Tin khắp nơi – 26/06/2019
TT Trump: Có thể đánh thuế thêm vào TQ
nếu không đạt thỏa thuận thương mại
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói ông sẽ áp thuế thêm đối với Trung Quốc nếu ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đạt được thỏa thuận thương mại khi họ gặp nhau vào cuối tuần này.
Ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng Fox Business Network hôm thứ Tư 26/6 rằng ông sẽ áp dụng “các mức thuế bổ sung rất đáng kể” đối với quốc gia Đông Á này “nếu chúng tôi không đi đến một thỏa thuận”.
Hai nhà lãnh đạo dự kiến gặp nhau vào cuối tuần này tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 tại Osaka, Nhật Bản, cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của họ kể từ khi các cuộc đàm phán thương mại đổ vỡ hồi tháng 5.
Kể từ khi Mỹ áp dụng mức thuế mới lần đầu tiên, hai nước Mỹ, Trung đã áp thuế trả đũa lẫn nhau đối với hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ đô la.
Ông Trump cho biết Trung Quốc sẵn sàng đi đến một thỏa thuận vì “nền kinh tế của họ đang đi xuống”. Ông Trump nói thêm là ông “rất hài lòng với những gì chúng ta đang đạt được hiện nay”.
Phát biểu của ông Trump được đưa ra chỉ vài phút sau khi kênh truyền hình cáp CNBC đưa tin rằng Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin nói là hai nước gần đạt được thỏa thuận.
Ông Trump đã đe dọa sẽ đánh thuế trị giá hơn 325 tỷ đô la đối với hàng hóa Trung Quốc, sẽ bao gồm tất cả mọi mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ mà chưa phải chịu mức thuế 25% hiện hành đánh vào số hàng trị giá 250 tỷ đô la của Trung Quốc. Nhưng ông Trump nói rằng ông thiên về mức thuế 10% hơn là 25%. Theo ông, “mọi người hoàn toàn có thể chấp nhận” được mức thuế đó.
Mỹ hy vọng tái khởi động đàm phán thương mại
với TQ, không chấp nhận điều kiện thuế
Mỹ hy vọng tái khởi động các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc sau khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau tại Nhật Bản ngày 29/6.
Nhưng Washington sẽ không chấp nhận bất kỳ điều kiện nào về thuế quan, một quan chức chính quyền cấp cao cho biết hôm 25/6.
Hai bên có thể đồng ý không áp dụng thuế quan mới như một cử chỉ thiện chí để đàm phán diễn ra, quan chức này nói, nhưng không rõ liệu điều đó có xảy ra hay không.
Mỹ không sẵn sàng đến cuộc họp với ông Tập Cận Bình với những nhượng bộ, quan chức này nói, với điều kiện giấu tên.
Ông Trump và ông Tập sẽ ngồi lại với nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Osaka – lần đầu tiên kể từ khi các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đổ bể hồi tháng 5.
Các cố vấn của ông Trump cho biết sẽ không có thỏa thuận thương mại rộng rãi nào được kỳ vọng tại cuộc gặp nhưng họ hy vọng sẽ tạo ra con đường tiến tới đàm phán khi hai cường quốc mắc kẹt trong một cuộc chiến thương mại đã làm suy yếu thị trường toàn cầu và làm tổn thương nền kinh tế thế giới.
Một khi các cuộc đàm phán tiếp tục, có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm để hoàn thành, quan chức này cho biết thêm.
Mỹ đã tuyên bố rõ ràng rằng họ muốn Trung Quốc quay trở lại vị trí mà trước đây trong một hiệp định thương mại đã gần hoàn thành trước khi Bắc Kinh rút lại một số điều khoản, đặc biệt là yêu cầu thay đổi luật về các vấn đề chính.
Washington muốn Trung Quốc thay đổi một loạt các thông lệ bao gồm liên quan đến sở hữu trí tuệ và việc yêu cầu các công ty Mỹ chia sẻ công nghệ của họ với các công ty Trung Quốc để kinh doanh ở Trung Quốc.
Quan chức này cho biết ông Trump và ông Tập khó có thể đi sâu vào các chi tiết của dự thảo hiệp định thương mại, dù vậy trường hợp của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei có thể được nhắc đến cuộc đàm phán.
Washington đã áp thuế 25% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, từ bán dẫn đến đồ nội thất, được nhập khẩu vào Mỹ. Ông Trump đe dọa sẽ áp thuế đối với số hàng hóa trị giá 325 tỷ USD khác, bao gồm gần như tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ – các sản phẩm tiêu dùng như điện thoại di động, máy tính và quần áo.
Tổng thống Trump đã nói một cách lạc quan về cơ hội của một thỏa thuận. Quan chức chính quyền Mỹ cho biết các vòng đàm phán do Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Phó Thủ tướng Lưu Hạc (Liu He) dẫn đầu, có thể sẽ bắt đầu lại sau hội nghị G20.
Quan chức này nói rằng mặc dù phó thủ tướng vẫn dẫn đầu phái đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc, những cái tên mới được thêm vào danh sách dường như là những người khó tính
Trump và các cuộc gặp gai góc tại Thượng đỉnh G20
Chỉ một tháng sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần này sẽ tới quốc gia Đông Á này một lần nữa.
Tại Osaka, ông Trump sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20. Trong thời gian này, ông dự kiến sẽ có các cuộc gặp trực tiếp bên lề với các nhà lãnh đạo thế giới như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Tổng thống khá thoải mái với vị thế của ông khi tham gia cuộc gặp với ông Tập sau khi các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đổ vỡ và Washington tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc,” một quan chức cao cấp của Mỹ nói với các phóng viên hôm 24/6.
Các quan chức Mỹ nói rằng không có chương trình nghị sự cố định cho cuộc gặp của ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin mặc dù họ thừa nhận các vấn đề liên quan đến Iran, Ukraine, Trung Đông và Venezuela gần như chắc chắn sẽ được thảo luận
Phủ bóng các thảo luận ở thượng đỉnh G20 sẽ là sự lo lắng về tình hình xấu đi giữa Washington và Tehran. Các nhà lãnh đạo ở cả nước đều nhắc lại rằng họ muốn tránh chiến tranh nhưng cũng nhiều lần tuyên bố họ sẽ không ngần ngại bảo vệ lợi ích của mình nếu bị khiêu khích.
Trump sẽ nhắc lại với những người đồng cấp của mình tại G-20 rằng Hoa Kỳ dự định sẽ tiếp tục tăng áp lực kinh tế đối với Iran, nước đang phải chịu các lệnh trừng phạt leo thang của Hoa Kỳ và loại bỏ toàn bộ xuất cảng xăng dầu của nước này.
“Tôi không nghĩ Iran là một vấn đề gây xao lãng,” ông James Jay Carafano, phó chủ tịch viện an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Quỹ Di sản, nói. “Tôi nghĩ tình hình đã được kiểm soát. Ông Trump nên cố gắng làm sao cho G20 không xảy ra điều gay cấn.”
Bản thân nhóm G20 đã không còn có ý nghĩa như trước sau một vài kỳ thượng đỉnh đầu tiên của nhóm vào cuối thập kỷ trước khi các nước cùng hợp tác để ngăn chặn sự hỗn loạn của nền kinh tế toàn cầu.
Ông Trump thích thảo luận và thỏa thuận song phương hơn là các cuộc họp đa quốc gia. Tuy nhiên, các quan chức trong chính quyền ông đang cố gắng đảo ngược quan niệm rằng họ không còn xem các cuộc họp kiểu này là quan trọng và chỉ ra sự lãnh đạo của Mỹ trong việc thúc đẩy các vấn đề kinh tế của thế kỷ 21.
“Chúng tôi tin rằng các nền kinh tế G20 cần làm việc cùng nhau để thúc đẩy các chính sách kỹ thuật số cởi mở, công bằng dựa trên thị trường, bao gồm dòng chảy dữ liệu tự do,” một quan chức Mỹ cấp cao nói với các phóng viên hôm 24/6 và nhấn mạnh việc đẩy mạnh trao quyền kinh tế cho phụ nữ .
Cô Ivanka Trump, ái nữ của tổng thống và là cố vấn Nhà Trắng, sẽ có bài phát biểu chủ đề về trao quyền kinh tế cho phụ nữ tại một sự kiện bên lề hội nghị G20 ở Osaka.
Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe và nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đang cố gắng duy trì hệ thống quốc tế và các nguyên tắc của nó.
“Đây là điểm mà sự vắng mặt của Mỹ đang thật sự làm tổn hại họ,” bà Heather Conley, phó chủ tịch cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế đồng thời là giám đốc chương trình châu Âu của trung tâm này, cho biết. “Chúng ta đang chứng kiến cái chết chậm chạp của chủ nghĩa đa phương ở nhiều khía cạnh. Đó là một cái chết bởi hàng ngàn vết cắt.”
Trong khi Mỹ rút lui khỏi các diễn đàn như vậy, thế giới đang chứng kiến Trung Quốc sử dụng các tổ chức quốc tế rất hiệu quả để xác định các chương trình nghị sự, ông Conley, cựu phó trợ lý bộ trưởng ngoại giao, cho biết.
Một số nhà phân tích dự đoán cuộc gặp Trump-Tập ở Osaka sẽ là sự lặp lại bữa ăn tối của họ vào năm ngoái tại Buenos Aires, Argentina khi hai nhà lãnh đạo đồng ý đàm phán về thương mại và giao nhiệm vụ cho các bộ trưởng thương mại của họ đạt được thỏa thuận trong vòng 90 ngày.
“Tôi nghĩ rằng đó là kết quả rất có thể xảy ra, rằng họ sẽ đạt được một số điểm đáp ứng lẫn nhau, một thỏa thuận ngưng chiến giống như vậy và thúc đẩy tiến trình về phía trước,” ông Matthew Goodman, phó chủ tịch cấp cao của CSIS và cố vấn cao cấp về kinh tế châu Á, nhận định.
“Cách làm này không thể giải quyết vấn đề trước mắt,” ông Goodman, người trước đây từng là giám đốc kinh tế quốc tế trong nhóm Hội đồng An ninh Quốc gia vốn giúp cựu Tổng thống Barack Obama khi đó chuẩn bị cho các hội nghị thượng đỉnh G20 và G8, lập luận. “Ngay cả khi chúng ta có được một thỏa thuận, không có khả năng giải quyết một số khác biệt cấu trúc sâu sắc giữa chúng ta trong vai trò của nhà nước trong nền kinh tế, quản trị công nghệ và dữ liệu.”
Nhiều sự chú ý cũng đổ dồn vào cuộc gặp Trump-Putin.
“Bất cứ khi nào Tổng thống Trump và Tổng thống Putin gặp nhau, sau đó sẽ có phản ứng dữ dội trong lòng nước Mỹ,” ông Conley lưu ý. “Một phần, đó là vì sự thiếu minh bạch hoàn toàn về các chủ đề thảo luận và chương trình nghị sự là gì, và tôi nghĩ rằng tổng thống sẽ có cách tiếp cận chính sách tốt hơn ở trong nước nếu, một lần nữa, có sự rõ ràng về chương trình nghị sự, rằng sẽ có những người tham dự vào cuộc họp đó – bộ trưởng Ngoại giao, cố vấn an ninh quốc gia và những người khác.”
Ông Trump Trump cũng dự kiến sẽ có cuộc hội đàm tại Osaka với các nhà lãnh đạo Úc, Đức, Ấn Độ, Ả Rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ Nhật Bản, ông Trump bay đến Seoul , nơi ông sẽ được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đón tiếp để thảo luận về cách tiếp tục giảm bớt căng thẳng với Triều Tiên.
Các quan chức Nhà Trắng xóa bỏ suy đoán Trump có thể gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trên bán đảo Triều Tiên. Đây sẽ là cuộc gặp gỡ thứ ba của họ sau các hội nghị thượng đỉnh ở Singapore và Hà Nội. Các quan chức Mỹ không bình luận về chuyến thăm có khả năng của ông Trump đến Khu phi quân sự, nơi ngăn cách hai miền Triều Tiên.
Theo ông Carafano, ông Trump gặp ít áp lực đối phải có bất kỳ đột phá nào trong chuyến công du Nhật Bản và Hàn Quốc. “Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ đang ở vị trí dẫn dắt trong cả hai quộc đàm phán về Triều Tiên và Trung Quốc,” Carafano nói với VOA. “Nếu họ đến bàn đàm phán bây giờ thì tốt thôi. Nếu không cũng vẫn tốt. Ông Trump có thể đợi đến sau cuộc bầu cử năm 2020.”
Mỹ duy trì cách tiếp cận và hiện diện quân sự
ở Biển Đông dưới thời
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper
Trong một thông báo trên Twitter ngày 18/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan sẽ rời nhiệm sở và thay thế ông Patrick Shanahan
là Bộ trưởng Lục quân Mark Esper. Giới quan sát dự báo Mỹ sẽ vẫn duy trì cách tiếp cận và hiện diện quân sự mạnh mẽ ở Biển Đông trong thời gian tới.
Về tân Quyền Bộ trưởng Quốc phòng MỹMark Esper
Ông Mark Esper nhậm chức Bộ trưởng Lục quân Mỹ ngày 20/01/2017. Bộ trưởng Lục quân Mỹ là một viên chức dân sự trong Bộ Quốc phòng Mỹ, theo luật, có trách nhiệm về tất cả các vấn đề có liên quan đến Lục quân Mỹ: nhân lực, nhân sự, các vấn đề trừ bị, các cơ sở căn cứ, các vấn đề về môi trường, các hệ thống vũ khí và mua sắm quân trang, thông tin, và quản lý tài chính. Bộ trưởng được Tổng thống Mỹ đề cử và phải được Thượng viện Mỹ xác nhận với tỉ lệ đa số phiếu mới được bổ nhiệm. Bộ trưởng Lục quân Mỹ là một chức vụ không nằm trong Nội các Mỹ, phục vụ dưới quyền của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Bộ trưởng Lục quân Mỹ có trách nhiệm cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và ngành hành pháp của chính phủ liên bang Mỹ về khả năng và nhu cầu của Lục quân Mỹ để thực thi các sứ mệnh của mình. Bộ trưởng đệ trình và làm rõ các chính sách, kế hoạch, chương trình, và ngân sách đến Bộ trưởng Quốc phòng, ngành hành pháp và Quốc hội Mỹ.
Bộ trưởng cũng công bố các chính sách, kế hoạch, chương trình, khả năng và thành tựu của Lục quân Mỹ đến công chúng. Khi cần thiết, Bộ trưởng triệu tập các cuộc họp với ban lãnh đạo cao cấp của Lục quân để bàn thảo các vấn đề, vạch ra hướng đi và tiếp thu ý kiến đóng góp. Trách nhiệm khác của Bộ trưởng Lục quân Mỹ là điều hành các nhân viên dân sự giúp việc trong các chương trình của mình. Văn phòng của Bộ trưởng gồm có Thứ trưởng Lục quân Mỹ, các trợ tá, trợ tá hành chính, tổng cố vấn, tổng thanh tra, trưởng phòng liên lạc Quốc hội và ủy ban chính sách đặc trách các lực lượng trừ bị lục quân. Các văn phòng khác có thể được lập theo luật hay theo lệnh của Bộ trưởng.
Bộ trưởng Esper từng là nhà điều hành cao cấp tại Công ty Raytheon khoảng 7 năm trước khi được xác nhận vào vị trí Bộ trưởng Lục quân. Trong quá khứ, ông Esper cũng từng là phó chủ tịch điều hành của Trung tâm Sở hữu Trí tuệ Toàn cầu của Phòng Thương mại Mỹ và là phó chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ phụ trách Các vấn đề châu Âu và Á-Âu. “Ông Esper cũng có kinh nghiệm làm việc tại Quốc hội. Ông đã từng là Cố vấn An ninh Quốc gia cho Lãnh đạo Đa số Thượng viện Bill Frist; Giám đốc Chính sách cho Ủy ban Quân sự Hạ viện; và là Thành viên Chuyên trách tại Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Các vấn đề Chính phủ của Thượng viện, chịu trách nhiệm về các vấn đề an ninh quốc gia. Ông Esper cũng từng là Giám đốc Luật pháp và Cố vấn Chính sách Cao cấp của Thượng nghị sĩ Chuck Hagel” theo tiểu sử về ông Esper. Thông tin tiểu sử từ Bộ Quốc phòng còn ghi: “Kinh nghiệm tại Bộ Quốc phòng của ông Esper bao gồm việc từng là Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng (Chính sách Đàm phán) tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng và trước đó từng nhân viên Lục quân, chịu trách nhiệm lâp kế hoạch chiến tranh. Ông Esper cũng từng là Chánh Văn phòng của Quỹ Di sản và đã dạy chương trình Bộ Quốc phòng và Nghiên cứu chiến lược của Đại học Missouri ở FairFax, Virginia”.
Mỹ sẽ tiếp tục cách tiếp cận hiện diện quân sự mạnh mẽ ở Biển Đông
Trong chính sách đối với Biển Đông của mình, Mỹ chú trọng tập trung tiếp cận về mặt quân sự và thương mại. Mỹ tập trung ổn định khu vực bằng cách cổ vũ tất cả các bên tôn trọng nguyên tắc và luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định rõ ràng quan điểm của mình về cách giải quyết xung đột theo đường hướng hòa bình. Bên cạnh đó, Washington cũng rất chú trọng các sáng kiến nhằm điều chỉnh những sự mất cân bằng về sức mạnh giữa các quốc gia ASEAN, như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei và Trung Quốc. Trước đây, chính sách của Mỹ liên quan vấn đề Biển Đông được cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tháng 7/2010, trong đó có một số điểm nổi bật: i) Mỹ cũng như các quốc gia khác có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo tự do thông thương hàng hải, quyền tự do tiếp cận các vùng biển chung của châu Á và sự tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông. ii) Mỹ ủng hộ tiến trình đàm phán hòa bình giữa tất cả các bên có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Mỹ phản đối bất kỳ sự sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực bởi bất kỳ bên nào. iii) Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông. iv) Mỹ sẵn sàng hỗ trợ các sáng kiến và biện pháp xây dựng lòng tin phù hợp với Tuyên bố năm 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông. v) Các bên có tranh chấp theo đuổi các tuyên bố chủ quyền và các quyền kèm theo đối với vùng biển phải phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Đến giai đoạn Tổng thống Mỹ Donald Trump lên cầm quyền, Mỹ đã điều chỉnh chính sách về Biển Đông. i) Mỹ thay đổi lập trường trung lập trước đây, gia tăng mức độ can dự bằng nhiều hình thức khác nhau. ii) Mỹ tăng cường phản đối việc Trung Quốc quyết đoán khẳng định “chủ quyền” của Bắc Kinh trái với luật pháp quốc tế, ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, nỗ lực duy trì hiện trạng sao cho các đảo ở Biển Đông được nhiều nước chiếm lĩnh. iii) Mỹ chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán đa phương, tích cực ủng hộ chủ trương ASEAN hóa, khu vực hóa, quốc tế hóa vấn đề Biển Đông của Việt Nam, Philippines và các nước tuyên bố chủ quyền khác. Mỹ không chấp nhận Trung Quốc công bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông, coi những hành động ngang ngược của Trung Quốc là nhân tố gây mất ổn định trong khu vực.
Mỹ xác định mục tiêu chiến lược ở Biển Đông trên cơ sở: i) Mỹ không thừa nhận cơ sở pháp lý của các đòi hỏi chủ quyền đối với Biển Đông của bất kỳ nước nào, kể cả Philippines (đồng minh truyền thống), nhằm tránh cho Mỹ khỏi dính líu vào cuộc chiến pháp lý phức tạp và chắc chắn sẽ kéo dài, làm hao tổn các nguồn lực của Mỹ. Tuy nhiên, lý do được xem là quan trọng hơn, đó là việc thừa nhận cơ sở pháp lý của các yêu sách chủ quyền của bất kỳ bên nào cũng sẽ bất lợi cho Mỹ. Nếu thừa nhận yêu sách chủ quyền của một bên, tức là Mỹ đã giúp cho bên đó có lợi thế hơn. Về phương diện chiến lược, nếu một nước nào đó làm chủ Biển Đông, ưu thế chiến lược ở châu Á – Thái Bình Dương sẽ nghiêng về họ, tuyến phòng thủ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương có nguy cơ bị phá vỡ. Còn nếu Mỹ thừa nhận cơ sở pháp lý của các yêu sách chủ quyền của các nước Đông Nam Á có liên quan, Mỹ sẽ đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Trong bối cảnh còn phải đối phó với các vấn đề trong và ngoài nước, Mỹ không muốn tiếp tục bị lôi kéo vào một cuộc xung đột nữa, nhất là đối với Trung Quốc. ii) Đảm bảo việc đi lại tự do trên các con đường quốc tế, ngăn cản việc giải quyết cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông bằng vũ lực. Trong số các bên tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Trung Quốc có ưu thế vượt trội về quân sự, có thể tiến hành độc chiếm Biển Đông bằng quân sự. Việc chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua thương lượng đa phương sẽ tạo cơ hội cho Mỹ có tiếng nói trong quá trình giải quyết cuộc tranh chấp này. Từ đó vai trò và vị trí của Mỹ ở Đông Nam Á sẽ được nâng cao. iii) Biển Đông là “quân cờ” quan trọng của Mỹ trong mục tiêu kiềm chế tham vọng của những nước muốn độc chiếm khu vực này, bởi nếu để xảy ra tình trạng đó, lợi ích chiến lược của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Ngoài ra, Mỹ muốn qua Biển Đông để thể hiện vai trò của Mỹ đối với thế giới thời kỳ “hậu Iraq”. iv) Sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ sau khủng hoảng tài chính khiến cho nhiều nước cho rằng vai trò của Mỹ đối với thế giới đang yếu đi. Để lấy lại hình ảnh và cũng là để trấn an dư luận quốc tế về sức mạnh của mình, Mỹ rất cần một địa điểm để làm mới vai trò của mình và Mỹ đã lựa chọn Biển Đông.
Về quân sự, Mỹ sẽ củng cố quan hệ với đồng minh và đối tác để bảo vệ lợi ích của mình, Mỹ củng cố quan hệ với đồng minh như Nhật Bản và Philippines để triển khai lực lượng quân sự, đảm bảo an ninh khu vực và vị thế tại Biển Đông, khuyến khích các nước châu Á phát triển quan hệ an ninh đa phương. Để giải quyết với vấn đề tranh chấp tại quần đảo Trường Sa, Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh quân sự với Philippines và ủng hộ nỗ lực xây lực cơ chế đa phương của ASEAN. Mỹ cũng sẽ tiếp tục ủng hộ và khuyến khích ASEAN hợp tác để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, duy trì ổn định trong khu vực. Mỹ đã phát triển một cơ chế hợp tác chính thức giúp hài hòa cả hai bên dựa trên luật quốc tế. Mỹ cũng dự định bắt đầu tiến trình tiến tới gia nhập Hiệp định Hữu nghị và Hợp tác của ASEAN, can dự vào tiến trình Thượng đỉnh Đông Á. Trong những năm qua, Mỹ cũng luôn ủng hộ những nỗ lực giữa các bên nhằm giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng con đường hòa bình theo tinh thần của UNCLOS 1982 và Tuyên bố ứng xử Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN (DOC). Đặc biệt là Mỹ đang tích cực ủng hộ đàm phán ASEAN – Trung Quốc về việc đi tới ký kết Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC), nhấn mạnh rằng Bộ quy tắc cần đưa ra “khuôn khổ dựa trên các quy định có tính ràng buộc để ngăn chặn và quản lý tranh chấp”. Đồng thời, thông qua các cơ chế khu vực như Diễn đàn an ninh khu vực ARF, Hiệp ước TAC, ADMM+… Mỹ đã đóng góp tiếng nói đối với việc duy trì an ninh khu vực tại Biển Đông. Trên lĩnh vực quân sự, việc Mỹ triển khai các hợp tác an ninh – quốc phòng với các quốc gia ASEAN đã giúp tăng cường khả năng đối trọng với Trung Quốc của những nước này. Trong
những năm gần đây, Mỹ đã cùng các nước ASEAN tiến hành hơn 30 cuộc tập trận, tức hơn 2/3 các cuộc tập trận ở châu Á.
TT Trump trấn an Tokyo
sẽ duy trì hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 25/6 trấn an Nhật Bản rằng ông vẫn duy trì cam kết đối với hiệp ước quân sự mà cả hai nước đều mô tả là “nền tảng an ninh ở châu Á, sau khi xuất hiện một bài báo nói rằng trong vòng riêng tư, ông Trump đã bàn tới việc rút ra khỏi hiệp ước an ninh này, theo Reuters.
Trích dẫn các nguồn không được xác định, hãng tin Bloomberg hôm qua tường thuật rằng ông Trump đã thảo luận việc chấm dứt hiệp ước an ninh với Nhật, một hiệp ước mà theo ông, “chỉ có một chiều” bởi vì theo hiệp ước, Hoa Kỳ phải bảo vệ Nhật Bản nếu nước này bị tấn công, thế nhưng lại không đòi Tokyo phải có đáp ứng tương tự.
Bài báo còn cho biết ông Trump không hài lòng với kế hoạch di dời căn cứ của Mỹ trên đảo Okinawa, Nhật Bản.
Trả lời câu hỏi của truyền thông về thông tin vừa kể, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói:
“Điều mà truyền thông tường thuật và quý ông nhắc tới, không hề có”.
Ông Suga khẳng định: “Chúng tôi đã được tổng thống Hoa Kỳ xác nhận rằng điều đó không phù hợp với chính sách của chính phủ Hoa Kỳ.”
Theo thỏa thuận an ninh, Hoa Kỳ cam kết sẽ bảo vệ Nhật Bản nếu nước này bị tấn công, trong khi Nhật Bản từ bỏ quyền tiến hành chiến tranh sau thất bại trong Thế chiến thứ hai.
Đánh đổi lại, Nhật Bản cung cấp các căn cứ quân sự mà Washington sử dụng để phóng sức mạnh sâu vào châu Á, kể cả căn cứ quân sự tại Okinawa, nơi trú đóng của lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đông đảo nhất ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ, cũng như việc triển khai một đội tàu tác chiến gồm tàu sân bay tại căn cứ hải quân Yokosuka gần Tokyo.
Hiệp ước an ninh hiện hữu còn đặt Nhật Bản dưới ô dù hạt nhân của Hoa Kỳ, rút ra khỏi hiệp ước buộc Washington phải rút một phần lớn lực lượng quân sự Mỹ ra khỏi châu Á vào thời điểm khi mà sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang gia tăng.
Trong trường hợp đó, Nhật Bản buộc phải tìm kiếm các liên minh mới trong khu vực, và củng cố hệ thống phòng thủ của chính mình, điều này có thể gây lo ngại cho tình trạng phổ biến hạt nhân ở một khu vực vốn đã căng thẳng.
Mối quan hệ chặt chẽ giữa Washington với Tokyo cũng đã mang lại nhiều lợi ích cho các nhà thầu quân sự Mỹ như Lockheed Martin Corp và Raytheon Co, là các tập đoàn đã bán hàng tỷ đô la thiết bị quân sự cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.
Vẫn theo Reuters, trong chuyến thăm Nhật Bản hồi tháng 5, ông Trump cho biết ông hy vọng quân đội Nhật Bản sẽ tăng cường hỗ trợ cho các lực lượng của Mỹ trên khắp châu Á và các nơi khác giữa lúc Tokyo đang tăng cường khả năng hoạt động xa bờ của các lực lượng quân sự của mình.
Mỹ công bố mô hình kinh tế cho Trung Đông,
Palestine bất mãn
Chính quyền Trump hôm Thứ ba ngày 25/6 đã đưa ra mô hình kinh tế trị giá 50 tỷ đô la cho tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine dựa trên quan điểm rằng chương trình đầu tư cho người Palestine là tiền đề để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ.
Ông Jared Kushner, cố vấn cao cấp đồng thời là hiền tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã khai mạc một hội nghị quốc tế kéo dài hai ngày tại Bahrain để tranh thủ sự ủng hộ cho bản kế hoạch này vốn đã gặp phải sự lạnh lùng rộng rãi của người Palestine và thế giới Ả Rập trong khi Ả Rập Xê-út, một đồng minh trong khu vực của Mỹ, đã kín đáo ủng hộ.
“Chúng tôi có thể biến khu vực này từ một nạn nhân của các cuộc xung đột trong quá khứ thành một mô hình thương mại và tiến bộ trên toàn thế giới,” ông Kushner phát biểu tại cuộc họp có sự tham gia của các lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas mà Chính quyền Palestine của ông có quyền tự trị hạn chế ở Bờ Tây do Israel chiếm đóng, đã tỏ ra bức xúc về triển vọng của kế hoạch này:
“Tiền bạc rất quan trọng. Kinh tế cũng quan trọng … Nhưng giải pháp chính trị quan trọng hơn.”
Các chi tiết chính trị của kế hoạch hòa bình, vốn đã được xây dựng gần hai năm, vẫn còn bí mật. Cả chính phủ Israel và Palestine đều không tham dự sự kiện mở màn này trong khi một số quốc gia Ả Rập tránh xa hoặc chỉ cử cấp thứ trưởng tham dự.
Hội nghị đang diễn ra tại Bahrain, nơi đặt Đệ ngũ Hạm đội của Hải quân Hoa Kỳ, giữa bối cảnh căng thẳng dâng cao giữa Tehran và Washington cùng các đồng minh dòng Sunni là Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tất cả đều có chung một kẻ thù với Israel là Iran thuộc Hồi giáo dòng Shi’ite.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, một đồng minh thân cận của Trump, cho biết Israel cởi mở với đề xuất này.
Washington hy vọng rằng các quốc gia giàu có ở Vịnh Ả Rập có sự quan tâm cụ thể đối với kế hoạch, vốn mong đợi quốc gia tài trợ và nhà đầu tư đóng góp 50 tỷ đô la cho các lãnh thổ của Palestine, Jordan, Ai Cập và Lebanon.
Căng thẳng Mỹ-Iran : Thử giải mã ý đồ của hai bên
Khẩu chiến giữa Mỹ và Iran gia tăng trong những ngày qua. Trả lời phỏng vấn RFI ngày hôm nay, 26/06/2019, cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine cho rằng tại Iran cũng như ở Hoa Kỳ, đều có phe cứng rắn muốn xẩy ra xung đột quân sự để phục vụ lợi ích của mình.
Có nên lo sợ những gì đang diễn ra trong quan hệ Mỹ-Iran hiện nay hay không hay đây chỉ là trò diễn, dàn dựng, dọa nạt nhau ? Phải chăng mỗi bên đều cố gắng thể hiện vai trò của mình để gây ấn tượng với bên kia ?
« Cần tránh sợ hãi vì điều này chẳng có ích gì cả. Cần phải hiểu những gì đang xẩy ra và đó không phải là trò diễn, dàn dựng. Mối quan tâm thực sự của Donald Trump là xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân mà Barack Obama đã để lại. Bởi vì Donald Trump bị ám ảnh là tất cả những gì Obama làm đều là không tốt và tồi tệ. Donald Trump muốn bóp nghẹt Iran. Ông ta không hề có tư tưởng co cụm mà chủ trương đơn phương hành động. Nhà tỉ phú địa ốc New York hành động một cách phũ phàng và theo những cách thức mà ai cũng biết. Ông ta muốn bóp nghẹt không chỉ các đối thủ mà cả các đối tác và đồng minh, như trong quan hệ với Đức, với Canada, Mêhicô…
Vậy Donald Trump có thể làm việc này đến mức độ nào ? Không ai biết chắc chắn cả. Xung quanh ông ta có cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, ngoại trưởng Mike Pompeo. Hai nhân vật này có cùng quan điểm với Ả Rập Xê Út. Có nghĩa là phải làm cho chế độ Teheran sụp đổ, gây ra nội chiến, bóp nghẹt kinh tế Iran đến mức mà phe ôn hòa, những người đã chơi lá bài thỏa thuận hạt nhân với Obama, bị mất uy tín. Đó là không phải là một biến thái sai lệch mà là mục đích trong chiến lược của phe cứng rắn tại Washington, qua đó, thúc đẩy phe cực đoan tại Iran nổi trội lên. Và lúc đó, Hoa Kỳ sẽ nói rằng phe cực đoan đang lãnh đạo Iran, rằng Obama đã sai lầm khi tin tưởng vào kịch bản này. Ngay cả Israel cũng hơi chần chừ với chiến lược này. Vậy phải chăng Hoa Kỳ đang tìm mọi cách để đạt được mục tiêu là lật đổ chế độ tại Teheran ? Dường như Donald Trump không muốn như vậy. »
Phải chăng Mỹ muốn có những thay đổi tại Teheran nhằm làm xuất hiện một chế độ cực đoan hơn chứ không phải là một chế độ dân chủ ?
« Trước tiên, Hoa Kỳ muốn làm cho phe ôn hòa mất uy tín. Bởi vì tất cả những ai chống Iran đều cảm thấy khó xử khi phe ôn hòa được cho là đại diện cho chế độ ở Teheran. Trong quá khứ, phe cực đoan tại Israel cảm thấy khó chịu, khó xử với kế hoạch hòa bình cho Trung Đông 2000-2002, khi họ phải đối mặt với phe ôn hòa bên phía Palestine. Như vậy, Hoa Kỳ muốn thấy xuất hiện các phần tử cực đoan tại Iran, để rồi tình trạng này dẫn đến các cuộc nổi dậy, phản kháng, nội chiến và lật đổ chế độ. Thế nhưng, người ta có cảm giác là vào giờ chót, Donald Trump lại chần chừ, muốn hãm kế hoạch này lại một chút và không muốn đi xa như vậy. Dường như Donald Trump đã nói với lãnh đạo một số nước là người dân Iran chưa nghèo khổ lắm vì đây là một trong những phương cách phũ phàng để có được một thỏa thuận hạt nhân theo các điều kiện của ông ta. Thế nhưng, Donald Trump và trong một chừng mực nào đó, cả hai nhân vật « diều hâu », đều hơi chần chừ.
Còn tại Iran, tôi nghĩ là cũng có những lưỡng lự, chần chừ, nhưng người ta không thể ngăn chặn phe cứng rắn có những khiêu khích, qua đó, tái khẳng định vai trò của mình và làm chủ tình hình. Phe cứng rắn tại Iran rất thù ghét chiến lược của Obama. Cho dù phe cứng rắn không muốn đi tới một cuộc chiến tranh cục bộ, nhưng nguy cơ này vẫn có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát của họ. »
Tuần trước, tổng thống Trump thừa nhận là đã hủy bỏ lệnh oanh kích Iran chỉ vài phút trước khi chiến dịch này bắt đầu. Điều này có nghĩa ra sao ? Hay đây chỉ là một sự dàn cảnh ?
« Không. Tôi không nghĩ như vậy. Điều quan trọng – nếu tôi không nhầm – thì đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ nói : Tôi đã hủy lệnh oanh kích – vào giờ phút chót hay không mọi người không quan tâm – bởi vì người ta nói với tôi là vụ oanh kích có thể làm cho 150 người Iran thiệt mạng. Tôi nghĩ đó là phản ứng quá mức, nếu chỉ để trả đũa vụ một drone bị bắn hạ. Chưa có một tổng thống Mỹ nào đã nói như vậy. Tại châu Âu và một số nơi trên thế giới, người ta ghét Donald Trump đến mức không thể nghĩ rằng ông ta cũng có tình người. Tôi nói nửa đùa nửa thật, nhưng dù sao đây là vấn đề rất quan trọng bởi vì điều này cho thấy việc tấn công Iran không nhất thiết là mục đích của Donald Trump. Mục đích của Donald Trump là làm cho Iran kiệt quệ và chế độ ở Teheran phải quỳ gối, qua đó, có thể áp đặt một thỏa thuận theo điều kiện của ông ta. Như vậy, các phát biểu của Donald Trump không phải chỉ là diễn kịch, dàn dựng. »
Hôm nay (26/06/2019), Hội Đồng Bảo An họp phiên thường lệ bàn về việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân 2015. Đầu tuần, Pháp, Anh, Đức đã tái khẳng định thực hiện toàn bộ các cam kết trong văn bản này. Theo ông, liệu thỏa thuận này còn đứng vững không khi mà Hoa Kỳ muốn xé bỏ, còn Iran trong những ngày tới, sẽ vượt qua ngưỡng mới trong việc từ bỏ các cam kết ?
« Các nước khác đã tham gia ký kết thỏa thuận, trong đó có Pháp, đã có lý khi tuyên bố duy trì thỏa thuận này, bởi vì cho đến nay, Iran hoàn toàn tuân thủ các cam kết. Điều này được Cơ quan Năng lượng Nguyên từ Quốc tế – AIEA – khẳng định. Trong khi đó, tại Washington, phe cứng rắn hy vọng là Iran rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân ngay lập tức. Họ cần điều này để biện minh cho chính sách của họ. Tuy vậy, người ta không thể nào thực hiện một cách đầy đủ thỏa thuận này bởi vì nền kinh tế giới hiện nay được tài chính hóa, đô la hóa và số hóa. Hoa Kỳ có thể dùng nguyên tắc « ngoài lãnh thổ » trong luật pháp của họ để trừng phạt các doanh nghiệp muốn làm ăn với Iran. Cho đến nay, châu Âu và cả thế giới đều không làm gì để phản bác sự áp đặt này. Châu Âu lẽ phải làm. Thế nhưng cả thế giới đều sững sờ, tê dại trước nguy cơ Donald Trump có thể hành động như thế. Do vậy, nói rằng cần duy trì thỏa thuận hạt nhân, về nguyên tắc, là tốt. Nhưng trên thực tế, người ta không thể thực hiện văn bản này.
Người ta có thể hy vọng vào thượng đỉnh G20 trong vài ngày tới tại Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe vừa công du Teheran. Donald Trump có thể không ủy nhiệm, nhưng cũng không ngăn cản ông Abe làm trung gian. Tình hình vùng Vịnh rất quan trọng đối với Nhật Bản vì một phần lớn lượng dầu lửa cung ứng cho Nhật Bản được vận chuyển qua khu vực và eo biển Ormuz. Không loại trừ khả năng là trong cơ chế hoạt động của G20, các trao đổi có thể làm xuất hiện một công thức nào đó cho phép giữ thể diện cho cả Hoa Kỳ và Iran, cho Donald Trump và giới lãnh đạo Iran. Nhưng đó chỉ là vấn đề trước mắt. Còn về lâu dài, cuộc đọ sức giữa hai bên sẽ tiếp tục. Bởi vì trong thâm tâm, nước Mỹ không tha thứ cho chế độ Teheran về vụ bắt người Mỹ làm con tin năm 1979. Nhưng tôi không nghĩ rằng đó là mục đích của Donald Trump. Có thể tôi nhầm vì không có đầy đủ thông tin khả tín. Thế nhưng, ngay cả những người có thông tin này cũng chưa chắc nắm bắt được mọi việc. Do vậy, đây chỉ là một giả thuyết. »
Liệu có lý hay không khi nói rằng cả Mỹ và Iran đều không muốn xẩy ra xung đột quân sự ?
« Tôi nghĩ là ở mỗi bên đều có những kẻ muốn dùng lá bài xung đột quân sự, bởi vì điều này phù hợp với ý đồ phục vụ lợi ích của họ. Tôi xin nhắc lại là ngay từ đầu, phe cứng rắn tại Iran muốn đối đầu với Mỹ. Họ sống được nhờ vào điều này, qua đó, kiểm soát và ngăn cản một xã hội hiện đại tại Iran. Họ cần có một tình hình căng thẳng và nêu ra mối đe dọa, tố cáo Mỹ là đế quốc. Còn tại Washington, cũng có những người tán đồng quan điểm của John Bolton và Mike Pompeo. Như vậy, không phải là cả nước Mỹ, cả nước Iran muốn xẩy ra xung đột. Trong bối cảnh đó, châu Âu và nhất là Pháp cần phải luôn luôn chú tâm theo dõi tình hình để một ngày nào đó, có thể giúp tạo dựng một sự chung sống hòa bình giữa Iran và Ả Rập Xê Út, giữa hai hệ phái Hồi giáo, Shia và Suni. Châu Âu cần gia tăng vai trò của mình và trong thời gian gần đây, Pháp cố gắng làm việc theo hướng này. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190626-cang-thang-my-iran-thu-giai-ma-y-do-cua-hai-ben
Tổng thống Trump quyết tâm thực hiện
chiến dịch lật đổ tổng thống Nicolas Maduro
Tin từ WASHINGTON, DC — Vào hôm thứ Ba (25/6), đặc phái viên của Washington tại Venezuela cho biết tổng thống Donald Trump vẫn quyết tâm thực hiện một chiến dịch gây áp lực buộc Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phải từ chức để nhường chỗ cho nhà lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido.
Trước đó, chiến dịch này từng thất bại trong việc lật đổ ông Maduro, người đang nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nga và Trung Cộng.
Nhà lãnh đạo phe đối lập Guaido tuyên bố rằng cuộc tái bầu cử của ông Maduro vào năm 2018 là bất hợp pháp, và vào tháng 1 năm nay đã viện dẫn hiến pháp Venezuela để tự nhậm chức tổng thống lâm thời với sự ủng hộ từ Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác.
Ông Elliott Abrams, đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ tại Venezuela, đã gạt bỏ những câu hỏi về việc liệu Washington có từ bỏ Venezuela vì các vấn đề chính sách đối ngoại cấp bách khác, như căng thẳng với Iran và các cuộc đàm phán thương mại với Trung Cộng. Ông cũng kiên quyết bác bỏ khả năng ông Maduro có thể là một phần của chính phủ đoàn kết ở Venezuela.
Ông Abrams đã trích dẫn các ví dụ cho thấy Venezuela vẫn là một ưu tiên của chính quyền, đồng thời cho biết tổng thống Donald Trump đã đề cập đến vấn đề này với Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong cuộc họp ngày 20 tháng 6. Phó Tổng thống Mike Pence cũng tới Miami để giúp đưa tiễn tàu bệnh viện Hải quân Hoa Kỳ USNS Comfort đi làm nhiệm vụ y tế tại Nam Mỹ để giúp đỡ những người Venezuela di tản. Đặc biệt, ông Abrams còn cho biết số lượng quốc gia đã tuyên bố hỗ trợ cho ông Guaido sẽ gia tăng, từ con số 54 quốc gia hiện tại. (Mộc Miên)
Quản lý truyền thông của bà Melania
sẽ là thư ký báo chí Nhà Trắng
Bà Stephanie Grisham, giám đốc truyền thông của Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump đồng thời là trợ lý lâu năm của Tổng thống Donald Trump, sẽ lên thay bà Sarah Sanders làm thư ký báo chí của Nhà Trắng, bà Melania thông báo hôm 25/6.
Bà Melania đã thông báo thông tin này trên Tweeter để chốt lại quá trình tìm kiếm của tổng thống cho một thư ký báo chí mới sau khi bà Sanders quyết định nghỉ việc và trở về quê nhà ở bang Arkansas hồi đầu tháng.
Bà Grisham, thành viên chủ chốt của Đảng Cộng hòa ở tiểu bang Arizona, là một trong những người được ông Trump tuyển đầu tiên cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông tư cách trợ lý báo chí vào năm 2015. Bà từng làm phó thư ký báo chí Nhà Trắng khi ông nhậm chức vào tháng 1 năm 2017 và cuối cùng chuyển sang phục vụ cho đệ nhất phu nhân.
Một manh mối cho thấy tổng thống đang nghiêng về bà Grisham cho vị trí này là khi các trợ lý của ông nói rằng Grisham đã được thêm vào danh sách các thành viên Nhà Trắng tháp tùng ông Trump đến hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản trong tuần này.
Việc bà Trump tuyên bố bổ nhiệm, thay vì chính tổng thống, cho thấy đệ nhất phu nhân sẵn sàng để Grisham ra đi vì lợi ích lớn hơn.
Grisham sẽ đóng vai trò kép vừa là thư ký báo chí vừa là giám đốc truyền thông. Bà Sanders về cơ bản cũng đã làm cả hai vai trò, nhưng không có chức danh giám đốc truyền thông.
Dòng tweet của bà Melania Trump viết: “Tôi rất vui mừng thông báo Stephanie Grisham sẽ là thư ký báo chí và giám đốc truyền thông tiếp theo! Cô ấy đã làm việc với chúng tôi từ năm 2015. Tổng thống và tôi nghĩ rằng không có người nào tốt hơn để phục vụ chính quyền và đất nước chúng ta.”
Trong nội bộ, Grisham được xem là ứng cử viên có mối quan hệ tốt nhất với Tổng thống Trump, một yêu cầu then chốt.
Với các dòng tweet và các lần trao đổi với phóng viên, ông Trump theo nhiều cách là thư ký báo chí và giám đốc truyền thông của riêng mình, và vai trò của bà Sanders đã trở thành cố vấn cao cấp.
Liệu Grisham có tổ chức lại các cuộc họp báo hàng ngày hay không vẫn chưa rõ ràng. Ông Trump đã chấm dứt truyền thống này và đã hơn ba tháng kể từ lần họp báo cuối cùng.
Ứng cử viên hàng đầu khác là phó thư ký báo chí chính của Sanders, Hogan Gidley.
Tony Sayegh, cựu phát ngôn viên của Bộ Tài chính, cũng đã được xem xét nhưng đang chuyển nhà đến New York. Cựu phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Heather Nauert rút lui khỏi danh sách được cân nhắc.
Sanders đang cân nhắc tương lai chính trị ở Arkansas và đang nghiên cứu chạy đua cho vị trí thống đốc bang mà thân phụ cô, ông Mike Huckabee của Đảng cộng hòa, từng nắm giữ.
Dân biểu đề xuất bỏ chương trình OPT,
du học sinh lo ngại
Một dân biểu bang Arizona dự định sẽ giới thiệu dự luật chấm dứt một chương trình của chính phủ liên bang—được sử dụng rộng rãi như một con đường để có được visa H-1B—cho phép sinh viên nước ngoài tốt nghiệp các trường ở Mỹ được làm việc ở nước này tới ba năm.
Dân biểu Cộng hòa Paul Gosar dự kiến sẽ giới thiệu với Hạ viện “Đạo luật Công bằng cho Người Mỹ Trình độ Cao 2019” để xóa bỏ chương trình Đào tạo Thực tiễn Tùy chọn (OPT).
Về cơ bản, OPT gia hạn visa giáo dục F-1 cho sinh viên đại học người nước ngoài để họ có thể làm việc trong hoặc sau khi học tập ở Mỹ. Giấy phép cấp cơ sở của chương trình này kéo dài một năm, nhưng “gia hạn STEM” cho phép sinh viên được làm việc thêm hai năm nữa.
Chương trình OPT đã tăng trưởng 400 phần trăm trong mười năm trở lại đây sau khi chính phủ vào năm 2008 kéo dài khoảng thời gian mà sinh viên và sinh viên mới tốt nghiệp thuộc các ngành STEM (gồm khoa học, công nghệ và toán học) có thể ở lại Mỹ làm việc, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào năm ngoái. Trong những năm gần đây, chương trình OPT đã vượt qua H-1B như là nguồn lao động nhập cư tạm thời mới lớn nhất được xem là có trình độ cao, theo Pew.
Dự luật đề xuất của ông Gosar sẽ sửa đổi Đạo luật Di trú và Quốc tịch để cấm làm việc dưới chương trình OPT hoặc bất kì chương trình kế tục nào mà không có hành động của Quốc hội, theo Bloomberg Law. Văn phòng của ông cho biết ông định gửi tới Tổng thống Donald Trump một lá thư yêu cầu ông Trump loại bỏ OPT bằng sắc lệnh hành pháp.
“Các công ty công nghệ lớn đã đạt tới mức sinh lời và kiểm soát thị trường mà họ không cần tới sự trợ giúp của liên bang, các lỗ hổng, hoặc trợ cấp,” ông Gosar nói trong một thông cáo gửi cho Bloomberg Law. “Đã đến lúc các công ty này thuê công dân Mỹ và việc cho phép người nước ngoài chiếm những công việc tốt và thay thế người lao động Mỹ là một chính sách tồi.”
Nguyễn Trần Trí, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành robot tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ ở Washington, nói OPT là một chương trình “thực sự rất quan trọng” với nhiều sinh viên quốc tế như anh, những người mong có được cơ hội tích lũy kinh nghiệm làm việc thực tiễn.
“Nếu như [dự luật] thành sự thật thì nó là một tổn thất quá lớn,” anh nói. “Nó có thể ảnh hưởng tới việc nhiều người ở Việt Nam nói riêng hay nước ngoài nói chung nghĩ về việc đi Mỹ du học.”
Anh nói thêm rằng cơ hội làm việc mà OPT cung cấp có thể cho phép nhiều người thu hồi một khoản tiền ít nhiều sau khi họ đã bỏ ra hàng chục ngàn đôla đầu tư vào việc du học ở Mỹ.
Nghiên cứu sinh người Việt này cho biết anh sẽ bảo vệ luận án tiến sĩ của mình vào cuối năm nay và sau đó tham gia OPT.
Dự luật của ông Gosar, một đồng minh của Tổng thống Trump, có ít cơ may được thông qua tại Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát, theo Bloomberg Law.
Luật sư di trú Khanh Phạm từ Texas nhận định có một khả năng là ông Trump sẽ bỏ qua Quốc hội và kí ban hành sắc lệnh hành pháp bãi bỏ OPT, nhưng các tòa án phúc thẩm có phần chắc sẽ bãi bỏ sắc lệnh này vì lí do luật di trú là do Quốc hội ban hành.
“Tổng thống không thể tự mình một lúc sửa lại luật. Ông ấy chỉ có thể đưa ra sắc lệnh để nêu rõ phải áp dụng những luật này như thế nào, nhưng nó phải đi trong phạm vi luật đó cho phép,” ông nói.
“Ông ấy không thể đưa ra sắc lệnh trái ngược với luật đã có sẵn rồi.”
Nỗ lực của Dân biểu Gosar bãi bỏ OPT theo sau sự phẫn nộ liên quan đến H-1B, loại visa mà các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon lệ thuộc rất nhiều và đang vận động để nâng hạn ngạch lên 85.000 mỗi năm. Nhưng những người chỉ trích chỉ ra những vụ việc bị nói là lạm dụng và lập luận rằng H-1B hiện được dùng để thay thế nhân công Mỹ và hạ mức lương xuống thấp.
Chính quyền Trump đã tăng mạnh tỉ lệ từ chối đơn xin visa H-1B và cũng hứa sẽ xóa bỏ một chương trình cho phép vợ hoặc chồng mang visa H-4 của người lao động H-1B sắp có được tư cách thường trú nhân được phép đi làm.
https://www.voatiengviet.com/a/dan-bieu-de-xuat-bo-chuong-trinh-opt-du-hoc-sinh-lo-ngai/4973660.html
San Francisco trở thành thành phố đầu tiên
của Hoa Kỳ cấm thuốc lá điện tử
Russell HottenBBC News, New York
San Francisco là thành phố đầu tiên của Hoa Kỳ cấm thuốc lá điện tử cho đến khi tác động của chúng lên sức khỏe được làm sáng tỏ.
Các quan chức hôm thứ Ba đã bỏ phiếu cấm các cửa hàng bán thuốc lá điện tử. Các cửa hàng bán lẻ trực tuyến giao hàng đến địa chỉ trong thành phố sẽ là bất hợp pháp.
San Francisco cũng chính là quê nhà của Juul Labs, hãng sản xuất thuốc lá điện tử phổ biến nhất ở Mỹ.
Juul nói rằng động thái này sẽ khiến những người hút thuốc quay trở lại với thuốc lá và “tạo ra một thị trường chợ đen phát triển mạnh”.
Thị trưởng của San Francisco, London Breed, có 10 ngày để ký ban hành luật, nhưng đã cho biết rằng bà sẽ thông qua luật này. Bảy tháng sau ngày ký, luật mới sẽ chính thức có hiệu lực, mặc dù đã có báo cáo các công ty có thể đưa ra một thách thức pháp lý.
WHO: ‘Việt Nam cần tăng thuế thuốc lá’
Người Pháp đã bỏ thuốc lá như thế nào?
Các nhà hoạt động chống thuốc lá điện tử nói rằng các công ty cố tình nhắm vào người trẻ tuổi bằng cách tung ra các sản phẩm có hương vị. Giới chỉ trích nói rằng không chỉ cần điều tra khoa học hơn về tác động sức khỏe, thuốc lá điện tử có thể khuyến khích những người trẻ tuổi chuyển sang thuốc lá.
Đầu năm nay, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ban hành các hướng dẫn đề xuất để các công ty áp dụng trong đánh giá các sản phẩm thuốc lá điện tử của họ cho đến năm 2021.
Thời hạn ban đầu đặt ra là tháng 8/2018, nhưng sau đó cơ quan này nói rằng cần có thêm thời gian chuẩn bị.
Luật sư thành phố San Francisco, Dennis Herrera, người đã vận động lệnh cấm, ca ngợi hành động này và nói rằng điều đó là cần thiết bởi vì cái mà ông gọi là “sự thoái thác trách nhiệm” của FDA trong việc điều chỉnh thuốc lá điện tử.
Tử vong do thuốc lá
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, số thanh thiếu niên Hoa Kỳ thừa nhận sử dụng các sản phẩm nicotine đã tăng khoảng 36% vào năm ngoái, điều này được cho là do sự gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử.
Theo luật liên bang, độ tuổi tối thiểu để mua các sản phẩm thuốc lá là 18 tuổi, mặc dù ở California và một số tiểu bang khác là 21.
Juul cho biết họ đã hỗ trợ giảm thuốc lá điện tử trong giới trẻ nhưng cũng yêu cầu cần có sự kết hợp với các biện pháp cứng rắn hơn để ngăn họ tiếp cận với thuốc lá.
Sản phẩm của của công ty chỉ dài hơn ổ đĩa flash, chiếm khoảng 70% thị trường thuốc lá điện tử của Mỹ.
Người phát ngôn của Juul Ted Kwong nói: “Việc cấm hoàn toàn này sẽ khiến những người hút thuốc lá trưởng thành đã chuyển thành công các máu tạo khói quay lại với thuốc lá, lấy đi cơ hội chuyển sang thuốc lá điện tử với người đang hút thuốc truyền thống và tạo ra một thị trường đen béo bở thay vì giải quyết các nguyên nhân thực sự của việc người tuổi vị thành niên sử dụng thuốc lá.
“Chúng tôi đã thực hiện các hành động mạnh mẽ nhất trong ngành để giữ cho các sản phẩm của chúng tôi nằm ngoài tầm tay của những người chưa đủ tuổi và đang thực hiện các biện pháp mạnh hơn nữa.”
Ông nói rằng các sản phẩm thuốc lá truyền thống sẽ “không bị ảnh hưởng bởi luật này, mặc dù chúng giết chết 40.000 người California mỗi năm”.
Juul, thương hiệu có 35% cổ phần do Marlboro Altria Group nắm giữ, đã rút các hương vị phổ biến như xoài và dưa chuột khỏi các cửa hàng bán lẻ và đóng các kênh truyền thông xã hội của mình trên Instagram và Facebook.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48768148
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller
sẽ điều trần trước hai ủy ban hạ viện vào ngày 17/07
Tin từ Washington, DC – Vào hôm thứ Ba (25 tháng 6), hai chủ tịch ủy ban Hạ viện tuyên bố, công tố viên đặc biệt Robert Mueller đồng ý điều trần công khai trước Quốc hội vào ngày 17 tháng 7, sau khi đảng Dân Chủ ban hành trát yêu cầu ông phải trình diện.
Phiên điều trần của ông Mueller trước Ủy ban Tư pháp và Tình báo Hạ viện có thể sẽ là phiên điều trần Quốc hội được mong đợi nhất trong nhiều năm qua. Đặc biệt là khi ông Mueller kiên quyết giữ im lặng trong suốt cuộc điều tra nhằm vào nhóm vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump.
Ông Mueller không bao giờ phản ứng trước các chỉ trích công khai từ Tổng thống, và ông cũng không bao giờ đích thân tham gia cùng các công tố viên tại tòa án, hay đưa ra thông báo về các cáo buộc hình sự. Tuyên bố công khai duy nhất mà ông đưa ra là khi ông thông báo từ chức vào tháng 5, kèm theo lời giải thích về việc ông không truy tố hay cáo buộc Tổng thống Trump. Ông cũng đã thông báo cho các nhà lập pháp rằng ông không bao giờ
có ý định cung cấp thêm thông tin, ngoài những gì đã đưa ra trong báo cáo điều tra dài 450 trang.
Hai ủy ban Hạ viện vẫn đàm phán và yêu cầu ông Mueller ra điều trần, cho dù ông có lưỡng lự như thế nào.
Trong bản báo cáo công bố hồi tháng 4, ông Mueller đã kết luận không có đủ bằng chứng để kết luận nhóm tranh cử của Trump hợp tác với Nga. Ông nói rằng ông hề không kết luận là tổng thống Trump không cản trở công lý, và ông không được giao nhiệm vụ truy tố tổng thống.
Đảng Dân Chủ cho rằng Quốc hội sẽ phải đánh giá những phát hiện của cuộc điều tra. Theo KTLA, các nhà lập pháp có thể chất vấn ông Mueller về lý do tại sao ông không đưa ra kết luận Tổng thống cản trở công lý, phản ứng của ông trước những lời chỉ trích từ Tổng thống, và liệu ông có truy tố Tổng thống nếu ông không phải phụ trách cuộc điều tra hay không. (Mộc Miên)
Hạ viện thông qua dự luật ngân sách khẩn cấp
4.5 tỷ Mỹ kim cho di dân, Trump dọa phủ quyết
Dù đưa ra những thay đổi vào phút chót và chịu sức ép từ những người đứng đầu đảng Dân Chủ, vào hôm thứ Ba (25 tháng 6), Hạ viện vừa thông qua gói viện trợ khẩn cấp trị giá 4.5 tỷ Mỹ kim để chăm sóc cho hàng ngàn gia đình di dân và trẻ em không có người thân bị giam giữ, sau khi họ vượt qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico.
Dự luật được thông qua sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi chấm dứt cuộc tranh cãi của nhà lập pháp người Hispanic và cấp tiến. Các điều khoản mới được thêm vào dự luật khiêm tốn hơn nhiều so với những gì các nhà lập pháp mong muốn, nhưng lại là nhu cầu cấp bách, đặc biệt là khi tình trạng nhân đạo ở biên giới trở thành ưu tiên vượt lên trên hết các mối lo ngại.
Cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ ủng hộ 230-195 sẽ khơi mào một cuộc đối đầu với Thượng viện do Đảng Cộng Hòa kiểm soát. Theo đó, Thượng viện có thể cố gắng ép buộc đảng Dân Chủ gửi cho Tổng thống Trump một dự luật lưỡng đảng khác trong những ngày tới. Theo lời một phụ tá Dân Chủ ẩn danh, bà Pelosi cho rằng Thượng viện đã đưa ra một dự luật tốt, nhưng dự luật của Hạ viện sẽ đưa ra biện pháp chăm sóc người di dân chu đáo hơn, từ thức ăn, quần áo đến y tế.
Theo KTLA, dự luật cung cấp 1 tỷ Mỹ kim để cung cấp nơi ở và lương thực cho người di dân bị bắt giữ ở biên giới, và 3 tỷ Mỹ kim để chăm sóc những trẻ em di dân một mình do Bộ Y tế và Xã Hội Hoa Kỳ (HHS) tạm giữ. Ngoài ra, dự luật sẽ cải thiện các tiêu chuẩn chăm sóc trẻ em tại các nhà tạm trú của HHS.
Cả hai dự luật của Hạ viện và Thượng viện đều không phân bổ ngân sách cho bức tường biên giới, đồng thời cấm sử dụng thông tin của các nhà bảo trợ trẻ em di dân để trục xuất họ. (Mộc Miên)
Lãnh đạo cảnh sát biên phòng Mỹ từ chức
sau tai tiếng về trẻ em di dân
Quyền giám đốc cơ quan Thuế Vụ và Biên Phòng Mỹ (CBC) John Sanders, vào hôm qua, 25/06/2019, thông báo từ chức, sau khi tin tức về điều kiện giam giữ tồi tệ trẻ em nhập cư được tiết lộ cho báo chí. Trong một bức thư ông Sanders cho biết sẽ rời nhiệm sở vào ngày 05/07 tới đây.
Thông báo từ chức của ông Sanders được đưa ra sau khi tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Wacht công bố báo cáo về tình trạng giam giữ hơn 200 trẻ em ở trung tâm Clint, gần El Paso, bang Texas.
Thông tín viên RFI tại Washington, Anne Corpet, tường thuật :
Warren Binford nằm trong ê-kíp luật sư đã gặp được các em bị giữ ở trung tâm Clint, bang Texas. Trả lời phỏng vấn đài MSNB, bà đã mô tả điều kiện giam giữ trẻ em như sau : Các em bị nhốt trong phòng 24 tiếng trên 24, trong nhiều phòng đặt luôn phương tiện vệ sinh, các em không có xà phòng, không có gì để rửa tay, thức ăn thì thuộc loại pha chế ăn liền, nhiều em phải ngủ dưới đất, nằm ngay trên xi măng vì thiếu nệm, thiếu giường.
Lời chứng của các luật sư đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ. Các em được đưa đi khỏi trung tâm vào tối thứ Hai 24/06, nhưng vào hôm qua, thứ Ba, khoảng 100 em đã phải quay trở lại vì ở nơi khác không có chỗ.
Khi được hỏi về điều kiện giam giữ các trẻ em nói trên, tổng thống Trump tuyên bố: Tôi rất lo lắng, nhưng những điều kiện này còn tốt hơn nhiều so với thời kỳ Obama. Và chúng tôi đang cố yêu cầu phía Dân Chủ đồng ý tháo khoán một khoản trợ giúp nhân đạo. Có lẽ họ sẽ thông qua phần trợ giúp này.”
Phe Dân Chủ ở Hạ Viện rốt cuộc đã đồng ý ngân sách 4,5 tỉ đô la trợ giúp nhân đạo cho người nhập cư ở biên giới. Nhưng không chắc là phe Cộng Hòa chiếm đa số ở Thượng Viện sẽ đồng ý thông qua. Họ đòi là một phần của ngân sách này phải được dành cho lực lượng an ninh.
LHQ: cảnh sát Hoàng Gia Thái
đã bắt giữ Trương Duy Nhất và trao cho mật vụ CSVN
Tin từ Geneva, ngày 26/6/2019: Năm cơ chế nhân quyền đặc biệt của Liên Hợp quốc (LHQ) đã gửi một báo cáo chung lên Uỷ ban Nhân quyền LHQ nói rằng Cảnh sát Hoàng gia Thái đã bắt cóc cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất và trao cho mật vụ Việt Nam.
Một lá thư chung được gửi trong tháng Tư bởi 2 nhóm công tác về bắt giữ độc đoán và về mất tích, 3 báo cáo viên đặc biệt về bảo vệ và cổ suý quyền tự do ngôn luận và biểu đạt, về tình trạng của người bảo vệ nhân quyền, và về tra tấn và đối xử vô nhân đạo. Họ đã nói rằng blogger Nhất đã chạy khỏi Việt Nam và nhập cảnh bất hợp pháp vào Thái Lan vào ngày 19/1/2019. Ông đến Văn phòng Cao uỷ về Người tỵ nạn của LHQ tại Bangkok ngày 25/1 để ghi danh xin tỵ nạn chính trị. Sau đó, khi đang ở khách sạn, ông thấy có 3 cuộc gọi từ số điện thoại Thái Lan mà phía LHQ cho rằng cảnh sát Thái đã thực hiện. Ông Nhất đã đi ra Future Park Mallở quận Rangsit củaBangkok và tại đây ông bị giữ bởi cảnh sát Thái trong trang phục dân sự. Những người này giữ ông ở iBerry Café rồigiao ông cho 3 sỹ quan an ninh Việt Nam vào khoảng 20h cùng ngày. Mật vụ Việt Nam đã đưa ông lên một xe mang biển số Thái và đưa ông ra ngoài biên giới.
Ông Nhất được cho là bị đưa vào giam giữ ở Trại tạm giam T16 của bộ công an ở Hà Nội vào ngày 28/1. Gia đình ông được báo tin và đến thăm ông vào giữa tháng 3. Gần đây, phía công an công bố ông bị điều tra về cáo buộc “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điều 355 của bộ luật hình sự.
Các báo cáo viên cho biết trước khi phải trốn chạy khỏi Việt Nam, vì ông có thể bị bắt do có ý định công bố thông tin nhạy cảm về một số quan chức cao cấp.
Họ cũng cho biết do hỗ trợ ông Nhất khi ông đến Thái Lan mà nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền cũng bị cảnh sát Thái theo dõi.
Các báo cáo viên nói việc Cảnh sát Hoàng gia Thái bắt cóc ông Nhất vi phạm vào quyền không bị bắt cóc biệt tích và tra tấn, Công ước về quyền dân sự và chính trị, và đề nghị Uỷ ban Nhân quyền có ý kiến với hai chính phủ Thái Lan và Việt Nam cung cấp đủ thông tin về sự việc của ông Nhất.
Hồ sơ về sự việc của ông Nhất cũng sẽ được chuyển cho Hội đồng Nhân quyền của LHQ.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/lhq-canh-sat-hoang-gia-thai-da-bat-giu-truong-duy-nhat-va-trao-cho-mat-vu-csvn/
NATO kêu gọi Nga hủy tên lửa mới,
cảnh báo sẽ đáp trả
NATO hôm 25/6 hối thúc Nga phá hủy một loại tên lửa mới trước hạn chót tháng 8 để cứu vãn một hiệp ước cấm các đầu đạn hạt nhân trên lãnh thổ châu Âu, nếu không Nga sẽ phải đối mặt với hành động đáp trả quyết liệt hơn của liên minh NATO.
Hãng tin Reuters cho hay các bộ trưởng quốc phòng NATO sẽ thảo luận vào ngày 26/6 về các biện pháp tiếp theo nếu Moscow tiếp tục giữ hệ thống tên lửa mà Mỹ nói sẽ cho phép các cuộc tấn công hạt nhân chớp nhoáng nhắm vào châu Âu, vi phạm Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung 1987 (INF).
“Chúng tôi kêu gọi Nga hãy chọn con đường có trách nhiệm, nhưng chúng tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy là Nga có ý định làm như vậy,” Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói tại một cuộc họp báo. “Chúng tôi sẽ phải đáp trả,” ông Stoltenberg nói.
Người đứng đầu NATO từ chối đi vào chi tiết, nhưng theo các nhà ngoại giao, các bộ trưởng quốc phòng NATO sẽ xem xét giải pháp cho phép máy bay chiến đấu Mỹ tăng các chuyến bay có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trên không phận châu Âu, đồng thời tăng huấn luyện quân sự và tái định vị các tên lửa trên biển của Mỹ ở khu vực này.
Hoa Kỳ và các đồng minh NATO muốn Nga phá hủy hệ thống tên lửa hành trình hạt nhân 9M729/SSC-8, Moscow cho đến nay vẫn từ chối làm điều đó. Moscow bác bỏ mọi cáo buộc là họ vi phạm hiệp ước INF, và tố cáo ngược lại rằng chính Washington đang tìm cách khởi động một cuộc chạy đua vũ trang.
Mỹ tuyên bố sẽ rút ra khỏi hiệp ước INF vào ngày 2/8 nếu các bên không đạt được thỏa thuận, và nếu điều này xảy ra, thì những hạn chế ngăn cản Mỹ phát triển tên lửa tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân sẽ được gỡ bỏ.
Cuộc tranh chấp này đã đào sâu hơn sự rạn nứt trong các quan hệ Đông-Tây vốn đã xuống cấp nghiêm trọng sau khi Nga thôn tính Crimea và can thiệp vào tình hình Syria.
Nga hôm 24/6 cảnh báo về một cuộc đối đầu ở tầm cỡ tương đương với cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962, nếu Mỹ triển khai các hệ thống tên lửa mặt đất gần biên giới với Nga, nhưng Tổng thư ký NATO Stoltenberg nói không có bất cứ kế hoạch nào để làm như vậy.
Đại sứ Hoa Kỳ ở NATO Kay Bailey Hutchison nói với các phóng viên rằng tại thời điểm này, Washington chỉ xem xét việc sử dụng các vũ khí quy ước, chứ không phải vũ khí hạt nhân, trong bất cứ hành động đáp trả nào trong tương lai.
Bà Hutchison cho biết: “Mọi giải pháp đều được để ngỏ nhưng chúng tôi chỉ cân nhắc việc sử dụng các hệ thống vũ khí quy ước. Đó là điều quan trọng mà các đồng minh EU của chúng tôi cần biết.”
https://www.voatiengviet.com/a/nato-keu-goi-nga-huy-ten-lua-moi-canh-bao-se-dap-tra/4973446.html
Cuộc họp ba bên:
Mỹ, Nga và Israel bất đồng về Iran
Iran là chủ đề chính trong cuộc họp 3 bên chưa từng có giữa các cố vấn an ninh Mỹ – John Bolton, Nga – Nikolaï Patrouchev và Israel – Meir Ben Shabbat, vào hôm qua 25/06/2019 tại Jerusalem, để bàn về tình hình Trung Cận Đông. Đánh giá của ba bên về Iran rất khác nhau.
Thông tín viên RFI tại Jerusalem, Guilhem Delteil, tường thuật :
Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu đã nói đến một ngày lịch sử. Đây là lần đầu tiên mà cố vấn an ninh ba quốc gia Mỹ, Nga, Israel ngồi lại với nhau, và thủ tướng Israel nhìn thấy có những khả năng hợp tác.
Ông nói : Cuộc họp này là một cơ may thật sự để cải thiện sự ổn định trong khu vực, đặc biệt là tình hình ở Syria. Israel đã hành động hàng trăm lần để ngăn chặn việc Iran đóng quân ở Syria.
Nếu chính quyền Mỹ cũng xem Iran như là nguồn gây mất an ninh, thì đối với Hoa Kỳ, nước Cộng Hòa Hồi giáo phải bị đẩy lui không chỉ tại Syria. Ông John Bolton, cố vấn an ninh của Donald Trump khẳng định : Trong toàn bộ vùng Trung Đông, chúng tôi thấy rằng Iran là nguồn can thiệp và tấn công. Nước này ủng hộ nhóm khủng bố Hezbollah ở Liban, giúp đỡ chế độ Assad ở Syria, trang bị cho các dân quân hệ phái Shia ở Irak và đe dọa việc chuyển giao dầu hỏa trong khắp vùng.
Nhưng đối với Nga thì khác. Cố vấn an ninh Nga đã lên tiếng bảo vệ sự hiện diện của Iran tại Syria và còn bảo đảm là máy bay không người lái của Mỹ bị Iran bắn hạ vào tuần qua, đúng là ở trong không phận Iran.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190626-bat-dong-ve-iran-noi-com-tai-cuoc-hop-3-ben-my-nga-va-israel
Brexit: EU sẽ có ‘mùa thu nóng’ vì Thủ tướng Anh?
Hai ứng viên thủ tướng Anh tuyên bố vẫn có thể đàm phán lại về Brexit, mặc dù EU bác bỏ.
Ông Boris Johnson và Jeremy Hunt đang tranh chức lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh, để làm thủ tướng vào ngày 24/7.
Thủ tướng Theresa May đã từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ.
Ông Johnson nói Anh phải ra khỏi EU ngày 31/10, dù là có thỏa thuận hay không.
Còn ông Jeremy Hunt nói 31/10 chỉ là “hạn chót giả tạo”.
Johnson và Hunt đua chặng cuối vào ghế thủ tướng Anh
Thay Theresa May, đảng Bảo thủ Anh chọn lãnh đạo ra sao?
Brexit: Anh quốc hỏi ‘bao giờ cho tới tháng Mười’
Các thành phố của châu Âu đang phải chịu cái oi bức của đợt nắng nóng trong khi các bộ trưởng chính phủ đang đếm từng ngày cho kỳ nghỉ ở bãi biển hoặc tìm thấy không khí mát mẻ trên núi.
Ngày gia hạn Brexit sẽ kết thúc vào ngày 31/10, dường như là sự ra đi vĩnh viễn trong các điều khoản chính trị.
Các ông Johnson và Hunt không chấp nhận lời lẽ của EU khi nói rằng thỏa thuận ra khỏi EU không thể được đàm phán lại.
Nhưng các nhà lãnh đạo EU không mấy để tâm khi họ đe dọa sẽ không có thỏa thuận vào cuối tháng Mười.
Có hai giả thuyết chính của EU:
Tham vọng: Các nhà ngoại giao EU nhìn vào ông Boris Johnson nói riêng và tin rằng họ thấy một người muốn trở thành thủ tướng Anh từ rất lâu. Họ không tin rằng ông ấy – hoặc ông Hunt vì vấn đề đó – mà sẽ mạo hiểm với chức thủ tướng của họ chỉ sau vài tháng tại vị, để thông qua Brexit không có thỏa thuận mà đa số trong nghị viện, bao gồm nhiều nghị sĩ trong đảng của họ, cũng có thể phản đối.
Thực tiễn: Nếu EU tham gia vào các cuộc đàm phán mới về Brexit vào mùa thu này, không có ai ở Brussels nghĩ rằng đàm phán có thể được khởi động và kết thúc đúng hạn vào ngày 31/10 – ngay cả khi Brussels sẵn sàng hợp tác với mọi yêu cầu của tân thủ tướng Anh đưa ra.
Jeremy Hunt đã ám chỉ rằng ông có thể trì hoãn Brexit nếu các cuộc đàm phán đang diễn ra ở đâu đó.
Liệu Boris Johnson có vứt bỏ cơ hội đàm phán mới thành công chỉ để thông qua Brexit không có thỏa thuận vào tháng Mười? Có vẻ như EU không nghĩ như vậy.
Đâu là lý do tại sao nhiều chính trị gia châu Âu tin rằng – bất cứ điều gì ông Johnson và ông Hunt nói lúc này – tân thủ tướng Vương quốc Anh rất có thể chấm dứt yêu cầu gia hạn Brexit lần hai vào mùa thu.
Quốc hội Anh và Brexit: Lại tiếp tục bỏ phiếu
Brexit: Nghị viện Anh lại bác Thỏa thuận của Thủ tướng
Brexit: Pháp và EU phản ứng về Thủ tướng May ‘từ chức’
Ủy ban châu Âu cũng khẳng định rằng, trái với tuyên bố của Boris Johnson, sẽ không có thời kỳ chuyển đổi hoặc thực hiện – không có thuế quan thương mại song phương 0% giữa EU và Anh – trong trường hợp Brexit không đạt được thỏa thuận. EU “không khuyến khích” để đồng ý một thỏa thuận như vậy, theo Eurocrats.
Và trong trường hợp bạn nghĩ rằng họ đang nói đùa, sự từ chối hoàn toàn của ủy ban thương mại EU với sự quả quyết của ông Johnson đã được tweet lại bởi Phó Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU.
Nhưng các chính trị gia hàng đầu EU thừa nhận (chủ yếu là sau nghị trường) rằng, trong khi họ công khai duy trì Thỏa thuận rút lui, họ sẽ lắng nghe nếu tân thủ tướng Vương quốc Anh có những đề xuất mới, đáng tin cậy cho vấn đề hóc búa biên giới Ireland.
“Đáng tin cậy” là từ khóa ở đây.
Đại sứ Đức tại Anh, Peter Wittig, cho biết hôm 25/6 rằng Berlin hoan nghênh các ý tưởng làm thế nào giải quyết “vấn đề ‘chốt chặn cuối’ nổi tiếng đó”.
Hầu như không có gì bí mật rằng các nhà lãnh đạo EU sẽ thích một Brexit có trật tự hơn là một Brexit vô trật tự. Mặc dù họ lặp lại ở bất kỳ và với mọi dịp nào là họ đã chuẩn bị cho Brexit không có thỏa thuận.
Những người trong cuộc ở EU dự đoán một mùa thu “nóng” đầy căng thẳng sau những gì họ hy vọng sẽ là một mùa hè dài và lười biếng.
Ánh mắt của châu Âu sau đó sẽ hướng vào tân thủ tướng Vương quốc Anh. Nhưng cũng sẽ hướng đến Dublin.
26 quốc gia Eu khác đang theo dõi bất kỳ dấu hiệu nào của khả năng đàm phán về ‘chốt chặn cuối’ – nếu Ireland hành động, phần còn lại của EU có thể sẽ bắt chước.
Và, nếu không đi đến một thỏa thuận, EU muốn có sự đảm bảo và chi tiết từ Ireland về cách họ dự định bảo vệ thị trường chung khỏi Vương quốc Anh thời kỳ hậu Brexit.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48771718
Johnson ve vãn tài phiệt
trong cuộc đua giành chức thủ tướng Anh
Boris Johnson, người đang dẫn đầu trong cuộc đua giành chức thủ tướng Anh, đã gặp những nhà điều hành các quỹ đầu cơ và công ty cổ phần tư nhân để quyên góp cho chiến dịch tranh cử của mình, theo các nguồn tin hiểu biết vấn đề cho hay.
Ông Johnson, 55 tuổi, đang tìm cách xây dựng một quỹ hoạt động để hỗ trợ chiến dịch vận động của ông và xây dựng lại quan hệ với các nhà điều hành doanh nghiệp, vốn đã căng thẳng hồi năm ngoái vì những lời chửi thề của ông nhắm vào giới kinh doanh. Hôm 25/6, ông Johnson tái khẳng định quyết tâm đưa nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu vào ngày 31/10 năm nay.
Ông Johnson hôm 18/6 đã tổ chức một bữa ăn sáng gặp mặt với các nhà tài trợ tiềm năng tại số 5 Phố Hertford, một câu lạc bộ tư nhân ở quận Mayfair giàu có của London. Câu lạc bộ này có quy định nghiêm ngặt về trang phục, nam giới phải mặc áo vét, ngoại trừ trên sàn nhảy sau 11 giờ tối.
Người phát ngôn của ông Johnson không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters và câu lạc bộ số 5 Phố Hertford cũng từ chối bình luận về sự kiện này.
Là cựu thị trưởng thành phố London, ông Johnson từng kêu gọi cắt giảm thuế cho những người có thu nhập cao trong chiến dịch tranh cử. Ông từng được các nhà tài trợ đóng góp tài chánh trong quá khứ.
Khoản quyên góp lớn nhất cho chiến dịch của ông trong quốc hội đương nhiệm đến từ Jon Wood, người quản lý một quỹ đầu cơ, và cũng là người sáng lập Quỹ SRM Toàn cầu. Ông Wood đã quyên góp 75.000 bảng, theo bản đăng ký lợi ích tài chính của các nhà lập pháp.
Reuters không liên lạc được với ông Wood để xin bình luận.
Johan Christofferson, người đồng sáng lập quỹ đầu cơ Christofferson Robb của Mỹ, đã tặng 36.000 bảng cho chiến dịch của ông Johnson, theo tài liệu đăng ký.
Ông Johnson và đối thủ của ông, Bộ trưởng Ngoại giao Jeremy Hunt, mỗi người phải gây 150.000 bảng cho các chiến dịch tranh cử, theo các quy định của Đảng Bảo thủ cầm quyền mà họ là thành viên. Các khoản tiền này giúp trang trải chi phí của chiến dịch tranh cử, gồm việc đến dự 16 cuộc tranh luận trên toàn quốc mà hai ứng viên này dự định tham gia.
Khoảng 160.000 thành viên được trả lương của Đảng Bảo thủ sẽ bầu chọn giữa hai người, kết quả dự kiến được công bố ngày 23/7. Nhà lãnh đạo mới của đảng sẽ tự động trở thành thủ tướng.
Bản đăng ký nghị viện cho thấy, tính từ cuộc tổng tuyển cử năm 2017, ông Johnson đã kiếm được hơn 700.000 bảng Anh trong thời gian nhóm họp của quốc hội này – qua đọc diễn văn, các tác phẩm in ấn, xuất bản và báo chí.
Pháp : Nắng nóng kéo dài đến cuối tuần,
có thể lên đến 40°C
Tình trạng nắng nóng tiếp tục gia tăng tại châu Âu. Tại Pháp, hôm nay, 26/06/2019, nhiệt độ tối đa từ 35°C đến 39°C tại hai phần ba diện tích lãnh thổ, đặc biệt ở miền nam và miền đông.
Theo cơ quan dự báo thời tiết Pháp, Météo France, đây là giai đoạn nắng nóng « chưa từng có về cường độ và độ sớm kể từ năm 1947 ». Vẫn theo Météo, giai đoạn nắng nóng kéo dài này có thể đạt đỉnh 40°C. Ngày mai, thứ Năm, dự báo sẽ còn nóng hơn hôm nay.
Toàn bộ 65 tỉnh được đặt trong tình trạng báo động cấp « da cam », tức mức báo động thứ ba, sau cấp « tím » (cao nhất) và « đỏ » (thứ nhì).
Để đối phó với tình trạng ô nhiễm ô-zôn tại vùng thủ đô Paris và nhiều thành phố, hôm nay, nhiều loại xe bị cấm đi lại ở Paris, Lyon, và ngày mai là tại Strasbourg. Tại nội ô Paris và ba tỉnh giáp ranh, Hauts-de-Seine (92), Seine-Saint-Denis (93) và Val-de-Marne (94), các loại xe chạy xăng đăng ký trước 2005, và chạy diesel đăng ký trước 2010 (mang chứng chỉ mức độ ô nhiễm Crit’Air 4, 5 và 3) không được phép ra đường. Lệnh cấm liên quan đến khoảng 1/3 số lượng xe cộ tại thủ đô Paris và vùng Ile-de-France.
Luồng không khí nóng đến từ sa mạc Sahara tuần này làm nhớ giai đoạn nóng bức kỷ lục tháng 8/2003, khiến hàng nghìn người chết trong hơn hai tuần lễ. Với đà khí hậu bị hâm nóng, các nhà khoa học dự báo trong tương lai, số lượng các đợt nóng tương tự sẽ tăng từ hai đến ba lần.
Pháp : Nhà nước bị quy trách nhiệm để ô nhiễm không khí trầm trọng
Một tòa án hành chính tại Montreuil hôm qua, 25/06, ra phán quyết là Nhà nước Pháp đã không hành động đủ để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí tại vùng thủ đô, trong khoảng thời gian từ 2012 đến 2016.
Quyết định được đưa ra sau đơn khiếu nại của một người mẹ và con gái, nạn nhân của một số căn bệnh đường hô hấp, như viêm phế quản mãn tính, hen. Luật sư của hai nguyên đơn hoan nghênh quyết định của tòa án. Trả lời AFP, ông khẳng định đây là một quyết định chưa có tiền lệ. Khoảng 39 hồ sơ tương tự đang được các tòa án xem xét.
http://vi.rfi.fr/phap/20190626-phap-nang-nong-keo-dai-den-cuoi-tuan-co-the-dat-dinh-40%C2%B0c
Pháp, Nhật
cố đóng vai trò trung gian hòa giải Mỹ-Iran
Chuyến viếng thăm Nhật Bản đầu tiên của tổng thống Emmanuel Macron rất đúng lúc, bởi vì lãnh hai nước Pháp Nhật đều đang nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa Hoa Kỳ với Iran, nhằm chặn đứng sự leo thang nguy hiểm, có thể dẫn đến xung đột ở toàn bộ vùng Trung Đông.
Sau vụ Iran bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ, cả thế giới đã nín thở hồi hộp trước nguy cơ một cuộc chiến tranh vùng Vịnh mới. Rất may là vào giờ chót tổng thống Trump đã hủy lệnh oanh kích Iran để trả đũa. Ông Trump thật tình là không hề muốn có chiến tranh với Iran, nhưng hai nhân vật « diều hâu » và cũng là hai cộng sự viên thân cận nhất của tổng thống Mỹ, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và ngoại trưởng Mike Pompeo, thì rất hiếu chiến và vẫn không từ bỏ mưu đồ dùng vũ lực để thay đổi chế độ ở Teheran.
Vấn đề là hiện giờ tổng thống Trump không có cách nào để đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tối cao Iran, giáo chủ Ali Khamenei, cho nên, phải cần có sự trung gian hòa giải của các lãnh đạo thế giới khác. Thích hợp nhất cho vai trò này là tổng thống Pháp Macron và thủ tướng Nhật Shinzo Abe, nhất là Tokyo, tuy là đồng minh của Mỹ, nhưng vẫn có quan hệ rất tốt với Teheran.
Trước hết về lập trường của Pháp. Tuy chỉ trích Iran về việc không tuân thủ hiệp định hạt nhân 2015, nhưng Paris cũng thường xuyên cảnh báo về nguy cơ của « vòng xoáy hiếu chiến », nhấn mạnh đến sự cần thiết duy trì đối thoại với chế độ Teheran.
Trước khi đến Nhật Bản, hôm qua ông Macron đã điện đàm với tổng thống Iran Hassan Rohani. Theo hãng tin chính thức của Iran, Irna, tổng thống Rohani đã bảo đảm với tổng thống Pháp là Iran không muốn có chiến tranh với bất cứ quốc gia nào, kể cả Hoa Kỳ. Theo thông báo của điện Elysée (phủ tổng thống Pháp), cố vấn ngoại giao của tổng thống Macron vào tuần trước đã được cử đến Iran để gặp nhiều lãnh đạo cao cấp của chế độ Teheran nhằm cố làm giảm căng thẳng giữa Iran với Mỹ. Bên lề thượng đỉnh G20, tổng thống Macron cũng sẽ gặp riêng tổng thống Donald Trump để bàn về khủng hoảng Iran.
Về phần thủ tướng Nhật Shinzo Abe, vào giữa tháng 6 vừa qua, ông đã đến Iran để cố làm giảm căng thẳng giữa Teheran với Washington. Nhưng chuyến đi lịch sử này đã bất thành vì lúc đó giáo chủ Ali Khamenei đã tuyên bố dứt khoát không muốn nói chuyện với tổng thống Trump. Khả năng đối thoại trực tiếp giữa hai lãnh đạo Mỹ – Iran bây giờ lại càng không thể xảy ra, sau khi Hoa Kỳ ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào cả giáo chủ Khamenei. Thành ra, tổng thống Pháp Macron và thủ tướng Nhật Abe buộc phải có hành động nhanh chóng nếu muốn đẩy lùi nguy cơ chiến tranh ở vùng Vịnh.
Chuyến viếng thăm Tokyo của tổng thống Pháp là dịp để hai vị lãnh đạo đề ra một đối sách chung, mà họ sẽ trình bày với các đối tác tại thượng đỉnh G20 cũng như thượng đỉnh G7 cuối tháng 8. Hồ sơ Iran sẽ là một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự của thượng đỉnh G20 tại Osaka. Diễn tiến của thượng đỉnh Osaka sẽ cho thấy Paris và Tokyo có thành công hay không trong vai trò trung gian hòa giải.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190626-phap-nhat-co-dong-vai-tro-trung-gian-hoa-giai-my-iran
Tổng thống Pháp thăm Nhật Bản
trước khi dự thượng đỉnh G20
Hôm nay, 26/06/2019, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Tokyo, bắt đầu chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên của ông tại Nhật Bản, trước khi dự hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 vào cuối tuần này ở thành phố Osaka.
Căng thẳng Mỹ-Iran và Mỹ-Trung Quốc, cũng như vấn đề liên doanh giữa hai tập đoàn xe hơi Renault và Nissan sẽ là những chủ đề chính trong các cuộc hội đàm giữa nguyên thủ quốc gia Pháp với thủ tướng Nhật Shinzo Abe.
Từ Tokyo, đặc phái viên RFI Mounia Daoudi gởi về bài tường trình:
« Shinzo Abe và Emmanuel Macron có cùng một mối quan tâm : bảo vệ trật tự đa phương của thế giới, đã bị tổn hại nặng nề kể từ khi Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ.
Nhật Bản năm nay làm chủ tịch nhóm G20, còn Pháp làm chủ tịch nhóm G7, cho nên lãnh đạo hai nước muốn phối hợp với nhau để tạo ra một động lực mới, từ thượng đỉnh Osaka tuần này đến thượng đỉnh Biarritz vào cuối tháng 8, chẳng hạn như để thúc đẩy các đối tác chống biến đổi khí hậu một cách hiệu quả hơn.
Lãnh đạo hai nước cũng phải làm sao để nhóm G20 cũng như nhóm G7 có hành động một cách đồng bộ giải quyết các vấn đề về bất bình đẳng xã hội, phát triển châu Phi và xử lý rác thải nhựa. Tóm lại là phải làm sao để các cuộc gặp thượng đỉnh không trở thành con tin của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo dài từ nhiều tháng qua.
Tại Tokyo, tổng thống Macron cũng sẽ bảo vệ dự án mở rộng hợp tác công nghiệp, vốn đã rất năng động giữa Pháp và Nhật, sang những lĩnh vực khác, trong đó có lĩnh vực công nghệ tương lai. Tổng thống Pháp cũng sẽ tham gia một cuộc thảo luận về những sáng chế phục vụ lợi ích chung.
Nhưng chắc chắn là liên doanh Renault-Nissan, mà nay đang bị phía Nhật đặt lại vấn đề, sẽ là một trong những chủ đề chính trong các cuộc thảo luận giữa lãnh đạo hai nước. »
Trong khuôn khổ chuyến viếng thăm chính thức Nhật Bản, ngày mai, tổng thống Macron sẽ là lãnh đạo ngoại quốc thứ hai, sau tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, được tân Nhật Hoàng Naruhito tiếp tại Hoàng Cung. Sau đó ông Macron sẽ ghé qua Kyoto để thăm xưởng vẽ của họa sĩ nổi tiếng về vẽ kimono, Kunihiko Moriguchi, một nghệ sĩ được xem là « kho tàng sống quốc gia » của Nhật.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190626-tong-thong-phap-tham-nhat-ban-truoc-khi-du-thuong-dinh-g20-0
Nga-Trung: Lợi và Hại khi xích lại trong thế kỷ XXI
Xin được giới thiệu bài báo với tiêu đề trên của học giả Nga Ilia Polonski. Bài đăng trên “Bình luận quân sự “ Nga ngày 24/6/2019.
“Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Liên bang Nga (LB Nga) và Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc (CHNDTH) ngày càng trở nên gần gũi. Cả hai nước đang đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế, phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn trong các vấn đề chính trị. Đấy là gì: nhu cầu cấp thiết mang tính sống còn hay là những tính toán chính trị ngắn hạn? Chúng ta hãy thử cùng phân tích.
Tại sao lại Nga và Trung Quốc lại “xích lại gần nhau”?
Sau khi hoàn thành những bước đột phá kinh tế lớn, Trung Quốc đã trở thành đối thủ cạnh tranh kinh tế quan trọng nhất của các quốc gia thương mại thê đội một (quan trọng nhất) trước đây trên thế giới: Mỹ, Liên minh Châu Âu và Nhật Bản. Nền kinh tế Trung Quốc tuy đang phát triển với tốc độ nhanh, nhưng bắt đầu phải đối mặt với những biện pháp “kiểm chế” từ phía Mỹ.
Nhằm hạn chế sự thống trị về kinh tế ngày càng gia tăng của Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí đã phát động một cuộc chiến tranh thương mại để “phá” Trung Quốc.
Trong tình huống phát sinh như vậy, Trung Quốc cần một đối tác mạnh và đáng tin cậy. Châu Âu thì quá phụ thuộc vào Mỹ. Nhật Bản- đối thủ truyền kiếp. Ấn Độ- là một đối thủ địa- chính trị trên dãy Hymalaia. Chỉ còn có Nga – một đất nước có tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn, nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, và ngoài ra, có đường biên giới biên giới chung và rất dài với Trung Quốc (hơn 4.200km- ND).
Còn với Nga, về phần mình, sự xích lại gần nhau với Trung Quốc- là một bước đột phá để thoát khỏi tình trạng bị cô lập do bị áp đặt các biện pháp trừng phạt. Mỹ, Canada, Nhật Bản, các nước thuộc Liên minh Châu Âu nhìn chung là theo đuổi lập trường chống Nga, và mặc dù Pháp và Đức có nhượng bộ Nga chút ít trong vấn đề “Nord Stream II” (Dòng chảy Phương Bắc-IU), nhưng trong tất cả những vấn đề (lĩnh vực) còn lại, hai nước trên vẫn trung thành với những cam kết thực hiện đường lối trừng phạt chống Nga.
Với Ấn Độ, quan hệ hợp tác của Nga với nước này cũng không tiến xa hơn “chính sách ứng dụng (thực dụng)” – có nghĩa là chỉ dừng lại ở mức cung cấp phương tiện kỹ thuật quân sự và một số mặt hàng nhất định.
Nga-Trung: Loi va Hai khi xich lai trong the ky XXI
Nếu (Nga) coi Iran, Syria, Venezuela hoặc các nước châu Phi kiểu như Sudan và Cộng Hòa Trung Phi là đối tác kinh tế đầy đủ thì thật nực cười – những nước này không thể đem lại cho Nga những lợi ích như những lợi ích mà Nga có thể nhận được từ quan hệ hợp tác kinh tế (của Nga) với các trung tâm kinh tế như Mỹ, Châu Âu hoặc Trung Quốc.
Và chính trong bối cảnh như vậy, Trung Quốc là một kiểu “phao cứu sinh” nào đấy của Nga, cho phép Nga trong những hoàn cảnh thực sự ngặt nghèo như hiện nay có thể thiết lập mối quan hệ thương mại xuyên quốc gia có lợi cho mình, có thể bán tài nguyên thiên nhiên và
hàng hóa, và thậm chí là không cần phải sử dụng đồng đô la trong thanh toán song phương, một kịch bản mà chính Bắc Kinh cũng vô cùng thèm muốn.
Tất nhiên, đối với cả Nga và Trung Quốc, việc chỉ tăng cường mối quan hệ giữa hai nước với nhau không phải là sự lựa chọn duy nhất và không thể thay thế. Nước nào cũng có thể tìm cho mình các đối tác khác, nhưng chính bộ đôi Nga-Trung Quốc có vẻ như đang là sự lựa chọn được mong đợi hơn cả. Hiện giờ đang tồn tại những điểm trùng hợp lợi ích rõ ràng Nga-Trung. Chúng ta hãy thử xem xét sâu hơn các điểm “đồng” này.
Thứ nhất, ở Đông Á, Trung Á, Đông Nam Á, sự ổn định và tình hình an ninh phụ thuộc vào hiệu quả sự phối hợp hoạt động giữa Nga và Trung Quốc.
Đó là- cuộc chiến chống chủ nghĩa tôn giáo cực đoan ở các nước Cộng hòa hậu Xô viết tại Trung Á, đối phó với chủ nghĩa ly khai ở Đông Turkestan (tức Tân Cương-ND), đấu tranh chống sự xâm nhập và bành trướng ảnh hưởng vốn đã rất lớn của Mỹ ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương- ảnh hưởng của Mỹ tại đây đang đe dọa trực tiếp các lợi ích quân sự -chính trị và kinh tế của cả Trung Quốc và Nga.
Thứ hai, ước mơ “cháy bỏng” từ lâu của Nga là thiết lập được một không gian không thanh toán bằng đồng đôla. Và đây cũng là những gì mà Trung Quốc- một quốc gia dang rất muốn giảm sự phụ thuộc của mình vào nền kinh tế vào Mỹ, đang “thiết tha” mong đợi.
Nếu như không có sự góp sức của Nga, Trung Quốc sẽ không bao giờ có đủ sức để thực hiện được chiến lược phi đôla hóa này, nhưng nếu bằng những nỗ lực chung, quả thực có thể hình thành một không gian “ngoài đô la”- và không gian “ngoài đô la” này theo thời gian có thể sẽ “phủ sóng” lên các quốc gia khác.
Thứ ba, đấy là xây dựng những định chê mới của nền kinh tế kỹ thuật số, -tức những định chế có thể giúp cả Nga và Trung Quốc giảm phụ thuộc hơn vào Mỹ.
Quan hệ hợp tác Nga-Trung phát triển như thế nào
Có thể nói rằng chính mấy năm trở lại đây là những năm đột phá trong chính sách “xoay trục sang hướng Đông” của Nga-tức “xoay” về hướng Trung Quốc. Hầu như ngày nào cũng có thông tin mới về các giao dịch và thỏa thuận khác nhau với quốc gia láng giềng Trung Quốc.
Mới nhất, ngày Chủ nhật 16/6 vừa qua tại thành phố Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc, tỉnh Hắc Long Giang), (phía Trung Quốc) đã cho ra mắt Bộ chỉ số đánh giá mức độ hợp tác kinh tế và thương mại Trung-Nga, và nó được đặt một cái tên rất ngắn gọn là “Bộ chỉ số Cáp Nhĩ Tân”.
Bộ chỉ số này được soạn thảo bởi các chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội CHNDTH, Đại học Nhân dân, Đại học Kinh doanh quốc tế và Kinh tế Trung Quốc theo đơn đặt hàng của Cơ quan Thông tin Kinh tế Trung Quốc (CEIS).
Mục đích của Bộ chỉ số là phản ánh sự phát triển năng động trong hợp tác thương mại và kinh tế giữa hai nước và xu hướng phát triển các quan hệ đó trong tương lai.
Sự xuất hiện của Bộ chỉ số nói trên là một bằng chứng cho thấy Bắc Kinh quan tâm sâu sắc đến việc xây dựng quan hệ kinh tế song phương. Ngoài ra, do Bộ chỉ số được soạn thảo và công bố tại tỉnh biên giới Cáp Nhĩ Tân, nên có thể hiểu là các chuyên gia Trung Quốc đang tính đến việc biến Cáp Nhĩ Tân thành một trung tâm chủ chốt của quan hệ hợp tác kinh tế Nga-Trung. Và sự hợp tác này đang phát triển nhanh, cụ thể:
Thứ nhất, Trung Quốc đang trở thành một trong những khách hàng chính mua dầu mỏ và khí đốt Nga. Đường ống dẫn khí đốt”Sức mạnh Siberia” (ảnh trên-ND) đang được xây dựng, và đường ống này sẽ cung cấp cho Trung Quốc nhiều khí đốt Nga hơn. Và hiện nay, đối với chúng ta (Nga), hướng Trung Quốc thậm chí còn nhiều triển vọng hơn so với hướng Châu Âu, bởi vì thị trường Trung Quốc thực sự là một thị trường không đáy.
Thứ hai, Trung Quốc mua từ Nga nhiều loại tài nguyên thiên nhiên khác nhau – từ kim loại quý, đá quý và gỗ. Tuy nhiên, quy mô xuất khẩu gỗ từ Nga sang Trung Quốc thực sự đang rất đáng sợ, vì thường các công ty Trung Quốc mua gỗ hành động như bọn săn trộm, chúng chặt trụi các cánh rừng Nga theo kiểu tận diệt và chuyển gỗ khai thác được theo cách đó sang Trung Quốc (ảnh dưới-ND).
Nhưng Trung Quốc cũng đã bắt đầu quan tâm đến việc mua những mặt hàng mà trước đây họ không mua của Nga. Ví dụ, Nga có thể bán các sản phẩm sữa của mình cho Trung Quốc. Ở Trung Quốc không có một số sản phẩm từ sữa như ở Nga. Như Ryazenka (một loại sữa chua), Kefir (sữa chua đặc), Yogur (sữa chua) chẳng hạn.
Nga có thể xuất khẩu với số lượng lớn những sản phẩm này sang thị trường Trung Quốc, vấn đề chỉ là chiến lược tiếp thị như thế nào, bởi vì cho đến nay các sản phẩm từ sữa này của Nga gần như không được người tiêu dùng Trung Quốc biết đến.
Cũng không hề có khó khăn gì với vấn đề logistics. Ví dụ, nhà máy sản xuất các sản phẩm sữa khổng lồ Ussuri (Nga) chỉ cách Trung Quốc đúng “hai bước chân”, nhà máy này có thể cung cấp một số lượng lớn các sản phẩm sữa cho tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc) láng giềng.
Hạn sử dụng của kefir (sữa chua đặc Nga) là trong vòng 7 ngày. Và nếu vận chuyển từ Ussuriysk sang Trung Quốc, chỉ mất vài giờ là hàng đến tay người tiêu dùng. Như vậy sẽ có lợi hơn nhiều cho người Trung Quốc nếu so với việc họ mua kefir từ New Zealand- rất đắt tiền vì phải vận chuyển bằng máy bay.
Liên Hợp Quốc đã đưa ra dự đoán rằng kim ngạch buôn bán các sản phẩm sữa trên thế giới sẽ tăng tới 10 tỷ đô la vào năm 2027- chủ yếu là nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, – trong khi đó toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương rất gần với Nga và có thể được coi là một hướng ưu tiên. Nga hoàn toàn có cơ hội để chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị trường (sản phẩm sữa) này.
Thêm nữa, sau khi cuộc chiến thương mại với Mỹ được khởi động, Trung Quốc cần nhập khẩu một số lượng rất lớn đậu nành để thay thế sản phẩm đậu nành trước đây nhập từ Mỹ. Rất tiếc, cây đậu nành ở Nga chưa bao giờ được quan tâm đầu tư như ở Mỹ,vì vậy bây giờ Trung Quốc phải mua đậu nành từ Brazil.
Nhưng Nga vẫn có cửa, chỉ cần hiện đại hóa một chút ngành nông nghiệp, Nga sẽ có thể cung cấp ngày càng nhiều đậu nành cho Trung Quốc. Hơn nữa, ở Nga, nông dân không trồng đậu nành biến đổi gien, nên chất lượng sản phẩm rất cao và được ưa chuộng.
Hiện nay Nga xuất khẩu khoảng 800.000 tấn đậu nành (mỗi năm), nhưng chúng ta (Nga) có thể tăng khối lượng xuất khẩu lên 3,7 triệu tấn trong tương lai gần. Các công ty Trung Quốc đang rất quan tâm đến việc mua đậu nành của Nga, và như vậy, có thể giúp tăng số lượng các khu chuyên trồng đậu nành ở các vùng nông nghiệp của nước ta (Nga).
Sau cuộc gặp giữa (Tổng thống Nga) Vladimir Putin và (Chủ tịch Trung Quốc)Tập Cận Bình mới đây, những hạn chế trong xuất khẩu đậu nành đã được dỡ bỏ.
Những mâu thuẫn có thể nảy sinh
Nhưng tiến trình xích lại gần nhau với Trung Quốc cũng ẩn chứa trong mình rất nhiều rủi ro đối với Nga. Cụ thể, phát triển quan hệ thương mại với Trung Quốc- đấy là một quá trình “Hán hóa” không thể đảo ngược các không gian kinh tế Nga.
Doanh nghiệp Trung Quốc đang tích cực thâm nhập vùng Viễn Đông, Vùng Ngoại Baikal, Đông Siberia và thậm chí cả về Hướng Tây Nga. Đi sau các khoản đầu tư Trung Quốc là cổ phần Trung Quốc trong các công ty (Nga), là công nhân Trung Quốc (trên đất Nga).
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã bóng gió nói về khả năng sử dụng Tuyến đường biển Phương Bắc trong khuôn khổ Học thuyết “Con đường tơ lụa vĩ đại”. “Con đường biển Phương Bắc”- đó là một tuyến giao thông chỉ của Nga và tuy hiện nay Nga đang kiểm soát nó, nhưng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Hiện Trung Quốc đang đóng các tàu phá băng – trong khi nước này trên thực tế không có biển lạnh (biển đóng băng) và vì thế không cần gì đến tàu phá băng, – vậy (tàu phá băng Trung Quốc) chỉ có thể được sử dụng để chinh phục “Tuyến đường biển Phương Bắc” của Nga.
Nhưng dù Nga đã có thể từ chối được không cho Mỹ sử dụng (“Con đường biển Phương Bắc”), thì với Trung Quốc, do cái gọi là “những mối quan hệ đặc biệt” đã được thiết lập, Nga sẽ không thể có cơ hội thoái thác (cho Trung Quốc sử dụng chung “Con đường biển Phương Bắc”-ND).
Sự phát triển của các hành lang giao thông qua lãnh thổ Á-Âu, trong đó có qua lãnh thổ Kazakhstan, Nga và Belarut- đấy không phải là các dự án của Nga, mà là các dự án của Trung Quốc, và Nga vẫn chỉ là “công dân hạng hai”, vì Trung Quốc vừa là người truyền cảm hứng ý tưởng, đồng thời cũng là kẻ thụ hưởng lợi lộc.
Và Trung Quốc cũng hoàn toàn không thiết tha gì vai trò nổi bật của Nga trong giao dịch thương mại xuyên Á-Âu. Có lẽ, Matxcova hiểu quá rõ điều này, nhưng bất lực- lấy đâu ra phương án thay thế?
Trung Quốc có những lợi ích riêng của mình tại những khu vực, như Trung Á chẳng hạn. Và ở đây (Trung Á) các lợi ích của Trung Quốc mâu thuẫn từ gốc (với Nga) và xung đột với các lợi ích của Nga.
Phương án lý tưởng đối với Trung Quốc là biến Kazakhstan, Kyrgyzstan và ở mức độ thấp hơn là Uzbekistan và Tajikistan thành các đối tác đàn em của Trung Quốc, thành các vệ tinh của Trung Quốc.
Không phải tự nhiên mà Trung Quốc lại tích cực đầu tư vào Trung Á. Trung Quốc khó có thể chấp nhận việc trong tương lai Nga vẫn giữ được vai trò hàng đầu tại Trung Á, dù chỉ là vai trò hàng đầu về chính trị. Liên minh Á-Âu, nếu như vẫn còn sức sống, cuối cùng có thể không còn nằm dưới sự lãnh đạo của Nga, mà sẽ về tay đạo diễn củaTrung Quốc.
Một tình huống tương tự như vậy cũng đã xuất hiện ở Mông Cổ,- nơi trước đây vốn được coi là nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Nga. Hiện tại, Mông Cổ đang ngày càng hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc, trong khi đó, Thiên Triều cũng có một Mông Cổ riêng của mình – tỉnh Nội Mông, nơi cũng có người dân tộc Mông Cổ sinh sống và họ có đời sông kinh tế khá hơn so với người anh em cùng sắc tộc láng giềng có chủ quyền.
Và cuối cùng, Trung Quốc đang ráo riết hoạt động tại Ngoại Baikal, ở Viễn Đông của Nga, và điều này rõ ràng là mâu thuẫn sâu sắc với các lợi ích quốc gia Nga. Như đã biết, người Trung Quốc đang “tràn ngập lãnh thổ ” một số khu vực thuộc Vùng Nam Viễn Đông, Ngoại Baikal Nga, tăng cường sự hiện diện của họ tại các khu vực đó, kết hôn với người Nga và ngày càng có nhiều các gia đình hỗn hợp.
Đang diễn ra quá trình bành trướng nhân khẩu học, và do những đặc thù của dân cư trong khu vực này, các chính quyền địa phương Nga tại đây đơn giản sẽ không đủ sức để ngăn chặn tiến trình này. Vâng, và bây giờ họ (chính quyền địa phương Nga tại những vùng nói trên) cũng sẽ không muốn gây mâu thuẫn với Thiên Triều, họ chỉ cố hạn chế, lấy ví dụ, sự hiện diện quá nhiều của công dân Trung Quốc trên lãnh thổ các tỉnh của Nga gần khu vực biên giới Nga-Trung.
Trung Quốc và Nga có rất nhiều điểm cạnh tranh nhau ở các khu vực khác – từ Nam Á đến Đông Phi, những nơi mà Thiên Triều cũng quyết không nhượng bộ Matxcova và chỉ sẽ cho phép Nga tham gia đảm nhiệm những vai trò thứ yếu bằng cách hỗ trợ cho một số dự án nào đó của Trung Quốc. (Hai bên) có thể tìm ra điểm chung về ý thức hệ – cùng đối phó với Mỹ và ảnh hưởng của Mỹ, nhưng kẻ hưởng lợi về mặt tài chính và kinh tế, lẽ tất nhiên, sẽ chỉ là Thiên Triều.
Và như vậy, có thể kết luận rằng còn rất lâu nữa mới có chuyện sự lớn mạnh của Trung Quốc trong trường hợp nào cũng đều tạo ra những ảnh hưởng tích cực đối với Nga. Và không thể chỉ quy tất cả chỉ về một mối- hợp tác kinh tế đơn thuần, đặc biệt là trong mô hình hợp tác kinh tế Nga-Trung, Nga vẫn ở vị trí phụ thuộc.
Đối với Trung Quốc, (Nga) chỉ là một Cộng hoà Kyrgyzstan (một nước nhỏ có chung đường biên giới với Trung Quốc-ND) nhưng cực kỳ giàu tài nguyên và có một lãnh thổ rộng lớn để Trung Quốc) chinh phục và khai phá, để (Trung Quốc) sử dụng làm tuyến vận chuyển (quá cảnh) hàng hóa Trung Quốc, là nơi mà (Trung Quốc) có thể mua dầu mỏ, khí đốt và bất cứ thứ gì khác ở quy mô cực lớn”.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28917-nga-trung-loi-va-hai-khi-xich-lai-trong-the-ky-xxi.html
Hồ sơ hạt nhân Iran :
Teheran sẵn sàng cứng rắn hơn nữa
Loạt trừng phạt của Mỹ nhắm vào nhiều nhân vật đầu não của chính quyền Iran khiến Teheran hôm qua, 25/06/2019, phản ứng quyết liệt. Lãnh đạo Hội Đồng Tối Cao về An Ninh Quốc Gia nước này đe dọa, đầu tháng 7 tới, sẽ kiên quyết rút khỏi nhiều cam kết trong thỏa thuận quốc tế về hạt nhân Iran 2015.
Trong một thông báo vào hôm qua, được hãng thông tấn Iran Fars đăng tải, đô đốc Ali Shamkhani – tổng thư ký Hội Đồng Tối Cao về An Ninh Quốc Gia (CSSN) – khẳng định chính quyền Teheran đã quá mệt mỏi trước « thái độ ngạo mạn » của các nước châu Âu, mà theo ông, đang « ngày càng gia tăng áp lực » buộc Iran « tiếp tục thực hiện » các cam kết, trong lúc các bên còn lại không hoàn thành phận sự của mình.
Lãnh đạo Hội Đồng Tối Cao về An Ninh Quốc Gia Iran nhấn mạnh là các nước châu Âu ký kết thỏa thuận đã không có đủ nỗ lực nhằm cứu vãn thỏa thuận theo đó, Iran đình chỉ chương trình hạt nhân quân sự đánh đổi lấy việc quốc tế dỡ bỏ trừng phạt. Hồi đầu năm 2019, các nước châu Âu tuyên bố lập ra Instex, một hệ thống trao đổi hàng hóa phi tiền tệ, nhằm giúp các công ty nước ngoài làm ăn với Iran, lách khỏi các trừng phạt của Mỹ. Dự án này cho đến nay chưa được thực thi.
Theo lãnh đạo CSSN, chính quyền Teheran sẽ cương quyết thực thi các cảnh báo trong tối hậu thư gửi đến các nước tham gia thỏa thuận Vienna 2015 (gồm Pháp, Anh, Đức, Nga và Trung Quốc) hồi đầu tháng 5/2019. Cụ thể, kể từ ngày 07/07, Iran sẽ từ bỏ hai cam kết của thỏa thuận, liên quan đến một dự án xây dựng lò phản ứng nước nặng và tỉ lệ làm giàu nhiên liệu uranium tối đa được phép (3,67%). Bên cạnh đó, Iran cũng có thể có thêm một số biện pháp bổ sung khác. Ngay ngày mai, 27/06, Iran sẽ có một hành động vi phạm thỏa thuận Vienna 2015 về mặt biểu tượng : đưa dự trữ uranium vượt mức mà văn bản này cho phép.
Pháp cảnh báo, tổng thống Iran đấu dịu
Ngay sau phản ứng của Teheran, Pháp cảnh báo : nếu Iran vi phạm thỏa thuận, đây sẽ là « một sai lầm nghiêm trọng », « một phản ứng tồi trước các áp lực từ Mỹ ». Theo lãnh đạo ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian, Paris, Luân Đôn và Berlin đang hết sức nỗ lực để Teheran hiểu rằng điều này không có lợi cho Iran.
Chính quyền Iran dường như muốn làm dịu căng thẳng. Trong một cuộc điện đàm với đồng nhiệm Pháp, được truyền thông loan báo hôm nay, tổng thống Iran Hassan Rohani khẳng định Iran « không tìm cách gây chiến với bất cứ nước nào », kể cả Hoa Kỳ. Theo AFP, các phát biểu của tổng thống Rohani, thuộc phái cải cách, để ngỏ khả năng là vẫn còn thời gian để đảo ngược xu thế đang ngày càng trở nên tồi tệ hiện nay. Quan điểm tương đối mềm mỏng của ông Rohani được đánh giá là tương phản với thái độ cứng rắn của lãnh đạo Hội Đồng Tối Cao về An Ninh Quốc Gia hôm qua.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190626-ho-so-hat-nhan-iran-teheran-san-sang-cung-ran-hon-nua
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 sẽ nóng
vì căng thẳng ở Biển Đông
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN 34 với chủ đề “Đối tác thúc đẩy vì sự phát triển bền vững” (20-23/6), vấn đề Biển Đông sẽ tiếp tục là một trong những chủ đề được các nước đặc biệt quan tâm, theo dõi.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Junever Mahilum-West (18/6) cho biết, nghị trình của Thượng đỉnh lần này sẽ bao gồm vấn đề Biển Đông và lãnh đạo các nước ASEAN sẽ trao đổi quan điểm về vấn đề này. Tổng thống Rodrigo Duterte cũng sẽ đề cập vấn đề Trung Quốc tiếp tục gây hấn ở Biển Đông tại Hội nghị. Theo bà Junever Mahilum-West, ông Duterte sẽ kêu gọi các nước ASEAN và Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), đánh giá COC là công cụ quan trọng giúp ngăn ngừa các vụ việc tượng tự mới xảy ra ở bãi Cỏ Rong, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trước đó, Vụ trưởng vụ ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Thái Lan Suriya Chindawongse cho biết, Hội nghị cấp cao ASEAN 34 sẽ trao đổi là việc ASEAN sẽ thông qua dự thảo đầu tiên về Bộ quy tắc ứng tử trên Biển Đông (COC) và đặt mục tiêu hoàn thành dự thảo này trong vòng 3 năm. Thái Lan cũng sẽ nhấn mạnh một số vấn đề khác như khung hành động của ASEAN về rác thải biển, trách nhiệm đối với công ước CITES về buôn bán động vật hoang dã…
Để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN 34, các nước ASEAN (30/5) đã tổ chức Hội nghị các Quan chức cao cấp ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á (EAS) ở Bangkok, Thái Lan. Tại các hội nghị trên, vấn đề Biển Đông tiếp tục là tâm điểm thảo luận của các nước. Các nước chia sẻ về tiến triển trong đàm phán xây dựng Bộ quy tắc COC giữa ASEAN và Trung Quốc, song cho rằng vẫn còn những hoạt động gây lo ngại, làm xói mòn lòng tin, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường an ninh và ổn định trên Biển Đông như quân sự hóa, cản trở
khai thác tài nguyên trên biển… Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không có hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết các tranh chấp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển UNCLOS 1982, các đòi hỏi chủ quyền cần được đưa ra trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố DOC và xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả.
Trước đó, tại Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) lần thứ 17 (17-18/5/2019) ở Hàng Châu, Trung Quốc, lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc đã trao đổi về việc thực hiện DOC và đàm phán về COC. Trao đổi về tình hình Biển Đông và kiểm điểm thực hiện DOC, nhiều nước nêu rõ tình hình Biển Đông phức tạp là hệ lụy của những diễn biến vừa qua trên thực địa, làm gia tăng căng thẳng, gây xói mòn lòng tin, tạo nguy cơ cho hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Trước tình hình đó, các nước tái khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; đồng thời cũng cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, nhất là tự kiềm chế, đi đôi với hợp tác xây dựng lòng tin. Hội nghị nhất trí với đề xuất của Việt Nam tổ chức hội thảo trong khuôn khổ DOC về đối xử công bằng, nhân đạo với ngư dân. Các nước nhất trí cần duy trì nhịp độ đàm phán, phát huy tinh thần trách nhiệm phấn đấu xây dựng COC thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong quá trình này, các bên cần kiềm chế, nỗ lực duy trì môi trường thuận lợi cho quá trình xây dựng COC. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng đoàn Việt Nam, ghi nhận tiến triển đạt được trong thực hiện DOC và đàm phán COC. Bên cạnh đó, Thứ trưởng chia sẻ quan ngại về những phức tạp ở Biển Đông vốn có nguyên nhân từ cạnh tranh chiến lược các nước lớn, các hành động đơn phương trái với luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982, nhất là các hoạt động quân sự hoá, làm xói mòn lòng tin, cản trở việc duy trì hoà bình, ổn định, ảnh hưởng tới đàm phán COC. Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, Biển Đông cũng đang đứng trước những thách thức khác như nạn đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU Fishing), ô nhiễm môi trường biển, rác thải nhựa… Trước tình hình này, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng kêu gọi các nước đề cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực chung tay thực hiện đầy đủ DOC, kiềm chế và không có các hành động làm phức tạp tình hình, không quân sự hoá và đẩy mạnh hợp tác xử lý những thách thức đang được đặt ra. Theo đó, ông Nguyễn Quốc Dũng thông báo Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo trong khuôn khổ DOC về đối xử công bằng, nhân đạo với ngư dân. Về COC, ông Nguyễn Quốc Dũng khẳng định đây là vấn đề quan trọng được quan tâm rộng rãi, đề nghị ASEAN và Trung Quốc nỗ lực đàm phán để đạt được một Bộ quy tắc hiệu lực, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982, được cộng đồng quốc tế ủng hộ. Đóng góp vào tiến trình này, Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị Quan chức Cao cấp ASEAN – Trung Quốc về thực hiện DOC lần thứ 18 sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào nửa cuối năm 2019.
Được biết, tại Hội nghị cấp cao ASEAN 33 (13-15/11/2018) đã thông qua 63 văn kiện hợp tác của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác trên các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế và văn hoá-xã hội. Tại các hội nghị, các nhà Lãnh đạo cũng tập trung thảo luận những vấn đề liên quan đến môi trường phát triển và an ninh của khối. Đó là sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, sự căng thẳng thương mại giữa một số nước tác động đến khu vực; những thách thức và cơ hội đặt ra bới cách mạng công nghiệp 4.0; một số điểm nóng ở khu vực như: Biển Đông, Bán đảo Triều tiên, tình hình bang Rakhai của Myanmar; các vấn đề về chống khủng bố, chống thiên tai, an ninh mạng… Các nhà Lãnh đạo khẳng định trong bối cảnh tình hình thế giới đang có những chuyển động phức tạp, ASEAN càng cần thống nhất tiếng nói chung, tăng cường gắn kết, thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương; giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN và các tôn chỉ mục đích về bảo vệ hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật ở khu vực và trên thế giới.
Đáng chú ý, các Nhà Lãnh đạo ghi nhận những tiến triển tương đối đáng khích lệ trong đàm phán về COC vừa qua. Tuy nhiên, để đàm phán đó phát triển thì vẫn cần có điều kiện và môi trường thuận lợi, và trên thực tế thì chưa có môi trường thực sự thuận lợi trên thực địa. Vẫn còn có nguy cơ có thể xảy ra va chạm mà nếu thực sự xảy ra thì ảnh hưởng rất khôn lường cho an ninh, hòa bình ở khu vực. Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo bày tỏ quan tâm và yêu
cầu các bên kiềm chế, không để tình hình xấu hơn trên thực địa, tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán về COC. Từ đầu, cả ASEAN và Trung Quốc đều thấy khó đưa ra một lộ trình cụ thể cho đàm phán COC. Tại Hội nghị lần này Lãnh đạo Trung Quốc đã đặt ra mong muốn nỗ lực hoàn tất Văn kiện COC trong 3 năm tới.
Bắc Hàn: Việc Mỹ gia hạn biện pháp trừng phạt
‘là hành động thù địch’
Việc Mỹ gia hạn các biện pháp trừng phạt gần đây đối với Bắc Hàn là hành động thù địch và là sự thách thức hoàn toàn đối với Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử, truyền thông nhà nước Bình Nhưỡng cho biết hôm 26/6.
Tập Cận Bình nói gì trước chuyến thăm Bình Nhưỡng?
Mỹ ‘theo dõi’ việc Bắc Hàn thử tên lửa tầm ngắn
Kim Jong-un nhận được bức thư ‘tuyệt vời’ từ Trump
Bắc Hàn tạm dừng đồng diễn vì Kim Jong-un chê
Theo Reuters, hồi tuần trước, Nhà Trắng loan báo gia hạn sáu lệnh hành pháp liên quan các lệnh trừng phạt đối với các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng thêm một năm.
Một phát ngôn viên không rõ danh tính của Bộ Ngoại giao Bắc Hàn mô tả động thái này là “biểu hiện của hành vi thù địch cực đoan nhất”, bản tin của thông tấn KCNA của Bắc Hàn viết.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48754196
TT Hàn nói Mỹ, Triều ‘đàm phán hậu trường’
về gặp thượng đỉnh lần ba
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết hôm thứ Tư 26/6 rằng Hoa Kỳ đang đàm phán ở hậu trường với Triều Tiên về việc có thể tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba và đã đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán ở cấp cán bộ thừa hành. Đàm phán ở cấp này đã bị đình trệ kể từ cuộc gặp thượng đỉnh lần hai hồi tháng 2.
Trả lời bằng văn bản gửi đến các nhà báo nước ngoài đến thăm Hàn Quốc, ông Moon cho rằng không có lý gì để nói là đang có bế tắc chỉ vì chưa có đối thoại chính thức nhằm mục đích phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đã gặp nhau lần thứ hai tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam hồi tháng 2 nhưng không đạt được thỏa thuận do những khác biệt giữa một bên là Mỹ đề nghị phi hạt nhân hóa và bên kia là Triều Tiên yêu cầu dỡ bỏ trừng phạt.
“Cả hai bên gần đây đã có đối thoại liên quan đến cuộc gặp thượng đỉnh lần ba”, ông Moon cho biết.
“Đáng chú ý là các cuộc đàm phán hậu trường có tiền đề là sự hiểu biết về quan điểm của nhau đã đạt được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội”, ông nói thêm.
Hoa Kỳ đã đưa ra đề xuất tiến hành đàm phán ở cấp độ cán bộ thừa hành, ông Moon cho biết, và thúc giục Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán “vào ngày nào sớm nhất có thể được”.
Ông Moon không nói rõ Hoa Kỳ đưa ra đề xuất khi nào và như thế nào. Nhưng Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết hôm 23/6 rằng các trao đổi thư tín gần đây giữa hai ông Trump, Kim đã thúc đẩy hy vọng về việc tái khởi động các cuộc đàm phán, ông gọi đó là “một khả năng rất thực tế”.
Ông Moon cho hay ông Kim đã nói với ông rằng ông ấy muốn “hoàn tất tiến trình phi hạt nhân hóa càng sớm càng tốt và tập trung vào phát triển kinh tế”.
Ông Moon kêu gọi Triều Tiên từ bỏ “lập trường thụ động” mà họ đã bày tỏ kể từ hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội và thực hiện các lời hứa mà họ đưa ra trước đây.
“Khi đáp lại đề xuất của Hoa Kỳ về đàm phán ở cấp độ làm việc, họ cũng có thể bày tỏ quyết tâm phi hạt nhân hóa của mình”, ông Moon nói.
Giới hoạt động kêu gọi lãnh đạo G20
‘giải phóng’ Hồng Kông khỏi TQ
Hơn một ngàn người biểu tình tuần hành đến các lãnh sự quán của các nước lớn ở Hồng Kông hôm thứ Tư 26/6, kêu gọi các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới hãy giúp hủy bỏ hoàn toàn dự luật dẫn độ gây tranh cãi.
Mang theo biểu ngữ “Xin hãy giải phóng Hồng Kông” bằng nhiều ngôn ngữ, kể cả tiếng Nga và tiếng Đức, những người biểu tình tuần hành đến lãnh sự quán của các quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh của 20 nền kinh tế lớn tại Nhật Bản vào cuối tuần này.
Hàng triệu người ở Hồng Kông đã biểu tình trong những tuần gần đây chống lại dự luật dẫn độ có nội dung cho phép dẫn độ các cá nhân, kể cả người nước ngoài, đến Trung Quốc đại lục để đưa ra xét xử tại tòa án do Đảng Cộng sản kiểm soát.
Bà Carrie Lam, lãnh đạo Hồng Kông do Bắc Kinh bổ nhiệm, rốt cuộc đã nhượng bộ sau khi xảy ra một số vụ bạo lực tồi tệ nhất trên đường phố Hồng Kông trong hàng chục năm qua, trong đó, cảnh sát đã bắn lựu đạn hơi cay và đạn cao su.
Nhưng bà Lam không hoàn toàn đáp ứng yêu sách của người biểu tình là hủy bỏ dự luật, bà chỉ nói rằng dự luật sẽ bị đình hoãn vô thời hạn.
“Chừng nào chính quyền chưa rút lại dự luật, và họ còn từ chối hồi đáp, thì chúng tôi sẽ còn tiếp tục chiến đấu”, Aslee Tam, 19 tuổi, một sinh viên đại học tham gia tuần hành, cho biết.
Tại lãnh sự quán Hoa Kỳ, những người biểu tình trao một bản kiến nghị yêu cầu Tổng thống Donald Trump “hậu thuẫn Hồng Kông tại Hội nghị thượng đỉnh G20”. Họ kêu gọi rằng khi hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump hãy ủng hộ việc rút lại toàn bộ dự luật và tiến hành điều tra độc lập về hành động của cảnh sát Hồng Kông chống lại người biểu tình.
Những người biểu tình, trong đó có một số người mặc áo in chữ “Hãy giải phóng Hồng Kông”, cũng tuần hành đến lãnh sự quán Anh. Tại đó, một người đàn ông giơ lên biểu ngữ “Hãy giải thoát Hồng Kông khỏi thực dân Trung Quốc”.
Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng kêu gọi Anh không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Những người biểu tình chia thành ba nhóm và tuần hành ôn hòa xuyên qua thành phố tới 16 cơ quan ngoại giao, bao gồm Văn phòng Liên hiệp châu Âu và các lãnh sự quán của Argentina, Úc, Canada, Ý, Nhật Bản, Nam Phi, Hàn Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nhà hoạt động Hồng Kông quyên góp được hơn 5 triệu đô la Hồng Kông (640.606 đô la Mỹ) nhờ một chiến dịch gây quỹ để đăng quảng cáo trên các phương tiện truyền thông lớn như báo New York Times trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh để thu hút sự chú ý trên toàn cầu.
Một số nhà hoạt động Hồng Kông cũng lên đường đi đến Osaka.
https://www.voatiengviet.com/a/gioi-hoat-dong-keu-goi-g20-giai-phong-hong-kong/4974429.html
‘Chúa của chúng tôi là Trung Quốc’
Các nhóm thân Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động ở Đài Loan để thúc đẩy việc hợp nhất đảo quốc này với đại lục, theo Reuters.
Khi doanh nhân người Đài Loan Jhang Yun-nan muốn tìm khách hàng cho các sản phẩm làm sạch mới của công ty mình tại Trung Quốc, ông đã tìm tới một kênh trái với thông lệ: Một đảng của người Đài Loan ủng hộ việc thống nhất với Trung Quốc.
Một thành viên cao cấp của Đảng Xúc tiến Thống nhất Trung Quốc (CUPP) cho biết đảng này sẽ ‘có lời’ với các quan chức từ Cục Quản lý Thị trường Quảng Đông để giúp Công ty Công nghệ sinh học Yi Yuan Ji có trụ sở tại Trung Quốc của ông Jhang – với một điều kiện.
Mỹ gọi Đài Loan là ‘quốc gia’ và dùng cờ nước này
Vì sao Tưởng Kinh Quốc cho phép có đảng đối lập ở Đài Loan?
Ngư dân VN và hội đoàn kiện Formosa ở Đài Loan
Mỹ sắp bán hơn 2 tỷ đôla vũ khí cho Đài Loan
Thành viên đảng này, ông Lin Guo-cing nói với ông Jhang trước sự chứng kiến của Reuters rằng “một hệ tư tưởng đúng đắn” là cần thiết để kinh doanh tại Trung Quốc.
“Tôi ủng hộ sự thống nhất ôn hòa trên eo biển này,” ông Lin nói với Reuters, lặp lại quan điểm của CUPP rằng họ trông đợi những người Đài Loan mà đảng này đang hợp tác sẽ nắm lấy cơ hội.
Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh cứng đầu, cần phải nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh, bằng vũ lực nếu cần thiết.
Để hỗ trợ cho việc thống nhất đất nước, Bắc Kinh đang xây dựng mạng lưới những người ủng hộ ở Đài Loan và tăng cường các chiến dịch nhằm thu hút người Đài Loan với các cơ hội kinh doanh sinh lợi để đổi lấy chương trình nghị sự của Bắc Kinh.
Chìa khóa của họ là thuyết phục các doanh nhân như ông Jhang rằng chấp nhận lập trường nói trên là một cái giá nhỏ để trả cho việc tiếp cận thị trường Trung Quốc và các hỗ trợ khác.
Một cách khác là sử dụng các mạng lưới ủng hộ Bắc Kinh để tạo dựng thiện cảm và hỗ trợ cho đại lục; Wen Lung, cố vấn chính sách của CUPP, cho biết CUPP có kế hoạch tổ chức các cuộc hội thảo và các cuộc nhóm họp tại Đài Loan để mở rộng ‘đội quân’ của mình.
Chính phủ Đài Loan cho biết những nỗ lực như vậy là nguy hiểm – nhưng không phải là bất hợp pháp.
“Chỉ bằng cách củng cố luật pháp của mình, chúng tôi mới có thể củng cố hệ thống an ninh quốc gia của chúng tôi,” ông Chiu Chui-cheng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đài Loan, nói với Reuters.
Các cơ quan chính phủ của Trung Quốc được triển khai bao gồm Văn phòng các vấn đề Đài Loan và Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất, nhằm thống nhất Đài Loan thông qua việc đồng tham gia với các tổ chức địa phương và tiến hành các hoạt động ảnh hưởng chống lại các chiến dịch ở nước ngoài đi ngược lại chương trình nghị sự của Trung Quốc.
Các tài liệu nội bộ của hai cơ quan của Trung Quốc mà Reuters được tiếp cận, bao gồm các báo cáo công việc hàng năm và biên bản cuộc họp, cho thấy một chiến dịch tập trung vào các tổ chức thân Trung Quốc ở Đài Loan, được mô tả là một trọng tâm ưu tiên.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho các nhóm và nhân vật ủng hộ thống nhất ở Đài Loan, để củng cố và tăng cường lực lượng ‘chống độc lập’ trên đảo,” báo cáo công tác năm 2016 của Văn phòng Các vấn đề Đài Loan ở Thượng Hải cho hay.
Tại tỉnh láng giềng Chiết Giang, một văn phòng thuộc Mặt trận Thống nhất cho biết trong một báo cáo nội bộ năm 2016 rằng họ có liên hệ mật thiết với các đảng tại Đài Loan thông qua ‘thư mời hoạt động’ cho các chương trình kinh tế và văn hóa ở đại lục.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 4/2016, Liên minh thống nhất Trung Quốc có trụ sở tại Đài Bắc đã được đánh giá rất cao bởi một quan chức cấp cao của Trung Quốc vì đã thúc đẩy công việc thống nhất đất nước, theo một báo cáo từ Liên minh Dân chủ Tự trị Đài Loan, một trong số ít các nhóm chính trị độc lập trên danh nghĩa được cấp phép ở Trung Quốc.
“Nước nào trên thế giới này sẽ đối xử tốt với bạn (như Trung Quốc)? Tôi thà là một mục tiêu của Mặt trận Thống nhất còn hơn. Ít nhất là họ quan tâm đến bạn, bất kể họ có chân thành hay không,” ông Lin nói. Ông Lin đã gia nhập Hiệp hội hữu nghị hải ngoại Trung Quốc, liên kết với Mặt trận Thống nhất, vào tháng 10/2018.
Các tài liệu mà Reuters được tiếp cận không cho thấy bất kỳ hợp tác tài trợ nào giữa các tổ chức như vậy và chính phủ Trung Quốc, nhưng các liên kết tiềm năng đã gây lo ngại ở Đài Bắc.
Hai quan chức làm việc tại một cơ quan an ninh của chính phủ Đài Loan, người từ chối nêu tên do tính nhạy cảm của vấn đề, cho biết các nhóm này là mối đe dọa đối với Đài Loan.
Một nguồn tin từ cơ quan an ninh Đài Loan, người từ chối nêu tên, cho biết CUPP đứng đầu danh sách theo dõi tại cơ quan của ông vì quy mô của tổ chức này – 60.000 thành viên – và khả năng huy động lực lượng.
‘Chúa của chúng tôi là Trung Quốc’
Nhà của lãnh đạo CUPP Chang An-lo và trụ sở của đảng này ở Đài Bắc bị chính quyền Đài Loan đột kích hồi tháng 8/2018 vì nghi ngờ nhận tài trợ từ Trung Quốc, một cáo buộc mà họ phủ nhận. Ở Đài Loan, việc các nhóm chính trị lấy tiền từ chính phủ Trung Quốc là bất hợp pháp.
Không ai bị buộc tội sau cuộc đột kích.
Chang, trong một cuộc phỏng vấn với Reuters ở Đài Bắc, cho biết ông không lấy tiền từ Trung Quốc. Nhưng ông nói rằng điều quan trọng đối với Đài Loan là tái thống nhất với đại lục.
“Chúa của chúng tôi là Trung Quốc”, Chang An-lo nói khi ngồi trong phòng làm việc của ông, nơi có một bức tượng vàng cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình.
Về tinh thần, họ chắc chắn ủng hộ chúng tôi, nhưng không phải về mặt vật chất.
Ông và những người ủng hộ thống nhất khác nói rằng họ đã nhìn thấy một cơ hội để có được ảnh hưởng sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Văn Anh thất bại trong cuộc khảo sát gần đây, trong bối cảnh người dân thất vọng về chính sách kinh tế.
Zhang Xiuye, một thành viên cao cấp của Đảng Người Trung Quốc Yêu nước có trụ sở tại Đài Bắc cho biết ưu tiên của họ trong năm nay là mang đến các vùng nông thôn thông điệp ‘một quốc gia, hai chế độ’, một mô hình tự trị cho Đài Loan, tương tự mô hình của Hong Kong.
Giới trẻ
Các nhóm ủng hộ Trung Quốc nhấn mạnh mục tiêu thúc đẩy các cơ hội kinh doanh cho thanh niên Đài Loan ở phía nam của đảo này. Đây là một nhóm được ‘ưu tiên hàng đầu’ trong các tài liệu từ các cơ quan của chính phủ Trung Quốc.
Theo một báo cáo của Văn phòng Các vấn đề Đài Loan tại Trung Quốc mà Reuters được tiếp cận, hơn 70 doanh nghiệp nhắm mục tiêu vào các công ty khởi nghiệp Đài Loan đã được thiết lập trên khắp Trung Quốc vào năm 2016. Các doanh nghiệp này được hưởng các đặc quyền như giảm thuế.
Nỗ lực này đã góp phần vào mối quan hệ gần gũi và thân thiết hơn giữa người dân ở Bắc Kinh và Đài Loan.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48767858
Nỗi lo thất nghiệp của công nhân TQ
trong thương chiến với Mỹ
Các nhà máy Trung Quốc sản xuất hàng xuất khẩu phải giảm nhân sự và cắt thời gian tăng ca, khiến cho đồng lương của công nhân “teo tóp”.
Vào một buổi chiều thứ 4 trong tháng này, Li Zhong, công nhân 25 tuổi đến từ tỉnh Hồ Bắc, chọn mua một chiếc áo sơ mi ở cửa hàng quần áo giá rẻ gần cụm nhà máy sản xuất hàng điện tử ở Đông Hoản, một trong những thành phố sản xuất thịnh vượng nhất của Trung Quốc ở tỉnh Quảng Đông.
Anh chọn mua chiếc áo sơ mi trắng giá 79 NDT (11,5 USD) để thay cho chiếc áo thun màu nâu đang mặc, với hy vọng bộ cánh mới sẽ giúp anh nổi bật so với đám đông ứng viên khác trong cuộc phỏng vấn xin vào vị trí đứng dây chuyền sản xuất ở một nhà máy do Hong Kong đầu tư.
“Tôi nghĩ chiếc áo mới sẽ giúp tôi trông sáng sủa hơn và gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Đây là một nhà máy lớn cung cấp khoản phúc lợi ăn ở rất tốt, cũng như chế độ bảo hiểm xã hội và phụ cấp nhà ở hợp lý”, Li cho biết. “Tôi nghe nói nhà máy này trả lương tháng lên đến 4.500 NDT (655 USD) hoặc cao hơn, thời gian tăng ca ổn định ở mức hai đến ba giờ mỗi ngày. Thời buổi này không dễ tìm một công việc nhà máy với các điều kiện tốt như vậy”.
Trung Quốc có khoảng 280 triệu công nhân rời bỏ quê hương đến mưu sinh ở các thành phố lớn, nhưng các nhà máy nơi họ làm việc đang sa thải lao động, cắt thời gian tăng ca, thậm chí di dời bớt dây chuyền sản xuất ra nước ngoài.
Câu chuyện của Li là tình cảnh chung của nhiều công nhân di cư ở Đông Hoản khi họ đối mặt với các điều kiện làm việc ngày càng tệ trong các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu, do tác động ngày càng khốc liệt của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Chăm sóc an sinh xã hội cho các lao động giống như Li là mối lo đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Nguy cơ công nhân thất nghiệp hàng loạt trở thành vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của Bắc Kinh, khi ngày càng có dấu hiệu cho thấy chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang gây ảnh hưởng đến thị trường việc làm ở Trung Quốc. Dữ liệu chính thức của Bắc Kinh về tỷ lệ thất nghiệp vẽ ra một bức tranh việc làm ổn định nhưng thực tế, dữ liệu này thường không xét đến các lao động di cư.
Việc làm ít hơn và lương thấp hơn trong lĩnh vực sản xuất có thể gây tổn thương cho kế hoạch dài hạn của Trung Quốc là dựa vào tiêu dùng trong nước để củng cố nền kinh tế, vì mức thu nhập ngày càng “teo tóp” của 280 triệu công nhân di cư có thể hạn chế sức chi tiêu của họ.
Các nhà máy đang phải cắt giảm việc làm – một xu hướng đáng báo động đối với chính quyền trung ương vì họ lo ngại bất ổn xã hội sẽ bùng lên nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng. Để ứng phó nguy cơ này, Bắc Kinh đã thực hiện các chương trình đặc biệt để giữ các lao động di cư thất nghiệp ở lại các tỉnh duyên hải, thay vì để họ quay trở về các tỉnh nằm trong sâu nội địa, nơi việc làm thậm chí còn ít hơn.
Các chủ nhà máy Trung Quốc ngày càng bi quan về tình hình đơn hàng xuất khẩu trong năm nay và tâm lý bi quan này đã được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại.
Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 5 là 49,4 điểm, giảm so với mức 50,1 điểm trong tháng 4. Chỉ số PMI trên 50 điểm là dấu hiệu cho thấy hoạt động sản xuất ở các nhà máy tăng trưởng, ngược lại, nếu dưới 50 điểm có nghĩa là hoạt động sản xuất đang suy giảm.
Khi cơ hội việc làm ở các nhà máy ngày càng khó khăn hơn, công nhân cố gắng kiếm việc ở những công ty lớn có tiềm năng về công việc ổn định hơn. Tình hình này đối lập sâu sắc với những năm xuất khẩu bùng nổ của Trung Quốc, khi các công nhân thích những công việc ngắn hạn và linh động, cho phép họ có thể tìm kiếm các mức lương và điều kiện làm việc tốt nhất.
Giờ đây, cuộc chiến thương mại với Mỹ khiến lương của họ không tăng hoặc thậm chí giảm vì các nhà máy cắt giảm thời gian làm ngoài giờ hoặc thậm chí ngừng sản xuất trong một số ngày nhất định do đơn hàng giảm.
“Người Mỹ rất ác độc! Họ muốn giết chết ngành xuất khẩu và nền kinh tế của chúng tôi! Các đơn hàng nhà máy của chúng tôi đang giảm và lương tăng ca cũng giảm theo”, một công nhân giấu tên đã làm việc ở các nhà máy ở Đông Hoản trong 10 năm qua, nói.
“Một công nhân nhà máy sản xuất giày ở độ tuổi 30-40 có thể kiếm được 3.600 NDT (524 USD) một tháng vào năm ngoái nhưng giờ đây con số này chỉ còn khoảng 3.300 NDT (480 USD)”, anh cho biết. Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất hàng điện tử từng có thu nhập 6.000-7000 NDT nhưng giờ đây chỉ kiếm được khoảng 4.000 NDT vì lương ngoài giờ đã bị cắt.
Công nhân này trước đó bỏ công việc tại công ty Lens Tech, nhà sản xuất mặt kính ốp lưng điện thoại thông minh của các hãng bao gồm Huawei. Giữa năm ngoái, anh kiếm được 6.000 NDT mỗi tháng, bao gồm mức lương cơ bản 2.130 NDT cộng với 3.800 NDT lương tăng ca 159 tiếng mỗi tháng.
“Nhưng chẳng bao lâu sau đó, nhà máy cắt giờ làm thêm của công nhân, khiến tôi không còn kiếm được mức thu nhập cao nên tôi nghỉ việc. Tôi đã nghĩ rằng tôi có thể nhanh chóng kiếm được công việc khác với mức lương tương tự nhưng đã vài tháng trôi qua, tôi vẫn thất nghiệp và tình hình giờ đã thay đổi”.
Theo Ah Juan, nữ công nhân ngoài 20 tuổi, các lao động chỉ muốn làm cho công ty nước ngoài vì họ thường được đảm bảo mức lương tháng khoảng 4.000-5.500 NDT.
“Năm ngoái, chúng tôi cho rằng một công việc tốt phải có mức lương ít nhất 5.000 hoặc thậm chí 6.000 NDT mỗi tháng, dù phải làm thêm giờ cực nhọc. Nhưng giờ đây, có rất ít công nhân đứng dây chuyền có thể kiếm được công việc lương 5.000 NDT chứ chưa nói đến 5.500 NDT hoặc hơn. Làm việc cho một nhà máy lớn của nước ngoài có nghĩa là nếu một ngày nào đó bạn bị sa thải, bạn sẽ nhận được mức bồi thường rất tốt”.
Các nhà máy ở Đông Hoản đang dựa nhiều hơn vào các công nhân làm việc thời vụ hoặc những người được môi giới thông qua công ty cung ứng lao động. Điều này giúp cho các nhà máy linh động hơn vì khách hàng nước ngoài hiện chủ yếu đặt đơn hàng ngắn hạn vì lo ngại về chi phí lao động và nguyên liệu thô gia tăng, theo Peng Peng, phó chủ tịch ở một tổ chức tư vấn ở Quảng Đông.
“Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã khiến các đơn hàng xuất khẩu giảm và các công ty đang tìm kiếm những nơi sản xuất chi phí thấp bên ngoài Trung Quốc”, Peng nói.
Hồi tháng 4, Hội chợ xuất nhập khẩu Trung Quốc (Canton) giúp các doanh nghiệp Trung Quốc thu về các đơn hàng xuất khẩu giá trị tổng cộng 199,52 tỷ NDT (29 tỷ USD), giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 0,9% so với lần tổ chức hội chợ Canton vào tháng 11 năm ngoái.
Tại thị trấn Cao Bộ ở Đông Hoản, nhà sản xuất giày dép lớn nhất thế giới Yue Yuan, hãng gia công cho các thương hiệu giày nổi tiếng, từng sử dụng đến 100.000 công nhân. Khu tổ hợp sản xuất rộng 1,4 triệu m2 của Yue Yuan từng là nơi các công nhân trẻ ra vào tấp nập, nhưng giờ đây nhiều khu bị bỏ trống, nhiều cửa hiệu gần đó cũng lâm vào cảnh đìu hiu sau khi công ty cắt giảm nhân sự xuống còn chỉ 10.000 người và quyết định di dời một số hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á kể từ năm 2016.
Thu hoạch tạng tại TQ
và sự “sụp đổ các giá trị phương Tây”
Ngày 22/6 vừa qua, Breitbart News, một tờ báo mang xu hướng bảo thủ tại Mỹ, đã đăng tải bài viết “How the West enabled China organ harvesting expansion” (Tạm dịch: Phương Tây đã cho phép sự phát triển nạn thu hoạch tạng tại Trung Quốc như thế nào), dẫn cuộc phỏng vấn với nhà báo được đề cử giải Nobel Hòa bình Ethan Gutmann về việc tại sao thế giới phương Tây lại để cho tội ác thu hoạch tạng xảy ra tại Trung Quốc trong một thời gian dài đến như vậy.
Sự “sụp đổ các giá trị phương Tây”, một “trường hợp chối bỏ (*) [diệt chủng] trên phạm vi lớn” tại thế giới tự do, và “sự phân biệt đối xử tín ngưỡng” đối với phong trào tâm linh Pháp Luân Công, tất cả đã cho Trung Quốc tiềm lực để mở rộng việc thu hoạch tạng trên quy mô công nghiệp [đối với nhóm Pháp Luân Công] sang người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong các trại tập trung. Ông Ethan Gutmann, tác giả của một số báo cáo quan trọng về vấn đề này, chia sẻ với Breitbart News.
(*) Chối bỏ, phủ nhận diệt chủng là một tâm lý thường gặp trong các cuộc diệt chủng. Điều này đã từng diễn ra trên thế giới khi nạn diệt chủng Do Thái xảy ra, nhiều chính quyền từng thờ ơ trước tội ác này.
Các nghiên cứu và bài viết của Gutmann, cùng với hai tác giả khác là David Kilgour và David Matas, đã phơi bày ngành công nghiệp hàng triệu đô của Trung Quốc xoay quanh việc giết tù nhân chính trị – hầu hết là thành viên nhóm Pháp Luân Công, nhưng cũng bao gồm cả người Cơ đốc giáo, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, và những ai bị xếp vào nhóm kẻ thù của chính quyền – giết họ lấy gan, thận, tim và các cơ quan tạng quan trọng khác để bán cho những người cần mua tạng.
Trong bản cập nhật nghiên cứu vào năm 2016, Gutmann, Kilgour, và Matas đã hé lộ việc Trung Quốc đang thực hiện nhiều hơn từ 50.000 đến 90.000 ca phẫu thuật cấy ghép tạng so với số liệu chính quyền nước này đưa ra về số người hiến tạng, dù có tính cả số lượng tử tù(*). Sự chênh lệch giữa số liệu hiến tạng và số ca ghép tạng này được lấp đầy bằng xác của các tù nhân lương tâm, báo cáo kết luận. Báo cáo có thêm sức nặng từ lời chứng của
những người sống sót thuộc nhóm Pháp Luân Công và lời chứng của các bác sĩ từng tham gia thu hoạch tạng.
(*) Trung Quốc từng thừa nhận họ lấy nội tạng từ tử tù và từng hứa là họ sẽ dừng lấy nội tạng tử tù vào năm 2015.
Kể từ khi báo cáo này được công bố, Quốc hội Mỹ, Quốc hội Anh, và một số tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên án Trung Quốc. Tuy nhiên, tổ chức Y tế Thế giới WHO thuộc Liên Hợp Quốc lại chưa có hành động gì, và cộng đồng y tế thế giới cũng chưa từng cô lập hay trừng phạt các bác sĩ có liên quan tới hành vi [thu hoạch tạng] của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trung Quốc chưa bao giờ giải thích sự chênh lệch giữa số lượng tạng có từ người hiến và số lượng tạng cấy ghép thực tế. Các cánh tay tuyên truyền của Truyền thông nhà nước Trung Quốc tại nước ngoài thì thổi phồng về hệ thống hiến tạng “ngay thẳng” của Trung Quốc.
“Trung Quốc đang thiết lập một hệ thống hiến tạng và ghép tạng mới trên toàn quốc, dựa trên các giá trị văn hóa và xã hội của Trung Quốc, hướng tới giá trị đạo đức và hướng tới một hệ thống có thể duy trì được”, một bài viết của WHO vào năm 2012 cho hay.
Tuần qua [ngày 17/6/2019], một tòa án được hỗ trợ tổ chức bởi Liên minh Quốc tế chống Lạm dụng Ghép tạng tại Trung Quốc (ETAC) – liên minh mà Gutmann đồng sáng lập – đã công bố một báo cáo kết luận “không chút hoài nghi” rằng chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phạm Tội ác Chống lại loài người bằng việc mổ lấy tạng từ tù nhân chính trị trong khi họ đang còn sống và bán cho những người cần mua. Tòa cũng cho biết có chứng cứ đáng kể về việc, bên cạnh tội ác đối với nhóm Pháp Luân Công, chính quyền Trung Quốc cũng đã đi từng bước trong việc mổ lấy tạng sống mà không có sự đồng thuận từ những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại phía Tây Tân Cương – nơi theo ước tính, chính quyền đang giam giữ lên tới 3 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Kazakhs, và Kyrgyz trong các trại tập trung. Điều này đã được Gutmann làm chứng trước tòa.
“Năm 2017, trong vòng 9 tháng – thật đáng kinh ngạc – họ đã xét nghiệm máu của từng người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, từ đàn ông, phụ nữ cho tới trẻ em. Tân Cương có hơn một nửa là người Hán… nhưng họ không bị xét nghiệm, chỉ có người Duy Ngô Nhĩ, và người Duy Ngô Nhĩ còn bị xét nghiệm DNA nữa,” Gutmann nói với Breitbart News. Ông nhấn mạnh rằng việc xét nghiệm máu có vẻ như chỉ có một mục đích là tạo ra một ngân hàng dữ liệu hiến tạng cưỡng bức. Tương tự, Tòa án Trung Quốc [nói đến ở trên] cũng trích dẫn lời chứng của những người sống sót khỏi trại tập trung ở Tân Cương, họ nói rằng họ trải qua xét nghiệm để đánh giá sức khỏe của tạng, điều dường như chỉ dành cho một mục đích là xác định đối tượng có thể lấy tạng.
Nguy cơ việc thu hoạch tạng từ người Duy Ngô Nhĩ sắp diễn ra, sau hơn 1 thập kỷ thu hoạch tạng từ nhóm Pháp Luân Công, đã khiến những người vận động chống lại hành vi này “cảm thấy chúng ta đang sống trong một cơn ác mộng”, Gutmann nói với Breitbart News.
“Một số chúng tôi thực sự cảm thấy sợ hãi và cảm thấy chúng ta đang sống trong một cơn ác mộng, một thế giới khoa học giả tưởng”, Gutmann nói. “Đó là một sự vô thực. Điểm vô thực đầu tiên là, ‘Chúa ơi, điều này lại xảy ra một lần nữa'(*) – và lần này họ đang làm việc ấy ngay trước mặt chúng ta.”
(*) Ám chỉ việc diệt chủng, giết người hàng loạt, cũng ám chỉ sự thờ ơ của các chính quyền trước một tội ác lớn như vậy.
Gutmann cho rằng việc cộng đồng quốc tế thiếu hành động thích đáng, một phần là do việc “phân biệt đối xử tín ngưỡng” đối với nhóm Pháp Luân Công, theo đó cộng đồng quốc tế đã cho phép việc đàn áp nhóm này tiếp tục diễn ra tại Trung Quốc.
“Thế giới thực sự đã cho phép Trung Quốc tiếp tục đàn áp Pháp Luân Công. Điều đó đã mở đường cho cuộc đàn áp Duy Ngô Nhĩ sau đó”, Gutmann nói.
“Bây giờ người ta đột nhiên hành động như thể họ đã biết hết vấn đề Pháp Luân Công từ trước – đúng là họ có thể đã nghe nói đến, nhưng nếu nhìn vào những gì phương Tây đã làm cho đến tận 2016, thì đó là một cuộc chối bỏ [diệt chủng] lớn. Đó là phân biệt đối xử – phân biệt đối xử tín ngưỡng – phân biệt đối xử một nhóm nạn nhân. Thật sự là vậy, phân biệt đối xử bởi vì họ là ‘kiểu’ Trung Quốc(*)… điều đó đã khiến người ta trở nên mất trí, và việc phân biệt đối xử kiểu như vậy vẫn chưa chấm dứt.”
(*) Ý nói rằng phương Tây đã từng nhìn nhận đó là vấn đề của người Trung Quốc với nhau, không liên quan tới người phương Tây, chối bỏ trách nhiệm của phương Tây đối với người dân Trung Quốc.
Phong trào Pháp Luân Công là một phong trào tín ngưỡng đạo Phật và phát huy lối sống lành mạnh, tập trung vào 3 đức tính – chân, thiện, nhẫn – thông qua thiền định và các bài tập. Họ có thiên hướng sống khỏe mạnh, có lối sống bảo tồn đạo đức, và bởi vì về mặt nhân chủng học là cùng dân tộc với đa số người dân Trung Quốc, nên những điều đó đã khiến họ trở thành một nguồn tạng hấp dẫn. Tại Trung Quốc, những người theo tập đa số là người Hán, từ “nông dân không có học thức tới giáo sư đại học, từ cán bộ Đảng Cộng sản cho tới lính”, Gutmann lưu ý, và điều đó đã khiến Đảng sợ hãi.
“Tôi phải khiến việc Pháp Luân Công là tà giáo trở nên rõ ràng”, cựu Bí thư Đảng Cộng sản Giang Trạch Dân, kẻ đã từng lên kế hoạch cho vụ thảm sát Thiên An Môn [4/6/1989], nói vào năm 2001.
Việc [chính quyền Trung Quốc] có nguy cơ chuyển từ nội tạng của Pháp Luân Công sang của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, có thể sẽ gây sự chú ý lớn hơn, nhưng “bất cứ ai từng phân biệt đối xử và cảm thấy nhẹ nhõm vì tội ác đó đang chuyển qua người Duy Ngô Nhĩ… phải tự thấy xấu hổ vì nghĩ như vậy”, Gutmann nói. Ông cũng cảnh báo rằng phương Tây không nên “dùng luận điểm rằng ở phương Tây chúng ta không sợ Hồi giáo” để bảo vệ người Duy Ngô Nhĩ, bởi vì “cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ không phải vì lý do tôn giáo của họ, nó là vì lý do phân biệt chủng tộc.” Việc [thế giới Hồi giáo] im lặng trước các trại tập trung người Duy Ngô Nhĩ – và trong một số trường hợp, công khai ủng hộ – ít nhất là trong thế giới Hồi giáo, cho thấy điều này.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bỏ ngoài tai chỉ trích từ các nhóm nhân quyền phương Tây về trại tập trung người Duy Ngô Nhĩ.
“Họ thực sự cho rằng chúng ta rất yếu ớt, rằng chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì để có quan hệ với quyền lực và tiền bạc của họ, chỉ cần Bắc Kinh có thể bịa cho chúng ta câu chuyện để chúng ta có thể tin rằng chúng ta đang ở phía chính diện của lịch sử, rằng chúng ta đang xây dựng một Trung Quốc tốt hơn”, Gutmann nói. Ông than thở rằng thậm chí ở giới cầm quyền cao nhất trên thế giới, người ta cũng nghĩ rằng họ chỉ có thể làm những điều ít ỏi để ngăn chặn chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp người bất đồng chính kiến và các nhóm thiểu số mà chính quyền không ưa.
“Từng có một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tự tin nói với tôi rằng, ‘Họ [chính quyền Trung Quốc] có thể giết tất cả và chúng tôi chẳng thể làm gì’, tin được chứ? Hãy trích dẫn câu ấy của tôi”, Gutmann nói.
Tuy nhiên Gutmann cũng đề xuất việc cô lập ngành công nghiệp y khoa Trung Quốc và gây áp lực để nó phải thay đổi.
“Một điều chúng ta có thể làm ở phương Tây, rằng, nếu chúng ta muốn rửa sạch tội lỗi, chúng ta cần phải làm như những gì chúng ta đã làm với các bác sĩ tâm thần Liên bang Xô Viết trong những năm 60, 70 và 80”, Gutmann nói, “Đó là… một khi chúng ta biết Xô Viết đang tra tấn người bất đồng chính kiến trong các bệnh viện tâm thần, chúng ta tố giác họ – Hiệp hội Tâm thần Mỹ đã làm, Hiệp hội Tâm thần Thế giới đã làm – và chúng ta không cho phép họ tới các hội nghị y khoa. Chúng ta không cho phép họ công bố các bài báo khoa học về tâm thần; chúng ta không cho phép họ cùng tạo ra các liều thuốc tâm thần.”
“Ngày nay, [trước tội ác thu hoạch tạng], chúng ta chưa làm gì cả”, Gutmann lưu ý. “Chúng ta thậm chí còn chưa làm như tiền lệ đã có. Họ [các bác sĩ Trung Quốc] đang công bố bài báo khoa học trên tạp chí của chúng ta, tham dự các hội nghị của chúng ta, sử dụng việc tham gia hội nghị [ghép tạng] như một thành tích để tuyên truyền [cho hệ thống cấy ghép của họ], và việc này thậm chí còn xảy ra ở Vatican (*).”
(*) Một số hội nghị cấy ghép tạng do Vatican hỗ trợ tổ chức có sự tham gia của những người đứng đầu hệ thống ghép tạng Trung Quốc.
“Sự sụp đổ các giá trị phương Tây quả thực rất đáng chú ý”, Gutmann nhấn mạnh.
Gutmann cũng bày tỏ quan điểm rằng chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ dẫn tới sự biến đổi trong chính quyền Trung Quốc, và sẽ giảm thiểu quy mô bắt giữ và thu hoạch tạng.
“Nếu Tổng thống Donald Trump tiếp tục chiến tranh thương mại, nếu ông không dừng lại, nếu vẫn tiếp tục đánh thuế nhập khẩu 25% và nếu cuộc chiến này gây tác hại với nền kinh tế Trung Quốc như tôi nghĩ, khiến GDP của họ sụt giảm 2 hoặc 3 đến tận 4%, thì rất có thể lãnh đạo Đảng Cộng sản Tập Cận Bình sẽ bị hạ bệ, bị phế truất”, Gutmann nói. “Và tôi chắc rằng điều đó sẽ có lợi cho một số quan chức cộng sản Trung Quốc khác… Tôi có thể tưởng tượng được kịch bản khi họ lên, và Tập Cận Bình xuống, và họ đổ hết mọi tội lỗi lên đầu ông ta… có thể người ta sẽ bắt đầu thả người khỏi các trại tập trung.”
Tập Cận Bình “rõ ràng đã nắm trong tay quá nhiều quyền lực”, Gutmann nói. “Ông ta đang đưa đất nước tới cận kề con đường của Xô Viết thông qua Một vành đai một con đường.”
Tuy nhiên khiến Trung Quốc thay đổi thái độ là một mục tiêu xa vời đối với Gutmann.
“Với tôi mà nói, tôi không còn – và có thể tôi chưa từng – tham gia vào vấn đề này vì tôi nghĩ rằng mình có thể cứu mạng sống của người ta, tôi không nghĩ rằng tôi có thể”, ông nói. “Tôi nghĩ đã quá muộn để làm việc đó. Tôi tham gia bởi vì mỗi từng con người đều xứng đáng được biết lịch sử, đặc biệt đối với những người dân đang bị hủy diệt. Đây là điều quan trọng nhất. Ngoài đó ra thì việc tôi tham gia không còn ý nghĩa gì hết.”
Nếu quân đội ĐCSTQ tấn công Đài Loan,
sẽ là chiến dịch đẫm máu nhất
Nhiều năm qua, Trung Quốc đang dần dần trở thành một siêu cường quốc về kinh tế và quân sự, do đó mối đe doạ xâm nhập lược Đài Loan cũng ngày càng lớn. Hồi đầu tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoà đã nói, nếu có người muốn phân tách Đài Loan ra khỏi Trung Quốc, Quân đội Trung Quốc sẽ bằng mọi giá thống nhất Đài Loan. Tuy nhiên, khi chuyên gia quân sự phân tích tình hình hai bờ eo biển, đã chỉ thẳng rằng, quân đội Trung Quốc xâm lược Đài Loan sẽ là “nhiệm vụ khó khăn nhất và đẫm máu nhất”.
Theo Đài CNN đưa tin, Đài Loan muốn đối kháng lại Trung Quốc cũng giống như David đối đầu với gã khổng lồ Goliath. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy, quân đội Trung Quốc ước tính có khoảng 1 triệu binh lính, gần 6000 xe tăng, 1500 chiến đấu cơ và 33 tàu khu trục. Trong khi đó, lực lượng mặt đất của Đài Loan chỉ có 150.000 người, 800 xe tăng, 350 chiến đấu cơ chi viện, Hải quân chỉ có 4 tàu khu trục.
Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, quân đội nước này đang từng bước hiện đại hoá. Tuy nhiên, hai bờ eo biển đã tách biệt 70 năm, nhưng Trung Quốc vẫn chưa dám vượt biển tấn công Đài Loan, mặc dù một phần nguyên nhân là do nhân tố chính trị, ví dụ như sự can thiệp của Mỹ, và sự thương vong tiềm ẩn quá lớn, v.v, nhưng quân đội Trung Quốc cũng rất sợ cuộc xâm lược toàn diện Đài Loan.
Trong tác phẩm “The Chinese Invasion Threat” (Giải mật việc đảng Cộng sản Trung Quốc tấn công Đài Loan), nhà nghiên cứu Ian Easton thuộc “Viện Nghiên cứu Dự án 2049” đã chỉ ra, Đài Loan có quân đội chuyên nghiệp, nhân tài cốt lõi do Mỹ huấn luyện, do đó, hành động xâm lược Đài Loan “đối với quân đội Trung Quốc mà nói, sẽ là một nhiệm vụ khó khăn nhất và đẫm máu nhất”.
Theo cách nói của ông Ian Easton và nhà nghiên cứu Sidharth Kaushal thuộc Viện nghiên cứu Liên hợp Hoàng gia (Royal United Services Institute), Trung Quốc xâm lược Đài Loan sẽ là sự công kích hỗn hợp của Lục quân, Hải quân và Không quân; đầu tiên là tiến hành oanh tạc các cơ sở hạ tầng quan trọng của Đài Loan như các bến cảng và sân bay, để làm suy yếu lực lượng phòng vệ mặt đất của Đài Loan.
Tiếp theo, Trung Quốc sẽ lập tức điều chiến đấu cơ vượt qua bờ biển Đài Loan để giành ưu thế trên không, một khi quân đội Trung Quốc cho rằng bộ đội Hải quân và Không quân Đài Loan bị áp chế rồi, thì sẽ tiến hành đổ bộ vào Đài Loan. Sau đó, vấn đề lớn nhất chính là ở chỗ này.
Trong báo cáo năm 2019 của Bộ Quốc phòng Mỹ đệ trình lên Quốc hội cho thấy, Trung Quốc có 37 tàu vận tải đổ bộ và 22 tàu đổ bộ nhỏ, cộng thêm tất cả các loại tàu dân dụng có thể trưng dụng, đã đủ để chiếm lĩnh một đảo tương đối nhỏ, ví dụ như nhiều đảo ở Biển Đông. Nhưng đổ bộ lên Đài Loan thì vẫn chưa đủ, hơn nữa cũng không có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang mở rộng năng lực đổ bộ.
Theo ông Sidharth Kaushal, trường hợp khi Trung Quốc mới bắt đầu tấn công Đài Loan, Hải quân và Không quân Đài loan sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng, ít nhất cần đánh chìm 40% tàu đổ bộ của quân đội Trung Quốc, nhưng từ con số thực tế hiện nay có thể thấy thì cũng chỉ có thể tấn công được 10 – 15 tàu mà thôi. Nếu quân đội Trung Quốc thực sự vượt qua eo biển Đài Loan, vấn đề quan trọng khác là sẽ đổ bộ ở đâu.
Ông Ian Easton cho biết, Đài Loan chỉ có 14 bãi biển thích hợp cho đổ bộ, nhưng không chỉ có quân đội Trung Quốc biết việc này, mà quân đội Đài Loan cũng biết, do đó hàng mấy thập kỷ qua Đài Loan đã làm rất nhiều việc phòng vệ.
Ngoài ra, các tàu của Hải quân Đài Loan cũng có thể phóng tên lửa chống hạm, cũng như tên lửa trên bố trí trên đất liền, chưa kể đến các loại mìn và hỏa lực trên các bãi biển.
Ông Ian Easton nói, toàn bộ chiến lược quốc phòng và quy hoạch chiến tranh của Đài Loan đều là chuyên dùng để đẩy lui hành động xâm lược của quân đội Trung Quốc. Thực tế, ngoài đổ bộ, đương nhiên xâm lược từ trên không cũng là một phương pháp tiến vào nước đối địch, nhưng lính nhảy dù của quân đội Trung Quốc lại rất ít, nên cơ bản không thể nào làm được.
Ngoài đó ra, Đài Loan không chỉ có 150.000 quân đội mặt đất, mà còn có gần 2,5 triệu quân nhân dự bị. Ông Sidharth Kaushal nói thẳng, nếu Trung Quốc muốn xâm lược Đài Loan, cần phải động viên đến hàng mấy trăm nghìn quân đội, tàu đổ bộ, xe phóng tên lửa đạn đạo, oanh tạc cơ và chiến đấu cơ; nhưng kiểu điều động quy mô lớn thế này, chắc chắn sẽ cho Đài Loan có thời gian dự bị.
Tổng thống Duterte cho phép Trung Quốc
khai thác cá
trong vùng nước của Phi bất chấp phản đối
Tổ chức môi trường quốc tế Oceana mới đây lên tiếng cảnh báo nguồn cá của Philippines đang cạn kiện và không kịp hồi phục vì Trung Quốc được phép đánh bắt thoải mái trong vùng nước của Phlippines.
Phó chủ tịch của Oceana Philippines Gloria Ramos được trang tin The Star hôm 25/6 trích lời nói rằng việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho Trung Quốc đánh bắt cá trong vùng nước thuộc chủ quyền của Philippines đang gửi đi một thông điệp rằng bất cứ ai cũng có thể đánh cá trộm mà không phải chịu hậu quả. Bà nói việc Trung Quốc đánh bắt cá ở vùng biển của Philippines là một ví dụ của đánh bắt bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo (IUU), khiến làm giảm nguồn cá.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 24/6 nói rằng sẽ rất khó để chặn Trung Quốc đánh bắt cá ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines theo Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc.
“Tôi không nghĩ là Trung Quốc sẽ làm vậy. Bởi vì sao? Bởi vì chúng ta là bạn. Và chúng ta có cùng cách nhìn rằng điều đó (việc đánh bắt cá) không nên dẫn đến bất cứ đối đầu gây đổ máu nào”, Tổng thống Duterte nói.
Giám đốc Cơ quan nguồn lợi biển và cá của Philippines, Eduardo Gongona cho biết Philippines có thỏa thuận với các nước láng giềng trong đó có Trung Quốc, mà theo đó Philippines chỉ đưa các tàu cá xâm phạm lãnh hải ra ngoài khi phát hiện có tàu xâm phạm.
Tháng 9 năm 2017, Hải quân Philippines đã nổ súng khiến 2 ngư dân Việt thiệt mạng khi phía Philippines phát hiện những tàu cá Việt Nam đang đánh bắt trái phép ở vùng nước của Philippines.
Hôm 9/6, một tàu cá của Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của Philippines ở Bãi Cỏ Rong ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp và bỏ rơi không cứu 22 ngư dân Phi. Bãi Cỏ Rong nằm trong khoảng 200 hải lý vùng EEZ của Philippines.
Các số liệu của Liên Hiệp Quốc cho biết việc khai thác cá của Trung Quốc đã gia tăng trong suốt thập kỷ qua. Trong giai đoạn từ 2005 đến 2014, sản lượng đánh bắt cá trung bình của Trung Quốc là khoảng 13 triệu tấn. Năm 2016, con số này là hơn 15 triệu tấn.
Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu cá và sản phẩm từ cá lớn nhất thế giới.
Indonesia – Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác,
chia sẻ lập trường, quan điểm với nhau
và các nước ASEAN về Biển Đông
Chiều 21/6, bên lề Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 3 tại Bangkok (Thái Lan), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã có cuộc hội đàm song phương. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi, phối hợp nhằm phát triển quan hệ hai nước, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Tại cuộc hội đàm, hai bên cam kết tiếp tục hợp tác, chia sẻ lập trường, quan điểm với nhau và với các nước ASEAN để cùng giữ vững đoàn kết và tiếng nói chung, bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông, thúc đẩy thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả và toàn diện.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chúc mừng Indonesia tổ chức thành công bầu cử Quốc hội và bầu cử Tổng thống ngày 17/4/2019 với thắng lợi ấn tượng của Tổng thống Joko Widodo, khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Indonesia để thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước ngày càng phát triển thực chất, hiệu quả, cùng có lợi.
Hai bên đánh giá cao những tiến triển vượt bậc trong quan hệ hai nước thời gian qua, nhất trí phối hợp chuẩn bị tốt các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao giữa hai nước, cho đây là nền tảng để củng cố tin cậy chính trị và định hướng hợp tác; tăng cường hợp tác giữa các bộ, ngành và địa phương hai nước, củng cố các cơ chế hợp tác song phương, tích cực giải quyết vấn đề tồn tại nhằm duy trì đà phát triển và ổn định của quan hệ song phương.
Hai bên chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế bền vững, đặc biệt là kinh nghiệm phát triển kinh tế biển, hợp tác quản lý, bảo tồn tài nguyên biển, cho đây là một trong những trụ cột trong quan hệ Đối tác Chiến lược. Trên tinh thần đó, hai Bộ trưởng nhất trí tiếp tục xúc tiến đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn giữa hai nước, tạo cơ sở pháp lý để quản lý hiệu quả vùng biển thuộc chủ quyền mỗi quốc gia cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế, đồng thời cam kết phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin về ngư dân, tàu cá, giải quyết các khác biệt trên tinh thần nhân đạo, quan hệ Đối tác Chiến lược cũng như đoàn kết ASEAN.
Hai Bộ trưởng đánh giá trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt, Việt Nam và Indonesia cần tăng cường ủng hộ lẫn nhau, phối hợp lập trường, chính sách, đặc biệt trong năm 2020 khi hai nước cùng là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN.
Mức tín nhiệm của người Australia với TQ thấp kỷ lục
Niềm tin của người Australia đối với Trung Quốc đạt mức thấp nhất trong 15 năm qua, song họ tín nhiệm Chủ tịch Trung Quốc hơn Tổng thống Mỹ.
Kết quả khảo sát năm 2019 do Viện Lowy, Australia công bố hôm 25/6 cho thấy chỉ 32% người được hỏi tin Trung Quốc là “đối tác tuyệt vời” hoặc hành động có trách nhiệm trên thế giới, giảm 20% so với cuộc khảo sát năm 2018 giữa bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng minh thân cận của Australia.
Chuyên gia nghiên cứu Viện Lowy Natasha Kassam nói rằng khảo sát cho thấy “niềm tin đối với Trung Quốc và ông Tập Cận Bình đang suy giảm nhanh chóng” do quan hệ lạnh nhạt giữa Bắc Kinh và Canberra. “Trong hai năm qua, ở Australia đã có cuộc tranh luận gay gắt về sự can thiệp tiềm năng của Trung Quốc vào chính trị và kinh tế Australia”, Kassam nói.
Quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Australia trở nên tồi tệ sau khi Canberra công bố luật mới vào tháng 12/2017 nhằm ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài vào chính trị của đất nước. Bắc Kinh cho rằng luật mới nhằm vào họ.
Quan điểm ngày càng tiêu cực của người Australia về Trung Quốc cũng có thể bắt nguồn từ những lo ngại về tham vọng chiến lược của Trung Quốc trong khu vực, bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng ở khu vực và Biển Đông. “Những động thái của Trung Quốc ở Biển Đông được đưa tin rất nhiều trên truyền thông Australia”, Kassam cho hay.
Về kinh tế, cuộc khảo sát cho thấy người Australia đang cảm thấy “dễ bị tổn thương” về sự gia tăng kinh tế của Trung Quốc, dù Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của nước này. 74% người Australia tin rằng đất nước “quá phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc”, trong khi 68% nói Australia cho phép “đầu tư quá nhiều từ Trung Quốc”.
Kassam cho biết sự không chắc chắn một phần là do cuộc chiến thương mại và lo ngại về việc nó sẽ ảnh hưởng đến Australia như thế nào. “Người Australia không tin lợi ích kinh tế của đất nước sẽ được bảo đảm trong cuộc xung đột này”, cô nói.
Bất chấp tình cảm lạnh nhạt đối với Trung Quốc, người Australia vẫn bày tỏ sự tin tưởng vào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hơn Tổng thống Mỹ Trump. Khảo sát của Viện Lowy cho thấy 30% người Australia nói rằng họ có “một chút” hoặc “rất nhiều” niềm tin ông Tập làm điều đúng đắn trong các vấn đề thế giới. Trump chỉ giành được 25% mức độ tín nhiệm, giảm 5% so với cuộc khảo sát năm ngoái.
Dù nghi ngờ về sự lãnh đạo của Mỹ, khoảng 70% người Australia vẫn tin rằng liên minh với Washington là khá hoặc rất quan trọng đối với an ninh quốc gia.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28918-muc-tin-nhiem-cua-nguoi-australia-voi-tq-thap-ky-luc.html