Tin Việt Nam – 25/06/2019
Tàu cá của ngư dân Cà Mau
bị “tàu lạ” đâm chìm trên biển
Tin Cà Mau, Vietnam.- Báo Thanh Niên loan tin, vào khoảng 4 giờ chiều ngày 22 tháng 6 năm 2019, tàu cá của ông Nguyễn Văn Út, 39 tuổi, mang số hiệu CM 99596-TS đang hành nghề khai thác hải sản cách đảo Hoàn Khoai, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau khoảng 70 hải lý về hướng Tây Nam, thì bị một chiếc tàu chở hàng đâm chìm.
Sau khi đâm chìm tàu cá Việt Nam, chiếc tàu này nhanh chóng bỏ chạy về hướng vùng biển Thái Lan. Chiếc tàu gây nạn cho ngư dân Việt Nam được một số tờ báo gọi là “tàu lạ”, tức tàu Trung Cộng nhiều lần tấn công tàu cá của ngư dân Việt.
Ông Út cho biết, sau khi tàu bị đâm chìm, may mắn ông và 6 ngư dân trên tàu được một chiếc tàu cá khác gần đó đến cứu.
Trước sự việc trên, ông Nguyễn Thanh Điền, giám đốc sở Ngoại vụ tỉnh Cà Mau cho biết, ông vừa ký văn bản gửi cơ quan Lãnh sự, bộ Ngoại giao để đề nghị cơ quan này cùng với các ngành liên quan điều tra, xác minh sự việc.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/tau-ca-cua-ngu-dan-ca-mau-bi-tau-la-dam-chim-tren-bien/
Chủ quán doạ kiện lãnh đạo Chợ Mới
vì ăn nhậu nhiều năm không trả tiền
Tin An Giang, Vietnam.- Báo Tuổi trẻ ngày 25 tháng 6 năm 2019 loan tin, bà Lê Thị Đum, 59 tuổi, là chủ quán nhậu ở thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã gửi đơn lên uỷ ban nhân dân thị trấn Chợ Mới đòi nợ, nhưng bất thành.
Bà Đum cho biết, từ năm 2015 đến tháng 9 năm 2017, lãnh đạo Uỷ ban thị trấn Chợ Mới đã nhiều lần đến quán bà ăn nhậu, chiêu đãi khách, nhưng sau khi nhậu xong thì những đảng viên này không chịu trả tiền. Sau hơn hai năm, số nợ mà lãnh đạo thị trấn nợ bà Đum là 35 triệu đồng. Đến khi, ông Trần Hồng Bon, bí thư kiêm chủ tịch Uỷ ban thị trấn Chợ Mới về nhận nhiệm vụ mới này thì cũng đã kéo người đến quán bà Đum nhậu, và nợ hai hoá đơn với tổng số tiền gần 5 triệu đồng. Tổng cộng, phía Uỷ ban nợ bà Đum hơn 40 triệu đồng tiền ăn nhậu.
Bà Đum đã nhiều lần yêu cầu phía Uỷ ban trả nợ, nhưng những người này đã né tránh, không chịu trả. Vì vậy bà Đum sẽ tiếp tục gửi đơn lên Uỷ ban huyện tố cáo, và có thể làm đơn kiện ra toà án.
Đáp lại phản ánh đòi nợ của chủ quán nhậu, ông Trần Hồng Bon cho rằng, khoản nợ hơn 35 triệu đồng không liên quan đến ông vì khi ông về nhận nhiệm vụ thì không được nhận bàn giao nợ. Còn về phần nợ gần 5 triệu đồng của ông, nếu bà Đum còn giữ chứng từ nợ thì tự mang lên gặp ông, ông sẽ trả.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/chu-quan-doa-kien-lanh-dao-cho-moi-vi-an-nhau-nhieu-nam-khong-tra-tien/
Vụ Nguyễn Hữu Linh: Tòa trả hồ sơ, yêu cầu bổ sung
Phiên tòa đầu tiên xét xử vụ án dâm ô với người dưới 16 tuổi đối với ông Nguyễn Hữu Linh đã kết thúc sáng 25/6.
Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ vụ ông Nguyễn Hữu Linh dâm ô bé gái 8 tuổi trong thang máy ở TP.HCM để điều tra bổ sung, thời gian mở lại phiên xử chưa được ấn định, theo báo Zing.
Vụ việc gây chấn động dư luận cả nước sau khi một video clip gần một phút cho thấy ông Linh ba lần ôm hôn bé gái 8 tuổi trong thang máy chung cư Galaxy 9 ở Gò Vấp hôm 1/4.
Ông Linh sẽ phải đối mặt với án tù từ 6 tháng đến 3 năm vì tội “tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi”.
Được biết phiên tòa sẽ xét xử kín và gia đình bện bị hại sẽ không có mặt tại tòa, không yêu cầu luật sư bảo vệ quyền lợi và không đề nghị bồi thường phần dân sự.
MetooVN: ‘Tôi đã bị quấy rối tình dục 5 lần’
MetooVN: ‘Tôi đã lên tiếng nhưng không ai tin tôi’
Trốn trong toilet khi đến tòa
Từ sáng sớm 25/6, cánh báo chí vây quanh bên ngoài Tòa án Nhân dân Quận 4 nơi diễn ra phiên xét xử đầu tiên. Nguyễn Hữu Linh đã sớm có mặt tại tòa trước giờ xét xử nhưng đã bị
cánh báo chí vây đuổi đến tận nhà vệ sinh ở tầng 4 và chờ cho “hết người mới dám rời toilet”, theo Vn Express.
Theo báo Zing, Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ vụ ông Nguyễn Hữu Linh dâm ô bé gái 8 tuổi trong thang máy ở TP.HCM để điều tra bổ sung, thời gian mở lại phiên xử chưa được ấn định, theo báo Zing.
Được biết phiên tòa sẽ xét xử kín và gia đình bên bị hại sẽ không có mặt tại tòa, không yêu cầu luật sư bảo vệ quyền lợi và không đề nghị bồi thường phần dân sự.
Diễn biến chính
Theo cáo trạng, vào 21h ngày 1/4, bé gái 8 tuổi đi xuống tầng trệt chung cư Galaxy để mua đồ cho mẹ. Khi mua xong và quay lên bằng thang máy, bé nhờ bé nhờ bảo vệ bấm thang máy lên tầng 10, lúc này ông Nguyễn Hữu Linh đi cùng lên tầng 11.
Khi cửa thang máy đóng lại, ông Linh tiến lại nơi bé gái đứng, ba lần ôm và hôn lên má của cô bé. Đến lúc thang máy mở cửa, Linh buông bé gái ra và chạy ra ngoài và bị cáo tiếp tục đi lên nhà.
Sau khi nghe con kể lại sự việc, ba bé gái xuống báo ban quản lý, trích xuất hình ảnh từ camera và mời ông Linh xuống làm việc. Ông Linh thừa nhận mình là người đàn ông trong clip. Tuy nhiên, ông ta không khai tên thật Nguyễn Hữu Linh mà dùng tên giả Nguyễn Văn Hưng.
Qua làm việc, mẹ của bé đồng ý bỏ qua vụ việc và ông Linh bay về Đà Nẵng vào chiều hôm sau.
Tuy nhiên đến hôm 3/4, đoạn camera an ninh dài 58 phút cho thấy toàn cảnh ông Linh ôm và hôn bé gái khiến dư luận bức xúc.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48754939
Phóng viên bủa vây ông Nguyễn Hữu Linh ở tòa án
Từ sáng sớm 25/6, cánh báo chí vây quanh bên ngoài Tòa án Nhân dân Quận 4 nơi diễn ra phiên xét xử ông Nguyễn Hữu Linh,
Ông Linh đã sớm có mặt tại tòa trước giờ xét xử nhưng đã bị cánh báo chí vây đuổi đến tận nhà vệ sinh ở tầng 4 và chờ cho “hết người mới dám rời toilet”, theo VnExpress.
Theo báo Zing, Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ vụ ông Nguyễn Hữu Linh dâm ô bé gái 8 tuổi trong thang máy ở TP.HCM để điều tra bổ sung, thời gian mở lại phiên xử chưa được ấn định,
Được biết phiên tòa sẽ xét xử kín và gia đình bên bị hại sẽ không có mặt tại tòa, không yêu cầu luật sư bảo vệ quyền lợi và không đề nghị bồi thường phần dân sự.
https://www.bbc.com/vietnamese/media-48743038
Kêu cứu cho những tù chính trị
đang tuyệt thực chống bạc đãi tại Trại 6
Thân nhân của tù nhân chính trị Trương Minh Đức công khai thư kêu cứu về tình trạng của những người đang phải tuyệt thực tại Trại Giam Số 6 Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Thư kêu cứu đề ngày 23 tháng 6 do Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ tù nhân chính trị Trương Minh Đức ký tên và gửi đến Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Nghệ An và Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Nội dung thư nói rõ việc Phân trại K2, Trại Giam Số 6 đang bức hại, đàn áp tù nhân chính trị. Theo đó thì vào ngày 20 tháng 6, bà Nguyễn Thị Kim Thanh đến Trại Số 6 để thăm chồng theo định kỳ. Qua cuộc thăm bị cắt phân nửa thời gian, ông Trương Minh Đức cho bà Nguyễn Thị Kim Thanh biết hiện thời tiết tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đang là mùa hè nóng bức, nhiệt độ trên 40 độc C. Thế nhưng nơi giam giữ các tù chính trị ở Phân trại 2, Trại Giam Số 6 bị tháo quạt điện.
Các tù nhân chính trị đã có đơn khiếu nại nhưng không được giải quyết nên họ đi đến biện pháp tuyệt thực. Việc tuyệt thực đến ngày 20 tháng 6 theo trình bày của bà Nguyễn Thị Kim Thanh đã kéo dài 10 ngày.
Bà Thanh cho biết tình trạng sức khỏe của ông Trương Minh Đức sa sút đến mức kiệt quệ không thể xách nổi những vật phẩm mà bà mang đến gửi cho ông.
Ngoài ông Trương Minh Đức còn các ông gồm Nguyễn Văn Túc, Đào Quang Thực được cho biết sức khỏe suy yếu.
Trong đơn bà Nguyễn Thị Kim Thanh yêu cầu Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Nghệ An kiểm soát việc giam giữ và tuân theo pháp luật của Trại giam Số 6; giải quyết khiếu nại của tù chính trị, chấm dứt ngay việc tước đoạt quyền lợi của tù nhân, bức hại tù chính trị.
Ký giả Trương Minh Đức và nhà hoạt động đồng thời là dân oan khiếu kiện Nguyễn Văn Túc là thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ. Ông Trương Minh Đức bị kết án 13 năm tù giam và 5 năm quản chế tại phiên xử ngày 5 tháng 4 năm 2018 ở Hà Nội cùng với 5 thành viên và cựu thành viên của hội này với cáo buộc theo điều 79 “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”
Hồi năm 2008, ông Trương Minh Đức cũng bị tuyên án 5 năm tù giam vì cáo buộc tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, theo điều 258 Bộ Luật Hình sự năm 1999.
Ông Nguyễn Văn Túc cũng bị án hai lần. Lần đầu vào tháng 9 năm 2008 khi tham gia Khối 8406 và có hoạt động biểu tình chống Trung Quốc, đòi hỏi đa nguyên- đa đảng để thay đổi cuộc sống đói nghèo của người dân. Lúc đó ông bị tuyên án 4 năm tù và 3 năm quản chế với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’. Vào tháng 9 năm 2017, ông bị bắt lại rồi bị đưa ra tòa xử với mức án 13 năm tù giam theo cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.’
Ông Đào Quang Thực là một giáo viên tiểu học tại Hòa Bình. Ông bị bắt vì các bài viết đăng trên Facebook phản đối nhà máy thép Formosa xả thải gây nên thảm họa môi trường tại các tỉnh miền Trung. Ông cũng lên tiếng chống Trung Quốc chiếm biển đảo của Việt Nam. Ông bị bắt vào tháng 10 năm 2017 và tại phiên sơ thẩm vào tháng 9 năm 2018, Ông bị tuyên 14 năm tù và 5 năm quản chế với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’. Phiên phúc thẩm vào tháng 1 năm 2019, tòa giảm án cho ông 1 năm.
Tại Trại 6, Thanh Chương, Nghệ An còn có tù chính trị được nhiều người biết đến là ông Trần Huỳnh Duy Thức, hiện đang phải thụ án 16 năm tù cũng với cáo buộc ‘ hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’.
Tù chính trị Lê Đình Lượng bị trả thù trong trại
do cùng bàn bạc với các tù nhân khác
Đảng Việt Tân, trụ sở tại Hoa Kỳ, vào ngày 24 tháng 6 ra thông cáo về tình trạng của tù nhân Lê Đình Lượng phải chịu trả thù trong Trại giam Nam Hà do cùng những tù nhân khác bàn bạc viết đơn gửi đến Quốc Hội đòi hỏi quyền lợi của những người bị giam giữ.
Thông cáo dẫn trình bày của người con dâu của tù chính trị Lê Đình Lượng về việc ông này bị Trại giam Nam Hà không cho gọi điện thoại về nhà theo như qui định; cũng như không được mua thêm thực phẩm từ căn tin Trại giam.
Ngoài ra gia đình còn cho biết kể từ tháng 2 vừa qua ông Lê Đình Lượng không được nhận thực phẩm và sách do gia đình gửi vào Trại Nam Hà cho ông.
Yêu cầu có được Kinh Thánh và gặp linh mục của ông Lê Đình Lượng cũng không được Trại giam Nam Hà đáp ứng.
Lý do bị kỷ luật như vừa nêu được gia đình cho biết vì ông Lê Đình Lượng trong một dịp được giải lao đã gặp các tù nhân chính trị khác gồm Nguyễn Viết Dũng, Phan Kim Khánh, và Lê Thanh Tùng rồi đưa đề nghị cùng nhau viết đơn gửi Quốc Hội về những quyền lợi bị vi phạm trong thời gian giam giữ.
Ông Lê Đình Lượng bị kết án 20 năm tù với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’. Đây là người bị án chính trị nặng nề nhất tại Việt Nam tính đến lúc này.
Trong khi đó trước khi bị bắt và bị kết án, ông Lê Đình Lượng được nhiều người biết đến qua các hoạt động lên tiếng về thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh gây nên cho các tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam.
Vốn FDI Trung Quốc chảy mạnh vào Việt Nam,
nguy cơ và cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) từ Trung Quốc vào Việt Nam 2,29 tỷ đô la, đứng hạng 3 các nước đổ vốn vào dải đất chữ S.
Truyền thông trong nước loan tin ngày 25/6, trích từ báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Báo cáo cũng cho biết, tính đến ngày 20/6, vốn FDI đổ vào Việt Nam đạt 18,47 tỷ đô la Mỹ, đạt 90,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó tổng số vốn giải ngân là hơn 9 tỷ đô, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2018.
Việc các dự án FDI từ Trung Quốc tăng nhanh tại Việt Nam được đánh giá do tác động của thương chiến Mỹ – Trung. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế cao từ Mỹ đánh lên các sản phẩm từ Trung Quốc.
Bên cạnh việc hưởng lợi từ dòng vốn này, nhiều nguy cơ tiềm ẩn và các rủi ro các thể xảy ra cho các doanh nghiệp Việt.
Tại buổi hội thảo “Tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đối với ngành gỗ Việt: Chuyển dịch đầu tư nước ngoài, cơ hội và rủi ro trong xuất nhập khẩu”, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách thuộc Tổ chức Forest Trends, cho biết việc Mỹ tăng thuế các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc khiến một số doanh nghiệp Bắc Kinh từ bỏ đơn hàng, từ đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.
Vẫn theo ông Phúc, nếu tốc độ xuất khẩu gỗ từ Việt Nam sang Mỹ như hiện nay được duy trì, Việt Nam sẽ vươn lên từ vị trí thứ 12 trong năm ngoái lên thứ 7 trong danh sách các nhà cung cấp mặt hàng gỗ lớn nhất cho Mỹ năm 2019.
Số liệu thống kê từ Cục đầu tư nước ngoài cũng cho thấy trong 5 tháng đầu năm 2019, có 49 dự án FDI đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam, trong đó Trung Quốc dẫn đầu với 21 dự án.
Ông Tô Xuân Phúc cũng đưa ra cảnh báo, có thể các doanh nghiệp Trung Quốc muốn né thuế xuất khẩu vào thị trường Mỹ nên muốn đầu tư vào Việt Nam. Việc này có thể gây rủi ro cho ngành gỗ Việt Nam do có liên quan đến gian lận thương mại.
Hiện Mỹ đang điều tra 5 công ty nhập khẩu ván ép từ Trung Quốc có xuất xứ từ Việt Nam
Dân biểu Mỹ kêu gọi trả tự do
cho ông Michael Phương Minh Nguyễn
Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ Alan Lowenthal vào ngày 24 tháng 6 ra thông cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam rút lại phán quyết và lập tức trả tự do vô điều kiện cho ông Michael Phương Minh Nguyễn, một Việt kiều Mỹ, bị tòa Việt Nam kết án để 12 năm tù với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’.
Thông cáo của Dân biểu Alan Lowenthal được phát đi ngay sau khi khi Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên án ông Michael Phương Minh Nguyễn 12 năm tù giam với cáo cuộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ cùng với 2 công dân Việt Nam khác.
Dân biểu Alan Lowenthal nêu rõ sự việc ông Michael Phương Minh Nguyễn bị chính quyền Việt Nam kết án nặng nề là vì muốn răn đe những người Mỹ gốc Việt khác đừng về thăm Việt Nam và đừng truyền đạt những tư tưởng mà chính quyền Việt Nam cho là ‘cực đoan’ như Dân Chủ, Tự Do, Nhân Quyền.
Bức thư của ông dân biểu Mỹ cũng khẳng định chính quyền Việt Nam không hề do dự khi vi phạm quyền căn bản con người của chính công dân Việt, với sự tiếp tay đồng lõa của hệ thống tư pháp Việt Nam. Ông Alan Lowenthal cho rằng điểm đáng báo động là hiện nay chính quyền Việt Nam sử dụng hệ thống tư pháp được cho là ‘tồi tệ’ đối với công dân Hoa Kỳ về thăm Việt Nam.
Thông cáo cũng cho rằng ông Michael Phương Minh Nguyễn vô tội khi chính quyền Việt Nam không đủ chứng cớ đáng kể để chứng minh ông Michael phạm tội.
Cùng bị xử với ông Michael Phương Minh Nguyễn trong phiên tòa diễn ra buổi sáng ngày 24/6, thanh niên Huỳnh Đức Thanh Bình bị tuyên án 10 năm tù và Trần Long Phi bị 8 năm. Cả ba người đều bị cáo buộc tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’, theo điều 109 Bộ luật Hình sự 2015.
Ngoài ra, một bị cáo khác là ông Huỳnh Đức Thịnh bị tuyên 1 năm tù giam vì ‘không tố giác tội phạm’. Bị cáo Lê Quốc Phong bị truy nã.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM cho rằng các bị cáo đã bàn bạc, chuẩn bị truyền đơn, bom xăng, ná bắn để tấn công lực lượng công an và trụ sở cơ quan nhà nước.
Chính quyền Việt Nam cũng buộc tội những người này lập kế hoạch biểu tình kết hợp kẹt xe, lôi kéo người biểu tình, và mua sắm vũ khí để chống trả cơ quan nhà nước.
Ông Michael Phương Minh Nguyễn bị bắt vào ngày 14/7/2018 cùng với những người khác, khi ông này đang có chuyến thăm gia đình ở Việt Nam.
Bộ Công thương Việt Nam
‘khẩn trương kiểm tra’ vụ Asanzo
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh chỉ đạo tất cả các đơn vị có liên quan trong Bộ rà soát, đánh giá cụ thể về vụ việc của Công ty Asanzo đang gây xôn xao.
Việt Nam: ‘Xem xét sai phạm’ vụ dùng xe công ở sân bay
Vụ Khaisilk: Chính quyền ‘mở rộng điều tra’
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan “khẩn trương kiểm tra” vụ Asanzo.
Tranh cãi bắt đầu từ khi báo Tuổi Trẻ có loạt bài nói công ty cổ phần điện tử Asanzo Việt Nam nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam.
Cũng có câu hỏi về việc nhập khẩu các linh kiện sản phẩm của công ty này và mức thuế mà Công ty Asanzo đóng góp cho ngân sách trong thời gian qua.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các cơ quan như Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp…tiến hành kiểm tra.
Thông cáo của Bộ này nói các đơn vị phải báo cáo kết quả “trong thời gian sớm nhất”.
Trang web chính thức của Asanzo hôm 24/6 ra thông cáo trả lời về cáo buộc của báo Tuổi Trẻ.
Asanzo nói báo Tuổi Trẻ “có thể gây hiểu lầm về thương hiệu và sản phẩm mang thương hiệu Asanzo”.
Thông cáo này nói Asanzo sử dụng linh kiện, nguyên liệu từ các nhà cung cấp “có chất lượng, giá tốt” ở trong nước và ngoại nhập.
Asanzo khẳng định: “Các linh kiện, nguyên liệu, sản phẩm mà Asanzo nhập khẩu đều thực hiện theo đúng quy định của các cơ quan quản lý nhà nước.”
Ông Phạm Văn Tam là chủ tịch kiêm nhà sáng lập tập đoàn Asanzo.
Nội địa hóa?
Trong bài mới nhất của Tuổi Trẻ, tờ này tường thuật buổi gặp báo Tuổi Trẻ của ông Phạm Văn Tam hôm 22/6.
Theo tờ này, ông Tam nói với báo Tuổi Trẻ rằng tỉ lệ nội địa hóa của tivi Asanzo không phải tính trên từng món linh kiện mà ông tính trên giá tiền hóa đơn đầu vào.
“Nghĩa là trên giá tiền sản phẩm mua vào để làm ra một cái tivi. Nếu tính trên hóa đơn thì giá trị tỉ lệ linh kiện nhập khẩu từ 60-70%. Còn lại khoảng 30-40% là nội địa”.
Khi được hỏi tỉ lệ nội địa gồm những gì? Ông Tam cho biết: “Đó là vỏ nhựa, dây nguồn điện, thùng xốp, bao bì giấy, nhân công lắp ráp… Mấy cái này mình được phép cộng vào. Mình tính thế thôi chứ không muốn tính nhiều hơn, rồi công bố là nội địa hóa đến 80-90%”.
Báo Tuổi Trẻ nói họ thắc mắc rằng nếu tỉ lệ nội địa hóa tính trên giá trị gồm những món như vậy thì tỉ lệ linh kiện nhập khẩu gần như 99%?
Cũng theo tờ này, ông Tam trả lời họ: “Đúng. Gần như là mình nhập 100%. Bên mình chỉ là khâu đầu – cuối, mình ráp lên, kiểm tra sản phẩm đạt thì cho ra thị trường.”
Liên quan phản ánh của Tuổi Trẻ về việc Asanzo ghi xuất xứ Việt Nam, made in Việt Nam trên sản phẩm bán ra thị trường, ông Tam chia sẻ: “Bản thân tôi cảm nhận là Asanzo tự lắp ráp rồi có các nhà cung cấp Việt Nam họ cung cấp thì mình ghi xuất xứ Việt Nam. Chứ chưa có văn bản nào ghi chính thức, hướng dẫn các doanh nghiệp như chúng tôi là hàng lưu hành nội địa có được ghi xuất xứ Việt Nam hay không?”
“Tôi có tìm hiểu, nhưng cơ quan nhà nước chỉ hướng dẫn với hàng xuất khẩu chứ không nói hàng tiêu thụ nội địa,” ông Tam nói, theo tờ Tuổi Trẻ.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-48718879
Hàng Trung Quốc đội lốt
hàng Việt chất lượng cao qua vụ Asanzo
Trung Khang, RFA
Vào ngày 21 tháng 6 năm 2019, báo Tuổi Trẻ trong nước cho công bố loạt bài Điều tra: ‘Asanzo – hàng Trung Quốc ‘đội lốt’ hàng Việt’. Loạt bài này gây chấn động trong dư luận vì theo quảng cáo của Asanzo thì công ty này sử dụng ‘đỉnh cao công nghệ Nhật Bản’ để sản xuất hàng điện tử gia dụng và sản phẩm của Asanzo được chứng nhận ‘Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn’.
Theo phóng sự của báo Tuổi Trẻ thì vào cuối năm 2018, hải quan từng phát hiện một doanh nghiệp nhập lò nướng thủy tinh nhãn hiệu Asanzo từ Trung Quốc khai báo gian dối. Từ thông tin này, sự thật dần hé lộ, không chỉ nhập hàng nguyên chiếc khai báo linh kiện, nay Asanzo còn gỡ tem ‘made in China’ rồi dán đè tem ‘xuất xứ Việt Nam’ lên sản phẩm bán ra thị trường.
Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Thương Mại, khi trao đổi với RFA hôm 24/6, đưa ra nhận định về thông tin vừa nêu:
Cái đó tôi nghĩ là bậy, mình lột nhãn người ta rồi mình dán nhãn mình, như thế là việc kinh doanh không chính đáng. Bị phát hiện sẽ phải bị trừng phạt, mà nặng thì theo tôi là mệt mỏi chứ không hề đơn giản.
-Nguyên Bộ trưởng Lê Văn Triết
“Cái đó tôi nghĩ là bậy, mình lột nhãn người ta rồi mình dán nhãn mình, như thế là việc kinh doanh không chính đáng. Bị phát hiện sẽ phải bị trừng phạt, mà nặng thì theo tôi là mệt mỏi chứ không hề đơn giản. Dù cách nói của anh như thế nào nhưng bản chất của vấn đề là anh làm ăn không sòng phẳng, nên không sớm thì muộn sẽ bị trừng phạt. Nếu ranh mãnh thì có thể có cái lọt, nhưng tôi nghĩ đi đêm có ngày gặp ma.”
Đây không phải lần đầu tiên một nhãn hiệu có tiếng tại Việt Nam dùng hàng Trung Quốc giả danh Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao. Vào tháng 10 năm 2017, công ty Khải Silk bị cho là lừa gạt khách hàng vì nhập khăn lụa Trung Quốc về gắn mác thương hiệu ‘Khaisilk-Made in Vietnam’ và bán với giá cao đã gây chấn động dư luận. Hành vi gian dối này ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh của Việt Nam như thế nào?
Theo nguyên Bộ trưởng Thương Mại, Lê Văn Triết, việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn:
“Hành vi đó là chết cho Việt Nam, làm sao mà Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao mà lột nhãn người ta dán nhãn mình, mà cái của người ta có phải ‘chất lượng cao’ đâu mà mình dám đưa vào của mình là ‘chất lượng cao’.”
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, hiện sống tại Hà Nội, việc các doanh nghiệp nhập nguyên phụ liệu Trung Quốc về sản xuất là phổ biến tại Việt nam. Ông cho biết, riêng ngành hàng may mặc của Việt Nam hiện nhập khoảng 40% nguyên phụ liệu của Trung Quốc, vì giá rẻ bất ngờ. Ông nói tiếp:
“Việc Asanzo nhập phụ kiện Trung Quốc về lắp ráp cũng nằm trong xu thế như vậy. Chỉ có điều Asanzo lại không gia công thêm, giá trị gia tăng trên đất Việt Nam của Asanzo là quá thấp, mà lại bóc mác ‘Made in China’ và dán mác ‘Made in Vietnam’ vào. Đấy là sự gian lận thương mại, vi phạm quy định về thương hiệu, nhãn hiệu, cần được xử lý…”
Chủ một doanh nghiệp phân phối hóa mỹ phẩm ở Sài Gòn không muốn nêu tên cho biết, đây là một kiểu làm ăn gian lận phổ biến ở Việt Nam, đã xảy ra từ lâu lắm rồi. Người tiêu dùng ở Việt Nam ai biết thì né, không biết thì phải chịu thôi. Ông nói tiếp:
“Ngòai Asanzo còn có những thương hiệu như máy quạt Sun House, Media… họ vẫn để nhãn mác Việt họ bán trong khi xuất xứ Trung Quốc rõ ràng. Đó là bề nổi, còn những lĩnh vực chìm bên trong như lĩnh vực mình phân phối là hóa mỹ phẩm, thì gần như 99% đối tác mua nguyên liệu Trung Quốc rồi về nhà làm, thay đổi nhãn mác thành nhãn Việt hết. Thậm chí có những người Trung Quốc qua bên này mời doanh nghiệp hóa mỹ phẩm, họ chỉ cần mình đứng tên, còn họ làm cho mình hết sản phẩm, bao bì, nhãn mác, tiếng Việt luôn, mình chỉ việc đứng tên. Thật sự là vậy đó.”
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trong thực tế có nhiều hơn một Asanzo, do đó việc kiểm soát cần được tăng cường. Cần phát huy hơn nữa vai trò của các hiệp hội nghề, tức là hiệp hội do các doanh nghiệp tổ chức lại, tự giám sát, sẽ có hiệu quả hơn… Còn Tổ chức Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao thì Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng phải rút kinh nghiệm từ chuyện này và có các quy trình giám sát nghiêm ngặt hơn.
Vào ngày 21 tháng 6 năm 2019, sau loạt bài của báo Tuổi Trẻ về gian lận của Asanzo, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã cho báo chí biết việc tước ngay quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao đối với doanh nghiệp ASANZO
Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã nhận lỗi với người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính về sai sót này.
Theo bà Hạnh, hành vi nhập hàng Trung Quốc ghi xuất xứ Việt Nam đã gây tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam vào hàng Việt, và ảnh hưởng xấu tới uy tín chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao.
Bà Hạnh cũng giải thích rõ thêm chỉ có 2 sản phẩm của Asanzo được chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao là: Tivi và Thiết bị Smart Box (cục bắt tín hiệu truyền hình mặt đất), còn các sản phẩm khác của Asanzo không được người tiêu dùng bình chọn.
Giá trị gia tăng trên đất Việt Nam của Asanzo là quá thấp, mà lại bóc mác ‘Made in China’ và dán mác ‘Made in Vietnam’ vào. Đấy là sự gian lận thương mại, vi phạm quy định về thương hiệu, nhãn hiệu, cần được xử lý…
-TS Lê Đăng Doanh
Anh Hoa Thanh Vo, một người dân tại Sài Gòn khi trao đổi với phóng viên RFA qua tin nhắn liên quan vấn đề này đưa ra nhận định:
“Nhà Nước Việt Nam hiện nay làm ra rất nhiều cơ quan để phòng chống hàng giả, tôi có thể ví như thế này ‘chỉ cần con ruồi bay qua họ đã biết con đực hay cái’. Vậy tại sao sao hàng Trung Quốc mang nhãn Việt vẫn tồn tại nhiều năm (!?).”
Nguyên Bộ trưởng Thương Mại, Lê Văn Triết, cho rằng nhà nước phải có chính sách rất rõ ràng về đầu tư. Theo ông, vấn đề này rất đa dạng và phức tạp, mà chính sách nhà nước đưa ra chưa tương ứng. Ông nói tiếp:
“Đó là phần nhà nước, còn phần doanh nghiệp thì phải đi vào con đường làm ăn chân chính, không dối trá, tắc trách, tráo trở… Làm ăn làm sao cho thật đàn hoàng, đường lối kinh doanh của mình phải được sát lập trong tất cả các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào hám lợi làm những chuyện đó thì nhà nước phải có những chế tài. Nếu không có chế tài thì người ta cứ lợi dụng những chuyện như thế để làm giàu. Đã có biết bao nhiêu người và doanh nghiệp làm như vậy mà không bị chế tài, không bị trừng phạt. Tôi cho rằng nhà nước phải chịu trách
nhiệm, tức là phải hết sức quyết liệt, chứ không thể nói miệng.Hội nghị đến nói cho nhiều rồi về mạnh ai nấy làm thì không được.”
Cho đến cuối ngày 24/6/2019, theo trang thông tin chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan xác minh việc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam.
Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Điện tử Asanzo hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 20/10/2016, sản xuất, kinh doanh các mặt hàng như: smart TV, bếp hồng ngoại, bình đun nước, lò nướng, nồi cơm điện, lò vi sóng, máy xay sinh tố, bàn ủi, máy lạnh, quạt, quạt làm mát và điện thoại đi động.
Nhập linh kiện TQ gắn mác VN:
Đừng lợi dụng lòng tin
Sản phẩm Việt sẽ chiếm được lòng tin và cảm tình của người tiêu dùng trong nước, chưa kể đó còn là tinh thần tự hào dân tộc.
Mấy ngày qua, sự việc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam bị phát hiện nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam đang khiến người tiêu dùng xôn xao. Vốn dĩ, nhiều người tưởng rằng những chiếc TV, máy điều hòa của Asanzo là hàng Việt Nam, chỉ đến khi biết rằng 70% linh kiện là hàng hóa Trung Quốc thì nhiều người mới té ngửa.
Thực ra, vụ việc này cũng có phần tương đồng với một vụ việc gây chấn động trước đây khi phát hiện sản phẩm lụa Khai Silk hóa ra cũng là hàng nhập từ Trung Quốc và gắn mác “Made in Vietnam” để lừa người tiêu dùng. Bởi vậy, nhiều người tiêu dùng cũng bày tỏ cảm xúc, nói rằng họ cảm thấy phẫn nộ, như mình bị lừa dối khi cứ tưởng rằng sản phẩm Asanzo là hàng sản xuất trong nước.
Đối với người tiêu dùng trong nước, việc họ lựa chọn hàng hóa “Made in Vietnam” ngoài lòng tin, cảm tình với hàng hóa nội địa còn có cả tinh thần tự hào dân tộc. Tự hào vì người Việt Nam đã sản xuất được những mặt hàng có chất lượng không thua kém hàng nhập ngoại, tự hào vì bàn tay và khối óc của những người thợ Việt Nam nên người tiêu dùng luôn có tâm lý sẵn sàng ủng hộ hàng Việt.
Thế nhưng, việc các doanh nghiệp “mập mờ” trong việc kê khai nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm để lợi dụng lòng tin và cảm tình của người tiêu dùng, thì có khác nào lừa dối? Một người tiêu dùng cho biết họ mua sản phẩm TV của Asanzo vì lời quảng cáo gây nhầm tưởng đây là hàng hóa Việt Nam sản xuất theo công nghệ Nhật Bản. Việc gỡ bỏ nhãn mác xuất xứ “Made in China” trên các sản phẩm, linh kiện để dán mác của Asanzo chắc chắn là 1 hành vi lừa dối khách hàng.
Thêm vào đó, việc “lách thuế” của doanh nghiệp khi có biểu hiện gian dối khi kê khai nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm khiến cho Nhà nước bị thiệt hại một số lượng tiền thuế khổng lồ. Nếu là hàng hóa nguyên chiếc nhập về sẽ phải chịu thuế thu nhập đặc biệt, còn khi tháo rời chúng và nhập theo dạng linh kiện thì sẽ tránh được khoản thuế này.
Nếu thực sự Asanzo có những biểu hiện gian dối trong việc kê khai nguồn gốc xuất xứ, đồng thời có biểu hiện né thuế tiêu thụ đặc biệt thì cần phải xử lý theo đúng các quy định của pháp luật. Bởi điều đó có nghĩa, doanh nghiệp này không chỉ phản bội lại lòng tin của người tiêu dùng trong nước mà còn vi phạm pháp luật về thuế.
Đừng giết chết lòng tin của người tiêu dùng trong nước vì những vụ việc tương tự như Khai Silk, bởi lòng tin ấy đã phải trải qua bao nhiêu khó khăn, vất vả, các doanh nghiệp làm ăn chân chính trong nước mới xây dựng được. Đằng này, chỉ vì những doanh nghiệp trốn thuế, gian lận mà niềm tin vào hàng Việt, chất lượng Việt bị ảnh hưởng, giống như bát nước hắt đi, khó lòng mà lấy lại.
Và, tại sao những vụ việc động trời như Khai Silk hay Asanzo, người tìm ra manh mối không phải là các cơ quan quản lý mà là do người tiêu dùng hay cơ quan báo chí?
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28906-nhap-linh-kien-tq-gan-mac-vn-dung-loi-dung-long-tin.html
Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU sắp ký,
lợi ích ‘khổng lồ’
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tiết lộ rằng dự kiến ngày 30/6, Hiệp định thương mại Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết ở Hà Nội.
Ông Phúc nói với truyền thông hôm 25/6: “EVFTA có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Việt Nam, là thời cơ lớn cho Việt Nam có đủ điều kiện hội nhập sâu hơn để tham gia vào thị trường khu vực, toàn cầu.”
EU cũng xác nhận Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom và Bộ trưởng Kinh doanh Romania Stefan-Radu Oprea sẽ bay sang Hà Nội ký ngày 30/6.
Tuyên bố của EU đưa ra ngày 25/6 sau khi Hội đồng châu Âu thông qua thỏa thuận.
EU nói các thỏa thuận sẽ đem lại “lợi ích chưa từng có” cho hai phía, đồng thời “thúc đẩy quyền lao động, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu”.
Thỏa thuận thương mại sẽ loại bỏ hầu hết thuế quan đối với hàng hóa hai bên, theo tuyên bố của EU.
Sau khi EU và Việt Nam ký, thỏa thuận lại còn phải đệ trình cho Nghị viện châu Âu chuẩn thuận.
Nếu Nghị viện châu Âu cũng thông qua, thỏa thuận thương mại sẽ được Hội đồng châu Âu duyệt lần chót để đi vào hiệu lực.
Đồng thời, thỏa thuận bảo hộ đầu tư còn chờ từng nước trong EU thông qua.
EU sẽ ký EVFTA với Việt Nam ‘trong hè này’
Về việc kêu gọi EU ‘hoãn FTA’ vì nhân quyền ở VN
EVFTA: Còn cố gắng thông qua trước tháng 5/2019
Ủy ban châu Âu ca ngợi việc thông qua EVFTA
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh mới đây thăm châu Âu, làm việc với các nước nhằm thúc đẩy thông qua việc ký và phê chuẩn EVFTA, IPA giữa Việt Nam – EU.
Giữa năm ngoái, Việt Nam và EU đã thống nhất tách EVFTA thành 2 hiệp định với phần chính hiệp định cũ là Hiệp định thương mại tự do (FTA) và phần còn lại là Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA).
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong Asean, chỉ sau Singapore.
Hiệp định cũng bao gồm các điều khoản cụ thể gỡ bỏ các trở ngại về mặt kỹ thuật, ví dụ như trong ngành ô tô, và sẽ đảm bảo 169 sản phẩm đồ uống và thực phẩm của EU được công nhận và bảo hộ về Chỉ dẫn Địa lý tại Việt Nam.
EU khẳng định nhờ có hiệp này, các công ty Châu Âu sẽ có thể tham gia vào các gói đấu thầu mua sắm công ở Việt Nam một cách bình đẳng như các công ty trong nước.
Ngoài ra, Hiệp định (tự do thương mại) cũng ràng buộc hai bên phải tôn trọng và triển khai có hiệu quả các nguyên tắc của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về các quyền căn bản của người lao động.
Việt Nam gần đây đã phê chuẩn Công ước của ILO về Quyền Tổ chức và Thương lượng Tập thể, và đã thông báo với EU ý định phê chuẩn hai công ước căn bản còn lại của ILO muộn nhất là vào thời điểm năm 2023.
Thêm vào đó, hiệp định tự do thương mại có một kết nối về mặt pháp lý và thể chế với Hiệp định Khung về Hợp tác và Đối tác Toàn diện Việt Nam – EU (PCA), cho phép có những hành động phù hợp trong trường hợp các quyền con người bị vi phạm, theo lời EU.
Hiệp định về bảo hộ đầu tư bao gồm các quy định hiện đại về bảo hộ đầu tư cho phép việc thực thi và triển khai thông qua Hệ thống mới Tòa án về Đầu tư đồng thời vẫn đảm bảo các chính phủ cả hai phía có quyền điều tiết các lợi ích của công dân
‘Rất khó đoán’
Trước đó, hôm 20/6, trả lời BBC, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú, chuyên gia kinh tế từ Đại học Strasbourg, Pháp, nói:
“Việc đại sứ EU nói EVFTA sẽ được đưa ra nghị viện châu Âu phê chuẩn vào cuối tháng 6 đầu tháng 7 là tin tốt, sau nhiều tháng trì hoãn.”
“Tuy nhiên, quá trình thảo luận ở nghị viện EU thì chúng ta khó đoán trước được vì đây là các nghị sĩ EU khóa mới (mới được bầu vào tháng 5/2019), mà hình như xu hướng dân tộc chủ nghĩa và bảo hộ mậu dịch trong khóa này có vẻ cao hơn trước đây. Chẳng hạn ở Pháp thì số nghị sĩ EU của đảng cực hữu của bà Le Pen và đảng của tổng thống Macron bằng nhau.”
“Nếu nói là kết quả này đạt được nhờ phái đoàn Việt Nam vận động hay không thì tôi nghĩ là có. Việc dùng lobby ở châu Âu hay ở Mỹ là bình thường. Nếu như nghị viện EU thông qua EVFTA thì rất tốt cho hàng hóa Việt Nam, có khả năng vào châu Âu tăng cao hơn trước đây.”
“Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng hàng hóa Việt Nam cần phải theo chất lượng châu Âu nghiêm ngặt. Điều này cũng tốt cho cách làm ăn kinh tế của các doanh nghiệp Việt.”
Ông Phú cũng bình luận thêm:
“Theo dõi về việc tường thuật về EVFTA, tôi thấy báo chí Việt Nam ít đưa tin về các thảo luận liên quan đến yếu tố chính trị.”
“Đến nay, nhiều nghị sĩ và tổ chức hiệp hội EU đã lên tiếng về việc cần đưa vấn đề nhân quyền vào việc thảo luận EVFTA với Việt Nam, nhưng chắc các báo Việt Nam tránh nhắc tới yếu tố này.”
“Thực ra, theo quan sát cá nhân, thì trong quá khứ, nghị viện châu Âu ít có tác động chính trị lên các nước ngoài châu Âu về các vấn đề chính trị, nhân quyền. Điển hình là trường hợp Iran, ta thấy trong các nước dân chủ thì chỉ có Mỹ mới có ảnh hưởng thực sự.”
“Do đó, theo tôi, các mong đợi về thay đổi chính trị kèm theo EVFTA rất khó đoán trước được.”
Hồi tháng 1/2019, bà Jude Kirton-Darling, dân biểu EU, cho BBC biết Romania đã ghi trong chương trình làm việc tạm thời là Hội đồng Châu Âu chỉ có thể ký FTA và IPA “sớm nhất là cuối tháng 5/2019”.
“Đến tháng Năm, có lẽ Hội đồng Châu Âu sẽ ký FTA, rồi để Nghị viện châu Âu khóa sau có thể bỏ phiếu,” bà Kirton-Darling nói với BBC.
Thời điểm đó, báo Việt Nam trích lời bà Kim Ngân bày tỏ mong muốn Nghị viện châu Âu sớm phê chuẩn EVFTA.
Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định Việt Nam “luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp của các nhà hoạch định chính sách kinh tế và doanh nghiệp châu Âu để Hiệp định được triển khai một cách hiệu quả nhất, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên”.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) ban đầu kết thúc đàm phán tháng 12/2015.
Ngày 26/6/2018, để hiệp định có thể sớm hoàn tất, EVFTA được tách làm hai hiệp định, một về thương mại ̣(FTA) và một về bảo hộ đầu tư (IPA).
Tháng 8/2018, hai bên hoàn tất việc rà soát pháp lý đối với FTA và IPA.
FTA thuộc thẩm quyền ký kết của Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu.
IPA cần được Nghị viện châu Âu và nghị viện các nước thành viên phê chuẩn.
Quan hệ Việt Đức khôi phục trước khi EVFTA thông qua?
Xuất nông sản VN sang EU và cơ hội khép dần lại
Ý kiến một người dân
Hôm 24/6, bà Ngô Thị Thứ, giáo viên trung học nghỉ hưu, nói với BBC từ TP.Hồ Chí Minh: “Tôi mong EU lập văn phòng về nhân quyền để ghi nhận ý kiến của người dân vì Nhà nước Việt Nam lúc nào cũng nói đảm bảo tôn trọng nhân quyền nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại.”
“Ngoài ra, một vấn đề khác đáng chú ý là Quốc hội Việt Nam đang bàn sửa đổi luật về công đoàn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm đã biết về xã hội dân sự thì khá chắc nhà nước sẽ cho lập một số công đoàn độc lập trá hình và cũng sẽ đe dọa, làm khó những ai có ý định thành lập công đoàn độc lập thật sự.”
“Tôi mong EU có thể lập và công bố một văn phòng trợ giúp công đoàn để những nhóm muốn lập công đoàn độc lập có thể thông báo trực tiếp những khó khăn họ gặp phải từ chính quyền.”
“EU có thể giúp huấn luyện những ai muốn học cách thành lập, cách sinh hoạt công đoàn độc lập, và các ràng buộc pháp lý của Nhà nước Việt Nam đối với EU trong lãnh vực công đoàn và nhân quyền.”
“Một đề xuất khác là EU nên có bộ phận nhận các báo động trực tiếp của người dân Việt Nam về những vụ gian lận hàng Trung Quốc đột lốt hàng Việt Nam để tránh thuế. Sự gian lận đó đánh mất nhiều công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam và có thể cũng vi phạm hiệp định EVFTA.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48660429
Cảnh báo khai thác công nghiệp gây ô nhiễm
đang vây bủa Vịnh Hạ Long
Hòa Ái, RFA
Trong những ngày hạ tuần tháng 6 năm 2019, giới chuyên gia lên tiếng cảnh báo tình trạng ô nhiễm môi trường ở Vịnh Hạ Long sẽ bị rơi vào mức độ “nguy hiểm” trước các hoạt động công nghiệp hiện nay của tỉnh Quảng Ninh.
Các nhà máy công nghiệp bủa vây
Truyền thông trong nước một lần nữa loan tin về phản ánh của người dân ở khu vực Vịnh Cửa Lục, thuộc quần thể Vịnh Hạ Long đang phải “sống mòn” trong môi trường ô nhiễm bởi các nhà máy nhiệt điện, xi măng và các cảng than mà báo giới quốc nội dùng từ “bủa vây” để mô tả.
Trước đó, hồi đầu tháng 4, dân chúng sinh sống xung quanh khu vực các mỏ đá ở thôn Đồng Cao, xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh, nơi được gọi là “thủ phủ” của các mỏ khai thác đá và các trạm trộn bê tông nhựa asphalt hoạt động, than phiền với Tạp chí điện tử Môi trường & Cuộc sống rằng họ phải chung sống ngày đêm với khói, bụi, tiếng ồn, khí thải khét lẹt, đất đai khó canh tác trong hơn 10 năm qua. Và trong những ngày hạ tuần tháng 6, Báo Lao Động Oline cho biết các hộ dân ở huyện Hoành Bồ lại còn phải hứng chịu khói bụi mịt mù từ hai nhà máy xi-măng cùng hai nhà máy nhiệt điện Thăng Long và Quảng Ninh. Song song đó, hoạt động tại các cảng than ở bờ sông Diễn Vọng cũng gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân địa phương vùng Vịnh Cửa Lục.
Không những vậy, những mỏ than đang khai thác ở phường Hà Khánh, thành phố Hạ Long, cách huyện Hoành Bồ khỏang 15 km về hướng Tây Bắc, còn bị hiện tượng than trôi đen các con suối đổ ra Vịnh Cửa Lục mỗi khi có trời mưa lớn. Các trụ sở làm việc của cơ quan công quyền ở phường Hà Khánh được báo giới ghi nhận luôn phải làm việc trong tình trạng đóng kín cửa sổ và một lớp bụi xi-măng màu trắng phủ kín hành làng và bàn làm việc…
Cảnh báo của giới chuyên gia
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra bởi các nhà máy công nghiệp và hoạt động khai thác khoáng sản than ở Quảng Ninh gây nên, giới chuyên gia cho rằng môi trường thiên nhiên của Vịnh Hạ Long, hai lần được công nhận là Di sản thế giới vào năm 1994 và năm 2000 sẽ bị rơi vào “nguy hiểm”.
Thực chất là thế này, trong kinh nghiệm làm báo của tôi là họ bảo kê cho những việc đó. Họ bảo kê hết. Họ biết quá đi chứ, nhưng họ có quyền lợi trong đó. Hầu hết các trường hợp như thế đều đút lót hết, chứ không thể nào không biết. Nói thẳng vấn đề là như thế
-Nhà báo Võ Văn Tạo
Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục biển và hải đảo, ông Nguyễn Chu Hồi được Báo Lao Động Online dẫn lời rằng sau chuyến khảo sát có ông tham gia thì kết quả cho thấy Vịnh Cửa Lục đã trở thành “vành đai nâu” với diện tích được ước tính đã giảm 40% do các hoạt động thi công đổ lấn vịnh, đồng thời nguồn nước từ 6 con sông đầu nguồn đổ ra Vịnh Cửa Lục nếu không được xử lý tốt thì Vịnh Hạ Long sẽ gánh chịu hậu quả, vì sự trao đổi nước giữa hai vịnh này là rất lớn.
Báo Lao Động Online còn trích lời cảnh báo của ông Trương Quốc Bình, người trực tiếp tham gia làm hồ sơ trình UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới rằng rừng càng ngày bị thu hẹp, trong khi các hoạt động lấn biển và sản xuất xung quanh Vịnh Hạ Long chưa có biện pháp xử lý tốt.
Diện tích rừng ngập mặn khu vực Bắc Vịnh Cửa Lục được ghi nhận hồi năm 2017 đã giảm gần 160 héc-ta so với năm 2013 và chất lượng rừng cũng được giới chuyên gia xác nhận ngày một kém đi do ảnh hưởng của quá trình san lấp.
Thạc sĩ Lâm nghiệp Nguyễn Huỳnh Thuật, một chuyên gia làm việc trong lãnh vực bảo vệ rừng, vào tối ngày 24 tháng 6 giải thích với RFA về vai trò quan trọng của rừng ngập mặn xung quanh khu vực Vịnh Hạ Long
“Rừng ngập mặn có chức năng thanh lọc không khí và nước. Nếu rừng không bị phá và kết hợp với các nhà máy, xí nghiệp xả thải đúng tiêu chuẩn quy định thì có thể cân bằng hoặc là bản thân của thiên nhiên có thể thanh lọc và làm cho nước và không khí được quân bình. Tuy nhiên khi bị mất sự cân bằng thì có các nguyên nhân vì rừng bị phá đi nhiều, nhất là rừng ngập mặn nên môi trường không khí và nước đều bị ô nhiễm và bây giờ các nhà máy công nghiệp ngày nhiều và máy móc vận hành lỗi thời, kết hợp với cả du lịch và ở Vịnh Hạ Long cũng không loại trừ các hộ dân canh tác sử dụng họa chất nữa và các cơ quan môi trường quản lý cũng còn lỏng lẻo… Cho nên phải nhìn đa ngành, chứ không chỉ do các nhà máy công nghiệp xả thải thôi. Khi mất đi sự liên kết cân bằng thì thực tế sẽ xảy ra ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn và con người chúng ta ‘tự tử’ một cách từ từ khi làm như vậy.”
Công tác của cơ quan chức năng
Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) vào mùa hè năm 2018 đã tổ chức một đoàn tư vấn bởi các chuyên gia quốc tế nhằm hỗ trợ Chính quyền tỉnh Quảng Ninh quản lý du lịch bền vững và bảo vệ môi trường tại Vịnh Hạ Long, đặc biệt trong vấn đề ô nhiễm do rác và nước thải.
Một hướng dẫn viên du lịch không muốn nêu tên nhận xét với RFA:
“Nói về hoạt động du lịch ngay trên Vịnh Hạ Long thì vấn đề rác là sạch hơn xưa. Trước đây ở Hạ Long rất dơ vì người ta xả rác ra môi trường, từ người dân cho đến các làng chài. Còn bây giờ bị cấm hết, không cho buôn bán trên thuyền bè nữa. Thêm nữa là bây giờ ý thức của khách du lịch cũng đỡ hơn, tức là họ nhận thức về việc không được xả rác xuống biển để bảo vệ môi trường. Tuy cũng còn những trường hợp theo luồn gió đẩy rác trên dòng nước từ chỗ này qua chỗ khác, nhưng nói chung là mỗi ngày tôi thấy càng tốt hơn.”
Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh ước tính trong năm 2018 có hơn 12 triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan Vịnh Hạ Long, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2017 và thu về gần 24 ngàn tỷ đồng. Ngành du lịch của tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 16 triệu du khách và thu về từ 30 đến 40 ngàn tỷ đồng cho đến cuối năm 2020.
Mặc dù tỉnh Quảng Ninh rất cố gắng trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác và nước thải, trong đó có dự án “Bảo vệ môi trường thành phố Hạ Long”, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi ODA của Nhật Bản; tuy nhiên tình trạng ô nhiễm môi trường bởi các hoạt động của những nhà máy công nghiệp thì dường như là nan giải đối với chính quyền địa phương.
Trước phản ánh của người dân ở xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ và ký đơn tập thể kêu cứu với chính quyền địa phương, ông Trần Đình Giang, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thống Nhất thừa nhận với Tạp chí điện tử Môi trường & Cuộc sống rằng chính quyền xã bị bất lực vì đã xuống kiểm tra các mỏ khai thác đá và trạm trộn bê tông asphalt nhưng các đơn vị trên không hợp tác.
Vịnh sẽ chết và nước sẽ bị ô nhiễm, khách du lịch không đến nữa rồi dân chúng ở Vịnh Hạ Long sẽ mất nguồn thu và vấn đề niềm tin trong bảo vệ môi trường cũng bị mất…Đó là thực trạng sẽ diễn ra thôi
-Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật
Trong khi đó báo giới cũng không ít lần phanh phui các hoạt động khai thác đá trái phép hay những công trình sai phạm ở Vịnh Hạ Long. Thế nhưng công tác quản lý và xử lý của Chính quyền tỉnh Quảng Ninh được báo giới ghi nhận chưa đạt hiệu quả cao, điển hình như vụ việc Lữ đoàn Hải quân 107 hồi tháng 7 năm 2017 bị phát hiện lợi dụng công trường trong ranh giới quốc phòng để đưa tư nhân vào khai thác đá, tàn phá cả một vùng đệm ở khu vực phường Hà Tu mà Bí thư tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Đọc chỉ tuyên bố rằng đây là bài học trong việc quản lý đất, dự án quốc phòng trên địa bàn của địa phương và đã không cho biết biện pháp xử lý như thế nào.
Nhà báo Võ Văn Tạo từng nhấn mạnh với RFA liên quan các vụ việc vừa nêu:
“Thực chất là thế này, trong kinh nghiệm làm báo của tôi là họ bảo kê cho những việc đó. Họ bảo kê hết. Họ biết quá đi chứ, nhưng họ có quyền lợi trong đó. Hầu hết các trường hợp như thế đều đút lót hết, chứ không thể nào không biết. Nói thẳng vấn đề là như thế.”
Trả lời câu hỏi của RFA rằng các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh không đánh giá đúng mức tình trạng ô nhiễm môi trường ở Vịnh Cửa Lục và có những giải pháp bảo vệ môi trường kịp thời thì hậu quả sẽ ra sao, Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật khẳng định rằng:
“Vịnh sẽ chết và nước sẽ bị ô nhiễm, khách du lịch không đến nữa rồi dân chúng ở Vịnh Hạ Long sẽ mất nguồn thu và vấn đề niềm tin trong bảo vệ môi trường cũng bị mất…Đó là thực trạng sẽ diễn ra thôi.”
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ:
tình hình tự do tôn giáo Việt Nam còn xấu
Tin từ Washington DC, ngày 25/6/2019: Theo phúc trình hàng năm về tình trạng tự do tôn giáo toàn cầu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam còn tăm tối, vì nhà cầm quyền vẫn có nhiều hình thức sách nhiễu và đàn áp tôn giáo trong năm 2018.
Theo đó, nhà cầm quyền thường xuyên sử dụng các nhóm ngoài chính phủ để đàn áp các cộng đồng tôn giáo độc lập với chính quyền, theo kế “ném đá giấu tay”. Thí dụ như sử dụng chi phái Cao Đài do cộngsản dựng lên năm 1997 để xâm phạm đến quyền tự do tôn giáo và nhân quyền của các tín đồ Cao Đài nguyên thuỷ. Hoặc sử dụng hội cờ đỏ để trấn áp các giáo xứ Công Giáo ở Nghệ An-Hà Tĩnh lên tiếng phản đối về chính sách đền bù không thoả đáng cho các thiệt hại do nhà máy Gang Thép Formosa gây ra trong vụ nhiễm độc môi sinh năm 2016.
Việt Nam cũng thực hiện chính sách ép bỏ đạo đối với các tín đồ Tin Lành thuộc sắc dân Hmong ở Tây Bắc và người Thượng ở cao nguyên Trung Phần.
Bản phúc trình nói nhà cầm quyền ở nhiều địa phương xâm phạm tài sản của nhiều tổ chức và cộng đồng tôn giáo, và các trường hợp điển hình là phá vỡ chùa Liên Trì ở Sài Gòn, chùa An Cự ở Đà Nẵng, Đan viện Thiên An ở Huế…với mục đích phá dỡ cơ sở tôn giáo và cướp đất.
Bản phúc trình cũng nêu lên những trường hợp đàn áp tôn giáo nhỏ, như việc kẻ gian phá hoại tài sản của gia đình Chánh trị sự Cao Đài Hứa Phi ở Lâm Đồng, án tù đối với các tín đồ Phật giáo Hoà Hảo liên quan đến dạo tràng Út Trung, việc một số tu sĩ Công Giáo bị chặn không được làm lễ ở một số địa điểm thuộc tỉnh Lào Cai…
Trước đó, vào ngày 29/4, Uỷ hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế công bố bản phúc trình về Việt Nam, và tiếp tục kêu gọi Bộ Ngoại giao đưa Việt Nam trở lại danh sách Quốc gia Cần Quan tâm (Country of Particular Concern – CPC).
Ngày 27/6 sắp tới, Uỷ hội Nhân quyền Tom Lantos của Hạ viện Hoa Kỳ sẽ triệu tập buổi điều trần về tình trạng đàn áp tôn giáo, đặc biệt là các cộng đồng Thiên Chúa giáo. Vấn đề Việt Nam cũng sẽ được nêu lên.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/bo-ngoai-giao-hoa-ky-tinh-hinh-tu-do-ton-giao-viet-nam-con-xau/