Việt Nam có thể có một Joshua Wong hay không?
Khi sự kiện biểu tình mới đây của Hong Kong gây chấn động toàn thế giới, bắt đầu có những bàn tán ở Việt Nam rằng chúng ta có thể có một Joshua Wong hay không.
Trong quá trình phỏng vấn các nhân vật, điều mà tôi nhận thấy là tiếng nói của giới trẻ Việt Nam dường như chưa được đánh giá đúng mức, bởi ‘người lớn’.
Joshua nói anh nhớ tới lời dạy của Thánh Paul trong Kinh Thánh: “Đừng để ai coi thường anh vì anh còn trẻ”.
Vì thấm nhuần bài học ấy mà Joshua Wong không từ bỏ lý tưởng từ khi còn là học sinh lớp Tám, khi kiên quyết đứng lên phản đối việc Trung Quốc đưa chương trình sách giáo khoa ‘tẩy não’ vào trường học ở Hong Kong.
“Tôi biết tôi chẳng thể nào ngồi yên không làm gì cả… Chính lúc ấy tôi thành lập tổ chức học sinh tên Học dân tư triều với nhóm nhỏ học sinh trung học để bảo vệ tư duy tự do và độc lập trong lớp học qua những cuộc biểu tình và các cách phản kháng ở cơ sở.”
Có phải cũng chính vì thấm nhuần tư tưởng trong bài giảng của Thánh Paul mà những bạn trẻ Việt Nam tôi phỏng vấn đã kiên quyết dấn thân kể cả khi không có nhiều hậu thuẫn?
“Mỗi người có thể là một Joshua Wong”
Ở tuổi 21 tuổi, Cát Linh sở hữu một Fan Page với gần 70.000 followers, nơi cô thường xuyên đăng quan điểm cá nhân về các vấn đề luật pháp, chính trị, xã hội. Cô cũng phổ biến kiến thức về Hiến pháp Việt Nam.
Cát Linh kể lại rằng cô không nhận được sự ủng hộ từ gia đình, bạn bè, hay nhà trường, cho những việc mình làm.
Hong Kong: Giới trẻ cấp tiến hết sợ hơi cay
4 điều cần biết về biểu tình ở Hong Kong
Cô gái ngồi thiền: Biểu tượng biểu tình ở Hong Kong
“Họ luôn phản đối tôi, nếu không thì cũng không quan tâm gì. Thậm chí việc nhỏ nhất như like một bài viết của tôi, hay để một comment bên dưới, họ cũng không bao giờ làm.”
Sự trưởng thành trong nhận thức và kiến thức pháp luật, chính trị xã hội của Cát Linh hiện nay bắt nguồn từ việc mà như cô nói “bước ra đời, chứng kiến sự đau khổ của người khác và những vấn đề nhức nhối trong xã hội, đồng thời gặp được những người chia sẻ kỹ năng và kiến thức mà họ có.”
“Ngoài ra tôi rất tôn trọng sự thật, ghét sự giả dối, nên khi nhìn thấy bất công thì không thể chịu đựng nổi. Tôi không cần biết chế độ của ta là độc tài hay cái gì, nhưng chỉ cần các vị bất công với người dân thì các vị cần phải thay đổi.”
Khi được hỏi bạn bè đồng trang lứa có nhiều người cùng chí hướng như cô hay không, Cát Linh nói ‘dường như hiếm’.
“Thực sự tôi không quen nhiều người giống như tôi, ở độ tuổi như tôi hoặc trẻ hơn. Một số người tôi biết thì đang ngồi trong tù như Trần Hoàng Phúc, hay Nguyễn Văn Hóa, họ còn rất trẻ.”
Cát Linh không mấy lạc quan về một ‘Joshua Wong của Việt Nam’ trong tương lai gần, nhưng nếu học quan tâm tới thời cuộc từ bây giờ thì điều đó là có thể.
“Cuộc biểu tình mới đây giới trẻ Hong Kong không có một người lãnh đạo cụ thể. Ngay cả Joshua Wong cũng chỉ là một nhân vật mang tính biểu tượng. Nghĩa là giới trẻ Hong Kong chứng minh được họ là những thủ lĩnh độc lập.”
“Tại sao tất cả chúng ta không phải là thủ lĩnh của chính mình mà phải chờ đợi một cá nhân nào đó. Và nếu không có ai đó xuất hiện thì chúng ta nản chí. Mỗi người đều có thể trở thành một Joshua Wong của chính mình.”
“Do thiếu nền tảng giáo dục trong gia đình và nhà trường nên giới trẻ không nhận thức được việc cần quan tâm đến những vấn đề xung quanh. Nếu các bạn trẻ trang bị kiến thức về quyền công dân theo đúng hiến định và thể hiện được các quyền ấy thì đã có thể trở thành một thủ lĩnh độc lập rồi, chứ không cần ai dẫn dắt mình cả.”
“Ví dụ khi hiểu hơn về hiến pháp liên quan đến những vấn đề mà mình va chạm hàng ngày thì chúng ta đã cứng rắn hơn trong các kiến thức luật pháp. Như thế thì chính quyền buộc phải lắng nghe các công dân như chúng ta.”
“Chúng ta không so sánh được với Hong Kong, nhưng muốn được xuống đường như họ, và muốn người ta bảo vệ quyền của mình, thì chúng ta phải thể hiện quyền của mình trong những việc nhỏ nhất, bình thường nhất. Từng bước từng bước một. Trước hết, có thể thực hiện quyền bày tỏ chính kiến, quyền khiếu nại, khiếu kiện, giám sát của công dân. Lên Facebook là một cách. Sau đó, mới ép dần bộ máy chính quyền đi vào chuẩn mực của hiến pháp và luật pháp.”
Bản thân Cát Linh nói cô chỉ biết làm hết sức mình như hiện nay, hi vọng lan tỏa được đến nhiều người và ảnh hưởng đến nhận thức của các bạn trẻ khác.
“Ví dụ hiện nay Trung Quốc vẫn đang tìm cách đánh phá các tàu cá của chúng ta trên Biển Đông. Đây là một hình thức vi phạm chủ quyền, có lẽ nó không diễn ra trên đất liền nên người dân chưa cảm nhận được. Nó cũng là một hiện trạng đau lòng và nguy hiểm, nên chúng ta không cần phải đợi sự kiện lớn nào xảy ra cả, mà chúng ta cần chuẩn bị ngay từ bây giờ cho các sự kiện như thế. Vì với những vấn đề nhò thì vẫn cần có trách nhiệm xã hội cơ mà?”
“Muốn thế, ngay từ bây giờ chúng ta cần chuẩn bị kiến thức luật pháp để nhận thức đúng trách nhiệm của mình đối với xã hội. Chúng ta cần phải có tinh thần chung sống và tinh thần cộng đồng, phải hạ thấp chủ nghĩa cá nhân và cái tôi quá lớn.”
“Tôi mong muốn các bạn nhìn rộng ra một chút. Hiện nay chúng ta có internet nên có thể tìm hiểu tiếng nói của lề trái, lề phải, của thế giới, để từ đó có cái nhìn của riêng mình. Cái nhìn đó chắc chắn sẽ có ích cho bản thân bạn và xã hội.”
“Bắt đầu từ giáo dục trong gia đình”
Trong khi đó, với Thùy Dương, người trở nên nổi tiếng sau phát ngôn mạnh mẽ và cú ném dép vào đoàn đại biểu quốc hội tiếp xúc với cử tri quận 2, TP Hồ Chí Minh năm 2017, liên quan đến vấn đề đất đai Thủ Thiêm, “nếu mỗi bậc phụ huynh giáo sẵn sàng từ bây giờ thì ‘vẫn còn kịp’ để có một thế hệ con cái như Joshua Wong”.
Chia sẻ với BBC, Thùy Dương nói khi mới đôi mươi, độ tuổi của Joshua Wong bây giờ, cô du học ở Singapore. Khi đó các ý kiến của cô – nay được ủng hộ rầm rộ trên mạng xã hội – lúc đó bị hầu hết bạn bè nhận xét là ‘điên khùng’.
Cô cũng không nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Hiện nay mẹ Dương là người phản đối và ‘gây cản trở nhiều nhất’ khi cô trở thành gương mặt gây ảnh hưởng trên Facebook với hàng chục ngàn người theo dõi.
Nhưng Dương cảm thông với điều đó vì cô cho rằng, thế hệ bố mẹ cô đã trải qua nghèo đói, ít học, khiến họ sợ hãi.
“Đừng vội so sánh thanh niên Việt Nam với Joshua Wong. Cậu ấy có thể thuyết phục được các học sinh đồng trang lứa hay các anh chị lớn hơn một chút là điều dễ hiểu. Cậu ấy được sự ủng hộ của gần như toàn bộ dân Hong Kong, đồng nghĩa với tầng lớp trí thức, chính trị gia, doanh nghiệp, tất cả phụ huynh…”
“Họ tôn trọng quyết định đấu tranh đòi quyền được bảo vệ mình của thế hệ trẻ. Rõ ràng mỗi gia đình của chúng ta đều có ít nhất một hay nhiều Joshua Wong. Chỉ có điều chúng ta không đủ cảm thông, không đủ chia sẻ, không đủ kiên nhẫn để Joshua Wong đó đứng vững trên đôi chân của chúng.”
“Rất nhiều bạn trẻ Việt Nam tới khi lập gia đình, có con cái, vẫn được bố mẹ bao bọc. Điều này tạo ra một thế hệ chỉ biết hưởng thụ. Hơn nữa, các bậc cha mẹ Việt Nam có thể đi chùa, đi đền, cúi đầu thành kính trước một vị anh hùng nào đó trong quá khứ. Nhưng chính họ lại không sẵn sàng để con mình trở thành một anh hùng… Nhưng họ có thể thay đổi ngay từ bây giờ việc giáo dục trong gia đình.”
Ngay bản thân Dương, khi đăng đàn phát biểu công khai về những vấn đề bức xúc trong xã hội, cô nói đó là do cô ‘không cho phép mình trở thành lá chắn che mất thế giới thật của con trẻ”.
“Trong thời đại này, chúng ta có cơ hội được học hỏi qua internet và thừa hưởng các thành tự của một nền khoa học phát triển.”
“Chúng ta có trách nhiệm ươm mầm cho con trẻ chứ đừng trông chờ vào hệ thống giáo dục hiện nay của Việt Nam. Hãy dạy dỗ cho trẻ lớn lên trong tình yêu thương thay vì thù hận. Bởi khi có yêu thương tự chúng sẽ biết đau lòng cho đồng loại, phẫn uất trước những bất công.”
“Chúng ta có được Joshua Wong của mình hay không? Câu trả lời dành cho các bậc phụ mẫu hôm nay,” Thùy Dương nói.