Tin Việt Nam – 27/06/2019
Hành xử khác biệt của ngành tư pháp Việt Nam
Trung Khang, RFA
Điều 16, chương 2, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Thế nhưng, qua nhiều vụ việc được ghi nhận trong thực tế, có sự khác biệt rõ ràng trong tiến trình tư pháp đối với người vi phạm là thường dân và người vi phạm là quan chức.
Nhiều nhân vật bất đồng chính kiến, nhiều nhà hoạt động nhân quyền đã bị đưa ra xét xử trong những phiên tòa chóng vánh, kết án nặng nề mà luật sư bào chữa chỉ ra những sai phạm trong tiến trình tố tụng…
Điển hình như vụ án đối với blogger được nhiều người biết đến là Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh hay trong thời gian qua là các phiên xử hơn 120 người tham gia biểu tình phản đối Dự thảo Luật Đặc khu Kinh tế và Dự thảo Luật An ninh mạng hồi tháng 6 năm 2018. Rất nhiều người trong số họ đã bị xét xử tập thể và thời gian xử án chỉ 1 ngày mà không hề có luật sư…
Trong một số vụ án hình sự xét xử đối với những tội danh về xâm phạm an ninh quốc gia mà tôi có dịp tham gia bào chữa với tư cách là luật sư, thì hồ sơ truy tố không có chứng cứ hoặc chứng cứ không thuyết phục. Nhưng tất cả đều dễ dàng được tòa án chấp nhận là chứng cứ hợp pháp để kết tội và tuyên hình phạt rất nặng.
-Luật sư Đặng Đình Mạnh
Trong khi đó ngược lại, đối với nhiều quan chức chính quyền Việt Nam phạm tội, tiến trình tố tụng được thực hiện theo đúng qui định của pháp luật. Vụ việc mới nhất được công luận quan tâm là vụ ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Đà Nẵng, sàm sỡ bé gái trong thang máy ở chung cư Galaxy 9, quận 4 thành phố Hồ Chí Minh. Sau nửa ngày xử kín đối với ông này hôm 25 tháng 6, Hội đồng Xét Xử quyết định trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, khi trao đổi với chúng tôi qua tin nhắn từ Sài Gòn hôm 26/6/2019 cho rằng, như hầu hết các quốc gia có nền tư pháp tiên tiến trên thế giới, thì luật pháp Việt Nam cũng có quy định về nguyên tắc “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Thế nhưng, trong thực tế thì nguyên tắc này đã không được bảo đảm thực hiện. Điều này công chúng nhận thấy rất rõ đối với tài phán hành chính và đặc biệt trong tài phán hình sự. Ông trình bày tiếp:
“Trong một số vụ án hình sự xét xử đối với những tội danh về xâm phạm an ninh quốc gia mà tôi có dịp tham gia bào chữa với tư cách là luật sư, thì hồ sơ truy tố không có chứng cứ hoặc chứng cứ không thuyết phục. Nhưng tất cả đều dễ dàng được tòa án chấp nhận là chứng cứ hợp pháp để kết tội và tuyên hình phạt rất nặng.
Nhưng bên cạnh đó, đối với các quan chức phạm tội, cho dù mức độ sai phạm và hậu quả gây ra cho xã hội vô cùng lớn thì hình phạt lại thường được tuyên rất nhẹ nhàng. Điển hình, một cựu phó thống đốc ngân hàng gây thất thoát đến con số khổng lồ là 15 nghìn tỷ đồng cùng với một số hành vi vi phạm pháp luật khác chỉ phải chịu mức án nhẹ như bỡn : 3 năm tù.
Điều này gây xói mòn lòng tin của công chúng vào hệ thống tư pháp hiện tại của nước nhà.”
Người được Luật sư Đặng Đình Mạnh nhắc đến là nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình, hôm 2/7/2018 bị Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh tuyên phạt 3 năm tù giam về tội ‘thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, dẫn đến việc gây ra tổn thất 15.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng, tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (Trustbank).
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 26/6 từ Sài Gòn, Luật sư Nguyễn Văn Miếng, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh, đưa ra ý kiến của mình:
“Đại diện Việt Nam đã nói trong các phiên giải trình với quốc tế, là luật pháp Việt Nam không phân biệt tội phạm chính trị, cũng như đối với tội hình sự khác. Nhưng thực tế, những người phạm tôi về an ninh đã được cơ quan tố tụng chăm sóc rất đặc biệt, những người vi phạm an ninh quốc gia thì họ xử rất là nặng. Tôi thấy 2 năm gần đây họ xử nặng hơn các năm trước.”
Riêng đối với quan chức phạm tội thì Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho rằng thật ra, cũng là giữa họ với nhau, có thể họ đã áp dụng đúng luật, hoặc rất nhiều các tình tiết giảm nhẹ, như có công với nhà nước hay cha mẹ của họ có công…
Từ Sài Gòn, cựu tù chính trị, nhà báo Nguyễn Ngọc Già, nhận định:
“Việc xử ông Nguyễn Hữu Linh vừa qua là xử theo dư luận thôi, dư luận làm dữ quá nên buộc họ phải xử như vậy. Nhưng họ lại không thấy được, chính cái cách xử tưởng chừng như tôn trọng pháp luật, tôn trọng nhân quyền lại là con dao hai lưỡi thông qua việc chạy trốn của Nguyễn Hữu Linh trước hàng chục ống kính của báo chí, thoải mái đưa tin, không hề bưng bít che dấu, các phóng viên được tự do tác nghiệp, đó là con dao hai lưỡi cho đảng cộng sản Việt Nam hiện nay. Còn đối với chuyện xử những người bất đồng chính kiến, tù nhân lương tâm, thì họ rất khắc nghiệt, bởi vì đơn giản một điều, họ thấy những người ví dụ như tôi và rất nhiều các bạn tù khác là sự an nguy cho sự tồn vong của chế độ cộng sản.”
Tương tự, cựu tù chính trị Blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, khi trả lời RFA trước đây về các phiên tòa xử Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, cũng cho biết có nhiều điều kỳ quặc và bất công. Chẳng hạn sau khi khai mạc phiên tòa sơ thẩm, thì phóng viên các báo có mặt đầy đủ. Nhưng khi phiên tòa diễn ra thì báo chí phải đi ra ngoài, chỉ còn lại truyền hình của An Ninh thôi. Blogger Điếu Cày cho rằng vì là ‘án bỏ túi’, lấy trong túi ra đọc, nên nếu mà để báo chí theo dõi thì không thể nào bưng bít được.
Trong nhiều năm là luật sư bào chữa cho nhiều vụ án chính trị, Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho rằng, bất công nhất là vụ án với cáo buộc ông Michael Phương Minh Nguyễn với tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’:
“Nếu mà nói bất công nhất thì tôi cho rằng là vụ ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ xử Michael Phương Minh Nguyễn, Huỳnh Đức Thanh Bình, Trần Long Phi cùng bố của
Huỳnh Đức Thanh Bình là ông Huỳnh Đức Thịnh về tội không tố giác tội phạm. Riêng ba người bị ghép tội an ninh quốc gia thì bị chụp mũ việc ‘quốc nội quật khởi’, trong khi bản thân họ đến với nhau không hề có khái niệm đó. Cho đến khi có những e-mail hướng dẫn họ trong các phiên biểu tình thì mới có đề cập đến tiêu chí… chứ họ không hề chủ trương trước.
Nếu mà nói bất công nhất thì tôi cho rằng là vụ ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ xử Michael Phương Minh Nguyễn, Huỳnh Đức Thanh Bình, Trần Long Phi cùng bố của Huỳnh Đức Thanh Bình là ông Huỳnh Đức Thịnh về tội không tố giác tội phạm.
-Luật sư Nguyễn Văn Miếng
Đối với ông Thịnh thì, thì trước đây tương tự chỉ án treo nhưng kỳ này họ tuyên 1 năm tù giam. Tôi cho rằng phiên vừa rồi các bị cáo bị oan nhất, và họ áp dụng mức án cho một tổ chức, những năm gần đây án cho người đứng đầu tổ chức là 15 năm tù giam, và cấp thấp hơn là 12 năm tù giam.”
Trong phiên tòa kết thúc chỉ trong vòng buổi sáng ngày 24/6/2019 tại Tòa án nhân dân TPHCM, công dân Mỹ gốc Việt Michael Phương Minh Nguyễn bị tuyên 12 năm tù giam, Huỳnh Đức Thanh Bình và Trần Long Phi bị tuyên lần lượt 10 năm tù và 8 năm tù giam, với cùng cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Riêng ông Huỳnh Đức Thịnh bị tuyên 1 năm tù giam với cáo buộc “không tố giác tội phạm” và Ông Lê Quốc Phong bị truy nã.
Ngoài ra, công dân Mỹ Michael Phương Minh Nguyễn sẽ bị trục xuất sau khi thi hành xong bản án, ông Bình và ông Phi sẽ bị quản chế thêm 3 năm sau án tù và bị tước các quyền công dân.
Một cựu tù chính trị khác là ông Lê Thăng Long, khi trả lời RFA qua điện thoại từ Sài Gòn hôm 26/6/2019, nhớ lại những phiên tòa mà mình và các bằng hữu bị đưa ra xét xử:
“Thật sự việc xét xử khi đó đã không khách quan, khi chúng tôi đưa ra những tiếng nói thể hiện quyền tự do ngôn luận, cũng như khi chúng tôi trao đổi để tìm ra giải pháp cho đất nước, thì bị gán ghép, cho đó là chống đối. Điều đó không đúng với những cam kết của Việt Nam đối với những công ước quốc tế về quyền con người.”
Theo Luật sự Mạnh, nguyên nhân của sự bất công này dễ được xác định là do hệ thống tài phán không độc lập. Các thẩm phán không thuần túy tuân thủ luật pháp mà đã bị tác động bởi các yếu tố chính trị hoặc của các thế lực gây ảnh hưởng đến quyết định của phiên xét xử. Mất lòng tin. Cho nên, công chúng chứng kiến ngày càng nhiều các hành vi người dân tự mình ban phát công lý hơn là nhờ đến luật pháp. Điều đó thật sự nguy hiểm, vì môi trường xã hội trở nên hỗn loạn, kém an toàn.
Hàng chục người bỏ mặc
cô gái bị nạn trên vỉa hè Sài Gòn cho đến chết
Tin Saigon.- Báo Thanh niên ngày 27 tháng 6 năm 2019 loan tin, vào khoảng 3 giờ 12 phút đêm ngày 25 tháng 6, tại giao lộ đường Tân Hương với Võ Công Tồn, phường Tân Quý, quận Tân Phú, Sài Gòn xảy ra một tai nạn chết người do sự vô cảm của người dân.
Chiếc xe gắn máy do nam thanh niên chở theo sau chị Nguyễn Thị Mỹ Tiến, 25 tuổi, quê Bến Tre đã lao vào góc tường một nhà dân với tốc độ cao. Hậu quả, cả hai người văng khỏi xe, ngã bất tỉnh xuống vỉa hè. Hình ảnh trong camera ở hiện trường ghi lại cho thấy, khoảng vài giây sau khi tai nạn xảy ra, có hai xe gắn máy đi ngang qua hiện trường nhưng không dừng lại. Và chỉ vài phút sau, có hàng chục người khác đi qua, từ tài xế lái xe taxi, người đi bộ, người đi xe gắn máy, người đi xe đạp… Tất cả những người này, có người chạy xe chầm chậm qua, có người chỉ đứng nhìn, có người lại gần vài ba lần nhưng cuối cùng thì tất cả đều bỏ mặc nạn nhân đang gặp nạn mà bỏ đi. Đến khoảng 3 giờ 16 phút, nam nạn nhân tỉnh dậy, cố lết ra lòng đường kêu cứu nhưng đáp lại chỉ là sự thờ ơ đến đáng sợ của đồng loại. Đến khoảng hơn 3 giờ 18 phút, nam nạn nhân đã rời khỏi hiện trường, còn lại chị Tiến.
Theo thống kê từ clip, trong vòng 11 phút sau khi xảy ra sự việc, tại hiện trường có 5 chiếc xe hơi, 1 chiếc xe ô tô tải, hơn 32 chiếc xe gắn máy, một chiếc xe đạp, một người đàn ông đi bộ đi qua, nhưng tất cả đều bỏ mặc người bị nạn. Chị Tiến sau đó đã tử vong. Và chỉ đến khi trời sáng rõ, công an mới có mặt.
Sự việc trên một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về sự thờ ơ đến ghê rợn của xã hội Việt Nam. Dưới sự cai trị của nhà cầm quyền CSVN, người dân Việt đang trở nên thờ ơ với nhiều vấn đề chính trị, xã hội, lòng nhân ái… Đã có nhiều trường hợp, người dân sau khi cứu người bị nạn phải ra trước vành móng ngựa.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/hang-chuc-nguoi-bo-mac-co-gai-bi-nan-tren-via-he-sai-gon-cho-den-chet/
Công chứng viên bị tuyên 8 năm tù
vì “trưng cầu dân ý bầu Đào Minh Quân”
Ông Trần Công Khải (56 tuổi), công chứng viên thuộc Văn phòng công chứng quận 7 vừa bị TAND TPHCM tuyên 8 năm tù giam vào sáng 27/6/2019 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Các báo trong nước loan tin vào chiều 27/6, dù trước đó không có phương tiện truyền thông nào đề cập đến việc bắt giữ ông Khải.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân TPHCM, thông qua mạng xã hội, ông Trần Công Khải đã bị bà Kelly Triệu, công dân Mỹ lôi kéo, hướng dẫn làm thủ tục tham gia vào tổ chức “Chính phủ Quốc gia VIệt Nam lâm thời” giao nhiệm vụ kêu gọi nhiều người tham gia “trưng cầu dân ý” bầu ông Đào Minh Quân làm Tổng thống trở về Việt Nam lãnh đạo đất nước.
Cáo trạng cũng quy kết ông Khải biết tổ chức do ông Đào Minh Quân dẫn đầu hoạt động nhằm mục đích lật đổ Nhà nước Việt Nam nhưng ông Khải vẫn đăng ký tham gia. Không những thế, ông Khải còn lôi kéo người khác tham gia vào tổ chức.
Báo Công an TPHCM còn chỉ ra việc ông Khải cùng ba người khác trò chuyện, bàn bạc việc thực hiện các hoạt động phá hoại hội nghị APEC diễn ra tại Việt Nam hồi cuối 2016, đầu năm 2017 và lập danh sách lôi kéo nhiều người tham gia vào hoạt động “phản động, chống phá Nhà nước Việt Nam.”
Cơ quan ngôn luận của Công an thành phố HCM cho hay, sau khi bị bắt và tại tòa ông Khải thành khẩn khai báo và tỏ thái độ ăn năn, hối cải, mong được pháp luật khoan hồng.
Từ đầu năm 2019 đến nay, Việt Nam đã kết án hơn 20 người vì các nhóm tội liên quan đến An ninh quốc gia.
Ân xá Quốc tế hồi tháng 5 công bố bản danh sách 128 tù nhân hiện đang bị chính quyền Việt Nam cầm giữ chỉ vì thực hiện các quyền được ghi trong hiến pháp một cách ôn hòa.
Vụ án xe container tông xe khách đi lùi trên cao tốc:
Tài xế bị buộc tội
Tài xế Lê Ngọc Hoàng trong vụ án xe container tông xe khách đi lùi trên cao tốc tiếp tục bị đề nghị truy tố về tội vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Trang tin Pháp Luật , vào ngày 27 tháng 6, dẫn nguồn từ Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên cho biết cơ quan này vừa hoàn tất kết luận điều tra và ra quyết định tiếp tục đề nghị truy tố tài xế Lê Ngọc Hoàng, 31 tuổi với cáo buộc vi phạm quy định về tốc độ theo Điều 12 Luật Giao thông đường bộ, và vi phạm khoản 1 Điều 5 Thông tư 91/2015 của Bộ Giao thông-Vận tải, không giảm tốc độ khi có biển báo “đi chậm”.
Vụ xe container do lái xe Lê Ngọc Hoàng điều khiển đâm vào xe khách đi lùi trên cao tốc xảy ra vào ngày 19/11/2016 khiến 4 người tử vong tại chỗ và 6 người khác bị thương.
Vụ án đã được xét xử phúc thẩm vào tháng 11/2018. Bị cáo Lê Ngọc Hoàng bị tuyên 6 năm tù và phải bồi thường 400 triệu đồng. Lái xe Ngô Văn Sơn, người lùi xe trên cao tốc bị tuyên án 9 năm tù.
Kết quả phiên tòa phúc thẩm tuyên cho tài xế Lê Ngọc Hoàng vấp phải sự phản đối trong dư luận và Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội, ông Phạm Văn Hà yêu cầu rút hồ sơ vụ án này để xem xét, nếu đủ cơ sở sẽ kháng nghị giám đốc thẩm bản án của tòa Thái Nguyên.
Theo Pháp Luật, Cảnh sát Điều tra Công an thị xã Phổ Yên vẫn cho rằng hành vi của tài xế Lê Ngọc Hoàng đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ tại khoản 3, Điều 202 Bộ luật Hình sự 1999.
Cảnh sát Điều tra Công an thị xã Phổ Yên cũng cáo buộc tài xế Ngô Văn Sơn lái xe khách Innova, 41 tuổi, vi phạm về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ tại khoản 3, Điều 202 Bộ luật Hình sự 1999 do chở quá số người, có nồng độ cồn khi lái xe và lùi xe trên đường cấm lùi.
Cả hai tài xế Lê Ngọc Hoàng và Ngô Văn Sơn bị đề nghị truy tố với cùng tội danh ở mức khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù.
Người dân xã Long Hưng Đồng Nai
trưng hòm để quyết tử với quân cướp đất
Tin Đồng Nai, Vietnam.- Ngày 27 tháng 6 năm 2019, thông tin trên trang facebook của nhà báo Trương Châu Hữu Danh cho biết, sáng cùng ngày 27 tháng 6, nhiều người dân ở xã Long Hưng, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai đã có những hành động tuyên chiến với đội quân cướp đất.
Trước đó, vào năm 2008, Uỷ ban tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt dự án Khu đô thị Kinh tế mở Long Hưng cho tập đoàn DonaCoop làm chủ đầu tư. Theo đó, dự án này sẽ lấy 1,276ha đất của bà con nông dân xã Long Hưng, đồng nghĩa với việc xã Long Hưng sẽ bị xoá sổ để nhường chỗ cho dự án. Theo người dân, xã Long Hưng có địa thế đẹp khi vừa giáp Sài Gòn, vừa nằm bên cạnh sông Đồng Nai. Vì vậy nhà cầm quyền tỉnh Đồng Nai muốn cấu kết với các công ty để cướp đất của người dân khi chỉ trả cho dân với giá 60,000 đồng một m2, và sau khi cướp được thì bán với giá 29 triệu đồng một m2, chênh lệch đến 483 lần.
Với quyết tâm giữ đất, người dân xã Long Hưng đã đứng lên chống lại hành động san bằng mặt đất của nhà cầm quyền và phía công ty. Đên 18 tháng 2 năm 2009, nhà cầm quyền đã bắt 680 người dân Long Hưng, trong đó có 46 người bị kết án tù với tổng cộng 140 năm tù giam, trong số những người đi tù, có người quá căm phẫn đến mức đã tự tử trong trại giam.
Trong sáng ngày 27 tháng 6 2019, khi biết tin nhà cầm quyền Đồng Nai và công ty sẽ kéo quân đến cướp đất, một gia đình ở xã Long Hưng đã treo băng rôn với nội dung “Quyết tâm chống bọn tham nhũng, thà chết không để mất đất, mất nhà”, kèm theo băng rôn là một chiếc hòm bằng gỗ được đặt ngay trước nhà dân, với mục đích sẽ quyết tử với đội quân cướp đất.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nguoi-dan-xa-long-hung-dong-nai-trung-hom-de-quyet-tu-voi-quan-cuop-dat/
Bộ Công an chỉ đạo mở rộng điều tra
vụ thanh tra Bộ Xây dựng ‘vòi tiền’
Bộ Công an đã chỉ đạo và hướng dẫn Công an tỉnh Vĩnh Phúc điều tra mở rộng để làm rõ hơn những người liên quan trong vụ án đoàn thanh tra Bộ Xây dựng vòi tiền ở tỉnh Vĩnh Phúc.
Truyền thông trong nước loan tin ngày 26/6, trích nội dung buổi họp báo về kết quả công tác của Bộ Công an trong 6 tháng đầu năm 2019, do Chánh văn phòng Bộ Công an – Trung tướng Lương Tam Quang chủ trì.
Trước đó, vào ngày 18 tháng 6, Viện Kiểm Sát Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 3 cán bộ Đoàn Thanh tra Bộ Xây Dựng. Đó là bà Nguyễn Thị Kim Anh, trưởng đoàn, Phó trưởng phòng Phòng chống Tham nhũng – Thanh Tra Bộ Xây Dựng và hai thành viên trong đoàn là Đặng Hải Anh và Nguyễn Thủy Linh.
Trong đó, ông Đặng Hải Anh và bà Nguyễn Thủy Linh không phải là công chức Bộ Xây dựng nhưng được Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn đưa vào danh sách đoàn thanh tra đến huyện Vĩnh Tường.
Cũng trong ngày 18 tháng 6, theo báo cáo ban đầu của Cơ quan Cảnh sát Điều Tra Bộ Công An, thành viên của đoàn thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt giữ hôm 12/6 thừa nhận hành vi sai phạm, nhận hối lộ hàng trăm triệu đồng khi đang thanh tra tại huyện Vĩnh Tường.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Trưởng đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng, nhận hối lộ 160 triệu đồng, và ông Đặng Hải Anh, thành viên đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ 90 triệu đồng.
Bên cạnh số tiền hối lộ bị bắt quả tang, Công an tỉnh Vĩnh Phúc còn phát hiện và thu giữ hơn 330 triệu đồng khi khám xét nơi làm việc của đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng, và số tiền này do bà Nguyễn Thị Kim Anh quản lý.
Vào ngày 17/6, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã yêu cầu Đảng ủy Công an trung ương khẩn trương làm rõ vụ việc này. Ban chỉ đạo cũng giao Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nếu có sai phạm trong việc bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Kim Anh làm Phó Trưởng phòng, kết quả phải được báo cáo với Ban chỉ đạo trước ngày 30/6.
Hiện tại, Bộ Xây dựng đã thành lập một đoàn thanh tra mới và cử đến huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc để tiếp tục công việc chưa hoàn thành. Đoàn thanh tra mới gồm 11 thành viên do ông Chu Hồng Uy, phó Chánh Thanh Tra Bộ Xây Dựng làm trưởng đoàn. Công tác thanh tra của đoàn mới này sẽ kéo dài trong 25 ngày, bắt đầu từ 18/6 và làm luôn cả cuối tuần.
Tàu mang cờ Singapore
đâm chìm tàu cá Việt Nam rồi bỏ chạy?
Một tàu cá của ngư dân Cà Mau đã bị đâm chìm trong vùng Vịnh Thái Lan hôm thứ Bảy 22/6, truyền thông báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin.
Các nguồn tin này dẫn lời Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau xác nhận tin tàu cá CM99596-TS đã bị đâm chìm vào chiều ngày 22/6 khi đang hoạt động tại một địa điểm cách đảo Hòn Khoai của tỉnh Cà Mau khoảng 70 hải lý về hướng Tây-Nam. Theo những người có mặt tại hiện trường thì thủ phạm đâm tàu là tàu hàng OCEANUNICORN, số hiệu 9388780, mang cờ Singapore, đã bỏ chạy về hướng biển Thái Lan.
Tin tổng hợp cho biết tất cả 7 ngư dân trên tàu cá Việt Nam đã được tàu cá gần đó cứu vớt.
Theo tìm hiểu của VOA, báo chí Singapore không hề nhắc đến tin này.
Trang Soha.com cho biết tàu cá bị đâm chìm do ông Nguyễn Văn Út, 39 tuổi, làm thuyền trưởng. Tàu hành nghề lưới kéo và xuất bến vào đầu tháng 6 vừa qua.
VNExpress tường thuật rằng Sở Ngoại Vụ tỉnh Cà Mau đã báo cáo vụ đâm tàu lên Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm thứ Tư 26/6, yêu cầu tàu mang cờ Singapore phải nhận trách nhiệm về các hành động của mình, và liên lạc với các cơ quan liên hệ để giải quyết vụ việc.
Trang mạng này đưa tin là tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 34 ở Bangkok hôm Chủ Nhật,Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nói ASEAN cần lưu ý tới những hành động uy hiếp ngư dân ngoài biển. VNExpress nói phát biểu đó được đưa ra trong bối cảnh vừa xảy ra những sự cố xảy ra trong Biển Đông hồi gần đây.
Hồi tháng Ba, một tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi ở khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa.
https://www.voatiengviet.com/a/tau-mang-co-singapore-dam-chim-tau-ca-viet-nam/4976065.html
Chủ tịch UBND xác nhận mức độ
sai phạm nghiêm trọng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố HCM xác định tính chất và mức độ quan trọng liên quan đến dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ được công bố.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 27/6 dẫn lời ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố tại bên lề đại hội đại biểu toàn quốc TPHCM diễn ra cùng ngày.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Ủy ban Nhân dân Thành phố vẫn chưa nhận được văn bản chính thức về kết luận thanh tra mà chỉ biết thông tin kết luận qua mạng và truyền thông của cổng Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên ông Nguyễn Thành Phong cho rằng vì tính chất và mức độ quan trọng của vụ việc, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang lập kế hoạch thực hiện những bước đầu liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm sau khi có kết luận thanh tra.
Ông Phong cho biết chậm nhất vào thứ hai (1/7) Ủy ban Nhân dân sẽ báo cáo Thành ủy và sẽ tổ chức họp báo để trả lời cụ thể những nội dung mà báo chí quan tâm.
Một kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu ra là Thành phố Hồ Chí Minh phải hoàn trả ngân sách 26.300 tỉ đồng đầu tư cho Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm không đúng qui định. Thời hạn là đến ngày 31 tháng 12 năm nay, nếu không thực hiện, Thanh tra Chính phủ sẽ chuyển hồ sơ sang Công an.
Trong công bố kết luật thanh tra dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Ủy ban kiểm tra Trung ương xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý có liên quan đến những vi phạm thuộc dự án này.
Vụ Thủ Thiêm đang vào một bước ngoặt mới?
Thanh tra của chính phủ Việt Nam vừa công bố “Thông báo” về kết quả một cuộc thanh tra khác tại Khu Đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm. Theo tường thuật của báo giới, lần này, lực lượng thanh tra nói rõ hơn một chút về các sai phạm của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại TP.HCM (1).
Đại loại là các viên chức hữu trách ở TP.HCM sai đủ thứ trong việc sử dụng quỹ đất lẽ ra phải dành cho tái định cư, trong việc sử dụng khoản tiền 38.000 tỉ liên quan đến bồi thường khi thu hồi đất. Cũng theo “Thông báo”, việc xây dựng KĐTM Thủ Thiêm dù đã ngốn rất nhiều tiền, tạo ra rất nhiều hệ lụy tai hại mà tất cả các bên có liên quan cùng phải gánh chịu nhưng đến nay, hiệu quả của dự án KĐTM Thủ Thiêm vẫn chỉ bằng… 0! Chưa kể mất cân đối về tài chính.
Sai phạm trong việc thực hiện dự án KĐTM Thủ Thiêm được xác định là thuộc trách nhiệm của nhiều bên: Ban Quản lý KĐTM Thủ Thiêm, các sở: Giao thông Vận tải, Tài nguyên – Môi trường, Quy hoạch – Kiến trúc, Kế hoạch – Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, các đơn vị tư vấn, các nhà đầu tư… Trong “Thông báo”, Thanh tra của chính phủ cho biết đã khuyến cáo giới hữu trách ở TP.HCM phải tổ chức kiểm điểm, xử lý những tập thể, cá nhân liên đới về trách nhiệm.
Qua “Thông báo”, Thanh tra của chính phủ còn cho biết đã chuyển kết luận về đợt thanh tra mới nhất liên quan đến KĐTM Thủ Thiêm này cho Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN để nơi này xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư của BCH TƯ đảng CSVN quản lý. Giống như trước, “Thông báo” không cho biết tên bất cứ tổ chức, cá nhân nào cần được UBKT của BCH TƯ đảng CSVN xem xét, quyết định kỷ luật hay không?
Nói cách khác, tuy việc thực hiện dự án KĐTM Thủ Thiêm đã được “chà đi, xát lại” nhiều lần trong một thời gian dài nhưng đến nay, Thanh tra của chính phủ Việt Nam vẫn kiên trì trong việc bảo mật danh tính các thủ phạm gây ra thảm kịch mà hàng chục ngàn gia đình tại quận 2 đã phải mang vác suốt hai thập niên. Ở xứ sở mà đi đâu cũng thấy “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, vẫn chỉ UBKT của BCH TƯ đảng CSVN mới có quyền xác định “ai là thủ phạm” nếu đương sự thuộc nhóm do BCH TƯ đảng CSVN quản lý!
***
Hôm 26 tháng 6 – thời điểm hệ thống truyền thông chính thức đồng loạt loan báo rộng rãi “Thông báo” của Thanh tra chính phủ về kết quả cuộc thanh tra gần nhất về dự án KĐTM Thủ Thiêm, cô Nguyễn Thị Thùy Dương kể thêm trên trang facebook của cô vài tình tiết mới, liên quan đến buổi gặp gỡ giữa dân chúng các quận 2, 9, Thủ Đức với ba đại biểu của họ tại Quốc hội Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trước đó đúng một tuần, vốn từng khiến dư luận xôn xao vì những chất vấn của cô (2).
Dương cho biết, trong vòng sáu ngày, clip dài 8 phút ghi lại chất vấn mà cô đặt ra với cả ba đại biểu lẫn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam có tới hơn ba triệu lượt người xem, chưa kể số lượng người xem clip ấy trên các trang facebook, diễn đàn điện tử đã chia sẻ clip ấy. Dương đã từng đề cập đến chuyện cô tìm đủ mọi cách để tìm một tấm “vé”, cho phép cô có mặt trong Nhà Thiếu nhi quận 2 để gặp gỡ… các đại biểu của cô tại Quốc hội nhưng bất thành!?.
5 giờ 30 sáng 19 tháng 6, lúc buổi gặp gỡ các đại biểu cho “ý chí, nguyện vọng” của cô và những nạn dân ở quận 2 sắp bắt đầu, điện thoại của Dương đổ chuông, do số điện thoại lạ lại thuộc dạng dành cho sim rác nên Dương không bắt máy. Chuông reo đến lần thứ tư, Dương mở máy… Người gọi là một phụ nữ luống tuổi, rụt rè bảo cô, bà nghe nói cô chưa có “vé” dự buổi tiếp xúc cử tri. Bởi bà giành được hai “vé” trắng, chưa đề tên nhưng bà vừa không biết nói gì, vừa sợ bị đánh nên bà muốn trao lại cho cô.
Dương đã hẹn bà ở một khúc đường vắng. Bà đến, không phải một mình, bà đi cùng chồng. Cả hai vợ chồng mà sự lam lũ hiển hiện nơi quần áo họ mặc, chiếc xe họ đi, nhìn trước ngó sau rồi mới dám đưa cô hai tấm “vé” trắng kèm đề nghị: Cô nói giùm cho tụi tôi nghe cô!… rồi bỏ chạy.
Vài giờ sau, tại Nhà Thiếu nhi quận 2, dù dân chúng giận dữ phản đối “qui định”, cử tri phải có “vé” mới được vào trong gặp gỡ đại biểu của họ nhưng không thành công. Dương – cô gái từng liệng dép vào mặt các đại biểu “ý chí, nguyện vọng” của nhân dân, từng dồn các đại diện cho hệ thống “của dân, do dân, vì dân” đến chỗ ú ớ, thảm hại trong mắt quần chúng – đã khiến lực lượng an ninh, bảo vệ các đại biểu khi họ “tiếp xúc cử tri” chưng hửng bởi cô có một tấm “vé” đề tên cô…
Dương cũng kể thêm rằng vài ngày sau khi cô chất vấn các đại biểu cho cư dân trong khu vực của mình ở Quốc hội, tiện thể chất vấn luôn cả đảng, hệ thống công quyền rằng, rõ ràng họ không phải đầy tớ, không phải cha mẹ, vậy họ là gì của nhân dân? Chẳng lẽ nhà nước có chủ trương “bần cùng hóa” nhân dân? Tại sao đảng luôn bảo vì dân nhưng chỉ đảng viên mới gây tổn thương cho dân?… có một người phụ nữ tật nguyền, nhếch nhác tìm tới nhà cô, ấn vào tay cô ba lon sữa Ông Thọ để cô uống cho khỏe!
Dương đề nghị mọi người, thay vì tán thưởng cô hãy nghĩ tới những con người như cô vừa kể. Dương bảo họ không thôi yêu thương cô, sức nặng của những thứ như hai tấm vé, ba lon sữa khiến cô không thể không vì họ. Dương liên tưởng, có lẽ ngày xưa, dân cũng đối với “cách mạng” thắm thiết như vậy (3)!
***
Có lẽ đó là những thập niên đầu tiên của thế kỷ 20, thưở Cát Lái còn hoang vu. Ông Nguyễn Văn Cát (Bảy Hạt) trôi giạt tới đó rồi trụ lại, xin “quan Tây” ở Thành Tuy Hạ bên kia sông Đồng Nai cho khai hoang. Lúc đầu, Bảy Hạt và vợ (Nguyễn Thị Siêng – Bảy Siêng) và cô con gái riêng của vợ còn ẵm ngửa chỉ ăn củ mài, sau nhờ “quan Tây” cho 20 chục giạ lúa vừa để làm giống, vừa có cơm nuôi thân, nuôi vợ con, Bảy Hạt khai hoang được mười mẫu đất.
Mười mẫu đất ấy không chỉ thấm mồ hôi mà còn là nơi ghi dấu tích phần đời cay cực nhất, kèm với nhiều thứ mất mát nhất của Bảy Hạt, nơi ông mất cùng lúc cả hai đứa con trai vì dịch bệnh… Khi mọi thứ tạm ổn, những người là anh em chú bác của ông, đại diện cho “cách mạng” tìm tới, vận động ông chống Tây, không chống Tây là phản quốc. Bảy Hạt ít học nhưng ông hiểu đạo lý, ông không muốn phản quốc. Đó cũng là lý do dại gia đình của Bảy Hạt, cả quyến thuộc bên vợ cùng theo “cách mạng”.
Đứa con gái riêng của bà Bảy Siêng – Nguyễn Thị Tiếu – giờ là đứa con duy nhất của Bảy Hạt cũng theo “cách mạng”. Cô Tiếu làm liên lạc cho căn cứ vùng “bưng sáu xã” (nay một phần thuộc quận 2, một phần thuộc quận 9), sau này được công nhận là di tích lịch sử. Cô Tiếu từng bị bắt, từng bị giam ở Chí Hòa vì không phản bội “cách mạng”.
Rồi “cách mạng” thành công, lúc đó Bảy Hạt còn 5,2 mẫu ruộng. Sau khi khai hoang mười mẫu ruộng, Bảy Hạt đã nhiều lần tự cắt đất, chia cho các gia đình nghèo từ tứ xứ đến Cát Lái lập nghiệp và cuối cùng quyết định giữ 5,2 mẫu ruộng ấy cho mình và cho con cháu. Đó là lý do Bảy Hạt từ chối khi “cách mạng” muốn ông đem ruộng góp hết cho hợp tác xã. Lão nông Bảy Hạt không tin ông và vợ con, cháu chắt có thể sống được khi mỗi nhân khẩu chỉ được giao 900 thước đất để canh tác rồi nộp lại lúa cho “cách mạng”.
Tuy nhiên cuối cùng, Bảy Hạt cũng phải đầu hàng “cách mạng” khi nhà ông liên tục bị khám xét và vì đó là giai đoạn tất cả nhu yếu phẩm đều phải dựa vào tem phiếu mà gia đình ông lại không được cấp gì cả. Giốnh như nhiều giai đình khác sau khi miền Nam được “giải phóng”, gia đình Bảy Hạt tụt dần xuống đáy, cả nhà làm việc quần quật vẫn không đủ ăn vì lúa thu hoạch được tới đâu là “cách mạng” thu mua hết tới đó.
Cuối năm 1979, Bảy Hạt bệnh nặng. Lúc chờ chết, ông thèm một ly sữa. Cô Tiếu đi tất cả các cửa hàng của hợp tác xã trong vùng xin mua một hộp sữa đặc như một cách báo hiếu cho cha nhưng bất thành vì không ai chịu duyệt. Bốn năm sau khi “cách mạng” thành công, Bảy Hạt – thành viên của một gia tộc mà hai bên nội, ngoại thừa cả công lao lẫn… liệt sĩ, hi sinh, đóng góp đủ thứ cho “cách mạng” – nhắm mắt. Lúc ông trút hơi thở cuối cùng, con cháu vẫn không đáp ứng được mong ước nhỏ nhoi của ông: Một ly sữa!
Ly sữa ấy chưa phải là điều đau đớn nhất. Túng bấn, con cháu Bảy Hạt phải mua chịu quan tài để táng ông. Theo đề nghị của cô, chủ trại hòm gắn thêm vào quan tài một cặp chim phụng. Ngày táng ông, họ đòi cạy ra nếu cô không chịu trả thêm tiền. Cô Tiếu xin nhận thêm một khoản nợ nữa. Vài ngày sau, tới phiên đại diện hợp tác xã tìm tới nhà, thông báo thu thu lại 900 mét vuông đất đã từng lấy của ông Bảy chia cho chính ông vì chết thì hết… tiêu chuẩn về đất!
Cô Tiếu thường bảo, ngày xưa, cô theo “cách mạng” vì tin rằng, nếu người Việt làm chủ đất nước, cuộc sống của mọi người sẽ sung sướng hơn gấp ngàn lần. Người Việt làm chủ toàn bộ Việt Nam đã hơn bốn thập niên nhưng dường như cuộc sống của nhiều người Việt nhiều nước mắt hơn, tệ hơn, còn ngùn ngụt oán hờn vì những điều vô lý, bất công mà không trải qua, giàu trí tưởng tượng cũng có thể nghĩ ra… Cô Tiếu không lo được ly sữa cuối cùng cho cha nhưng cô quyết tâm thực hiện cho bằng được hai điều mà ông trăn trối: Chăm sóc cho má và đòi lại phần ruộng mà ông đã dành cả đời tạo lập để lo cho con cháu!
Chẳng biết một lão nông như Bảy Hạt nhìn xa tới đâu nhưng đúng là chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp phá sản. “Cách mạng” tuyên bố “đổi mới”, giải tán các hợp tác xã. Về nguyên tắc, “cách mạng” phải giao lại cho cô Tiếu 5,2 mẫu ruộng đã lấy của gia đình cô cô, song “cách mạng” chỉ trả cho cô hơn hai mẫu. Phần còn lại, “cách mạng” để cô và những người đã được “cách mạng” chia đất khi tham gia hợp tác xã tự giải quyết. Đó cũng là lý do, thập niên 1990, khu vực Cát Lái và nhiều khu vực khác trên khắp Việt Nam xảy ra cảnh làng giềng từ nhau, dùng phảng, dùng dao, mác nói chuyện với nhau do mâu thuẫn về đất đai …
Ở Cát Lái, chuyện tranh giành đất giữa những người cùng xóm, cùng làng phát sinh do “cách mạng”, chấm dứt cũng nhờ “cách mạng”. Năm 1998, chính quyền TP.HCM thay mặt “cách mạng” thu hồi toàn bộ ruộng trong vùng, giao cho chính quyền quận 2 quản lý. Lý do: Đất vốn do ông Bảy khai phá… công thổ mà có nên không thể thuộc về gia đình nào hết! Theo quy hoạch, phần đất gia đình cô Tiếu đang tranh chấp với hàng xóm thuộc Cụm 4 của Khu Công nghiệp Cát Lái. Trong bốn cụm, đất thuộc cụm ba, cụm bốn có giá cao nhất vì được dùng làm nơi tái định cư cho hai cụm kia. Có một điều mà đến giờ, những người chung cảnh ngộ với cô Tiếu được “cách mạng” đả hoài vẫn không thông: Đó là tại sao đối tượng có quyền sử dụng đất ở các cụm 1 và 2 (vốn rẻ như bèo) lại toàn người nhà cán bộ. Họ vui vẻ giao đất để được hoán đổi – nhận đất ở cụm ba, cụm bốn.
Ông Bảy Hạt đã chết, bà Bảy Siêng thì sau này trở thành lẩm cẩm – ngày nào cũng dắt chắt ra đường chờ… “thằng Tám” – đứa em vốn là công chức của Pháp, theo “cách mạng”, hiến cả mạng lẫn xác cho “cách mạng”, không rõ có phải do thất vọng về “cách mạng” hay không mà cuối đời, bà Tám đột nhiên dứt khoát không tin “cách mạng”, không cho là “thằng Tám” đã chết. Bà Bảy Siêng đã chờ “thằng Tám” của bà như thế cho đến chết. Cô Tiếu giờ đã trở thành bà. Cô hay kể tại sao Bảy Hạt dùng chữ Tiếu đặt làm tên cho cô. Cứ theo đó thì vì cực khổ quá, Bảy Hạt gọi con là Tiếu “cho đời bay vui”. “Cách mạng” vẫn chưa cho bà Tiếu mỉm cười.
***
Câu chuyện về ông Bảy Hạt, bà Bảy Siêng, bà Tiếu là tóm tắt bút ký năm kỳ mà Nguyễn Thị Thùy Dương kể trên facebook của cô về ông bà cố ngoại và bà ngoại của cô (4).
Thật chua chát khi rất nhiều nạn dân của dự án KĐTM Thủ Thiêm và hàng loạt dự án đã triển khai ở quận 2, quận 9 là những thành viên của các gia đình có công với “cách mạng”. Gia đình, gia tộc của họ có vài đời đi theo “cách mạng”, không chỉ góp sức, góp của mà còn góp cả xương máu nhưng khi “cách mạng” thành công, những kẻ “bảo vệ và phát huy thành quả cách mạng” đã, đang và chắc chắn sẽ còn hành xử như A.Q của Lỗ Tấn: Định nghĩa “cách mạng” là “cách” mẹ nó cái “mạng” của chúng mày! Thành ra tất cả phải tiếp tục “hi sinh, đóng góp” vô điều kiện cho “cách mạng”. Nghĩ khác, nói khác dù hợp tình, hữu lý chắc chắn vẫn là “phản cách mạng”!
Chú thích
(2) https://www.voatiengviet.com/a/thu-thiem-nguyen-thi-thuy-duong-bi-kich/4966731.html
(3) https://www.facebook.com/ThuyDuongNguyen28/posts/2477557335598146
(4) https://www.facebook.com/ThuyDuongNguyen28
https://www.voatiengviet.com/a/nguyen-thi-thuy-duong-thu-thiem-thanh-tra/4976146.html
Lợi ích gì từ Hiệp Định Thương Mại Tự Do
giữa Việt Nam với EU?
Thanh Trúc, RFA
Việt Nam và EU sẽ ký kết Hiệp Định Tự Do Thương Mại EVFTA ngày 30 tháng Sáu này tại Hà Nội.
Tin được Bộ Công Thương Việt Nam loan đi hôm 25, cho hay thủ tục rà soát pháp lý EVFTA đã kết thúc cùng ngày tại Bỉ, và Hội Đồng Châu Âu chính thức chấp thuận hai Hiệp Định giữa EU và Việt Nam về Thương Mại Tụ Do EVFTA và về Bảo Hộ Đầu Tư EVIPA.
Truyền thông trong nước nhanh chóng loan tin này, dẫn lời bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh rằng với EVFTA và EVIPA thì Việt Nam một lần nữa khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế, giúp đất nước tiến đến sự phồn vinh và tiến bộ xã hội.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên chính thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore, trình bày mối tương quan tế nhị và không thể không có giữa Việt Nam với EU qua Hiệp Định Thương Mại Tự Do EVFTA sắp thành hình sau một thời gian đàm phán khá là dài:
Đối với Việt Nam có thể nói Hiệp Định, một phần liên quan tới thương mại tự do và một phần tới bảo hộ đầu tư, thí nó nằm trong mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế mà chính phủ Việt Nam đưa ra. Cho tới nay Việt Nam đã ký hơn 10 hiệp định tự do song phương nhưng mà có thể nói Hiệp Định của EU rất quan trọng vì EU là một thị trường rất lớn của Việt Nam bên cạnh các thị trường như Mỹ và Nhật Bản. Ngoài ra EU cũng là đối tác mà Việt Nam coi trọng trong việc thúc đẩy chính sách đối ngoại là đa dạng hóa, đa phương hóa.
Cho tới nay Việt Nam đã ký hơn 10 hiệp định tự do song phương nhưng mà có thể nói Hiệp Định của EU rất quan trọng vì EU là một thị trường rất lớn của Việt Nam bên cạnh các thị trường như Mỹ và Nhật Bản. -Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp
Mặt khác, EU trong vai trò một khối thống nhất, cũng là một nhân tố quan trọng trên trường quốc tế. Bên trong EU, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp phân tích tiếp, gồm các quốc gia lớn và chủ chốt như Pháp và Đức, cũng là hai đối tác vô cùng quan trọng đối với Việt Nam:
Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam- EU không chỉ mang lại cho Việt Nam các cơ hội kinh tế để tăng trưởng xuất khẩu cũng như thu hút đầu tư với EU mà còn giúp củng cố mối quan hệ giữa Việt Nam với toàn bộ khối EU, cũng như giữa Việt Nam với từng quốc gia thành viên EU nói riêng.
Theo tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, thông tin này được đón nhận một cách tích cực vì đó là kỳ vọng kinh tế và những cải cách liên quan đến kinh tế. Đây cũng là đường hướng thay đổi mà Việt Nam phải nhắm tới một khi bước vào EVFTA:
Cũng do các qui định của Hiệp Định này thì Việt Nam sẽ phải tiến hành một số cải cách trong nước, đặc biệt vấn đề quyền của người lao động chẳng hạn. Ngoài ra còn có những cải cách liên quan tới mua sắm công, cải cách doanh nghiệp nhà nước, tiêu chuẩn cải cách này cũng được kỳ vọng là sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao nền kinh tế và giúp bộ máy chính trị Việt Nam vận hành hiệu quả, minh bạch hơn.
Dưới mắt tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, đặc điểm của EVFTA sắp được ký giữa Việt Nam và EU trong vài ngày nữa là:
Là một trong những hiệp định đầu tiên thuộc dạng các Hiệp Định Thương Mại Tự Do thế hệ mới, chất lượng cao. Tức là nó không chỉ bao gồm các vấn đề thương mại mà nó còn liên quan tới các vấn đề về đầu tư, về quản trị, về các vấn đề gọi là bên trong, bên dưới của một quốc gia, liên quan tới bảo vệ quyền lợi người lao động, bảo vệ môi trường vân vân…
Trong khi Hiệp Định chưa có hiệu lực thì chúng ta cũng cần phải quan sát thêm, xem thử là trong thời gian tới cái triển khai thực tế của Việt Nam như thế nào. Tuy nhiên bước đầu tôi nhận thấy Việt Nam dường như có thiện chí và sẽ cố gắng thực hiện các cam kết mà mình đã đề ra.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ nhì của EU trong toàn khối ASEAN, chỉ sau Singapore, với kim ngạch hàng hóa 49,3 tỷ Euro và kim ngạch dịch vụ trong khoảng 3 tỷ Euro.
Và dù như càng ngày càng có thêm nhiều công ty Châu Âu nhìn vào Việt Nam như một trung tâm đầu tư kinh doanh hứa hẹn của khu vực Mekong thì mặt khác tổng mức đầu tư từ EU vào Việt Nam còn khá là khiêm tốn với khoảng 6 tỷ Euro năm 2017.
Những mặt hàng nhập khẩu chính từ Việt Nam vào EU lâu nay là viễn thông, giày dép, hàng dệt may, hàng nội thất và nông sản. Ngược lại, hàng xuất khẩu chủ yếu từ EU qua Việt Nam là máy móc, thiết bị vận tải, hóa chất, thực phẩm, thức uống.
Người dân được hưởng những gì từ những FTA tức những hiệp định thương mại song phương mà Việt Nam đã ký? Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp:
Từ các hiệp định thương mại tự do trong đó có Hiệp Định Việt Nam và EU thì nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng, phát triển trong thời gian tới. Khi kinh tế phát triển chung như vậy thì lợi ích sẽ chạy xuống các tầng lớp dân cư một cách đồng đều. Tuy nhiên cũng phải lưu ý rằng ở Việt Nam tình trạng phân hóa giàu nghèo vẫn đang tồn tại mà còn có xu hướng ngày càng mở rộng trong thời gian tới.
Nên là mặc dù mỗi người sẽ có miếng bánh lớn hơn nhưng mà sự gia tăng hay mức độ lớn hơn từng miếng bánh của mỗi người sẽ có sự khác nhau. Đấy là điều tôi nghĩ khó tránh khỏi, nó diễn ra ở bất cứ nền kinh tế nào khi cái hiệu ứng thương mại tự do không được phân chia đồng đều.
Nhưng nếu Việt Nam thực hiện một cách minh bạch và nghiêm túc những điều khoản ràng buộc của EVFTA thì hy vọng phúc lợi của mỗi người dân sẽ tăng lên trong dài hạn, là kết luận của tiến sĩ Lê Hồng Hiệp.
Theo bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam-EU là cơ hội cho giới đầu tư Châu Âu hưởng mọi điều kiện thuận lợi, ưu đãi trong hoạt động kinh doanh mua bán với các khu vực tự do thương mại khác mà Việt Nam tham gia.
Nó chỉ có sự tích cực duy nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Châu Âu. Nói chung là giới doanh nghiệp, vì khi được Hiệp Định này thì sẽ được miễn thuế và sẽ giảm thuế rất lớn, một số mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu sẽ được hưởng lợi thí dụ như da giày. -Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng
Có nhiều lý do khiến Việt Nam đặc biệt cần tới Hiệp Định Thương Mại Tự Do với EU, nhất là nhìn từ góc độ bất cập của xuất siêu và nhập siêu từ Việt Nam sang Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, là nhận định của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng:
Cho tới nay mặc dù ký rất nhiều hiệp định thương mại song phương FTA với các nước nhưng tình hình xuất siêu của Việt Nam, tức là thu ngoại tệ của Việt Nam, rất yếu ớt. Lấy thí dụ như thế này: xuất siêu của hàng Việt Nam vào Mỹ theo FTA giữa Việt Nam và Mỹ là khoảng 30 tới 35 tỷ Đô La một năm. Năm 2019 có thể tăng hơn, có thể là 36 thậm chí 40 USD. Vào Châu Âu thì Việt Nam xuất siêu khoảng 20 đến 25 tỷ USD một năm.
Nhưng bù lại Việt Nam phải nhập siêu khủng, khổng lồ từ Trung Quốc, một năm ít nhất là 30 tỷ USD theo đường chính ngạch và khoảng 20 tỷ USD theo đường tiểu ngạch. Có nghĩa một năm mình mất tới khoảng 50 tỷ đô la nhập siêu từ Trung Quốc. Việt Nam cũng phải nhập siêu rất lớn từ Hàn Quốc với 25 tỷ USD một năm. Còn mối quan hệ đối tác thân thiện với Nhật Bản thì coi như xuất siêu và nhập siêu bằng không.
Đó là lý do Việt Nam phải nắm được Hiệp Định để xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Châu Âu, còn Hiệp Định này có mang lại tương lai tươi sáng cho người lao động hay không cũng là chuyện quan trọng không kém:
Nó chỉ có sự tích cực duy nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Châu Âu. Nói chung là giới doanh nghiệp, vì khi được Hiệp Định này thì sẽ được miễn thuế và sẽ giảm thuế rất lớn, một số mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu sẽ được hưởng lợi thí dụ như da giày.
Nhưng điều đó cần xác định lại là chỉ cho giới doanh nghiệp, còn người lao động thì từ trước tới nay vẫn bị hai tầng bóc lột. Một là giới doanh nghiệp và hai là công đoàn nhà nước, các sắc thuế của chính quyền Việt Nam. Cho nên họ không hưởng lợi gì mà chỉ được cái là duy trì công ăn việc làm trong khoảng thời gian nào đó mà thôi, nhưng về mức lương và đời sống vẫn không được cải thiện.
Trên nguyên tắc những điều khoản mà Việt Nam phải thực hiện khi ký EVFTA đều có tính ràng buộc. Theo giải thích của tiến sĩ Lê Hồng Hiệp của Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore, Hiệp Định được hai bên ký vào cuối tháng 6 này còn phải trình cho Nghị Viện Châu Âu cũng như Quốc Hội Việt Nam phê chuẩn.
Vì thế EVFTA chắc chắn có sự ràng buộc thực hiện, và nếu một bên nào không tuân thủ thì sẽ có các biện pháp chế tài để buộc họ phải thực hiện những cam kết của mình.
Việt Nam không chấp nhận đa nguyên,
và những thay đổi trong luật An ninh mạng
Việt Nam chính thức từ chối khuyến nghị của Cộng hoà Czech ‘tạo điều kiện cho đa nguyên chính trị và dân chủ, đảm bảo cho công dân toàn quyền bầu cử, ứng cử và tham gia các vấn đề công’, theo Báo cáo của Nhóm Làm việc Liên Hiệp Quốc về Hoạt động Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát, công bố hôm 26 tháng 6.
Theo Báo cáo, tại phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) vào tháng 1 vừa qua, đã có 291 khuyến nghị được đưa ra cho Việt Nam. Sau khi xem xét, Việt Nam chỉ chấp nhận 241 khuyến nghị, trong đó 220 là chấp nhận hoàn toàn, 21 khuyến nghị chỉ được chấp nhận môt phần.
Trong số những khuyến nghị mà Việt Nam không chấp nhất, đáng chú ý có khuyến nghị của đại diện chính phủ Cộng hòa Czech đưa ra cho Việt Nam tại UPR hôm 22/1 ở Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva, yêu cầu Vệt Nam tạo điều kiện cho đa nguyên, đa đảng và đảm bảo bầu cử dân chủ.
Trong phiên điều trần vào tháng 2 năm 2014, đại diện chính phủ Cộng hoà Czech cũng từng khuyến nghị chính phủ Việt Nam ‘tạo điều kiện cho đa nguyên chính trị và dân chủ’ và Czech cũng đề cập đến việc ‘tăng cường quyền tham chính một cách bình đẳng cho công dân, bao gồm cả việc từng bước tiến tới một nền dân chủ đa đảng’. Việt Nam đã không chấp nhận khuyến nghị này của Czech.
Theo Báo cáo của UN, Việt Nam cũng không chấp nhận những khuyến nghị liên quan đến việc sửa đổi Luật Tín ngưỡng Tôn giáo, luật An ninh Mạng và Luật Hình sự vốn đã bị quốc tế chỉ trích. Việt Nam cho rằng những khuyến nghị này là không thực tế và không chấp nhận vào lúc này.
Liên quan đến các khuyến nghị về việc bỏ án tử hình, Việt Nam cho rằng việc áp dụng án tử hình phải cân nhắc đến Luật Hình sự vừa sửa đổi. Ngoài ra, Việt Nam cũng cho rằng việc áp dụng luật trên thực tế tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về các quyền Dân sự và Chính trị. Vì vậy Việt Nam chỉ chấp nhận những đề nghị hoặc những phần thích hợp mà thôi.
Vì sao Việt Nam có nguy cơ
trong tầm ngắm của bộ Tài Chính Mỹ ?
Thương chiến Mỹ – Trung đang làm thay đổi các cách thức trao đổi mậu dịch giữa Mỹ và châu Á. Việc Hoa Kỳ tăng mức áp thuế hàng nhập khẩu Trung Quốc làm gia tăng hiện tượng di dời nhà xưởng sang Việt Nam. Hệ quả là hàng xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng vọt và thâm thủng mậu dịch của Mỹ với nước này cũng tăng theo.
Ông Jean-Raphaël Chaponnière, chuyên gia kinh tế Trung Tâm Châu Á, trên trang mạng Asialyst, lưu ý, bộ Tài Chính Mỹ đang theo dõi sát mọi biến chuyển tại Việt Nam.
Làn sóng di dời nhà xưởng
Trong 4 tháng đầu năm 2019, xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Mỹ đã bị sụt giảm. Thâm hụt mậu dịch giữa Washington với Bắc Kinh giảm 8% tức khoảng 113 tỷ đô la, trong khi mà bản thân tổng mức thâm hụt hầu như không thay đổi – nằm trong khoảng 347 và 349 tỷ đô la.
Theo giải thích của ông Chaponnière, mức giảm thâm thủng của Hoa Kỳ với Trung Quốc đã được bù bằng mức tăng thâm hụt của Mỹ với các nước châu Á khác. Với 16,8 tỷ đô la trong giai đoạn từ tháng Giêng cho đến tháng Tư 2019, thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Việt Nam đứng hàng thứ hai tại châu Á, sau Trung Quốc và đứng hàng thứ 6 trên thế giới. Nếu như Hoa Kỳ thực thi các đe dọa áp thuế chống Trung Quốc, nhập siêu của Mỹ đối với Việt Nam trong năm 2019 này rất có thể vượt quá 50 tỷ đô la.
Xung đột thương mại Mỹ và Trung Quốc còn thúc đẩy nhanh hơn nữa làn sóng di dời nhà xưởng, được khởi động do chi phí sản xuất tại Trung Quốc tăng lên. Các doanh nghiệp Trung Quốc có nhiều chọn lựa. Hoặc họ tiến hành tự động hóa ; hoặc họ đến lập doanh nghiệp tại các tỉnh phía tây đất nước, ở đó, cơ sở hạ tầng đã được cải thiện và có mức lương thấp hơn ; hoặc họ di dời sang các nước khác.
Theo một điều tra được thực hiện cuối năm 2017 tại 640 doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp nhẹ ở phía nam Quảng Đông, phần đông các doanh nghiệp này dự kiến tự động hóa dây chuyền sản xuất, một số ít (6% trong ngành may mặc và 12% trong ngành đóng giày) là nghĩ đến việc ra khỏi vùng duyên hải, và một nửa trong nhóm thiểu số này nhắm đến di dời nhà xưởng ra nước ngoài.
Đương nhiên, làn sóng di chuyển nhà xưởng đã tăng nhanh sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp thuế 25% nhắm vào 300 tỷ đô la hàng nhập khẩu Trung Quốc, bao gồm một phần lớn hàng hóa do hãng Wall Mart phân phối tại Mỹ.
Việt Nam : Quốc gia hưởng lợi từ cuộc thương chiến ?
Việt Nam là quốc gia thu hút các doanh nghiệp rời Trung Quốc nhiều nhất. Dòng di chuyển nhà xưởng giải thích vì sao xuất khẩu Việt Nam tăng gấp 4 lần trong giai đoạn 2010 – 2018. Hiện tại, xuất khẩu Việt Nam tương đương 110% tổng sản phẩm nội địa.
Làn sóng này bắt đầu trong những năm 2000 khi xảy ra căng thẳng chính trị giữa Bắc Kinh và Tokyo. Sự kiện khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản khi ấy buộc phải áp dụng một chiến lược mà hãng tài chính lớn của Nhật Nomuara đặt tên là « China one plus ». Nghĩa là đầu tư ở Trung Quốc và tại một nước khác, tránh tình trạng « để tất cả trứng trong cùng một rổ ». Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã chọn Việt Nam và họ đôi khi dựng xí nghiệp ở miền Bắc để dễ bề xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo chân Nhật Bản là Hàn Quốc. Năm 2019, hơn 7000 doanh nghiệp Hàn Quốc tuyển dụng khoảng 700 ngàn lao động Việt Nam. Mức lương trung bình của nhân công Việt Nam là 3800 đô la/năm, rẻ hơn ba lần so với tại Trung Quốc. Những doanh nghiệp này chiếm đến gần 1/3 tổng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong số các doanh nghiệp Hàn Quốc, Samsung là nhà đầu tư lớn nhất. Tập đoàn này cho lắp ráp tại Việt Nam đến một nửa trong số 300 triệu chiếc điện thoại Galaxy bán ra trên thế giới và thu hút nhiều nhà thầu phụ khác. Tương tự, hãng LG cũng đang đóng cửa nhà xưởng ở Pyeongtaek và mở rộng khu xưởng ở Hải Phòng, nơi này lắp ráp 11 triệu chiếc điện thoại thông minh.
Có thể nói từ năm 2014, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam, trước Nhật Bản và bỏ xa cả Trung Quốc. Dù vậy, trong khoảng từ tháng Giêng và tháng 5/2019, đầu tư của Trung Quốc đã tăng gấp năm lần và họ đã qua mặt Hàn Quốc bằng cách gia tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI.
Phân tích các số liệu nhập khẩu hàng Việt Nam vào Mỹ cho thấy là các sản phẩm bị liên lụy bởi thông báo tăng thuế hải quan đã tăng thêm 34%, tăng nhanh hơn các sản phẩm thuộc những chủng loại khác đến ba lần. Hậu quả : Thặng dư mậu dịch của Việt Nam đối với Hoa Kỳ đã tăng vọt và kể từ giờ hàm chứa một rủi ro cho Hà Nội.
Trong tầm ngắm của bộ Tài chính Mỹ
Từ những năm 1990, cứ mỗi sáu tháng, bộ Tài Chính Mỹ công bố một báo cáo về chính sách trao đổi của những đối tác thương mại chủ yếu của Mỹ. Mục đích là để xác định xem những nước này có thao túng tỷ giá hối đoái hay không để củng cố tính cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của họ vào thị trường Mỹ.
Tài liệu này phân tích những nước nào có được thặng dư mậu dịch ít nhất là 20 tỷ đô la đối với Mỹ. Nhất là, bộ Tài Chính giám sát những nước nào mà cán cân tài khoản vãng lai vượt quá 3% GDP của họ và đồng tiền bị giảm giá so với đồng đô la Mỹ.
Đối với những quốc gia này, bộ Tài Chính xem xét đến chính sách can thiệp của các ngân hàng trung ương để thu mua đô la nhằm tránh cho đồng tiền nội tệ bị tăng giá so với đồng đô la. Nếu như số tiền tích trữ được trong năm nhờ vào những biện pháp can thiệp từ các ngân hàng trung ương của những nước có liên quan vượt quá 2% GDP của những nước đó, bộ Tài chính Mỹ có thể suy ra rằng có nhiều xác suất thao túng đồng tiền. Cuối cùng, nếu như báo cáo đi đến kết luận này, hành pháp của Mỹ được phép đưa ra các biện pháp trừng phạt thương mại chống lại quốc gia bị cáo buộc thao túng tiền tệ.
Trung Quốc từ lâu là mục tiêu chính trong những báo cáo của bộ Tài Chính. Tuy nhiên, trong suốt thời gian nhiệm kỳ tổng thống, ông Obama chưa bao giờ kết luận Trung Quốc thao túng đồng nhân dân tệ. Bất chấp các cáo buộc của ứng viên Donald Trump, không một báo cáo nào được công bố kể từ khi ông Donald Trump đắc cử đi đến một kết luận như vậy, kể cả trong báo cáo hồi tháng 5/2019 mới đây.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc từng bị trượt giá đến 10% so với đồng đô la năm 2018, xóa tan tác động của việc tăng thuế nhập khẩu. Xu hướng này đang tiếp diễn trong năm nay đến mức ngưỡng 7 nhân dân tệ đổi lấy một đô la rất có thể bị vượt qua.
Thế nhưng, báo cáo mới nhất của bộ Tài Chính đã đưa thêm nhiều nước châu Á mới : Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Việt Nam. Khi ghi nhận cán cân tài khoản vãng lai của Việt Nam tăng lên và có khả năng vượt 5% PIB trong năm 2018, báo cáo lưu ý rằng mặc dù đã áp dụng chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt trong năm 2016, nhưng tỉ giá của đồng Việt Nam so với đô la thay đổi rất ít bởi vì Ngân hàng Trung ương Việt Nam đã nhiều lần can thiệp vào thị trường hối đoái nhằm giữ cho đồng nội tệ không tăng giá.
Nếu như Việt Nam nằm trong tầm ngắm của bộ Tài Chính Mỹ, nước này vẫn chưa làm cho ông Donald Trump nổi dóa. Tuy nhiên, trong một dòng tweet, tổng thống Mỹ lưu ý : « Rất nhiều doanh nghiệp rời Trung Quốc sang Việt Nam hay nhiều nước khác. Chính vì thế Trung Quốc muốn có một thỏa thuận ».
Tác giả cảnh báo : Nếu như những trông đợi của tổng thống Mỹ không đạt được tại thượng đỉnh G20 diễn ra ở Osaka trong hai ngày 28 và 29 tháng 6/2019, chủ nhân Nhà Trắng có nguy cơ đổi ý đối với Việt Nam !
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190627-viet-nam-nguy-co-trong-tam-ngam-bo-tai-chinh-my