Tin khắp nơi – 29/06/2019
Trump nói hiệp ước phòng thủ ‘bất công’
với Nhật Bản phải thay đổi
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Bảy cho biết ông đã nói với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rằng một hiệp ước an ninh hàng thập niên giữa hai nước phải thay đổi, nhắc lại chỉ trích của ông đối với hiệp ước này là không công bằng.
Ông Trump nói ông không định rút khỏi hiệp ước, vốn lâu nay được xem là rường cột cho sự ổn định ở Châu Á-Thái Bình Dương, nhưng nói nó đặt gánh nặng quá lớn lên Mỹ.
“Tôi nói với ông ấy rằng, chúng ta sẽ phải thay đổi nó,” ông Trump nói trong một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh hai ngày của Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới ở Nhật Bản.
“Tôi nói, nếu ai đó tấn công Nhật Bản, chúng tôi sẽ đáp trả toàn lực,” ông nói thêm. “Nếu có ai đó tấn công Mỹ, họ không phải tấn công lại. Như vậy là bất công.”
Hiệp ước, được kí kết sau khi Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến thứ hai, quy định Mỹ có nghĩa vụ phòng vệ Nhật Bản.
Đổi lại, Nhật Bản cung cấp các căn cứ quân sự mà Washington sử dụng để đưa sức mạnh của mình vào sâu ở Châu Á, bao gồm số lượng Thủy quân lục chiến Mỹ tập trung đông nhất ở Okinawa, và một nhóm hàng không mẫu hạm tấn công tại căn cứ hải quân Yokosuka gần Tokyo.
Việc chấm dứt hiệp ước an ninh này được nhiều người xem là sẽ làm tăng nguy cơ buộc Washington phải rút một phần lớn lực lượng quân sự khỏi Châu Á vào thời điểm sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang gia tăng.
Trump nói với Putin:
‘Làm ơn chớ can thiệp bầu cử’
Tổng thống Trump hôm 28/6, bằng một giọng khôi hài, đã yêu cầu Tổng thống Nga vui lòng chớ can thiệp vào bầu cử Mỹ, một động thái dường như ‘hạ nhiệt’ scandal Nga can thiệp bầu cử Mỹ vốn khơi mào cuộc điều tra về liên lạc giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với Điện Kremlin trong cuộc bầu cử năm 2016.
Một cuộc điều tra kéo dài 2 năm về chiến dịch gây ảnh hưởng do Moscow điều hành giúp vận động cho ông Trump đã phủ bóng lên nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump, khiến ông phẫn nộ. Ông Trump đã tuyên bố mong muốn có mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga.
Ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, phát biểu với các phóng viên tại Osaka, Nhật Bản, trước cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai vị lãnh đạo Mỹ-Nga kể từ cuộc họp thượng đỉnh gây tranh cãi tại Helsinki tháng 7 năm ngoái.
Được các phóng viên hỏi là liệu ông có nêu vấn đề Nga can thiệp bầu cử Mỹ trong cuộc họp Mỹ-Nga bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 hay không, ông Trump nói “Có, lẽ dĩ nhiên tôi sẽ hỏi” và ông Putin bật cười.
Ông Trump sau đó quay về phía ông Putin chỉ tay về phía nhà lãnh đạo Nga và nói “Làm ơn đừng can thiệp bầu cử.”
Những người chỉ trích ông Trump cáo buộc ông là quá thân thiện với ông Putin và chỉ trích ông là không công khai đối đầu nhà lãnh đạo Nga tại Helsinki sau khi các cơ quan tình báo Mỹ cáo buộc là các hoạt vụ Nga đã xâm nhập vào máy vi tính của đảng Dân chủ và sử dụng những tài khoản xã hội dân sự giả để tấn công đối thủ của ông Trump là bà Hillary Clinton thuộc đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.
Động thái của ông Trump ‘hạ nhiệt’ tình thế với ông Putin tại Osaka đã gây nên những phản ứng mạnh mẽ tại Mỹ
Mỹ có nên hạn chế nghiêm ngặt Huawei?
Một cuộc tranh luận vừa diễn ra tại một viện nghiên cứu hàng đầu ở Washington về việc liệu Mỹ có nên hạn chế nghiêm ngặt hoạt động kinh doanh của Huawei tại Mỹ hay không giữa những cáo buộc công ty công nghệ này của Trung Quốc có thể đề ra những nguy cơ nghiêm trọng về an ninh quốc gia.
Tổng thống Donald Trump hồi tháng 5 ra một sắc lệnh hành pháp cấm bán những sản phẩm của Huawei ở Mỹ, mở rộng những hạn chế mà ban đầu được áp dụng cho các cơ quan liên bang. Mỹ nói các thiết bị của Huawei có thể được sử dụng làm công cụ do thám cho chính phủ Trung Quốc.
Cuộc tranh luận tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) hôm 28/6 có sự tham gia của bốn cựu quan chức chính quyền, chuyên gia điều tra và chuyên gia công nghệ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh và thương mại. Họ được chia thành hai đội với lập trường ủng hộ và chống đối những hạn chế của Mỹ đối với Huawei.
Martijn Rasser, từng là điệp viên cao cấp tại Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), lập luận rằng những hạn chế này là “thỏa đáng và cần thiết.” Ông nói những mục tiêu địa chính trị của chính phủ Trung Quốc và những hoạt động thương mại của Huawei “gắn bó mật thiết với nhau.”
[10’19] “Bằng việc ủng hộ Huawei, Trung Quốc tìm cách nắm quyền kiểm soát rộng lớn đối với mạng lưới liên lạc không dây thế hệ tiếp theo được gọi là 5G,” ông nói. “5G sẽ tạo điều kiện cho những liên lạc quân sự tiên tiến, khả năng nhận thức tình huống, phương tiện tự hành, các thành phố thông minh, ‘internet vạn vật.’ 5G sẽ là xương sống của nền kinh tế internet toàn cầu. Nó là động lực của cuộc cách mạn công nghiệp kế tiếp.”
“Chúng ta không thể có một nước cạnh tranh địa chính trị, một cường quốc gần ngang tầm có chủ trương xét lại, một đối thủ tiềm năng của Mỹ kiểm soát nền tảng công nghệ cho nền kinh tế hiện đại.”
Ông cũng nói rằng sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này đề ra nguy cơ an ninh cho các đồng minh của Mỹ và cuối cùng là an ninh toàn cầu.
Tán đồng với lập trường này, Dan David, chuyên gia điều tra các vụ gian lận thương mại ở Trung Quốc, kể lại kinh nghiệm của ông khi làm việc tại nước này đối mặt với điều ông mô tả
là những hành vi hăm dọa, sách nhiễu và thậm chí truy tố của nhà chức trách mà đội ngũ của ông gặp phải khi họ tìm cách phơi bày những vụ gian lận của các công ty Trung Quốc.
“Những công ty mà tôi đang nói tới chẳng là gì đối với chính phủ Trung Quốc,” ông nói. “Nếu chúng tôi mà làm những điều đó với Huawei thì coi như không còn tự do, không còn tính mạng. Tôi không nói Huawei là một công ty xấu mà là để nêu bật tầm quan trọng của Huawei đối với Trung Quốc.”
Tranh luận với lập trường chống lại những hạn chế nghiêm ngặt đối với Huawei, Paul Triolo, cựu quan chức chính quyền từng theo dõi sự trỗi dậy của Trung Quốc về khoa học về công nghệ, nói rằng những hành động của Mỹ nhắm vào Huawei trong tư cách một công ty cá nhân là chưa “chín chắn” và sẽ gây tổn hại cho hoạt động kinh doanh của các nhà cung cấp của Mỹ với các đối tác ở Trung Quốc.
[27’19] “Những hành động này nhắm vào Huawei có thể khiến các công ty Trung Quốc xem các nhà cung cấp Mỹ là không đáng tin cậy,” ông nói. “Và theo thời gian họ sẽ tự thiết kế lấy những sản phẩm của riêng mình và đây là một vấn đề lớn đối với các công ty Mỹ, vì việc này ảnh hưởng tới khả năng của họ duy trì nguồn thu từ thị trường Trung Quốc để đem tiền đó đầu tư vào nghiên cứu và phát triển và để canh tân.”
Ông Triolo nhấn mạnh ông không bênh vực những tập tục kinh doanh của Huawei mà kêu gọi một cách tiếp cận có sự suy xét thấu đáo để giải quyết một vấn đề “phức tạp.”
Đồng ý với lập trường của ông Triolo về những tác động đối với doanh nghiệp Mỹ, Erin Ennis, Phó Chủ tịch Cao cấp của Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung Quốc (USCBC), nói các công ty Mỹ có rất ít thời gian để tuân thủ các quy định mới ban hành liên quan tới Huawei và điều này đã gây nên “hỗn loạn” trong cách thức mà những quy định này được thi hành.
“Nếu mối đe dọa quá lớn đến mức chúng ta phải ngay lập tức loại bỏ các sản phẩm [của Huawei] khỏi thị trường, vậy thì tại sao chúng ta lại cho phép các sản phẩm có 25 phần trăm thành phần của Huawei có mặt thị trường theo các quy định ‘vi lượng?” bà Ennis đặt câu hỏi.
Tuy nhiên bà cũng khẳng định Huawei có “những vấn đề về minh bạch và uy tín” và có những “nghi vấn thực sự” về an ninh của những sản phẩm mà họ cung cấp.
[32’16] “Nếu [Huawei] muốn được chấp nhận là một nhà lãnh đạo toàn cầu, họ cần phải áp dụng những tiêu chuẩn cao hơn cho chính họ, nhưng họ cần phải cho thấy nhiều hành động hơn là những lời nói mà họ đã đưa ra,” bà nói.
Huawei đã phủ nhận chuyện họ bị chính phủ Trung Quốc kiểm soát và phủ nhận những sản phẩm của họ đề ra nguy cơ về bảo mật.
Vấn đề Huawei có phần chắc sẽ được nêu ra trong cuộc họp dự kiến ngày 29/6 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị G20 ở Nhật Bản.
https://www.voatiengviet.com/a/my-co-nen-han-che-nghiem-ngat-huawei/4978297.html
Sau TQ, Tổng thống Trump sẽ leo thang
thương mại với Việt Nam?
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Tư cho biết ông không có mấy áp lực về việc có đạt được thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh hay không, khi ông sắp gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này và sẵn sàng đánh thuế tiếp theo đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Nền kinh tế Trung Quốc đang xuống dốc”, ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business Network. “Họ muốn đạt được thỏa thuận nhiều hơn tôi.”
Trước đó, Tổng thống Trump cảnh báo rằng có khả năng ông sẽ áp thuế đối với thêm 300 tỷ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, ngoài gói hàng nhập khẩu 250 tỷ đô la hàng hóa mà ông đã đánh thuế.
Theo AP, ông Trump nói rằng lệnh thuế mới có thể bắt đầu ở mức 10%. Trước đó, chính quyền Trump cho biết mức thuế bổ sung có thể lên tới 25%.
Chính quyền Trump cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp công nghệ và ép buộc các công ty nước ngoài chuyển giao bí mật thương mại cho Trung Quốc. Tổng thống Trump và ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh các nước nền kinh tế lớn G20 vào thứ Sáu và thứ Bảy tuần này tại Osaka, Nhật Bản.
Tổng thống Trump cũng cho biết ông có thể đã xác định được một đối thủ thương mại mới, đó là Việt Nam. Khi được hỏi về thông tin các sản phẩm của Trung Quốc đang được chuyển sang Việt Nam, sau đó núp bóng hàng Việt Nam để tránh thuế quan của Mỹ, Tổng thống Trump bình luận rằng “Việt Nam đang lợi dụng chúng tôi thậm chí còn tệ hơn cả Trung Quốc.”
Khi được hỏi liệu ông có định áp thuế đối với các sản phẩm của Việt Nam hay không, Tổng thống Trump cho biết chính quyền của ông “đang có các cuộc thảo luận” với Việt Nam.
Hồi đầu năm, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện rằng Việt Nam sẵn sàng nhập khẩu thêm hàng hóa Mỹ để giảm bớt thâm hụt của Hoa Kỳ trong quan hệ thương mại với Việt Nam.
Theo Bloomberg đưa tin ngày 18/1/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam sẽ nhập khẩu thêm hàng hóa của Hoa Kỳ từ các công ty như Boeing và General Electric để thu hẹp khoảng cách thương mại giữa hai nước. Bloomberg cho rằng đây là một động thái có thể giúp Việt Nam tránh được các biện pháp trừng phạt từ chính quyền Trump.
Ông Phúc cho biết Việt Nam có kế hoạch mua 150 máy bay Boeing cũng như các sản phẩm từ General Electric và các công ty dầu khí của Mỹ.
Theo thông tin từ trang web của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Việt Nam là 37,3 tỷ đô la vào năm 2017.
Ông Trump nói ‘muốn bắt tay’ ông Kim
tại khu phi quân sự DMZ
Tổng thống Trump đã mời lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un – trên Twitter – tới gặp ông tại khu vực phi quân sự chia hai miền Bắc và Nam Hàn.
Dòng tweet bất ngờ của ông Trump cho hay ông muốn nói “nói xin chào” tới ông Kim trong chuyến thăm của ông tới Hàn Quốc.
Bắc Hàn mô tả “đây là một gợi ý rất thú vị”.
Ông Trump dự kiến sẽ tới Hàn Quốc để thảo luận về các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa của Bắc Hàn. Anh Trump sẽ bay tới Seoul sau khi kết thúc Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản.
Trong một cử chỉ có vẻ mang tính tự phát, ông Trump bất ngờ gợi ý một cuộc gặp với ông Kim.
Phát biểu tại Thượng đỉnh G20 tại Osaka, ông Trump đưa ra thêm vài chia tiết nữa. Ông nói với các phóng viên rằng vào sáng thứ Bảy ông quyết định ‘thăm dò’ ông Kim.
“Nếu ông ta ở đó, chúng tôi sẽ gặp trong trong 2 phút và như thế là đủ,” ông Trump nói với các phóng viên. Ông nói như vậy khi bắt đầu bữa sáng với Thái tử Mohammad Bin Salman của Ả Rập Saudi.
Ông Trump cũng bình luận trước cuộc gặp then chốt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên quan đến cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng vốn được xem là rào cản đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Kim Jong-un nhận được bức thư ‘tuyệt vời’ từ Trump
Thượng đỉnh Trump-Kim lần ba ‘có thể’ diễn ra
Kim Jong-un tố Mỹ ‘có ý đồ xấu’ ở Hà Nội
Hiện chưa rõ các quan chức đi cùng ông Trump có được thông báo trước về lời đề nghị của ông với lãnh đạo Bắc Hàn hay không.
Các phản ứng
Chỉ vài giờ sau, Bắc Hàn đã phản ứng bằng tuyên bố của bà Choe Son Hui, Thứ trưởng Ngoại giao:
“Chúng tôi thấy đó là một đề nghị rất thú vị, nhưng chúng tôi chưa nhận được đề xuất chính thức nào về vấn đề này.”
Tuyên bố của bà Choe Son Hui cũng cho hay một cuộc gặp như vậy “sẽ đóng vai trò là một dịp có ý nghĩa trong việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo và thúc đẩy mối quan hệ song phương”.
Phản ứng về tweet của ông Trump, Tổng thống Hàn Quốc nói chưa có gì được xác nhận và hi vọng của Seoul về các cuộc đàm phán Hoa Kỳ-Bắc Hàn không thay đổi.
Ông Trump từng định có chuyến thăm bất ngờ tới khu vực phi quân sự DMZ chia đôi hai miền Bắc-Nam Hàn vào tháng 11/2017, nhưng không thực hiện được do thời tiết xấu.
Mối quan hệ Hoa Kỳ-Bắc Hàn
Quan hệ hai nước trở nên ngột ngạt kể từ khi ông Trump và ông Kim gặp nhau tại Hà Nội, Việt Nam tháng 2/2019.
Thượng đỉnh tại Hà Nội – là lần hội đàm thứ hai giữa hai bên sau sự kiện tại Singapore tháng 6/2018 – kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào về các tiến bộ của Bắc Hàn đối với phi hạt nhân hóa. Ông Trump đã đột ngột rời cuộc họp mà ông mô tả là ‘một thỏa thuận tồi tệ’.
Ông Trump đã nhiều lần quả quyết rằng Bắc Hàn cần dỡ bỏ các kho vũ khí hạt nhân trước khi các lệnh trừng phạt có thể được dỡ bỏ.
Kể từ Thượng đỉnh tại Hà Nội, Bắc Hàn đã mạo hiểm chọc giận chính quyền Trump bằng cách thử nghiệm một số tên lửa tầm ngắn.
Nhưng ông Trump, người từng đe dọa Bắc Hàn bằng”lửa và giận dữ”, đã đưa ra một giọng điệu mang tính hòa giải hơn trong những tháng gần đây, và nói về ông Kim một cách nồng nhiệt.
Tuần trước, ông đã gửi cho nhà lãnh đạo Bắc Hàn một bức thư cá nhân, có nội dung được ông Kim ca ngợi là “tuyệt vời”.
Đầu tháng này, ông Trump nói với các phóng viên rằng Bắc Hàn dưới sự lãnh đạo của ông Kim đã có “tiềm năng to lớn”.
Và trong tháng Năm, trong chuyến thăm Nhật Bản, ông Trump mô tả ông Kim là ‘người rất thông minh’ và nói rằng ông trông đợi “nhiều điều tốt đẹp” từ Bắc Hàn.
Ông Trump sẽ thật sự gặp ông Kim?
Với phát ngôn rõ ràng là tự phát trên Twitter của ông Trump, triển vọng ông gặp ông Kim tại DMZ có vẻ đáng nghi ngờ.
Các cuộc gặp trước đây của ông với ông Kim đều được lên kế hoạch cẩn thận từ trước.
Nhưng tuần trước, một quan chức Hàn Quốc cho biết ông Trump đang xem xét có chuyến đi tới DMZ, làm nảy sinh suy đoán rằng rất có thể ông sẽ gặp ông Kim.
Giới chức Mỹ và Hàn Quốc đã tìm cách hạ thấp tiềm năng gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo.
Ngược lại, ông Trump đã ám chỉ những cuộc gặp gỡ có thể xảy ra, bao gồm “nói chuyện với ông (Kim) dưới một hình thức khác” và gặp nhau “trong hai phút”.
“Thay vào đó, hai ông có thể nói chuyện qua điện thoại hoặc viết cho nhau một bức thư khác,” Vipin Narang, giáo sư nghiên cứu về bảo mật tại Viện Công nghệ Massachusetts, nói với Telegraph.
“Tôi sẽ không mong đợi một cuộc họp Trump-Kim: thật quá mạo hiểm khi làm điều đó với rất ít sự chuẩn bị, vì cả hai đều không thể chấp nhận cuộc họp thất bại thứ hai,” ông nói.
Ông Trump dự kiến sẽ thảo luận gì ở Seoul?
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết ông Moon Jae-in và ông Trump sẽ thảo luận về “cách hợp tác chặt chẽ với nhau để xây dựng hòa bình lâu dài thông qua phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”.
Đặc phái viên của Hoa Kỳ về Bắc Hàn, Stephen Biegun, đã tới Seoul để chuẩn bị cho cuộc đàm phán.
Ông Stephen Biegun cho hay Mỹ “sẵn sàng có các cuộc đàm phán mang tính xây dựng với Bắc Hàn”.
Tổng thống Hàn Quốc Moon, người đã gặp ông Kim hai lần, đã đưa việc giải quyết vấn đề Bắc Hàn là tâm điểm trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Ông Moon là người hòa giải cho hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim đầu tiên và rất muốn đưa các cuộc đàm phán trở lại đúng hướng, mặc dù ông bị truyền thông Bắc Hàn cáo buộc là “can thiệp” vào quá trình đàm phán.
Người đóng giả Trump, Kim ‘bị yêu cầu ngừng diễn’
Trump-Kim và bữa ăn tối ở Hà Nội
Ông Trump cũng sẽ muốn chứng minh các tiến bộ cụ thể khi bắt đầu chiến dịch tranh cử chức Tổng thống Mỹ 2020.
Tương lai hợp tác an ninh Mỹ-Hàn Quốc sau chiến tranh cũng có khả năng nằm trong chương trình nghị sự ở Seoul.
Hoa Kỳ có khoảng 30.000 binh sỹ đóng tại Hàn Quốc. Ông Trump nhiều lần nói rằng ông muốn thu hẹp quy mô này.
Quân đội hai nước tiến hành các cuộc tập trận hàng năm khiến Bắc Hàn giận dữ. Nhưng hai nước đã thu nhỏ quy mô các cuộc tập trận kể từ khi các mối quan hệ nồng ấm trở lại vào năm ngoái.
Các nước liên quan muốn gì?
Bắc Hàn là chủ đề đáng chú ý trong các cuộc đối thoại bên lề Thượng đỉnh G20 tại Osaka tuần này.
Những nước liên quan đều đồng ý rằng tốt nhất không nên có mối đe dọa về hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, nhưng quan điểm của các nước khác nhau trong việc đưa vấn đề này ra như thế nào.
Dưới đây là chỉ dẫn ngắn về các nước liên quan và quan điểm của họ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48809576
Mỹ – Triều “ngầm” đàm phán,
hướng tới Thượng đỉnh lần 3
Tình hình Bán đảo Triều Tiên đang được dư luận quan tâm trước khi diễn ra chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Trump tới Hàn Quốc vào ngày 29 – 30/6 tới.
Ngày 26/6, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tiết lộ, Mỹ – Triều đang đàm phán “bí mật”, để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3. Theo Tổng thống Hàn Quốc, tình hình bán đảo Triều Tiên đang diễn biến một cách ổn định và tích cực.
Trả lời báo chí bằng văn bản, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng dù không đạt được thỏa thuận sau Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2, song tình hình bán đảo Triều Tiên không hề diễn biến một cách “bế tắc”. Ông Moon Jae-in tiết lộ, giới chức Mỹ – Triều Tiên thời gian qua đã đàm phán “ngầm”, nhằm hướng tới 1 thượng đỉnh tiếp theo, với sự hiểu biết lẫn nhau đã đạt được từ Thượng đỉnh tại Hà Nội.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh, tình hình đang tiến triển một cách “ổn định và mọi thứ “chín muồi” để các bên nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân một cách chính thức. Tổng thống Moon Jae-in kỳ vọng, một khi đàm phán chính thức Mỹ – Triều được nối lại, tình hình sẽ tiến triển ở một “tầm cao mới”.
Đưa ra quan điểm về các bước đi phi hạt nhân hóa được lãnh đạo Mỹ – Triều đề cập tại thượng đỉnh lần 2 hồi tháng 2/2019, Tổng thống Hàn Quốc cho rằng, Triều Tiên cần phải dỡ bỏ hoàn toàn tổ hợp hạt nhân Yonbyon, để đổi lại việc Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt. Nếu việc dỡ bỏ tổ hợp này được Triều Tiên thực hiện một cách nghiêm túc và được kiểm chứng, Hàn Quốc cũng sẽ thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác kinh tế liên Triều.
Những tiết lộ của nhà lãnh đạo Hàn Quốc được đưa ra trong bối cảnh có những thông tin cho rằng thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 3 có khả năng diễn ra ngay trong chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng thống Mỹ và địa điểm sẽ là khu vực phi quân sự (DMZ), biên giới giữa Hàn – Triều vào ngày 30/6.
Dù giới chức Mỹ hôm qua (25/6) đã phủ nhận việc Tổng thống Trump có kế hoạch như vậy, đồng thời cho biết, lịch trình làm việc của Nhà lãnh đạo Mỹ tại Hàn Quốc vẫn chưa hoàn tất, song thế giới vẫn đang rất trông chờ vào cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ – Triều tiếp theo sẽ sớm diễn ra vào thời điểm này.
Đặc biệt, đây là thời điểm hai nhà lãnh đạo Mỹ Triều vừa mới trao đổi những bức thư tay với nhau, với những nội dung thú vị.
Với những bức thư này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kỳ vọng về một sự “hồi sinh” cho các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên trong thời gian tới: “Đã có những báo
cáo về bức thư Tổng thống Mỹ gửi Nhà lãnh đạo Triều Tiên. Tôi hi vọng bức thư này có thể giúp 2 bên bắt đầu trở lại các cuộc đàm phán về việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên”.
Thêm vào đó, Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 3 đang có thêm cú hích từ vai trò trung gian “không biết mệt mỏi” của vị Tổng thống Hàn Quốc. Dự kiến, trước khi tiếp đón Tổng thống Mỹ tại thủ đô Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ gặp ông Trump, bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G-20 tại Nhật Bản. Và vấn đề Triều Tiên dự kiến sẽ là một trong những nội dung thảo luận chính giữa hai bên. Trong khi đó, ngày mai (27/6), Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên cũng sẽ tới Hàn Quốc để chuẩn bị tốt nhất cho chuyến công tác Hàn Quốc của Tổng thống Mỹ lần này
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28943-my-trieu-ngam-dam-phan-huong-toi-thuong-dinh-lan-3.html
Đặc nhiệm Mỹ lo ngại TQ kiểm soát viễn thông Cuba
Các công ty Trung Quốc thống lĩnh thị trường viễn thông Cuba – một hiện trạng “đáng thách thức với những lo ngại rằng chính phủ Cuba có khả năng có các thiết bị kiểm duyệt từ các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng internet của Trung Quốc”, theo một báo cáo của lực lượng đặc nhiệm của chính phủ Hoa Kỳ.
Báo cáo công bố hôm thứ Ba (25/6), cũng theo báo cáo, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Cuba đang ngăn cản các công ty Mỹ điều tra lĩnh vực viễn thông ngay cả khi Washington tìm cách mở rộng truy cập internet trên hòn đảo.
Vào năm ngoái, Chính phủ Cuba đã phản đối việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thành lập một Lực lượng đặc nhiệm Internet Cuba (Cuba Internet Task Force), nói đó là “sự can thiệp của nước ngoài”.
Các tổng thống Hoa Kỳ đã lần lượt xiết chặt và nới lỏng lệnh cấm vận thương mại hàng thập niên của Hoa Kỳ đối với Cuba được áp đặt trong những năm sau cuộc cách mạng 1959.
Cho đến năm 2013, các điểm internet ở Cuba cho công chúng sử dụng hầu như chỉ có ở các khách sạn du lịch, trong bối cảnh chịu sự cấm vận của Hoa Kỳ, thiếu tiền mặt, và các mối lo ngại về luồng thông tin tự do.
Chính phủ Cuba đã tăng lượng truy cập web trong những năm gần đây, lắp đặt cáp quang đến Venezuela và xuất hiện các quán cafe internet, các điểm truy cập Wi-fi và internet di động.
Cựu Tổng thống Barack Obama đã tạo ra “một lỗ hổng” cho các công ty viễn thông của Hoa Kỳ để cung cấp một số dịch vụ nhất định cho Cuba.
Đến thời Tổng thống Donald Trump, chính quyền đã duy trì kẽ hở này nhưng mở rộng các lệnh trừng phạt. Môi trường kinh doanh tổng thể cũng xấu đi. Các ngân hàng đang ngày càng miễn cưỡng xử lý các khoản thanh toán có nguồn gốc từ Cuba, một số công ty viễn thông đã được lực lượng đặc nhiệm khảo sát, nói rằng, điều đó khiến họ ngừng đưa ra các dịch vụ và sản phẩm quan trọng ở Cuba.
Trung Quốc và Nga liệu có bảo vệ chính phủ Maduro tới cùng ?
Lực lượng đặc nhiệm khuyên chính phủ Hoa Kỳ làm sáng tỏ những nguyên nhân và tìm kiếm phản hồi về cải thiện khả năng đầu tư của các công ty viễn thông ở Cuba.
Công ty độc quyền viễn thông Cuba, ETECSA đã ký một thỏa thuận vào đầu năm nay với công ty mẹ của Google là Alphabet Inc, về việc tăng kết nối, nhưng hai bên đã không chấp thuận công khai về bất cứ khoản đầu tư đáng kể nào.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/28957-dac-nhiem-my-lo-ngai-tq-kiem-soat-vien-thong-cuba.html
Mỹ triển khai tiêm kích F-22 đến Qatar
để răn đe Iran
Quân đội Mỹ lần đầu tiên cho triển khai những chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor đến căn cứ không quân Al Udeid ở Qatar. Lầu Năm Góc đã loan báo tin trên ngày 28/06/2019. Sự kiện này góp phần nhằm tăng cường sự hiện diện và sức răn đe của Mỹ trước những căng thẳng với Iran.
Theo Không Quân Mỹ cho biết, có khoảng 10 chiếc tiêm kích F-22 được triển khai đến Qatar Loại chiến đấu cơ F-22 được trang bị tên lửa không đối không và có thể thực hiện các nhiệm vụ tấn công mặt đất.
Trước đây, F-22 từng được điều đến căn cứ Al Dhafra ở Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, tham gia chiến dịch không kích của Mỹ nhằm vào các thành phần khủng bố ở Irak và Syria, trước khi được thay thế bằng các chiến đấu cơ F-15C vào năm 2018.
Việc điều động F-22 đến Qatar nằm trong một loạt động thái tăng cường lực lượng quân sự Mỹ đến khu vực trong bối cảnh quan hệ càng lúc càng căng thẳng với Iran.
Tháng 5/2019, Lầu Năm Góc đã triển khai các máy bay ném bom B-52 đến khu vực. Siêu pháo đài bay của Mỹ đã nhiều lần bay tuần tra qua khu vực vùng Vịnh, bên cạnh chiến đấu cơ F-15C và F-35.
Cũng trong tháng 5, nhóm tấn công tàu sân bay Mỹ USS Abraham Lincoln cũng được đưa tới khu vực Trung Cận Đông.
Gần đây Mỹ cũng gửi thêm 1.000 binh sĩ tới khu vực này sau khi chính quyền Mỹ tố cáo Iran thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào 2 tàu chở dầu ở Vịnh Oman.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190629-my-trien-khai-tiem-kich-f-22-den-qatar-de-ran-de-iran
Tối cao Pháp viện Mỹ
sẽ xử vụ Trump hủy chương trình DACA
Tối cao Pháp viện Mỹ ngày 28/6 đồng ý quyết định xem liệu Tổng thống Donald Trump có hành xử đúng luật hay không khi ông chấm dứt chương trình bảo vệ cho hàng trăm ngàn di dân đến Mỹ bất hợp pháp khi còn nhỏ (gọi tắt là chương trình DACA) khỏi bị trục xuất.
Chín thẩm phán tối cao nhận xét xử vụ chính quyền Trump kháng cáo phán quyết của các tòa cấp dưới ở California, New York và Washington D.C. Các tòa này ngăn chặn kế hoạch năm 2017 của Tổng thống Trump bãi bỏ chương trình DACA do Tổng thống Dân chủ tiền nhiệm Barack Obama thực hiện vào năm 2012.
Chương trình này hiện che chở cho khoảng 700.000 di dân thường được gọi là “Dreamer”, hầu hết là những người trẻ thuộc Châu Mỹ Latin, bảo vệ họ khỏi bị trục xuất và cấp giấy phép làm việc cho họ, dù đây không phải là con đường đi đến việc nhập tịch Mỹ.
Tối cao Pháp viện Mỹ với đa số thẩm phán bảo thủ sẽ nghe tranh luận và sẽ đưa ra phán quyết vào nhiệm kỳ tới, bắt đầu vào tháng 10 năm nay cho đến tháng 7 năm 2020, có nghĩa là quyết định sẽ được đưa ra trong thời gian diễn ra cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc năm tới, trong đó ông Trump sẽ tái tranh cử. Trong số các ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ có cựu Phó Tổng thống Joe Biden, người đã hứa sẽ có hành động để bảo vệ các Dreamer và cấp quốc tịch cho họ.
Ba thẩm phán liên bang đã ra lệnh ngưng động thái chấm dứt DACA của ông Trump sau những vụ kiện của một nhóm các tiểu bang bao gồm California và New York. Những người được chương trình bảo vệ, các tổ chức dân quyền và những tổ chức khác thách thức tính hợp pháp của kế hoạch do Tổng thống Trump khởi xướng.
G20: Mỹ – Trung tái khởi động đàm phán thương mại
Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán thương mại, làm giảm bớt một cuộc tranh cãi kéo dài đã gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được thỏa thuận bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản hôm 29/6/2019.
Ông Trump nói rằng các cuộc đàm phán là “tuyệt vời”, trong khi ông Tập được Tân Hoa Xã dẫn lời nói hai nước không nên “rơi vào cái bẫy xung đột và đối đầu.”
Bàn tròn BBC: Trump – Tập gặp gỡ, thương chiến và G20
G20: Trump – Tập gặp gỡ sẽ ‘phủ bóng’ Osaka’?
Chúng tôi đã có một cuộc gặp rất tốt với Chủ tịch Tập của Trung Quốc, tuyệt vời, tôi có thể nói là tuyệt vời, tốt đẹp như sẽ diễn raTổng thống Mỹ Donald Trump
Việt Nam mua thêm hàng của Mỹ sau khi bị Trump ‘đe dọa’?
G20: Điều gì xảy ra nếu Mỹ-Trung không đạt thỏa thuận về thương chiến?
Tổng thống Trump từng đe dọa sẽ áp thêm thuế quan trị giá 300 tỷ đôla lên hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau cuộc gặp ở Osaka, ông xác nhận rằng Washington sẽ không tăng thêm thuế quan bổ sung và ông sẽ tiếp tục đàm phán với Bắc Kinh.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng tuyên bố rằng các công ty Mỹ có thể tiếp tục bán hàng hóa, dịch vụ cho công ty công nghệ Trung Quốc Huawei, hãng mà Washington đã ra lệnh cấm vì lo ngại về an ninh.
Nhưng ông Trump nói rằng tranh chấp sẽ được giải quyết ‘vào cuối cuộc đàm phán thương mại.
Tranh chấp leo thang thế nào?
Mỹ và Trung Quốc – hai nền kinh tế lớn nhất thế giới – đã đụng độ trong một cuộc chiến thương mại gây thiệt hại trong năm qua.
Lo chiến tranh thương mại, Nhật – Trung muốn ‘nâng tầm quan hệ’
TQ sẽ ‘không cho’ bàn về Hong Kong tại G20
Trung Quốc và Mỹ có lợi ích tích hợp cao cùng các lĩnh vực hợp tác rộng rãi và hai nước không nên rơi vào điều được gọi là cái bẫy xung đột và đối đầuChủ tịch TQ Tập Cận Bình
Trump, Tập dự hội nghị G20, bàn thương chiến Mỹ-Trung
Thương mại: Ông Donald Trump đe dọa Việt Nam
Ông Trump cáo buộc Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ và rằng Trung Quốc đã buộc các công ty Mỹ chia sẻ bí mật thương mại để có thể kinh doanh tại Trung Quốc.
Ngược lại, Trung Quốc cho rằng yêu cầu cải cách kinh doanh của Mỹ là không hợp lý.
Tình thế đối địch leo thang suốt nhiều tháng ngay trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh, sau khi các cuộc đàm phán giữa hai nước sụp đổ vào tháng 5/2019.
Đột phá sẽ thay đổi ra sao?
Phát biểu sau cuộc gặp với ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh Osaka , Tổng thống Mỹ nói các cuộc đàm phán đã “trở lại đúng hướng”.
“Chúng tôi đã có một cuộc gặp rất tốt với Chủ tịch Tập của Trung Quốc, tuyệt vời, tôi có thể nói là tuyệt vời, tốt đẹp như sẽ diễn ra”, ông Trump nói với các phóng viên.
“Chúng tôi đã thảo luận rất nhiều điều và chúng tôi đã trở lại đúng hướng và chúng ta sẽ xem điều gì xảy ra.”
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói các nhà đàm phán từ cả hai bên sẽ thảo luận về các chi tiết cụ thể, nhưng không nêu chi tiết.
Tân Hoa Xã cũng dẫn lời ông Tập nói: “Trung Quốc và Mỹ có lợi ích tích hợp cao cùng các lĩnh vực hợp tác rộng rãi và hai nước không nên rơi vào điều được gọi là cái bẫy xung đột và đối đầu”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48805451
G20: Điều gì xảy ra nếu Mỹ-Trung
không đạt thỏa thuận về thương chiến?
Tiến sỹ Phạm Đỗ ChíGửi tới BBC từ Florida, Hoa Kỳ
Tin từ Wall Street, trung tâm tài chính của Mỹ hôm thứ Sáu 28/6 nói các đại ngân hàng như Citi, Bank of America đều chờ xem có cuộc hưu chiến khi Tổng thống Donald Trump gặp Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề G20 ở Osaka hay không.
Nhưng các nhà băng Mỹ cũng tin rằng dù hai bên có đồng ý không gia tăng độ nóng của thương chiến thì các vấn đề cơ bản đối chọi nhau giữa Washington và Bắc Kinh vẫn còn đó.
Bàn tròn BBC: Trump – Tập gặp gỡ, thương chiến và G20
G20: Trump – Tập gặp gỡ sẽ ‘phủ bóng’ Osaka’?
TQ sẽ ‘không cho’ bàn về Hong Kong tại G20
Trump, Tập dự hội nghị G20, bàn thương chiến Mỹ-Trung
Thực tế như nhiều người đã rõ, lập trường hai bên đã quá khác nhau, và đòi hỏi của Mỹ vượt quá mức sơ khởi là Trung Quốc phải nhập hàng Mỹ nhiều hơn để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.
Tin tức về tài liệu 150 trang của ký kết sơ khởi giữa hai bên (bị gác lại do Bắc Kinh đổi ý giờ chót vào cuối tháng 3) cho thấy Mỹ đòi hỏi những tái cấu trúc căn bản của nền kinh tế và luật lệ thương mại của Trung Quốc, bao gồm các nhượng bộ quan trọng về tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, ngăn ngừa chuyện ăn cắp thông tin công nghệ Mỹ, và các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ nếu Trung Quốc vi phạm các thỏa thuận đã đồng ý.
Nếu ông Tập đã không đồng ý với các nhượng bộ quan trọng này vào cuối tháng Ba, khó có lý do nào để ông đổi ý bây giờ, dù nền kinh tế Trung Quốc đã đi vào những khó khăn rõ nét hơn. Nhất là vì cấp chuyên viên cao hai bên đã ngưng hẳn cuộc đàm phán giằng co từ 3 tháng nay, không thể có ngay một bản thỏa thuận chi tiết sẵn sàng khác để hai nhà lãnh đạo ký ngay trong kỳ họp G20 này.
Điều gì dễ xảy ra nhất: Một tuyên bố chung để xoa dịu tình trạng căng thẳng giữa hai bên và không tiếp tục tăng thêm thuế biểu nhập cảng (tariffs) như đã dọa nhau nữa, trong một thời gian ngắn làm mát dịu “short cooling-off period” độ 2-3 tháng để thay đổi bản nháp thỏa ước lần chót.
Thương chiến ra sao nếu không có thỏa thuận?
Nhận xét đầu tiên là có rất ít phân tích xác đáng và khả tín về ảnh hưởng trên nền kinh tế Mỹ do cuộc thương chiến gây ra. Phe Dân chủ và các nhà trí thức phe tả trong xã hội Mỹ, chuyên tài về chỉ trích bất cứ chính sách nào của Trump, cũng chỉ tuyên bố rời rạc như kinh tế Mỹ sẽ suy yếu đi nhiều, lạm phát Mỹ tăng nhanh vì áp lực thuế quan cao trên hàng nhập Trung Quốc, nông dân bất mãn vì hàng nông sản Mỹ không bán được…
Nhưng gần một năm qua từ lúc thuế quan tăng được áp đặt, các chuyện này đã không xảy ra như họ “mong muốn” để làm yếu đi thế đứng của ứng viên Trump trong kỳ tuyên bố tranh cử Tổng thống Mỹ, đã bắt đầu từ tháng 6 năm nay cho tới hè năm tới 2020.
Nếu áp thuế 25% xảy ra trên 300 tỷ hàng Trung Quốc còn lại vì thương chiến tiếp tục, ảnh hưởng đáng kể nhất là tăng trưởng Mỹ sẽ chậm lại độ 0,3-0,5% trong năm 2019 và 0,5-1,0% trong năm 2020, nhưng ngay điều này cũng chưa chắc chắn vì Ngân hàng Trung ương FED của Mỹ đang sửa soạn hạ lãi suất 1-2 lần trong năm nay. Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn vững mạnh là nhà tiên tri cho điều đó!
Còn về phía Trung Quốc, các tin tức cho thấy tác động lớn hơn nhiều. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ còn độ 6%, chúng khoán sụp đổ và tiền được tháo chạy mãnh liệt với các hãng Trung Quốc và hãng đầu tư ngoại quốc rời khỏi xứ sang các nước lân cận (như Ấn Độ, Malaysia,Việt Nam…) và dân thường chuyển tiền ồ ạt ra nước ngoài. Tỷ giá tiền RMB xuống thấp là 6,9 RMB /1 USD. Nếu tỷ giá này nhích thêm xuống mức báo động 7 RMB sẽ là mức “panic” được dự báo để gây cuộc hỗn loạn tiền tệ đáng kể cho Trung Quốc.
Hai vấn đề nghiêm trọng nhất đang xảy ra ở Trung Quốc: Nạn thất nghiệp thành thị (do các hãng đóng cửa hay rời xứ) gây cho dân chúng ào ạt kéo về nông thôn tìm việc và vấn đề lạm phát cho giá cả lương thực, cả hai đều gây áp lực chính trị đáng kể cho cá nhân ông Tập.
Cùng lúc, vòng vây siết chặt công nghệ qua hãng Huawei và cả trăm hãng khác đang và sẽ làm tê liệt công nghệ và sản xuất Trung Quốc.
Lo chiến tranh thương mại, Nhật – Trung muốn ‘nâng tầm quan hệ’
‘Chúa của chúng tôi là Trung Quốc’
Các tác dụng trên đến nền kinh tế Trung Quốc như là tác động của cả trăm “sư đoàn” giả tưởng của Mỹ được gửi đến Trung Quốc, như nhận xét của một số nhà phân tích.
Nhưng trong thực tế, Mỹ cũng đã điều động hải quân thật sự, phối hợp với liên minh hải quân các nước khác trong vùng, để tạo lập vòng vây ở Biển Đông và eo biển Đài Loan như là các biện pháp quân sự tương lai lúc cần thiết.
Trung Quốc không thể không thấy những điều này của Mỹ và liên minh Phương Tây, Ấn Độ và Nhật-Úc, để ngăn chặn giấc mơ bành trướng của họ trong tương lai, qua “Nhất Đới Nhất Lộ’, hay Trung Quốc năm 2025 hay 2035.
Chính sách khôn ngoan “Nằm yên, chờ thời” của Đặng Tiểu Bình đã bị bỏ qua, thay vào đó móng vuốt của Rồng Trung Quốc đã làm cả thế giới e ngại và ra tay ngăn chặn dưới sự lãnh đạo của Mỹ.
Ảnh hưởng đến Việt Nam?
Tất nhiên không thể không bàn đến Việt Nam khi phân tích tình hình thương chiến Hoa Kỳ-Trung Quốc. Trong một bài phỏng vấn khác, chúng tôi đã bàn đến câu tuyên bố “nóng” và bất chợt của Tổng thống Trump bàn đến Việt Nam như “kẻ lợi dụng tình thế thương chiến Mỹ-Trung Quốc để tăng xuất khẩu vào Mỹ”.
Tuyên bố này hàm ý cả việc Mỹ mua thêm hàng của Việt Nam và cả chuyện nhiều hàng Trung Quốc tuồn sang mang mác Việt Nam để tránh thuế, như báo Wall Street Journal (27/06/2019) đã điều tra báo cáo cả tỷ đô la hàng Trung Quốc đã tiếp tục sang Mỹ bằng cửa này.
Chúng tôi đã bàn đến cả một chiến lược thương mại mà Việt Nam cần áp dụng để giảm thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam, cũng như ngăn chặn ngay các hàng Trung Quốc tràn sang Việt Nam lấy mác Việt. Nhưng tựu chung, có hai điều căn bản mà Việt Nam phải làm:
• Trong chiến lược thương mại toàn cầu, mua thêm hàng Mỹ đơn giản sẽ là cách “thoát Trung dần dần”, giảm lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, mà lại giúp bớt đi xuất siêu sang Mỹ hầu tránh áp lực chính trị Mỹ đang tăng dần qua lời tuyên bố mạnh mẽ, hơi bất chợt của Tổng thống Trump, trước thềm cuộc viếng thăm chính thức Hoa Kỳ của một nguyên thủ Việt Nam.
• Một điểm khác là để phản ứng lại chỉ trích của ông Trump, Việt Nam cần sẵn sàng soạn cuốn sách trắng về xuất cảng, “A White Book on Vietnam’s exports to the US in the last 5 years 2013-2018”. Giải thích rõ tính cách gia công trong các hàng Việt Nam xuất cảng điện tử chẳng hạn, thí dụ rõ nhất là điện thoại Samsung, trong đó giá trị gia tăng của Việt Nam chỉ là 5-10%. Vì vậy con số xuất cảng sang Mỹ thực , “true VN exports to the US” thấp hơn con số thống kê xuất bản nhiều. Điểm này được rất ít các chuyên viên bên Mỹ biết đến, đừng nói gì là nhà chính trị như Tổng thống Trump.
Việt Nam nên sẵn sàng với các tài liệu này khi trần tình hay đàm phán chính thức với Mỹ, trong cuộc viếng thăm nêu trên, về các biện pháp làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam.
Tóm lại Việt Nam đanh hưởng lợi nhiều từ chính sách hiện nay của Hoa Kỳ và dù quan hệ với Trung Quốc là rất hệ trọng, như nó luôn luôn là thế, giao thương mọi mặt với Hoa Kỳ lại đang đóng vai trò bản lề cho Việt Nam nếu muốn nâng tầm của nền kinh tế lên đẳng cấp cao hơn và tạo vị thế vững chắc hơn về ngoại giao những năm tới.
*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48809574
Sắp diễn ra ba cuộc gặp
định hình bầu không khí thế giới
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với lãnh đạo Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bên lề thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào tuần tới, sẽ định hình bầu không khí thế giới trong tương lai gần.
Với tư cách là nước chủ nhà, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ chào đón các nhà lãnh đạo của 20 quốc gia mạnh nhất thế giới và tận dụng cơ hội này để giới thiệu Nhật Bản là một hòn đảo ổn định địa chính trị.
Thời điểm diễn ra Thượng đỉnh G20 chỉ trước cuộc bầu cử Thượng viện tại Nhật ít ngày, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Đông, mang đến cho ông Abe cơ hội đóng vai trò của chính khách cao cấp toàn cầu.
Tuy nhiên, các chương trình nghị sự của ông Abe tại G20 như việc xác định con người là vị trí trung tâm hay tạo dựng các các dòng dữ liệu tự do bằng niềm tin… chắc chắn sẽ không mấy thu hút bằng ba cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ với người đồng cấp Nga Putin, Tổng thống Trump với người đứng đầu nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.
Cuộc gặp Trump – Tập
Sau nhiều đồn đoán, cuối cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp trực tiếp tại G20. Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm của thế giới nhiều nhất trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung đang lâm vào bế tắc.
Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế cho biết, hiện nay vẫn còn nhiều dự đoán khác nhau rằng cuộc gặp song phương này là chính thức hay không chính thức, hoặc các cuộc thảo luận giữa họ có giải quyết được các tranh chấp thương mại hay không.
Ngoài cuộc gặp song phương, các cuộc gặp gỡ không chính thức trước và sau khi được Thủ tướng Abe kiến tạo sẽ tiến một chặng dài trong việc thể hiện mối quan hệ của ông với lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất hành tinh này. Mặc dù ông Abe ít có khả năng định hình về nội dung sâu hơn trong cuộc gặp giữa Trump- Tập, nhưng kết quả của nó cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Nhật Bản.
Ngoài vấn đề tháo gỡ bế tắc trong cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, vấn đề về biểu tình ở Hong Kong về việc đòi bỏ dự luật dẫn độ về Trung Quốc và vấn đề nhân quyền tại Tân Cương được cho là sẽ đưa ra bàn thảo tại cuộc gặp Trump- Tập.
Tuy nhiên, nếu mong đợi các vấn đề này sẽ được giải quyết tại một cuộc họp sẽ là không thực tế.
Cuộc gặp Trump-Putin
Quan hệ Nga- Mỹ căng thẳng, nhưng quan hệ cá nhân giữa ông Trump và ông Putin được cho là vẫn tốt đẹp.
Các vấn đề trong nước đối với ông Trump đều xuất phát từ báo cáo của luật sư đặc biệt Robert Mueller và sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016. Điều này tiếp tục vẽ ra một bức tranh ảm đạm cho các mối quan hệ Nga-Mỹ cũng phải đối phó với các can thiệp quân sự ở Ukraine, Syria, và giờ là ở Mỹ La tinh với Venezuela.
Mặc dù vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn duy trì mối quan hệ cá nhân tốt đẹp và mỗi khi gặp nhau, họ thể hiện thái độ thân thiện.
Không giống như Nhật Bản, nước không coi Nga là đối thủ chiến lược, Mỹ và lịch sử Chiến tranh Lạnh đảm bảo rằng bất kỳ cuộc gặp song phương nào giữa Mỹ và Nga cũng đều có ý nghĩa.
Ông Abe gặp ông Putin nhiều lần hơn bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới nào khác và ông có thể hỗ trợ cho chính sách ngoại giao của ông Trump, bao gồm cả nỗ lực giúp đỡ Triều Tiên và các vấn đề khác, nhưng kỳ vọng các vấn đề Nga – Mỹ sẽ được giải quyết tại G20 là rất thấp.
Cuộc gặp Trump-Erdogan
Quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã leo thang thời gian gần đây do Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 mới nhất của Nga.
Có lẽ đây là cuộc gặp cũng không kém phần thu hút sự chú ý của dư luận thế giới tại G20. Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan được cho là sẽ tháo gỡ ngòi nổ cho việc Thổ Nhĩ Kỹ sẽ tiếp nhận hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 mới nhất của Nga vào tháng tới.
Thỏa thuận mua bán này lại là một vấn đề quan trọng đối với Mỹ và NATO không chỉ là do hệ thống không tương thích với các hệ thống vũ khí của NATO, mà còn làm suy yếu khả năng tàng hình của máy bay chiến đấu F-35 và cung cấp dữ liệu về các lỗ hổng của nó cho Nga.
Trong khi cuộc khủng hoảng này đã diễn ra trong một thời gian dài, nhưng mọi ánh mắt dường như giờ vẫn đổ dồn vào cuộc gặp của hai vị lãnh đạo Mỹ- Thổ tại G20 vì nó được cho là cơ hội cuối cùng để ngăn chặn Quốc hội Mỹ ra quyết định trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì vụ mua vũ khí của Nga này.
Mặc dù các biện pháp trừng phạt có thể bị hạn chế, có lẽ chỉ nhắm vào những người tham gia thỏa thuận S-400, nhưng chúng sẽ đánh dấu lần đầu tiên các biện pháp như vậy được triển khai chống lại một đồng minh NATO.
Đối với Nga, đây lại đánh dấu thành công lớn nhất của nước này trong nỗ lực phá vỡ liên minh NATO.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28946-sap-dien-ra-ba-cuoc-gap-dinh-hinh-bau-khong-khi-the-gioi.html
Thượng đỉnh G20 nêu bật những quan tâm
về thương mại toàn cầu
Nhiều nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới tại hội nghị thượng đỉnh G20 lên tiếng bày tỏ quan ngại về những căng thẳng thương mại hiện nay và những nguy cơ đặt ra cho tăng trưởng toàn cầu, nhưng bất đồng về những vấn đề cơ bản như việc cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới, theo lời các phái đoàn nói với Reuters.
Các nhà lãnh đạo thế giới hôm 28/6 khai mạc hai ngày họp thượng đỉnh tại Osaka Nhật Bản.
Tất cả đều mỉm cười trước ống kính trong ngày đầu của cuộc họp, trong đó có cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngồi vào bàn hội nghị.
Tại đây, dường như Tổng thống Trump hạ nhiệt những cáo buộc về chuyện Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Tuy nhiên, các phái đoàn cho Reuters biết các nhà lãnh đạo G20 không đạt được thỏa thuận về nhiều vấn đề quan trọng trong nghị trình thượng đỉnh.
Họ bày tỏ quan ngại về hậu quả của cuộc thương chiến Mỹ-Trung. Chủ nhà của hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói những căng thẳng thương mại có thể đưa đến bất lợi cho tất cả mọi người.
Tokyo thúc đẩy một thông cáo chung của G20 nhấn mạnh đến việc quảng bá thương mại tự do như là một phương thức đẩy mạnh tăng trưởng toàn cầu, theo truyền thông Nhật Bản.
Tuy nhiên, các đại diện của Nga và Nhật nói với Reuters là kế hoạch “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thốn Trump và việc chính quyền ông không thích chủ nghĩa đa phương là những thách thức khó khăn đối với sự đoàn kết của G20.
Trong số những rạn nứt lớn nhất là bất đồng ý kiến về làm cách nào cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới WTO để đẩy mạnh hơn nữa kinh tế toàn cầu.
An ninh thông tin, biến đổi khí hậu và di dân cũng là những vấn đề gai góc.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói nước ông sẽ không ký thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh nếu không đề cập đến thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Hội nghị thượng đỉnh tiếp tục vào ngày thứ Bảy 29/6, với cuộc gặp bên lề hội nghị giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình được theo dõi chặt chẽ xem liệu có những dấu hiệu tích cực hay tiêu cực về tương lai thương mại toàn cầu hay không.
Thượng đỉnh Osaka: 19 nước G20 cam kết
thực thi Hiệp định Khí hậu Paris
Sau nhiều thương lượng cam go, rốt cuộc khối G20 đã ra được một thỏa thuận chung về vấn đề khí hậu, tái khẳng định các cam kết thực thi Hiệp định Paris 2015, theo công thức 19+1. Tức tất cả các quốc gia thành viên G20, ngoại trừ Hoa Kỳ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel xác nhận là G20, sau nhiều đàm phán căng thẳng, rốt cục đã đạt được một « văn bản tương tự » khẳng định « tính chất không thể đảo ngược » của các mục tiêu về Khí hậu, như hồi năm ngoái 2018, tức tại thượng đỉnh của khối tại Buenos Aires. Theo AFP, văn bản chỉ đã được thông qua ngay trước phiên bế mạc thượng đỉnh sáng hôm nay, 29/06/2019, tại Osaka, Nhật Bản.
Trong những ngày gần đây, giới quan sát nhiều lần nêu khả năng thượng đỉnh sẽ không ra được thỏa thuận chung, do các chia rẽ trong vấn đề khí hậu. Một số cường quốc, như Brazil, Ả Rập Xê Út hay Thổ Nhĩ Kỳ, có thể ngả theo Mỹ, quốc gia tuyên bố rút khỏi một hiệp định, vốn đã nhận được sự đồng thuận của toàn bộ cộng đồng quốc tế. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải lên tiếng cảnh báo là Paris sẽ không ký vào Tuyên bố chung, nếu G20 không đạt đồng thuận về vấn đề Khí hậu.
Theo phủ tổng thống Pháp, Liên Hiệp Châu Âu đã hết sức nỗ lực để « tối thiểu là duy trì được các cam kết (về khí hậu) tương tự với các thượng đỉnh trước ».
Trong cuộc họp báo sau khi G20 ra được Tuyên bố chung, hướng tới các lãnh đạo thế giới, tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu :
« Tôi cho rằng chúng ta đang ngày càng thoát ly khỏi thế giới. Các nhà khoa học mỗi ngày liên tục nhắc lại với chúng ta về các nghĩa vụ đối với vấn đề khí hậu, cũng như về lĩnh vực đa dạng sinh thái. Giới trẻ của chúng ta tại nhiều quốc gia thường xuyên nhắc nhở chúng ta về các nghĩa vụ. Trong khi đó, chúng ta tiếp tục tranh luận xem : Liệu chúng ta còn có quyền nói đến Thỏa thuận khí hậu Paris hay không.
Nhờ sự nỗ lực của Nhật Bản, với tư cách là chủ tọa, chúng ta đã đạt được các yếu tố cho phép duy trì mục tiêu của chúng ta. Cụ thể là tất cả các thành viên G20, bao gồm 19 nước, không kể Hoa Kỳ, đã tái khẳng định trong bản Tuyên bố chung các cam kết nhằm thực hiện Thỏa thuận Paris. Nhưng chúng ta sẽ phải đi xa hơn. Đó chính là thách thức của những tháng tới ».
Thượng đỉnh của khối G20 năm tới sẽ được tổ chức tại Ả Rập Xê Út, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đứng đầu thế giới, và đối tác chiến lược chính của Hoa Kỳ.
Bên cạnh khí hậu, khối 20 cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới cũng tìm được một thỏa hiệp trong lĩnh vực thương mại, cụ thể là « cam kết vì một nền thương mại toàn cầu công bằng, minh bạch và không kỳ thị », cũng như mệnh lệnh khẩn cấp cải cách Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) », như nhận định của thủ tướng Đức Angela Markel.
Liên Âu và khối Mercosur Nam Mỹ
đạt thỏa thuận về vùng tự do mậu dịch
Hôm qua, 28/06§2019, Ủy Ban Châu Âu và các nước Mercosur (gồm Brazil, Achentina, Uruguay và Paraguay) thông báo đạt thỏa thuận sơ bộ về một vùng tự do mậu dịch, được thương thuyết từ 20 năm nay. Lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu đánh giá đây là một « bước ngoặt lịch sử ». Ngược lại, giới bảo vệ sinh thái lo ngại thỏa thuận sẽ đẩy nhanh tiến trình hủy hoại môi trường, đặc biệt là rừng rậm Amazone, Nam Mỹ.
Thỏa thuận thương mại song phương Liên Âu – Mercosur sẽ cho phép giảm đến 99% hàng rào thuế quan đối với không chỉ các mặt hàng công nghiệp, nông nghiệp, mà còn liên quan cả đến dịch vụ, sở hữu trí tuệ, các thị trường có vốn đầu tư Nhà nước… Đây là một trong những vùng tự do thương mại rộng lớn nhất mà Liên Hiệp Châu Âu tham gia cho đến nay, với hơn 770 triệu dân cư và 18 nghìn tỉ euro GDP.
Thông tín viên Pierre Benazet tường trình từ Bruxelles :
« Đối với châu Âu, vấn đề thuế quan là khía cạnh quan trọng nhất của thỏa thuận này, bởi khối các quốc gia Mercosur trong hiện tại vẫn duy trì các hàng rào thuế hết sức bảo hộ. Ví dụ như 35% đối với xe hơi hay dệt may, và 27% với rượu vang. Cũng tương tự, nhiều sản phẩm của châu Âu với tên gọi xuất xứ kể từ giờ sẽ được bảo vệ tại khu vực Mercosur, nơi nhiều tên gọi như vậy được sử dụng rất phổ biến, như các loại rượu Porto, Champagne, jambon Parme hay pho mát Comté.
Đổi lại các nước Mercosur sẽ được mở cửa để đưa vào thị trường châu Âu các sản phẩm đường, ethanol, thịt gà và thịt bò. Thỏa thuận này sẽ phải được gắn liền với một thỏa thuận liên kết rộng lớn hơn bao gồm các lĩnh vực như môi trường, nhân quyền, hay di cư.
Những người cổ vũ hy vọng thỏa thuận sẽ được 28 quốc gia và Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn, bởi điều này cho thấy là tự do mậu dịch vẫn còn tồn tại, bất chấp chủ nghĩa bảo hộ, cô lập hiện nay của Hoa Kỳ. Ngược lại, thỏa thuận này gặp phải sự chống đối mạnh mẽ từ phía nhiều tổ chức phi chính phủ. Theo đó, thỏa thuận giữa Liên Âu và Mercosur sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp thực phẩm Brazil phá hủy rừng Amazone. Giới nhà nông châu Âu thì lo ngại sự xâm nhập của các mặt hàng thịt từ Nam Mỹ ».
Liên đoàn Nông Dân Pháp lên án một dự án hy sinh các ngành trồng trọt và chăn nuôi địa phương, nhân danh sự phát triển của một loại hình thương mại « ăn thịt người », « một cuộc chạy đua điên rồ vì tăng trưởng, mà nạn nhân là khí hậu, Trái đất và con người ». Nghiệp đoàn các Nhà nông trẻ (Jeunes agriculteurs) Pháp khẳng định thỏa thuận này đi ngược lại các nỗ lực tại Pháp và tại Liên Hiệp Châu Âu cổ vũ cho việc sản xuất ra các mặt hàng vừa có chất lượng cao hơn, vừa tôn trọng môi trường.
Hội nghị khẩn về hạt nhân Iran:
Teheran cho nỗ lực của châu Âu chưa đủ
Hôm qua, 28/06/2019, 5 nước tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, có cuộc họp khẩn với đại diện Teheran tại Vienna. Sau buổi họp, Teheran tuyên bố các tiến bộ vừa đạt được là chưa đủ để cứu vãn thỏa thuận.
Theo Reuters, đại diện của chính quyền Iran và đại diện ngành ngoại giao châu Âu, Helga Schmid, thông báo cơ chế Instex của châu Âu giúp Iran lách trừng phạt Mỹ đã chính thức đi vào hoạt động.
Cơ chế Instex (tên viết tắt của Instrument in Support of Trade Exchanges), theo sáng kiến của Pháp, Anh và Đức, đề xuất hồi tháng 1/2019, cho phép trao đổi thương mại với Iran không thông qua đồng đô la Mỹ. Cơ quan đối ngoại Liên Âu ra thông báo, cho biết tất cả các thành viên Liên Âu đều có thể tham gia vào cơ chế này. Tuy nhiên, nhiều nhà ngoại giao cũng khẳng định cơ chế Instex chỉ phục vụ cho việc trao đổi với khối lượng nhỏ đối với các hàng hóa như dược phẩm, chứ không thể dùng để thanh toán việc mua dầu của Iran với khối lượng lớn.
Về phía Hoa Kỳ, cũng ngày hôm qua, đặc sứ Mỹ về Iran Brian Hook, trong chuyến công du Anh, nhắc lại là các doanh nghiệp châu Âu chỉ có thể lựa chọn, hoặc làm ăn với Mỹ, hoặc với Iran.
Sau cuộc họp, đại diện Iran, thứ trưởng ngoại giao Abbas Araqchi, một mặt thừa nhận đã có một số tiến bộ trong việc hỗ trợ Iran vượt qua các hậu quả của trừng phạt Mỹ, nhưng điều này là « không đủ ». Ông Abbas Araqchi nhấn mạnh là để cơ chế Instex có hiệu quả với Iran, các nước châu Âu phải mua dầu của Iran. Nhà ngoại giao này cảnh báo, trong khi chờ đợi phía châu Âu nỗ lực hơn, Teheran sẽ tiếp tục tiến trình rút từ từ khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015.
Đầu tháng 5, Iran ra tối hậu thư sẽ rút khỏi nhiều cam kết quan trọng trong thỏa thuận 2015, kể từ ngày 7/7/2019, nếu không được châu Âu hậu thuẫn. Trên thực tế, chính quyền Teheran cũng tỏ ra thận trọng khi rút khỏi các cam kết của thỏa thuận 2015. Bởi một khi Iran từ bỏ các cam kết, các nước châu Âu có thể tái áp đặt các trừng phạt.
Chính quyền Iran từng tuyên bố sẽ không tuân thủ quy định không vượt quá 300 kg uranium dự trữ, kể từ ngày 27/06. Tuy nhiên, đúng vào ngày này, đã không có gì thay đổi. Một giới chức Iran cho biết lượng dự trữ uranium của Teheran hiện vẫn dưới trần cho phép là 2,8 kg.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190629-hoi-nghi-khan-ve-hat-nhan-iran
Anh em Trương Xuyên du học ở London về
đã thay đổi Nhật Bản
Nguyễn Giangbbcvietnamese.com
Mùa hè năm 2013, tôi được Đại sứ quán Nhật Bản mời dự một buổi lễ khá thú vị tại University College London (UCL).
Đó là dịp Anh và Nhật Bản kỷ niệm 150 năm chuyến sang London du học của năm anh em nhà Trương Xuyên, gọi là Choshu Five.
‘Người Nhật có tầm nhìn xa hơn người VN’
Người Việt ở Nhật: chuyện từ xưa tới nay
Du học Nhật Bản: Làm sao để thành công?
Singapore ‘đã bỏ xa Việt Nam’ nhiều năm
Đài Loan muốn xem tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức
Tại sự kiện này, người ta đọc lá thư riêng của Thủ tướng Shinzo Abe cảm ơn Đại học UCL đã giúp đào tạo thế hệ Âu học đầu tiên của Nhật.
Sau chuyến hải hành 135 ngày trốn đi trên tàu Jardine Matheson (dân Nhật tự ý xuất cảnh phải chịu tội tử hình), năm thanh niên đã tới London năm 1863.
Họ là nhóm sinh viên Nhật đầu tiên học ở một trường châu Âu và sau khi trở về, họ đều trở thành những lãnh đạo hàng đầu của Nhật Bản đúng vào thời Minh Trị.
Hirobumi Ito làm thủ tướng, người cha của Hiến pháp Nhật Bản
Kaoru Inoue thành bộ trưởng ngoại giao đầu tiên và được tôn vinh là ‘người cha của nền ngoại giao Nhật;
Yozo Yamao thành người sáng lập của ngành công nghệ và cơ khí Nhật Bản;
Masaru Inoue lập ra ngành hỏa xa theo chuẩn Anh Quốc và Kinsuke Endo nắm ngành tài chính, tiền tệ.
Tất nhiên, sau họ còn thêm nhiều người sang Phương Tây, nhưng ‘The Choshu Five’ là biểu tượng của thế hệ canh tân, hướng ngoại, xây dựng Nhật hùng cường.
Có nên so sánh?
Hôm nay nhìn lại, con số sinh viên Việt Nam du học nước ngoài đã lên tới hàng vạn.
Nếu tính các thế hệ đã sang Phương Tây, Liên Xô cũ và Đông Âu thì hàng trăm nghìn người Việt đã được học hành trong môi trường hiện đại hơn trong nước.
Vậy mà sang thế kỷ 21 lâu rồi, Việt Nam vẫn còn thuộc nhóm nước sắp có thu nhập trung bình, vẫn nhận, xin viện trợ… và thua Nhật Bản quá xa.
Câu hỏi tôi luôn băn khoăn là phải chăng chỉ 5 người Nhật làm nên kỳ tích duy tân cho nước họ, còn hàng vạn người Việt Nam học đủ nơi, đủ thứ chưa làm được gì?
Chất lượng con người có là yếu tố quyết định?
Ta hãy xem năm anh em họ Trương Xuyên là ai.
Dòng máu võ sĩ đạo
Họ đều là các võ sĩ đạo (samurai) và từ nhỏ sống theo quy tắc hành xử của dòng quý tộc Trương Xuyên (Choshu clan) có truyền thống chống ngoại bang.
Sau khi triều đình Tokugawa ký hòa ước Kanagawa (1854), dòng họ này tự tổ chức kháng chiến chống quân Anh, Pháp, Mỹ và Hà Lan.
Câu chuyện thật giống như khởi nghĩa của Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực chống Pháp ở Nam Bộ khi triều đình nhà Nguyễn chủ hòa.
Năm 1864, một năm sau khi các cậu thiếu niên họ Trương Xuyên tới Anh, cả gia tộc bị bị liên quân nước ngoài tiến đánh, pháo kích dữ dội.
Sau hai ngày chiến đấu, quân Trương Xuyên bị thua, nhiều samurai bị đạn súng và pháo hiện đại giết chết.
Hoàng thân Nagato, đứng đầu gia tộc, phải đã ký hòa ước Shimonoseki, nộp tiền phạt trị giá 3 triệu đô la.
Sự thất bại của dòng họ hẳn đã ảnh hưởng mạnh đến năm thanh niên du học ở Anh trở về vào năm 1868.
Đây là động lực lớn cho tinh thần cải cách của thế hệ samurai ‘gác kiếm cung theo nghiệp kinh bang tế thế’, chọn các giá trị Phương Tây rất sớm.
Lịch sử du học của người Việt Nam thì có vẻ khác.
Theo GS Vĩnh Sính, một trong những người Việt du học đầu tiên, Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) đã đọc ‘Tân Thư’ và có cùng quan điểm với các nhà cải cách của Nhật Bản thời Minh Trị.
Nhưng số phận buồn thảm của Nguyễn Trường Tộ và cho Đại Nam khi đó là các bản điều trần thống thiết của ông chẳng được vua quan thực hiện.
Thời Pháp các thanh thiếu niên, cả nam và nữ từ gia đình quan lại, tư sản được chọn sang Pháp học để về phục vụ chế độ thuộc địa của Pháp.
Trong số họ đã có nhiều nhà cải cách, và giai đoạn 1945-46 nhiều người đã về hoặc Hà Nội, hoặc Sài Gòn để giúp Việt Nam độc lập.
Chính phủ Trần Trọng Kim có đông trí thức nhất lại chỉ là nội các được Nhật trao quyền ngắn ngủi và ít thực chất vào năm 1945.
Chính phủ liên hiệp Việt Minh-quốc gia cùng năm còn nhiều trí thức nhưng đã nhanh chóng vào cuộc kháng chiến vì Pháp chiếm lại Đông Dương.
Thời Chiến tranh Lạnh, lãnh tụ chính trị cả ở Hà Nội và Sài Gòn đều không phải là trí thức du học từ Âu Mỹ trở về, mà là các nhà cách mạng, tướng lĩnh.
Rất nhiều thanh niên từ Việt Nam Cộng Hòa đã du học ở Phương Tây trở về nhưng chưa đóng góp được nhiều thì cuộc chiến kết thúc.
Sau 1975 đa số họ không được tham chính hay quản lý kinh tế vì lý lịch.
Hàng vạn sinh viên Việt Nam đã sang Liên Xô và Đông Âu học các ngành nghề nhằm trở về ‘xây dựng chủ nghĩa xã hội’ cho Việt Nam.
Ngoài một số môn khoa học kỹ thuật có ít nhiều ứng dụng, đa số các ngành nghề khác đều bất cập với thực tế một nước chưa phát triển.
Sau 1991 thì dự án chủ nghĩa xã hội phá sản, khiến hàng vạn trí thức ‘bị lịch sử bỏ rơi’, phải tự xoay xở thích ứng với điều kiện mới.
Nếu khó so sánh phẩm chất con người – khó nói trí thức du học của Nhật và Việt Nam, Trung Quốc ai yêu nước hơn – thì vấn đề là gì?
Tôi tin rằng vấn đề là ở chỗ cả năm anh em nhà Trương Xuyên đã may mắn được Nhật Hoàng Minh Trị sử dụng ngay, trao toàn quyền, rất nhiều quyền.
Ví dụ Hoàng thân Hirobumi Ito không chỉ lập ra nghị viện Nhật, soạn hiến pháp mà còn làm thủ tướng bốn lần.
Ông cũng được phong đại tướng quân đội Nhật Hoàng, thống đốc Triều Tiên (Resident-General) khi Nhật Bản chiếm bán đảo này.
Còn ở Việt Nam, tính cả trong thế kỷ 20 đến nay, chưa thấy các trí thức du học về có tinh thần khai phóng, cải cách được trao quyền và cầm quyền.
Ngày nay, số sinh viên du học tại các nước G7 cũng đã và đang ngày càng đông, lên tới hàng chục nghìn, thừa con số cho một bộ, ngành.
Họ đáng ra phải là nền tảng cho một cuộc canh tân mới, lớn hơn các thời đại trước.
Nhưng trong nhiều trường hợp, người ta du học là vì ‘di tản giáo dục‘, không có hoài bão về cải tổ quốc gia như năm sinh viên nhà Trương Xuyên.
Những người được nhà nước đầu tư, cử đi học thì về để phục vụ một bộ máy cũ kỹ, nhiều bất cập, không có quyền phê phán, thay đổi nó.
Gần đây có các ‘hạt giống đỏ’ du học về được phong chức quyền rồi bị ‘tống vào lò’, làm nảy sinh câu hỏi đến họ cũng ‘sai và xấu’ thì tương lai bộ máy sẽ ra sao?
Tất nhiên, nhiều người du học về đã làm trong khu vực công, các đại học, công ty nước ngoài, và đóng góp nhiều vào nền kinh tế đang bùng nổ, tăng trưởng đều.
Có những chuyên gia, nhà quản lý, nhà ngoại giao giỏi ngoại ngữ, đã và đang giúp thay đổi diện mạo quốc gia.
Gần đây, cộng đồng trí thức ở Việt Nam và hải ngoại vui mừng trước tin ‘Giáo sư quần đùi’ Trương Nguyện Thành về nước lại nhận chức… hiệu phó một đại học.
Cùng lúc, một bộ phận không nhỏ của bộ máy quan lại và con em họ vẫn dùng bằng giả, điểm thi giả để thăng tiến và thống trị.
Việt Nam bỏ ra hàng tỷ USD cho sinh viên du học ở các quốc gia tiên tiến nhất, nên sẽ là vô lý nếu mong họ trở về dùng kiến thức đó bồi đắp một lối mòn.
Nghịch lý này nói lên rất nhiều về tính phù phiếm, hoang phí thời gian, tiền bạc của Việt Nam, nhất là khi ta thấy người Nhật chỉ cần 5 sinh viên mở đường là đủ.
Nhật Bản có là biệt lệ?
Cũng có thể, Nhật Bản duy tân thành công là một biệt lệ, không phải quy luật và Việt Nam đã không học được gì và sẽ chẳng học được gì.
Tuy thế, cũng có những điều mang tính quy luật: môi trường cởi mở sẽ khuyến khích sáng tạo.
Môi trường mới ở University College London đã làm được điều mà chế độ phong kiến sứ quân Nhật Bản không làm được: bao dung và đoàn kết.
Sau nhóm Choshu có thêm 19 thanh niên từ gia tộc thù địch Satsuma cũng sang trường UCL, nhưng chính tại London hai nhóm đã kết nghĩa tâm giao.
Các sinh viên này không biết rằng ở nhà, hai gia tộc Choshu và Satsuma cũng xóa bỏ thù hằn, lập một liên minh quân sự (Satcho Alliance).
Ba năm sau cuộc chiến thất bại trước liên quân nước ngoài, đến năm 1867, hai dòng này hợp sức giúp nhà vua lật đổ chế độ Tokugawa, mở ra thời Minh Trị.
Trước khi mở cửa tiếp nhận văn hóa Phương Tây, người Nhật đã hòa giải xong với nhau.
Tấm bia mà Nhật Bản tặng trường UCL có dòng chữ:
るばるとこころつどいてはなさかる
Harubaru to kokoro tsudoite hana sakaru
‘When distant minds come together, cherries blossom’
Vừa có hình ảnh văn hóa Nhật, vừa nêu ra một triết lý, câu này có thể tạm dịch là:
‘Khi những tư tưởng từ nơi xa hội ngộ, hoa anh đào bừng nở’.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-48465512
Báo Nhật chia sẻ cho Mỹ
cách ‘thoát phụ thuộc’ đất hiếm TQ
Xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc một lần nữa lại trở thành đề tài được quốc tế chú ý quan sát, sau gần 10 năm quốc gia này hạn chế xuất khẩu để trừng phạt Nhật Bản.
Thời báo Nikkei, Nhật Bản, đã đăng tải một bài viết của ký giả Tomio Shida, về kinh nghiệm của các doanh nghiệp Nhật Bản trong thời kỳ khủng hoảng đất hiếm, giữa bối cảnh Hoa Kỳ và châu Âu có thể gặp khó khăn về nguồn cung loại kim loại này.
Trong báo cáo mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã tiết lộ chính sách nhằm tăng sản xuất khoáng sản đất hiếm trong nước, một số sẽ được sử dụng trong các sản phẩm tinh vi như nam châm hiệu suất cao.
Động thái này được đưa ra khi Trung Quốc bắt đầu gây ồn ào về việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm, trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, khi Hoa Kỳ đang chiếm phần lớn sản lượng tiêu thụ các kim loại này trên thế giới.
Shida cho biết, để giảm bớt tác động của các động thái từ Trung Quốc, Hoa Kỳ có thể tham khảo các cách thức Nhật Bản đã thực hiện sau khi bị thiếu hụt nguồn cung vào năm 2010.
Thị trường đất hiếm có quy mô nhỏ, dễ bị tác động
Có 17 nguyên tố đất hiếm, bao gồm neodymium và dysprosium, được sử dụng để chế tạo ra nam châm nhẹ hiệu suất cao. Đất hiếm được sử dụng trong một loạt các sản phẩm, bao gồm động cơ điện, ổ đĩa cứng, máy bay không người lái và thiết bị gia dụng.
Theo báo cáo từ tháng 9/2014 của Tập đoàn Dầu khí và Kim loại Quốc gia Nhật Bản, Jogmec, Nhật Bản và Trung Quốc cung cấp khoảng 90% tổng nhu cầu tiêu thụ đất hiếm trên thế giới. Thống kê mới nhất cho thấy Hoa Kỳ và Châu Âu không phải là những quốc gia có lượng tiêu thụ đất hiếm nhiều nhất thế giới, tổng cộng khoảng 180.000 tấn mỗi năm.
Tuy nhiên, đất hiếm là nguyên liệu thiết yếu cho các hệ thống dẫn đường tên lửa, laser và hệ thống thông tin liên lạc. Các loại máy bay chiến đấu tiên tiến cũng không thể thiếu chúng. Chính phủ Hoa Kỳ vì thế hoàn toàn có lý do để lo lắng về khả năng cắt giảm sản lượng của Trung Quốc đối với các lô hàng đất hiếm.
Nam châm Neodymium được sử dụng trong một loạt các sản phẩm, bao gồm cả động cơ cho xe điện. (Ảnh: Hitachi/Nikkei)
Trong quá khứ, Hoa Kỳ, với mỏ Mountain Pass, từng là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới, cùng với Úc. Sau đó, vào những năm 1990, Trung Quốc mở rộng xuất khẩu, đồng thời xác định kim loại đất hiếm là nguồn lực chiến lược và đẩy mạnh sản xuất để xây dựng dự trữ ngoại hối. Trước sự gia tăng sản lượng của Trung Quốc, các mỏ đất hiếm của Hoa Kỳ và Úc đã ngừng hoạt động. Điều này khiến Trung Quốc đóng góp tới 70% đến 80% sản lượng quặng đất hiếm trên toàn cầu.
Cung cấp đất hiếm – “đòn bẩy chính trị” của Trung Quốc
Từ năm 2006, việc khai thác đất hiếm của Trung Quốc đã chuyển sang chủ yếu đảm bảo nguồn cung cho ngành sản xuất trong nước, kiểm soát xuất khẩu thông qua thuế quan và hạn ngạch. Với vị thế là nhà cung cấp chính của thế giới, nên Trung Quốc đã dùng việc này như đòn bẩy chính trị.
Sau sự cố tàu đánh cá Trung Quốc va chạm với tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản gần Quần đảo Senkaku, nhóm đảo mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Diaoyu, Bắc Kinh gần như ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản.
Sự gián đoạn nguồn cung đột ngột đã khiến Nhật Bản bị một “cú sốc đất hiếm”. Giá cả tăng vọt và duy trì ở mức cao cho đến mùa hè năm 2011, đạt mức giá gấp vài chục lần so với trước đó. Điều này đã giáng một đòn nghiêm trọng vào Nhật Bản.
Năm 2012, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc.
Đài Loan khác gì Trung Quốc
Nhật Bản tổn thất vì sự thất thường của Trung Quốc
Sau khi WTO kết luận vào năm 2014 rằng các hạn chế và thuế xuất khẩu đã vi phạm các hiệp định của WTO, Bắc Kinh đã cho dừng cách làm này. Sau khi xuất khẩu của Trung Quốc trở lại bình thường, giá đã giảm mạnh. Kết quả là nhiều công ty Nhật Bản phải chịu tổn thất vì họ đã tích trữ hàng tồn kho quá nhiều để chống lại sự gián đoạn nguồn cung tiềm năng.
Ngay cả khi không có những hành vi thất thường của Trung Quốc, thì thị trường đất hiếm cũng dễ bị biến động do quy mô thị trường nhỏ. Các công nghệ mới cũng có khả năng tác động tới nhu cầu tiêu thụ. Thậm chí vấn đề còn phức tạp hơn nữa do sự gia tăng gần đây trong đầu cơ của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Giá của neodymium, sau khi giảm xuống dưới 40 đô la/kg do bán đầu cơ, đã lại nhảy vọt lên 45- 50 đô la/kg sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi đất hiếm là tài nguyên chiến lược.
Không có nhiều khả năng về việc Trung Quốc sẽ lại sử dụng lại cách thức các hạn chế xuất khẩu như trước đây đã bị WTO cảnh cáo. Nhưng họ vẫn có thể hạn chế nguồn cung, với lý do cần phải quản lý thị trường. Mặc dù tổng khối lượng đất hiếm mà ngành công nghiệp tiêu thụ là nhỏ, nhưng bất kỳ sự tăng giá mạnh nào cũng sẽ là một cú hích lớn. Do đó, điều quan trọng là phải thực hiện các bước để đa dạng hóa nguồn cung cấp, giảm tiêu thụ và phát triển công nghệ tái chế.
Bài học kinh nghiệm của doanh nghiệp Nhật Bản
Trước cú sốc đất hiếm vào năm 2010, Hitachi Metal, một nhà sản xuất nam châm neodymium lớn của Nhật Bản, đã bắt đầu cải cách quy trình để giảm chất thải trong việc chế tạo nam châm và cắt giảm mức tiêu thụ đất hiếm. Theo một đại diện của công ty, nỗ lực đó đã thành công trong việc giảm một nửa lượng dysprosium – chất được sử dụng để cải thiện hiệu suất nam châm ở nhiệt độ cao – trong các sản phẩm của mình.
Một yếu tố khác giúp giảm tiêu thụ là thu nhỏ kích thước của động cơ điện. Động cơ nhỏ hơn thì cần ít neodymium hơn. Nên ngày nay, dù Nhật Bản sản xuất nhiều chạy bằng điện hơn so với một thập kỷ trước, nhưng nhu cầu về kim loại đất hiếm đã giảm khoảng 30% so với năm 2008 xuống còn 4.900 tấn vào năm 2018, theo Hiệp hội Kim loại mới của Nhật Bản.
Tìm nhà cung cấp khác ngoài Trung Quốc cũng là rất cần thiết. Ngoài việc tăng nhập khẩu từ Úc, các nhà sản xuất Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng cường tái chế đất hiếm từ chất thải. Việt Nam trở thành nhà cung cấp đất hiếm lớn nhất của Nhật Bản trong năm 2017, với các lô hàng 3.800 tấn, cao hơn mức 3.735 tấn từ Trung Quốc.
Một công ty con của Toyota Tsusho ở Ấn Độ được thành lập để hạn chế sự phụ thuộc của công ty vào Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất toàn bộ neodymium và ba loại đất hiếm khác vào năm 2016. “Ngoài việc nhập khẩu trực tiếp từ Ấn Độ, chúng tôi nhập khẩu một lượng lớn đất hiếm được xử lý tại các nước thứ ba”, Masaharu Katayama, Giám đốc điều hành phụ trách tài nguyên kim loại SBU cho biết.
Với năng lực sản xuất khổng lồ, Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò lớn trong thị trường đất hiếm. Nhưng phát triển công nghệ để giảm tiêu thụ và đa dạng hóa nguồn cung có thể giảm bớt phụ thuộc vào đất hiếm xuất khẩu của Trung Quốc.
Shida cho rằng chính phủ cần duy trì kho dự trữ để giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp tư nhân, đồng thời việc chia sẻ thông tin về dự trữ với các đối tác ở Hoa Kỳ và Châu Âu cũng rất quan trọng.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28956-bao-nhat-chia-se-cho-my-cach-thoat-phu-thuoc-dat-hiem-tq.html
Biểu tình Hong Kong liệu có chết yểu?
Cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ của người dân Hong Kong ‘sẽ không hạ nhiệt’ cho dù gặp nhiều bất trắc và chính quyền Hong Kong sẽ tìm mọi cách hóa giải mặc dù sẽ khó khăn hơn thời Phong trào Dù Vàng, theo nhận định của các nhà quan sát.
Cuộc biểu tình rầm rộ nhất ở Hong Kong trong hàng chục năm qua sắp bước vào tuần lễ thứ ba trong lúc có nhiều dấu hiệu cho thấy người biểu tình sẽ có một cuộc biểu dương lực lượng lớn vào thứ Hai 1/7/2019 nhân kỷ niệm 22 năm ngày Hong Kong được Anh trao trả về cho Trung Quốc.
Cuộc xuống đường của hàng triệu người Hong Kong có mục tiêu chính là đòi hủy bỏ dự luật dẫn độ sang Trung Quốc. Sau khi dự luật này được tuyên bố đình hoãn, người biểu tình Hong Kong tiếp tục xuống đường yêu cầu phải bãi bỏ hoàn toàn thay vì hoãn lại, và yêu sách thêm một bước nữa là Đặc khu trưởng, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (tức Carrie Lam), phải từ chức.
Phong trào Dù Vàng hồi năm 2014, có mục tiêu là đòi phổ thông đầu phiếu trong bầu Đặc khu trưởng và Hội đồng Lập pháp, mặc dù cũng diễn ra rầm rộ và kéo dài nhiều tháng nhưng cuối cùng không đạt được nhượng bộ từ phía chính quyền trong khi các lãnh đạo của phong trào bị bắt và bị kết án tù.
Trao đổi với VOA Việt ngữ, ông Raymond Yam, phóng viên Ban Tiếng Quảng Đông của VOA vốn theo dõi chặt chẽ cuộc biểu tình ở Hong Kong, cho rằng tình hình hiện nay sẽ không như hồi năm 2014.
Sẽ biểu tình lớn?
Ông cho biết sau khi Hong Kong ‘thay đổi chủ quyền’ vào năm 1997 thì trong những năm gần đây, năm nào người dân cũng xuống đường tuần hành kỷ niệm sự kiện này và đòi chính quyền Bắc Kinh giữ lời hứa là ‘thực thi dân chủ’.
Nhưng trong bối cảnh hiện nay với sự phẫn nộ đối với dự luật dẫn độ của chính quyền bà Lâm, ông Yam cho rằng người dân Hong Kong sẽ xuống đường rầm rộ vào ngày 1/7 tới để bảo vệ những quyền tự do dân sự của họ để ‘Trung Quốc không đối xử với họ như với bất cứ thành phố nào khác trong đại lục’.
“Tôi đồ rằng sẽ có rất nhiều người tham dự. Nhiều người nói rằng sẽ có khoảng từ 1 đến 2 triệu người,” ông Yam nói.
Khi được hỏi tại sao người biểu tình không thỏa mãn sau khi bà Lâm đã thông báo ‘hoãn vô thời hạn’ dự luật dẫn độ, ông Yam nói rằng ‘đó chỉ là thủ đoạn’ của chính quyền Hong Kong.
“Rất nhiều người ngay cả cựu Chủ tịch của Hội đồng Lập pháp (LegCo) đã chỉ ra rằng không có cái gọi là ‘hoãn lại’ bởi vì hoặc là anh rút lại toàn bộ dự luật hoặc là anh tiếp tục xúc tiến nó bởi vì nó đã được đưa ra xem xét lần hai,” ông nói.
“Rất nhiều người không tin tưởng chính quyền này bởi vì đây không phải là chính quyền do người dân, vì người dân,” ông nói thêm và cho biết nhiều nhà tranh đấu ở Hong Kong trong nhiều năm qua đã thấy ‘rất nhiều sự dối trá’ của chính quyền.
“Không có gì đảm bảo rằng họ không đưa dự luật trở lại trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ của họ khi họ đột nhiên thấy rằng thời cơ đang đứng về phía họ. Hơn nữa, Hội đồng Lập pháp Hong Kong bị chi phối bởi những chính trị gia thân Bắc Kinh chứ không phải những đại biểu đại diện cho ý kiến của số đông cử tri,” ông phân tích.
Sẽ mất thời cơ?
Trả lời câu hỏi nếu như chính quyền bà Lâm không nhượng bộ thêm nữa thì liệu cuộc biểu tình có tiếp tục kéo dài mãi cho đến khi đạt được mục tiêu hay không, ông Yam cho rằng ‘đó là kịch bản không hay’ đối với người biểu tình.
“Không ai biết được phong trào kéo dài bao lâu nhưng nó sẽ mất thời cơ nếu như kéo dài quá lâu,” ông giải thích.
“Thật ra, rất nhiều nhà bình luận cho rằng chính quyền Bắc Kinh lẫn Hong Kong đều muốn phong trào kéo dài càng lâu càng tốt bởi vì họ biết rằng thời gian đang đứng về phía họ.”
“Nhiều người sẽ trở nên nản lòng nếu mọi việc kéo dài quá lâu và có khả năng sẽ có sai lầm xảy ra. Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh và Hong Kong đều đang chờ đợi cơ hội người biểu tình sẽ phạm sai lầm. Khi đó họ sẽ có cái cớ để đàn áp,” ông nói
Về sự ủng hộ của công chúng đối với phong trào liệu có duy trì được lâu hay sẽ có sự mỏi mệt và mong muốn trở lại cuộc sống bình thường, ông Yam nói nhiệt huyết của mọi người ‘sẽ cạn đi’ nếu biểu tình kéo dài nhưng nó ‘cũng tùy vào chính quyền có làm gì đó mang tính khiêu khích hay không’ vì khi đó thì cuộc biểu tình ‘sẽ có thời cơ mới’.
Ông cũng cho rằng rất khó có khả năng Bắc Kinh sẽ dùng vũ lực để đàn áp ở Hong Kong.
“Hong Kong không phải là Bắc Kinh,” ông nói với ý nhắc đến Thảm sát Thiên An Môn cách nay 30 năm. “Hong Kong là một thành phố quốc tế. Thông tin cần phải được lưu chuyển vào và ra không có giới hạn. Nếu chính quyền đột nhiên thông báo họ sẽ chặn truyền thông thì Hong Kong sẽ chết ngay lập tức vì Hong Kong là một trung tâm tài chính dựa rất nhiều vào dòng chảy thông tin.”
‘Trí tuệ nhân tạo’
Nhà báo Yam cũng so sánh cuộc biểu tình hiện nay với Phong trào Dù Vàng mà ông cho rằng Bắc Kinh sẽ gặp khó khăn hơn nếu muốn đàn áp.
Phong trào Dù vàng có người lãnh đạo, có người đứng ra tổ chức, kêu gọi, vận động mọi người tham gia còn cuộc biểu tình hiện nay thì không, ông phân tích.
“Nếu anh bắt giữ người lãnh đạo thì toàn bộ phong trào sẽ chấm dứt,” ông nói về Phong trào Dù Vàng. “Nhưng lần này anh không biết ai là người lãnh đạo cả.”
“Mọi người trao đổi thông tin và đưa ra quyết định thông qua mạng xã hội, tất cả đều là nhắn tin trên mạng,” ông nói thêm.
“Tất cả những người biểu tình đều là lãnh đạo và họ có thể hiệu triệu 1 triệu hay 2 triệu người xuống đường rồi còn hơn 1.500 người đi đến lãnh sự quán các nước phương Tây để nộp thỉnh nguyện thư và còn quyên góp được rất nhiều tiền để đăng quảng cáo trên các tờ báo quốc tế.”
“Có người thậm chí còn mô tả phong trào như ‘trí tuệ nhân tạo’ bởi vì người biểu tình tự học từ những sai lầm trong quá khứ và tiếp tục điều chỉnh, tiếp tục thay đổi,” ông giải thích. “Phong trào không có hình dạng, không có xu hướng. Không ai có thể dự đoán được nó sẽ đi theo hướng nào.”
Kêu gọi nước ngoài
Khi được hỏi việc người biểu tình tìm đến lãnh sự quán 19 nước để nhờ sự can thiệp từ nước ngoài có phải là hành động khôn ngoan và được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Hong Kong hay không, ông Yam cho rằng ‘hành động này đã đem lại những kết quả tích cực’.
Ông cho rằng 5 năm trước trong Phong trào Dù Vàng nếu ai đó đề xuất kêu gọi sự can thiệp từ bên ngoài thì nhiều người sẽ phản ứng rất tiêu cực hoặc sẽ suy nghĩ lại hoặc lo lắng đó sẽ là một sai lầm.
Tuy nhiên, ông nói rằng nếu các nước phương Tây, nhất là Mỹ, đưa ra các biện pháp chế tài về kinh tế đối với chính quyền và cá nhân dính vào đàn áp thì ‘điều đó sẽ có tác dụng’ và nhắc đến một dự luật được đưa ra thảo luận ở Quốc hội Mỹ với tên gọi ‘Dự luật về Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong’.
“Nếu như Mỹ nói sẽ hủy visa hay đóng băng tài sản ở Mỹ thì điều này sẽ khiến nhiều nhà lập pháp thân Bắc Kinh ở Hong Kong sợ hãi,” ông phân tích. “Đó là lý do tại sao chúng ta nghe thấy trong những tuần qua những lời kêu gọi cảnh sát giữ bình tĩnh từ những nhà lập pháp thân Bắc Kinh.”
Có cực đoan hóa?
Trả lời câu hỏi người biểu tình Hong Kong, chủ yếu là giới trẻ, liệu có đi theo con đường cực đoan và bạo lực hóa nếu họ trở nên mất kiên nhẫn hay không, ông Yam nói rằng ông ‘không tin’ điều này sẽ xảy ra.
“Ở bất kỳ xã hội nào cũng có nhóm nhỏ những người muốn hành xử bạo lực… nhưng nhìn chung trong cuộc biểu tình ở Hong Kong mọi người không muốn có hành động bạo lực bởi vì họ biết rằng điều đó sẽ cho chính quyền cái cớ để đàn áp,” ông nói và nhắc đến hành động ‘rẽ sóng’ của đám đông biểu tình một cách tự giác nhường đường cho xe cứu thương là bằng chứng người biểu tình ‘hành động có lý trí’.
“Cho đến giờ anh không thấy có bất cứ vụ đốt xe nào hay có ai làm hư hại nghiêm trọng tài sản cá nhân hay có người nào bị thương. Những người bị thương đều là do hành động của cảnh sát,” ông nói và cho biết số lựu đạn cay mà cảnh sát ném ra ‘gần gấp đôi so với hồi phong trào Dù Vàng’.
Ông Yam cũng nói rằng những nhóm bạo lực là ‘những người muốn phá hoại toàn bộ phong trào để cho tất cả những người biểu tình bị quy kết là bạo lực’.
Số phận bà Lâm
Về số phận của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, ông Yam đồng ý rằng bà Lâm đang chơi chiến thuật ‘ẩn mình’ để chờ đợi sóng gió qua đi.
Ông nói rằng bà Lâm còn có thể tại vị hay không phụ thuộc vào Bắc Kinh. Ngay cả việc bà chủ trương Luật dẫn độ ‘cũng không phải hoàn toàn là chủ ý của Bắc Kinh’ mà nhiều người tin rằng đó là ‘chủ ý của bà Lâm’ để lấy điểm trước Bắc Kinh với hy vọng được tái đắc cử trong nhiệm kỳ tới, ông cho biết.
“Chính quyền Bắc Kinh để cho bà ấy làm và chờ xem bà ấy có làm được không. Nếu được thì ghi điểm cho bà ấy còn nếu không bà ấy sẽ trở thành vật tế thần. Nhiều người nói rằng giờ đây bà ấy đã trở thành vật tế thần,” ông phân tích. “Dĩ nhiên bà ấy chọn thời điểm sai lầm (trong bối cảnh chiến tranh thương mại và Thượng đỉnh G20).”
Tuy nhiên, theo lời ông thì Bắc Kinh không thể để bà Lâm ra đi ngay lúc này vì ‘để giữ thể diện’.
“Chủ tịch Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Ông ấy không thích thất bại. Ông ấy muốn giữ thể diện,” ông Yam giải thích và nhắc đến việc Thủ tướng Shinzo Abe tại hội nghị G20 đã công khai nói trước mặt ông Tập về vấn đề Hong Kong khiến ông Tập mất mặt mặc dù trước đó Trung Quốc đã cảnh báo là ‘họ không cho phép bất kỳ nước nào đưa ra vấn đề Hong Kong tại hội nghị G20’.
“Sẽ bẽ bàng đến mức nào đối với một người có cái tôi lớn như vậy? Ông Tập sẽ ghi nhớ chuyện này. Ông ấy sẽ thay bà Lâm. Đó chỉ là vấn đề thời gian,” ông nói.
Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc không thể để bà Lâm ra đi ngay vì không muốn bị nhìn nhận là ‘yếu ớt’
“Hãy để cho bà ấy làm cho hết nhiệm kỳ rồi ra đi,” ông phân tích về lập trường của Bắc Kinh. “Hoặc sẽ có một cuộc cải tổ nội các để cho Thư ký Trưởng (Chief Secretary – Chánh vụ Ty trưởng) sẽ nắm nhiều quyền hành gần như là một Đặc khu trưởng.”
“Nhưng có lẽ vẫn còn quá sớm để nói nhất là mọi người vẫn chờ xem số lượng người xuống đường vào ngày 1/7. Nếu như đó là con số khổng lồ, như trên hai triệu người, thì chính quyền Hong Kong và Bắc Kinh có lẽ sẽ hoảng sợ và suy nghĩ lại,” ông nói.
Huawei Trung Quốc thua kiện
công ty thiết kế chip của Mỹ
Một bồi thẩm đoàn Hoa Kỳ hôm thứ Tư (26/6) đã bác bỏ cáo buộc rằng nhà thiết kế vi mạch California CNEX Labs Inc đánh cắp bí mật thương mại từ công ty điện tử khổng lồ Trung Quốc Huawei Technologies, theo Reuters.
Huawei đã kiện CNEX tại Tòa án quận Sherman, bang Texas, với cáo buộc công ty Mỹ chiếm đoạt các bí mật thương mại liên quan đến công nghệ kiểm soát bộ nhớ.
Ngược lại, CNEX đã đệ đơn kiện Huawei, cáo buộc công ty Trung Quốc tìm cách đánh cắp công nghệ của họ bằng cách đóng giả làm khách hàng và cho rằng những khiếu nại của Huawei là một phần mô thức để chiếm đoạt bí quyết của hãng khác.
Bồi thẩm đoàn đã ra phán quyết rằng Huawei chiếm đoạt các bí mật của CNEX, nhưng không đưa ra mức phạt nào.
Luật sư trưởng của CNEX, ông Matthew Gloss nói với Reuters: “Đây là một chiến thắng cho nguyên tắc thượng tôn pháp luật và cho các tiêu chuẩn toàn cầu về hành vi đạo đức của doanh nghiệp. Trường hợp này không phải là vì tiền.”
Chính quyền Tổng thống Trump đã ra lệnh cấm các cơ quan nhà nước mua thiết bị viễn thông Huawei, và cấm các công ty Mỹ làm ăn với Huawei, tuyên bố tập đoàn Trung Quốc này là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Theo Reuters, Huawei đã đệ đơn kiện lệnh cấm bán hàng của Hoa Kỳ tại một tòa án ở Texas. Hai đơn vị thuộc Huawei đang phải đối mặt với các cáo buộc tại tòa án liên bang ở Seattle về âm mưu đánh cắp bí mật thương mại của T-Mobile US Inc từ năm 2012 đến 2014.
Trung Quốc lên giọng cứng rắn
trước cuộc gặp Trump-Tập
Trung Quốc có giọng điệu cứng rắn với Mỹ trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Tập và một số nhà phân tích cho rằng thời gian đang đứng về phía họ nếu cuộc chiến thương mại này kéo dài nên họ không vội đạt được một thỏa thuận với Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có cuộc gặp song phương vào trưa ngày 29/6 bên lề thượng đỉnh G20 ở Osaka ở Nhật Bản, sự kiện được cả thế giới theo dõi sát sao với hy vọng nó sẽ phá vỡ thế bế tắc giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với kênh Fox Business Network hôm 26/6, ông Trump tiếp tục có giọng điệu cứng rắn khi đe dọa rằng ông sẵn sàng áp thuế đối với 300 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, nếu nước này không đồng ý ký vào một thỏa thuận thương mại.
“Kế hoạch B của tôi là nếu chúng tôi không đạt được thỏa thuận, tôi sẽ đánh thuế và có thể không ở mức 25%, nhưng có thể là 10%,” ông Trump cho biết và nói thêm rằng Hoa Kỳ có thể ‘ngày càng bớt làm ăn với Trung Quốc’.
Tuy nhiên, lời đe dọa của ông Trump dường như không làm cho Bắc Kinh thay đổi lập trường mà trái lại họ còn có giọng điệu mạnh mẽ hơn nữa ngay trước thềm cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.
“Người dân Trung Quốc không sợ bất kỳ kẻ xấu hay áp lực nào. Chúng tôi sẽ không chấp nhận lời đe dọa này”, ông Cảnh Sảng, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm 27/6 khi ông nhắc đến lời đe dọa của ông Trump.
Không mong có thỏa thuận?
Tờ Hoàn cầu Thời báo, tờ báo nổi tiếng với lập trường diều hâu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, không đặt hy vọng vào triển vọng đạt được thỏa thuận trong cuộc gặp Trump-Tập tại G20.
“Có khả năng hai nhà lãnh đạo ra về mà không đạt được bất kỳ đột phá nào”, ông Tống Quốc Hữu, giám đốc Trung tâm Ngoại giao Kinh tế của Đại học Phúc Đán, được Hoàn cầu Thời báo dẫn lời và lưu ý rằng đe dọa của Mỹ làm xấu đi triển vọng của cuộc gặp và các cuộc đàm phán thương mại sau đó.
Theo tờ báo này, cuộc gặp Trump-Tập diễn ra ‘theo yêu cầu từ phía Mỹ’, chứ không phải từ Trung Quốc.
Hoàn cầu Thời báo cũng dẫn lời các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng chính Trump là người đang cần một thỏa thuận hơn ai hết vì nền kinh tế Mỹ đang tổn thương.
“Trump đang hứng chịu đau đớn, đó là lý do tại sao ông ấy muốn nói chuyện với Trung Quốc”, ông Lương Hải Minh, viện trưởng khoa Viện Vành đai và Con đường tại Đại học Hải Nam, người theo theo dõi các cuộc đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, được dẫn lời nhận định.
Tại một cuộc họp báo hôm 28/6, ông Cao Phong phát ngôn nhân Bộ Thương mại Trung Quốc, nói rằng 96% đại diện doanh nghiệp Hoa Kỳ đã chống lại đề xuất thuế quan của Hoa Kỳ trong các phiên điều trần đang diễn ra và cho rằng chúng có thể gây thiệt hại 1 nghìn tỷ đô la cho nền kinh tế Hoa Kỳ, cũng theo tờ báo Trung Quốc có tinh thần dân tộc chủ nghĩa này.
Tờ báo này cũng cho biết ‘toàn xã hội Trung Quốc đang nỗ lực để chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ’ và ‘tình cảm chống Mỹ và tinh thần yêu nước đang tăng cao ở Trung Quốc’.
“Đối với Trung Quốc, kịch bản tồi tệ nhất đã được dự báo và nó sẽ không trở nên tồi tệ hơn nữa,” ông Lương được dẫn lời nói và lưu ý rằng nền kinh tế Trung Quốc đủ kiên cường để chịu được áp lực.
Thời gian đứng về phía Trung Quốc?
Ngoài Trung Quốc, quyết định của ông Trump tiến hành chiến tranh thương mại với hầu hết các nền kinh tế lớn đã làm suy yếu vị thế của nước này trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, đặc biệt là tại G20, nơi chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hóa kinh tế vẫn là chủ đề chính, các nhà phân tích Trung Quốc được dẫn lời cho biết.
Trong cuộc phỏng vấn với Fox Business, Trump không chỉ nhắm vào Trung Quốc mà còn đả kích ‘gần như tất cả các quốc gia trên thế giới này’ mà ông cho là đã ‘lợi dụng nước Mỹ một cách khủng khiếp’. Các đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Âu và châu Á không hề được Trump bỏ qua.
“Tôi không nghĩ rằng thế giới có thể chấp nhận điều này từ [Trump] nữa”, ông Lương nói thêm và lưu ý rằng khi Mỹ bước vào chu kỳ bầu cử Tổng thống, ‘thời gian đang đứng về phía Trung Quốc’.
Theo tờ báo này thì những yêu cầu của Trung Quốc đối với Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại đã được giới chức nước này công khai: gỡ bỏ toàn bộ thuế quan, Trung Quốc mua thêm hàng hóa của Mỹ phải ở mức hợp lý và câu chữ trong thỏa thuận thương mại phải tôn trọng phẩm giá và chủ quyền của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm đối với công ty viễn thông Trung Quốc Huawei như một phần của bất kỳ thỏa thuận thương mại tiềm năng nào.
“Trừ khi Mỹ đưa ra những nhượng bộ lớn, Trung Quốc sẽ không lùi bước trước những yêu cầu then chốt,” tờ báo này viết.
‘Rủi ro đối với Trump’
Đài NBC dẫn lời một số phân tích gia của Mỹ cũng cho rằng ông Trump sẽ không thực sự hành động như những lời nói mạnh miệng của ông ấy.
“Câu hỏi thực sự về việc liệu chính quyền Mỹ có thực sự sẵn sàng áp tất cả các thuế quan này hay không – tôi nghi ngờ vì điều này sẽ có nghĩa là áp thuế đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc,” ông Mike Jakeman, chuyên gia kinh tế cao cấp tại PwC, công ty kế toán và tư vấn có trụ sở ở London, được NBC dẫn lời nói.
“Điều đó sẽ dẫn đến lạm phát trong nước và đột nhiên anh sẽ thấy những người tiêu dùng giận dữ tại sao giá chiếc iPhone mà họ mua mới lại tăng đáng kể, ông nói.
“Và trong năm bầu cử, khi Trump đã nói rất nhiều về thành tựu kinh tế của mình, có lẽ ông ấy không muốn có rủi ro đó.”
Trêm Twitter, ông Trump ca ngợi thành công kinh tế của Mỹ mỗi ngày, từ số lượng việc làm kỷ lục đến chỉ số cao trên thị trường chứng khoán. Và chính gia tài về kinh tế đó đã cho phép ông đối xử với Trung Quốc theo kiểu chính sách đối ngoại, chứ không đơn thuần chỉ là kinh tế, Jakeman nói thêm.
“Một điều đáng chú ý là Trump đã đi được gần 3/4 chặng đường trong nhiệm kỳ của mình mà không thực sự có một quyết định khó khăn nào về nền kinh tế – ông đã có một lợi thế thực sự vững chắc vốn cho phép ông theo đuổi chiến lược chính sách đối ngoại của mình,” ông Jakeman nói.
Còn đối với Trung Quốc, tranh chấp thương mại với Mỹ cũng là vấn đề tự hào dân tộc như thành công kinh tế.
Và theo James McGregor, một tác giả, nhà báo và doanh nhân người Mỹ đã sống ở Trung Quốc hơn 25 năm và hiện là chủ tịch của công ty tư vấn APCO Worldwide, Trung Quốc có thể có nhiều thời gian hơn Mỹ, mặc dù kinh tế trong nước chậm lại.
“Tôi nghĩ chúng ta cần phải nhớ: Tập Cận Bình không cần phải tái đắc cử vào năm 2020. Nhưng Donald Trump thì cần. Và khi có thêm thuế quan và chúng thực sự làm tổn thương nền kinh tế Hoa Kỳ, thị trường chứng khoán sẽ lao dốc, Trump muốn thị trường chứng khoán tăng trở lại trước cuộc bầu cử,” ông phân tích.
“Vì vậy, tôi nghĩ Trung Quốc có thể kiên nhẫn hơn Mỹ trên vấn đề này, bởi vì bây giờ nó bị bao trùm chặt chẽ trong tinh thần dân tộc Trung Quốc vì vụ Huawei, ông nói với ý nhắc đến tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc vốn đã bị cấm mua thiết bị của các công ty Mỹ.
(Theo NBC, Global Times)
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-len-giong-cung-ran-truoc-cuoc-gap-trump-tap-/4978215.html
Vi phạm nhân quyền ở TQ
Thượng nghị sỹ Macro Rubio và Bob Menendez, hai đồng chủ tịch của Ủy ban Điều hành Nghị viện Hoa Kỳ về Trung Quốc (CECC) của Hoa Kỳ đã bày tỏ lo ngại về vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc trong báo cáo thường niên của mình, theo Sunshine State News.
Ở nhiều nơi trên thế giới, mọi người có thể tự do bày tỏ ý kiến của mình mà không sợ ảnh hưởng. Tuy nhiên, mọi thứ có thể trở nên rất khác biệt nếu một người bày tỏ quan điểm của mình ở Trung Quốc.
Vào tháng 9 năm 2015, Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ Marco Rubio (Đảng Cộng hòa, bang Florida) đã phát động một chiến dịch truyền thông xã hội có tên là “#expressionNOToppression” (tạm dịch: Không áp bức ngôn luận) để nêu bật các vấn đề nhân quyền đang diễn ra trên khắp thế giới. Hai năm sau, vào năm 2017, ông Rubio khởi động lại chiến dịch gây chú ý dành cho các tù nhân chính trị bị giam giữ trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Cuba, Venezuela, Iran và Trung Quốc.
Ông Rubio hy vọng rằng chiến dịch của mình sẽ thay cho tiếng nói của những người không thể nói.
Tháng 7 năm 2017, ông Rubio đã đưa ra trường hợp của một nhà hoạt động nhân quyền người Nga, Ildar Dadin, người đã bị cầm tù vì tham gia vào một hội nghị mà chính quyền cho là trái phép. “Anh ấy đã bị bắt vì đã tham gia một hội nghị thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình”, ông Rubio viết trên tài khoản Twitter của mình.
Ngoài ra, trong chiến dịch của mình, ông Rubio cũng nói về các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc liên quan đến hai luật sư Jiang Tianyong và Tang Jingling. Họ đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khai trừ khỏi đoàn luật sư vì ủng hộ nhân quyền. Những việc hai ông đã làm khiến nhà cầm quyền Trung Quốc thấy khó chịu là làm luật sư bào chữa cho những người bất đồng chính kiến, ủng hộ vị luật sư mù cũng là nhà hoạt động nhân quyền Trần Quảng Thành, luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh, ủng hộ các học viên Pháp Luân Công và những vụ kiện nhân quyền khác.
Giải mã thất bại của Trung Quốc khi che giấu sự thật về Pháp Luân Công
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn khí công tu luyện theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn, gồm các bài giảng về đạo đức và các bài tập nhẹ nhàng. Kể từ khi được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992, hơn 100 triệu người trên khắp thế giới đã bắt đầu thực hành.
Riêng tại Trung Quốc, Tổng Bí thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã ra lệnh đàn áp môn này từ năm 1999 đến nay, sau khi có thống kê cho biết số học viên ở Trung Quốc nhanh chóng vượt quá số lượng đảng viên đương thời (khoảng 65 triệu).
Ông Rubio và hạ nghị sỹ Christopher Smith, đồng chủ tịch của CECC, từng viết một lá thư chung gửi Giám đốc FBI Christopher Wray vào ngày 10/10/2018 để yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra về mối đe dọa đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và cộng đồng người Hoa đang sống ở Hoa Kỳ.
Cùng ngày, CECC cũng đã ban hành báo cáo thường niên năm 2018 nhấn mạnh tình hình nhân quyền ở Trung Quốc. Bản báo cáo tóm tắt có đoạn, “Trung Quốc là một nước theo chủ nghĩa độc tài, điều này đã đe dọa trực tiếp các quyền tự do cũng như các giá trị và lợi ích quốc gia sâu sắc nhất của chúng ta”.
Ông Smith cho biết: “Bản báo cáo này đã làm sáng tỏ sự thất bại của chính phủ Trung Quốc khi không tuân thủ các tiêu chuẩn phổ quát; nó cho thấy rõ những trường hợp tù nhân chính trị bị tra tấn và lạm dụng. Ngay cả theo tiêu chuẩn thấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, năm nay vẫn là một năm mà quốc gia này sử dụng đàn áp mạnh mẽ”.
“Tình hình ở Tân Cương và cộng đồng người thiểu số Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc thực sự kinh khủng, và nó cũng cho ta thấy rõ các chiến thuật giám sát người dân của Trung Quốc, đe dọa đến quyền lợi cơ bản của con người”, ông Rubio cho biết.
Lịch sử che giấu tội ác của chính quyền Trung Quốc
Ông Rubio, ông Smith và ông Menendez không phải là những người duy nhất đứng ra chỉ trích chính quyền Trung Quốc đàn áp công dân của mình. Hơn chục thượng nghị sỹ như David Perdue, Ted Cruz và Tim Kaine… đã lên tiếng chống lại các vi phạm, đồng thời lên án ĐCSTQ về những hành động vi phạm nhân quyền.
Thượng nghị sỹ Purdue cho biết: “Từ việc đốt Kinh thánh và phá hủy các nhà thờ Thiên Chúa giáo đến tập trung đàn áp hàng trăm ngàn người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, chính phủ Trung Quốc đang gây ra nỗi kinh hoàng cho chính người dân của họ. Hoa Kỳ phải lên án những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng này. Tôi kêu gọi các đồng nghiệp của mình hợp tác với Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo để buộc họ phải chịu trách nhiệm”.
Tổng thống Trump tuyên bố ngày 16/1/2019 là Ngày Tự do Tín ngưỡng Quốc gia, và kêu gọi quốc gia bảo vệ di sản tự do tín ngưỡng ngay tại nước Mỹ và trên toàn thế giới. “Quyền tự do tín ngưỡng là quyền cơ bản liên quan tới phẩm giá của mỗi con người và là nền tảng cho việc theo đuổi sự thật”, ông Trump nói.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28958-vi-pham-nhan-quyen-o-tq.html
Các giám mục phản đối ‘điều tra chung’ với TQ
về vụ đắm tàu ở Biển Đông
Một số lãnh đạo nhà thờ của Philippines đã tham gia vào cuộc phản đối ngày càng tăng đối với đề xuất điều tra chung giữa Philippines và Trung Quốc về vụ chìm tàu đánh cá ở Biển Đông, theo UCA News.
Vào ngày 9/6, một chiếc tàu đánh cá của Philippines đã đắm gần gần rạn san hô Bãi Cỏ Rong (Reef Bank), một khu vực tranh chấp ở Biển Đông, sau khi bị một tàu cá Trung Quốc đâm trúng trong lúc đang neo đậu.
Qua lời kể, tàu Trung Quốc được cho là đã bỏ mặc 22 ngư dân Philippines trên chiếc thuyền đang chìm dần. Một tàu đánh cá Việt Nam sau đó đã giải cứu toàn bộ các ngư dân và chuyển họ đến một tàu Philippines khác.
Bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 12/6 đã lên tiếng chỉ trích hành vi “hèn nhát” của tàu Trung Quốc và cảm ơn tàu Việt Nam đã cứu giúp các ngư dân Philippines.
Ngày 21/6, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin tuyên bố không chấp nhận lời đề nghị “điều tra chung” của Trung Quốc. Ngay ngày hôm sau, dinh tổng thống đảo ngược phát biểu
của ngoại trưởng, tuyên bố rằng chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đồng ý điều tra chung với Trung Quốc về vụ việc
Đáp lại quyết định này, Giám mục Arturo Bastes ở Sorsoghon cho rằng một cuộc điều tra về vụ việc nên được tiến hành bởi một cơ quan độc lập thay vì các quan chức của cả hai nước. “[Đó] là cách tốt nhất để tìm hiểu sự thật”, ông nói.
“Phải tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng, vô tư và độc lập”, Đức cha Ruperto Santos ở Balanga nói.
Giám mục phụ tá Broderick Pabillo ở Manila nói rằng Philippines không chỉ nên thực hiện một cuộc điều tra trung thực mà còn “nên phản đối Trung Quốc”.
“Chúng ta không nên từ bỏ chủ quyền của chính mình. Việc bỏ rơi những ngư dân không may mắn đã là một trường hợp nghiêm trọng”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, một thượng nghị sĩ phe đối lập cho biết một cuộc điều tra chung có thể vi phạm Bộ luật Thủy sản của đất nước, trong đó quy định chính phủ phải bảo vệ sự an toàn của nguồn lợi thủy sản của đất nước.
“Một phần cũng của nhiệm vụ của chính phủ là giải quyết sự xâm nhập bất hợp pháp của nước ngoài vào vùng biển của chúng ta”, Thượng nghị sĩ Francis Pangilinan cho biết trong một tuyên bố.
Thượng nghị sĩ nói rằng “sẽ không bao giờ có một cuộc điều tra công bằng giữa một người bị áp bức và người kia là kẻ áp bức, khi một người là nạn nhân và người kia là hung thủ.”
TT Duterte:
‘Cứ việc luận tội tôi đi, tôi sẽ bỏ tù hết’
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hăm dọa sẽ bỏ tù các đối thủ chính trị đòi luận tội ông, trong động thái mới nhất mà một giới chức hàng đầu Liên Hiệp Quốc và một nhóm nhà lập pháp châu Á trong tuần này mô tả là một chuỗi hành vi đàn áp và tấn công vào quyền tự do ngôn luận.
Ông Duterte trút cơn giận dữ của ông vào chiều tối thứ Năm 27/6 giữa lúc truyền thông đang theo sát những diễn biến và những lời tố cáo rằng ông Duterte đứng về phía Trung Quốc trong vụ một tàu đánh cá Philippines bị đâm chìm ngày 9 tháng 6 bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Nhà lãnh đạo gây nhiều tranh cãi của Philippines lặp lại lập luận của Bắc Kinh, cho rằng đó là một tai nạn, không phải là một vụ đâm tàu có chủ ý. Ông còn cố tình giảm nhẹ tầm quan trọng của sự hiện diện của ngư dân Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nói rằng ông cho phép sự hiện diện đó vì tình bạn với Trung Quốc.
Một số nhà phê bình được nhiều người biết tiếng, trong đó có một thẩm phán hàng đầu và một cựu bộ trưởng ngoại giao, miêu tả phát biểu của ông Duterte “vi phạm hiến pháp, và là cơ sở để ông Duterte có thể bị mang ra luận tội”.
“Luận tội tôi à? Tôi? Tôi sẽ tống giam tất cả bọn chúng”, ông Duterte nói với các phóng viên. “ Cứ thử luận tội tôi đi, tôi sẽ bỏ tù ngay. Đồ chó đẻ!”
Ông thách thức:
“Tôi thách mấy người làm điều đó. Mấy người thực sự muốn buộc tôi phải hành động? Đuợc. Bọn chó đẻ, hãy thực hiện ý định đi. Hãy luận tội tôi đi. Lập hồ sơ đi!.”
Một phúc trình do nhóm Các nhà Lập pháp ASEAN vì Nhân quyền công bố hôm thứ Ba tuần này chỉ trích chính quyền của TT Duterte về những “lời hăm dọa và ngôn ngữ hung hăng, đi kèm với những cáo buộc phóng đại chống lại các đối thủ chính trị, có thể cấu thành “những hành động cố ý để bịt miệng giới chỉ trích và làm suy yếu các cơ chế kiểm tra và cân bằng quyền lực”.
Cao ủy Nhân quyền Hoa Kỳ Michelle Bachelet hôm thứ Hai cảnh giác là người Philippines đã lên tiếng về những lời đe dọa công khai của các quan chức nhà nước, đang đối mặt với nguy cơ bạo lực thực sự,
Trong khi mức độ ủng hộ đối với ông Duterte, và quyền hạn mà ông được ủy thác, đã được củng cố trong các cuộc bầu cử giữa kỳ hồi gần đây, vụ tàu Philippines bị đâm chìm đã gây chú ý ở trong nước về những khiếm khuyết trong chính sách đối ngoại mà ông cổ vũ, là không đối đầu với Trung Quốc để đổi lấy các ưu đãi về kinh tế.
https://www.voatiengviet.com/a/duterte-cu-luan-toi-toi-di-toi-se-bo-tu-het/4978124.html