Đọc báo Pháp – 26/06/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 26/06/2019

Bốn cột trụ của học thuyết

Donald Trump trong đối ngoại

Trọng Nghĩa

Nếu có một chủ đề được tất cả các nhật báo Pháp ngày hôm nay, 26/06/2019 quan tâm thì đó là tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Chính nhân hồ sơ Iran mà nhật báo Pháp Le Figaro đã có một bài nhận định đáng chú ý của một giáo sư lịch sử quốc tế tại trường chính trị Sciences Po ở Pháp, khẳng định rằng « Tổng thống Mỹ (Donald Trump) có một học thuyết rõ ràng trong lãnh vực đối ngoại ».

Theo giáo sư Mario Del Pero, truyền thống của các tổng thống Mỹ là luôn luôn có một học thuyết, và đương kim tổng thống Mỹ không đi ra ngoài thông lệ đó. Thậm chí học thuyết đối ngoại của ông Trump còn « rõ ràng và có lẽ ít mập mờ hơn » các hoc thuyết của nhiều người tiền nhiệm.

Học thuyết Trump dựa trên 4 cột trụ chính : đầu tiên là chủ nghĩa thực tế được khẳng định công khai. Ông cho rằng bối cảnh quốc tế là một đấu trường không luật lệ, quy tắc, nơi mà các tác nhân trong thế tranh đua triệt để : hễ có người thắng tức là phải có kẻ thua.

Tính chất thực tế này, dưới một dạng thức tinh tế và mạch lạc hơn được ghi nhận trong những văn kiện mang tính chiến lược, như trong Chiến Lược An Ninh Quốc Gia (NSS) 2017 hay Chiến Lược Quốc Phòng (NDS) 2018. Những tài liệu này nêu rõ kẻ thù và đối thủ cạnh tranh của Mỹ – Nga, Trung Quốc và Iran – đồng thời khẳng định quyền của Mỹ bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia của mình.

Cột trụ thứ hai học thuyết Trump là tính dân tộc chủ nghĩa rõ nét, được thấy qua khẩu hiệu « Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại » – Make America great again hay MAPA…

Trụ cột thứ 3 của học thuyết Trump là chủ trương bảo hộ mậu dịch với logic thắng thua rõ rệt của chính trị quốc tế được áp dụng vào địa hạt thương mại.

Cột trụ cuối cùng là chủ nghĩa quân sự. Ông Trump luôn ca ngợi tính chất vượt trội của quân đội Mỹ. Trong đề xuất cho ngân sách 2019, ông Trump đã gợi ý tăng ồ ạt phần dành cho quốc phòng. Các tính toán chính trị dĩ nhiên cũng có : Tại Mỹ, Quân Đội là định chế rất được xem trọng, ngưỡng mộ nhất là trong cử tri bảo thủ…

Le Monde :

Trò chơi nguy hiểm giữa Washington và Teheran

Riêng về vấn đề căng thẳng giữa Mỹ và Iran, Le Monde đã dành 2 trang khổ lớn để phân tích về phản ứng của Teheran trước những động thái đe dọa chiến tranh liên tiếp của Washington.

Hồ sơ Iran đã được Le Monde đặc biệt đưa lên trang nhất với tựa lớn « Trò chơi nguy hiểm giữa Washington và Teheran ». Tờ báo Pháp nhắc lại sự kiện mới nhất là việc ông Donald Trump hôm thứ Hai 24/06, đã ký sắc lệnh áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran, lần này là nhắm vào khoản tài chánh của các lãnh đạo Iran chủ chốt.

Le Monde đã ghi nhận phản ứng gay gắt của Iran, theo đó động thái của Mỹ chỉ « vô bổ ». Teheran đồng thời lên án quyết tâm của Mỹ để « đóng cửa con đường thương thuyết ngoại giao một cách thường trực ».

Đối với Le Monde, hai nước đang chơi một trò nguy hiểm trong bối cảnh các sự cố tại eo biển Hormuz đang làm gia tăng nguy cơ chệch hướng kéo theo một cuộc xung đột quân sự.

Tình hình, theo Le Monde rất đáng ngại vì Iran có dấu hiệu chuẩn bị đối phó với một tình trạng căng thẳng dài lâu, và sẵn sàng leo thang, bất chấp rủi ro, để chứng tỏ cho chính quyền Trump thấy là sẽ phải trả giá cho chính sách « áp lực tối đa ».

Tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran, theo Le Monde, đã làm cho xã hội dân sự Iran bị « kẹt giữa hai làn đạn ». Trong bối cảnh bộ máy chính quyền đang hô hào chống Mỹ,  những đòi hỏi cải thiện xã hội và chính trị đã không còn được nghe thấy. Mặt khác, vào lúc mà các sự cố có khả năng làm chiến tranh bùng nổ với Mỹ, ngày càng nhiều, những tiếng nói phê phán chính quyền lập tức bị chụp mũ là tiếp tay cho « kẻ thù bên ngoài ».

La Croix : Mỹ-Iran : Cuộc đối đầu nguy hiểm

Cùng một suy nghĩ với Le Monde về quan hệ căng thẳng Mỹ-Iran, nhật báo Công Giáo La Croix cũng nhìn thấy ở vùng Trung Cận Đông một cuộc « đối đầu nguy hiểm », tựa bài xã luận trên trang nhất.

Cũng nhắc lại sự kiện Mỹ vừa ban hành các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran, La Croix cho rằng : « Dù bị áp lực nặng nề nhưng Iran không sẵn lòng tuân thủ, và thậm chí còn đang chuẩn bị tiếp tục các hoạt động hạt nhân bị đình chỉ trong ba năm. Mỹ và Iran như vậy đang đối đầu với nhau, và rủi thay, không có một trung gian hòa giải nào có khả năng thúc đẩy hai bên đối thoại. Chỉ một chệch choạc thôi cũng có thể tạo ra chấn động trên quy mô lớn ».

Libération : Chọn ai để đánh bại Trump ?

Nhật báo Libération cũng dành tựa lớn trang nhất và hồ sơ đặc biệt cho nước Mỹ, nhưng chú ý đến cuộc bầu cử sơ bộ trong đảng Dân Chủ Mỹ để chọn người ra ứng cử chức tổng thống.

Dưới tựa đề « Bầu cử sơ bộ trong đảng Dân Chủ : Chọn ai để đánh bại Trump ? », Libération đặt ngay câu hỏi : « Joe Biden, Bernie Sanders, Elizabeth Warren, hay là một trong 22 ứng cử viên khác ? ». Tờ báo ghi nhận là cách ngày bầu cử hơn một năm một chút, cánh tả Mỹ như vậy là sẽ chính thức lao vào trận đánh giành chức tổng thống với hai cuộc tranh luận truyền hình đầu tiên.

Libération cảm thấy thú vị trước sự kiện là trong cuộc bầu tổng thống lần này, nếu phía Cộng Hòa hầu như chắc chắn ông Trump sẽ là ứng viên, thì bên phía Dân Chủ quả là có tình trạng lạm phát.

Trong bài xã luận, tờ báo Pháp dí dỏm cho rằng đó sẽ là cuộc đấu giữa ông Trump chống lại hơn hai chục người trong đảng Dân Chủ. Là ứng cử viên đã nhập cuộc, tổng thống Mỹ sẽ quan sát « với thái độ tao nhã và tế nhị thường thấy của ông » cuộc chiến của các đối thủ tiềm tàng, bị ông cho là một đám người xã hội chủ nghĩa chống Mỹ.

Theo Libération, ở châu Âu, người ta luôn ngạc nhiên trước tính chất dữ dội của những cuộc đấu về ý thức hệ giữa các lãnh đạo Mỹ. Tuy nhiên, mỗi lần có bầu cử, lại luôn luôn có hai thế giới quan đối đầu nhau, với những hệ quả quan trọng đối với hành tinh.

Nhật báo Pháp đã nêu lại ba ví dụ gần đây : cuộc « cách mạng thời tổng thống Reagan, tính chất hiếu chiến của hai thời tổng thống Bush, chủ nghĩa đa phương của thời Clinton và Obama.

Tập đoàn Trung Quốc

thâu tóm đất nông nghiệp Pháp bị phá sản

Le Figaro hôm nay cũng tiết lộ một thông tin khá lý thú liên quan đến Pháp : « Tập đoàn Trung Quốc mua đất nông nghiệp của Pháp đã bị phá sản ».

Theo tờ báo thì tập đoàn Reward đã mua 2.600 ha đất ở vùng Indre và Allier để ‘nuôi dưỡng tham vọng’ vươn lên ở Trung Quốc.

Le Figaro vói giọng hóm hỉnh cho là Reward vì muốn đưa bánh mì Pháp lên từng bàn ăn tại Trung Quốc, đã mua 1.700 ha đất trồng ngũ cốc ở Indre năm 2016, và 900 ha ở Allier 2 năm sau.

Hiện tại tập đoàn gặp bế tắc tài chính và bị đặt trong tình trạng phá sản ở Trung Quốc, ngày 13/05, nhưng thông tin đến nay mới được biết. Và Reward đã phải từ bỏ tham vọng, một cách kín đáo, cũng như lúc đến Pháp.

Được biết dưới tên Luowa, tập đoàn có doanh số hơn 1 tỷ euro có nhiều tham vọng. Ngoài việc mua đất, tập đoàn còn có thỏa thuận vào năm 2016 với Axéréal, tập đoàn nặng ký của Pháp về hạt, để được cung cấp bột mì và trợ giúp phát triển trong ngành bánh mì, với mục tiêu chinh phục khách hàng Trung Quốc ưa chuộng hàng Pháp.

Hai năm sau, chủ tịch Reward giải thích là ông muốn mở 1.500 tiệm bánh mì ở Trung Quốc trong 5 năm. Nhưng cuối cùng chỉ mở có 3 tiệm.

Thất bại của Reward càng khiến giới nông nghiệp Pháp lo ngại trước các nhà đầu tư kiểu mới này : Đầy cao vọng lúc ban đầu, nhưng cuối cùng thì đã gây thất vọng.

Le Figaro :

Hồi Giáo cực đoan len lỏi vào các cơ quan Pháp

Trái với hai đồng nghiệp Le Monde và Libération, nhật báo cánh hữu Le Figaro hôm nay đã dành tựa lớn trang nhất cho tình hình nội bộ Pháp. Dưới tựa đề « Xu hướng Hồi Giáo cực đoan trong các cơ quan công cộng Pháp : Một báo cáo sốc », tờ báo cánh hữu đã giới thiệu chi tiết bản phúc trình gởi lên Quốc Hội của hai dân biểu Pháp về một hiện tượng đáng lo ngại là sự xâm nhập của các phần tử theo Hồi Giáo cực đoan vào trong các cơ quan đảm trách các dịch vụ công cộng tại Pháp, từ các định chế thể thao, chuyên chở công cộng, cho đến guồng máy cảnh sát, hệ thống nhà tù…

Trong bài xã luận, Le Figaro cho rằng việc phát hiện sự xâm nhập của các thành phần có tư tưởng Hồi Giáo cực đoan vào những ngóc ngách của các cơ quan công quyền và dịch vụ công cộng là hết sức cần thiết.

Vấn đề là các cấp chính quyền phải mau chóng thức tỉnh trước tình trạng này, trong lúc bản thân tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải lên tiếng dứt khoát khẳng định tính chất thế tục của nhà nước Pháp, và hành động cụ thể để bảo vệ tính chất này.

Theo Le Figaro, ngoài việc nêu ra một loạt những ví dụ cụ thể về tình trạng đáng ngại, bản phúc trình lên Quốc Hội Pháp cũng nêu bật một điều : Hồi Giáo cực đoan đang tiến triển với tốc độ nhanh trên đất Pháp, và bên cạnh những hành động khủng bố đẫm máu và ngoạn mục, nó đang len lỏi vào mọi thành phần trong xã hội…

Les Échos :

Macron phải nỗ lực nhiều hơn cho khí hậu

Chủ đề Pháp cũng được hai nhật báo Les Echos và La Croix đưa lên trang nhất. Les Echos chú ý đến vấn đề môi trường, chạy tựa « Tổng thống Macron được thúc giục là phải nỗ lực nhiều hơn nữa cho khí hậu ».

Tờ báo nhắc lại rằng Hội Đồng Tối Cao về Khí Hậu vừa công bố một bản báo cáo nêu rõ những khiếm khuyết trong chính sách khí hậu của nhà nước Pháp.

La Croix :

Liệu pháp vi lượng đồng căn bị xét lại

Nhật báo Công Giáo La Croix hôm nay chú ý đến khía cạnh y tế xã hội, nêu bật ở sự kiện chính phủ Pháp chuẩn bị thôi không bồi hoàn chí phí thuốc men và chữa trị cho các bệnh nhân dùng các loại liệu pháp vi lượng đồng căn, tiếng Pháp gọi là homéopathie.

Tờ báo Pháp đã nhường lời cho chính các bệnh nhân, giải thích lý do vì sao họ lại dùng đến loại liệu pháp này.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190626-bon-cot-tru-cua-hoc-thuyet-donald-trump-trong-doi-ngoai

 

Tin đọc nhanh

(Reuters) – Hồng Kông: Biểu tình kêu gọi lãnh đạo G20 giúp đỡ. 

Cả ngàn người vào hôm nay, 26/06/2019 đã tiến đến các lãnh sự quán đại diện các nước G20 ở Hồng Kông, kêu gọi ủng hộ việc bãi bỏ luật dẫn độ trong cuộc họp thượng đỉnh cuối tuần này. Trong khi đó, phe đối lập đã đưa kiến nghị bất tín nhiệm chính quyền. Văn kiện đưa ra bỏ phiếu tối nay. Tuy nhiên lãnh đạo Hồng Kông nắm đa số vững chắc ở Nghị Viện, nên văn kiện khó được thông qua.

(AFP) – Tranh cử tổng thống Mỹ : Tranh luận đầu tiên giữa các ứng viên đảng Dân Chủ. 

Tối hôm nay, 25/06/2019, sẽ diễn ra cuộc tranh luận đầu tiên giữa 10 ứng cử viên đảng Dân Chủ, nhằm chọn ra ứng cử viên chính thức của đảng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, đối mặt với đương kim tổng thống Donald Trump. Mười ứng cử viên khác sẽ tranh luận vào tối mai. Theo các thăm dò dư luận, ứng cử viên hiện được cử tri ủng hộ nhiều nhất là ông Joe Biden, 76 tuổi, cựu phó tổng thống dưới thời Obama. Tiếp theo là ứng cử viên kỳ cựu Bernie Sanders, 77 tuổi, đại biểu của cánh tả trong đảng Dân Chủ, và thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, 70 tuổi.

(AFP) – Robot có thể thay thế 20 triệu việc làm trên thế giới từ đây đến 2030.

Có 20 triệu công việc làm công nghiệp trên thế giới sẽ được robot đảm nhiệm, theo đánh giá của cơ quan phân tích và tham vấn Anh, Oxford Economics, nhất là trong lãnh vực không đòi hỏi chuyên môn cao. Đến nay thì robot đã thay thế hàng triệu người trong công nghiệp, và ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong lãnh vực dịch vụ, nhờ các tiến bộ của thông minh nhân tạo.

(AFP) – Tòa án Tối Cao Brazil bác đơn xin trả tự do của cựu tổng thống Lula da Silva. 

Hai đơn xin trả tự do cho cựu tổng thống Lula bị giam từ hơn một năm qua về tội tham nhũng đã bị bác vào hôm qua, 25/06/2019. Ông Lula bị kết án 8 năm và 10 tháng tù vào năm ngoái. Luật sư của ông Lula đã đưa đơn yêu cầu trả tự do vì cho là thẩm phán chống tham nhũng Sergio Moro, người kết án ông Lula, đã “thiên vị”, và đã trở thành bộ trưởng trong chính quyền cánh hữu của đương kim tổng thống Bolsonaro

(AFP) Nữ thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Đan Mạch.

Hôm nay, 26/06/2019, bà Mette Frederiksen, thuộc đảng Xã hội – Dân chủ, đã được chỉ định làm thủ tướng Đan Mạch, sau khi ba đảng cánh tả đạt được thỏa thuận về chương trình hành động, ba tuần sau cuộc bầu cử Quốc Hội 05/06. Bà Frederiksen, 41 tuổi, là thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử quốc gia Bắc Âu này.

(AFP) Cúp thế giới bóng đá nữ 2019 : Ý, Hà Lan lọt vào tứ kết. 

Hôm qua, 25/0/2019, đội tuyển bóng đá nữ của Ý đã hạ đội tuyển Trung Quốc với tỉ số 2-0 trong vòng 1/8, còn đội Hà Lan thì đã loại đội Nhật Bản với tỉ số 2-1. Như vậy, là Ý và Hà Lan sẽ tranh tứ kết ngày 29/06, cùng ngày với trận Đức-Thụy Điển. Ngày mai sẽ diễn ra trận tứ kết đầu tiên giữa Na Uy và Anh, tiếp đến là trận được nhiều người chờ đợi nhất: cuộc đụng độ giữa đội chủ nhà Pháp với đội đương kim vô địch thế giới Mỹ tối thứ Sáu 28/06. Thủ quân đội tuyển Pháp Amadine Henry biết rất rõ đối thủ, vì cô đã từng thi đấu trong 1 năm rưỡi tại Portland, Hoa Kỳ.

(AFP) – Sản lượng kỷ lục Cocaine : gần 2.000 tấn năm 2017.

Trong lúc sản xuất thuốc phiện có xu hướng sụt giảm, theo cơ quan chống ma túy của Liên Hiệp Quốc, lượng ma túy cocaine lại gia tăng : 1.976 tấn, tăng 25% so với năm trước 2016. Sản lượng tăng vọt do nhu cầu từ Bắc Mỹ và châu Âu. Colombia là nơi chủ yếu đáp ứng nhu cầu này, với khoảng 70% sản lượng thế giới.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190626-tin-doc-nhanh