế và xây dựng các đảo đá đã được tiến hành theo lịch trình gò bó mà không có được những đánh giá khoa học sâu sát, dài hạn”.

Theo ông Hồ Kì Cao, các nhân tố tác hại bao gồm nhiệt độ, độ ẩm cao, sương mù, nồng độ muối trong không khí và bức xạ nhiệt lớn. Tốc độ hao mòn của các trang thiết bị và vật liệu đưa ra Biển Đông khiến Quân Đội Trung Quốc phải ngạc nhiên.

Trong bản báo cáo, ông viết: “Các cấu trúc bê tông bắt đầu bị rã ra sau chưa đầy 3 năm, và các trang thiết bị bằng kim loại ngừng vận hành sau khoảng 1 năm do bị ăn mòn”.

Những vấn đề trên đã gây ra lo ngại về an toàn và về khả năng các cơ sở của Trung Quốc đứng vững được trước những thảm họa tự nhiên như bão và sóng thần.

« Sự ăn mòn nhanh chóng không chỉ tác động nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của các cấu trúc kỹ thuật và cơ sở hạ tầng, mà còn làm gia tăng đáng kể chi phí vận hành và bảo trì. »

Rỉ sét vũ khí và trang thiết bị là vấn đề lớn đối với quân đội các nước. Một báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2018 đã ước tính là tình trạng ăn mòn trên chiến đấu cơ, chiến hạm, tên lửa và vũ khí hạt nhân đã khiến Mỹ tiêu tốn khoảng 21 tỉ đô la mỗi năm.

Quân Đội Trung Quốc không công bố những số liệu liên quan, song Viện Khoa Học Trung Quốc vào năm 2017 từng xác định rằng hiện tượng ăn mòn đã khiến Trung Quốc mất khoảng 300 tỉ đô la vào năm 2014, tương đương với 3% GDP.

Ngay cả chất liệu mới graphene cũng có vấn đề

Để khắc phục, các nhà khoa học Trung Quốc đã cầu viện đến chất graphene. Tuy nhiên, theo SCMP, lớp phủ có chứa graphene mà Trung Quốc đang thử nghiệm không phải là không có vấn đề.

Theo giáo sư Trương Lỗi (Zhang Lei), thuộc Đại học Khoa Học Công Nghệ Bắc Kinh, ngay cả chất graphene cũng hàm chứa vấn đề riêng. Graphene thuần chất là một chất dẫn điện tốt, cho nên bất kỳ vết rạn nứt nào trên bề mặt lớp phủ có thể làm gia tăng tốc độ ăn mòn vật chất do dòng điện. Graphene cần phải được kết hợp với các vật liệu khác để làm giảm tính dẫn diện của nó, và việc tìm ra vật liệu phù hợp hoàn toàn không dễ dàng

Còn giáo sư Thôi Cam (Cui Gan) tại Đại Học Dầu Khí Trung Quốc, chuyên nghiên cứu các vật liệu bảo vệ sử dụng chất graphene, cho biết việc sản xuất hàng loạt các tấm carbon mỏng có thể gặp khó khăn bởi các tấm này khó tách rời khỏi nhau.

Dù vậy, theo ông Thôi Cam, các vấn đề như trên có thể được xử lý trong các phòng thí nghiệm đang nghiên cứu vật liệu graphene và đó chính là « loại vật liệu của hy vọng ».

(*) « Nghiên cứu về tác động môi trường biển đối với việc bảo trì cấu trúc rạn san hô – Research on the marine environmental impact on reef structures maintenance » – Tạp chí Khoa học & Công Nghệ Quốc Phòng, số 3 năm 2018.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190705-ke%CC%89-thu%CC%80-ba%CC%81t-ngo%CC%80-cu%CC%89a-trung-quo%CC%81c-o%CC%89-bie%CC%89n-dong-ri%CC%89-se%CC%81t-vi%CC%80-tro%CC%80i-kha%CC%81c-nghiet