Việt Nam ‘nên cải tổ nền kinh tế’ để tạo lòng tin với Mỹ

Cac Bai Khac

No sub-categories

Việt Nam ‘nên cải tổ nền kinh tế’ để tạo lòng tin với Mỹ

28/06/2019

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại G20 ở Osaka, Nhật, ngày 28/6/2019. Photo: Chụp từ VTV1
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại G20 ở Osaka, Nhật, ngày 28/6/2019. Photo: Chụp từ VTV1

Các chuyên gia kinh tế nói với VOA rằng Việt Nam cần khẩn trương giảm thặng dư mậu dịch với Mỹ, công bố sách trắng về xuất khẩu, và quan trọng nhất là chặn đứng ngay việc một số hãng xuất hàng sản xuất từ Trung Quốc dán mác Việt Nam để củng cố lòng tin từ phía Hoa Kỳ sau tuyên bố chỉ trích Việt Nam của Tổng Thống Donald Trump hôm 26/6.

Tiến sĩ kinh tế Phạm Đỗ Chí ở bang Florida nói:

“Các hãng sản xuất Việt Nam xuất hàng sang Mỹ thì không sao, nhưng hàng Trung Quốc chuyển sang Việt Nam như công ty Asanzo rồi sang Mỹ thì họ không đồng ý. Mỹ đã biết chuyện Asanzo từ mấy tháng rồi, mà Việt Nam mới khám phá ra thôi. Việt Nam phải chặn và kiểm soát gắt gao những chuyện tương tự như Asanzo, mà theo tôi biết có cả chục hãng đã làm như vậy.

“Họ có danh sách hết cả vì văn phòng thương mại Hoa Kỳ đã điều tra và đã lập danh sách về Việt Nam.”

Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí nói thêm rằng để phản ứng lại chỉ trích của Tổng thống Trump, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn một sách trắng (white book) về số lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam trong 5 năm qua, trong đó giải thích rõ tính cách gia công trong các hàng xuất cảng điện tử chẳng hạn, thí dụ rõ nhất là điện thoại Samsung, giá trị gia tăng của Việt Nam chỉ là 5-10%. Qua đó sẽ cho thấy giá trị thực hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ thấp hơn con số đã công bố nhiều.

“Điểm này rất ít các chuyên viên bên Mỹ biết đến, đừng nói gì là nhà chính trị như ông Trump,” theo lý giải của ông Phạm Đỗ Chí gửi cho VOA qua email tối ngày 26/6.

“Việt Nam nên sẵn sàng với các tài liệu này khi đàm phán chính thức với Mỹ về các biện pháp làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam,” ông Chí viết thêm.

Ngoài ra, Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí đề xuất:

Việt Nam nên tuyên bố có chương trình cụ thể nhập cảng thêm một số hàng hoá của Mỹ để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam: Mua máy bay Boeing cho các hãng hàng không mới lập, nhất là nhấn mạnh cho việc sửa soạn lập đường bay thẳng sang Mỹ; Mua thêm xe hơi Mỹ và giảm thuế nhập khẩu, mua sắm các dụng cụ y tế cao cấp của Mỹ…

Khuyến khích sinh viên sang du học và nghiên cứu sau đại học ở Mỹ, thay vào “lỗ hổng” của sinh viên Trung Quốc mà Mỹ đang chặn lại.

Việc làm thật sự để tránh một cuộc thương chiến mới do Mỹ đặt ra, là cải tổ nền kinh tế thị trường ở Việt Nam một cách thật sự và sâu rộng, nâng cao khu vực tư nhân , khuyến khích khởi nghiệp với công nghệ cao từ Mỹ, cải tổ hệ thống ngân hàng tư nhân,…

Nâng cao việc kiểm soát và tôn trọng sở hữu trí tuệ với Mỹ

Duyệt lại chính sách FDI một cách chọn lọc hơn, khuyến khích các hãng Hoa Kỳ có kết nối với việc phát triển công nghệ Việt Nam

Sau cùng và quan trọng nhất là chú trọng đến việc thiết lập chính sách đối tác chiến lược và toàn diện với Mỹ, là mục tiêu chính yếu của cuộc thăm viếng Mỹ đang chờ đợi của lãnh đạo Việt Nam trong vài tháng tới.

Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí nhận định: “Việt Nam đang ở vào thế vô cùng thuận lợi với Mỹ trong kế hoạch lưu thông hàng hải tự do ở Biển Đông, mà Mỹ và các đồng minh trong khối Ấn Độ-Thái Bình Dương đang muốn tăng cường thiết lập và bảo vệ. Việc này sẽ bảo vệ an ninh quân sự và chính trị của Việt Nam: mục tiêu mong mỏi bất chiến tự nhiên thành!”

Ông khuyên rằng đừng để mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam là chuyện nhỏ nhưng gây ảnh hưởng xấu đến chiến lược đối tác đang được mong đợi.

Tương tự như đề xuất của Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, Tiến sĩ Lê Minh Nguyên ở bang California khuyên rằng trong ngắn hạn Việt Nam nên mở thêm thị trường cho hàng hóa Mỹ và về dài hạn Việt Nam nên thay đổi cơ chế kinh tế:

“Phải mở thêm thị trường Việt Nam cho hàng hóa Mỹ, như xe hơi Mỹ chẳng hạn, thị trường tài chính tiền tệ, thanh toán điện tử…

“Muốn cải thiện sự đe dọa của Tổng thống Trump thì Việt Nam phải có một nền thương mại công bằng, ngưng trợ cấp tài chính cho các doanh nghiệp quốc doanh.

“Việt Nam phải làm sao đừng để cho Hoa Kỳ thấy rằng mình là bàn tay nối dài của Trung Quốc thông qua các công ty Trung Quốc hoạt động trá hình ở Việt Nam.”

Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa từ California đưa ra lời khuyên rằng để giải tỏa quan ngại của Mỹ thì phía Việt Nam nên để cho Mỹ đặt nhân sự tại các hải cảng của Việt Nam để kiểm tra các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam ngay từ gốc để đảm bảo rằng đó là những sản phẩm ‘Made in Vietnam’ theo tiêu chuẩn của Mỹ.

Ông cho biết Việt Nam và Mỹ ‘đang nói chuyện với nhau’ về cán cân thương mại và trong vụ việc này, ‘Việt Nam phải tỏ rõ thiện chí’.

“Tòa Đại sứ Việt Nam, tham tán thương mại của Việt Nam phải tìm cách liên lạc (với phía Mỹ) và giải thích,” ông nói. “Phải xác nhận là có trường hợp như thế và chúng tôi đang tìm cách kiểm soát.”

“Nguyên vật liệu nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc, sau đó lại xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ. Vậy tỷ trọng những sản phẩm ‘Made in Vietnam’ có bao nhiêu phần trăm là Việt Nam đóng góp,” ông nói và cho rằng Việt Nam phải làm rõ ràng vấn đề này với Mỹ.

Khi được hỏi khi Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu như hiện nay, thì tỷ trọng đóng góp của Việt Nam là bao nhiêu phần trăm trong hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ thì Mỹ sẽ chấp nhận được, ông Nghĩa dẫn ra hiệp định thương mại tự do mới vừa ký kết giữa Mỹ, Canada và Mexico quy định mức ‘70% sản phẩm xuất phát từ thị trường xuất khẩu’.

“Mỹ không muốn hai nước láng giềng của Mỹ mua hàng Trung Quốc rồi bán vào Mỹ với nhãn dán mác của Canada và Mexico,” ông giải thích.

Về thặng dư thương mại của Việt Nam đối với Mỹ, ông Nghĩa cho rằng ‘Việt Nam đạt được xuất siêu bao nhiêu với Hoa Kỳ thì nhập siêu bấy nhiêu với Trung Quốc’ và rằng ‘hiện tượng này đã kéo dài từ lâu’.

“Lãnh đạo Việt Nam phải giải thích rõ ràng là làm sao có thặng dư thương mại và có thể mua một số sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn để cân bằng mậu dịch,” ông khuyên.

Về lâu dài, ông khuyến cáo Việt Nam không nên đi theo con đường của Trung Quốc sản xuất ‘toàn hàng rẻ tiền’ hay tập trung vào đầu tư của Trung Quốc mà ông cho rằng ‘toàn dùng công nghệ tồi tệ, thiết bị lạc hậu’ mà phải chuyển sang sản xuất với trình độ công nghệ cao với sự đầu tư từ Nhật Bản để xuất khẩu các hàng hóa có giá trị cao hơn sang Mỹ và Tây Âu.

Trả lời câu hỏi tác động của việc Mỹ áp thuế cùng lúc với hàng tiêu dùng từ cả Trung Quốc và Việt Nam, ông Nghĩa cho rằng mặc dù người tiêu dùng Mỹ phải chịu giá hàng hóa đắt hơn ‘nhưng so với việc Việt Nam bị đánh thuế vì ăn gian thì cũng phải cân nhắc’.

“Không ai muốn chuyện này, nhưng khi nhìn thấy sự gian lận đó thì người ta (người tiêu dùng Mỹ) cũng phải chấp nhận,” ông nói thêm và cho biết ‘còn nhiều nơi sản xuất hàng rẻ tiền như thế chứ không phải chỉ Việt Nam, Trung Quốc không thôi’.

“Có thể (chính quyền Mỹ) đã suy nghĩ về chuyện đó (đánh thuế Việt Nam) rồi nên ông Trump mới nói.”

Ông Nghĩa cũng cho rằng hiệp định mậu dịch tự do mà Việt Nam sắp ký kết với Liên minh châu Âu ‘chưa giúp được’ cho Việt Nam bù trừ cho thiệt hại từ thị trường Mỹ nếu Việt Nam bị áp thuế.

“Lãnh đạo Việt Nam phải cho thấy rõ ràng họ quyết tâm ngăn chặn thì may ra còn có thể đỡ được,” ông nói. “Nếu không sẽ bị vạ lây.”

Theo VOAViet